TRAO ĐỔI VỀ “CHUYỆN CHỮ NGHĨA”

Nguyễn Ngọc Tâm

Tôi có đọc một số bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dương trên trang Văn Việt và một số trang web khác. Nói chung, đây là những bài viết có ích, giúp tôi thêm hiểu thêm nhiều điều. Tuy nhiên có đôi chổ tôi vẫn còn băn khoăn với các kiến giải của tác giả. Sau đây tôi xin nêu một số điểm mà tôi cho là chưa thỏa đáng trong 2 bài viết gần đây của ông, mong được tác giả, cũng như quí vị hiểu biết hơn chỉ bảo thêm. Tôi xin cảm ơn trước.

1.

Trong bài “Đầu xuân nói chuyện chữ nghĩa” đăng trên trang Văn Việt [1] có một đoạn ngắn mang tiêu đề: “Ngu dân” và “dân ngu” phải chăng đồng nghĩa ?Câu hỏi được đặt ra nhân một phát biểu của PGS.TS Phạm Tú Châu “Khi mê tín cả trí thức cũng trở thành ngu dân” trong một cuộc hội thảo. Để tiện theo dõi, xin tóm tắt một số ý chính từ đoạn trên.

Trước khi trả lời câu hỏi, tác giả kể lại chuyện xảy ra từ thời 197x trong một lớp Hán Nôm của cụ Cao Xuân Huy.Bấy giờ phần đông sinh viên trong lớp đều hiểu chính tâm[tấm] lòng ngay thẳng. Theo tác giả kể, cụ Huy cho rằng hiểu như thế là nhầm, vì trong tiếng Hán, chính vốn chẳng phải là adjectif, mà là một verbe (= động từ), có nghĩa ‘làm cho [trở nên] ngay thẳng’, chứ không phải là ‘ngay thẳng’ như lắm người vẫn tưởng. Để minh chứng cụ dẫn câu “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. ”

Từ đó, tác giả kết luận (trích):

“Chữ ngu trong cụm này, theo ý cụ Huy, chả phải là ‘dốt nát’, mà có nghĩa là ‘làm cho dốt nát’. Tức cũng là động từ trí sử.

Từ những gì vừa trình bày vắn tắt, ta có thể đi đến kết luận: có lẽ tác giả Phạm Tú Châu đã nhầm khi ngỡ rằng “ngu dân” đồng nghĩa với “dân ngu”. Chứng cớ? Chính sách ngu dân [của bọn thực dân] ≠ *chính sách dân ngu.”

1.1. Đúng là trong câu ‘cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, ..’ thì chính 正 là động từ, có nghĩa ‘làm cho ngay thẳng‘. Nhưng ta cũng có các cụm từ quen thuộc bát chính đạo, chính diện, chính thê, .. ở đấy chính là tính từ, bổ nghĩa cho danh từ đứng sau nó theo trật tự cú pháp tiếng Hán. Như vậy trong một văn cảnh nào đó, dùng chính tâm với nghĩa tấm lòng ngay thẳng, thì có gì sai ? Thực tế, cụm từ này đã được một số từ điển thu thập

Theo Hán Việt Từ Điển Đào Duy Anh, chính tâm 正心 có hai nghĩa:

– lòng chính trực, trái với tà tâm

– Chữ sách Đại Học, tức là trau dồi sửa trị cái tâm mình khiến cho đúng vào bực trung chính.

Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng thu thập cụm từ này, và cũng cho 2 nghĩa:

chính tâm 正心: Lòng dạ ngay thẳng tốt đẹp – Làm lòng mình được ngay thẳng tốt đẹp.

1.2. Tương tự, ngu trong ‘chính sách ngu dân’ là động từ, có nghĩa là ‘làm cho dốt nát’; nhưng trong các cụm từ ngu trung, ngu huynh, ngu phu ngu phụ, ngu ý ..thì ngu là tính từ. Vì thế trong văn/ngôn cảnh nào đó, ngu dân vẫn có thể hiểu là dân ngu, cớ chi không được ?. Và quả thực, cụm từ ngu dân 愚民 đã được ít nhất 2 từ điển thuộc dạng phổ thông ghi nhận:

Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh cho 2 nghĩa:

– Nhân dân dốt nát

– Làm cho trí thức của nhân dân thành bế tắc

Hán Việt Tân Từ Điển Nguyễn Quốc Hùng cũng cho 2 nghĩa:

– Người đần độn dốt nát

– Làm cho người trong nước trở thành đần độn dốt nát.

Bài thơ Trường Lăng [2] của Đường Ngạn Khiêm có câu

耳聞明主提三尺,

眼見愚民盜一坏。

Nhĩ văn minh chủ đề tam xích,

Nhãn kiến ngu dân đạo nhất phôi.

nghĩa:

Nghe suông là vua sáng suốt vung ba thước gươm (lấy thiên hạ)

Trước mắt chỉ thấy anh ngu dân đang lấy trộm cái chén rượu

dịch thơ của Lê Nguyên Lưu:

Nghe suông vua sáng mang ba thước

Thấy thực dân ngu trộm một bầu

Ở đây 愚民 ngu dân = dân ngu.

1.3. Tóm tắt, theo ngu ý, có lẽ do vế đầu có từ trí thức, là một từ Hán Việt, nên Phạm Tú Châu dùng ngu dân, cũng là một từ Hán Việt ở vế sau cho đối xứng. Có thể thích hoặc không thích kiểu dùng từ Hán Việt như thế, nhưng nếu bảo dùng từ Hán Việt ấy sai thì tôi e là không đúng.

2.

Trong bài “Thử tìm nội dung thực của một vài câu tục ngữ khó” [3] tác giả giải thích 6 câu tục ngữ được cho là khó, trong đó có 2 câu theo thiển ý, giải thích chưa thỏa đáng.

2.1 Cờ ngoài bài trong (câu đầu tiên trong bài). Về câu tục ngữ này, tác giả viết (trích):

Nếu hiểu “ngoài” là “đứng ngoài cuộc chơi” và “trong” là “ở trong cuộc chơi”, thì câu đang xét có lẽ nên được hiểu là:

“Với cờ thì kẻ đứng ngoài cuộc chơi thường sáng nước hơn; còn với bài thì kẻ ở trong cuộc thường sáng nước hơn”.

Tuy nhiên, có đôi vị thức giả lại nghĩ rằng lời giảng trên e chưa thật đắt. Giá hiểu “ngoài” là “bị phơi bày cả ra ngoài [tức trên bàn cờ]” và “trong” là “được giấu kín [trong đầu các đấu thủ]” thì câu trên sẽ có một lời giảng ý vị hơn, nên cũng hấp dẫn hơn:

“Với cờ thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều bị phơi bày cả ra bên ngoài [tức trên bàn cờ]; còn với bài thì mọi mưu toan để giành phần thắng đều được giấu kín trong đầu các đấu thủ [do sợ bị các đối thủ khác nắm bắt]”. (Hết trích)

Chơi cờ (ở đây phải hiểu là cờ tướng), quân hai bên bày cả ra trên bàn. Nhưng quân bày hết ra trên bàn cờ, không có nghĩa là “mọi mưu toan để giành phần thắng đều bị phơi bày cả ra bên ngoài [tức trên bàn cờ]” vì chả ai chơi cờ mà lại bảo đối thủ: Tôi nhảy quân mã lên đây dọa bắt con xe, nhưng thật ra là để lát nữa … Nếu chơi cờ mà thế thì dễ quá, còn đâu là một môn thể thao trí tuệ, nên cũng chả còn thú vị gì. Thật ra, dù chơi cờ hay chơi bài, “mưu toan giành phần thắng” vẫn cứ “giấu kín trong đầu“, và hơn thua nhau ở chổ có nắm bắt được mưu toan của đối thủ trong mỗi nước đi hay không.

Tóm lại, ý nghĩa câu  “Cờ ngoài bài trong” chỉ đơn giản như lời giảng bị chê là chưa đắt: “Với cờ thì kẻ đứng ngoài cuộc chơi thường sáng nước hơn; còn với bài thì kẻ ở trong cuộc thường sáng nước hơn”. Nếu cần giúp học sinh hiểu rõ hơn thì có thể giải thích thêm: Chơi cờ, người ở ngoài sáng nước hơn vì không bị áp lực tâm lí như người đang chơi, đang ngồi “ghế nóng”. Chơi bài, người trong cuộc sáng nước hơn vì khi chơi bài, có (ít nhất một) quân bài bị dấu, chỉ người chơi mới biết. Người ngoài không đủ thông tin để suy đoán, tính toán. Cách hiểu của vị “thức giả” nào đó, theo thiển ý, không những không thú vị gì hơn, mà còn không hợp lí.

2.2 “Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở” (câu thứ 4 trong bài). Về câu tục ngữ này, tác giả viết (trích):

Hễ giải mã được hai chữ “nể” và “đồng” là nội dung của câu “Ăn nể ngồi không non đồng cũng lở” sẽ lập tức “sáng” ra ngay. Thật thế, nếu hiểu “nể” = “[chỉ ăn] mà chả chịu làm gì thêm ra” và “đồng” = “thứ kim loại hay được người xưa dùng để đúc tiền” thì nội dung của câu TN này chắc sẽ là: “Hễ ăn không ngồi rồi thì tiền của dẫu có chất cao như núi rồi cũng có ngày sẽ cạn hết”. (hết trích)

Ý nghĩa câu tục ngữ tác giả giải thích như thế là chính xác. Nhưng giải thích nghĩa của từ “nể” = “[chỉ ăn] mà chả chịu làm gì thêm ra” thì e là chưa đúng. Trong câu tục ngữ này, nếu “nể” đã có nghĩa “chả chịu làm gì thêm ra“, thì cụm từ “ngồi không” tiếp theo là thừa hay sao ? Nể, theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, có 2 nghĩa:

1) kiêng dè, kính sợ;

2) không dính bén.

Cuốn từ điển này có thu thập ba cụm từ chứa từ nể theo nghĩa 2

Nước nể: Nước lả, nước trong

Kẻ nể: Người dâng (= người dưng – NNT)

Ở nể: Ở không

Cụm từ ăn nể không được Paulus Của thu thập. Tuy nhiên cụm từ này hiện vẫn còn được sử dụng, như tại một số địa phương ở Trị Thiên, với nghĩa: ăn rặt một loại thực phẩm nào đó, không dính bén gì với loại thực phẩm nào khác. Ví dụ:

ăn nể cá: chỉ ăn cá. Nhà nghèo, đến bữa ăn, mẹ gắp cho các con, mỗi đứa một khúc cá, dặn ăn dè sẻn sao cho đủ bữa.Đứa tham ăn, ăn hết khúc cá, chén cơm còn nguyên. Bà mẹ mắng: sao mày ăn nể cá ?

ăn cơm nể, thường nói gọn ăn nể: ăn cơm không, không có thức ăn.

Như vậy “ăn nể ngồi không non đồng cũng lỡ” = Dù chỉ ăn cơm không, (ko có thức ăn, ít tốn kém nhất), nhưng nếu ngồi không (không làm gì thêm) thì tiền của như núi rồi cũng hết. Ý như câu thành ngữ Tọa thực sơn băng.

————–

[1] http://vandoanviet.blogspot.com/2015/02/au-xuan-noi-chuyen-chu-nghia.html

[2] dẫn theo http://www.thivien.net/%C4%90%C6%B0%E1%BB%9Dng-Ng%E1%BA%A1n-Khi%C3%AAm/Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-L%C4%83ng/poem-2CAhm4ebK4t29PuhQKVBrg?Sort=Update&SortOrder=desc. Phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ đều lấy từ trang web này.

[3] http://laodong.com.vn/giao-duc/thu-tim-noi-dung-thuc-cua-mot-vai-cau-tuc-ngu-kho-163711.bld

Comments are closed.