Đọc bản nhận xét phản biện LV Nhã Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng (1)

Ts Vũ Thị Phương Anh

931426_4414770901219_385951524_n

Ts Vũ Thị Phương Anh

Sau một thời gian dài im lặng, “đùng một cái” Hội nhà văn VN đã cho công bố toàn văn bản nhận xét phản biện đối với LV của Nhã Thuyên của một trong những người tham gia hội đồng chấm lại luận văn – bản phản biện của PGS PTT.( Xem tại đây!) Là một người quan tâm đến vụ NT từ năm ngoái đến giờ nên tôi đã bỏ thời gian đọc đi đọc lại bản nhận xét này, đồng thời cũng đọc lại LV của NT để xác định xem những nhận xét của ông PTT có thực sự khách quan và chính xác không.

 Với tất cả sự kính trọng đối với một người có tên tuổi như ông PTT, và sự khiêm tốn của một người biết rõ rằng mình không có nghề vì không phải là dân nghiên cứu văn học, tôi xin được trao đổi lại với ông PTT một số điểm mà tôi thấy bản nhận xét của ông chưa hợp lý nếu không muốn nói là đầy những quy chụp ác ý. Vì bài viết của ông khá dài, mà tôi lại không có thời gian, nên xin được viết thành nhiều mẩu ngắn, mỗi mẩu tập trung vào một vài ý trong bài phản biện của ông.

 1. Về lý do chọn đề tài

(Phần này sử dụng một số ý đã được viết thành một status đăng trên fb của tôi cách đây vài giờ, nay viết gọn lại và bổ sung thêm một số ý để đưa vào note này cho đủ ý.)

 Trong phần này, tôi nhận thấy hình như ông PTT đọc LV NT với những định kiến có sẵn, nên không thể hiểu đúng ý tác giả. Trong luận văn của mình, NT đã viết rất rõ ràng rằng MM là một hiện tượng văn học khá ầm ỹ và cũng được quan tâm nhiều ở trong và ngoài nước, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng do tâm lý e ngại vì việc phổ biến thơ MM đã và đang gặp những ngăn trở của an ninh văn hóa.Trong khi đó, theo tác giả LV thì đây là một hiện tượng đáng quan tâm vì nó khá phổ biến trên thế giới, và có hẳn một lý thuyết để giải thích hiện tượng này, đó là lý thuyết về trung tâm và ngoại vi (hay là tâm và biên). Như vậy, lý do chọn đề tài của NT là hoàn toàn hợp lý và khoa học, thậm chí theo tôi đây là một lý do rất tốt để thực hiện nghiên cứu.

 Nhưng ông PTT lại không hiểu như thế. Bằng thủ pháp trích dẫn tùy tiện chỉ những câu chữ nào phục vụ cho những kết luận có sẵn, ông PTT dường như muốn nói rằng NT chọn MM chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, ủng hộ ‘cách mạng’, nói vắn tắt là vì NT … phản động (từ này do ông PTT sử dụng).

 Có thể thấy rõ sự hiểu sai, nếu không phải là cố tình bóp méo, ý tưởng của tác giả LV qua đoạn trích dẫn sau đây:

——

Phần trích dẫn và diễn giải NT trong bài phản biện của PTT (phần in đậm bên dưới):

 Tác giả cũng tự nhận thấy “cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển” của nhóm này. Và vì vậy khi nghiên cứu hiện tượng này, tác giả luận văn cũng “không được tự do”, “tính khách quan trong nghiên cứu không được đề cao”, và vì thế tác giả  “cũng là một kẻ ngoài lề khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề”.

 Trích dẫn như trên, ông PTT dường như muốn nói NT đang có ý chống lại cơ quan an ninh văn hóa; cô đang than phiền rằng mình “không được tự do”, và bị biến thành “một kẻ ngoài lề khi … chọn đứng về phía những kẻ bên lề”. Cần chú ý rằng đoạn trích dẫn và diễn giải nói trên được đặt trước đoạn kết luận, trong đó ông PTT quy kết rằng NT chọn đề tài về nhóm MM chẳng qua là vì cô muốn ủng hộ một dòng văn chương mang tính nổi loạn, không chỉ thuần túy văn chương mà là thực ra là vấn đề chính trị, phản kháng và phản động. Việc kết nối chi tiết về an ninh văn hóa (vốn nằm ở một đoạn khác liên quan đến việc MM chưa/không được dòng văn học chính thống chấp nhận) vào những trích dẫn này cũng cho thấy ý đồ quy chụp của ông PTT đối với tác giả, một sự xuyên tạc đầy ác ý.

 (Do có nhiều người chưa/ không có ý định đọc bài của ông PTT nên tôi chép luôn đoạn kết luận phần 1 của ông PTT ở đây cho tiện. Mọi người sẽ thấy đây là một kết luận đầy ác ý:

 Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.)

 Trong khi đó, tác giả NT đã viết nguyên văn như sau (phần in nghiêng; tôi đã ngắt đoạn ra theo từng ý để dễ đọc):

 Sức hấp dẫn của Mở Miệng như đối tượng trung tâm của nghiên cứu này không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu vì nhiều lẽ.

 Thứ nhất, người viết không có sự tự do của việc khai phá một xác chết hay phân tích một hóa thạch, trong khi không muốn làm bác sĩ thực tập mổ xẻ một cơ thể sống và „đánh giá‟, „phê bình‟ những gì vẫn đang trong xu hướng phát triển.

 Thứ hai, tính chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao, bởi tôi sẽ tự thấy mình không có tâm thế để nói/viết về hiện tƣợng này, nếu như tôi không can dự phần nào vào đời sống thơ đương đại, như một kẻ „ở giữa‟, cũng là một kẻ „ngoài lề‟ khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề.

 Tuy nhiên, tính chất không hoàn toàn khách quan và sự trải nghiệm này có thể góp thêm vào những diễn giải về một hiện tượng chưa hoàn tất, nói riêng Mở Miệng và nói chung về dòng văn học ngầm ở Việt Nam.

 Nỗ lực của tôi là nỗ lực của kẻ quan sát và tái hiện, dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa nói chung trong nhiều năm qua ở Việt Nam.

——

Một người có trình độ đọc hiểu và hiểu biết về các phương pháp nghiên cứu ở mức trung bình như tôi cũng có thể thấy trong đoạn này tác giả đang xác lập cách tiếp cận nghiên cứu của mình, ở đây là cách tiếp cận “nghiên cứu tham dự” (participatory research). Theo lời của NT, cách tiếp cận này là bắt buộc vì đối tượng nghiên cứu mà cô đã chọn không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu, hoặc nói một cách đơn giản hơn, đối tượng NC này không cho phép tác giả có lựa chọn nào khác, vì các lý do đã được tác giả nêu rõ trong phần giải thích (các đoạn bắt đầu bằng cụm từ “thứ nhất” và “thứ hai”).

 Mặt khác, NT cũng đang thừa nhận những hạn chế của cách tiếp cận mà cô đã chọn, vì một khi đã là “nghiên cứu tham dự” thì ắt hẳn nó không thể hoàn toàn khách quan (theo lời của NT, tính chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao). Tuy nhiên, chính điều này sẽ có thể giúp ta hiểu thêm về một hiện tượng mới mẻ và vẫn đang tiếp tục diễn ra như hiện tượng về nhóm MM.

 Cách tiếp cận đã chọn hoàn toàn phù hợp với mục đích của tác giả là “quan sát và tái hiện dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa” …. Nói ngắn gọn, phần 1 (lý do chọn đề tài) của cuốn LV đã được viết rất tốt, nêu rõ được lý do chọn đề tài (một vấn đề chưa được nghiên cứu đầy đủ), cách tiếp cận (nghiên cứu tham dự) và mục đích của nghiên cứu (quan sát và tái hiện một hiện tượng chưa được hiểu rõ). Nếu LV có điểm gì đó “phản động” (!?) thì điều đó không hề bộc lộ trong phần 1 của LV.

 Ngoài việc ông PTT đã quy chụp cho NT những gì cô ấy không viết để cuối cùng dẫn đến kết luận là phải tước bằng của cô ấy, những gì ông PTT đã viết ở trên khiến tôi ngờ rằng ông ta không hiểu gì về các cách tiếp cận nghiên cứu đối với các ngành nhân văn (như văn hóa, văn học). Nếu ông chưa bao giờ nghe về “nghiên cứu tham dự”, xin ông vui lòng google với cụm từ “participatory research”, chắc chắn sẽ có rất nhiều bài viết dễ hiểu để ông có thể đọc.

 Ông PTT nói sao về những gì tôi vừa viết ở trên?

 (còn tiếp)

Tác giả gửi Văn Việt

 

 

Comments are closed.