Đọc bản nhận xét phản biện LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng (2) & (3)

Vũ Thị Phương Anh

Xem phần (1)tại đây!

Phần 2:

931426_4414770901219_385951524_n1-300x119

Ts Vũ Thị Phương Anh

Trong mục 1 của bài phản biện, ông PTT đã xem xét lý do chọn đề tài của NT rồi kết luận một cách quy chụp ác ý, dựa trên những trích dẫn được cắt ghép tùy tiện (như tôi đã phân tích trong bài 1) rằng NT chọn MM chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, hay nói ngắn gọn là vì NT “phản động” (từ của ông PTT). Trong hai phần tiếp theo, ông PTT tiếp tục trích dẫn một số câu, đoạn trong LV của NT, để từ đó đưa ra kết luận gọn lỏn rằng “Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy.” Kết luận này của ông PTT có thuyết phục không? Chúng ta hãy thử xem xét lập luận của ông PTT và so sánh nó với những gì NT trong LV của cô.

 2. Về lịch sử vấn đề

 Không giống với phong cách đã sử dụng ở mục 1 (trích dẫn –> bình luận –> kết luận), ở phần này ông PTT chủ yếu nêu lại những gì NT đã viết, nhưng với hàm ý rất rõ ràng rằng cách làm của NT là sai vì sử dụng tài liệu phi chính thống (bài viết công bố trên mạng Internet, blog cá nhân, hải ngoại …). Ngoài ra, tác giả vẫn tiếp tục lối trích dẫn cắt xén tùy tiện, xoáy vào những câu từ dễ gây nghi ngại và được hiểu là mang hàm ý phản động, lật đổ (chính quyền?) như “khả năng gây hấn”, “cùng hội cùng thuyền”, vv. Hàm ý này lộ rõ trong đoạn thứ hai của mục 2 (trích dẫn dưới đây, phần in đậm), những đoạn còn lại trong bài chỉ đơn thuần lập lại ý của tác giả LV.

 Trích:

Đáng lẽ, lịch sử vấn đề ở đây phải là lịch sử nghiên cứu có liên quan đến đề tài nhưng do Mở miệng là một hiện tượng mới, lại là hiện tượng bên lề, hiện tượng thuộc về Dòng ngầm theo nhãn quan của tác giả nên phần Lịch sử vấn đề, ngoài hai tài liệu (luận văn, luận án) được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội trong năm 2009 có liên quan ít nhiều đến đề tài, thì phần lớn các tài liệu được viện dẫn đều là những bài báo, bài giới thiệu công bố trên mạng Internet, trên các Blog cá nhân. Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận”. Các chỉ dẫn về tài liệu cho thấy phần lớn là các bài báo in ở Hải ngoại, của những người mà tác giả cho là “cùng hội cùng thuyền”, cùng vị trí bên lề so với vị trí quyền lực chính thống ở Việt Nam. Nhưng “dù mang tính chất tán tụng hay chính trị, hay nghiên cứu cũng đều cho thấy sự hiện diện và khả năng gây hấn mạnh mẽ của họ”.

 Vậy NT đã viết gì, và nhằm mục đích gì? Khi đọc vào LV, một lần nữa tôi lại thấy sự cặn kẽ và nghiêm túc của tác giả LV. Trong vòng gần 12 trang giấy trên tổng số hơn 100 trang, tức hơn 1/10 chiều dài của LV, NT đã điểm qua không chỉ là báo mạng hoặc những bài viết ở hải ngoại, mà đi dọc suốt thời gian từ sự ra đời của MM đến những phản ứng đầu tiên trên báo mạng ở hải ngoại, đến những phản ứng của báo chí chính thống và các tác giả trong nước, rồi đến các luận văn trong nước có đề cập đến MM gần đây. Sau khi điểm qua các bài viết phê bình liên quan đến MM, tác giả NT đã tách riêng ra thảo luận một số bài viết mà theo cô là quan trọng vì nó thể hiện quan điểm khách quan độc lập (những từ in nghiêng là của NT). Và cuối cùng, cô chỉ ra những khoảng trống mà theo cô cần phải được lấp đầy, và cũng là điều mà tác giả mong muốn thực hiện trong LV này, đó là: (1) mô tả trung thực về thực tiễn văn học sử, từ đó, dựa trên sự thẩm thấu các lý thuyết mới để nhìn lại các vấn đề của Việt Nam; (2) dùng nghiên cứu và phê bình để tạo sự tương tác với không gian ngoại biên để làm đối trọng và gây chuyển động đối với các hiện tượng bên lề như MM; (3) cố gắng giải mã đúng lúc, thừa nhận và thấu hiểu các thân phận ngoại biên, những tiếng nói ngầm, hòng tránh được tình trạng những tiếng nói tiên phong lại có thể biến thái thành sự thủ dâm tinh thần còn những cái già cỗi thì cố thủ thành trì ù lì và chật chội của nó (một lần nữa, những từ in nghiêng là của NT, ở trang 15-16; đôi khi câu chữ có được sắp xếp lại đôi chút cho hợp với cấu trúc ngữ pháp trong câu viết của tôi).

 Xin chú ý đến phần tôi nhấn mạnh (in nghiêng đậm, mục đánh số 2): một trong những mục đích của NT là dùng nghiên cứu và phê bình để “tạo sự tương tác với không gian ngoại biên làm đối trọng và gây chuyển động [đối với các hiện tượng bên lề như MM]. Theo tôi, đây là một quan điểm tích cực và rất cần thiết, thể hiện đúng vai trò tiên phong và hướng dẫn dư luận của một trường sư phạm, tất nhiên đó là một sự hướng dẫn của những người trí thức dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ những quy luật phát triển và sự bao dung đối với những hiện tượng mới, chứ không phải hướng dẫn theo cách áp đặt chủ quan, thành kiến và giáo điều như quan điểm mà ông PTT là người đại diện.

 Nếu ông PTT quả đã đọc LV NT một cách nghiêm chỉnh thì tôi tin rằng ông chắc chắn cũng sẽ nhận ra những điều mà tôi đã nêu. Chính vì vậy, sự quy chụp trong bài viết của ông khiến tôi chỉ có 2 cách hiểu: một là ông không hề thực sự đọc mà chỉ lướt qua để nhặt ra những câu chữ có vẻ “phản động” nhằm minh họa cho cái kết luận mà ông (hoặc ai đó) đã có sẵn trong đầu – nói cách khác, là đọc với một thành kiến nặng nề nên không thể hiểu, như tôi đã cảm nhận sau khi đọc phần 1 của bài phản biện của ông; còn nếu không thì chỉ có thể là ông đã đọc, đã hiểu nhưng vì tư thù, muốn hại NT hoặc người hướng dẫn hoặc hội đồng chấm LV lần 1, nên cứ cố tình quy chụp để làm hại tác giả NT và những người liên quan.

 Ông PTT nói sao về những điều tôi vừa viết ở trên?

 Phần 3:

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 Mục số 3 của bài phản biện của ông PTT (về đối tượng và phạm vi nghiên cứu) theo tôi là một mục viết không đạt, kể cả khi xét theo chính tiêu chuẩn của ông PTT như đã được xác lập qua mục 1 và mục 2. Có thể nói, khả năng phản biện/thuyết phục người đọc của ông PTT từ mục 1 đến mục 3 thể hiện một sự hụt hơi đáng kể.

 Ở mục 1, ông PTT trích dẫn NT, nêu những bình luận và diễn giải của ông, rồi đưa ra kết luận (dù không mấy thuyết phục vì đầy quy chụp ác ý). Ở mục 2, ông trích dẫn rất nhiều mà không bình luận diễn giải hoặc kết luận gì cả, mặc dù câu chữ của ông vẫn toát ra một hàm ý kết án nặng nề. Cả 2 mục trên đều có độ dài khoảng trên 20 dòng, bao gồm 3, 4 đoạn, mặc dù đa số chỉ là trích dẫn.

 Riêng mục 3 thì rất ngắn, chưa đến 10 dòng, gồm 2 đoạn trích dẫn và một câu kết luận như một lời phán từ trời cao vọng xuống. Xin trích nguyên văn (phần in đậm bên dưới):

 “Đối tượng của luận văn là thực hành thơ của nhóm Mở miệng với vị trí bên lề và những cách tân, cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật của họ. Mở miệng cùng với các hiện tượng khác tạo thành Dòng ngầm, thành một quá trình ngoại vi hóa đang diễn ra như một hiện tượng có tính chất quốc tế”.

 “Các tác phẩm được khảo sát là những tập thơ của thành viên nhóm Mở miệng và những người cùng chí hướng. Ngoài một số bản đã bị công an văn hóa tịch thu, thiêu hủy, tư liệu nghiên cứu hầu hết là những tác phẩm thơ của Mở miệng mà Giấy vụn xuất bản được lưu giữ bằng File hoặc chuyển qua Email”.

 Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống, thiếu độ tin cậy.

 Quả tình tôi rất ngỡ ngàng khi đọc lời kết luận của mục 3 – mà thực chất bao gồm cả hàm ý của mục 2 khi ông PTT nhấn mạnh – một cách thiếu chính xác – rằng NT chỉ sử dụng tài liệu phi chính thống (xin xem lại phần 2 bài viết của tôi). Theo ông, vì tài liệu (đã nêu ở mục 2) và đối tượng nghiên cứu là “không mang tính chính thống” nên (?) “thiếu độ tin cậy“. Nhưng tại sao lại như thế?

 Với kinh nghiệm và hiểu biết ít ỏi của tôi, tôi không thấy có lý do gì để phải chọn một đối tượng nghiên cứu “chính thống” (mà đối tượng nghiên cứu nào thì được xem là chính thống nhỉ?) thì mới có thể “tin cậy” cả. Ngược lại, tôi chỉ biết rằng những người nghiên cứu có bản lãnh thì thường không thích chọn những vấn đề/đối tượng truyền thống vốn đã được quá nhiều người đi trước tìm hiểu, vì nó sẽ không còn nhiều điều mới mẻ để khám phá. Trừ phi, tất nhiên, nhà nghiên cứu áp dụng  những lý thuyết mới vào việc nghiên cứu những đối tượng truyền thống (không phải chính thống) để từ đó đưa ra những phát hiện mới mà những người nghiên cứu trước đó không nhìn ra được.

 Tôi cũng không thấy tại sao việc sử dụng những tài liệu “không mang tính chính thống” (tức tài liệu công bố trên Internet, qua email, báo chí hải ngoại vv) lại làm cho nó “thiếu độ tin cậy“. Trước hết, cần phải khẳng định rằng đã từ lâu (ít ra là từ đầu thiên niên kỷ mới) các tài liệu đăng trên mạng đã được xem là “chính thống” chứ chẳng còn bị xem là phi chính thống nữa. Các quy định về hình thức trình bày các tài liệu tham khảo của MLA (Modern Language Association, là định dạng được sử dụng phổ biến cho các nghiên cứu thuộc khối ngành nhân văn) đều có mục dành riêng cho các tài liệu điện tử (gồm các trang web, cơ sở dữ liệu điện tử, và cả email …), cho thấy đây là một nguồn tài liệu được sử dụng thường xuyên và phổ biến. (Xem ở đây: https://owl.english.purdue.edu/owl/resource/747/08/).

 Việc NT sử dụng nhiều tư liệu điện tử khi nghiên cứu về MM chỉ đơn giản là vì các tài liệu về MM có nhiều hơn ở dạng điện tử, chứ không phải vì cô ấy cố tình bỏ qua những tài liệu ở dạng giấy mặc dù chúng có tồn tại. Lý do thì NT đã phân tích rõ từ Lý do chọn đề tài rồi: Cho đến nay MM vẫn bị xem là cấm kỵ nên không có nhiều nghiên cứu bàn luận về nó trên các diễn đàn chính thống ở VN. Chẳng lẽ ông PTT lại không hiểu điều này, hay ông có hiểu nhưng vẫn cố tình bỏ qua để có thể kết luận là tác giả đã sai vì dùng tài liệu “phi chính thống”?

 Và giả sử cứ cho rằng tài liệu điện tử quả thật bị coi là “phi chính thống” ở VN, thì điều ấy cũng không thể đương nhiên làm ảnh hưởng đến “độ tin cậy” của LV được. Thực ra, ở đây tôi không rõ ông PTT sử dụng từ “độ tin cậy” với nghĩa gì, vì từ này có thể dịch ra khá nhiều từ khác nhau trong tiếng Anh. Nếu là một nghiên cứu theo phương pháp định lượng (không phải là phương pháp mà NT đã chọn) thì độ tin cậy được hiểu là tương đương với reliability (=có khả năng lặp lại), hoặc tùy trường hợp cụ thể, có thể là internal validity (= sự nhất quán nội tại), nhưng vì LVNT là một nghiên cứu định tính, nên “độ tin cậy” hẳn là phải hiểu tương đương với dependability (= phù hợp với bối cảnh cụ thể) hoặc credibility (= phản ánh đúng nhãn quan của khách thể nghiên cứu). (Xem định nghĩa ở đây: http://www.socialresearchmethods.net/kb/qualval.php)

 Vậy, nếu xét theo những định nghĩa trên thì NT đã làm hoàn toàn đúng, khi xem xét MM trong bối cảnh xã hội của nó, với sự “nhập cuộc” của tác giả LV như một người bên trong để có thể hiểu đúng ý nghĩa những gì mà nhóm MM đã làm khi họ “thực hành thơ” theo một kiểu quái gở, nổi loạn, tục tĩu vv như vậy. Ý này sẽ còn được tôi nhắc đến nhiều hơn ở phần phân tích sau.

 Chốt lại, tôi thấy ở mục 2 và mục 3 trong bài phản biện, ông PTT lại thêm một lần bộc lộ rằng mình hoàn toàn hiểu sai tác giả LV (vô tình hoặc cố ý), đồng thời cũng đã lộ rõ ý đồ quy chụp bằng mọi giá bằng cách trích dẫn có dụng ý, cắt ghép tùy tiện, hoặc/và đưa ra những lời kết luận thiếu căn cứ và thiếu logic. Không những thế, có thể vì viết quá ngắn gọn (chủ yếu trích dẫn tác giả LV, sau đó phán ra những kết luận quy chụp) nên tôi không hiểu ông PTT có thực sự có những hiểu biết về các phương pháp và mô hình nghiên cứu, cũng như các thuật ngữ thường dùng để bàn về các phương pháp nghiên cứu hay không. Tất nhiên đó chỉ là những nghi ngờ và thắc mắc dựa trên một bài phản biện ngắn, và không đủ cho phép tôi kết luận về người viết phản biện. 

 Tôi mong chờ được nghe lời hồi đáp của ông PTT về những gì tôi đã viết ở trên.

 (còn tiếp)

 Tác giả gửi Văn Việt

Comments are closed.