Tường trình từ Vân Nam: Đến với con đập Mạn Loan (kỳ 1)

Ngô Thế Vinh

 

 

 Everybody Lives Downstream

Mọi người đều sống dưới nguồn

(World Water Day 03-22-1999)

 

Ngo The Vinh bên đập MạnLoan

Ngô Thế Vinh bên đập Mạn Loan

 

 

 

 

 

 

 

Vào Trung Quốc đã trở thành dễ dàng trong những năm gần đây, và càng dễ dàng hơn nếu du lịch theo nhóm có hướng dẫn với lộ trình định sẵn. Nhập cảnh Trung Quốc với lý do cá nhân lại là một vấn đề khác. Cho dù là đổi mới, dẫu sao Trung Quốc vẫn còn là xứ sở của toàn trị và công an, rất kỵ với nhà báo, nhà văn hay bất cứ nghề nghiệp nào liên quan tới truyền thông và kể cả các tu sĩ truyền giáo.

Cho dù chủ đích là một chuyến du khảo / fieldtrip về khúc thượng nguồn con sông Mekong và các con đập Vân Nam nhưng chọn lựa dễ dàng nhất vẫn là lý do du lịch và nghề nghiệp thì chắc chắn không phải là nhà báo. Tôi cũng hiểu rằng nếu phải ghi lộ trình chi tiết thì cũng nên tránh nhắc tới địa danh rất “nhậy cảm” như Tây Tạng.

Đặt chân vào Trung Quốc, trở ngại trước mắt là hàng rào ngôn ngữ. Từ 4 tháng trước, qua giới thiệu của anh Trần Huy Bích với anh Trương Khánh Tạo ở Oklahoma, tôi đã được anh Tạo sốt sắng giới thiệu với anh Hoàng Cương người bạn thân thiết hoạt động cách mạng còn kẹt lại Côn Minh từ năm 1946. Hơn nửa thế kỷ sống ở Vân Nam, thông thạo tiếng Trung Hoa, anh Cương sẵn sàng giúp khi tôi qua vào tháng 9. Nhưng gần tới ngày đi thì được tin anh Cương vì lý do riêng phải về Việt Nam và sẽ không có mặt ở Vân Nam. Không dễ dàng để thay đổi lịch làm việc ở bệnh viện, tôi vẫn phải thực hiện chuyến đi theo dự định, với thái độ sẽ “phản ứng theo hoàn cảnh”. Cũng nghĩ rằng với các hàng rào ngôn ngữ ấy, tôi vẫn thực hiện các chuyến đi Lào và Cam Bốt như ý muốn.

Trước chuyến đi, thật là xúc cảm khi được tin anh Trương Khánh Tạo đã không còn nữa. Rất riêng tư, những dòng chữ viết về chuyến đi Vân Nam này xin được gửi tới anh Trương Khánh Tạo và gia đình Anh như một tỏ lòng tưởng nhớ.

CÔN MINH NGÀY NAY

Bằng chuyến bay của China Southern từ Los Angeles ghé Quảng Châu, vốn đã là một thành phố lớn và hiện đại trong số các tỉnh miền nam của Trung Quốc, từ đây phải đổi máy bay để tới Côn Minh, thủ phủ của Vân Nam.

Trung Quốc là một đất nước vĩ đại được hiểu theo nhiều ý nghĩa. Chỉ riêng tỉnh Vân Nam cũng đã lớn hơn Việt Nam, diện tích 394,000 km2 dân số chỉ có 35 triệu (so với Việt Nam 340,000 km2, dân số đông hơn gấp đôi).

Từ cửa máy bay nhìn xuống, Côn Minh mang vóc dáng của một thành phố lớn Âu Mỹ. Chẳng còn đâu cái hình ảnh Côn Minh như “một thị trấn Đông Phương hẻo lánh im ngủ” như ghi nhận của viên tướng không quân huyền thoại Claire Chennault của phi đoàn Flying Tigers từng trú đóng ở đây hồi Thế chiến thứ Hai.

Phải từng được sống ở một Côn Minh cũ, trở lại thăm mới thấy được sự đổi thay toàn diện và triệt để như thế nào:

 “Côn Minh nơi chúng tôi đã ở đó 50 năm về trước, ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, nhà cửa, phố xá hẹp cũ đã không còn nữa thay thế bằng những tòa lâu đài đồ sộ và đường xá rộng thênh thang, có đường riêng cho người đi bộ, đường riêng cho người đi xe đạp và nhiều cây cầu lớn bắc ngang qua đường, dưới cầu có đường hầm cho khách bộ hành qua đường và biến thành khu chợ to lớn dưới hầm.

Có thể nói thành phố Côn Minh 50 năm về trước đã bị san bằng để xây dựng một thành phố tân kỳ kiểu Âu Mỹ khiến ngày đầu tiên đến Côn Minh, khi chưa tìm được bạn cũ, tôi không tìm ra được những nơi trước đây tôi có nhiều liên hệ. Khí hậu Côn Minh ôn hòa, suốt năm không nóng không lạnh quá. Tôi nhớ lại hồi xưa anh Tam (Nhất Linh) đã nói với tôi rằng: nếu được về hưu, anh sẽ chọn Côn Minh thay vì Đà Lạt.”

Đó là cảm tưởng của anh Trương Khánh Tạo khi trở lại thăm Côn Minh. Sự thực thì sự đổi thay mau chóng ấy mới chỉ trong vòng một thập niên gần đây thôi, từ ngày có nguồn thủy điện dồi dào của con đập Manwan. Người tài xế đã nói với tôi như vậy.

Wu là người Vân Nam đầu tiên tôi tiếp xúc, 28 tuổi một thanh niên khỏe mạnh, là tài xế đón khách ở phi trường, nói tiếng Anh lưu loát và có vẻ hiểu biết, đưa tôi từ phi trường về Holiday Inn Côn Minh, một khách sạn mới 4 sao 242 buồng theo tiêu chuẩn Mỹ. Nơi mà tôi hy vọng không phải gặp ngay trở ngại ngôn ngữ và cũng từ đây có thể tìm ra một người tài xế của một Travel Agency biết chút ít tiếng Anh.

Ở cao độ 2,000 mét trên mặt biển, từ một Côn Minh cũ kỹ, bụi bặm và cả rác rưởi thì nay là một Côn Minh rất khác như anh đã thấy. Wu nói với chúng tôi. Trên đường về khách sạn, vào bên trong thành phố, nếu không còn nhiều xe đạp, thì đó là hình ảnh một thành phố hiện đại như ở Mỹ. Đường rộng và đẹp với những vồng hoa tươi đủ màu. Sự sạch sẽ trên các đường phố là điều đáng ngạc nhiên.

Wu hãnh diện giải thích. Chính người dân Côn Minh tự thấy rằng đây là thành phố của họ, nên họ yêu mến muốn giữ gìn và làm đẹp cho nó.

Đủ ăn đủ mặc cho 1.2 tỉ người có lẽ là một giai đoạn đã vượt qua. Đó là cảm tưởng tôi có được sau những ngày ở Vân Nam. Không thấy bóng dáng hành khất. Rải rác trên đường phố là hình ảnh các công nhân vệ sinh khỏe mạnh trong đồng phục bảo hộ lao động, họ vẫn dùng chổi quét và kẹp nhặt từng cọng rác. Những ngày sau này, cũng hình ảnh những công nhân quét đường ấy thấp thoáng trên những khúc xa lộ mới rất xa thành phố nhưng luôn luôn được giữ sạch tới láng nhãy.

Chỉ qua những trao đổi ngắn trên đường đi, tôi đã có quyết định rất nhanh là chọn Wu và chiếc xe Mitsubishi của anh ta cho những ngày ở Côn Minh. Ngay suốt nửa ngày còn lại hôm đó, Wu đưa chúng tôi đi thăm thủ phủ Côn Minh, thăm cả một vài góc phố hiếm hoi của một Côn Minh cũ với những căn nhà mái cong mang nhiều dấu vết rêu phong của thời gian. Không xóa hết, có lẽ đây là phần người ta còn muốn giữ lại như một tương phản giữa truyền thống và canh tân.

Tới thăm Đại Học Vân Nam, cảnh trí vẫn y như vậy, giống như mô tả trong hồi ký gia đình, “Nguyễn Tường Bách và Tôi” của Hứa Bảo Liên: “ Đây là một trường đại học lớn nhất của tỉnh này, chiếm cả một ngọn đồi lớn. Trên đồi toàn là những cây thông cây bách cao lớn, những con sóc nhảy từ cây nọ sang cây kia nhanh như cắt. Mỗi khi vào trường mọi người phải leo lên 99 bậc thang đá. Trong trường có nhiều kiến trúc đẹp và kiên cố toàn dùng những miếng gạch đỏ xây thành.”

Vẫn có đó những bước nhảy chân sóc nhanh như cắt ấy, vậy mà đã hơn nửa thế kỷ bão táp đã qua đi của một thời kỳ cách mạng Việt Nam với những tháng ngày bôn ba của những tên tuổi như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách.

Nhưng sự nguyên vẹn của đại học Vân Nam cũng chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa vì trước mắt, những tòa nhà cổ xưa từ mấy trăm năm cũng đang từng phần bị phá đi để thay thế bằng những công trình kiến trúc hiện đại.

Thời gian của chuyến đi Vân Nam thì hạn hẹp, với mục đích rõ ràng là đến với khúc thượng nguồn con sông Lan Thương (Lancang Jiang tên Trung Hoa của con sông Mekong), tôi tiếp tục tìm hiểu xem chính Wu hay các mối liên hệ của anh ta có giúp tôi được gì không trong thực hiện mục đích chuyến đi này.

Qua câu chuyện trao đổi, được biết thêm về Wu, người gốc Hán tốt nghiệp đại học 4 năm, là giáo viên dạy toán, một vợ một con nhưng lương ít. Với cơ hội của một Trung Quốc mở cửa, Wu bỏ nghề giáo chuyển sang nghề lái taxi, lại có vốn liếng tiếng Anh nên có thể đồng thời hướng dẫn khách du lịch. Lương nay đã tăng gấp 6 lần so với nghề nhà giáo, khoảng 600 đôla / tháng, có thể mua nhà trả góp thay vì thuê và sẽ hoàn toàn sở hữu căn nhà sau 20 năm.

Wu tự tin, bày tỏ mạnh dạn về các vấn đề chánh trị và xã hội của Trung Quốc. Chẳng hạn: Đài Loan dứt khoát là một tỉnh của Trung Quốc, không còn gì để phải tranh cãi. Mao Trạch Đông thì vẫn được kính trọng. Đặng Tiểu Bình được nhân dân Trung Quốc biết ơn vì mở ra một thời kỳ phát triển và thịnh vượng cho nước Trung Hoa. Thế còn chủ tịch Giang Trạch Dân? Cũng vậy thôi, ông ta quá mềm yếu / too soft nhất là với Mỹ khiến nhân dân Trung Quốc giận dữ. Như vụ để cho máy bay Mỹ đáp xuống đảo Hải Nam thay vì phải bắn rơi. Dẫu sao, bù lại Trung Quốc biết được thêm nhiều về kỹ thuật hàng không do thám của Mỹ.

Không quá ngây thơ để không nghĩ rằng những tài xế taxi hay hướng dẫn du lịch lại chẳng liên hệ gì tới công an, do đó tôi chỉ đưa ra những câu hỏi hồn nhiên chứ dứt khoát không để mở ra cuộc tranh luận.

Bữa ăn tối hôm đó Wu đưa chúng tôi tới một nhà hàng nổi tiếng về món “Bún Qua Cầu”, đơn giản chỉ là một tô nước dùng nóng sôi ngậy một lớp mỡ, khi ăn thì thả bún và những lát thịt thái mỏng vào, thêm một muỗng ớt đỏ, giống như món lẩu nhưng không có một bếp lò trước mặt. Đó là một bữa ăn nóng theo đủ cả ý nghĩa của chữ ấy. Các cô tiếp viên gốc Hán nhưng lại mặc theo trang phục rực rỡ của sắc tộc Di. Khách tới thăm Vân Nam không thể không nghe cái giai thoại thơ mộng và được giới thiệu đến với món ăn này.

Vào đời nhà Thanh, có chàng hàn sĩ quyết tâm đèn sách để chờ ngày về kinh đô dự thi. Chàng rời gia đình, dọn ra một hòn đảo nhỏ trên hồ để tập trung vào việc học. Hàng ngày, người vợ trẻ từ nhà phải vượt một cây cầu tre dài qua tận bên đảo đem bữa ăn đến cho chồng nhưng tới nơi thì thức ăn đã nguội lạnh. Tình cờ một hôm người vợ khám phá ra rằng nếu như có đổ một lớp mỡ dầy trên tô canh từ nhà thì vẫn giữ được thức ăn nóng cho tới khi gặp chồng. Tuy được giới thiệu là “ngon tuyệt” nhưng chúng tôi không thể nào theo kịp Wu để có thể dứt điểm một “tô xe lửa ngậy mỡ động vật” như vậy. Nhiều dầu mỡ và cay nóng là đặc tính của các món ăn Vân Nam.

Đêm hôm đó cũng là đêm đầu tiên ở Vân Nam, nhìn ra từ tầng lầu 9 của khách sạn Holiday Inn, trước mắt là cả một “Côn Minh rực sáng” dĩ nhiên với nguồn điện từ con đập Manwan, đập thủy điện đầu tiên trong chuỗi 14 con đập bậc thềm trên khúc thượng nguồn con sông Mekong. Côn Minh ngày nay như biểu tượng phát triển của Vân Nam, nhưng bằng cái giá nào phải trả cho cư dân nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long và các quốc gia hạ nguồn thì vẫn còn là một ẩn số.

RỪNG ĐÁ VẠN CỔ

126 km theo quốc lộ 320 hướng đông nam, hai bên đường mướt một màu xanh với những vườn cây trái, với cả những con lạch nhỏ và suối. Đủ loại trái cây tươi mới hái từ trong vườn ra, còn dính theo cả lá cành được bầy ra ven lộ bán cho du khách: những trái lê, đào, hồng giòn, măng cụt. Đất Vân Nam nổi tiếng về cây trái: đào Vân Nam có tiếng là thơm ngọt, tôi chưa bao giờ thấy được những trái lê bát lớn và đẹp đến như vậy với lớp vỏ xanh mượt mà. Đây sẽ là món quà thật quý từ Vân Nam nhưng trái cây lại là thứ quốc cấm không được phép đem vào Mỹ. Wu bảo đất ở cao nguyên Vân Nam tốt cho cây trái nhưng lại không tốt cho lúa nên muốn có gạo ngon thì phải nhập từ Thái Lan.

Đường xe lửa cũ từ Côn Minh xuống tới Hà Nội Hải Phòng làm từ thời Pháp (1904-1910) nay được thay thế bằng hệ thống đường rày mới. Song song với quốc lộ lúc nào cũng hai chiều tấp nập những xe vận tải lớn Dong Feng / Gió Đông chế tạo tại Trung Quốc. Từ thủ phủ Côn Minh về hướng đông đi Thượng Hải, người ta đang làm thêm một công trình cầu đường với xa lộ 8 lanes để đáp ứng nhu cầu giao thông và nổ bùng kinh tế của Côn Minh. Cách khoảng hai bên đường, là những trạm xăng của Petro-China rộng thênh thang có từ 20 tới 30 cây xăng mỗi trạm. Liệu có bao nhiêu thùng dầu ấy có gốc gác từ những túi dầu Biển Đông quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. China Telecom và China Mobile là hai công ty khổng lồ đang cạnh tranh cung ứng điện thoại di động được sử dụng tràn ngập bởi 1.2 tỉ người dân Trung Quốc.

Khu Rừng Đá, cùng tuổi với rặng Hy Mã lạp Sơn, và cả vùng cao nguyên Tây Tạng (cao nguyên Tây Tạng là nơi phát xuất các con sông lớn như mạch sống cho toàn vùng châu Á trong đó có con sông Mekong). Có cùng một lịch sử địa chất, khoảng 300 triệu năm trước do va chạm của hai khối tiền lục địa tạo nên các cơn địa chấn với sức ép khổng lồ dồn lên phía bắc tạo nên một địa hình mới nổi bật với sự hình thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và cả vùng cao nguyên Trung Á. Khu Rừng Đá rộng 80 mẫu tây như một kỳ quan của tỉnh Vân Nam. Nguyên là một vùng đáy biển bị dồn lên cao, nước biển rút ra để trơ lại một vùng núi nham thạch bị nước, gió và thời gian xói mòn tạo nên một địa hình kỳ lạ với vô số những chỏm đá cao và những rãnh cắt ngang. Rừng thay vì cây xanh nhưng lại là những cây đá chi chít với đủ hình dạng gợi trí tưởng tượng phong phú của người dân Vân Nam với những tên gọi thơ mộng: vũng gươm, voi con, nấm bất tử.

Vân Nam xứ sở của những giai thoại. Tới với Rừng Đá không thể không được nghe kể câu chuyện về một chàng trai tuấn tú tên Ahei vào trong khu Rừng Đá để tìm cách giải thoát cô gái trẻ đẹp Ashima đang bị giam cầm. Nhưng tên phù thủy độc ác đã tạo nên một con lũ cuốn Ashima băng ra khỏi hang đá, và từ đó Ashima vĩnh viễn xa Ahei nhưng linh hồn nàng thì vẫn trở về với Thạch Lâm như một âm thanh vang vọng. Một mình đi vào khu rừng đá là như lạc vào một mê lộ không dễ mà tìm ra lối về.

Vào mùa này, du khách đa số là người Hoa. Cuộc sống bắt đầu sung túc họ có nhu cầu du lịch, đi thăm một đất nước mênh mông với bao nhiêu là danh lam thắng cảnh, mà chưa cần phải khó khăn xin visa đi du lịch nước ngoài. Mỗi toán chừng 20 người đi theo một cô hướng dẫn tay cầm một cây cờ màu để nhận diện. Toán chúng tôi chỉ có 3 và Wu thì đã quá quen thuộc với từng đường đi nước bước trong khu rừng đá như với đường chỉ tay của chính mình.

Tràn ngập quanh khu Rừng Đá là các cô sinh viên gốc Hán má phấn môi son, bận trang phục đầy màu sắc của sắc tộc Di, sẵn sàng làm người mẫu đứng chụp hình với du khách hay làm người hướng dẫn.

Thương mại hóa cao độ các tụ điểm du lịch là một hiện tượng thấy được ở khắp nơi từ khu đền đài Angkor Siem Reap tới Rừng Đá Shilin Vân Nam. Màn trình diễn high-tech “âm thanh và ánh sáng” thật hoành tráng bên hồ sen bên ngoài khu rừng đá mỗi đêm kết hợp với kỹ thuật tia laser diễn lại truyền thuyết nàng Ashima được kể là một show rất ăn khách nhưng chúng tôi không có nhiều thời gian ở lại qua đêm chỉ để xem một màn show như thế.

Trên đường trở lại Côn Minh cùng ngày, tôi bảo đùa Wu là hướng dẫn đoàn du khách mà quên không mang theo một cây “hồng kỳ” và cũng hỏi Wu có biết hát bài “Đông Phương Hồng”. Không chờ được yêu cầu, Wu hát giọng rất mạnh và nồng nàn, gợi nhớ tới các đoàn “Hồng Vệ Binh” của thập niên 60, nhưng lúc đó thì Wu chưa được sinh ra.

Qua hai ngày tiếp xúc và thử thách, Wu chứng tỏ rất có khả năng và có thể tin cậy được. Tôi trở lại hỏi Wu về nguồn điện của thủ phủ Côn Minh, về con đập Manwan. Wu cũng chỉ được biết Manwan như một địa danh cách Côn Minh khoảng 500 km về hướng nam, giữa con đường đi xuống Cảnh Hồng. Đường núi có vài đoạn hư xấu chưa được sửa chữa nhưng vẫn có thể đi được nếu thời tiết không mưa bão.

Với chiếc Mitsubishi chỉ có 4 máy đã chạy hơn 100 ngàn miles, tôi hỏi Wu làm cách nào thuê được một chiếc xe giống như loại xe Jeep có thể leo núi thì hắn trả lời vẻ tự tin: chiếc xe tuy cũ nhưng lại tốt hơn cả các loại xe mới hiện nay và dư sức để chạy gấp 2 chặng đường tới Manwan chỉ cần đổ đủ xăng nhớt.

Chừng đó đủ cho tôi quyết định ngay sáng sớm ngày mai, chúng tôi sẽ khởi hành đi Manwan.

CON ĐẬP ĐẦU TIÊN, CON ĐẬP LỊCH SỬ

Manwan (tên Hán Việt: Mạn Loan) là con đập thủy điện lớn đầu tiên của tỉnh Vân Nam với công suất 1,500 Megawatt nằm ngay khúc giữa con sông Lan Thương. Cũng là con đập thủy điện lớn đầu tiên điều hành theo phương thức liên doanh /Joint Venture giữa trung ương và chánh quyền địa phương, với số vốn đầu tư lên tới hơn nửa tỉ mỹ kim (3,800 triệu nhân dân tệ yuan). Phải nói là con đập Manwan đã đóng một vai trò quyết định trong kế hoạch điện khí hóa, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa cả một vùng tây nam Trung Quốc từ kém phát triển đã mau chóng tiến kịp và sánh vai với các tỉnh trù phú miền đông và đông bắc.

Tuy đã có kế hoạch từ những năm 70, nhưng vì thiếu ngân sách nên mãi tới tháng 5 năm 1986, công trình đập Manwan mới chính thức được khởi công và việc đổi dòng / river diversion con sông Mekong được hoàn tất vào tháng 10 năm 1987. Con đập cao tới 99 mét chắn ngang khúc sông giữa hai ngọn núi với bức tường thành cao tới 35 tầng. Đơn vị phát điện đầu tiên bắt đầu sản xuất điện từ ngày 30 tháng 6 năm 1993 và chỉ hai năm sau đó, ngày 28 tháng 6 năm 1995, tất cả 5 đơn vị phát điện cùng hoạt động đúng theo như giai đoạn 1 của dự án.

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một sự kiện đáng ghi nhớ và gây nhiều tranh cãi là vào giữa năm 1993, xảy ra một hiện tượng được coi là bất thường: mực nước con sông Mekong phía hạ lưu đột ngột tụt thấp xuống mà không vào mùa khô, chỉ lúc đó người ta mới được biết là Trung Quốc đã xây xong con đập Manwan và đó là thời điểm bắt đầu lấy nước từ con sông Mekong vào hồ chứa và họ cũng chẳng thèm thông báo gì cho các quốc gia dưới nguồn. Chỉ riêng với con đập Manwan mà đã giữ tới 20% nguồn nước trên dòng chính khúc sông Mekong chảy qua Vân Nam.

Sau biến cố đó phải nói là càng ngày càng có mối lo âu về ảnh hưởng của chuỗi đập bậc thềm Vân Nam. Mối quan tâm đó càng ngày càng gia tăng do nguyên nhân thiếu hẳn nguồn thông tin cung cấp bởi Trung Quốc.

Thiết kế và xây dựng xong con đập Manwan đầu tiên được kể là “một hoàn tất có tính cách lịch sử”, đã khiến cho Phân bộ Điện lực Vân Nam thấy rõ tiềm năng thủy điện phong phú của con sông Mekong là rất phù hợp cho những nhà máy thủy điện khổng lồ khác có công suất lớn với mạng lưới dẫn cao thế / extra high voltage.

Tiến tới xây dựng thêm các đập thủy điện bậc thềm / Mekong Cascades trên sông Mekong là tạo sức bật cho các bước phát triển kinh tế và xã hội không chỉ riêng cho tỉnh Vân Nam mà còn hoàn tất một “chiến lược chuyển điện từ Vân Nam tới các tỉnh khác của Trung Quốc”.

Kể từ khi hoàn tất công trình Manwan, ban lãnh đạo nhà máy đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo cho tập thể công nhân đập Manwan, đó là “lao động cật lực, cố gắng hiệp đồng, kỷ luật nghiêm ngặt, chi ly nhưng thực tiễn tiến tới một xí nghiệp hàng đầu”.

Tuy bước khởi đầu có những khó khăn: do thiếu kinh nghiệm, trang thiết bị không đạt tiêu chuẩn nhưng rồi tất cả đã được vượt qua để Manwan “đạt thành công trên nhiều phương diện cả về kỹ thuật vật chất, văn hóa và ý thức hệ” [sic].

Tháng 12 năm 1996, nhà máy thủy điện Manwan được Đảng ủy và Chánh quyền Vân Nam phong danh hiệu “Đơn vị Tiên tiến cấp Tỉnh”, đồng thời cũng được Văn Phòng Phân bộ Điện lực Vân Nam chọn là đơn vị tiên tiến trong 5 năm liền. Tháng 4 năm 1998, Manwan lại được nhận danh hiệu từ Bộ Điện lực Trung Quốc là “một trong 400 đơn vị tiên tiến toàn quốc trong nỗ lực trồng cây gây rừng / afforestation”. Tháng 3 năm 1999, Manwan được Tổ hợp Năng lượng Nhà nước công nhận là “xí nghiệp sáng tạo hàng đầu / nhà máy thủy điện hàng đầu”, đây là một vinh dự hiếm hoi vì là nhà máy thủy điện lớn đã đạt mức hoạt động an toàn và liên tục trong nhiều năm với những trang thiết bị chế tạo trong nước.

Bước vào thế kỷ 21, trước những cơ hội và thử thách, nhà máy thủy điện Manwan sẽ phấn đấu để hiện đại hóa, tự động hóa / automation phát triển đạt tới tiêu chuẩn quốc tế của những nhà máy thủy điện hiện đại khác trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường năng lượng trong tương lai.

Ngày thứ ba ở Vân Nam đã thực sự là một ngày đáng ghi nhớ. Buổi sáng sớm khởi hành từ Côn Minh để đi khoảng 500 cây số đường bộ về hướng nam, đi về nơi hoang dã để tìm kiếm một địa danh mà chính người tài xế hướng dẫn cũng chưa hề đặt chân tới.

Ra khỏi Côn Minh đi một đoạn theo Con Đường Tốc Hành / Express Way về hướng tây. Đây là một xa lộ mới nối Côn Minh với cổ thành Đại Lý, do chánh quyền trung ương tặng nhân dân tỉnh Vân Nam nhân dịp Expo 99 (Kunming’s 1999 World Horticultural Exhibition). Đây là xa lộ rất tối tân có cả bảng hiệu giao thông tiếng Anh với con đường hầm xuyên núi dài ngót 4 cây số không thua bất cứ một xa lộ nào đẹp nhất của Mỹ. Từ Côn Minh tới Đại Lý, thay vì phải 12 giờ ngồi xe trên con lộ cũ, với con đường mới rút ngắn chỉ còn từ 4-5 tiếng. Là một con đường ngoạn cảnh / scenic route thật đẹp với núi đồi và thung lũng một màu xanh, qua các làng mạc với những căn nhà tường gạch đỏ mái xám cong, thỉnh thoảng lại vượt nhô lên nóc của một ngôi thánh đường Hồi giáo. Vân Nam rồi Tân Cương vẫn là những tỉnh có đông người gốc Hồi giáo người Hán gọi họ là Hui có gốc gác từ thế kỷ thứ 13 khi quân Mông Cổ xâm lăng Trung Quốc, với thường xuyên những cuộc nổi dậy, họ được coi là cội nguồn bất an của Trung Quốc. Theo Wu thì người Hui buôn bán giỏi lại được miễn các sắc thuế nên cuộc sống khá sung túc.

Đường tốt, xe chạy với tốc độ cao, buổi sáng hôm đó chưa quá nửa đoạn đường đã phải chứng kiến 3 tai nạn, một chết người của chiếc xe vận tải lớn Đông Phong với máu me trên mặt lộ và vô số mảnh kính vỡ. Tài xế của những xe tải nặng này thường rất trẻ, mới ngoài 20, chạy vượt nhau cứ như là xe đua cho dù cũng đã có các trạm cảnh sát giao thông chặn bắt cho giấy phạt và cả treo bằng lái.

Chạy khoảng hơn 150 km của chặng đường dài ngót 400 km trên Con Đường Tốc Hành thuộc xa lộ 320 về hướng Đại Lý, sau đó xe rẽ sang quốc lộ 214 đi về phương nam, hướng tới con đập Manwan. Bây giờ thì tôi biết được ý nghĩa của những con số chỉ danh cho những con lộ Vân Nam: số 3 của quốc lộ 320 chỉ hướng đông tây, số 2 của quốc lộ 214 chỉ những con đường hướng bắc nam. Cả những ký hiệu chữ trên các bảng số xe: chữ A là từ Côn Minh, L Đại Lý, K Cảnh Hồng, J Tư Mao.

Ngược chiều với chúng tôi bây giờ là chiếc xe hàng mang biển số K Cảnh Hồng vấy đầy những bụi đỏ chở đầy khách đi Đại Lý; nếu suôn sẻ cuộc hành trình của họ cũng phải qua một ngày với một đêm.

Trên đường về phương nam, mỗi khi tới một ngã ba, Wu phải dừng xe để hỏi đường. Dân địa phương có người không biết đến tên Manwan, có người biết thì cũng không rõ ở đâu. Wu nói thông thạo thổ âm địa phương, lại kiên nhẫn nên rồi cũng lần dò ra đường đi. Xe chạy qua những làng mạc, những thửa ruộng lúa chín vàng. Mỗi gia đình nay được sở hữu một khoảnh ruộng riêng, chẳng cần thi đua bình bầu nhưng ai cũng làm hết sức mình. Xây được nhà mới, có thêm được chiếc tủ lạnh hay TV hay không là do chính bàn tay tạo dựng của họ.

Trẻ con thì ăn mặc lành lặn cắp sách tới trường đi học, không có cảnh trẻ đi chân đất như ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trai hay gái thì tôi hiểu rằng đây là “những đứa con độc nhất” trong mỗi gia đình. Mà người Trung Quốc như từ bao giờ, vẫn thích đông con. Vợ chồng Wu cũng chỉ có một con gái. Tôi hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu vợ anh muốn có một đứa con thứ hai. Không thể nào có được, hoặc nếu muốn thì phải trả giá rất đắt cho lựa chọn ấy. Kiểm soát dân số để phát triển, cưỡng chế cả 1.2 tỉ người Trung Quốc “mỗi gia đình chỉ có một con” không phải là điều dễ làm nếu không phải là một nhà nước toàn trị. Vẫn còn thấy vài đứa trẻ được quàng khăn cổ đỏ, nhưng trên lưng thì lại mang backpack “Mickey mouse”, Wu giải thích đó là số học sinh xuất sắc. Hình như những gì đang diễn ra ở Việt Nam chỉ là một phó bản hạng hai rập khuôn Trung Quốc nhưng lại chậm hơn 20 năm.

 Và không thể không nhớ lại câu phát biểu của ông Lê Khả Phiêu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm nhiều người Việt phải chau mày: “Nếu Trung Quốc thành công trong đổi mới, chúng ta sẽ thành công. Nếu Trung Quốc thất bại, chúng ta sẽ thất bại.”[FEER, 06/ 22/ 2000].

Đến xế trưa, được kể là qua được một nửa chặng đường, một đoạn đường tương đối dễ đi. Bây giờ mới là lúc xe leo đèo, trước mặt chỉ còn là một con đường “độc đạo”, cứ hết lên triền cao lại xuống lũng sâu. Đường thưa xe nhưng là đường chạy hai chiều, hẹp và vòng vèo, giống như đoạn đường từ Vang Vieng đi Luang Prabang ở Lào.

 Đường thì hẹp nhưng xe nào cũng muốn thênh thang chạy giữa con lộ, như không hề biết có xe ở phía trước, nhưng khi đối đầu nhau rồi thì chỉ còn là gang tấc. Yếu bóng vía mà lại còn nhìn xuống lũng sâu thì chẳng còn bụng dạ nào để muốn đi tiếp cuộc hành trình chưa biết bao giờ sẽ tới ấy.

 Wu tay lái thật cứng mỗi khi phải đối đầu với những tình huống thật xít xao, hắn bảo an toàn trước đã, nói như cũng để trấn an khách. Tin cậy ở Wu nhưng tôi cũng hiểu rằng không thể có an toàn chỉ ở một phía. Không lẽ đã qua được những năm thử thách của chiến tranh trận mạc, nay lại để bị sa vực vì một trận Gió Đông, tôi muốn nói tới những chiếc xe tải nặng Dong Feng chạy rất vong mạng trên các ngả đường Vân Nam. Bầu trời vần vũ mây đen, có mưa lớn ở phía trước, xe phải chạy thật chậm lại khi qua những đoạn đường đá lở. Bây giờ thì mới thực sự thấy sót cho chiếc xe của Wu. Là xe chạy trong thành phố chứ không phải để leo núi, để phải cán lốp xe trên những tảng đá sắc hay sụp trên các ổ gà sâu đến đụng sàn. Chắc Wu cũng không hề tiên liệu phải chạy qua những chặng đường tồi tệ như thế. Wu khoe thành tích đã từng chạy qua những đoạn đường dài xấu hơn nhiều, đã từng đưa du khách người Pháp người Đức cũng bằng chiếc xe này chạy 10 ngày đêm từ Côn Minh tới thủ đô Lhasa Tây Tạng. Tuổi trẻ, tự tin, lạc quan – phải chăng đó là tương lai của Trung Quốc?

 Lại thêm bình xăng gần như trống trơn, kim đụng chữ E nhưng Wu thì vẫn tự tin bảo rằng còn dư xăng để chạy một chặng đường xa nữa. Ở cao độ 2,500 mét, chiếc xe nhỏ vẫn vòng vèo leo dốc. Đâu phải trên đường bằng, xe lên dốc sẽ tiêu thụ xăng nhiều hơn. Tôi bảo Wu như vậy. Không bướng bỉnh nhưng Wu vẫn tìm một lối giải thích lạc quan: nhưng khi xe đổ dốc sẽ tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Đó là chỉ là lý luận của một thầy giáo day Toán, mà toán thì chỉ có thuần lý chứ không phải là đời sống thực. Nhưng rồi Wu có lý, xe cũng bò tới được một trạm xăng nhỏ, phải trả một giá đắt hơn nhưng mọi người thì yên tâm với một bình xăng đầy.

Như Đi Về Nơi Hoang Dã chỉ thấy một màu xanh um của những khu rừng mưa / rainforest trên các triền núi và cũng hiểu vì sao ít có người dân Vân Nam biết tới con đập Manwan. Những cột điện thật lớn với hàng dây cáp cao thế giăng qua những sườn núi là dấu hiệu cho thấy chúng tôi đã tới gần con đập. Đồng hồ chỉ cây số cho biết cũng còn khoảng 40-50 km nữa. Vẫn còn những đoạn đường vỡ mà chiếc xe phải vất vả vượt qua.

Xe chạy qua một thác nước nhỏ rào rào đổ xuống từ triền núi cao, những hạt bụi nước trắng chỉ đủ làm ướt mặt con lộ. Từ đây, nhìn xuống thung lũng chạy giữa hai dãy núi là thấy cả một hồ chứa lớn của con đập Manwan phản chiếu ánh nắng lấp lánh. Còn quá xa để nhìn thấy chi tiết đâu là con đập.

 Qua một làng núi nhỏ, xe bắt đầu đổ dốc theo một con đường hẹp để đi vào một thung lũng. Wu lại phải dừng lại trước một khóm nhà để hỏi đường và được biết là đi đúng hướng. Ngăn cách bởi những bụi rậm, nhưng khi nghe tiếng nước rì rào chảy là biết tới gần dòng sông. Rồi con sông hiện ra, nhìn ngược dòng chảy tuy còn khá xa nhưng đã có thể thấy được bóng dáng của con đập.

Còn phải qua một cây cầu sang bên tả ngạn mới thực sự đi vào khu công trường của nhà máy thủy điện Manwan. Ngay nơi đầu cầu là một cột mốc lớn với 2 hàng chữ:

YUNXIAN – MANWANZHEN [Vân Huyện – Mạn Loan Trấn].

Hai bên đường là những căn nhà nhỏ, nhà ở xen lẫn vài tiệm tạp hóa và mấy quán ăn. Nơi cổng vào có trạm lính canh, trên bức tường thành là một bảng hiệu uy nghi với hai hàng chữ Hán và Anh sáng chói “YUNNAN MANWAN POWER GENERATING Co. Ltd”. Nơi mặt tiền là những tòa nhà công sở nhiều tầng lớn khang trang; sâu hơn vào phía trong là câu lạc bộ công nhân, khu cư xá nhân viên gồm những tòa nhà 3-4 từng trên lưng đồi. Có cả một nhà nghỉ điều hành như khách sạn dành cho cho khách vãng lai. Sự tháo vát của Wu khiến chúng tôi không có vẻ ngỡ ngàng của những khách lạ. Wu không gặp khó khăn gì để thuê 2 phòng trong khách sạn, phòng trên lầu 4, qua cửa sổ phía sau có thể nhìn xuống một khúc sông Mekong.

Không biết sẽ được lưu lại nơi đây bao lâu, tuy còn rêm mình sau một chặng đường dài nhưng tôi vẫn bảo Wu lái xe đưa chúng tôi đi một vòng. Trong ráng chiều, ánh sáng không phải là lý tưởng cho những bức hình đẹp nhưng với tôi thì đây là cơ hội hiếm hoi và duy nhất để thu hình con đập – một nơi mà trước khi đi, tôi không nghĩ là có thể đặt chân tới. Xe chạy dọc theo bờ sông bên hữu ngạn, khoảng 4-5 giờ chiều có lẽ vào giờ nghỉ nên khá vắng, cơ hội là khoảng trống ấy, nên tôi đã chụp hình rất nhanh và tối đa với cả 2 cuộn phim các landmarks của khu đập Manwan.

Bên một bờ sông cao, phía dưới là dòng sông nước chảy, tôi cố gắng tới gần nhất chân con đập. Người bạn đồng hành luôn luôn là “cái thắng an toàn” không muốn tôi dừng lâu hơn nữa ở một nơi chắc chắn “không phải là tụ điểm du lịch” để mà xông xáo chụp nhiều hình như vậy.

Tôi hiểu rất rõ một điều là cho dù với Trung Quốc đã mở cửa nhưng bản chất vẫn là “một nhà nước toàn trị”. Vẫn có những hạn chế về thông tin và truyền thông trong đó vấn đề thu thập các hình ảnh, nhưng mức độ nghiêm ngặt tới đâu thì cũng rất biến thiên tùy theo thời gian, địa điểm và nhân sự, phải kể cả sự may mắn của mỗi nhà báo. Chính thức không được chụp hình là các căn cứ quân sự rồi tới các hải cảng, phi trường, nhà ga và cả những cây cầu trọng điểm. Với con đập thủy điện như Manwan thắp sáng cả Vân Nam, được quân đội bảo vệ, hiển nhiên phải được coi như một căn cứ quân sự chiến lược.

Biết là như vậy nhưng chính những con đập thủy điện, những cây cầu trên khúc sông Mekong nơi thượng nguồn với tôi lại là mục tiêu chính của chuyến đi Vân Nam lần này. Nên ngoài hành lý rất gọn nhẹ, hành trang chính là hai chiếc máy hình với rất nhiều phim vận tốc cao. Cũng phải kể thêm cả sự lạc quan nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho những tình huống tệ hại nhất: có thể sẽ ra về với tay không và cả những hệ lụy có thể xảy ra với những gán ghép thì sẽ rất hàm hồ. Với hai cuộn phim, tôi nghĩ là đã tạm đủ cho những giờ đầu tiên đến với con đập Manwan ấy.

Hoàng hôn trên sông Mekong. Trở lại khách sạn, được chỉ đường tới Câu Lạc Bộ Công Nhân, nơi chúng tôi có thể dùng bữa ăn chiều. Khu nhà ăn tập thể sạch sẽ khang trang. Vào giờ ăn, công nhân hay kỹ sư, tất cả đều rất trẻ và ngồi chung bàn; sự khác nhau về nghề nghiệp có thể nhận ra được trên nét mặt của họ. Thêm một người bước vào phòng ăn, tay cầm một chiếc tô bằng sắt tráng men trắng, khuôn mặt trẻ ánh mắt thông minh với cặp kính cận.

Như một flashback, chiếc tô bằng sắt tráng men đi lãnh cơm bỗng chốc gợi lại cho tôi cảm xúc của những ngày tù cải tạo ở quê nhà, cũng ba năm chứ ít sao. Tôi bảo Wu nên ra ngoài kiếm một quán ăn nhỏ nào đó dưới phố.

Đó là một quán không bảng hiệu, chỉ vỏn vẹn có mấy chiếc bàn và ghế gỗ nhưng phía sau nhà là nhìn sâu xuống một bãi cát và nước con sông Mekong. Con sông vẫn rì rào chảy, nhưng không còn cuộn sóng và như kiệt sức sau khi bị giam hãm trong hồ chứa và rồi chảy qua những turbines khổng lồ 675 tấn của con đập Manwan.

Phía bên kia bờ sông là núi cao với rừng xanh còn phủ kín. Mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Lại một hoàng hôn khác trên sông Mekong. Hôm nay, cũng là lần đầu tiên chúng tôi được ăn những món thổ sản của cao nguyên Vân Nam: món nấm sào, măng tre nướng, bọng ong chiên và dĩ nhiên không thiếu món cá tươi mới câu từ dưới con sông Mekong.

09 / 2002

Trích Mekong dòng sông nghẽn mạch, Nxb Giấy vụn 2012

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.