Đỗ Duy Ngọc
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI BẢY
Hôm nay như thường lệ vẫn viết nhật ký những ngày Sài Gòn bị phong toả, nhưng sẽ không đăng được trên facebook như mọi lần vì không hiểu vì lý do gì facebook ra thông báo chặn không cho phép tôi đăng status, messenger, comment trong 3 ngày mà không giải thích lý do. Chỉ thông báo là: “Tài khoản của bạn bị hạn chế trong 3 ngày. Các bài viết trước đây của bạn không tuân thủ Tiêu chuẩn cộng đồng của chúng tôi. Do đó, bạn không thể thực hiện các thao tác như đăng hoặc bình luận”. Thế là thế nào, tôi không hiểu tôi đã vi phạm điều gì về cái gọi là Tiêu chuẩn cộng đồng. Tôi không chửi rủa ai, không chia sẻ bạo lực, kích động và phản cảm, không lừa đảo, không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, không đăng hình khoả thân, không vi phạm thuần phong mỹ tục trong các bài viết của mình. Thế tại sao ngăn chặn tôi, tôi không trả lời được. Bạn bè tôi cho rằng có ai đó không ưa các bài viết của tôi nên report tôi với facebook, tôi nghĩ không lẽ chỉ vì có một cá nhân nào đó vì một lý do cũng rất cá nhân mà báo cáo với facebook thì ít nhất facebook cũng phải tìm hiểu, xem xét trước khi ra quyết định chứ. Nếu sử dụng thuật toán để theo dõi và kết luận thì cũng phải có lý do cụ thể, chính xác. Không thể có quyết định võ đoán và phi lý như thế được. Cấm đăng nhưng không thể không viết, khi nào giải toả thì đăng, cũng chẳng sao. Chỉ không vui là những tin không còn nóng hổi, mà tin không được phổ biến tức thì cũng chẳng còn là tin tức nữa mà là tin thiu. Chỉ tiếc thế thôi.
Trên báo chí mấy ngày nay viết nhiều về chuyện đã chích vaccine nhưng không được Sổ sức khoẻ điện tử thông báo. Theo kế hoạch, khi thành phố giảm giãn cách thì có chứng nhận chích đủ 2 mũi mới có thể đi làm việc hay sinh hoạt cộng đồng. Thế nhưng nếu sử dụng tấm giấy xác nhận mỏng manh do địa điểm tiêm chủng cung cấp chắc chắn không thể dùng lâu dài được. Nhưng ngoài mảnh giấy đấy thì chẳng có gì để chứng minh đã chích ngừa. Không hiểu người ta làm gì mà chỉ có một cái App đơn giản thế mà cũng làm không xong khi lúc nào cũng nói tới chuyện 4.0 với 5.0. Theo báo Tuổi Trẻ ngày 13.9 đăng tin hiện vẫn còn khoảng 2 triệu mũi chưa nhập liệu hoặc nhầm lẫn dữ liệu. Trong 4 ngày, Cổng thông tin tiêm chủng có 800.000 người dùng phản ảnh gặp rắc rối khi sử dụng cổng này truy vấn thông tin.
Theo hướng dẫn của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế và CDC TP.HCM, rất nhiều người đã gởi cập nhật thông tin nhưng liên tục bị trở ngại vì bị lỗi phần mềm. Trong phiếu thông tin để bổ sung lại yêu cầu cung cấp lô vaccine đã chích, ôi trời, ai mà biết được cái lô thuốc này, chưa chắc mấy người cầm kim chích đã biết hay còn nhớ, giờ bảo điền vào thì điền làm sao. Lại thêm yêu cầu điền địa điểm tiêm chích nhưng chỉ cho phép cuộn lên từ danh sách có sẵn mà tìm đến loà con mắt cũng chẳng thấy địa điểm nào của thành phố. Chỉ thấy toàn địa điểm lạ hoắc ở tận xứ nào. Do vậy không gởi đi được.
Tiêm lần 1 hồi đầu tháng 8 thì Sổ sức khoẻ hiện lên màu vàng chứng nhận đã tiêm mũi 1 kèm số lô và địa điểm nghiêm chỉnh và tức thì. Nhưng mấy ngày sau lại mất rồi lại hiện. Đến khi chích mũi 2 thì chẳng thấy gì. Rồi lại mất luôn dữ liệu, lại cung cấp thông tin, gọi đến đường dây nóng y tế 19009095 để phản ánh nhưng không ai bắt máy. Gọi luôn cho 1022 theo hướng dẫn cũng chẳng ai trả lời. Điền thông tin theo trang web thì không gởi được vì thiếu thông tin lô vaccine và địa điểm. Rối tung lên. Là người sử dụng vi tính lâu năm lắm rồi mà tôi cũng đành chịu, chẳng biết làm sao để cập nhật cho bản thân mình.
Theo thông tin trên báo toàn quốc hiện có 11.400 điểm tiêm chủng tại xã phường và 1.500 bệnh viện các tuyến, phần lớn số này đã triển khai tiêm chủng vaccine, nhưng qua rà soát trên Cổng thông tin tiêm chủng với 808 trang tra cứu điểm tiêm, chỉ thấy hệ thống cập nhật được 8.078 điểm tiêm. Thiếu khoảng 5.000 điểm tiêm chưa cập nhật lên cổng. Và vẫn còn khoảng 2 triệu mũi chưa nhập liệu. Nghe đồn là phần mềm này chưa hoàn chỉnh, vừa làm vừa sửa và hình như là chưa được nghiệm thu. Thế mà đã tung ra xài và sắp tới hàng chục triệu người dân phải lệ thuộc vào nó để làm việc, di chuyển trong và ngoài nước. Đơn vị cung cấp phần mềm cho biết sẽ phối hợp với các cơ sở tiêm chủng cập nhật thông tin tiêm chủng từ bản giấy lên cổng và cho rằng lý do chậm trễ và nhầm lẫn là do các đơn vị báo lên trễ hoặc sai sót.
Thật ra để thực hiện việc thống kê và cập nhật thông tin đâu có gì khó khăn. Trước hết điểm tiêm chủng nào cũng đã có danh sách người tiêm chủng, quy định là phải có tên thì mới được tiêm. Nếu làm theo cách thủ công thì người nào đã chích xong, bộ phận phụ trách tại điểm chích đánh dấu vào và gởi đi cho đơn vị thực hiện tiếp công đoạn cập nhật hàng ngày. Hiện đại hơn chút nữa, mỗi điểm tiêm chích có một laptop hay Ipad hoặc cái điện thoại cũng được. Những thiết bị này kết nối với tổng đài của phần mềm. Khi một người chích xong sẽ được gởi tên tuổi, loại thuốc, lô thuốc và ngày giờ chích đến tổng đài. Trước đó, phần mềm đã ghi sẵn từng điểm chích kết nối. Chích đến đâu được ghi nhận liền đến đấy, cập nhật liên tục và cuối ngày khi các điểm tiêm chủng xong việc cũng là lúc phần mềm đã có đủ dữ liệu để hoàn chỉnh. Tình trạng bát nháo, rối lung tung hiện nay là do khâu tổ chức quá kém, phần mềm lại quá dở, người phụ trách lại thiếu tính khoa học trong quá trình vận hành. Một chuyện nhỏ như thế mà làm mãi không xong thì làm sao mà thực hiện cho nổi yêu cầu của ông Vũ Đức Đam là tập trung tất cả vào một app hay một mã code mang lại thuận tiện cho người dân cũng như lực lượng kiểm tra và theo dõi. Chán như con gián.
Cho đến hôm nay, mong sau 15.9 được giảm giãn cách ở Sài Gòn xem như không thực hiện được rồi.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, thành phố xin thêm thêm 2 tuần để kéo giảm số F0 đang cần điều trị và những người vừa tiêm vaccine kịp tạo kháng thể. Theo ông Nên, để tiến đến trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh dịch vẫn tồn tại, thành phố phải chuẩn bị các chiến lược từng bước trước khi mở lại các hoạt động.
Trong chương trình Tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh trên VTV1 tối 12.9, khi đề cập về kế hoạch giãn cách xã hội của thành phố sau ngày 15.9, Phó chủ tịch Dương Anh Đức thông báo rằng từ ngày 15.9 đến cuối tháng 9, thành phố dự kiến vẫn giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, một số địa bàn tiếp tục duy trì Chỉ thị 16+ và một số quận, huyện có tình hình tương đối ổn định như Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.
Tóm lại là vẫn chưa có gì mới cả. Vẫn đang rụt rè, vẫn đang băn khoăn, vẫn đang do dự.
Ai cũng hiểu phong tỏa không thể thực hiện lâu dài vì khiến cho cuộc sống của người dân thêm nhiều khó khăn và tổn thất kinh tế rất lớn. Xét cho cùng, phong tỏa là biện pháp cuối cùng trong đại dịch. Nhưng ở ta thì trái lại là biện pháp đầu tiên. Kết quả là càng phong toả, cách ly số người nhiễm càng nhiều, số người chết càng cao. Và cuối cùng phải chấp nhận sống chung với virus. Cho đến nay chưa có thuốc nào diệt được nó, vaccine chỉ khiến người ta có thể tránh được nó hoặc bị nhiễm thì cũng có thể nhẹ hơn đôi chút nhưng cũng đưa đến tử vong. Bởi thế, có người bảo như thế thì chích vaccine làm gì, vừa tốn kém vừa có hại cho sức khoẻ? Thế nhưng không có vaccine thì cũng chưa có gì để ngăn chặn nó được. Nó vẫn còn đó, ít nhất là một thời gian dài nữa và nhân loại cũng còn khổ vì nó. Bởi nó liên tục biến thể, nó liên tục tiến hoá để đe doạ loài người. Chỉ mong nó sẽ trở thành một căn bệnh truyền nhiễm bình thường khi vaccine đã được chích nhiều người trên trái đất, kháng thể sẽ khiến cho virus bớt nguy hiểm đi. Thế giới đã chích mũi thứ ba và có nước như Do Thái còn tính đến chuyện chích mũi thứ tư. Ta đang còn loay hoay với mũi 2 với cái giấy xanh, không biết giờ nào mới đến được ngày yên ổn đây? Theo kế hoạch, từ 15.9 hoặc có thể đến đầu tháng 10, cái thẻ xanh sẽ đồng hành cùng lộ trình mở cửa kinh tế tại thành phố. Nhưng với những bất cập và nhiều sai sót trong việc thực hiện thống nhất một cái thẻ xanh cho dân sử dụng, không biết rồi sẽ có cách nào tốt hơn để tiến trình mở cửa được thuận lợi cho đời sống được dễ thở hơn, dân nghèo được có điều kiện để kiếm ăn và kinh tế sớm hồi phục.
Người dân thành phố này và ngay cả lãnh đạo cũng công nhận rằng trong thời gian dài giãn cách vừa qua, nếu không có những người làm từ thiện, những bếp ăn từ thiện hay những người tình nguyện, các mạnh tường quân giúp đỡ, thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính lực lượng đó đã giúp cho hàng triệu người ở thành phố này qua cơn túng quẫn, ngặt nghèo. Nhưng rồi, sức người có hạn, lại bị nhiều thị phi không đáng có, họ bắt đầu rút lui, họ đã nản chí. Và tầng lớp bị thiệt thòi trực tiếp chính là những người lao động nghèo trong các xóm nhỏ, trong các nhà trọ, trong những vùng xa mà chính sách hỗ trợ của thành phố khó với tay đến được. Còn hơn nửa tháng nữa, rồi sẽ còn bao nhiêu ngày nữa, không biết cuộc sống của họ rồi sẽ ra sao? Túi gạo, thùng mì, bó rau, chai dầu ăn đã từng đến với họ từ những người làm thiện nguyện. Giờ họ rút lui, chắc hẳn cuộc sống của người nghèo vốn đã khó sẽ túng quẫn hơn.
Những người xa quê không về được đã đến cuối cùng của sự chịu đựng và họ bế tắc trong tương lai. Thành phố cũng đang có dự định liên hệ một số tỉnh thành để đưa họ trở về một cách chính thức nhưng chưa làm được. Và rồi nhiều người cũng tìm cách trốn về. Vụ xe tải đông lạnh nhét 15 người trong thùng để thông chốt ở Hàm Tân là một điển hình. Và chắc chắn sẽ còn nhiều chuyến xe như thế nữa. 15 người trên xe và tài xế đều xuất trình được giấy xét nghiệm có kết quả âm tính còn hiệu lực chứng tỏ họ không phải là F0 trốn bệnh viện mà chỉ là muốn về quê. Họ sợ dịch cũng như sợ đói nên quyết chí đi về. 15 người có cả trẻ em được giấu trong thùng lạnh để qua mặt cơ quan chức năng và còn bao nhiêu người nữa đang ở trên đường. Không nên xem họ là tội phạm, không nên kết án họ, họ chỉ là những nạn nhân quyết tìm một con đường thoát. Họ hoàn toàn không có tội.
Trở lại chuyện vaccine, rất nhiều người thắc mắc là tại sao vaccine Nanocovax và Covivax của Việt Nam, đặc biệt là Nanocovax đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, đã tiêm cho cả vạn người an toàn, đã có báo cáo lâm sàng đầy đủ, cũng đã tiêm cho ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Năm lần bảy lượt đưa ra Hội động Đạo đức xét duyệt của Bộ Y tế vẫn xét rồi để đấy, chưa kết luận, chưa cho phép sử dụng. Trong khi đó vào ngày 10.9, Bộ Y tế đã vội vã ký quyết định phê duyệt khẩn cấp đối với vaccine Hayat – Vax, do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất bán thành phẩm, sau đó các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đóng gói và xuất xưởng. Bụt nhà không thiêng chăng, hay có lý do gì khác.
Một điều cần lưu tâm nữa là vaccine Hayat – Vax này chưa được WHO công nhận và cho phép lưu hành. Sinopharm đã được WHO cấp phép mà dân ta còn ngại ngùng, giờ lại mua về thứ chưa cho phép, rồi chích cho ai? Cùng một lúc loại vaccine lạ mặt này xuất hiện, trên báo Công an nhân dân có một bài viết quảng cáo hết lời loại vaccine này với những ngôn ngữ mang phong cách Sơn đông mãi võ, dao to búa lớn, nghe rổn rảng đọc tưởng như là thuốc thần, thuốc tiên: ”Có thể nói rằng, Hayat-Vax vaccine của sự sống, đã xuất hiện với vai trò của một sứ mệnh lịch sử, đặt trọng trách gánh vác nhiệm vụ bảo vệ toàn nhân loại, tại UAE nơi mà cuộc sống được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa là món quà của tạo hoá.
Sự có mặt của vaccine Hayat-Vax chính là sự phản hồi tiếng gọi từ vũ trụ, trong nỗ lực và khát vọng tìm kiếm tấm khiên chiến binh anh hùng của loài người, trong cuộc chiến với đại dịch. Một sản phẩm nhỏ bé nhưng kết tinh đầy giá trị của trí tuệ và sức mạnh, là dấu trưởng thành của Con Người, ghi khắc đầy tự hào vào bước tiến hoá của lịch sử thời gian”.
Nghe ghê chưa, viết quảng cáo như pháo nổ vậy, xin lỗi, chịu không nổi. Người viết ra những dòng này chắc làm lính đánh thuê nên cũng mắc cỡ không dám ghi tên.
Không thể không đặt một câu hỏi to tướng là sao vaccine của Việt Nam đã được chứng minh có hiệu quả, giá thành thấp, đáp ứng được nhu cầu ngăn dịch lại không được phép dùng mà lại nhanh nhẩu chọn một loại vaccine chưa ai biết mặt biết tên, chưa biết hiệu quả và an toàn như thế nào để mang ra dùng cho dân. Nghĩ mãi mà không ra. Loạn não mất.
Một tin vaccine nữa cũng gây bất ngờ cho dân thành phố hôm nay nữa là Sở Y tế thành phố vừa có văn bản khẩn gửi Bộ Y tế và báo cáo UBND TPHCM về việc xin rút ngắn thời gian giữa 2 mũi vaccine AstraZeneca. Theo quy định của nhà sản xuất cũng như của Bộ Y tế Việt Nam, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vaccine Astra Zeneca từ 8-12 tuần. Mũi 1 tối thiểu phải có 8 đến 12 tuần mới đủ kháng thể tốt ngăn ngừa virus xâm nhập. Sau thời gian đó mới đủ điều kiện chích mũi 2. Bây giờ, vì nhu cầu muốn tiến hành chích nhanh để tăng độ phủ cho mũi thứ 2, thành phố muốn chích sớm hơn quy định 2 tuần tức chỉ còn có 6 tuần. Không biết các nhà chuyên môn có ý kiến chi không? Vội vàng thế gây hậu quả thế nào cũng chưa tính được. Nhưng thiết nghĩ, nhà sản xuất đã tính như thế là cũng phải có lý do của nó, giờ ta làm khác quy định có thể vaccine sẽ giảm hiệu quả. Nhưng cần gấp lắm khi cũng phải chịu thôi. Có gì thì lại tính tiếp.
13.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI TÁM
Tính đến hôm nay, con số tử vong vì đại dịch virus Vũ Hán ở Việt Nam đã lên đến 15.936 ca. Trong số gần 16 ngàn người chết đó đã để lại biết bao nỗi đau cho những người còn sống. Đau đớn nhất là những đứa trẻ, cơn dịch đến và đem đi mất những người thân yêu nhất. Có những đứa trẻ mất cha, có đứa mất mẹ, có nhiều cháu bất hạnh hơn là mất cả cha lẫn mẹ. Nhiều gia đình mất luôn ông bà hay cô chú. Cũng có trẻ mất hết tất cả, chỉ còn một mình trơ trọi ở cõi đời. Bi thương không kể hết được và tương lai, những đứa trẻ ấy phải biết sống làm sao? Chỉ trong vài tháng, thành phố đã có gần vài ngàn đứa trẻ trở thành trẻ mồ côi trong cơn đại dịch. Theo báo cáo của Sở Giáo Dục, đã có hơn 1.500 học sinh mồ côi vì cha, mẹ mất trong cơn dịch.
Chỉ mới đây thôi, các cháu vẫn còn cha, còn mẹ, còn ôn bà và còn một gia đình êm ấm. Giờ mất tất cả, tan nát hết cả. Có đứa chứng kiến những người thân chết ngay trong căn nhà, trước mắt chúng. Cũng có đứa không thấy được người thân lần cuối, nhìn cha mẹ, ông bà được chở đi khi còn nguyên vẹn hình hài và trở về chỉ là nhúm tro trong hũ cốt.
Trên tạp chí khoa học The Lancet số tháng 7. 2021, thế giới hiện có hơn 1,5 triệu trẻ mồ côi vì dịch. Một nghiên cứu khác của CDC Mỹ, USAID, World Bank và Đại học London cho thấy trên toàn cầu cứ hai người chết vì virus Vũ Hán thì có một đứa trẻ bị mất cha mẹ hoặc người chăm sóc. Những đứa trẻ trong hoàn cảnh đó bị sang chấn tâm lý nặng nề. Chúng bị khủng hoảng khủng khiếp. Phản ứng của chúng có thể là không nói hoặc nói ít lại, thu mình lại, giấu cảm xúc, trầm cảm và tự kỷ. Có đứa sẽ la hét không kiểm soát, tinh thần luôn bất ổn. Nỗi đau này khiến những đứa trẻ bị lâm vào khủng hoảng thần kinh và tâm lý đó nhiều khi theo suốt đời chúng. Nỗi cô độc không người thân, không có chỗ nương tựa gây cho chúng một nỗi bất an. Chưa kể có nhiều cháu lâm vào cảnh thiếu thốn vật chất, không ai nuôi nấng, chăm sóc. Sự mất mát xảy ra quá đột ngột khiến những đứa trẻ mất phương hướng, mang mặc cảm không giúp được gì cho người thân, không chăm sóc được cha mẹ, ông bà khi họ bệnh, không đưa tiễn hay được gặp mặt người thân lần cuối. Trẻ có thể mang nỗi đau này khiến chúng dễ bị suy sụp và đưa đến những suy nghĩ hay hành động tiêu cực. Cơn đại dịch rồi cũng sẽ qua đi nhưng nỗi đau này ở lại trở thành một di chứng khó chữa trong lòng của trẻ.
Không chỉ có những đứa trẻ, nhiều người già cũng lâm vào cảnh bi thương không còn ai nuôi nấng hay chăm sóc sau khi cơn đại dịch đi qua thành phố. Anh bạn tôi vừa qua đời hôm trước vì nhiễm dịch, để lại một ông bố già tuổi 90 đã lẫn và bà mẹ già tuổi hơn 80 đang bị tai biến. Anh là một người con hiếu thảo, lâu nay trực tiếp chăm sóc bố mẹ. Các con anh đều đang du học nước ngoài. Hai vợ chồng anh đã ly hôn mấy năm nay. Giờ anh mất đi, không biết rồi hai ông bà cụ sẽ sống làm sao? Không biết còn ai chăm sóc cho họ. Và chắc chắn những người già có hoàn cảnh như thế cũng sẽ bị khủng hoảng tâm lý nặng nề và cuộc sống chắc cũng khó được dài lâu. Sau khi có thể tạm yên với con virus, xã hội lại phải đối phó và điều trị cho những số phận bất hạnh này. Một công việc cũng không dễ gì vì nó là tâm bệnh, là hậu quả của những cú sốc tâm lý.
Chiều 13.9, trong một cuộc họp báo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành phố cho hay, thành phố sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng tới hết tháng 9. Đồng thời sẽ thực hiện những bước thận trọng để giảm lần giãn cách xã hội theo ba giai đoạn. Với tình hình hiện tại, để chuẩn bị mở cửa trong điều kiện “bình thường mới”, cần chuẩn bị kế hoạch cẩn trọng, có cân nhắc, tuyệt đối giữ vững nguyên tắc “quản lý được đến đâu, mở cửa đến đó”.
Chủ trương của thành phố là thận trọng để bảo vệ sinh mạng con người. Bởi cho đến hôm nay, số người nhiễm vẫn còn cao, báo cáo chiều nay thành phố có 6.312 ca nhiễm và 199 ca tử vong. Cũng theo ông Lê Hoà Bình, Phó chủ tịch thành phố cho biết, để thuận lợi cho việc lưu thông, phân phối. Kể từ ngày 16.9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đồng thời để tiếp tục hỗ trợ người dân khi giãn cách vẫn còn kéo dài, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ có gói an sinh thứ 3 gần 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân khó khăn.Theo ông Mãi, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng mà thành phố phải quan tâm. Trước đây đã thực hiện 2 gói an sinh, thành phố đã cấp gần 6.500 tỉ, trong đó có kinh phí xã hội hóa 1.400 tỉ, còn lại là ngân sách. Khi thực hiện gói an sinh lần 1, phát hiện số người dân khó khăn nhiều hơn dự kiến, thành phố thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 nhưng rồi khi triển khai gói thứ 2 cũng phát sinh thêm nhiều khu, nhiều người nữa. Lý do là những gia đình trước đây có thể chưa khó khăn, nhưng khi giãn cách xã hội kéo dài, khiến cuộc sống bị xáo trộn. Có thể một tháng họ chịu được nhưng giãn cách đến 2 tháng, 3 tháng thì số hộ gặp khó khăn tăng lên. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận cũng có nguyên nhân chủ quan là do các cấp chính quyền khi thống kê chưa đầy đủ và đây là khuyết điểm của thành phố. Quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, ngoài hạn chế chủ quan do chính quyền cơ sở thống kê chưa chính xác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn chậm, sai đối tượng… chính quyền sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Thực tế, có rất nhiều lãnh đạo địa phương thiếu trách nhiệm với dân khiến dân kêu than và bất bình.
Ông Phan Văn Mãi cho biết dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 lên gần 10.000 tỷ đồng. Đây là số kinh phí rất lớn, vượt rất nhiều khả năng ngân sách thành phố nhưng đây là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống cho bà con.
Khi thành phố lâm vào cơn đại dịch, mới lộ rõ là ở thành phố này vẫn còn rất nhiều gia đình nghèo với cuộc sống lam lũ, kiếm ăn rất khó khăn. Bình thường họ có thể tìm mọi cách kiếm kế sinh nhai nhưng khi dịch đến, giãn cách kéo dài, cuộc sống của họ lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Có đi vào những xóm nghèo, ngõ nhỏ mới thấy dân ta vẫn còn khổ lắm. Những căn nhà nhỏ, những xóm, những phường người ta sống chen chúc nhau trong những căn nhà hẹp, ẩm thấp. Ăn uống thiếu thốn, điều kiện sinh hoạt còn tạm bợ nên dịch bệnh rất dễ bùng phát. Bởi thế, dân mong giảm giãn cách để có thể tiếp tục lao động kiếm sống. Cái đói và cái chết luôn đe doạ dân nghèo nếu giãn cách mãi kéo dài. Gói an sinh rồi cũng chỉ giúp họ một tuần, mười ngày, rồi cái thiếu ăn vẫn đè nặng. Lối thoát duy nhất là họ được làm việc, được bán buôn, được kiếm ăn bằng sức lao động của mình. Thành phố cũng nên xúc tiến liên hệ với các địa phương để giúp một số người nhập cư có nguyện vọng trở về quê quán. Sau đại dịch, số người muốn về quê cũng không ít, giữ họ lại thành phố khi chưa kiếm được công ăn việc làm thì chỉ khiến cho cuộc sống của họ thêm bế tắc.
Cho đến hôm nay, thành phố vẫn luẩn quẩn chuyện thẻ xanh và việc chứng nhận tiêm chủng trên app ở điện thoại. Phần mềm hoạt động không kịp thời, sai sót quá nhiều chứng tỏ không hiệu quả. Thành phố hi vọng sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí an toàn, một trong những tiêu chí an toàn đang nghiên cứu là thẻ xanh dựa vào điều kiện tiêm chủng hay xét nghiệm để đánh giá mức độ an toàn các hoạt động của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Và rồi thành phố lại cho ra đời thêm một app mới hi vọng khắc phục lỗi của nhiều cái app trước. Đó là ứng dụng “Y tế HCM”.
Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Sở Y tế phát triển ứng dụng “Y tế HCM” thành ứng dụng thống nhất hỗ trợ người dân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng, chống dịch. Sẽ làm thí điểm một số quận, huyện, sau đó sẽ áp dụng rộng rãi toàn thành.
Người dân được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại hoặc được cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.
Mã QR sẽ có thông tin khai báo y tế, lịch sử tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm và thông tin theo dõi sức khỏe F0 tại nhà.
Người dân khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn trước khi ra đường; xuất trình mã QR tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm… F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này. Không biết với cái app này nữa, chính quyền đã đủ để quản lý dân chưa? Sức sáng tạo của mấy cái đầu trí tuệ của ta kinh thật, app ra liền tù tì. Nhưng mà khổ toàn nửa nạc nửa mỡ chẳng đi đến đâu. Rồi mai lại cho ra đời thêm vài cái nữa góp thêm đã gần 20 cái app đã có sẵn lâu nay. Riết rồi nghe app với mã code là ngán tới cổ.
Trở lại việc dự tính cho học sinh trở lại trường, phản ứng của phụ huynh là không đồng tình. Tình trạng học sinh, giáo viên đang nhiễm dịch rất nhiều, đến trường, vào lớp là rất nguy hiểm, nguy cơ nhiễm chéo rất cao. Theo thống kê của Bộ Giáo Dục, hơn 13.000 người trong ngành giáo dục đã dính bệnh.
Cụ thể, thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính đến hết ngày 4.9, nước ta đã có đến 3.001 cán bộ, giảng viên, giáo viên và 10.224 học sinh, sinh viên nhiễm dịch. Đa số bệnh nhân này đều tập trung tại thành phố, với 6.589 học sinh và 2.083 giáo viên. Thế thì mở trường làm gì khi biết chắc nó sẽ thành ổ dịch. Thôi cứ tạm thời học ở nhà đi, được chữ nào hay chữ nấy. Sinh mạng của con em là quan trọng.
Đã hơn 120 ngày giãn cách, đã đến ngày thứ 68 siết chặt, giới nghiêm, cũng đã có gần 12.500 người thành phố này đã chết vì con virus. Đã có biết bao thảm cảnh diễn ra ở thành phố này. Đã đến lúc cần một lối thoát và mong chờ những ngày tháng an bình sẽ đến.
14.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ SÁU MƯƠI CHÍN
Hôm nay thức dậy sớm vì có hẹn tham gia một talkshow của chương trình Sài Gòn ta thương. Buổi nói chuyện thực hiện trực tuyến qua Zoom nên cũng đơn giản. Phòng tôi bị hỏng internet từ khi vừa có dịch nên chưa sửa được. Hai cái bên các phòng khác thì yếu vì bị vách tường ngăn nên đành sử dụng 4G qua iphone, không dùng computer được. Cũng hơi bất tiện nhưng rồi cũng xong. MC của chương trình là ca sĩ nổi danh một thời của Sài Gòn, ca sĩ Ngọc Ánh. Nội dung buổi nói chuyện đề cập đến những suy nghĩ và cảm xúc của tôi về cơn đại dịch đang diễn ra ở thành phố này. Trong lúc câu chuyện đang diễn tiến, có đôi khi tôi không dấu được cảm xúc khi nhắc đến bạn bè, người quen đã ra đi vì virus không ai tiễn đưa, không nghi lễ, không ánh nến nguyện cầu. Tôi cũng nghẹn lời khi đề cập đến những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi khi cha, mẹ đột ngột ra đi và không biết tương lai của các em sẽ ra sao. Tôi cũng rất xúc động khi được hỏi về những kỷ niệm khi tôi mới vào Sài Gòn, ký ức những năm tháng cách đây hơn nửa thế kỷ quay về làm tôi nao nao trong lòng. Tôi nói về những tấm lòng của người Sài Gòn, rộng rãi, bao dung và độ lượng đã từng cưu mang tôi trong những khi khốn khó. Và cũng nói về một Sài Gòn u buồn, tang thương trong cơn đại dịch hôm nay. Tôi cũng không quên nói lời tri ân đến các nhân viên y tế, những người đang ở tuyến đầu, đang chiến đấu để chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm dịch và tin rằng thành phố sẽ qua được cơn bệnh nặng, trở lại một Sài Gòn năng động và đầy những nụ cười. Buổi phỏng vấn cũng nhắc đến những bài nhật ký hàng ngày của tôi về Sài Gòn lockdown đăng trên facebook, nay đã gần 70 bài. Tôi cám ơn mọi người đã đọc và đã quan tâm. Hi vọng những trang nhật ký này sẽ ghi lại được những hình ảnh, những cảm xúc của người Sài Gòn trong suốt thời gian giãn cách và mong rằng nó như là một ít tư liệu dưới góc nhìn của một cá nhân, một chứng nhân khi cơn gió dịch bệnh thổi qua thành phố Sài Gòn thân thương ghi lại cho đời. Mấy hôm bị facebook treo giò, nhiều tin nhắn gởi vào messenger hỏi thăm, nhưng tôi không trả lời được vì đang bị cấm. Xin lỗi các anh chị em và cám ơn sự quan tâm của các bạn.
Những ngày này tuy không đăng được nhưng tôi vẫn viết tiếp tục, không bỏ hôm nào và sẽ đăng ngay khi được phép.
Ngày 15.9 đã đến, trước đây cứ nghĩ hôm nay là ngày cuối của giãn cách, của phong toả, của cách ly. Nhưng rồi chưa thể. Ai ở đâu vẫn ở yên đấy. Và chính quyền cũng đang phân vân, thăm dò, đợi chờ thời điểm để mở cửa cho cuộc sống bình thường trở lại. Cho nên mấy hôm nay khẩn cấp chích ngừa toàn thành phố, chạy nước rút tiêm mũi 1 vaccine, bởi hôm nay là ngày cuối cùng thực hiện mục tiêu đạt 100% trường hợp trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 vaccine. Nhiều quận huyện tại thành phố đang phát đi thông báo khuyến khích người dân đi tiêm không cần đăng ký trước, không phân biệt thường trú, tạm trú hay chưa đăng ký tạm trú. Nếu cần thiết, sẽ đến từng nhà để tiêm. Chỉ cần trình thẻ căn cước công dân là nhanh chóng được tiêm mũi vaccine đầu tiên dù không đăng ký. Để đạt độ bao phủ vắc xin cho người trên 18 tuổi, ước tính giai đoạn này thành phố còn hơn 879.000 người cần tiêm mũi 1 và 927.000 người đến thời hạn tiêm mũi 2. Tổng cộng cần có 1.806.000 mũi tiêm. Theo kết quả điều tra thống kê của Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình thành phố vào ngày 30.6, tổng số người từ 18 tuổi trở lên tại thành phố là 7.208.800 người. Tuy nhiên qua rà soát, báo cáo của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về số liệu dân cư thực tế đang sinh sống trên địa bàn, số lượng người từ 18 tuổi hiện nay chỉ khoảng 6.043.628 người. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 7 giờ ngày 14.9, TP.HCM đã tiêm được tổng cộng hơn 8,1 triệu liều vaccine. Trong đó, tổng số mũi 1 là 6,58 triệu và mũi 2 là 1,57 triệu. Đặc biệt, đã có hơn 2 triệu mũi vắc xin Verocell của Sinopharm đã được tiêm cho người dân.
Đến ngày 14.9, theo số liệu thống kê từ Sở Y tế, có 2 quận tiêm vaccine mũi 1 đạt cao nhất là Q.11 với tỷ lệ 100% và Q.12 hơn 101%.
Với con số thống kê đó và con số đã được tiêm chủng mũi 1, cho thấy rằng thành phố đã đạt chỉ tiêu về tiêm chủng. Nhưng qua các con số, người ta cũng thấy có sự chênh lệch giữa điều tra dân số và số lượt người được tiêm chủng mũi 1.
Đúng ra thực hiện thủ tục tiêm chủng như thế này ngay từ đầu sẽ giúp dân bớt trông đợi, lo âu, thắc mắc và tốn công sức chạy đầu này đầu kia trông ngóng tin tức về tiêm chủng. Chỉ cần mỗi tổ dân phố hoặc một cụm dân cư gần nhau đặt một trạm tiêm chủng. Người dân mang căn cước hay giấy chứng minh là được chích khỏi qua các bước đăng ký, chờ đợi rườm rà. Chắc chắn chẳng có ai dám tranh giành để chích hai mũi trong một ngày hay khi chưa đến hạn kỳ quy định. Nếu thực hiện kiểu đấy, thành phố chắc chắn đã hoàn tất 100% mũi 1 lâu rồi. Giờ đang có kế hoạch cho mũi 2, cũng mong thành phố rút kinh nghiệm để mũi 2 được tiến hành tốt và nhanh chóng hơn, đáp ứng được nhu cầu mong được chích đủ liều của nhân dân thành phố. Chỉ có chích đủ cho toàn dân mới có thể tính đến chuyện an toàn để mở cửa. Cái khó bây giờ lại nằm ở chỗ thẻ xanh được cấp như thế nào và với hình thức gì? Không hiểu nổi một thành phố lớn như Sài Gòn, một đất nước luôn nói về công nghệ 4.0 với 5.0 mà mò mãi cũng không hoàn chỉnh được một cái app thống nhất trong toàn quốc mà cứ loay hoay mãi cũng như sáng tạo đủ app, mỗi anh một cái làm khổ dân theo muốn đuối hơi mà chẳng thấy hiệu quả chi cả. Tôi chích mũi 2 hơn cả tuần rồi mà app Sổ sức khoẻ điện tử vẫn màu vàng chứng nhận mới chích mũi 1. Làm ăn chán thật! Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phải cập nhật thông tin tiêm vaccine còn thiếu lên hệ thống trước ngày 20.9. Để chờ xem.
Gần đây trên các phương tiện truyền thông của nhà nước đã đăng nhiều clip về việc Thủ tướng làm việc trực tuyến với các cấp lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống dịch. Bỏ qua các câu hỏi về các con số thống kê thay đổi liên tục nên các cán bộ địa phương khó nắm bắt để có thể nhớ. Nhiều vấn đề cán bộ như học trò trả bài mà không thuộc vậy. Trong chuyện này, thiết nghĩ nên trao đổi về chiến lược, biện pháp, chủ trương của địa phương trong việc phòng chống dịch hơn là hỏi về số liệu. Tuy vậy, qua đó cũng cho thấy một số lãnh đạo địa phương chưa sâu sát tình hình,chưa nhạy bén, còn lúng túng với các biện pháp chống dịch, vẫn còn chờ và làm theo chỉ đạo từ trên, chống dịch bằng nghị quyết.
Trả bài có người nhắc mà còn ấp úng khi trả lời, thế thì chống dịch làm sao hữu hiệu được. Ngay tổ chức hành chánh cấp thấp nhất là phường, xã, những người lãnh đạo ở cấp này nhiều người không những thiếu khả năng mà còn không có trách nhiệm với dân. Địa phương nào may mắn có người lãnh đạo có tâm, có trách nhiệm, có tầm trong tổ chức và thực hiện thì dân ở đấy được nhờ và được chăm sóc chu đáo. Ngược lại thì xem như thua, xem như xui, chẳng được hỗ trợ cũng như giúp đỡ gì theo chủ trương của nhà nước. Do vậy nên dân mới kêu, mới xuống đường, mới gõ cửa uỷ ban, mới có xung đột. Lãnh đạo thành phố cũng đã nhiều lần nhận khuyết điểm với dân về vấn đề này. Nhưng cũng khó mà khắc phục. Quan nhỏ mà giao chút quyền lực thì dễ quan liêu, hống hách và tìm cách trục lợi cho cá nhân, người nhà lắm.
Lâu nay nhiều người ngại ngùng và ngờ vực khi chích vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Có người bảo rằng nếu thiếu vaccine Anh, Mỹ họ sẵn sàng tiêm chủng vaccine made in Vietnam. Nhưng chờ mãi mà vẫn chưa được duyệt. May thay, hôm nay được tin “Sẽ có vaccine “made in Vietnam” được cấp phép khẩn cấp trong năm nay”. Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, cho biết từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất 1 vaccine do Việt Nam nghiên cứu, phát triển được cấp phép khẩn cấp. Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực đã chủ động nghiên cứu vaccine, với 3 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn khác nhau. Trong đó, 2 vaccine phát triển trong nước và 1 vaccine được chuyển giao công nghệ nước ngoài.
Khi ta có vaccine tự sản xuất và có hiệu quả thì nỗi lo vaccine sẽ chẳng còn và sẽ chủ động trong công cuộc phòng chống dịch. Khỏi phải cắp cặp đi xin, khỏi bị ai đó o ép, khỏi lo quan hệ, năn nỉ, đánh đổi.
Tuy chuẩn bị những bước đầu để giảm giãn cách nhưng con số nhiễm dịch và tử vong hàng ngày của thành phố vẫn chưa xuống những con số mong đợi. Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 14.9, thành phố có 310.307 ca nhiễm dịch. Hiện đang điều trị hơn 39.000 ca, trong đó có 2.942 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.616 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số xuất viện cộng dồn đến nay là 152.894 ca và có 12.419 ca tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo nhân lực và năng lực chuyên môn theo các phân tầng, thành phố đã huy động 17.653 người của các cơ sở y tế tại chỗ của thành phố. Trung ương, các bộ ngành và nhiều tỉnh thành khác hỗ trợ 13.752 người, đó là chưa kể tình nguyện viên, F0 hết bệnh, lực lượng y tế tư nhân. Thế nhưng vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực. Do vậy rất đáng lo khi có tin cho rằng sau 15.9, Bộ Y tế sẽ rút nhân lực ra khỏi các cơ sở điều trị ở thành phố. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tùy vào tình hình mà Bộ Y tế sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Theo cách nói này, trong thời gian tới, tình hình nhân lực ở thành phố sẽ rất căng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc hạn chế số người tử vong.
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc lấy ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, các bộ, ngành, UBND TP.HCM. Trong đó, Bộ Y tế đưa ra 3 tiêu chí tiên quyết về tỉ lệ dương tính/xét nghiệm và mức độ đáp ứng của điều trị hồi sức, cùng 1 tiêu chí động về tỉ lệ tiêm vắc xin. Cụ thể là
– Số ca mắc mới tại cộng đồng giảm;
– Tỉ lệ mẫu dương tính bằng RT-PCR trong ngày giảm, không xuất hiện chuỗi-chùm bệnh;
– Đáp ứng số giường ICU;
– Tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Theo đó có 2 tiêu chí còn khó đạt để mở cửa trở lại của thành phố đó là Số ca mắc trong cộng đồng giảm liên tục và tỷ lệ mẫu xét nghiệm RT-PCT dương tính trong cộng đồng/ngày. Thực tế những ngày qua cho thấy các ca dương tính ở thành phố trong 7 ngày gần nhất cho thấy tỷ lệ người mắc virus chưa có dấu hiệu giảm. Các con số này tuy có lúc lên xuống, nhưng rất ít khi dưới 5.000 ca/ngày. Với các số liệu thống kê, theo đánh giá của các chuyên gia thì số F0 đang ẩn khuất trong cộng đồng còn khá lớn. Về tỷ lệ mẫu xét nghiệm dương tính trong 7 ngày gần nhất, số mẫu xét nghiệm (RT-PCT) dương tính/số người lấy mẫu trong ngày tại cộng đồng chưa có chiều hướng giảm. Do vậy, thành phố vẫn còn 2 tiêu chí phải khắc phục mới có thể giảm giãn cách để mở cửa trở lại. Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi cho rằng sức ép của sự phát triển kinh tế xã hội thành phố buộc phải mở cửa sau thời gian giãn cách kéo dài, song nguy cơ bùng phát dịch là có thật. Số liệu cho thấy ca mắc ở thành phố chưa đạt tiêu chí của Bộ Y tế. PGS.TS Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế chỉ ra có một tiêu chí rất khó mà thành phố chưa đạt được đó là: “số ca mắc mới phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất”.
Theo ông, biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca. Những con số chưa khả quan như mong đợi.
Nghe nói đã cho mở cửa một số cửa hàng, quán, tiệm bán mang về hoặc online, nhưng cho đến hôm nay hàng quán vẫn đóng cửa im lìm. Rất ít cửa hàng kinh doanh ăn uống, mặt hàng thiết yếu có động thái hoạt động trở lại. Nhiều chủ tiệm vẫn đang chờ vì cũng còn nhiều điều băn khoăn.
Và như vậy, chúng ta cũng tiếp tục chờ.
15.9.2021
SÀI GÒN NGÀY PHONG TỎA THỨ BẢY MƯƠI
Bắt đầu từ ngày 9.7, ngày chính quyền siết chặt phong toả Sài Gòn để ngăn chận dịch bệnh. Hôm nay viết đến bài thứ bảy mươi như là nhật ký những ngày đại dịch tàn phá thành phố này. Đã có hơn 12.000 người đã chết vì dịch, chưa kể những số người khác mắc các bệnh thông thường nhưng vì trong mùa dịch không có phương tiện đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, không được bệnh viện nhận, không được chăm dóc chu đáo như bình thường, bệnh mãn tính không được tái khám và nhạn thuốc đúng hẹn..và những người bệnh đó cũng đã ra đi một cách oan uổng. Một người mất, bao nhiêu người thân thuộc buồn đau, tiếc nuối. Trong những ngày cao điểm nhiều gia đình chết đến vài ba người nhiều thế hệ. Cho đến nay dù con số tử vong có giảm hàng ngày nhưng số người nhiễm bệnh vẫn cao. Do vậy, chính quyền thành phố vẫn phân vân khi chuẩn bị mở cửa một phần, giảm giãn cách một phần chứ chưa dám có quyết định để thành phố trở lại bình thường. “Bình thường mới” là chữ mà lãnh đạo thành phố sử dụng, có nghĩa không thể bình thường như cũ khi chưa đạt được những tiêu chí của Bộ Y tế đề ra.
Càng kéo dài giãn cách thiệt hại kinh tế rất lớn và lòng dân thì bất an. Nhiều doanh nghiệp lớn của nước ngoài ở Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai đang tính đường rút chuyển qua Mexico hay Brazil vì không thể chờ đợi. Đa số là doanh nghiệp may mặc và sản xuất giày dép. Họ chuẩn bị để phục vụ Giáng Sinh, nhưng nhà máy phải ngưng hoạt động vì dịch nên phải tìm cách chuyển. Một doanh nghiệp ở Tân Phú với 56.000 công nhân mấy tháng nay cũng đành bó tay ngồi chờ. Nhà máy đóng cửa không những thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo biết bao công nhân thất nghiệp. Họ trở thành người thiếu ăn, con cái cũng khó đến trường đành dở dang việc học hành, cha mẹ, người thân đau ốm không tiền mua thuốc chữa bệnh. Những tổ chức từ thiện, thiện nguyện, những nhà hảo tâm cũng rút dần vì thời gian quá dài, vì những thị phi, vì những khó khăn trong công việc đưa đến tâm lý chán nản. Và kẻ bị thiệt thòi là những người nghèo. Kéo dài giãn cách càng lâu không những thiệt hại về kinh tế mà ảnh hưởng đến xã hội rất lớn. Không những thế gây tâm trạng bất an và tạo ra những sang chấn tâm lý cho rất nhiều người.
Chính quyền thành phố cũng đã đưa ra lộ trình để có thể đến đầu tháng 10, mở dần từng phần để bình thường hoá sinh hoạt. Để chuẩn bị bị kịch bản phục hồi kinh tế và bình thường mới phải cần những yếu tố cơ bản. Đầu tiên là phải có và chuẩn bị đủ vaccine cho toàn dân, đồng thời cũng nên thay đổi quy trình tổ chức tiêm chủng sao cho nhanh chóng, an toàn và khoa học. Phải sắp xếp lại các bệnh viện và các khu điều trị virus Vũ Hán, đặc biệt là nhân lực và thiết bị. Sắp tới, đội ngũ chi viện từ khắp nơi sẽ rút dần về, nhân lực sẽ thiếu hụt vì con số nhiễm bệnh vẫn còn cao. Cũng cần thuốc để chữa bệnh và phương án túi thuốc cho người F0 chữa tại nhà vẫn là cách tốt nhất để giảm tải cho các bệnh viện. Lâu nay con số tử vong cao là bởi thiếu nhân lực và không được cấp cứu kịp thời. Theo một số Bác sĩ phân tích “Sự nguy hiểm của virus không phải nằm ở tải lượng virus cao hay thấp, âm tính hay dương tính mà nằm ở chỗ virus này khi xâm nhập cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch phản ứng mãnh liệt tạo nên “Bão Cytokine” làm viêm phổi cấp, viêm và suy đa tạng.
Bão Cytokine không chừa một ai hết, bất kể có bệnh nền hay không có bệnh nền, già hay trẻ. Khi đã xảy ra bão Cytokine thì đang cười nói bình thường thì F0 bỗng chuyển sang mệt mỏi, khó thở tụt Oxy nhanh chóng. Diễn biến xảy ra cực nhanh chỉ trong 3-4 tiếng hoặc chỉ qua đêm ngủ các cơ quan bị viêm nặng rồi sáng dậy…đi luôn.” Như vậy khi người bệnh không được chăm sóc chu đáo, không được theo dõi thường xuyên thì chuyện tử vong là đương nhiên.
Giúp cho người dân những kiến thức cơ bản để tự phòng chống dịch cũng là một yêu cầu cần thiết. Hiện nay trên các mạng xã hội, trên hệ thống truyền thông, trên youtube tràn lan đủ mọi thứ thuốc chữa, đủ mọi cách để tự chữa bệnh, không biết bao nhiêu tin tức về virus cũng như về vaccine. Người dân đọc và truyền đi khiến rất nhiều người hoang mang vì có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, tin tức mâu thuẫn với nhau. Ngay trên báo chí chính thống cũng không thiếu những thông tin ngược với nhau. Dân nhiều khi tin những tin giả, tin tào lao hơn tin thật. Một phần cũng do trình độ dân trí, phần khác do lo sợ, hoang mang và phần lớn là nhà nước không có một kênh thống nhất trang bị cho dân những kiến thức cơ bản về dịch, về virus, về vaccine. Đồng thời với những tin nhảm, hệ thống thông tin của nhà nước phải phản bác tức thì giúp cho người dân có nhận thức đúng về bệnh.
Có lẽ đến thời gian này, thành phố cũng nên giảm bớt các chốt chặn, xoá bớt những khu vực cách ly, bỏ dây giăng, gỡ bớt những khung, những cuộn dây kẽm cho các con phố, các ngõ hẻm, các khu dân cư thông thoáng và bớt không khí căng thẳng. Ừ thì vẫn chấp nhận mỗi khu phố, mỗi phường xã là một pháo đài. Nhưng pháo đài được hiểu theo nghĩa là được theo dõi và kiểm soát chặt những gì dính líu đến dịch bệnh chứ không nên rào chắn với chận đường mãi thế.
Vừa rồi, Phó Chủ tịch UBND Lê Hòa Bình thông tin sau ngày 30.9, không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một app di chuyển do công an quản lý. Thế là có thêm một cái app nữa trong số hơn hai chục cái nữa rồi. Dân cứ hỏi là tại sao không có được một app thống nhất giữa các ban ngành như Y tế, Công an và Giao thông mà phải tách ra làm khổ dân như thế? Trong buổi họp báo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch thành phố diễn ra tối 15.9, Phó chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết thành phố cho phép các sinh hoạt thể dục thể thao tại các công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc các “vùng xanh” được mở cửa trở lại, kể từ ngày 16.9. Thế nhưng sáng nay, nhiều người đi tập thể dục trong những khu quy định cũng bị nhắc nhở không cho phép cũng như các chốt chặn không cho di chuyển. Thế nên việc cho phép này cũng như không. Rất nhiều doanh nghiệp kêu than vì không chuyển hàng được do các thủ tục hạn chế và nhiêu khê. Nhất là những doanh nghiệp chuyên phân phối hàng hoá. Có doanh nghiệp chuyên giao thuốc chữa bệnh nhưng đành bất lực khi hệ thống nhà thuốc đặt hàng mà không thể di chuyển được. Muốn bình thường hoá thì cũng phải ưu tiên gỡ khâu lưu thông này.
Chiều 15.9, trong cuộc họp trực tuyến với địa phương trên cả nước và các bộ để tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển hàng hóa , Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuần qua cá biệt xảy ra ùn ứ tại một số chốt kiểm soát do địa phương áp dụng quy định chưa thống nhất với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ GTVT.
Theo đại diện Sở GTVT thành phố, từ nay đến cuối tháng 9, thành phố vẫn giữ nguyên tình hình giãn cách. Đến 1.10 có thể tạm thời chia 3 giai đoạn: Từ ngày 1.10 đến 31.10, 1.11 đến 15.1.2022 và sau 15.1.2022 để điều chỉnh, tuy nhiên tất cả mọi vấn đề phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch bệnh. Như vậy, nếu theo chuẩn bị của Sở Giao thông, Vận tải thì tình hình lưu thông còn khó khăn kéo dài đến tận đầu năm 2022.
Trở lại chuyện vaccine, hôm qua có mấy tin khiến dân lại lo lắng. Trước hết là tin Nhật Bản thu hồi số vaccine Pfizer có dị vật. Theo tin, thành phố Sagamihara thuộc tỉnh Kanagawa, Nhật Bản đã quyết định thu hồi một lượng vaccine Pfizer sau khi phát hiện có dị vật màu trắng. Thành phố ta cũng rất nhiều người được chích vaccine Pfizer, nghe tin này cũng hơi ớn. Một tin nữa là yêu cầu giám định hoạt chất, hàm lượng một số lô vắc xin Vero Cell nhập khẩu. Lý do, theo Tổng cục Hải quan, qua xem xét hồ sơ hải quan một số lô hàng vắc xin Vero Cell do Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn nhập khẩu theo Giấy phép số 7929/QLD-KD ngày 8.7.2021 của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho thấy hoạt chất, hàm lượng/nồng độ trên Giấy phép số 7929/QLD-KD là 6.5 U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt, nhưng trên phiếu kiểm nghiệm có kết quả là 7,2 U; 7,4 U; 7,8 U hoặc 6,9 U…
Rất nhiều người đã mạnh dạn đồng ý chích mũi 1 Sinopharm trong trạng thái tâm lý không tin tưởng lắm. Giờ nghe tin này cũng thêm lo. Không biết mũi 2 có chích tiếp Sinopharm và cũng chẳng biết rồi có vấn đề gì không nữa.
Đã có một số dịch vụ ăn uống mở cửa bán mang đi, nhưng giá cả gây choáng cho người tiêu dùng. Trên thị trường hiện nay, mặt hàng nào cũng tăng giá, từ ổ bánh mì, tô bún bò cho tới thùng mì gói, bao bột chiên hay chai nước mắm. Không biết rồi đây làm thế nào để bình ổn giá cả đây. Giá tăng cao mà tiền thì càng lúc càng cạn. Người thất nghiệp không còn tiền. Người có chút tiền để dành thì cũng sắp hết vì giãn cách kéo dài. Nhiều người còn tiền trong tài khoản nhưng không đi rút được. Người có vàng muốn bán có tiền mặt tiêu xài cũng không có nơi mua. Đủ thứ khổ vì dịch bệnh.
Trung thu năm nay trẻ sẽ không còn được đón Trung thu như mọi năm. Các hãng bánh chắc sẽ chẳng có mấy khách. Một mùa Vu Lan buồn vừa đã đi qua. Một Trung thu chẳng gì vui đang tới. Thôi thì đành giam mình trong nhà mà ngắm trăng trong mưa vậy.
Đây là bài viết thứ bảy mươi và cũng định bụng là bài chót tôi viết về những ngày phong toả ở Sài Gòn. Nhật ký phong toả tưởng sẽ dừng lại ở đây. Tuy dự tính không còn viết với hình thức nhật ký hàng ngày, tôi vẫn viết trên Facebook nhưng suy nghĩ, cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn của tôi về cuộc sống, về thành phố Sài Gòn rất thân thương. Thế nhưng tình hình vẫn căng, người tử vong vẫn còn nhiều, vẫn còn bao sự kiện xảy ra. Do vậy, tôi đành viết tiếp Sài Gòn những ngày phong toả.
Mong các bạn bè, các anh chị em đã từng đọc các bài viết của tôi vẫn tiếp tục đọc và gởi đến tôi những ý kiến, tình cảm của quý vị. Tôi rất cám ơn.
Tôi định viết bài này về những quán ăn sẽ đến sau khi thành phố mở cửa để thoả mãn thèm khát mấy tháng nay. Nhưng bài này nhiều chuyện quá, dài dòng quá rồi nên sẽ hẹn với anh chị em một bài khác viết về chuyện ăn uống ở Sài Gòn. Ăn thôi chứ không có chơi. Dzậy đi nhe.
16.9.2021
(Còn tiếp)