Lê Công Tư
Nó không sinh ra từ chính nó
Nó cũng không sinh ra từ một cái khác
Đức Phật
Nghĩa địa nằm gần một bờ biển. Nằm lại nơi đây có thể nghe tiếng sóng vỗ tiếng gió lao xao quanh những bờ phi lao. Cái âm thanh ngàn đời có thể ru êm một nỗi chết. Tất cả những nhọc nhằn, mệt mỏi, trầm luân lúc còn sống hình như đều tìm được chỗ tựa mình, nghỉ ngơi ở nghĩa trang này. Trên cái nôi đó, sóng biển tựa một lời ru, an ủi, vỗ về: “Hãy yên nghỉ đi con. Tất cả đã qua rồi”.
Những đứa con đã đưa mẹ chúng đến nơi đây và cũng đã dành cho bà những nghi thức cuối cùng của một tang lễ.
Một vị sư già được mời đến để đọc cho cụ nghe một đoạn kinh, nhằm cho cụ rõ thêm về cái thế giới sắc sắc, không không này – tựa như một chiếc bè tiễn cụ qua sông. Chư vị Phật, Bồ tát đang đón cụ ở bên kia. Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng khánh nghe mỗi lúc một xa dần, như chúng cũng đang dõi theo bóng dáng của một kiếp người đang mất hút dần vào nỗi vắng im ngàn đời của trời đất.
Cát đã thay cho mặt đất nói lời cuối cùng, thản nhiên, lạnh lùng. Nó phủ dần lên cỗ áo quan cho đến lúc không còn một dấu vết gì. Bây giờ thì bà cụ có thể yên tâm gối đầu lên những thị phi, oan chướng, địa ngục, thiên đường để mà ngủ một giấc dài.
Anh theo mấy đứa con của bà cụ quay về lại ngôi nhà, nơi mà anh đã có quá nhiều buổi chiều ngồi im ngó biển.
***
Những hoài niệm êm ả về những gì đã dệt nên cái hình hài đã từng nhấp nhô giữa đời tựa một kiếp người, không khác chi biển đã dệt nên những bọt sóng mà chiều nào anh cũng thấy nó vỡ tan trên những ghềnh đá. Chúng cứ tan vỡ hoài vậy mà chưa từng chết. Đã không biết bao chiều ngồi im nghe sóng vỗ vào bờ rồi tự hỏi: Những thứ này đã được nghe ra, được sinh ra từ đâu? Để rồi mơ hồ nhận ra rằng chúng đã đến từ rỗng không – từ bao la im lặng.
Tựa như cái hình hài của bà cụ, cái nơi đã từng một lần là lều trọ của đất đai, gió, lửa. Chúng đã đến đó tạm trú một thời, nhào nặn nên một con người – ngồi đó, đốt lửa, rong chơi, sinh con đẻ cái, chửi rủa, nhìn biển, già rồi chết. Chúng ra đi như một sự rã tan, nhưng không đi đâu mất trong cái trò chơi tan hợp này.
Bà cụ vốn đã từng là biển, là rừng, là đá núi, là mây trắng, là lá khô, là sườn non đỉnh núi, là lửa của hồng hoang, là ánh sáng của những dải tinh vân xa lắc, là một chớp lửa ngang trời của một vân thạch, là đồng khô, ruộng lúa…
Hồi còn sống, bà cụ vốn là một tấm thảm được dệt bằng tất cả những vật liệu của trời đất. Cái chết sổ tung những đường chỉ. Trong đêm tối chúng mò mẫm trườn bò về bao la im lặng. Nơi mà ngày xưa chúng vốn là một cơn gió thoảng, một đốm lửa gầy, một hạt sương trong, một nhúm đất nhỏ…
Biển xanh cũng đến tạm trú giữa cõi đời này. Mặt đất cũng chỉ là một thứ lều bạt cho biển ghé đến trú chân. Được sinh ra từ một mặt trời tắt lửa, đất run rẩy, lạnh dần rồi nói lời sụp lở. Cái hình hài to rộng của biển đã từng bao lần xô lệch ngả nghiêng. Nó đã nuốt vào lòng nó những phố chợ, những đoạn đèo, những khu rừng, những cánh cửa sổ, đôi mắt trẻ con, những cái nhà cao, thú vật, người… Nó nhấn chìm hết những thứ này xuống đáy sâu. Bằng hàm nhai nặng nề, nó tán tất cả thành bột hồ để nặn lên một thứ khác – một hình hài mới, một tên họ mới.
Bên dưới lớp sóng nước, bên dưới lớp bùn sâu đã trầm tích bao mùa biển chết. Sức nóng của những mùa hè đã cuốn một phần biển lên trời, để rồi quay trở lại dưới những cơn mưa. Biển cởi áo, khỏa thân, phô tấm thân trần tắm gội dưới làn mưa buổi đó. Biển lại đầy như chưa từng vơi.
Sao anh vẫn cứ nhớ hoài những buổi trưa im, lúc mà những đứa con của bà cụ đi đâu hết. Chỉ còn một mình bà lụi cụi quét dọn lá khô dưới bóng mát của những tán lá dừa. Ngoài kia là biển vắng. Nó đã có mặt ở đó tự hồi nào. Từ những đường cong thoải thoải của một bờ cát, nơi mà người ta đã dựng nơi đó một nghĩa địa nhỏ nhắn tựa một chiếc nôi. Chiều nào gió cũng về đưa lắc.
Cuối nghĩa địa là một bờ núi đá vôi, những tảng đá nhỏ, to nằm ngửa mặt ngó trời. Đã hàng triệu năm, chiều nào cũng vậy, gió về xô đẩy những cồn cát, mưa lũ đến bào mòn những vách núi, xô những quả núi xuống đáy biển sâu. Bàn tay đó chưa một lần mệt mỏi. Dấu vết của sự kiên nhẫn này là những bãi đá nằm ngổn ngang, chồng chất.
Nắng trời hết ngày này đến ngày khác nung núi thành cát vụn. Chúng chậm rãi đục, đẽo, gọt, bào mòn, chạm khắc, tô bồi, làm nên cái hình hài điêu trác mỹ lệ này. Và rồi cũng chính bằng sự kiên nhẫn đó, chúng liếm dần mọi thứ. Chúng ca hát những lời tàn hoại giữa những thành trì đổ nát. Chúng nói lời rêu cỏ trên những lối mòn được tạo dựng từ những phối ngẫu tình cờ.
Trời, đất, trăng, sao cũng được tạo dựng theo cách ấy. Chẳng có cái gì chết đi cũng chẳng có cái gì được sinh ra. Còn chúng tồn tại vì mục đích gì thì anh không rõ bởi niềm im lặng bao la quá.
Bà cụ sinh ra, lớn lên, gắn bó quanh quẩn bên bờ biển này cũng đã hơn bảy mươi năm. Cũng đã nhiều lần, lúc còn sống, bà im lặng ngồi nhìn biển. Khi bà cụ ra đi, cái nhìn im lặng ở lại. Sự im lặng vĩnh viễn ở lại sau khi những tiếng động đã ra đi.
Không có gì mất đi trong cái trò chơi tan hợp này. Bên kia nỗi hợp tan là niềm im lặng của biển – vốn là một nỗi im lặng ngàn đời. Chỉ có sóng – những đứa con của biển, những phù tướng là đua nhau nói lời lao xao không thật.
Tác giả gửi Văn Việt.