Lê Hoan – Mấy dòng sự kiện và những phẩm bình

TS. Khổng Đức Thiêm (Hà Nội)

clip_image002

Lê Hoan

 

1. BIÊN NIÊN MỘT QUÃNG CUỘC ĐỜI

Ngày 18-5-1892

Nhờ những thông tin do Tuần phủ Hưng Hóa Lê Hoan cung cấp thông qua vai trò trung gian của viên Cai tổng Trung Hà, nghĩa quân sông Đà dưới sự chỉ huy của Đốc Ngữ – Tống Duy Tân đã chủ động tấn công vào đạo quân Pháp do Đại tá Pennequin cầm đầu, diệt 8 sĩ quan, 70 binh lính.

Nguồn: Le Courrier d’Haiphong (19-1-1897)

Trong năm 1892

Tuần phủ Hưng Hóa gửi thư cho Đề Kiều: “Lúc này chống với quân Pháp phỏng có ích gì, vì họ mạnh hơn. Chúng ta hãy làm như đã từ bỏ sự nghiệp của người nước Nam, mà chỉ thân thiện với Pháp thôi. Chúng ta phải kiên trì, rồi một ngày kia chúng ta sẽ tập hợp chống lại chúng và tống chúng ra biển. Thời cơ lúc này chưa đến. Tốt hơn hết là hãy ru ngủ chúng bằng tình bạn giả vờ của chúng ta”.

Nguồn: Báo cáo của Đại tá Pennequin gửi cho Tổng chỉ huy quân đội (CAUM – Indo GGI, Hồ sơ số 19.243)

Tháng 10 và 11-1893

Triệt chức Tổng đốc Bắc Ninh Vũ Quang Nhạ cho trở về Nha Kinh lược, lấy Tuần phủ Hưng Hóa Lê Hoan thay thế… Lúc bấy giờ việc thăng đổi triệt bãi quan lại Bắc Kỳ từ Tổng đốc, Tuần phủ trở xuống đều do Kinh lược sứ bàn bạc với Thống sứ thi hành rồi gửi điện văn tự cho Cơ mật viện tâu lên.

Nhận chức Tổng đốc Bắc Ninh, Lê Hoan được lệnh đem 200 lính khố xanh, 600 lính cơ phối hợp với Thiếu tá Valance tiến vào Yên Thế. Trong khi quân Pháp tiến hành các cuộc càn quét thì Lê Hoan tìm mọi cách liên hệ với nghĩa quân đang đóng ở Tràng Lang – Yên Lãng (Đại Từ, Thái Nguyên), nhờ thủ lĩnh Dũng đoàn Phùng Quý Phúc ở Chợ Mới (Bạch Thông, Bắc Kạn) làm trung gian cho cuộc nghị hòa

Nguồn: – Đại Nam thực lục (Chính biên, Đệ lục kỷ, Q.V)

Thư của Thân Văn Phức gửi Lê Hoan ngày 18-11 năm Thành Thái thứ 5 (6-12-1893)

Thư của Phùng Quý Phúc gửi Lê Hoan cùng ngày

Cuối tháng 11-1893

Phùng Quý Phúc đưa phái viên là Khâu Bảo Kế gặp gỡ Thân Văn Tảo, Hoàng Vân Sơn do Thân Văn Phức cử đến. Tiếp theo, đích thân Thân Văn Phức lên Chợ Mới gặp người của Lê Hoan để thương thuyết, chấp nhận thông qua người vợ của Phùng Quý Phúc cùng một tỳ tướng mang các văn bằng ấn tín về bái nạp cho Lê Hoan ở Yên Thế.

Theo thỏa thuận, đến xuân sau, tức là đầu năm Giáp Ngọ, Thân Văn Phức sẽ mang các thuộc hạ gồm Đề đốc Nguyễn Văn Trứ, Lãnh binh Nguyễn Văn Vi, Lãnh binh Nguyễn Văn Công (người xã Vân Cầu), Đề đốc Thân Văn Luận, Đề đốc Hoàng Đình Thám (người xã Ngọc Cục), Lãnh binh Nguyễn Văn Chiếu (người xã Lam Quật) cùng khoảng 150 binh lính, 100 súng ống về cửa đồn Yên Thế đầu thú.

Nguồn: Thư của Thân Văn Phức gửi Lê Hoan, đd.

Ngày 6-12-1893

Phùng Quý Phúc gửi thư tới Lê Hoan, nói rằng:

“Gần đây các vị phái viên của Ngài cùng đi với người nhà tôi là Khâu Bảo Kế về gặp bọn Hoàng Vân Sơn và Thân Văn Tảo theo các đồ vật, tôi đã kiểm kê, nhận lãnh, dùng làm đồ quý bên mình. Tôi thấy rõ lòng ưu ái của Ngài và đội ơn không bờ bến vậy.

Hôm trước đây, tôi đã mời các vị phái viên của Ngài cùng với ông Thân [Văn Phức] tề tựu tại công sở tôi gặp nhau đã thương nghị xong.

Trong khi tiếp chuyện, bọn họ nói rằng: – hiện nay năm đã gần hết, mà việc thì thuộc về đại cục, đã xin lập đàn làm chay, nhưng chưa kịp cúng tế. Xin chờ xuân sang, trước tiên tôi sẽ báo gấp, rồi họ sẽ đưa thuộc hạ về cửa đồn Yên Thế chờ lệnh. Nhân dịp, tôi ủy nhiệm vợ tôi đem theo 10 tên, 1 tỳ tướng và 5 tên lính Tàu của họ, vào cuối tháng này tới cửa Ngài bái bẩm. Nhưng đường họ đi qua là thuộc hạt khác, vậy xin Ngài thương lượng với quan Thống sứ cấp cho giấy thông hành, để khỏi bị trở ngại.

Việc này do tôi sắp đặt, quyết sao được vẹn toàn, không phụ lòng ủy thác, xin Ngài đừng ngờ”.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc gửi Lê Hoan, đd

Ngày 15-12-1893

Phùng Quý Phúc gửi thư tới Lê Hoan phản kháng việc binh lính ở đồn Chợ Mới chưa thấy dời mà lực lượng tại Phố Đu lại gia tăng khiến cho dân chúng sắp nhóm họp phải kinh hoàng di tản.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc gửi Lê Hoan ngày 27-11 năm Thành Thái thứ 5 (15-12-1893)

Ngày 12-1-1894

Phùng Quý Phúc và Thân Văn Phức cùng ký trong thư gửi tới Lê Hoan cho rằng, hiện đang trong thời gian quyết định lời giao ước mà tăng thêm lính tráng vây bủa sẽ chỉ có thêm phần hồ nghi bất lợi. Người quân tử chỉ nói một lời là quyết định. Nước trong đá tự hiện, lâu ngày biết lòng người. Mong được xét kỹ lưỡng giúp đỡ, người trên thi hành chữ tín, kẻ dưới thờ bằng chữ thành.

Nguồn: Thư của Phùng Quý Phúc và Thân Văn Phức gửi Lê Hoan ngày 6-12 năm Thành Thái thứ 5 (12-1-1894)

Ngày 20-1-1894

Hoàng Hoa Thám gửi thư cho Lê Hoan, nói rằng:

“Tôi mấy năm nay là thuộc hạ của quan Tán tương họ Thân (tên là Phức) xướng nghĩa dấy quân, muốn lấy việc yên dân làm gốc.

Mới đây tôi đang đóng quân tại đồn Tràng Lang thì tiếp lệnh của các ngài Thân, Phùng gọi về để thương thảo việc nghị hòa. Sau đó quan Tán tương đã từng đệ thư về tỉnh trình bẩm rõ ràng. Tôi tưởng việc binh hết điều lo ngại. Tháng trước tôi điều động 200 lính và súng đạn trở về địa phận Yên Thế trú đóng im lặng để được từ từ quan sát cuộc hòa đàm chứ không hề dám động binh. Ấy vậy mà không biết mấy ông quan Tây dụng ý làm sao mà cứ thường thường đem quân truy tầm tuần tiễu, tình hình thật là căng thẳng khiếp sợ. Tôi bất đắc dĩ phải đem quân ứng chiến. Hiện nay dân trong hai hạt Yên Thế và Yên Dũng còn cất giấu súng đạn rất nhiều. Có kẻ mạo danh là súng ống của quân nghĩa, có người lại dùng súng ống để đi cướp bóc. Riêng số súng ống của tôi đang gửi cất tại các xã thôn có tới ba bốn chục cây, khi phái người đi đòi lại cũng có người chưa chịu đem nộp…

Vả chăng quan Tán tương Thân Phức như là cha mà chúng tôi như là con. Ý cha như thế nào thì ý con như thế ấy. Việc hòa giải kia đâu dám sai trái.

Hiện chúng tôi đang trú tạm trong sơn phận 3 tổng Yên Thế, Hữu Thượng, Đức Lân, luôn bị quan Tây tuần tiễu. Nếu chúng tôi không đánh lại thì sợ lỡ mất quân cơ, mà đánh lại thì sợ sinh chuyện.

Trộm nghĩ rằng: kiên trì chiến đấu thì dân khổ vì nạn binh đao, chi bằng hướng hóa dùng hòa giải thì mọi người được an cư lạc nghiệp”.

Thư đề xuất 5 điều, trong đó đề nghị Lê Hoan chủ động đề ra các điều khoản nghị hòa, chấm dứt tuần tiễu, để nghĩa quân qua lại dễ dàng trên địa bàn Yên Thế và Yên Dũng, thả những người đang bị giam giữ ở đồn Lục Giới, Mục Sơn và nhà lao Bắc Ninh, ủy Thân Văn Tảo chờ lệnh.

Nguồn: Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan ngày 14-12 năm Hàm Nghi thứ 9 (20-1-1894)

Ngày 21-1-1894

Hoàng Hoa Thám phúc đáp thư của Lê Hoan và Lê Hoan túc trình Hoàng Cao Khải.

Thư của Hoàng Hoa Thám có đoạn:

“Ty chức đã tiếp thư Ngài, sau khi đọc xong, hết sức vui mừng thân thiết như gặp mặt bàn bạc. Về cuộc nghị hòa, đã được Ngài xử trí thỏa đáng. Chúng tôi lòng phục và cảm tạ muôn phần.

Trộm nghĩ: quan văn quan võ đều là kẻ giúp việc triều đình, đâu có điều không hợp ý. Ty chức xin trú quân tại các tổng Yên Thế và Hữu Thượng, giữ yên lặng và chỉnh đốn binh lính, súng đạn, đợi tới xuân năm sau, sẽ tính cuộc nghị hòa”.

Tờ tấu trình của Lê Hoan có đoạn:

“Nếu ta xem xét các lá thư của bọn chúng gửi về trước đây nhiều lần thì nó mang nhiều ý nghĩa khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nay tên Phức đã phái người mang súng ống, văn bằng, ấn tín nộp trước để làm tin, tưởng cũng là một hành động thành thực. Chỉ có việc bọn chúng còn xin đợi đến trung tuần mùa xuân năm sau, thời gian là chậm. Mà Phức và Thám là hai lão khấu, lâu năm rất là kiệt hiệt, có hàng trăm mưu ma chước quỷ. Phương chi tình hình giặc khó dò, chưa rõ thật giả. Hãy chờ tới ngày bọn chúng xuất thú ra sao mới khỏi lo ngại”.

Nguồn: – Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan ngày 15-12 năm Hàm Nghi thứ 9 (21-1-1894)

Túc trình của Lê Hoan lên Hoàng Cao Khải ngày 15-12 năm Thành Thái thứ 5 (21-1-1894)

Ngày 15-2-1894

Thân Văn Phức mang 76 thủ hạ, 54 súng tới Cao Thượng “quy hàng”.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine

Tháng 3 và 4-1894

Lê Hoan và Hoàng Hoa Thám tiếp tục thương thảo.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine

Ngày 18-5-1894

Công sứ Bắc Ninh đem 450 quân, được các đồn binh Nhã Nam và Bố Hạ tăng cường hơn 100 binh lính, 1 sơn pháo đánh chiếm làng Lèo, làng Mạc, phong tỏa đồn Hố Chuối. Lê Hoan đem 600 lính cơ chốt giữ Luộc Hạ, ngầm đưa Thân Văn Phức tiếp cận với Hoàng Hoa Thám.

Nguồn: Histoire militaire de l’Indochine

Ngày 19-5-1894

Hoàng Hoa Thám gửi thư phản kháng tới Lê Hoan, nói rằng:

“Từ khi tôi được hiểu dụ đem đồ đảng quy thuận, thường được quan lớn lưu ý chu toàn, thế mà đêm hôm nay hồi 12 giờ chợt thấy quan Thương tá họ Thân đem đạn đại bác đến để ở dinh thự của tôi, châm lửa xong bỏ chạy. Đạn đại bác nổ, làm tan nát hết nhà cửa của tôi. May thày trò tôi được an toàn. Việc làm thật ngạc nhiên, tôi lấy làm đáng sợ. Vậy kính bẩm quan lớn xét việc này thế nào, trả lời hiểu bảo, để tôi được an tâm tiếp nhận sự phủ dụ, mong được hoàn toàn”.

Nguồn: Thư của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan đêm 13-4 năm Thành Thái thứ 6 (19-5-1894)

Ngày 20-5-1894

Hoàng Hoa Thám phúc đáp thư của Lê Hoan, có đoạn nói rằng:

“Nay tôi nhận được giấy quan lớn trả lời, tôi đã lãnh hội được đại ý. Bản tâm tôi chỉ muốn an nghiệp làm ruộng nên đã 3-4 lần đến bái yết ở Viên môn, đâu được quan lớn tỏ ý chu toàn, tôi tự nghĩ cũng lấy làm yên ủi một chút. Tôi vẫn thành tâm muốn mời quan lớn và quan Công sứ đến trụ sở của tôi để được tỏ bày tâm sự. Đợi đến khi công việc xong xuôi sẽ đến Viên môn giúp việc. Không ngờ đêm mới rồi, chủ nhân của tôi là ông Thân gây ra họa căn rồi ngầm bỏ chạy, trình tự như thế, thật đáng kinh sợ”.

Nguồn: Thư phúc đáp của Hoàng Hoa Thám gửi Lê Hoan ngày 14-4 năm Thành Thái thứ 6 (20-5-1894)

Ngày 21-5-1894

Lê Hoan gửi phúc trình tới Hoàng Cao Khải, có đoạn như sau:

“Chiều hôm qua, quan ba khố đỏ Nhã Nam về đồn, quan Phó sứ Lạng Giang đưa xác viên suất đội Tây bị chết trận về chôn ở đồn Cao Thượng. Quan sứ và quan ba khố xanh đều bị thương nhẹ, sáng nay về tỉnh điều trị. Lính tập các đạo đều lần lượt rút về.

Trộm nghĩ: quan quân tiến tiễu một trận phủ đầu, tuy chưa thu được thắng lợi nhưng đã phá được tiền đồn và các nơi sào huyệt, vận lương của địch, đảng nghịch chỉ chạy dài, đem nhau tụ ở các nơi hầm hố hiểm trở mà thôi. Trận này trước đã được mà sau bị thất lợi đôi chút, đấy là việc thường của binh gia”.

Nguồn: Thư của Tổng đốc Quan phòng Ninh Thái gửi Khâm sai đại thần ngày 15-4 năm Thành Thái thứ 6 (21-5-1894)

2. BÌNH LUẬN

Từ một con người vào lúc trai trẻ đã hăng hái tham gia lực lượng đánh Pháp để bị khép án khá nặng, Lê Hoan đã sớm tìm ra phương thức lâu dài cho việc tống cổ người Pháp ra biển. Căn cứ vào những diễn tiến của thời cuộc và hiểu biết của mình, ông cho rằng trước sau kẻ xâm lược cũng sẽ hoàn thành cuộc bình định ở Bắc Kỳ, khi ấy, để cai trị, họ không thể không bắt tay với giới quan lại bản xứ. Đây là lớp trí thức được đào tạo bài bản, luôn nuôi dưỡng quan niệm nước mất nhưng dân vẫn còn, mà dân còn thì họ nên gánh vác việc nước để giảm thiểu tai ách cho quốc gia.

Trung thành với lý tưởng trên, từ năm 1886 Lê Hoan từ xuất phát điểm của chức Thông phán đã nhanh chóng thăng lên Bố chánh Sơn Tây, Tuần phủ Hưng Hóa kiêm Tiễu phủ sứ Tam Tuyên, Tổng đốc Bắc Ninh. Đây là thời điểm nhiều cuộc đề kháng của phong trào Văn Thân lần lượt tan rã và bản thân cuộc khởi nghĩa Yên Thế cùng những hệ thống phòng ngự kiên cố ở Cao Thượng, Hố Chuối, Khám Nghè bị nhổ bật; Đề Năm bị sát hại; nhiều thủ lĩnh từng vào sinh ra tử nếu không quy thuận thì cũng rã ngũ. Trong hoàn cảnh ấy, Thân Văn Phức – Hoàng Hoa Thám cố gượng dậy sau lễ tế cờ ở đình làng Đông (Việt Yên) dù luôn trong tình trạng bị truy lùng săn đuổi khắp vùng Yên Dũng, Yên Thế và khu vực phía nam Thái Nguyên.

Mùa đông năm 1893, theo yêu cầu của nhà đương cục Pháp, Lê Hoan đem quân trợ chiến cho các cuộc truy kích, săn tìm nghĩa quân Yên Thế. Rất nhanh chóng viên Tổng đốc Bắc Ninh đã tìm thấy phương thức hữu hiệu ngăn cản mọi hành động quân sự bùng phát trở lại thông qua việc tận dụng những khó khăn của binh lính Pháp tại biên giới Việt – Trung để đưa ra đề xuất nghị hòa với Thân Văn Phức – Hoàng Hoa Thám. Để tạo vỏ bọc mang tính khách quan cho những động thái của mình, Lê Hoan đã sử dụng triệt để vai trò trung gian của căn cứ Chợ Mới (Bạch Thông – Bắc Cạn) và thủ lĩnh Dũng đoàn Phùng Quý Phúc.

Thân Văn Phức từng là tổng chỉ huy lãnh chức Tổng thống Quân vụ của phong trào Cần Vương đất Bắc. Chính Hàn lâm Trực học sĩ sung chức Tham tán Bắc Kỳ Tống Duy Tân đã khẳng định rằng, Tán lý Sơn Bắc Tạ Hiện, Tán lý Ninh Thái Nguyễn Cao thừa nhận Thân Văn Phức tại Quân thứ Song Yên (Yên Dũng, Yên Thế) là người hào hiệp mẫn cán, khá thông võ thuật, từng được Hiệp thống Nguyễn Thiện Thuật Khâm cấp thưởng thụ Viên ngoại lang sung chức Tham biện tại Bắc Kỳ, từ đó một lòng làm theo mệnh lệnh. Phùng Quý Phúc, trong một thư gửi tới Lê Hoan cũng thừa nhận Thân Văn Phức là linh hồn của phong trào Cần Vương ở địa phương, một phú gia có hạng trên đất Song Yên, lão luyện, có học thức, tập hợp được nhiều thủ lĩnh mẫn cán. Nếu Thân Văn Phức chấp nhận việc từ bỏ cuộc chiến thì tên tuổi của Tổng đốc sẽ nổi như cồn. Từ sự vụ này, Lê Hoan chẳng những tỏ ra được việc với nhà chức trách mà ông còn ngầm dấu được toan tính giúp cho phong trào lùi một bước hợp lý nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được lực lượng trước những diễn biến khốc liệt do giới quân sự Pháp tung ra trong thời gian tới.

Mọi sắp xếp của Lê Hoan kín kẽ tới mức sự quy thuận của Thân Văn Phức mãi sau vẫn bị coi là sự phản bội đối với nghĩa quân Yên Thế. Bằng lòng hoàn toàn với những gì đã diễn ra, vào tháng 6-1896 “Kinh lược sứ Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải tư [về triều đình] nói đầu mục giặc tên Thám ở huyện Yên Thế, Bắc Giang làm giặc lâu năm, chiếm cứ núi rừng, năm trước Toàn quyền Đại thần Rousseau về nước bàn định ủy nhiệm các quý đại thần trù hoạch đánh dẹp, chiêu dụ, tuy đầu mục chưa bị bắt nhưng tróc nã, chiêu dụ được đồ đảng rất nhiều, dân trong hạt nhờ vậy được yên ổn, nghĩ nên tặng thưởng, nên chuẩn trích tặng… Tấn phong Tổng đốc Ninh Thái Lê Hoan là Phú Hoàn nam. Hoan trải qua chiến trận gian lao, Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải vì thế xin cho tấn phong” (Đại Nam thực lục, Chính biên, Đệ lục kỷ phụ biên, Q. VIII).

Chính sự tấn phong rùm beng kể trên đã dẫn đến sự nghi vấn của người Pháp, nhất là sau sự kiện Racagel và Haglon bị ám sát ở Bắc Ninh cuối năm 1896.

Trên tờ Courier d’Haiphong đã dẫn ở trên, C.Morice – một ký giả thường ký tên là Mặt Giời – đã hí hửng viết rằng:

“Số báo cuối cùng của Đông Dương cho tôi biết rằng Lê Hoan, Tổng đốc Bắc Ninh, con nuôi của ngài Hoàng Cao Khải đã bị cách chức và hạ hai bậc bởi dẫn đến cái chết của hai người Pháp, bởi những thông tin mà ông ta cung cấp trước đây là không chính xác.

Dù bất cứ lý do nào đưa Đề Thám đến thời khắc này của chiến dịch mà viên Khâm sứ tìm cách thuyết phục Đề Thám đầu hàng và trong đó viên chức Pháp phải giơ lưng ra mà chịu, thì cách cư xử của viên chức cao cấp bản xứ này cũng thật ám muội”.

Tuy đã dùng mọi áp lực khiến cho mãi tới tháng 5-1900 Lê Hoan mới được tấn phong cũng như nhận được nhiều tin tình báo về việc viên quan này bố trí việc đưa các nhà cách mạng Trung Hoa như Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng về ăn nghỉ tại nhà con rể Trần Đình Lượng dưới Thái Bình hoặc có nhiều dính líu trong vụ Hà Thành đầu độc nhưng do những bất lực của đám sĩ quan và binh lính Pháp trước sức chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế tại mặt trận Vĩnh – Phúc Yên, Toàn quyền Đông Dương buộc phải vời Lê Hoan nhảy vào cuộc chiến với hy vọng viên quan cao cấp này sẽ sử dụng tới các biện pháp đặc biệt dựa vào pháp luật bản xứ để cho dân bản xứ thay đổi thái độ.

Ngày 30-7-1909, có sự chứng kiến của Thiếu tướng Tổng tư lệnh Geil, Thống sứ Bắc Kỳ Morel, Lê Hoan nhậm chức Khâm sai đại thần được toàn quyền trong việc khám nhà, bắt bớ và xử án lâm thời, có lực lượng mật vụ đặc biệt để thu thập tin tức.

Kể từ đây, trong Báo cáo của Bộ tham mưu quân đội Đông Dương luôn ghi lại những bất đồng về tin tức tình báo hoặc phương thức tác chiến giữa Thiếu tá Chofflet với Lê Hoan, chẳng hạn khi người Pháp phát hiện toàn bộ lực lượng của Đề Thám đã tập trung về phía núi Sáng thì người của Khâm sai cho rằng đấy chỉ là một tốp giặc có 3-4 người địa phương hoặc tại Bạch Đà, lính dõng từ chối tiến công vào làng, v.v. Đầu tháng 9-1909, mâu thuẫn và bất đồng lên tới đỉnh điểm khiến Chofflet bị triệu hồi, cơ quan tình báo của binh đoàn bị bãi bỏ và Thiếu tá Bonifacy đến nắm quyền chỉ huy quân Pháp nhưng cũng không xoay chuyển được tình thế. Trong khi Lê Hoan khẳng định một cách chắc chắn rằng lực lượng nghĩa quân Yên Thế không có mặt ở núi Sáng, tạo ra một quỹ thời gian tới 2 tháng để Đề Thám củng cố sợ bố phòng thì Bonifacy luôn nắm được những thông tin hoàn toàn sai lạc. Rạng sáng ngày 5-10-1909, quân Pháp mò mẫm lên núi Sáng và ngay lập tức bị đánh trả ác liệt. Hơn 30 binh sĩ đã bị hạ gục, trong đó có Trung úy Gressin.

Trận thảm bại ở núi Sáng như giọt nước tràn ly.

Tờ L’Indépendence Tonkinois (Bắc Kỳ độc lập, 18-11-1909), trong bài Một phát súng tịt của A. Piglowski, cho rằng:

“Sự thật cuối cùng cũng xảy ra. Những lời đồn kể lại không chỉ cuộc truy đuổi Đề Thám mà cả những thương lượng giữa Đề Thám và Khâm Sai.

Trong trận núi Sáng, chúng ta đã tịch thu – việc này đã được báo cáo và chưa từng được cải chính vì những lẽ đã rồi – được một bức thư của Khâm sai gửi Đề Thám, mà chúng ta tránh công bố. Chính phủ nhận thấy sự nản chí, căng thẳng mà sự phát hiện này đã gây ra cho binh lính của chúng ta.

Chính phủ không cải chính bất cứ điều gì; sự im lặng của Chính phủ là một sự thú nhận, làm cho người ta tin vào ý kiến cho rằng Khâm sai chưa bao giờ thực sự tìm cách bắt Đề Thám, mà chỉ đàm phán về sự đầu hàng của ông ta, đồng thời đưa ra cho Đề Thám những điều kiện có lợi”.

Như vậy là khá rõ. Trong suốt cuộc đời hoạn lộ của mình, bất kỳ ở hoàn cảnh nào, nếu có điều kiện Lê Hoan đều tìm mọi cách để giảm thiểu tổn thất về sinh mạng cho những người yêu nước. Muốn làm được điều này, Lê Hoan không thể không tỏ ra mẫn cán, tận tụy và trung thành với nhà nước bảo hộ. Nhưng dù có kín đáo đến thế nào đi nữa, người Pháp vẫn dần dần nhận ra. Đây cũng là điều chúng ta đang đi tìm và đã tìm thấy. Mở đầu cho quá trình này là Thư gửi từ Pháp của nhà sử học nổi tiếng Charle Fourniau (Xưa và Nay, IX-1998) rồi đến các bài có liên quan tới Lê Hoan trên Le journal Paris hồi tháng 10-1910 (Xưa và Nay, IV-1999). Tiếp theo đó Thạc sĩ sử học Gérard Sasges công bố bài viết Quanh việc đánh giá nhân vật Lê Hoan trong lịch sử cận đại (Xưa và Nay, 110/2-2002).

Kể từ đó, nhiều bài viết về con người đặc biệt này xuất hiện trên Khoa học và đời sống, Người cao tuổi, Hà Nội mới. Riêng nhà văn hóa Hữu Ngọc có tới hai bài viết khác nhau về một chủ đề công bố trên Le Courrier du Viet Nam (23-1-2010 và 1-5-2010).

Đến nay, Lê Hoan là một nhân vật yêu nước đã đủ sức thuyết phục giới sử học Việt Nam. Có điều, nên hay không nên có một hội thảo về vấn đề này và nếu có, cần mở ra sớm, bởi thời gian đâu thong thả đợi chờ.

Hà Nội, 12-2015

KĐT

Comments are closed.