Góp ý với Văn Việt

Từ ngày Văn Việt ra đời, tôi thích thú theo dõi hằng ngày. Có nhiều vấn đề cần được trao đổi rộng rãi để Văn Việt ngày càng thật sự là Văn Việt. Hiện nay, có một số người “cách mạng nòi” coi Văn Việt như một “kẻ đối kháng” vì không viết và nói theo họ chỉ đạo. Thôi đó là vấn đề khác. Chỉ biết rằng Văn Việt ra đời cũng như hàng trăm trang mạng “trung thực và phản biện” đã thu hút lượng bạn đọc rất đông đảo, đôi khi làm cho người làm “báo cách mạng” phát thèm. Viết báo, viết văn là phản ảnh thực tế cuộc sống, tôn vinh triết lý sống và rất cần có người đọc. Nếu Văn Việt có thiện chí tiếp thụ những góp ý của bạn đọc gần xa thì tôi, một bạn đọc 80 tuổi rồi vẫn sẵn sàng có ý kiến. Còn bây giờ, xin có một đề nghị nhỏ:

Lịch sử văn học, văn chương nước nhà có nhiều khúc quanh, nhưng cũng rất phong phú và có những thời kỳ thăng hoa với những tác phẩm để đời. Để không mắc vào vết xe đổ” tuyên truyền một chiều” và văn chương phải là văn chương, Văn Việt nên cung cấp cho bạn đọc nhiều tác phẩm bất hủ của trong nước và thế giới, qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm của lịch sử nói chung và lịch sử văn học nói riêng. Chúng tôi mong Văn Việt giới thiệu trên trang của mình nhiều, trước mắt là một số tác phẩm tiêu biểu trong nước của thời kỳ Phục Hưng, văn chương của các thời kỳ phong kiến nổi tiếng, các tác phẩm gần đây nhất của nhóm “Tự lực văn đoàn”, các tác phẩm của nhóm “Nhân văn Giai phẩm”, của các nhà văn mà tác phẩm của họ sống mãi với thời gian. Tôi đề nghị Văn Việt giới thiệu lại tác phẩm “Đống rác cũ” cả hai tập của nhà văn Nguyễn Công Hoan, của nhóm tác giả Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, của Hoàng Cầm, Phùng Quán… cho đến các tác phẩm “bị cấm” như “Đại gia”, “Sắp cưới”, “Vào đời”, v.v. Thông thường số báo nào bị cấm, tác phẩm văn học nào bị cấm y như bạn đọc nháo nhào tìm đọc nhiều hơn lúc bình thường. Tôi tìm mỏi mắt không thấy tác phẩm “Đại gia” ở đâu.

Giới thiệu lại những tác phẩm này góp phần tôn vinh một nền văn học đa dạng, nhiều vẻ của các giai đoạn phát triển thăng trầm của nền văn học nước nhà. Bên cạnh đó cũng cần bố trí giới thiệu những tác phẩm nổi tiếng, cổ điển, trung cận đại và hiện đại của các nền văn học hiện đại thế giới. Thế giới hiện gồm có 205 nước và vùng lãnh thổ, những chúng ta lại chỉ chú trọng quan hệ hợp tác về một số mặt với một số nước là chưa đúng với phương châm người ta đề ra là “làm bạn với tất cả các nước trên thế giới” thành thử người đọc, người nghe, người xem cứ bị “méo mó” nhận thức…

Vài ý kiến mạo muội như vậy được không?

Kính chúc Văn Việt khỏe và phát triển mạnh, góp phần xây dựng một xã hội dân sự tốt đẹp trong tương lai gần.

Nguyễn Thanh Hà, 80 tuổi, cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, hưu trí tại Hưng Yên. Bút danh: Nguyễn Mộng Hoài, Đoàn Vương Thanh, Thanh Hà.

 

Comments are closed.