Chọn môi trường hay tăng trưởng bằng mọi giá: Hy sinh môi trường cho tăng trưởng là lựa chọn quá đau đớn

“Không sự định giá nào bù đắp được cho sinh kế, sinh mạng và giống nòi. Hy sinh môi trường lấy tăng trưởng là lựa chọn quá đắt đỏ, quá đau đớn.”, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright chia sẻ với Tuần Việt Nam.

Dự án tỉ đô không thể đứng trên sinh kế của dân

Thưa TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, từ những xung đột đã xảy ra liên quan đến mối quan hệ giữa dự án đầu tư và vấn đề môi trường, các chỉ dấu cho thấy chúng ta đã bị đẩy vào tình thế phải lựa chọn theo ý đồ của một số nhà đầu tư…

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Đó là sự thật chua chát và cay đắng!

Bản chất của kinh tế học là đánh đổi. Chúng ta không thể có tất cả, mà phải lựa chọn cái này và chấp nhận mất những cái khác. Vấn đề là lựa chọn như thế nào để đạt được hiệu quả lớn nhất, được nhiều hơn mất.

Ví dụ cụ thể, một dự án đầu tư lớn đang có mặt tại miền Trung là  Formosa. Cái giá của sự đánh đổi ở đây là quá đắt bởi những chi phí và tác hại về môi trường do sản xuất thép là cực lớn! Nếu không kiểm soát tốt thì những dự án này sẽ hủy diệt sinh kế của người dân, sức khỏe của dân tộc hiện tại và trong tương lai.

Bởi vậy, sự lựa chọn nào cũng phải tính trước hết đến môi trường sinh kế của người dân vì có những tổn thất mà không có sự định giá nào có thể bù đắp được. Chúng ta không thể nào chấp nhận trả giá đắt là hy sinh môi trường để có được các dự án tỷ USD hoặc nhiều tỷ USD. Chúng ta không bao giờ đánh đổi được tương lai của đất nước bằng cách này.

Từ những bê bối đã bị phát giác có liên quan đến mối quan hệ giữa các dự án đầu tư và vấn đề môi trường trong thời gian qua đã cấp báo rằng, các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải cấp tập xem xét lại nghiêm túc, cầu thị với các dự án có tiềm năng gây ô nhiễm cao ví dụ như các dự án sản xuất thép.

Chúng ta phải tỉnh táo chứ không thể dễ dãi với những lợi ích ngắn hạn thêm nữa.

Chúng ta đang phải đối diện với xu thế các nước giàu, các nước phát triển ồ ạt xuất khẩu các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sang các nước khác. Tôi từng biết, từ 20 năm trước Đài Loan đã dịch chuyển ngành chăn nuôi heo sang Việt Nam. Nhiều ngành khác không được các nước chào đón thì lại dễ dàng có mặt tại Việt Nam. Ông suy nghĩ thế nào về sự thực đau đớn này?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Cũng giống như câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tôi luôn tự hỏi, có phải nghèo là đáng bị ăn bẩn không? Không thể cứ nghèo là bị trừng phạt, là phải ăn bẩn.

So với thế giới Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Điều đó không có nghĩa, vì chưa phát triển nên chúng ta phải chấp nhận thu hút vốn đầu tư nước ngoài bằng mọi giá? Đặc biệt những tỉnh miền Trung- nơi còn vô vàn khó khăn.

Formosa, Cá chết hàng loạt, hy sinh môi trường cho tăng trưởng, giám sát của dân

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn

Lâu nay nguồn vốn đầu tư chủ yếu chảy vào các địa phương có năng lực cạnh tranh cao như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng v.v… Các tỉnh nghèo miền Trung vốn dĩ lợi thế cạnh tranh rất kém nên không thu hút được đầu tư. Do vậy, để hấp dẫn các nhà  đầu tư vào đây, chỉ có thể là sự dễ dãi, và cả việc dám nới rộng các quy định về ô nhiễm môi trường, nhiều khi thu hút luôn cả những ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Tiếc rằng chúng ta là nước đi sau nhưng đã không tránh được vết xe đổ của các nước đi trước. Chúng ta đã dẫm lại các vết xe đổ đó bởi do quá thèm muốn nên đã có địa phương nghèo chấp nhận trả giá rất đắt để thu hút đầu tư nước ngoài cho bằng được. Trong chừng mực nào đó, họ đã phớt lờ, thậm chí bất chấp phí tổn môi trường.

Bởi vậy, nên càng cần các cấp quản lý trung ương tăng cường trách nhiệm kiểm soát, giám sát và ngăn chặn. Tiếc rằng, trong nhiều dự án, các Bộ cũng đã đồng ý chính sách ưu đãi như đề nghị của địa phương, ví dụ như với dự án có nguy cơ cao gây tổn thương môi trường rất lớn như ở khu vực miền Trung.

Như vậy trách nhiệm ở đây không chỉ ở các chính quyền địa phương, mà còn có cả trách nhiệm của các Bộ, ngành trung ương.

Ông có biết, các nước trên thế giới họ xử lý ra sao với các tập đoàn công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Nhiều nước đánh những khoản thuế, phí môi trường rất cao cùng những yêu cầu chất lượng rác thải, khí thải ngặt nghèo khiến cho những doanh nghiệp, ngành sản xuất thâm dụng tài nguyên đó không thể cạnh tranh và tồn tại được, buộc phải dịch chuyển sang các nước khác. Và thật đau đớn là Việt Nam đã trở thành “thiên đường” cho những dự án ô nhiễm, đặc biệt là những dự án thép.

Sát bên ta, Trung Quốc từ 15 năm trước đã đóng cửa những lò cao luyện thép có dung tích dưới 1000 m3 rồi. Thậm chí nhà máy có dung tích dưới 2.000 m3 họ cũng đóng sau một thời gian lãnh đủ hệ lụy do dư thừa công suất thép và đặc biệt là vấn nạn ô nhiễm môi trường cực kỳ nặng nề.

Trong khi Việt Nam chẳng có nguồn quặng nào có lợi thế, các mỏ sắt thì trữ lượng rất thấp, hàm lượng thấp và lại nằm rải rác thì Úc là quốc gia có trữ lượng quặng sắt hàng đầu thế giới, phù hợp để đặt nhà máy lò cao. Vậy tại sao họ không sang Úc? Câu trả lời đơn giản, là Úc không khuyến khích và không cấp phép cho các dự án tạo ô nhiễm môi trường.

Thể chế hóa nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”

Có một mẫu số chung từ các vụ xả thải gây tác hại đến môi trường như vụ công ty Vedan ở Đồng Nai, công ty thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa và một số vụ tương tự khác là đều do người dân phát hiện khi chuyện đã rồi. Đáng lưu ý là, trong nhiều sự vụ đã xảy ra, khi người dân lên tiếng bất bình, báo chí vào cuộc thì các cơ quan chức năng ban đầu thường hay đứng về phía doanh nghiệp! Tại sao lại như vậy thưa ông?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Chính quyền không thể “3 đầu 6 tay”, cái gì cũng có thể biết hết. Bởi vậy, họ cần phải dựa vào người dân. Dân chính là là tai mắt của chính quyền. Tại sao? Vì lợi ích của người dân bị tổn hại nên họ là sẽ những người đầu tiên nhận ra điều đó. Nhà nước không thể nào nói thay tiếng nói của người dân nhanh hơn, hay hơn người dân được.

Giáo sư Joseph E. Stiglitz của trường ĐH Columbia, người từng đoạt giải Nobel kinh tế nói: “Các nhóm lợi ích luôn cố gắng liệt kê lợi ích của người khác vào sự nghiệp chính trị của mình. Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy những lợi ích đó thực sự đạt được”. Đây là cách biện minh cho những chính sách của họ.

Còn vì sao phản ứng ban đầu của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khi xảy ra sự cố là nghiêng về phía nhà đầu tư? Theo tôi, vì họ có trách nhiệm trong việc cấp phép cho nên nếu có sự cố thì có phần trách nhiệm của họ trọng đó. Chuyện liên quan đến dự án FLC ở Thanh Hóa là một ví dụ sinh động. Dân bức xúc nhưng chính quyền vẫn khăng khăng bảo dự án mang lại lợi ích cho dân. Nếu mang lại lợi ích cho họ thì tại sao họ lại phản đối?

Quay lại chuyện của chúng ta, rõ ràng đã có nhiều dự án có nguy cơ gây tổn thương môi trường đã được nhiều địa phương đón chào, cấp phép. Vậy thì tới đây chúng ta cần phải làm gì để giảm thiểu khả năng xảy ra những sự cố nghiêm trọng?

Ồng Đỗ Thiên Anh Tuấn: Trước nhất, phải gắn sinh mạng chính trị của lãnh đạo địa phương vào lợi ích của dân. Sinh mạng chính trị của các vị cán bộ này phải được đo bằng sự hài lòng của người dân chứ không phải bằng sự ngụy biện của anh ta hay sự hài lòng của cấp trên. 

Thứ hai, như tôi đã nói, dân chính là tai mắt của chính quyền, nên phải có hệ thống cho phép người dân thể hiện sự giám sát của mình, minh bạch hơn nữa để dân “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

“Theo tôi, mô hình đang triển khai ở Quảng Trị hiện nay rất đáng chú ý. Các  địa phương khác có thể có trang web để người dân có thể tham gia đánh giá cán bộ. Ví dụ, sau khi người dân được hưởng dịch vụ công nào đó thì người dân lên đó đánh giá; Rồi mỗi tháng hay quý các cơ quan độc lập sẽ xem xét”. Kết quả đó là thước đo đánh giá và phát triển sự nghiệp chính trị của cán bộ chứ không chỉ báo cáo thành tích như từ xưa đến nay. Từ cách này, tôi nghĩ, các địa phương cũng thử áp dụng xây dựng các trang web như vậy.

Thứ ba là phải hồi tố trách nhiệm chứ không phải thuyên chuyển công tác hay về hưu là hết trách nhiệm. 

Thứ tư là cơ chế liên minh chịu trách nhiệm. Hiện nay chúng ta áp dụng hình thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Cơ chế chịu trách nhiệm tập thể như hiện nay cần phải được điều chỉnh lại. Do vậy khi sự cố xảy ra thì trước hết cá nhân phụ trách phải chịu trách nhiệm đầu tiên; liên minh, tập thể cũng phải đồng chịu trách nhiệm liên đới.

Xin cám ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam 

Duy Chiến thực hiện

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/302095/hy-sinh-moi-truong-cho-tang-truong-la-lua-chon-qua-dau-don.html

Comments are closed.