Hầm Mộ

(Trích đoạn)

Đỗ Hoàng Diệu

clip_image001

Văn Việt: Sau thành công của tập truyện ngắn “Bóng đè” xuất bản năm 2004, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu bắt đầu viết truyện dài. Tiểu thuyết “Rắn và tôi” của chị được trang web talawas trích đăng lần đầu tiên vào Chủ nhật, 11 tháng 3 năm 2007. Tiếp theo “Rắn và tôi” là “Hầm mộ”, một trong những cuốn truyện từng gây dư luận trong làng văn không kém gì “Bóng đè”, “Tình chuột” hay “Cô gái điếm và năm người đàn ông”…

Không mấy quan tâm đến sự “hợp lý” qua mối liên kết bề mặt các con chữ, Đỗ Hoàng Diệu thiên về cấu trúc nội tại nằm ở bề sâu văn bản, nhằm giải thích các hiện tượng lịch sử, văn hóa theo một sự dẫn dắt mơ hồ nào đó trong sâu thẳm tiềm thức.

Hình tượng nghệ thuật trong tiểu thuyết Đỗ Hoàng Diệu luôn nặng âm tính như được tạo nên từ thế giới huyền hoặc, ma quái nhưng lại không thuộc bản chất ma quái vô hình mà là hiện thực hữu hình qua ẩn dụ nhiều tầng, đấy chính là lúc ngòi bút của chị trượt ra khỏi quỹ đạo chính tắc. Sự giải thiêng thần tượng, cách định nghĩa lại những giá trị vốn vẫn được xem là dĩ thành bất biến khi mà cuộc sống trở nên bế tắc, u ám như một kiểu hầm mộ được diễn tả với những câu văn đầy chất “liêu trai”, thì cuộc sống hiển nhiên trở thành địa ngục.

Văn Việt xin trân trọng giới thiệu trích đoạn “Hầm mộ” cùng bạn đọc.

      Ngày mưa tháng tám. Cơn nước lên. Thành phố úng chìm, lún lụn. Đôi trai gái chụm trên chiếc giường kê cao, cười rức rức. Hình như giữa màn nước mênh mông dưới chân họ, có điều kỳ lạ. Hai đôi mắt cứ đắm đuối nhìn màn nước đương nhích cao từng phân, rồi lại nhìn nhau.

–         Anh ước mưa mãi mưa mã, thành biển cả. Anh và em là con thuyền…

Tiếng chàng trai trầm như tiếng mưa rơi giữa trời không gió.

–         Con thuyền to thế, biết trốn vào đâu nếu bố mẹ em về?

Chàng trai miết môi mình vào làn da cô gái trong khi vẫn cười, đôi mắt chói niềm vui.

–         Thuyền tình yêu chứ có phải thuyền buôn lậu đâu mà sợ, em

ơi… Hay em, hay chúng mình biến nó thành con thuyền khác đi, con thuyền hạnh phúc, con thuyền vợ chồng….

Giọng chàng trai ngạt đi. Hơi thở cố nén, dồn dập dồn dập.  Màn nước dưới chân giường  lay động lay động, lan tỏa lan tỏa. Cô gái vươn đôi cánh mềm, ôm riết thương yêu. Trời ơi, ngọt ngào! Tình yêu ơi, người đã ở đâu ngàn năm qua, bỏ tôi cô độc tuổi thơ dài náu lặng? Tình yêu ơi, có thật người đã đến, có thật người đang ở bên tôi? Tình yêu ơi, người sẽ để người đàn ông này hiện thân trong tôi suốt cuộc đời còn lại của tôi nhé? Người hứa đi, hứa đi. Người không hứa ư? Người sẽ lại để tôi cầm tù mình dưới hố thẳm sâu hoắc không cửa thoáng ư? Người bắt đầu tách chúng tôi ra ư, người đang làm ư? Ôi, bụng tôi lạnh, bụng anh lạnh. Làm sao, làm sao…

     Cô gái thét lên, cô tưởng mình có thể thét lên. Nhưng âm thanh hoảng loạn đó trở thành tiếng rú chẹt cứng cổ họng. Chàng trai rơi tay khỏi da mềm người yêu, tia nhìn ngắc cứng như người vừa bị bắn trúng tim.

     Thủng thẳng, từ khe trống giữa cặp tình nhân, trườn ra con rắn. Màu gì, to hay nhỏ, độc mức nào? Cặp tình nhân không biết, không ai biết. May chăng màn nước dưới chân giường mà  rắn đang chậm bơi, chậm vẫy, chậm tiến hòa vào biển đen đương nuốt chửng  thủ đô ngàn năm kinh kỳ có thể biết. Song, nước không biết nói, nước chưa bao giờ cất tiếng trên thành phố này.

      Cô gái tái nhợt. Chàng trai buông thở dài. Không nhìn nhau, không đối thoại. Họ không nghĩ về nhau. Nhưng họ đương cùng chung hồi tưởng. Những ngày đã qua, những lúc sắp hòa vào nhau, bỗng cứ vụn vỡ. Lần đầu tiên, tại căn phòng thuê trống hoác gió mùa của người bạn cùng lớp, cô gái đón nụ hôn đầu đời. Giây phút ấy, hình ảnh người mẹ câm lặng và căn nhà thừa nỗi buồn chìm sâu đáy vực. Mây trắng chui qua mái ngói hở nói với cô hạnh phúc. Trời xanh ghé qua khuôn cửa lỗ chỗ mối mọt thì thầm tình yêu. Lũ chuột cũng ríu rít lít chít gửi chúc mừng. Đúng lúc bàn tay chàng trai mê muội lần tới bầu vú nhỏ thanh tân, đôi thạch sùng quấn nhau rơi trúng mặt cô gái. Hét không đủ làm tan nỗi sợ, cô cắn nát vai anh. Lần trong khu nghĩ dưỡng miền sơn cước, mọi thứ thật hoàn hảo. Đêm thanh bình, hương núi rát hồn, hương rừng êm da. Đèn ngủ dịu dàng, môi cô gái dịu dàng, làn da cô dịu dàng. Người yêu cô say, người yêu cô mê, người yêu cô muội, người yêu cô chìm lút yêu đương. Áo vén, quần rơi, lòng tình nhân  cháy lửa. Bỗng rừng nổi gió, đêm đạp trời. Sấm oang suối, rền sông. Chàng trai ôm người yêu, run rẩy. Nỗi run kinh hoảng. Sáng hôm sau, khắp khu nghĩ dưỡng bàn tán về trận cuồng đêm trước. Họ nói kỳ lạ kỳ lạ, sấm chớp, gió mưa đổ xuống chỉ vẻn vẹn năm phút.

      Chàng trai buồn, cô gái mơ ác mộng suốt chuyến xe trở về.

      Mưa tan ra rồi ngưng dần. Tiếng í ới xuyên khắp thành phố. Đôi trai gái bứt khỏi nghĩ suy. Chàng trai áp mặt vào làn da tinh khôi người tình, “mưa tạnh rồi, thuyền không lật, mọi chuyện sẽ yên ả, phải không em?” Cô gái nhoẻn miệng. Người yêu cô, anh chàng kiến trúc sư đẹp trai, hay dùng  ẩn dụ, nói lời hoa nhã. Chẳng ai tin cả bố lẫn mẹ anh đều mù chữ.

                                                   *

       Tối cùng ngày, trong điện thoại, giọng nói không còn trầm tĩnh, chàng trai cũng thôi dùng ẩn dụ:

–         Bố anh trở bệnh nặng, muốn gặp em.

Trong vài giây, não cô phình ra choán hết bóng đêm.

–         Bố anh biết em?

–         Vì em là người anh yêu, vì anh sẽ cưới em.

Sau câu trả lời, mọi tế bào kháng cự trong cô gái đồng loạt từ trần. Một khắc nào đêm đó, dăm phân tử ngọ nguậy phân vân. Nhưng mưa đổ thác, cuốn chìm.

    Chuyến tàu tờ mờ chở đầy ngái ngủ. Sớm oải nhão mặt người. Linh hồn ngủ sâu giữa những khuôn mặt xám tái, chỉ thân xác lắc lư điệu buồn. Co ro cuối toa tầu, cả hai im lặng. Lần đầu cô đi tàu, cùng người đàn ông yêu cô, mà chẳng hề xúc động.  Mãi khi đoàn tàu rúc còi trườn vào ga Nam Định, cô mới bật lên, thức linh hồn và giọng nói:

–         Mưa à? Chúng ta không có ô…

–         Đi taxi em à. Nhà anh cách thành phố 30 cây, quê lắm.

Chàng trai bóp khẽ tay cô. Một luồng điện chạy qua. Môi cô gái hồng lên. Suốt mấy chục phút  trên taxi,  qua nhà thờ, qua tu viện, qua những cánh đồng nhợt nhạt chờ cấy, qua nghĩa địa, qua trường học … đôi môi cô vẫn hồng.

       Khuôn mặt ông già trên tấm phản quét rụi màu hồng khỏi môi, khỏi máu, khỏi đời cô. Khuôn mặt của mưa ngâu tháng bảy, rét tháng hai, nắng tháng sáu trong phiên chợ cá cuối ngày. Rệp xuống, tay lạnh, chân run, cô mất luôn giọng nói nơi bậc thềm ngôi nhà mái ngói xám rêu. Cô không để ý, đôi mắt ông già trợn ngược và bọt mép trắng xùi. Cô không nghe tiếng rú đột ngột tắt lịm. Cô không thấy chàng trai hoảng hốt nắm tay cô, nắm tay cha, đôi vai khuỵu rã. Cô không biết những người đàn bà luống cuống chạy tới, ôm mặt rỉ than. Nghĩ mình đã chết, cô buông tay.

      Chẳng tính được bao lâu, linh hồn cô trở về. Căn nhà sặc hương khói. Mà không át nổi khai nồng của trầu không giã nát trộn nước tiểu dây dính khắp thân thể. Nhà quê nào chẳng làm thế với người ngất xỉu. Mẹ thành phố, mẹ cũng vài lần áp dụng. Hằn vào tuổi thơ ngoài ngôi nhà im tiếng, chiếc giường rung động, người đàn ông chồng mẹ… có vệt dài cho nước tiểu trộn trầu không. Mất vài phút, cô nhận ra chiếc giường xỉn, gối nhàu cũ, chiếu lạnh tanh. Và dù xung quanh sầm tối, cô vẫn hiểu đang ban ngày. Nhiều lần, anh thầm thì. Em biết không, quê anh như chiếc nhà mồ vĩ đại. Người lang thang câm lặng. Da xanh. Môi thâm. Áo nâu. Mùa đông lạnh xé thịt mùa xuân ẩm rách tim. Vậy là chuyến tàu sáng đã chở cô về hầm mộ. Khẳng định suy nghĩ của cô, những âm thanh cưa xẻ, đập gõ đồng loạt vang lên lèn chặt không gian. Thêm vài tiếng chó già tru tựa nhị kèn đám ma. Gặp nhau lần thứ hai, anh thú thật với cô làng anh có nghề truyền thống đóng quan tài. Cô chặn cơn co thắt dạ dày, mở to mắt. “Theo em, đó là nghề cao quý”.

     Nước bắt đầu ngấm vào tận chân giường và các bức tường. Cô gái quờ quạng từng ý nghĩ trong thân xác oải mệt. Mùa xuân chết tiệt. Não cô buông thở dài. Một chút ánh sáng le vào như lân tinh chấp chới nghĩa địa đêm mưa. Cô ghét mùa xuân. Cái mùa khắp miền Bắc rỉ nước. Cái mùa bên ngoài da rít bên trong hồn biếng lười. Những thơ văn về mùa xuân làm cô căm thù.  Toàn dối trá! Mắt mẹ mỉm cười. “Đừng chứa chấp bất kỳ lòng hận thù nào trong người, cho dù chỉ là vài ngôn từ rỗng, con gái!” Mẹ chưa bao giờ cười bằng miệng.

       Tiếng cánh cửa mọt rệu rắc rắc. Tiếng bước chân hổn hển. Bước chân anh. Cô gái cố nhỏm lên khỏi đống chăn nhăn và song sắt nước tiểu trầu không. 

–         Mẹ ơi, con lên trạm xá nhưng không thấy ai trực. Con gọi cấp cứu nhưng người ta từ chối chạy về quê. Mẹ huy động người đi, chúng ta dùng cáng. Ơ, mẹ quỳ trước bàn thờ làm gì? Khấn vái làm sao cứu nổi người! Mẹ giúp con, con cần nhiều người, mẹ ra sân gọi to lên.

Âm thanh xương khớp mỏi mệt gượng dậy. Mẹ anh, cô đã nhìn trên ảnh, luôn cúi xuống khuôn mặt gầy, đôi mắt sợ sệt tựa việc mình đứng cạnh chồng con chụp hình là tội lỗi. Cô gái rùng mình. Từ chuyến tàu sớm đến bây giờ bao lâu? Mình bất tỉnh bao lâu? Sao cảm giác triệu năm trôi qua, sao mình như đang trong hang đá khổng lồ ẩm rêu thời đồ đá? Cô bật dậy dớn dác:

–         Anh ơi, anh ơi…

Với đúng hai bước, chàng trai đã nhào đến chiếc giường nơi gian áp chái. Chân tay xoắn xuýt che giấu vui mừng. Em tỉnh rồi, lạy Chúa, em tỉnh rồi. Cảm ơn Người. Chắp hai bàn tay vào nhau, anh ngước qua kẽ hở viên ngói vỡ, ngó thiên đàng. Sau này, cô gái mới biết, đó là lần đầu tiên và duy nhất chàng trai làm dấu thánh, cầu nguyện Chúa, dù gia đình anh công giáo nhiều đời.

       Khoảng hai tiếng sau, mặt trời le lói. Chiếc sân gạch xanh rêu hưng hửng. Dùng cả hai tay gỡ tóc rối, cô gái ngồi trên bậc thềm ơ hờ. Bố anh vừa tỉnh lại sau hôn mê. Ông gọi đứa con trai độc nhất lại giường. Chỉ mình anh. Co rúm tất cả nếp nhăn trên người vào manh chăn vàng ố, đôi mắt đen sâu hoắm cúi gằm, bí mật quá khứ nhả ra bằng âm sắc địa phương.

     ” Con bé anh dẫn về nhà sáng nay giống hệt cô gái ấy. Anh hiểu bố không? Anh hiểu không? Giống hệt cô gái tội thương ấy. Bao nhiêu năm, bố không quên được đôi mắt cô ta. Quái lạ lắm. Có lửa cháy. Sáng như lưỡi dao thép. Hai lưỡi dao ấy trừng lên dọa khi con đực của bố chuẩn bị hộc lên thỏa mãn. Nhưng bố làm sao dừng lại. Trời sập cũng thế, mẹ anh chết cũng thế mà thôi…Con ơi, quả báo rồi. Trời xui quỷ khiến anh gặp con bé ở đâu? Anh đã ăn nằm với nó chưa? Xin người cứu vớt, con lạy xin người. Hay bố đang bị ảo giác? Trên đời đầy người giống người. Anh gọi cô ấy vào đây, bố muốn nhìn lại. Mà thôi, đừng, đừng, bố xin anh. Bố không thể nhìn đôi mắt ấy thêm lần nữa. Ban nãy, bố ngất xỉu.. Lần này, có thể nó giết bố, rồi anh thành mồ côi. Ừ, mà tôi đáng chết, chết cũng được rồi. Tiếc gì.”

       Mây trùm kín ngôi làng. Hầm mộ khổng lồ lại âm u. Trước mắt chàng trai, đỉnh tháp nhà thờ rơi gãy. Mảng vôi nào đó bay luồn vào anh, khiến thân thể  nóng, bốc hơi khỏi mùa xuân ẩm nồng.

        Chuyến nhập nhoạng đưa chàng trai và cô gái trở về. Tàu mệt nhọc lăn theo sắp đặt. Chỉ khoảng dăm người trong khoang về ga cuối, ngồi gà gật. Thành ra những tiếng giằng xé, xô đẩy trong não đôi trai gái nghe rõ mồn một.

        Đâu đó qua Phủ Lý, cô gái quyết định làm bể không khí đang mỗi lúc càng hôi mốc, hấp hối.

–         Anh lo cho bố lắm phải không? Ông bệnh gì?

Không  thay đổi vị trí, giọng chàng trai nhẹ lẫn trong tiếng xập xình:

–         Em chẳng biết gì ư?

–         Biết gì cơ? Em đâu phải bác sĩ.

Lần lẹ, cô đưa bàn tay lần tìm người yêu. Như cách xa cả đại dương, như trong đen đặc nguyên thủy, như  ngàn năm thất lạc. Bất ngờ, chàng trai lia sang cô đôi  mắt hoảng dại, giật nảy:

–         Bệnh thú! Em biết không? Bệnh thú! Em biết chứ, em không biết, em biết? Em đừng biết…

Ánh mắt dịu lại rồi ngây thẫn, mông lung. Cô gái thu mình đến mức nhỏ nhất, nghĩ đến hầm mộ vĩ đại với thanh âm đục đẽo  quan tài.

       Biết, không biết, biết gì…Tàu lầm lụi ê chề suốt hành trình tới đích.

       Nhiều ngày sau đó, họ không gặp nhau. Nhiều ngày đó, cô gái chìm trong nỗi muộn sầu biết, không biết, biết gì. Và nỗi nhớ.

       Một ngày sau nhiều ngày, chàng trai tìm cô gái. Anh xanh rộc như chiếc lá tre rách. Anh nói nhớ và đau. Rồi anh hỏi cặn kẽ về cha mẹ cô. Rồi anh lẩm bẩm mãi: phải, không phải, biết đâu không phải, có ba con thú, những ba con cơ mà…

       Trong hầu hết giấc mơ cô gái, đều chập chờn ngày ôi mốc  mùa xuân năm đó. Kể cả sự việc được coi là vô cùng khủng khiếp xảy ra khoảng hai tháng sau cũng không thể xóa nhòa, không thể hoán đổi vị trí cái ngày ôi mốc ấy. Cô không hiểu, không tìm cách lý giải. Càng không nói với ai. Ban ngày, nó lặn sâu giữa thớ thịt mạch máu với sách vở máy tính áo quần. Đêm xuống, mưa phùn mùa xuân tiếng đập búa quan tài trong ngôi mộ khổng lồ đồng bằng Bắc bộ ùn ùn đến, thức giấc cô. Cô chỉ mười tám tuổi.

        Sự việc được cho là vô cùng khủng khiếp xảy ra đúng sinh nhật lần thứ mười tám của cô gái. Giọng chàng trai đổ âm u qua điện thoại: “Bố anh đi rồi. Câu nói cuối cùng của ông là muốn em về đưa tang…” Một chút e ngại thoảng qua rồi tan theo đợt gió tới từ biển khơi.

       Khác lần trước, cô một mình, bắt xe đò xuống ngôi làng truyền thống quan tài. Đám ma buồn giống đám ma. Người ta thì thào vợ chưa cưới của thằng con trưởng trẻ mà phải phép. Chàng trai khô gầy như cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ. Ái ngại, cô giấu nước mắt vào vành khăn tang. Người ta xé khăn tang cho cô, theo nguyện ước người quá cố. Cô không hiểu, không cần hiểu, cứ thế choàng lên đầu.

       Cơn mưa ào ào rắc xuống khi nhà thờ điểm chuông, thời khắc khâm liệm. Than khóc chìm trong mưa. Cô gái đứng sau người đàn bà chỉ còn khung xương nổi gồ trên nhúm da nhăn, vợ người quá cố. Dường như bao nhiêu tuổi trẻ, xác thân, yêu thương, bổn phận đến giờ phút này bà đã trút hết. Kể cả cái xác trắng đang được vẩy nước thánh kia, bà cũng ơ hờ. Đôi mắt bà nói thế, khi bắt gặp cái nhìn lén của cô. Ánh mắt khiến cô bỏng dạ dày, chậm vài nhịp tim, quên tang ma cùng căn cớ chiếc khăn tang cô mang trên đầu. Tiếng chuông ngưng, trả cô về căn phòng nhỏ mù mịt hương  ngây ngây tiếng khóc. Mảnh chăn công phượng từ từ lật xuống, khuôn mặt chủ nhân tang ma nghiêng về cô gái chảy nước miếng. Những bàn tay thò vô xốc lấy tử thi. Chuông lại dồn dập đánh, khóc lại đồng loạt vang. Tiếng khoan cắt quan tài cũng hối hả vang vang khắp làng. Bỗng ai đó hét lên, ai đó dẫm vào chân cô bỏ chạy. Cô mở mắt đúng lúc những bàn tay khâm liệm quờ lối thoát thân. Thây ma rơi uỵch xuống đất, trên vùng hạ bộ vắt vẻo con rắn cạp nia đương hung hãn kéo cắn lớp vải liệm. Trong tích tắc, con rắn sặc sỡ đã  làm phơi ra bộ phận đàn ông đen sì, co dúm của tử thi. Rồi rắn điềm nhiên đớp ngoạm xâu xé.

       Người nào đó giật cánh tay cô gái lôi đi trước lúc cô ngất lịm.

                                                      *

      Tôi không đứng lên nổi, thốt nên lời ngay cả khi tiếng gọi nạt của bà Thùy to hơn còi xe cứu hỏa.

–         Phi, cô sao thế? Sao tái xanh tái xám thế này? Đọc cái gì mà ra nông nỗi này hả trời… Xem nào, tôi mang đốt hết.

      Một Phi chứ ngàn Phi cũng không tưởng tượng ra mình vừa xem một cuộn phim kinh dị ám ảnh cỡ nào. Ý nghĩ ấy làm tôi đột nhiên cười khùng khục. Chỉ tội bà Thùy, đực ra, trợn tròn, chép miệng:

–         Rõ khổ, cứ như bị ma làm…

–         Người làm cô ạ. Tất cả do con người làm. Con người làm những việc mà quỷ ma cũng phải quay mình. Cô đừng cất, đừng đốt tập tài liệu của cháu, cô đọc đi. Thử xem cô dám đọc không nào…

Bà Thùy giãy lên, vứt tập giấy xuống sàn, lau lau tay như chẳng may vừa đụng phải người phong cùi. Bỗng dưng tôi khỏe lạ thường. Phải chăng, trời muốn tôi theo tận cùng, vén hết bức màn bí mật của câu chuyện mà ai đó đã tin tưởng giao phó cho tôi? Tôi biết, tôi biết cô gái chàng trai ấy, tôi tin mình đã gặp họ, nhưng ở đâu bao giờ thì trí óc mò mãi vẫn lạc  giữa sương mù.

     Đường đến tòa án cũng đặc quánh sương mù. Gương mặt anh thương binh thường trực tái xạm ác tính như quả bom lơ lửng giữa biển trắng nhờ. Sự so sánh nhẫn tâm bộc ra, tôi không kịp cản. May mắn, chưa cất lên tiếng, chưa biên thành văn. Trên mảnh đất này, mảnh đất lắm người nhiều thánh, sóng ngầm chăng dây khắp hang cùng.

     Bất động hơn cả tử thi đông lạnh, chị tạc tượng trước vành móng ngựa. Vành móng ngựa đầy mạng nhện. Tôi đi vào, nguồi xuống chiếc bàn khập khềnh chân thấp chân cao thoang thoảng mùi cứt chuột đặt tấm bảng luật sư. Ánh mắt chị hướng về phía tôi trong vài giây, ánh mắt hươu cao cổ bị giam trong chuồng gà. Rồi khuôn mặt phúc hậu khẽ cười. Tôi để ý, trên vầng trán rộng của chị có vệt đỏ tấy hình tròn như ai đó đã lấy đồng xu nung đỏ áp vô. Rồi chủ tọa phiên tòa nói nói, đọc đọc, hỏi hỏi. Cầm tờ giấy gạch chi chít đầu dòng bảo vệ quyền lợi cho Lan Lăng đặt xuống bàn, tôi nhìn về phía dành cho gia đình bị hại. Duy nhất một bóng người. Nhỏ xanh, còm dính vào manh áo nâu bạc phếch. Bà cựa quậy liên hồi trên chiếc ghế băng dài, bàn tay nhăn nheo cứ sờ hết túi áo này sang túi áo khác. Vành khăn tang trên mái đầu bạc sạ xuống, che hết mắt. Tôi định ra hiệu cho bà rằng tôi đã đến, rằng bà nên ngồi yên bình tĩnh. Bỗng cái giọng đều đều của vị chủ tọa dừng lại, và một giọng to, khỏe, vang cất lên dội vào từng viên gạch trong căn phòng.

–         Dạ thưa quý tòa, bị cáo đúng là Võ Ly Phượng, người đã hắt a xít vào mặt Lan Lăng, tức Thị Hưởng ngày trăng tròn tháng Thìn năm ngoái.

     Phòng xử án câm lặng. Mọi tia nhìn chết cứng trên mắt, mọi lời nói tê điếng dưới môi. Võ Ly Phượng, lần đầu tiên tôi biết tên thật của chị, người vợ giám đốc đã gửi cho tôi lá thư kỳ lạ nhằm ngày rằm. Lại ngày trăng tròn. Bất giác tôi nghĩ đến câu chuyện tình kỳ lạ ai đó đã để trên bàn giấy văn phòng, ai đó muốn tôi đọc, câu chuyện của người con trai sinh ra từ ngôi làng truyền thống đóng quan tài và cô gái lớn lên bằng những giấc mơ. Họ cũng có liên hệ nhiều với những ngày trăng tròn. Và cả tôi, đêm nào trăng tròn cũng hoang mang những giấc mơ dị thường.

    Cuối cùng, chủ tọa cất nên lời, cảnh cáo bị cáo Võ Ly Phượng phải trả lời thẳng và ngắn gọn câu hỏi của hội đồng xét xử, không tự ý phát ngôn bừa bãi. Lại một thôi một hồi đọc đọc nói nói, cũng đến phiên tôi.

    “Thưa hội đồng xét xử,

    Thưa toàn thể quý vị có mặt tại phòng xử án hôm nay,

     Thân chủ tôi, cô Lan Lăng, tức Thị Hưởng bị tạt axit, tổn hại 62%  sức khỏe, báo chí nói nhiều mấy tháng qua, cáo trạng cũng vừa hùng hồn đọc rõ. Và thân chủ tôi đột ngột qua đời tại nhà riêng tháng trước, cho đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, quý vị cũng đã biết.

    Bị cáo, người phụ nữ đứng trước vành móng ngựa kia, người vợ bị phụ  tình là thủ phạm gây ra vụ án, sự thật đã mười mươi. Trong vụ án này, cơ quan điều tra và các viên chức tố tụng làm việc có vẻ công tâm, nên chắc chắn đã đúng người đúng tội.

     Lúc này đây, tôi muốn quý vị nhìn thật kỹ người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu mà chúng ta gọi là bị cáo. Chị đã yêu chồng đến quên bản thân mình, chị đã tôn thờ chồng như một vị thánh, toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình yên ấm. Rồi Lan Lăng, người bị hại của chúng ta xuất hiện, với tư cách bồ nhí ông chồng. Xấu chàng hổ ai, như bao người vợ Việt cam chịu khác, chị âm thầm chịu đựng, vùi những cơn ghen vào máu, nén chặt nơi thẳm sâu. Nhưng trớ trêu, số phận đã cài sẵn ngã rẽ cuộc đời nhiều người bằng chiều tối ấy. Xui khiến chị gặp Lan Lăng cùng một chàng trai trẻ ríu rít yêu đương, xui khiến Lăng mạt sát chị, xui khiến chị nhận ra chính chồng mình cũng đang bị Lăng lừa. Để rồi chai axit oan nghiệt đã đổ xuống, tóe ra khuôn mặt mỹ miều của Lăng.

     Chị có tội, rõ ràng chị có tội. Rồi đây có thể phải trả giá bằng nhiều đêm co ro sau song sắt nhà tù. Nhưng cái tội lớn nhất của chị là đã ngây thơ, đã không nhận ra xã hội này không còn giống văn chương, không còn những nhân vật tốt đẹp chị say mê. Tất cả đều thay đổi, từ bà bán bánh cuốn làm nhân bánh bằng thịt chuột đến anh công an giao thông lấy tiền hối lộ nhanh như ảo thuật, từ mẹ bán con đến quan bán nước,  từ con trộm cắp đến chồng ngoại tình… trong bầu trời u xám, ngột ngạt khói bụi và nọc độc.

    Còn Lan Lăng, người con gái sinh ra bởi bà mẹ quê mùa nhân hậu, lên thành phố ăn học kiếm công danh đã về với đất. Không biết vì sao cô ra đi, không biết linh hồn cô có được đến thiên đàng, không biết trước khi nhắm mắt cô có nguôi căm thù? Chúng ta cùng cầu nguyện cho cô.

     Quả thực, tôi đứng đây với tư cách luật sư cho người bị hại, nhưng không thể hùng hồn đưa ra luận cứ vạch tội bị cáo. Cho dù linh hồn Lăng có oán thán tôi, có tung sét quét bão hãm hại, tôi cũng vẫn đề nghị quý tòa xem xét giảm tội cho bị cáo hôm nay.”

        Chẳng biết bằng cách nào, mông tôi đặt được xuống ghế.

Cô này hết muốn hành nghề rồi. Ông thẩm phán liên tục đập búa mà cô ta vẫn nói như lên đồng. Tôi thấy mắt cô ta màu đỏ, giống như ma ấy. Phen này người nhà bị hại thể nào cũng có chuyện để động chân động tay với luật sư đây. Dưng mà có thấy ai đâu, trừ mỗi bà già nhỏ thó kia. Bà ta lại chăm chú nghe cô ta nói, gật đầu như nuốt lấy từng lời, không tỏ vẻ gì tức giận, hình như còn sụt sịt khóc, thế là thế nào…

       Hai bàn chân tôi lạnh toát. Cái lạnh từ từ lan lên khiến xương khớp nhói tê. Tôi đảo mắt kiếm lối ra ngoài, gặp trúng cái nhìn lạ lùng của bị cáo. Đó là ánh mắt sáng nhất, ấm nhất nhưng cũng ma mị nhất tôi từng thấy. Nó khiến đôi chân tôi bỗng nhiên ấm sực như lúc nó đột ngột lạnh ngắt. Và trí não  minh bạch vô cùng. Như thể ai đó vừa khai mở toàn bộ huyệt đạo trên cơ thể tôi.

        Nhiều ngày sau, tôi cứ băn khoăn không biết có nên kể cảm giác kỳ lạ trong phiên tòa hôm ấy cho người thân hay đồng nghiệp nghe hay không. Tất nhiên, báo chí cũng làm ầm lên bài nói dở hơi của tôi. Và tất nhiên, tôi đã thuật chính xác từng từ mà người mẹ tội nghiệp của Lan Lăng vừa run vừa nói tại tòa cho nhiều bạn bè làm ai cũng buồn lặng.        

       “Kính thưa toàn thể các bác. Em là đồ bỏ đi vì không biết dạy con. Cho em được cúi đầu xin toàn thể các bác thứ tội vì Nguyễn Thị Hưởng là con em. Ra thủ đô ăn học, những tưởng thành người, ai dè đi cướp chồng người ta, rồi đổi họ sang tên. Nói thật, em chưa bao giờ dạy cháu cái chuyện ấy. Ai dạy? Bác nào biết trả lời em, em sẽ móc họng nó ra, bàn tay từng đào hàng tạ củ mài trên rừng này kinh hơn axit nhiều. Em nói thật, em thương cái nhà chị bị cáo kia nhiều. Em xin lỗi chị, vì con Hưởng mà chị gông cùm tù tội. Xin các bác quan tòa tha cho chị ấy, cho người ta về với chồng con. Em cũng xin Đảng rồi Nhà nước rồi Bác Hồ tha tội, em biết đẻ mà khôngbiết dạy con, để ra nông nỗi này. Dưng mà cháu nó cũng không còn, nên các bác đừng oán trách thêm tội. Ông trời có mắt hết. Tóm lại, các bác bảo cho phép em  nói, nói gì thì nói, em muốn các bác tha cho nhà cái chị kia, là em thỏa lòng.”

Trước khi quệt vội nước mắt, bà chắp tay vái khắp phòng xử. Lặng phắc, vài con ruồi bay đi bay lại chơi đùa cùng đám mạng nhện trước vành móng ngựa. Rồi bị cáo bật khóc nức nở. Tiếng khóc như chuông nhà nguyện kết thúc buổi hành lễ. Tim tôi nhói từng nhịp. Đám đông vỡ ra. Tự bao giờ, người mẹ tội nghiệp đã đứng cạnh tôi. Bà ôm vai tôi, cọ cọ bàn tay thô nháp lạnh lẽo. Tay bà là tay người tuyệt vọng, tay người sắp đi xa mãi mãi. Cháu giỏi lắm. Có cái này bác gửi cháu, khi nào rỗi thì xem thế nào, thư con Hưởng viết trước hôm đi. Thế nhé, cố gắng để người ta tha tội cho chị kia cháu nhé. Tờ giấy nằm gọn trong túi áo tôi, bà biến mất. Ba mươi phút sau, tòa tuyên án 18 tháng tù cho hưởng án treo. Bà ở đâu, chẳng biết có thỏa lòng? Chỉ thấy chiều đột ngột tắt nắng và cơn giông ầm ập đổ. Chiếc loa phường đương ông ổng ca Hà Nội cháy khói lửa ngập trời, Hà Nội ầm ầm rung… phát ra tiếng xẹt ghê rợn rồi ngưng bặt. Hôm sau, báo mạng đưa tin sét đánh tan chiếc loa công suất lớn làm hai cảnh sát giao thông chạy xe  máy ngang qua tử vong. Mảng sân mốc trước phòng xử án trắng phều nước, vãi tung sấm sét. Một bầy rắn ngũ sắc chẳng biết từ đâu xuất hiện, nối đuôi  vòng tròn nhảy múa hân hoan trước sự thất kinh của con người.

     Sau này, vài người trong số họ khẳng định với tôi đó là thần thánh hiện hình. Vài người chắc chắn mắt họ bị quáng gà, thực ra chỉ là cầu vồng phản chiếu. Một người thì thầm tận mắt thấy bóng người con gái vận đồ liệm rất giống Lan Lăng hóa thành bầy rắn chạy khắp tòa án tìm kiếm bị cáo.

      Tôi chăm chăm nghĩ tới lá thư Lan Lăng mà bà mẹ nhét vào túi áo. Mà không nhận ra, nó đã biến mất như có phép. Tận mãi sau, mãi sau này, lại đột ngột bay vào ngôi nhà hoa sen giải tỏa nhiều nghi ngờ. Nhưng đó là chuyện mãi sau, mãi sau này.

Đ.H.D

(Xem tiếp trích đoạn kỳ 2)

Comments are closed.