Tham luận “Một số vấn đề lý luận và phê bình văn học thời kì Đổi mới”,
Đại học Hùng Vương – Phú Thọ, 14-4-2016
Inrasara
1. “Hoàn cảnh” hậu hiện đại Việt Nam
“Hoàn cảnh” hậu hiện đại the postmodern condition Việt Nam khác với thế giới, khác từ truyền thống đến hiện tại, thế nên nó sản sinh ra một thứ hậu hiện đại Việt Nam khá đặc thù.
Truyền thống, tính “hậu hiện đại” postmodernity có sẵn trong đời sống Việt Nam. Thượng đế đã chết của Nietzsche không khác mấy Phùng Phật sát Phật của Thiền sư Vân Môn; hay “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh” của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Song hành với tính nghi ngờ ngôn ngữ của các bậc trí huệ (Phật giáo), trong dân gian là tính không tin truyền thông đại chúng (“Nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực (“Phép vua thua lệ làng”, “Hơi đâu lo mấy chuyện cung đình”), tính giễu nhại những bài ca phổ biến, khôi hài, xỏ lá mấy chuyện xem như quan trọng, tính hầm bà lần.
Chủ nghĩa hậu hiện đại postmodernism vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội.
Hiện tại, xã hội Việt Nam tồn tại cùng lúc đặc tính các dấu vết của nhiều thời kì lịch sử khác nhau của nhân loại: hậu hái lượm, tiền nông nghiệp, phong kiến, bán công nghiệp xã hội chủ nghĩa, hậu thực dân, hậu sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa, hậu chiến cùng các hệ lụy của nó (như Bắc – Nam, vượt biên và Việt kiều, tàn dư chế độ tiền tư bản và hậu cộng sản), hiện đại và hậu hiện đại… tất cả đang tác động đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội.
Cạnh đó Việt Nam là đất nước đa sắc tộc với hơn 54 sắc tộc vừa tập trung vừa rải rác khắp miền đất nước khả năng tạo lập nhiều trung tâm văn hóa khác nhau, làm giàu sang nền văn hóa đa dân tộc. Thời gian qua, sự thể đã không diễn ra như thế. Hiện nay vài “trung tâm” văn hóa lớn như Hà Nội và Sài Gòn chi phối các phần còn lại. Đất nước đa dân tộc, nhưng người Kinh và tiếng Việt hiện là trung tâm. Hội Nhà văn Việt Nam và văn học dòng chính, các nhà xuất bản Nhà nước, báo chí chính thống là trung tâm sinh hoạt văn chương chữ nghĩa. Lĩnh vực văn học nghệ thuật, vài hệ mĩ học lạc hậu vẫn cứ thống ngự diễn đàn, thao túng sáng tác, hưởng thụ và phê bình văn chương đương đại.
“Đại tự sự” thường gắn với xây dựng “thì tương lai”, mà tương lai Việt Nam hiện nay là thứ mù mịt. Hai mươi năm Việt Nam làm chiến trường thí điểm của hai hệ tư tưởng lớn chi phối toàn cầu: cộng sản và tư bản. Chiến tranh kết thúc, khi tất cả chỉ còn là tan nát, li tán và trì trệ, mọi người đã mất hết niềm tin vào “đại tự sự” – các đại tự sự kiểu Việt Nam. Tiêu biểu là: Thống nhất tổ quốc, đưa đất nước tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; toàn thắng của phe xã hội chủ nghĩa quốc tế tiến đến xây dựng thế giới cộng sản đại đồng làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu; tự do và an toàn dưới ô dù của cường quốc tư bản; bao bọc lí tưởng viển vông bằng những ngôn từ đẹp đẽ: xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tiếp nhận tinh hoa thế giới trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vân vân.
Tất cả đã bị phá sản.
Ngay cả những biểu tượng, hình ảnh lâu nay được coi là linh thiêng, là bất khả xâm phạm, thế rồi qua chứng cứ khoa học, thực tiễn lịch sử và thực tế cuộc sống, đã tự rơi đổ tính thiêng liêng. Chúng hiện nguyên hình sự thực thô tục, trơ trẽn và dối trá.
Truyền thống văn học Việt Nam là văn chương truyền khẩu. Qua ngàn năm Bắc thuộc, nền văn học ấy bị chi phối bởi văn học Trung Quốc, và ta mặc nhiên coi đó là của mình. Sau đó, bảy mươi năm kể từ thập niên 30 của thế kỉ XX, văn chương Quốc ngữ Việt Nam chuyển hướng, từng bước rời bỏ hai dòng kia để tiếp nhận nhiều luồng gió khác nhau thổi tới, từ Pháp, Nga, Mỹ, vân vân… Các nền văn học “ngoại lai” ấy thay phiên hay cùng lúc có mặt tạo nên nhiều trào lưu văn học (kiểu Việt Nam) khác nhau, nhiều thái độ viết và phương cách tồn tại khác nhau. Rồi sau 1975, “vượt biên” và “đoàn tụ” tạo nên một bộ phận văn học khác không thể không tính đến: văn học lưu vong của người Việt hải ngoại.
Tất cả cung ứng mảnh đất phì nhiêu cho tư tưởng và văn học hậu hiện đại đâm chồi và lớn mạnh. Trong thực tế, không ít nhà văn Việt Nam đã sống với, qua và trong chúng, hiểu biết chúng đến tận gốc rễ, và có thể nói, chịu đựng chúng. Việt Nam đang hình thành một lớp tác giả bất tín hoàn toàn với mấy nỗi vừa liệt kê ấy và, quyết “giải” chúng. Đại bộ phận họ là những cá thể yêu chuộng tự do và công bằng, những con người đầy tài năng và say mê sáng tạo.
2. Môi trường văn học của hậu hiện đại Việt Nam
Đất nước mở cửa, văn giới Việt Nam lâu nay bị “trói”, khi được “cởi”, họ cấp tập đi tìm và tiếp nhận cái mới của thiên hạ ngoài kia. Ở đó, họ bắt gặp hậu hiện đại. Hậu hiện đại se duyên cùng văn hóa internet như cá gặp nước, nảy nở và tung hoành không ngọn gió nào cản nổi.
Tạp chí Hợp lưu do Khánh Trường chủ biên ra mắt số đầu tiên tại Hoa Kì vào tháng 10-1991; ba năm sau, tạp chí Thơ, do nhà thơ Khế Iêm sáng lập và chủ biên tiếp bước tại California; rồi tạp chí Việt do Phan Việt Thủy làm chủ nhiệm, chủ bút là Nguyễn Hưng Quốc, ra mắt tại Úc vào đầu năm 1998, được 8 kì thì đình bản, để năm 2001 nó chuyển hẳn sang website Tienve.org. Sau đó, Thơ, Hợp Lưu, Da Màu cũng lập trang mạng cho riêng mình. Không thể không kể đến một số tạp chí có vai trò không kém quan trọng như: Thế kỉ 21, Văn, Diễn đàn Paris.
Tất cả đều có các bài nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác hậu hiện đại. Để rồi từ khối chữ nghĩa này, bật lên hai khuôn mặt với hai tác phẩm lừng danh:
Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam, từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại, Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, và Hoàng Ngọc-Tuấn, Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, Văn nghệ, Califonia, Hoa Kì, 2002.
Để qua các nhịp cầu này, phần đông văn nhân Việt Nam tìm uống nước tận nguồn với những Jacques Derrida, Jean–François Lyotard, J. Baudrillard, Fredric Jameson, Charles Jencks, Mary Klages, Barry Lewwis, Mikhail Epstein…
Nhu cầu tìm học và cách tân văn chương là vô cùng.
Ở trong nước, hậu hiện đại là mảnh đất mới mẻ chưa được khai phá. Lần lượt các tên tuổi như Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân, Lê Huy Bắc, Nguyễn Ước, Trương Đăng Dung, Hoàng Hưng, Ngân Xuyên, Trần Quang Thái, Trần Tiễn Cao Đăng, Phạm Viết Đào… rồi Lã Nguyên, Đào Tuấn Ảnh, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Ánh Dương, Nguyễn Hồng Dũng, Nhã Thuyên… xuất hiện với những dịch phẩm, bài nghiên cứu, phê bình của mình, đã tạo nên sự nhôn nhịp đáng kể. Hệ quả tất yếu là các công trình mang tính dài hơi mở mắt chào đời:
Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết (Lại Nguyên Ân biên soạn), do NXB Hội Nhà Văn và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Ðông Tây xuất bản vào năm 2003; sau đó là Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới cũng của nhà này in cùng năm, như là một minh họa cần thiết cho lí thuyết hậu hiện đại.
Những năm sau đó,
Trần Quang Thái in cuốn Chủ nghĩa hậu hiện đại mang tính phác họa sơ lược về hậu hiện đại thế giới tại NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006.
Inrasara với hai tác phẩm: Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008 và Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014 chủ yếu nhấn vào các sáng tác hậu hiện đại Việt.
Sau luận văn Thạc sĩ của Nhà Thuyên Đỗ Thị Thoan: “Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của Nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”, Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010 là luận án Tiến sĩ “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại” được Trần Ngọc Hiếu bảo vệ thành công tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Cả hai đóng góp phần mình nhìn nhận thơ hậu hiện đại Việt, từ “vị trí của kẻ bên lề”.
Sau công trình nặng kí: Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy Bắc do NXB Đại học Sư phạm in năm 2012, liên tục xuất hiện ba tác phẩm quan trọng về hậu hiện đại:
Đặng Thân với Dị-nghị-luận đồng chân dung, NXB Hội Nhà văn, 2013.
Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Lê Huy Bắc chủ biên, NXB Tri Thức, 2013.
Văn học hậu hiện đại, diễn giải và tiếp nhận, Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng chủ biên, NXB Văn học, 2013.
Lí thuyết, nghiên cứu và phê bình gần như song hành với sáng tạo hậu hiện đại.
3. Sáng tác hậu hiện đại Việt Nam
Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa ảnh hưởng toàn cầu, tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học. Văn chương hậu hiện đại Tây phương manh nha từ sau thế chiến thứ II, phát triển mạnh ở thập niên 60, và đạt đỉnh điểm ở giữa thập niên 80 với những thành tựu lớn. Không lâu sau đó, nhà văn, nhà thơ Việt đã vận dụng các thủ pháp hậu hiện đại vào các sáng tác của mình. Đóng góp cho tạp chí Thơ, Việt, Hợp Lưu, Da Màu… không chỉ là tác giả hải ngoại, mà còn có cả nhà văn, nhà thơ trong nước. Sự thể chứng tỏ văn chương hậu hiện đại Việt tiếp bước với thế giới không chậm là bao: khoảng 10-15 năm(1).
Điều lạ là, trong khi lí luận và dịch thuật phát triển sớm và mạnh ở Hà Nội, thì sáng tác hậu hiện đại chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Nam. Ngay đầu thế kỉ XXI, hàng loạt bài thơ và tập thơ ra đời. Có thể kể: Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, Trần Tiến Dũng, Như Huy, Nguyễn Quốc Chánh, Khúc Duy, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thúy Hằng, Bỉm, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Lynh Bacardi, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Đặng Thân, Phương Lan, Thanh Xuân, Vũ Thành Sơn, Trần Wũ Khang, Phạm Tường Vân, Lê Hải, Jalau Anưk, Miên Đáng, Liêu Thái, Tuệ Nguyên, Tiểu Anh, Nguyễn Viện, Khánh Phương, Lưu Mêlan… Rồi tiểu thuyết, truyện ngắn của Nguyễn Viện, Đặng Thân, Lê Anh Hoài, Phạm Lưu Vũ, Nhật Chiêu, Lê Minh Phong, Vũ Lập Nhật, Inrasara, Hoàng Long, Vương Văn Quang… ra mắt, qua đường chính thống, phi chính thống, in ngoài luồng lẫn phát hành trên mạng internet.
Tác giả hậu hiện đại Việt Nam thuộc nhiều thành phần và lứa tuổi khác nhau, từ tác giả mới xuất hiện lần đầu cho đến nhà văn, nhà thơ đã thành danh chuyển hệ sáng tạo. Có tác giả đậm chất hậu hiện đại, bên cạnh những cây bút mà các sáng tác mang ít nhiều yếu tố hậu hiện đại trong cảm thức/ thủ pháp. Đại đa số sống và viết ở Sài Gòn.
Họ viết, như là cách phản ứng lại.
Khi dòng hiện thực xã hội chủ nghĩa, sáng tác tiền hiện đại và lãng mạn hậu thời là mĩ học sáng tác chủ lưu của văn chương Việt Nam đương đại, nhà văn hậu hiện đại Việt Nam viết chủ yếu để “giải thiêng” tên tuổi và mô thức văn học đương thời. Họ không giải trung tâm thuần túy mà nghiêng hẳn về phía ngoại vi các loại; từ ngôn từ cho đến cách thể hiện. Do đó ở tổng thể, hậu hiện đại Việt Nam cực đoan không kém các phong trào tiền phong.
Khi dòng văn học chính thống thống ngự toàn bộ văn đàn, phản ứng của hậu hiện đại Việt Nam là phản kháng quyết liệt sự thao túng đầy độc đoán đó. Do vậy, hầu hết sáng tác hậu hiện đại mang đậm yếu tố chính trị.
Bởi văn chương dòng chính né tránh hiện thực thời sự đương thời, nên đề tài sáng tác hậu hiện đại Việt Nam thường là hiện thực trần trụi, phơi trần bề tối của xã hội, thế sự nóng bỏng của đất nước (như chủ đề Hoàng Sa – Trường Sa) được thể hiện chủ yếu qua giọng giễu nhại.
Và khi các tên tuổi lớn của dòng văn học cũ vẫn còn mang ảo tưởng về một nền văn học cũ kĩ, khép kín, hậu hiện đại quyết lột mặt nạ chúng để kêu lên cho độc giả thấy đó chỉ là mớ ảo tưởng tự lừa.
Do đó, khi tuyệt đại bộ phận văn nghệ sĩ hậu hiện đại chấp nhận tồn tại ngoại biên, chọn lựa sinh hoạt vỉa hè, là lẽ đương nhiên.
Có thể nói, tất cả chúng là sản phẩm chữ nghĩa hậu hiện đại đặc kì Việt Nam, chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử văn học đất nước trước đó. Thế nên không lạ, nó tạo phản ứng và dị ứng khắp nơi(2).
4. Hậu hiện đại tạo dị ứng
Nhà văn Việt Nam tiếp nhận và phát triển hậu hiện đại vừa bất cập vừa không mấy an bình và nhất là – luôn bị dị nghị, hơn thế – bị đẩy ra ngoài lề.
Dị ứng, từ những cây bút kì cựu cho đến thế hệ @, từ thành phần nghiên cứu phê bình cho đến giới sáng tác. Dị ứng suốt thập kỉ vẫn chưa chịu ngưng nghỉ. Thử lượm nhặt rải rác đây đó. Năm 2006:
Mai Quốc Liên:
“Chủ nghĩa “hậu hiện đại”, chủ nghĩa “Tân hình thức” ngày nay cũng đang ế khách và tàn lụi dần ở phương Tây […]. Theo một bài báo của một GS Mĩ thì hàng năm mới có một người mua sách này ở các hiệu sách (!?). Còn ở ta nó là một món hàng mới, không dễ gì nó vượt qua rào cản người đọc ở nước ta”(3).
Từ Nữ Triệu Vương:
– “Tôi rất ghét cái gọi là phương pháp nghệ thuật. Những thứ như nghệ thuật viết đơn tuyến, đa tuyến, cấu trúc, sắp đặt… rồi những hậu hiện đại hay sau hậu hiện đại… đều khá buồn cười. Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay hay học đòi cách viết lạ (nhưng lạ với mình mà cũ rích với thế giới) mà quên đi rằng: Phương pháp nghệ thuật có kiểu cách thế nào đi chăng nữa vẫn thua sự giản dị. Vì người viết có giản dị tự nhiên mới có được tác phẩm Thật”(4).
Lê Thiếu Nhơn:
– “Nhiều bạn trẻ đồng hành của tôi mải mê dồn sức lực dồi dào và quý giá nhất đời người vào những cách tân đã lỗi thời ở nước ngoài […] như “hậu tân thi trào” đã được chôn vùi ở Trung quốc từ thập niên 80 của thế kỉ trước […] hay hình thức thơ đã thải hồi ở phương Tây như “thơ hậu hiện đại”, “thơ dự phóng”, “thơ trình diễn” […] hoàn toàn xa lạ với văn hóa người Việt cặm cụi chịu thương chịu khó”(5).
Rồi năm 2008: Bùi Công Thuấn, hai năm sau có Nguyễn Hòa, và mới nhất, năm 2014, nổi lên nhà phê bình trẻ Hoài Nam(6). Tất cả đều xuất phát từ sự thiếu tri thức cơ bản về hậu hiện đại, hay do hiểu sai tinh thần hậu hiện đại, từ đó dẫn đến tâm lí sợ cái mới, cái chưa biết; hoặc dù có biết, nhưng do ngoan cố bảo vệ sự toàn trị văn học, nên quyết liệt chống lại hậu hiện đại(7).
Thì hỏi làm sao sáng tác hậu hiện đại Việt Nam có thể đến được với công chúng độc giả rộng lớn, qua đó hi vọng tạo nên một cuộc cách mạng trong văn học Việt Nam đương đại!?
5. Nhận định
Dị ứng từ cá nhận cho đến tổ chức.
Báo chí chính thống hiếm khi đăng các sáng tác hậu hiện đại. Qua hơn thập kỉ hậu hiện đại có mặt, tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam chưa từng làm chuyên đề về hậu hiện đại. Hội thảo về trào lưu hậu hiện đại, càng chưa. Công việc đơn giản này, tạp chí Sông Hương còn nhanh nhạy hơn(8).
Trang eVan một thời đăng và giới thiệu các khuôn mặt thơ mới, sau đó họ đã tự khẳng định mình. Giới thiệu để rồi sau năm 2004, website này đã xóa hầu hết sáng tác mang tính cách tân và “ngoại vi” cùng các tác giả của chúng.
Bên khoa bảng, luận văn Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ về sáng tác của những tác giả bên lề, là một bước tiến đáng kể. Thế nhưng tiến hai bước thì đã bị thế lực bảo thủ đẩy lùi đến bảy bước: không đáng chán sao!(9)
Người ta sợ hậu hiện đại như sợ… giặc.
Tinh thần thủ kho luôn chống lại cái gì đến từ ngoài, nhất là từ phương Tây. Không lạ, khi từ “học đòi”, “lai căng” ưa được mang ra để phản bác hậu hiện đại. Làm như ta chưa từng học [đòi] Đường luật Trung Hoa muộn ba thế kỉ, học [đòi] lãng mạn Pháp trễ gần trăm năm! Làm như Xuân Diệu được cho là “ông hoàng Thơ Mới” trước đó chưa từng bị chụp cho mũ “lai căng”. Làm như ông hoàng này chưa đầy mười năm sau đó đã chẳng từng chê thơ Nguyễn Đình Thi lủng cà lủng củng!
Đã đành!
Nhưng, ngay những người có xu hướng ủng hộ cái mới cũng mang mặc cảm dị ứng [hay] lây. Nỗi này xuất phát từ bản thân người đọc chưa nắm tinh thần hậu hiện đại, nhất là khi một số nhà phê bình vẫn còn chưa thật tự tin khi bàn về hậu hiện đại, khiến dư luận cứ lưỡng lự, muốn xa lánh trào lưu văn chương này.
Dịch thuật, vẫn còn quá yếu với chỉ lèo tèo vài ba công trình có mặt(10).
Phê bình, ngoài Inrasara, Nhã Thuyên và Trần Ngọc Hiếu tập trung vào thơ, nhất là thơ in ngoài luồng, in photocopy qua nhà xuất bản vỉa hè, thơ trên mạng internet, đúng theo tinh thần giải trung tâm hậu hiện đại; còn thì các bài phê bình văn xuôi hậu hiện đại chỉ nhấn vào những tác phẩm in chính thống ở thời kì hậu hiện đại còn manh nha(11). Trong khi đó, các tác giả và tác phẩm xuất sắc nhất của hậu hiện đại ở vùng ngoại vi: in ngoài luồng hay đăng trên các website của người Việt ở hải ngoại, hoàn toàn bị bỏ quên.
Thì lấy đâu độc giả có cái nhìn toàn cảnh và công bằng về các đóng góp quan trọng nhất của sáng tác thuộc trào lưu văn học này. Trong khi đó, trào lưu hậu hiện đại ở giai đoạn đầu phản kháng quá khích với những Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy… khi bị phản ứng, đã biết phản tỉnh để tìm hướng đi nền tảng hơn trong hành trình thơ Việt. Cứ đặt Trần Tiến Dũng (giai đoạn sau) bên cạnh Nguyễn Quang Thiều, Vũ Thành Sơn bên cạnh Mai Văn Phấn của hiện đại; hay Lynh Bacardi/ Phan Huyền Thư, Lưu Mêlan/ Vi Thùy Linh, Trần Wũ Khang (Cham)/ Y Phương (Tày)… hoặc đọc thẳng vào các sáng tác vô cùng độc đáo của Lê Vĩnh Tài, Lê Anh Hoài, Phan Quỳnh Trâm, Lưu Diệu Vân, Vương Ngọc Minh… sau đó, ta đủ thấy hậu hiện đại đã lớn mạnh như thế nào.
Ta có quyền bỏ rơi hay gạt ra bên lề như thể chúng chưa hề tồn tại không?
6. Vậy, phê bình văn học làm gì?
Chính tại đây, Phê bình Lập biên bản có mặt. Quyết mang đến sự công bằng cho mọi trào lưu, mọi thử nghiệm văn học, trong đó có hậu hiện đại. Và mang lại công bằng cho văn học Việt Nam.
Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, tuy nhiên nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình phổ biến hơn cả, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.
Phê bình hàn lâm vẫn nảy ra vài cây bút tài hoa, họ vận dụng lí thuyết mới vào cuộc, và có được các công trình quan trọng. Dẫu sao, điểm dễ nhận hơn cả ở khu vực này là đa phần đối tượng được chọn để phê bình do tính an toàn của nó. Văn chương phi chính thống hầu như bị bỏ rơi. Phê bình Lập biên bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó.
Còn phê bình nghệ sĩ cũng biết dấn vào cuộc phiêu lưu riêng mình, từ đó có vài phát hiện đáng kể. Tuy nhiên, phiêu đến đâu cũng cứ tùy hứng và tùy tiện, do đó đại bộ phận nhận định vô bằng. Phê bình rời xa văn bản, để tán, về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với mớ giai thoại lắm khi rất nhảm. Phê bình Lập biên bản ra đời hi vọng cắt đứt mấy nỗi ấy.
Nó ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học; bên cạnh nó quyết giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.
Đích thị là một thứ đa nguyên văn học.
Đó là bước đầu tiên, bởi nếu “lập biên bản” hiện trạng văn học không thôi, phê bình kia chỉ có lợi cho văn học sử, mà không có gì hơn. Do đó việc triển khai “Hồ sơ Biên bản so sánh” là việc làm cấp thiết(12). Ở đó, so sánh làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của văn chương hậu hiện đại Việt.
Từ tìm hiểu “thế đứng của đĩ Việt Nam” qua so sánh thơ Tố Hữu với thơ Bùi Chát, đến việc nhận diện ba cảm thức khác biệt về chiến tranh Việt Nam qua đại từ “ta” (Chế Lan Viên), “tôi” (Trịnh Công Sơn) với “hắn” (Nguyễn Bắc Sơn), hay mới nhất: sự khác biệt mang tính mĩ học của lối thơ trình diễn của Vi Thùy Linh và Dương Tường với Lê Anh Hoài… để công chúng độc giả biết các thi sĩ hậu hiện đại Việt Nam đã đóng góp được gì vài tiến trình văn học Việt Nam.
Không phải là điều cần thiết và thú vị sao?
TFN, 23-3-2016
_____________________
Chú thích
(1) Theo Wikipedia, thập niên 40-50, sáng tác hậu hiện đại thế giới có 9 tác phẩm đáng đọc, bắt đầu bằng Finnegans của James Joyce (1939). Thập niên 60: 18 tác phẩm, thập niên 70: 30 tác phẩm, thập niên 80: 43 tác phẩm, thập niên 90: 36, và 10 năm đầu thế kỉ XXI là 20 tác phẩm… Con số thống kê cho biết, cuối thập niên 80-đầu 90 chính là đỉnh điểm của văn học hậu hiện đại thế giới, trong khi đó giữa thập niên 90, các sáng tác hậu hiện đại của những Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm, Đỗ Kh, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… đã xuất hiện rầm rộ rồi.
(2) Tham khảo thêm: Inrasara, “Hậu hiện đại và thơ hậu hiện đại Việt”, Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008, tr. 188-217; và “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014, tr. 32-63.
(3) Mai Quốc Liên, “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, báo Văn nghệ, 22-4-2006.
(4) Từ Nữ Triệu Vương trả lời phỏng vấn, tạp chí Nhà văn, số 5, 2006.
(5) Lê Thiếu Nhơn, “Giải mã ảo giác thơ trẻ”, báo Thế thao & Văn hóa, số 84, 15-7-2006.
(6) Bùi Công Thuấn, “Phải chăng hậu hiện đại…”, Phongdiep.net, 4-2008
“Dân tộc Việt Nam có những niềm tin, có những chuẩn mực, có những giá trị vĩnh cửu, những truyền thống văn hoá riêng, đó là những Đại Tự Sự. Phá bỏ những Đại Tự Sự ấy khác nào phá bỏ chính bản thể dân tộc. Chẳng hạn, niềm tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng, niềm tin vào chủ nghĩa nhân đạo và những giá trị nhân văn, sự khẳng định sức mạnh dân tộc, sự khẳng định chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự khẳng định lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Nguyễn Hòa, “Họ đang biến văn học thành cái bung xung”, Văn nghệ trẻ, 2012, Phongdiep.net đăng lại; riêng Hoài Nam với bài “Chẳng cần là hậu hiện đại” ở báo Đại biểu Nhân dân, 8-12-2014, viết:
“Quan sát đời sống văn chương Việt Nam trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XXI đến nay, nhất là ở mảng phê bình văn học, tôi nhận thấy một điều hơi đặc biệt. Ấy là cái sự vồ vập thái quá của một số người nào đó (xin miễn nhắc tên) với những isme mà ngày nay, ngay ở phương Tây, nơi chúng được sinh ra, người ta đã không còn muốn bàn đến nữa, hoặc chỉ nói đến chúng như những thứ đã bị nhét vào sọt rác của lịch sử. “Tân hình thức” và “Hậu hiện đại” là những isme như vậy. Đi sau, tìm hiểu sau nên… thích sau, âu cũng là chuyện bình thường trong học thuật. Chuyện bất bình thường là những “Tân hình thức” và “Hậu hiện đại” ấy lại mặc nhiên được những tín đồ Việt Nam kia xem như những dấu chỉ quan trọng để đánh giá giá trị của các tác phẩm văn chương đương đại. Cứ “Tân hình thức” thì hay, cứ “Hậu hiện đại” thì hay (làm như thể còn viết theo Cổ điển, Hiện thực, Lãng mạn, Tượng trưng, v.v… thì sẽ chỉ toàn những đồ tầm tầm hoặc chỉ đáng vứt đi).”
(7) Inrasara đã có những đáp trả kịp thời các dị ứng này: “Góp nhặt sỏi đá hay Thử nhặt các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ hôm nay”, báo Văn nghệ, 20-9-2006; “Giải-nhị nguyên: về Bùi Công Thuấn”, Phongdiep.net, 4-2008; “Thư gửi nhà phê bình Nguyễn Hòa”, Phongdiep.net, 18-2-2012; “Về một hiện tượng dị ứng nhai lại”, Vannet, 14-12-2014.
(8) Năm 2011, tạp chí Sông Hương đã làm số chuyên đề về hậu hiện đại, trước đó vào cuối năm 2007, Bàn tròn Văn chương (Inrasara chủ trì) một hoạt động ngoại vi của Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Bàn tròn về hậu hiện đại tại TP Vũng Tàu.
(9) Xem Hồ sơ Vụ án Nhã Thuyên trên Vanviet, 2014.
(10) Có thể kể: Richard Appignanesi & Chris Gattat, Nhập môn Chủ nghĩa hậu hiện đại, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Trẻ, 2006; Jean Franςois Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, 2007.
(11) Văn học hậu hiện đại, diễn giải và tiếp nhận, Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng chủ biên, NXB Văn học, 2013.
(12) Về “Hồ sơ biên bản so sánh”, có thể tham khảo thêm các bài viết ở Inrasara.com, hay Vanviet.net từ tháng 1&2-2016.