Văn học miền Nam 54-75 (212): Nhật Tiến (5)

Thềm hoang (kỳ 3)

(Truyện dài – Giải Văn chương Toàn quốc 1962)

Chương bốn

Vào những lúc buổi chiều sâm sẩm tối, mọi người trong xóm Cỏ mới trở về đông đủ. Nhất là lão Hói thì không hôm nào vắng mặt. Lão đi đâu ít ai biết ngay từ lúc trời còn sương lạnh buổi sáng và trở về rất đúng giờ khi thành phố mới lên đèn. Nhác trông từ xa, người ta đã nhận ra ngay cái hình thù kỳ dị của lão. Lão đi lom khom, cái đầu nhẵn bóng giơ ra phía đằng trước. Khuôn mặt của lão tóp lại, choắt choeo. Mũi lão đỏ ửng như một quả cà chua. Cặp lông mày rậm, lốm đốm bạc rủ xuống hai con mắt lúc nào cũng đục ngầu lên, tráo trưng vì men rượu. Tứ thời lão bận một cái quần tây vàng, mất một khúc gấu, vừa bẩn vừa rách, thắt lưng chẳng có, lão đã thay bằng một sợi dây gai luồn qua cạp quần, buộc túm lại ở phía đằng trước. Lão bận một cái sơ mi lụa nhuộm màu nâu già, lúc nào cũng bốc ra mùi hôi khét lẹt và chua như mẻ. Vai lão đeo một cái túi vải. Trong túi, lúc dốc ra, người ta nom thấy có một cỗ bài tây cáu ghét, một cái khăn tay nhầy nhụa mũi dãi và mồ hôi, một gói giấy đựng thuốc lá sợi đen và một cái bật lửa cũ kỹ vừa nặng, vừa thô, đã phai bóng cả nước mạ bên ngoài. Đó là cả cơ nghiệp của lão.

Lão kiếm ăn bằng gì, không ai rõ. Nhưng lúc nào lão cũng ra vẻ phong lưu. Thuốc lá sâu kèn lão phì phèo luôn trên miệng. Rượu lão nốc hàng chai. Và buổi chiều khi trở về lão say sưa sung sướng như một người không vướng víu nợ đời. Lần cháy nhà trên phố, lão khiêng về được một cánh cửa cháy dở. Lão đem kê nhờ dưới mái hiên nhà gã Hai Hào làm chỗ ngủ. Những hôm trời mát, lão vừa đập muỗi vo vo trên mặt, vừa chõ mồm qua lỗ hổng của vách đất nói chuyện huênh hoang với gã chủ nhà. Có hôm lão đọc cả thơ cho Hai Hào nghe nữa. Thơ lão thì lẩm cà lẩm cẩm, vừa đọc lão vừa giảng:

“Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu. Ngọc đây là Ngọc Hoàng Thượng Đế đó. Ông trời mà… ông trời xuất ngai ngó xuống tụi mình.”

Hai Hào hỏi:

“Vậy chớ quả châu là quả gì?”

“Châu là châu báu. Vàng bạc châu báu ông trời thiếu gì. Người ta đây ổng còn sinh ra biết bao nhiêu nữa mà…”

Rồi lão ngâm tiếp:

“Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu. Hoàng thiên thương mến quả địa cầu. Ông trời bình đẳng mà, ổng không về phe một ai hết, ổng thương mến hết ráo trọi mọi nơi, mọi người… cùng khắp địa cầu này. Vậy mới xứng bực ông trời chớ.”

“Ổng thương hết mọi người sao tụi mình khổ mãi vậy cà?”

Lão Hói cười ha hả:

“Vậy mới có thơ chớ! Phải biết… thơ này “sâu” lắm mà. Nghe nốt coi nè:

Hoàng thiên thương mến quả địa cầu

Giáng tạo thay đời không tranh đấu

Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu.

Rồi coi nghen, ông trời sẽ thay đổi tuốt hết cái thế gian này. Vì trên đời này thì nhất hết thẩy là ổng mà. Ổng sinh ra mình, sinh ra cây cỏ, sinh ra mọi thứ lu bù. Tây, Tầu, Anh, Mỹ gì cũng thua ổng ráo trọi…”

“Thôi đi cha… Thời buổi nguyên tử mà cha tính nói những chuyện đâu đâu.”

“Chèn ơi… Cha biết một mà không biết mười. Qua hỏi nhen, ừ thì các cha có tàu bay hoả tiễn tùm lum, thử hỏi không có khí trời của ổng trên đầu thì các cha có nghẹt léc không. Ông nội ơi, cứ là rơi rụng tuốt luốt hết! Thế cho nên mới:

Giáng tạo thay đời không tranh đấu.

Thế giới thanh bình khỏi thuế sâu… mà!”

Thấy Hai Hào làm thinh, lão nói tiếp:

“Lúc đó nghen, không còn có cái nước chiến tranh um sùm bậy bạ như bây giờ. Không tranh đấu mà. Chiến tranh không còn thì thế giới thanh bình, người người ấm no. Đến cái nước ấm no cả rồi thì còn ai thâu thuế mần chi. Chèn ơi…hay thiệt hay…”

Rồi lão lại cất giọng ư ử ngâm bài thơ tuyệt tác của lão mãi đến khi trăng lên quá đỉnh đầu. Nhiều hôm nằm ngủ quên, mưa đổ xuống ướt không còn một sợi tóc. Ấy vậy mà lão chẳng hề bao giờ ốm. Sức lực lão dai như đỉa. Cứ sáng tinh mơ là đã thấy lão thức dậy, ngồi bó gối hút thuốc một mình trong góc tối. Môi lão bậm lại, mũi hếch ra, hai bên gò má tóp lại làm nhô lên cái lưỡng quyền cao và nhọn. Đến khi trời bắt đầu hửng sáng là lão lại xách cái bị lên vai ngất ngưởng đi ra ngõ để mãi đến tối mới trở về với hơi men sặc sụa.

Hôm nay lão đi khật khưỡng qua lề đường. Ống chân nhún nhẩy trên đôi giầy ba ta rách lòi cả ngón chân. Hai tay lão múa may. Miệng lão lẩm bẩm. Có khi lão ca vọng cổ một mình. Bọn trẻ trong xóm mê cái tính khôi hài của lão nên hễ nhác thấy lão về là chúng bu lại. Một đứa chổng mông vào mặt lão, đít cong lên, ngực ưỡn ra phía trước, hai chân nó đi khệnh khạng, miệng nó hét to:

“A lê! Đi nào… ắc ê… ắc ê…”

Lão Hói cũng vội vàng khuỳnh hai đầu gối xuống, đít lão ngoe nguẩy, hai tay lão vung lên bắt chước kiểu đi của thằng bé, miệng lão kêu theo nó:

“Ắc ê! Ắc ê!”

Bọn trẻ khoái chí vỗ tay reo ầm ĩ. Chúng nó theo lão đi mãi vào mạn trong xóm Cỏ. Đám người đi qua nhà ông Phó Ngữ. Đào ở trong ngứa miệng hỏi ra:

“Mấy cút rồi lão Hói?”

Lão Hói đứng dừng lại. Cặp mắt của lão hấp him. Lão nhìn hai cái bụng chân trắng nhẫy của Đào lúc nàng đang xắn quần tưới những gáo nước lên gánh rau đầy tú hú. Rồi chẳng chờ Đào hỏi thêm một tiếng, lão sà ngay vào bực cửa. Đào chu chéo lên:

“Khắm chửa! Vô đây làm gì? Đừng có ám quẻ người ta, bố già…”

Lão Hói bật lên cười, giọng lão lè nhè sặc men rượu:

“Qua dô uống nước, ăn trầu mà…”

Đào buông cái gáo xuống đất, lấy cả hai tay tì lên vai lão, đẩy ra ngoài. Lão Hói lùi lại loạng choạng. Mùi mồ hôi chua loét xen lẫn với hơi thở nặng nề của lão khiến mũi Đào chun lại. Nàng “xì” mấy cái thật mạnh và dúi hắn lão ra khỏi bực cửa. Lão Hói ngã ngồi ngay xuống những viên gạch lổn nhổn. Hai chân lão duỗi ra, người lão vặn đi mấy cái. Xương lão rão ra, kêu ục ục. Lão khoan khoái cười nhăn cả mấy cái răng cải mả móm mém. Lão không giận Đào mà chỉ lẳng lặng lục cái túi lấy ra bao thuốc lá, nhón một dúm đặt lên miếng giấy mỏng rồi vê tròn trong hai bàn tay. Quấn xong điếu thuốc, lão châm lửa hít một hơi thật dài. Miệng lão phà mạnh những sợi khói khai và khét lẹt vào mặt lũ trẻ. Bọn chúng nó túa lên, thi nhau nhẩy thật cao để bắt những sợi khói xanh lơ bay tản mạn. Mọi người đi ngang qua bị nghẹn ứ lại, chen chúc chật cả lối đi trong tiếng cười nói loạn xạ.

Chợt một cái xích lô từ xa lăn khấp khểnh vào lối ngõ. Tiếng vành xe nẩy lên xọc xạch, xen lẫn với tiếng chuông bóp ầm ĩ. Gã Hai Hào vừa đập vào thùng xe vừa hét:

“Dô… Dô…”

Bọn trẻ túa ra hai bên rìa đường rồi lại ùa tới. Chúng nó bỏ lão Hói để trèo lên chiếc xe. Đột nhiên cái xe nặng trĩu những người. Có đứa trèo phắt lên đệm, có đứa đánh đu ở đằng trước, ở đằng sau, nom xúm xít như một chùm sung, lố nhố hàng chục cái đầu cạo nhẵn, đầy chốc và lở. Hai Hào nói lớn:

“Tụi bây rút chân nên, không kẹp chết đừng kêu!”

Nói rồi gã đứng lên đạp. Bắp thịt của gã nổi cuồn cuộn ở trên hai vồng tay. Mồ hôi loang loáng thấm ướt cả lần áo thung rách lỗ chỗ. Đít gã cong lên, ngoáy bên nọ, ngoáy bên kia. Nhắc trông thấy Đào đứng trong khung cửa, gã cất tiếng hát:

“Đào thơ niễu yếu em ơi!

Kén gì cho đặng bằng nơi anh hào!”

Cho rằng mình dùng được chữ “anh hào” mấy nghĩa, Hai Hào cất tiếng cười khoái trá. Tay gã lại gõ vào thùng xe, đít gã lại ngúng nguẩy, gã hò không ngớt miệng:

“Dô… Dô…”

Ở trong khung cửa, Đào liếc gã một cái thật dài, rồi nàng hắt theo cái xe ọp ẹp một gáo nước lã. Gáo nước văng lên tung toé khiến lão Hói nhỏm phắt dậy, chu chéo lên:

“Ý trời đất ơi… Bộ đui hả?”

Đào trông ra, vội vàng nói:

“Ấy chết… xin lỗi! Tưởng lão đi rồi.”

Lão Hói vừa cằn nhằn vừa phủi những giọt nước dính đầy cả cổ lẫn má, rồi lão nói:

“Đàn bà đâu có thứ đàn bà…”

Đào dẩu môi lên, hỏi xẵng:

“Khắm chửa… đàn bà làm sao?”

“Đàn bà đẹp quá cỡ chứ làm sao!”

Đào bật lên cười, hắt nốt gáo nước cặn về phía lão rồi lại cúi xuống vục nước tưới lia lịa lên gánh rau. Lão Hói lèm bèm một lúc rồi cũng xách túi lên vai. Mồm lão lại cất tiếng ư ử:

“Ngọc xuất thiên cung thủ quả châu

Hoàng thiền thương mến quả địa cầu…

Có ông trời! Có ông trời thiệt mà…”

Đến đầu lối rẽ, lão ngừng lại trước tiếng khóc như ri của ba đứa trẻ. Chúng nó là con nhà mụ Năm Trà. Năm Trà đi lính từ mấy năm nay. Gã để vợ một mình nuôi mẹ già và bầy trẻ. Hàng năm gã chẳng gửi về nhà lấy một đồng xu. Mụ Năm Trà vất vả ngược xuôi lo lắng mãi rồi cũng đâm chán. Mụ coi cái bổn phận của mình là một món nợ lớn. Bà cụ lẩm cẩm và già nua chẳng giúp cho mụ được gì hơn là dò dẫm ra vào với ba đứa cháu nội. Một đứa gái lên sáu, môït đứa gái lên năm và một thằng bé lên ba. Chị em chúng nó là hiện thân của sự nghèo đói. Quần áo không được lấy một cái lành lặn. Mặt mày nhem nhuốc, bẩn thỉu và lúc nào cũng vêu vao vì bữa có bữa không. Mụ Trà thì đi lên phố tối ngày. Một vài hôm mụ đổ vào thùng dăm ba chục lon gạo. Vại dưa trong nhà ủng lên, đóng váng dầy đặc, chưa ăn hết đùm này đã ấn vào đùm khác. Thỉnh thoảng lắm mụ mới mang về cho mấy khúc xương bò, thứ xương vớt ra ở thùng phở. Lũ trẻ nhôi nhai gậm nhá hàng buổi. Tuy vậy không phải mụ ta nghèo đến độ ấy đâu. Mụ có vàng đeo ở hai tai. Cổ tay còn có đôi xuyến. Mỗi lúc ra đường, mụ toàn bận quần mỹ a với cái áo bà ba may bằng phin nõn. Mụ mới ngoài ba mươi nên trông vẫn còn xuân sắc lắm. Hai gò má hồng hào, cặp môi bôi son đỏ chót. Bộ ngực thỗn thện của mụ kín hở trong cái áo nịt bằng sa tanh đen, thít hằn lên lớp da in rõ sau lần áo mỏng. Ra ngoài thì mụ tươi tỉnh như hoa. Nhưng ở nhà thì mụ không ngớt gầm gừ với mẹ chồng và các con. Cặp mắt sắc như dao của mụ lườm chúng nó như muốn giết. Đối với chúng, mụ ít lòng thương. Mụ cầm đầu đứa này đập vào đầu đứa nọ. Có khi mụ bóp cổ chúng nó rồi lắc lia lịa khiến mắt đứa bé cứ trợn lên. Bà cụ chẳng oai quyền gì chỉ biết ngồi cúi mặt làm thinh. Thật ra cụ cũng sợ mụ ta nốt.

Lúc lão Hói đi qua thì ba đứa trẻ đang khóc lóc hò hét với nhau ở đầu hè. Con bé Ba ỉa đùn, phân vãi từ đầu đến chân. Bát cơm đổ vung ra khắp mặt đất. Thằng Út lê từ góc này sang góc kia, phân cũng dính đầy cả lên mặt và tóc. Bà cụ Nết vừa chửi, vừa quơ lấy dúm lá chuối, vét cả cơm lẫn phân đùn đống lại. Ruồi và nhặng bu đen, bay vo vo loạn xạ. Lão Hói đứng lại, miệng lão vê điếu thuốc bằng hai bờ môi, lão kè nhè:

“Ỉa rồi còn khóc! Trời ơi, tụi bây bộ muốn làm lớn hả?”

Giọng ồm ồm của lão làm mấy đứa sợ hãi im thít. Mắt chúng nó giương lên nhìn lão, nhưng cái mồm thì vẫn còn như mếu dở. Bà cụ bèn nhân dịp nói gióng:

“Thôi đấy cho ông già bế tuốt tụi bây đi… Chèn ơi! Cực với tụi bây bao giờ mới hết chớ.”

Lão Hói cúi xuống, vừa quệt tay lên má thằng út, vừa nói:

“Kêu làm chi cho mất công, bà cụ. Có ông trời… có ông trời thiệt mà!”

Nói rồi lão giơ tay bẹo lên má thằng bé khiến nó lùi lại, mắt sợ hãi nhìn lên. Chợt có tiếng hỏi ở đằng sau:

“Có trời thật không, lão Hói?”

Lão Hói quay lại. Lão nhận ra Huệ đang tới gần. Nàng bận áo đỏ, quần trắng, đánh môi hồng, cặp mắt bôi đen, sâu hõm xuống. Tay lão xòe ra, lão cười sung sướng như được người ta gãi trúng chỗ ngứa của mình:

“Thiệt chớ. Nói thiệt đấy chớ. Bộ không có ông trời làm sao có được cô.”

Huệ đáp:

“Thôi đi dấm dớ! Dễ thường ông già bà già nhà tôi không “ấy” thì dễ có được tôi đấy chắc.”

“Vậy chớ ai sinh ra ông già, bà già nhà cô?”

“Ông nội bà nội chớ còn ai.”

“Vậy ông nội bà nội thì ai sinh?”

“Khỉ gió đùng lăn nhà lão lắm nữa. Hỏi vậy thì có đến hàng đời không nói hết.”

“Hết chớ sao không hết. Bộ nhiều lắm là ngàn vạn ức đời chớ bao nhiêu. Vậy trước đó hết thẩy thì ai?”

Huệ hỏi lại:

“Vậy thì ai, lão nói thử coi?”

Lão Hói rúc lên cười, hai hàm răng của lão nhe ra, hở hết cả lợi:

“Ông trời chớ ai! Ông trời chớ ai!”

“Vậy ai sinh ra ông trời kia chớ.”

“Ý trời đất ơi! Đã là ông trời thì còn ai sinh ra được ổng nữa cơ chớ! Ổng là nhứt hết thẩy mà…”

Huệ phản đối lão bằng cách lấy chân đá một viên sỏi nhỏ về phía lão rồi bỏ đi. Mùi nước hoa thoang thoảng trong gió mát làm mũi lão hếch lên. Lão lim dim nhìn cái mông của nàng ngúng quẩy theo nhịp bước. Lão nhớ đến câu hát của bác Tốn vẫn thường gẩy đàn, giọng vọng ra:

Cô Huệ ơi

Nếu cô lấy tôi thì tôi xây nhà gạch hai tầng…

Tôi mua ô tô cho cô ngự, mua váy đầm cho cô thay.”

Bất giác lão bật lên cười.

Về đến nhà, lão móc cái túi lên vách rồi nằm dài trên cánh cửa. Trời đã tối hắn. Mấy vì sao long lanh ướt trên mấy nóc nhà tranh. Qua những khung cửa gỗ của dẫy nhà hai bên lối đi, ánh đèn dầu đỏ úa bắt đầu le lói. Men rượu thấm dần làm hai mắt lão díu lại. Lão thoáng nghĩ đến những hình ảnh ban ngày. Buổi sáng, lão lang thang ở những vườn hoa, gạ bói bài tây cho mọi người. Buổi chiều, lão trở về khung cảnh quen thuộc trong xóm Cỏ. Lão thấy mình sống đủ một ngày sung sướng.

*

Nội xóm Cỏ, Hai Hào chỉ thích có mỗi Đào. Gã cảm Đào mê mệt và chẳng để lỡ dịp nào để có thể ghẹo nàng dăm ba câu chuyện vu vơ. Đào không đẹp nhưng có duyên. Một phần cũng là do cái tính lẳng lơ của nàng. Đứng ở đâu, Đào cũng cười được. Tiếng cười rích lên như chuột rúc. Cái cổ nghẹo sang một bên. Hai gò má núng nính thịt rung rinh, cặp mắt tít lại. Những hôm Phó Ngữ say rượu đi ngủ sớm, Đào lẻn cha ra đứng túm năm túm ba ở ngoài giếng nước. Mấy cô chụm đầu vào nhau nói chuyện nhảm rồi rũ lên cười.Tiếng phát đùi, phát bẹn đôm đốp trong bóng tối. Mà bao giờ người ta cũng nghe thấy tiếng Đào to nhất. Nàng “chí” bạn rõ đau rồi chu lên:

“Ý cha mẹ ơi! Bộ mày “muốn” hả…”

“Khỉ gió, “cấu” chết thịt người ta đây này. Về nhà mà cấu nó có được không?”

“Nó là đứa nào. Không khai được tao rút lưỡi.”

“Bộ tưởng người ta đui cả đấy hẳn. Hai Hào chớ ai!”

Đào giẫy nẩy lên, phát đen đét vào lưng bạn:

“Khắm chửa! Khắm chửa! Ai thuê mà nói…”

Một cô bắt chước giọng gã đàn ông:

Đào thơ niễu yếu em ơi!

Kén gì cho đặng bằng nơi cái anh Hai Hào.”

Tiếng cười lại choé lên như tuột nắp và năm sáu cô lại ôm nhau rũ ra như những người không có xương sống.

Nhiều hôm mải chơi, Đào bị bố xách gậy đuổi chạy đầu làng cuối xóm. Chó sủa vang cả một vùng. Đào xắn quần chạy trước. Phó Ngữ say rượu loạng choạng đuổi theo sau. Cái gậy vung lên, lão vừa quật xuống đất vừa chửi tán loạn:

“Cha bố tiên nhân cái con đĩ ngựa, ông mà tóm được mày thì ông cắt lưỡi, biết chưa…”

Nhưng chẳng bao giờ lão tóm được Đào cả. Nàng chạy như ngựa vía, lồng qua hàng rào nhà này, leo qua cửa nhà kia, trong một loáng, chỉ còn thấy Phó Ngữ đứng chống gậy một mình mà chửi toáng lên khắp ngõ:

“Tiên nhân cha nhà mày, biết chưa! Con đĩ ngựa!”

Nội ở cái xóm này, lão là người khó tính nhất. Lão goá vợ và chỉ có một mình Đào. Càng về già lão càng trở nên cau có, gắt gỏng. Mối lo duy nhất của lão là sợ thiên hạ “chim” không mất con gái. Mỗi buổi chiều ở xưởng về, lão thường sai Đào đi mua lưng chai rượu. Rồi suốt cả buổi tối lão cứ ngồi ôm mâm cơm và ly rượu để lèm bèm với con gái:

“Tao nói cho mà hay, cha bố cái con đĩ mẹ nhà mày! Con gái là ăn thua ở cái tiết trinh, biết chưa? Mày lăng loàn đú đởn thì có con chó nó thèm lấy mày, biết chưa?”

Đào ngồi nghe mãi cũng chán tai, một đôi khi tức mình cũng chêm một câu:

“Thì ai đã làm gì mà cứ rối mãi lên.”

“Rối cái thằng bố nhà mày. Dễ tao không rối thì để cho mày đi đánh đĩ à. Tao nói cho mày hay, biết chưa, giữ mày như giữ bom trong nhà!”

“Thì đuổi tôi đi!”

“Đi đâu? Mày tính đi đâu, con đĩ ngựa! Này, ông nói cho mà hay, ông còn ngồi đây thì chẳng có đứa nào bước ra khỏi được cái nhà này đâu! Biết chưa!”

Thành ra trong nhà, tiếng rằng chỉ có hai bố con mà không lúc nào là không to tiếng hay xô xát. Đào thì dẫu có đánh chết cũng không bỏ được cái tính lẳng lơ. Hơi một tí là mắt đã tít lại, miệng nhăn ra cười. Nhưng chính vì cái tính xốc nổi, bộp chộp ấy mà Hai Hào lại say nàng mê mệt. Gã tống tình với nàng bằng đầu mày, cuối mắt. Mỗi lần đạp xe qua giếng, nghe thấy tiếng Đào cười, không biết ất giáp gì, gã cũng phá lên cười theo. Đào dẩu môi nhìn lên:

“Khắm chưa! Ai người ta làm gì mà cười.”

Gã không đáp, chỉ nhe bộ răng trắng nhởn ra, nhìn chòng chọc về phía nàng. Cái nhìn sỗ sàng của gã khiến Đào bẽn lẽn, nóng bừng cả mặt. Nàng liếc gã một cái thật dài rồi cúi xuống nói bâng quơ:

“Dơ đâu có thứ dơ lạ!”

Rồi nàng cao giọng hỏi bà cụ Tư đang giặt quần ở đằng xa:

“Có phải thế không hả cụ Tư?”

Bà cụ ngẩng lên ngơ ngác:

“Phải cái gì kia?”

“Dơ đó… phải dơ không?”

Bà cụ cau mặt lại, ném đống quần thâm một cách giận dỗi vào chậu giặt rồi càu nhàu:

“Chớ lại không dơ. Nó thấy tháng, nó bắt con mẹ nó giặt…”

Đào rú lên cười. Nàng hể hả nhìn theo Hai Hào bẽn lẽn đạp cái xe ken két trên vòng xích sắt. Bắp thịt của gã vồng lên, hai bả vai vạm vỡ ướt đẫm mồ hôi, nom nhễ nhại ở dưới nắng.

Cho đến một hôm, Đào đi chợ vào lúc hừng đông. Trên con đường nhàn nhạt ánh điện, nàng nhí nhảnh quẩy gánh rau kĩu kịt trên vai. Hai Hào cũng dậy thật sớm, đạp xe theo hút ở đằng sau. Tay gã gõ nhịp vào thùng xe, miệng gã huýt sáo vu vơ. Đến một chỗ tối, gã la lên:

“Rớt… rớt!”

Đào hạ gánh rau xuống, đứng lại xem xét rồi chanh chua:

“Khắm chửa! Rớt ở đâu nào?”

Hai Hào cười ha hả:

“Ô hay! Ai nói nhà cô!”

“Chả nói đây thì nói ai.”

“Nói bâng quơ!”

“Này thôi đi, sáng ra đừng có ám quẻ người ta!”

“Chả ám đâu… thương thì có.”

“Thương! Thương cái xương không còn.”

“Thật mà… thương thật mà!”

“Thề đi nào!”

“Đứa nào nói dối thì xe nó cán nòi con ngươi ra.”

“Phỉ phủi đi! Chỉ dại nào!”

Hai Hào sướng mê tơi, gã vội vàng tuột xuống khỏi yên xe. Hai bên đường phố hãy còn vắng ngắt. Ngọn đèn đường vừa mới tắt trên nền trời trong xanh, tươi mát. Đứng ở bên Đào, gã tẩn mẩn bứt những lá rau non đem miết nát trong bàn tay. Giây lâu Đào gỡ cho gã ra khỏi sự lúng túng:

“Bứt mãi hư hết rau của người ta.”

“Hư thì đây đền.”

“Đền cái gì nào.”

Gã ôm cứng cô gái vào hai cánh tay. Đào cũng ghì chặt lấy gã. Gã ấp úng trong hơi thở nóng hổi:

“Đào ơi! Mình ơi…”

Cặp môi của gã hôn như mưa lên má của Đào. Giây sau, gã mới nói, giọng vẫn còn lạc đi:

“Nên đây, tôi chở mình vào chợ.”

Đào giẫy nẩy:

“Chịu thôi, chúng nó chế chết.”

“Chế cái nỗ đít! Mặc bố chúng nó…”

“Chịu thôi. Để đến tối.”

“Tối ở đâu?”

“Sau giếng đi.”

“Mấy giờ?”

“Chín giờ.”

Vừa đáp, Đào vừa đẩy gã lùi lại phía sau. Nàng sửa lại mái tóc rồi cúi xuống nhấc cái gánh lên vai. Hai Hào sung sướng đưa tay lên gãi mãi bả vai mình. Đào nói:

“Cấm theo đấy nhé.”

Gã gật đầu lia lịa. Lúc Đào đi xa, gã nói với theo:

“Mình đi bình an nhe… tối nhe… thiệt nhe…”

Từ hôm ấy, gã thì thọt với Đào rất nhiều lần. Hai người hẹn nhau hoặc ở đầu nhà, hoặc ở ngõ giếng, có khi Đào liều lĩnh lại rủ gã đi coi tuồng nữa. Hôm hẹn với Đào, gã đóng kín cửa để sửa soạn cho mình. Hộp bi lăng tin đã nhiều lần lấy ra, lấy vào để ướm, để ngửi, bây giờ gã mới thực sự đem dùng. Gã chải đầu bóng loáng và rẽ đường ngôi thật thẳng. Gã mặc chiếc áo sơ mi trắng bốp bỏ ra ngoài chiếc quần ka ki ngắn và chật căng. Chân gã rửa sạch. Gã xỏ vào đôi guốc mộc còn mới nguyên thớ gỗ. Gã tiếc cái gương chỉ bé bằng nửa bàn tay, không đủ cho gã soi cả bóng của mình. Lúc sửa soạn xong, gã thập thò ở cánh cửa mấy lần rồi mới dám đánh bạo bước ra. Gã cảm thấy rất xấu hổ vì chưa bao giờ mình ăn mặc trịnh trọng như thế. Mặc dầu trời đã tối hẳn mà gã vẫn cúi đầu len lét đi, tưởng như tất cả lối xóm đều trông thấy mình.

Gã bước những bước thật dài, đôi guốc ngượng nghịu trên hai bàn chân thô kệch. Gạch đất lổn nhổn làm gã vấp mấy lần. Qua nhà bác Nhan, cái Hòn nhác trông thấy gã vội reo lên:

“Chèn ơi… bác Hai đi đâu mà diện “oách” thế kia.”

Hai Hào nóng mặt, vội vàng giơ hai tay ra suỵt nó:

“Im mồm! Tao nên phố đây.”

Hòn nhẩy cẫng hai chân:

“Cho cháu đi phố với.”

Gã tức ứ lên tận cổ:

“Đi cái nỗ đít! Đừng có mà nôi thôi.”

Nhưng cái Hòn đâu có biết nỗi khổ tâm của gã. Nó nói bô bô:

“Cháu đi được. Hôm nay u cháu về muộn mà.”

Mắt Hai Hào trợn lên, gã muốn vả cho nó mấy cái tát. Nhưng nghĩ thế nào, gã lại thò tay vào túi lấy ra đồng bạc rồi đay nghiến:

“Suỵt! Mồm chó gì mà to như mồm mõ thế. Đây, tao cho một đồng. Về nhà cấm nói nà gặp tao nghe không.”

Cái Hòn vội vã thủ ngay tờ giấy bạc vào túi rồi gật lấy, gật để:

“Cháu không nói đâu… không nói gì hết.”

Rồi nó ù té chạy tuốt vào khuôn cửa. Hai Hào thở một hơi dài nhẹ nhõm. Gã đi như chạy trốn ra đầu ngõ. Lúc qua quán nhà cụ Tư, gã tảng lờ như không nom thấy mọi người đang ăn uống um sùm ở bên trong. Mà cũng không có ai nom thấy gã cả.

Đến chỗ hẹn, gã đã nom thấy Đào đang chờ dưới bóng tối một lùm cây. Hai người đi ngược lên mạn phố. Hôm nay Đào cũng diện ghê. Nàng bận áo vải phin nõn và cái quần sa tanh đen, bóng mượt. Hai gò má nàng đỏ ửng lên vì phấn sáp. Miệng nàng bỏm bẻm nhai một miếng trầu. Hai Hào sung sướng hết ngắm người yêu lại nhìn ra xung quanh.

Thành phố đông nghịt người qua lại. Đèn thắp sáng choang khắp mặt phố. Tiếng còi xe, tiếng hò hét, tiếng máy nổ vui như nỗi vui trong lòng gã. Gã thấy mình như bơi trên mấy tầng mây. Gã nắm lấy bàn tay mềm mại của Đào. Nước da mát rượi của nàng gây cho gã cảm giác nôn nao. Gã ấp úng:

“Mình xem ‘tích’ gì bây giờ?”

Đào đáp:

“Lên ngã tư đi. Hôm nay có Lã Bố hí Điêu Thuyền…”

Hai người len lỏi đi qua những lùm cây. Lâu lắm gã mới nói:

“Mình đi, ở nhà có nói sao không?”

“Nói sao?”

“Nói rằng đi chứ còn sao.”

“Tôi trốn đấy. Nhưng cần gì. Cho thầy tôi đánh.”

Gã kéo Đào đi sát lại mình. Giọng gã đầy thương cảm:

“Khổ cho thân mình… Mình khổ vì tôi.”

Đào ôm lấy cánh tay của gã thì thầm:

“Đã yêu nhau thì sông cũng lội, núi cũng trèo nữa là.”

Hai Hào sung sướng nói:

“Thiệt nhe! Mình nói thiệt nhe!”

Đào “chí” cho gã một cái thật đau rồi nói:

“Chả thiệt với mình thì thiệt với ai.”

Một lát sau, gã lại hỏi:

“Bao giờ chúng mình cưới nhau nhỉ mình nhỉ.”

“Bao giờ chẳng được.”

“Niệu thầy mình có ưng tôi không?”

“Chả ưng tôi cũng lấy.”

“Thiệt nhe! Mình nói thiệt nhe!”

Lòng nôn nao về ý nghĩ được sống mãi mãi bên Đào, gã cảm thấy hạnh phúc tràn ngập ở khắp mọi nơi, trong gió mát, trong lùm cây, trên nền trời xanh đen thấp thoáng mấy vì sao thưa. Lâu lâu gã lại hỏi:

“Chắc phải nâu nâu thì mới cưới ấy mình nhỉ.”

Đào nhìn gã cười hóm hỉnh:

“Thì bao giờ chẳng được. Sao mà nóng thế!”

Gã bẽn lẽn:

“Đã yêu nhau mà nại không nóng. Mình có thấy… nóng không?”

Đào cấu gã một cái rồi nói:

“Rõ khéo nhà mình lắm nữa!”

Hai Hào bật lên cưới, răng gã nhe ra, mắt gã nhìn Đào một cách đĩ thoã. Đào đỏ mặt, phát đôm đốp vào lưng gã:

“Khắm chửa kìa… Khắm chửa kìa…”

Hôm ấy hai người đi mãi đến khuya. Lúc trở về, xóm Cỏ đã chìm trong giấc ngủ. Đào bắt đầu cảm thấy lo lắng. Nàng thì thào:

“Mình về trước đi.”

Hai Hào chùn lại:

“Mình đi trước thì hơn. Tôi sợ!”

“Khắm chửa… Gì mà sợ.”

“Thầy mình biết thì ông ấy đánh tôi chết.”

“Chả biết đâu. Ông ấy ngủ từ lâu rồi. Hẹn mai nhé…”

Hai Hào nắm chặt lấy tay nàng. Hai người hôn nhau trong bóng tối. Một lát, Đào đẩy gã ra:

“Thôi khuya rồi. Mình về đi.”

Gã buông nàng ra, hối hả đi vào ngõ tối. Qua cửa nhà Phó Ngữ, gã bỏ guốc ra, cầm trên tay. Mắt gã mở to, đầu gã nghiêng nghiêng nghe ngóng. Cửa nhà Đào tối om, sự yên lặng bao phủ suốt một dãy nhà lá lụp xụp chạy dài. Gã cảm thấy lòng hồi hộp. Hai chân gã bước rón rén. Những viên gạch răm nhỏ đâm nhói vào gan bàn chân. Chợt gã giật bắn người khi nghe thấy tiếng quát ở phía đằng sau:

“Sư bố thằng Hai Hào chim con gái ông… ông thì ghè vỡ sọ mày ra, biết chưa.”

Rồi từ trong xó tối, có tiếng xô ghế đứng dậy và gã thấy Phó Ngữ nhẩy bổ ra với cái gậy quen thuộc ở trên tay. Hai Hào vội vàng la lên:

“Ơ…. ơ đâu nào… Tôi chim ở đâu nào…”

Phó Ngữ hét lớn hơn nữa:

“Ông biết rồi, ông biết tỏng ra rồi…”

Nói rồi lão vụt cho Hai Hào một gậy. Gã co chân ù té chạy. Lão già vùng lên đuổi theo. Giọng lão oang oang phá tan cái im lặng về đêm của xóm Cỏ:

“Sư bố thằng Hai Hào… ông mà tóm được thì ông rút lưỡi, biết chưa.”

Hai người chạy huỳnh huỵch trên mặt đất gồ ghề. Tiếng chó theo đó sủa ran lên loạn xạ. Hai Hào thục mạng băng qua một cái rãnh đầy bùn. Phó Ngữ theo sát ở đằng sau. Gã cuống cuồng vứt phăng đôi guốc ở trong tay rồi len vào những ngách nhỏ. Tiếng Phó Ngữ vẫn oang oang làm mọi người trong xóm đổ ra lố nhố:

“Mày chim con gái ông… ông thì ghè vỡ sọ mày ra, biết chưa…”

Hai Hào vượt qua một đống rác lớn. Gã nom thấy cái cổng bằng nan tre của nhà bác Tốn. Vội vã gã co chân nhảy tuốt qua rồi băng vào trong sân đất. Chân gã vướng phải mấy cái lon sữa bò. Những chiếc hộp sắt va vào nhau kêu loảng xoảng. Ở đằng sau Phó Ngữ trờ tới, lão quờ tay xuống đất tìm mấy viên gạch ném mạnh về phía bóng Hai Hào. Trong nhà chợt có tiếng quát lên:

“Ai? Ai đấy…”

Đó là tiếng bác Tốn, khi ấy đang nằm mơ màng chợt nghe thấy tiếng vách vỡ rơi lả tả. Bác vụt nhỏm dậy và nhớ tới mấy trăm bạc để dành cất dưới nệm chiếu. Bác vội vàng thủ cái túi tiền vào ngực áo rồi khua chân xuống đất tìm đôi guốc mộc. Bỗng có tiếng thở hồng hộc ở bên tai:

“Nó đâu rồi… Nó đâu rồi…”

Bác Tốn vung tay ra phía trước. Tay bác chạm phải ngực áo Phó Ngữ. Bác la lên:.

“Ai? Ai đấy?”

Phó Ngữ vội đáp:

“Tôi đây… Bố cái Đào đây. Bác có thấy thằng Hai Hào chạy vào đây không?”

“Ấm ớ chưa! Hai Hào vào đây làm đếch gì.”

Giọng Phó Ngữ hậm hực:

“Thì rõ ràng tôi thấy nó chui vào đây mà…”

Rồi lão bước xuống thềm đất, tức tối vụt cái gậy vào những xó xỉnh, miệng la to:

“Thằng Hai Hào… Ông mà vớ được mày, ông ghè vỡ sọ biết chưa…”

Bác Tốn bật cười hỏi vọng ra:

“Sao? Nó làm gì cụ đấy?”

“Nó chim con gái nhà tôi. Hai đứa rủ nhau đi đến giờ mới về. Cha bố tiên nhân quân đầu trộm đuôi cướp, ông mà nắm được mày thì ông giết!”

Lèm bèm một hồi, lão lê cái gậy bước ra cổng. Mấy con chó xồ lại. Lão điên tiết phang bậy một cái. Một con chó la oẳng lên rồi co chân chạy tuốt vào cuối ngõ. Tiếng sủa của nó không ngớt vọng lại phía đằng sau. Bác Tốn ngó nghiêng một lúc rồi dò dẫm về giường. Tay bác sờ soạng tìm hộp diêm và cái điếu. Chợt có tiếng lục sục ở góc nhà. Bác bật dậy:

“Ai thế?”

Có tiếng thì thào đáp lại:

“Tôi đây! Hai Hào đây!”

Rồi gã đội cái chõng, lồm cồm bò ra. Bác Tốn nói:

“Gớm! Cậu vào lúc nào mà nhanh thế. Cứ im tê thôi”

“Suỵt! Lão ấy đi khỏi chưa?”

“Khỏi rồi, đừng lo. Cậu tầm ngầm thế mà ghê thật. Suýt vỡ đầu đấy nhá.”

“Vỡ cái nỗ đít đây này. Bộ não ấy thì đây chỉ đá một cái chết tốt!”

“Ái chà, hăng nhỉ. Vậy mà tôi cứ ngỡ lão ấy đuổi nhà ông chạy quắn đít lên đấy nhá.”

Hai Hào bẽn lẽn bỏ ra ngoài. Gã lo ngay ngáy về số phận của người yêu. Tai gã lắng về phía ấy. Nhưng gã không nghe thấy tiếng Đào la hét như mỗi khi bố nàng đánh nàng. Đầu xóm Cỏ chỉ nhộn lên một lúc rồi lại trở về sự yên tĩnh hằng đêm. Gã yên tâm giơ tay phủi bụi trên đầu rồi bước xuống sân đất. Có tiếng bác Tốn hỏi ra:

“Hào về đấy hả?”

Gã đáp:

“Tôi về đây! Cám ơn bác đấy nhé.”

Bác Tốn bật lên cười:

“Ơn với iếc gì. Nhà ông không đá vỡ đít con nhà người ta ngay trong nhà tôi là may bỏ bố cho tôi rồi.”

Gã hậm hực đi hùng hục trên những mô đất lổn nhổn. Nghĩ đến đôi guốc mới để văng đâu mất, gã tiếc của lẩm bẩm văng tục. Mồ hôi trên vai gã ướt đầm đìa. Gã bỏ đi về cuối xóm.

Đến quá nửa đêm, lúc gã còn đang thao thức về số phận người yêu thì có tiếng cậy cửa và tiếng gọi thì thào:

“Mình ơi…”

Hai Hào bật dậy. Gã nhẩy bổ ra tháo cái then cửa. Gã nom thấy Đào đứng ở dưới chân lão Hói. Gã cất giọng xuýt xoa:

“Sao? Mình có nàm sao không? Có đau không?”

Đào lắc đầu:

“Tôi không về. Nom thấy ông ấy đuổi mình, tôi đi tuốt ra đường cái rồi vòng lối giếng về đây. Mình có… bị gì không?”

“Không, tôi cũng nhanh chân chạy được.”

“Khổ quá, thật là mình khổ vì tôi.”

Hai Hào vội vàng bịt lấy miệng người yêu:

“Khỉ nắm nữa. Đã yêu nhau rồi mà mình cứ khách khí. Tôi khổ thế chứ, khổ nữa vì mình tôi cũng cam.”

Đào cảm động ôm chầm lấy gã. Gã dìu nàng đi vào trong bóng tối. Hai người im lặng không nói với nhau. Qua khung cửa sổ, trời bên ngoài sáng lên đùng đục. Có tiếng chuột chạy rinh rích trên rui nhà. Một lát có tiếng Đào giẫy lên:

“Đừng mình ơi… Tôi van mình.”

Rồi thì mọi sự trở nên im bặt, chỉ có tiếng ghế ngựa du đi du lại kêu cót két và tiếng Hai Hào thở mạnh như những lúc gã đạp xe chở nhiều đồ.

Trời càng ngày càng về sáng. Đằng xa thỉnh thoảng có tiếng ô tô chở hàng chạy nặng nề trên đường cái xen với tiếng chó sủa vu vơ vọng lại. Qua kẽ vách, lão Hói ngủ ngáy vang như sấm. Rồi bỗng có tiếng Đào tỉ tê khóc và tiếng Hai Hào dỗ dành:

“Tôi nậy mình. Đứng có khóc. Rồi mình nấy nhau cần gì.”

Giọng Đào thút thít qua nước mắt:

“Nhưng rồi bố tôi biết thì bố tôi giết!”

“Biết nàm sao được. Chốc nữa tôi đưa mình về thật sớm.”

“Ngộ tôi có chửa thì sao?”

“Chả nàm sao hết. Mình nấy nhau rồi, tha hồ mà chửa.”

Mặt Đào tươi lên. Nàng dụi đầu vào ngực gã nũng nịu và bắt chước cái giọng của gã:

“Thiệt nhe! Mình nói thiệt đấy nhe…”

Có tiếng cựa mình của lão Hói. Hai người vội vàng nín thinh.

Sáng hôm sau, lúc bừng mắt ra, Phó Ngữ thấy mình ngủ gục ở hàng hiên. Lão vội choàng dậy nhòm qua khung cửa sổ. Lão thấy Đào nằm ngủ li bì ở một góc giường. Mái tóc nàng xổ tung, khuôn mặt nhếch nháp phấn son, hơi thở đầy vẻ nặng nề mệt nhọc. Lão hùng hổ xô cửa định bước vào, nhưng cái cửa nghẹt cứng làm lão đau điếng một bên cánh tay. Thì ra Đào đã gài kỹ ở bên trong. Lão giận dữ thò tay xuống ghế với lấy cái gậy, rồi lão nện thình thình lên mặt cửa:

“Mở cửa! Mớ cửa! Cha bố tiên sư con đĩ ngựa.”

Đào hốt hoảng choàng dậy. Nàng dụi mắt nhìn ra xung quanh. Nom thấy bố đứng ở bên ngoài, đồng thời nhớ lại những phút đê mê mới xẩy ra hôm qua đã làm nàng từ một cô gái biến thành một người đàn bà, nàng sợ hãi kêu lên:

“Lậy thầy… Tôi lậy thầy…”

“Lậy cái thằng bố mày ấy à. Có mở ra cho ông không thì bảo!”

Vừa la Phó Ngữ vừa đá cái cánh cửa cho kêu lên rầm rầm. Đào cuống quít, vừa giậm chân xuống đất vừa lu loa:

“Chịu thôi. Tôi chịu thôi. Tôi mở để thầy vào thầy đánh chết tôi đấy à.”

Hàng xóm bắt đầu bu lại khiến cơn giận của Phó Ngữ càng tăng thêm. Lão quát om sòm:

“Mẹ bố mày! Ông không đánh thì để rồi cho mày đi đánh đĩ à. Mở! Mở!”

Bác Nhan gái ở ngoài len tới, nói chõ vào trong:

“Thì mở ra nào cô Đào ơi. Mở ra rồi xin lỗi ông ấy đi.”

Phó Ngữ gầm lên:

“Xin lỗi cái mả cha nhà nó. Ông thì ông vẫn đập cho mà chết, biết chưa.”

Bác Nhan gái cố nén cơn giận đang đưa lên cổ, nói gượng thêm một câu:

“Nó đã biết lỗi thì tha cho nó một lần nào, ông cứ nghe tôi đi.”

“Tha cái c. ông là ông không dung cái đồ voi dầy quạ mổ ấy đâu.”

Mặt bác Nhan bỗng đỏ ửng lên, rồi tím lại. Bác đổi giọng, quát lớn:

“Văng c. ra với ai thế. Này tôi nói cho mà biết, đây không có thêm dây với hủi đâu.”

Phó Ngữ sừng sộ:

“Hủi! Bà nói ai là hủi. Tôi nói cho mà nghe biết chưa… Tôi đếch sợ thằng nào, con nào hết.”

Bác Nhan buông cái rổ xuống đất, chồm lên:

“Không sợ thì làm cái thá gì. Thằng nào? Con nào? Đàn ông đàn ang mà ăn nói như đồ cu li…”

“A! Mày nói ai là đồ cu li? Mày nói ai là đồ cu li? Ông thì ghè vỡ sọ cái đứa ăn nói hỗn hào ra bây giờ!”

Bác Nhan xắn cái quần lên, bện vào cạp mấy vòng rồi vỗ đen đét vào ngang đùi:

“Đây! Bà đây! Bà đây… mày thử ghè cho bà coi.”

Thế là hai người túm lấy nhau. Trẻ con đứng ở ngoài vỗ tay ầm ĩ. Tiếng vật nhau, xen lẫn với tiếng chửi rủa om sòm làm tán loạn cả lối xóm. Mọi người bu lại, mỗi bên gỡ ra một người. Có tiếng Phó Ngữ thở hổn hển:

“Các ông các bà cứ mặc bố tôi. Tôi phải đánh cho nó chừa tôi ra, biết chưa.”

Giọng bác Nhan gái cũng chanh chua không kém:

“Xê ra… xê ra… Để tôi vặn cổ cái thằng nói láo cho mà xem. Xê ra…”

Từ bên trong, Đào vội vàng sửa lại mái tóc rồi mở tung cánh cửa chạy ra. Nàng xông vào ôm lấy đầu bác Nhan vật xuống. Tiếng bác chu lên:

“Ối giời đất ơi… ối ông phu lít ơi… bố con nhà nó đánh chết tôi.”

Cụm người xô đi xô lại. Cái hàng rào bị nghiêng đi, nghiến vào nhau kêu ken két. Tiếng Đào thét lên lanh lảnh:

“Thầy để mặc nó cho tôi… Tôi đánh chết nó đi…”

Ở vòng ngoài, cái Hòn cũng vừa chạy tới. Mặt nó xám ngoét, tay nó run bắn lên, nó quơ vội lấy hòn gạch rồi len vào la thất thanh:

“Giời đất ơi… Chúng mày đánh chết u tao rồi.”

Nói rồi nó chồm lên, nhằm lưng Phó Ngữ mà ghè xuống. Phó Ngữ rên lên hồng hộc:

“Ôi chao ôi… chúng mày giết ông… ông thì bỏ tù chúng mày cho rục xương ra, biết chưa…”

Cụm người lại chen nhau xô đẩy. Mãi người ta mới gỡ được bác Nhan ra ngoài. Đầu tóc bác rối bù, cúc áo sổ tung, bộ ngực hở ra thỗn thện. Tiếng bác khản đi:

“Đánh chết nó đi… Đánh chết nó đi…”

Ngay lúc ấy bác Nhan trai cũng đã len được vào. Mặt bác xanh như tầu lá. Chân tay bác run lẩy bẩy. Bác nói không ra hơi:

“Giời ơi! Giời ơi… làm sao mà đến nông nỗi này. Tôi xin bà…”

Vừa nói bác vừa xô vợ ra phía ngoài. Mọi người giãn ra xa. Bác Nhan gái vẫn hùng hổ:

“Đi ra, đi ra để tôi vặn cổ bố con thằng Phó Ngữ cho coi.”

Nhưng nói thế thì nói, bác vẫn cứ lùi bước đi theo chồng. Cái Hòn len lét đi đằng sau. Trên thềm gạch, Phó Ngữ nằm lết bết trên cánh tay của Đào. Lão hổn hển:

“Cha bố chúng mày… rồi thì rũ tù, biết chưa.”

Đào ôm lấy lão vào lòng. Mồ hôi trên trán lão vã ra lấm tấm. Đào xốc nách lão dìu qua ngưỡng cửa, rồi đặt lão nằm ngay ngắn trên mặt phản. Hai mắt lão nhắm nghiền, lão nói với Đào bằng một giọng mệt nhọc:

“Cầm cái chai trên nóc tủ lại đây cho tao…”

Đào bưng lại cho lão một ly rượu trắng. Lão hớp từng ngụm nhỏ. Lúc cạn hết ly, chợt lão ngóc đầu dậy:

“Đêm qua mày đi đâu?”

Đào mỉm cười gượng gạo:

“Tôi đi coi hát. Tích Điêu Thuyền.”

“Điêu bằng mày không? Con đĩ ngựa! Mày đi coi hát sao mày không về?”

Mặt Đào vênh lên:

“Về chứ sao không về. Nhưng trời tối thui, tôi sợ ma nên ngủ luôn nhà bạn.”

“Ma cái con chó. Tao còn lạ gì… mày đi với thằng Hai Hào.”

“Khắm chửa, hào với xu nào ở đâu mà cứ nói.”

“Bộ mày tưởng tao đui hả. Tao nói cho mà nghe biết chưa, tao là tao không có gả con cho cái đồ cu li cu leo ấy đâu.”

“Cu li thì đã làm sao. Miễn là tốt thì thôi chứ.”

“Nó tốt mặc bố nó. Tao đã bảo không là không mà.”

Đào vặc lên:

“Nhưng tôi ngủ với nó rồi!”

Mồm Phó Ngữ đột nhiên há ra. Mắt lão trợn tròn lên nhìn cô con gái quí. Tay lão sững sờ buông cái chén xuống đất vỡ tan tành, đồng thời miệng lão ngoác lên:

“Ối giời ơi… làm sao… mày làm sao với nó rồi…”

Đào lí nhí:

“Ngủ rồi…”

Lão buông ngay Đào ra rồi ngã vật xuống. Tay chân lão quật thình thình trên mặt phản, lão rên lên những lời thảm thiết:

“Ngủ rồi… ngủ rồi… ối con ôi là con ôi… thế là con ăn cứt rồi…”

Rồi tự nhiên lão bưng mặt khóc. Đào cuống cuồng chạy lại ôm lấy lão, nhưng lão thuận chân đạp một cái nên thân vào ngực nàng. Đào kêu lên một tiếng “hự” rồi ngã quay lơ trên mặt đất. Chưa hả cơn giận, lão còn gầm lên:

“Đồ con đĩ! Giời ơi, thà mày lấy dao cắt cổ tao đi còn hơn là mày bêu riếu tao như thế.”

Đào lồm cồm bò dậy, nàng vừa lấy tay cuộn lại mái tóc vừa chanh chua:

“Ừ đấy! Tôi ngủ với nó đấy. Tôi thương nó thì tôi lấy.”

“Lấy nó thì xéo ngay ra khỏi cái nhà này. Đồ đĩ ngựa, đồ voi dày.”

Đào không đáp hầm hầm đi ra cửa. Đến tối, lúc gặp nhau, nàng nói với Hai Hào:

“Tôi thú với thầy tôi rồi!”

Gã đàn ông choáng người:

“Ý chèng đéc ơi! Mình thú nàm sao?”

“Thú ngủ rồi.”

Gã đàn ông giẫy nẩy lên, hai chân gã giậm xuống đất:

“Chết bà tôi rồi! Gặp tôi thì ông ấy đánh tôi chết…”

“Cần gì. Đằng nào thì rồi ông ấy cũng biết.”

Thấy gã đứng lặng thinh, Đào tiếp:

“Mình lấy tôi đi!”

“Ngộ ông ấy không chịu thì sao?”

“Mặc kệ! Từ giờ tôi là vợ của mình rồi.”

Gã cảm động:

“Thiệt nhe. Mình nói thiệt đấy nhe.”

Đào không đáp, áp má vào ngực người yêu. Hai người im lặng. Một lát gã nói:

“Nhưng cũng phải cưới nhau thì mình mới nàm vợ tôi được chứ.”

“Thì tất nhiên!”

“Vậy cưới thì cưới thế nào?”

“Tôi biết làm sao được. Người ta thế nào thì mình thế ấy.”

“Chỉ hãi bố mình thôi!”

“Để rồi tôi nói. Rồi thế nào ông ấy cũng phải chịu.”

“Thiệt nhe. Mình nói thiệt nhe.”

“Thật chứ. Mình cứ lo sửa soạn đi.”

“Mình bảo tôi sửa soạn cái gì cơ?”

“Khắm chửa! Thì cũng phải sắm sửa cái nọ cái kia chứ.”

Gã ngập ngừng:

“Tôi thì tôi chỉ có mấy trăm… thiếu không?”

“Đừng lo. Tôi cũng có. Thiếu tôi đưa…”

“Thiệt nhe!”

Thấy Đào không nói, gã tiếp:

“Nhưng tôi nhờ ai hỏi được bây giờ?”

“Ai chả được.”

“Lão Hói được không?”

“Ấy chớ! Lão Hói thầy tôi chả chịu đâu.”

“Tốn nhé?”

“Cũng chả được.”

“Thế thì đếch ai bây giờ. Hay cụ Nết vậy.”

“Ừ, cụ Nết thì thầy tôi ưng.”

Hai Hào náo nức:

“Thế thì xong rồi nhỉ mình nhỉ. Chúng mình nấy nhau. Tôi không ngờ đấy nhé.”

Đào cấu vào lưng gã một cái đau điếng. Gã nhe răng ra cười. Hai tay gã gãi lia lịa lên bả vai. Rồi gã ôm Đào vào lòng. Gã thấy như mình ôm cả hạnh phúc trong vòng tay.

Nguồn: Thềm hoang, truyện dài của Nhật Tiến. Đời Nay ấn hành lần thứ nhất ở Sài Gòn năm 1961. Việt Tide tái bản tại California năm 2003 (tác giả có hiệu đính). Tranh bìa: Nguyên Trúc. Trình bày: Nguyên Trúc & Cao Xuân Huy. Bản đăng trên talawas do tác giả cung cấp.

Comments are closed.