Tác giả: Lê Oa Đằng
被扭曲的南海史: 二十世紀前的南中國海
黎蝸藤
南圖書出版股份有限公司
(Ngũ Nam đồ thư xuất bản cổ phần hữu hạn công ty)
Năm xuất bản: 2016; ISBN, 9571184578, 9789571184579
MỤC LỤC
LỊCH SỬ BỊ BÓP MÉO CỦA BIỂN ĐÔNG TRƯỚC THẾ KỈ 20
TÊN VIẾT TẮT TÁC PHẨM THƯỜNG ĐƯỢC TRÍCH DẪN
Tóm tắt
Lời nói đầu
Chương I
Địa lí cơ bản của biển Đông và các nước ven biển
1.1 Sự hình thành biển Đông và các đảo trên biển Đông
1.2 Đặt tên các đảo ở Biển Đông
1.3 Quần đảo Pratas (Đông Sa)
1.4 Bãi ngầm Macclesfield (Quần đảo Trung Sa)
1.5 Đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough)
1.6 Quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa, Paracel Islands)
1.7 Quần đảo Nam Sa (Trường Sa, Spratly Islands)
1.8 Tranh chấp và tình trạng chiếm đóng của các đảo ở biển Đông
Chương II
BIỂN ĐÔNG THỜI VIỄN CỔ (TRƯỚC THẾ KỈ 10)
2.1 Bối cảnh lịch sử
1. Cư dân bản địa quanh biển Đông
2. Sự phát triển của Bách Việt
3. Việt Nam sơ khai
4. Trung Quốc đến biển Đông như thế nào
5. Thành lập nước Nam Việt
6. Trung Quốc thôn tính Nam Việt và thời kì Bắc thuộc lần 1 và lần 2
7. Nguồn gốc Chiêm Thành (Champa)
8. Nước Vạn Xuân, thời kì Bắc thuộc lần 3 và nền độc lập của Việt Nam
9. Nước Phù Nam
2.2 Ai đã khai phát và kiểm soát giao thông ở biển Đông
1. Chuyến đi biển ra nước ngoài đầu tiên
2. Chuyến đi của Chu Ứng và Khang Thái
3. Pháp Hiển và chuyến hành hương đi Ấn Độ
4. Đi sứ thường xuyên
5. Giao thông trên biển Đông và Độc quyền của người Ả Rập thời nhà Đường
2.3 Người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo ở biển Đông?
1. Biển bao lớn?
2. Sản vật có thể được sử dụng làm bằng chứng về chủ quyền?
3. Có đảo nào ở biển Đông trong sách vở thời tiền Tống không?
2.4 Quá trình phát triển biển Đông của người Việt Nam
1. Phạm vi hoạt động của “người Trung Quốc” ở Trướng Hải là gì?
2. Việt Nam độc lập, phân chia chủ quyền biển Đông như thế nào?
2.5 Từ xa xưa biển Đông vốn không thuộc về Trung Quốc
Chương 3 Biển Đông thời cận cổ (I) — Trung Quốc
3.1 Trung Quốc và Việt Nam sau thế kỉ 10
1. Nhà Tống và Đại Việt, Chiêm Thành
2. Người tộc Việt ở lại Trung Quốc
3. Vị trí lịch sử của Trung Quốc, Việt Nam và nhà Nguyên trong thời kì Mông Cổ chiếm đóng
4. Nhà Minh và thời kì Trung Quốc đô hộ lần 4
5. Việt Nam thôn tính Chiêm Thành và thâu tóm đàng Trong
6. Nhà Thanh thay thế nhà Minh
3.2 Giao thông ở biển Đông cổ đại sau thời Tống
1. Sự phát triển của nhà Tống và nhà Nguyên
2. Bước ngoặt thời nhà Minh
3. Sự suy tàn của nhà Thanh
3.3 Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
1. Có phải người Ả Rập đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa?
2. Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa
3. Ai là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Trường Sa
3.4 Mô tả về các đảo ở biển Đông trong các sách địa lí của Trung Quốc
1. Lĩnh ngoại đại đáp (1178) của Chu Khứ Phi thời Tống
2. Chư phiên chí (1225) của Triệu Nhữ Quát triều Tống và các tài liệu cùng thời khác
3. Đảo di chí lược (1349) của Uông Đại Uyên thời Nguyên
4. Sách hướng dẫn đi biển Thuận phong tương tống thời Minh
5. Hải ngữ (1536) của Hoàng Trung thời Minh
6. Tứ di quảng kí của Thận Mậu Thưởng thời Minh và Thù vực chu tư lục (1574) của Nghiêm Tòng Giản ghi chép về chuyến đi sứ của Ngô Huệ
7. Hải tra dư lục (1540) của Cổ Giới của triều đại nhà Minh
8. Đồ thư biên (1562-1577) của Chương Hoàng đời nhà Minh
9. Đông Tây dương khảo (1617) của Trương Tiếp thời Minh
10. Sách hướng dẫn đi biển Chỉ nam chánh pháp thời Thanh
11. Hải quốc văn kiến lục (1730) của Trần Luân Quýnh
12. Hải Lục (1820) của Tạ Thanh Cao thời Thanh
13. Nhất ban lục (1822) của Trịnh Quang Tổ thời Thanh
3.5 Biển Thất Châu ở đâu?
1. Các ghi chép đầu tiên
2. Thuận phong tương tống
3. Đông Tây dương khảo
4. Hải ngữ
5. Tứ di quảng kí
6. Chỉ nam chánh pháp
7. Thất Châu trong địa phương chí
8. Hải quốc văn kiến lục
9. Biển Thất Châu theo nghĩa rộng
10. Thất Châu Dương trở thành quần đảo Tây Sa như thế nào
11. Vì sao Hàn Chấn Hoa sai
12. Đến biển Thất Châu không có nghĩa là đến Hoàng Sa
3.6 Biển Đông trong tài liệu bản đồ Trung Quốc
1. Thời Tống và Nguyên
2. Thời Minh
3. Nhà Thanh
3.7 Các đảo ở biển Đông có được sáp nhập vào khu vực hành chính của Trung Quốc hay không
3.8 Biển Đông trong ‘đo đạc bốn biển’ thời Nguyên
1. Lịch sử nghiên cứu địa điểm đo Nam Hải của Quách Thủ Kính
2. Địa điểm đo ở đâu?
3. Đo đạc bốn biển có giúp ích gì trong việc xác định chủ quyền?
3.9 Tuần tra cứu hộ
1. “Tuần hải kí lục” thời nhà Tống
2. “Hồ sơ tuần tra biển” thời nhà Minh
3. Ghi chép về tuần tra biển thời nhà Thanh
4. Ghi chép cứu hộ thời nhà
3.10 Chinh phạt và đi sứ
1. Cuộc chinh phạt Giao Chỉ của nhà Tống (980)
2. Cuộc chinh phạt Trảo Oa của Mông Cổ (1292)
3. Những chuyến đi Tây Dương của Trịnh Hoà vào đầu thời Minh
3.11 Hoạt động dân sự ở biển Đông
1. Người bị đắm thuyền
2. Ngư dân đến đảo hoạt động trong thời gian ngắn
3. Công việc mò vớt hàng hoá tàu thuyền bị đắm
3.12 “Ao nhà Trung Quốc” phóng đại
TÊN VIẾT TẮT TÁC PHẨM THƯỜNG ĐƯỢC TRÍCH DẪN
1. Sách chuyên khảo Trung Quốc
Chuyên đề Bộ Ngoại Giao (外交部專題) : Chuyên đề Nam Hải của Bộ Ngoại giao Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, http://www.mfa.gov.cn/mfa_chn/ziliao_611306/zt_611380/ywzt_611452/wzzt611670/2305_611918/
Nghiên cứu cương vực (疆域研究): Lí Kim Minh, Nghiên cứu cương vực Nam Hải của Trung Quốc (中國南海疆域研究), nxb Nhân Dân Phúc Kiến, 1999。
Nam Hải tranh đoan (南海爭端): Lí Kim Minh, Tranh chấp Nam Hải và luật biển quốc tế (南海爭端與國際海洋法) nxb Hải Dương, 2003。
Nam Hải ba đào (南海波濤): Lí Kim Minh, Sóng lớn Nam Hải – các nước Đông Nam Á và vấn đề Nam Hải (南海波濤—東南亞國家與南海問題), nxb Giang Tây, 2005。
Sử địa luận chứng (史地論證): Hàn Chấn Hoa, Luận chứng lịch sử và địa lí của các đảo ở Nam Hải (海諸島史地論證),Trung tâm Nghiên cứu Châu Á, Đại học Hồng Kông, 2003.
Sử liệu vị biên (史料彙編): Hàn Chấn Hoa chủ biên, Ngã quốc nam hải chư đảo sử liệu vị biên (我國南海諸島史料彙編), nxb Đông Phương,1988。
Sử địa khảo chứng luận tập (史地考證論集): Hàn Chấn Hoa chủ biên, Nam hải chư đảo sử địa khảo chứng luận tập (南海諸島史地考證論集), Trung Quốc thư cục, 1981.
Địa lí lịch sử chủ quyền (地理歷史主權): Lữ Nhất Nhiên chủ biên, Nam Hải chư đảo địa lí lịch sử chủ quyền (南海諸島地理歷史主權) nxb Hắc Long Giang, 1988。
Hải cương lịch sử dữ hiện trạng (海疆歷史與現狀): Lữ Nhất Nhiên chủ biên, Trung Quốc hải cương lịch sử dữ hiện trạng nghiên cứu (中國海疆歷史與現狀研究), nxb Hắc Long Giang, 1995.
Địa danh tư liệu vị biên (地名資料彙編): Ủy ban Địa danh tỉnh Quảng Đông biên soạn, Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu vị biên (南海諸島地名資料彙編), Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Quảng Đông, 1987.
Lịch sử và hiện trạng (歷史與現狀): Lí Quốc Cường , Nghiên cứu biển Nam Trung Quốc : Lịch sử và hiện trạng (南中國海研究:歷史與現狀), nxb Giáo dục Hắc Long Giang, 2003.
Nam hải cuối thời Thanh (晚清南海): Quách Quyên, Vãn thanh thời kì Trung Quốc Nam Hải cương vực nghiên cứu (晚清時期中國南海疆域研究), nxb Giáo dục Hắc Long Giang, 2010。
Thành án vị biên (成案彙編): Trần Thiên Tứ, Tây sa đảo, Đông Sa đảo thành án vị biên (西沙島東沙島成案彙編), nxb Thương vụ, 1928。
Pháp luật địa vị (法律地位): Phó Côn Thành, Nghiên cứu về tình trạng pháp lí của Nam Hải (南海法律地位之研究), nxb Thông Tin,1995。
Đảo Điếu Ngư thuộc về ai (釣魚臺是誰的): Lê Oa Đằng, Điếu Ngư thuộc về ai- Lịch sử và pháp lí Điếu Ngư Đài (黎蝸藤《釣魚臺是誰的—釣魚臺的歷史與法理),nxb Ngx Nam Đài Loan, 2014。
2. Sử liệu Trung Quốc
Tứ khố toàn thư (四庫全書): Tứ khố toàn thư Văn Uyên Các cảnh ấn, công ti TNHH Thương Vụ Đài Loan 景印文淵閣四庫全書,台灣商務印書館股份有限公司。
Tục tu tứ khố toàn thư (續修四庫全書): Tục tu tứ khố toàn thư, nxb Cổ tịch Thượng Hải
Nhị thập tứ sử (二十四史): Trung Hoa thư cục, bản in 1959.
Thanh thực lục (清實錄): bản chụp của Trung Hoa thư cục, bản 1986.
Tập bản đồ cổ (古地圖集): Tào Uyển Như, Tập bản đồ Trung Quốc cổ đại (中國古代地圖集)(3 quyển), Bắc Kinh, nxb Văn Vật, 1990。
Ngoại giao bộ đương án vị biên (外交部檔案彙編): Ủy ban Nghiên cứu và Thiết kế Bộ Ngoại giao biên soạn, Ngoại giao bộ nam hải chư đảo đương án vị biên (外交部南海諸島檔案彙 編), ngày 31/5/1984.
3. Chuyên khảo phương Tây
DSISCS: Dieter Heinzig, Disputed Islands in the South China Sea, Otto Harrassowitz, Wiesbaden, 1976
CFSCS: Marwyn S. Samuel, Contest for the South China Sea, Methuen & Co. 1982
SDISCS: Robert Catley & Makmur Keliat, Spratlys: The Dispute in the South China Sea, Ashgate Publishing, 1997
SOPSI: Monique Chemilier-Gendreau, Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands, Kluwer Law International, 2000
SFPIA: Bill Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia, Yale University Press, 2014
4. Sử liệu phương Tây
The India Directory: James Horsburgh, The India Directory, Or, Directions for Sailing to and from the East Indies, China, New Holland, Cape of Good Hope, Brazil, and the Inter- jacent Ports: Comp. Chiefly from Original Journals at the East India House, and from Observations and Remarks, Made During Twenty-one Years Experience Navigating in Those Seas, published by London: W.H. Allen and Co.,引用中說明哪個版本。
The China Sea Directory: The China Sea Directory, published by Hydrographic Office, Admiralty,引用中說明哪個版本。
The China Sea Pilot: The China Sea Pilot, the coast of China from Pedro Blanco to the Amunyoku Kan (Yalu River), and the west coast of Korea, published by Hydrographic Office, Admiralty, 1st Edition, 1912.
PMC: Armando Cortesão et. al., Portugalia e Monumenta Cartographica, Imprensa Nacional Casa da Moeda, Lisboa 1960.
AMC: Atlas of Mutual Heritage (http://www.atlasofmutual- heritage.nl)
DRH: David Rumsey Heritage (www.davidrumsey.com)
5. Chuyên khảo của Việt Nam
Đặc khảo (特考): Nguyễn Nhã và cộng sự, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa (黃沙和長沙特考), Đái Khả Lai dịch, nxb Thương Vụ, 1978.
Dossier: The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes (Paracels and Spratly), Dossier, Published by Vietnam Courier, I (1981), II (1985)
Việt Nam vị biên (越南彙編): Tư liệu Việt Nam về quần đảo Tây Sa (童力編譯《越南關於西南沙群島問題文件資料彙編), Đái Khả Lai và Đồng Lực dich, 1991.
SVD: The Sino-Vietnamese Difference on the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes, by Lưu Văn Lợi, The Gioi publishers, Hanoi, 1996
Hỏi đáp về Hoàng Sa Trường Sa (黃沙長沙問答): BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – HOÀNG SA TRƯỜNG SA: HỎI VÀ ĐÁP, Trần Nam Tiến, nxb Trẻ, 2011
Lịch sử và lí do (歷史與理): BIỂN ĐẢO VIỆT NAM – BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ: HOÀNG SA TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM (歷史與理由,黃沙長沙屬越 南), nhiều tác giả, nxb Trẻ, 2011
HSTSA: The Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes part of Vietnam’s Territory, From the Standpoint of International Law, Nguyen Q. Thang, translated by Ngoc Bach, Ho Chi Minh City General Publishing House, 2013
EOVS: Evidence of Vietnam’s Sovereignty on the Bien Dong Sea, Edited by Dr. Tran Cong Truc, translated by Pham Xuan Huy, Information and Communications Publishing House, Ha Noi, 2014
6. Sử liệu Việt Nam
Đại Nam nhất thống chí (大南一統志): bản của văn khố Đông Dương, Tonkin,1941.
Đại Nam thực lục (大南寔錄): viện nghiên cứu ngữ học, Khánh Ứng nghĩa điếm, Tonkin,1961.
Tuyển tập châu bản (硃本選集): Tuyển tập châu bản liên quan tới việc thực thi chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa (關於越南對黃沙群島和長沙群島行駛主權的硃 本選集), Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Collection of official documents of the Nguyen dynasty on the exercise of sovereignty of Vietnam in over Hoang Sa (Paracels) and Truong Sa (Spratlys) Archipelagoes = Collection des documents officiels de la dynastie des Nguyen prouvant la souveraineté du Vietnam sur les archipels de Hoang Sa (Paracels) et de Truong Sa (Spratleys), Edited by Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới quốc gia, published by Hà Nội Nhà xuất bản Tri Thức, 2013.
7. Chuyên khảo của Nhật
Lịch sử phân tranh quốc tế (國際紛爭史): Kiyo Urano, Nam Hải chư đảo quốc tế phân tranh sử, nghiên cứu, tư liệu, niên biểu (南海諸島國際紛爭史,研究・資料・年 表), Tokyo, Tosui Shobo, 1997.
8. Sử liệu Ả Rập
Đông phương văn hiến tập chú (東方文獻輯注): [t. Pháp] A lạp bá Ba tư Đột quyết nhân đông phương văn hiến tập chú (阿拉伯波斯 突厥人東方文獻輯注), do Phi Lang chú thích, Cảnh Thăng và Mục Căn Lai dich, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1989
9. Chuyên khảo về lịch sử giao thông
Vương Canh Vũ (王賡武): Wang Gungwu, The Nanhai Trade: Early Chinese Trade in the South China Sea, Time Academic Press, Singapore, 1998.
HESA: Kenneth R. Hall, A History of Early Southeast Asia: Maritime Trade and Social Development, 100-1500, Rowman & Littlefield Publishers, 2011.
Mạng Nam Minh (南溟網): Trần Giai Vinh, Tạ Phương Giải thích địa danh ở Nam Hải cổ đại (古代南海地名匯釋),Trung Hoa thư cục, 1984. Phiên bản kĩ thuật số xem : http://www.world10k.com/ blog/?p=1916.
TÓM TẮT
Qua việc xem xét kĩ lưỡng khối lượng lớn bằng chứng lịch sử được ghi lại bằng các ngôn ngữ khác nhau, cuốn sách này dựng lại lịch sử “bị bóp méo” của các nhóm đá, rạn san hô và đảo nhỏ đang tranh chấp, và các vùng nước xung quanh chúng ở biển Đông (SCS) trước năm 1900. Nó làm rõ nhiều lập luận vướng mắc, ngộ nhận, thậm chí lệch lạc xung quanh vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và các nước, rút ra các kết luận sau đây:
1) Biển Đông là vùng biển mở từ thời cổ đại, trái ngược với tuyên bố của Trung Quốc, các tuyến đường thương mại trên biển Đông không phải do Trung Quốc phát hiện hoặc thống trị.
Ngay cả trong thời hoàng kim của nó, tức là vào đầu triều đại nhà Minh, biển Đông không phải là một cái “ao nhà của Trung Quốc”.
2) Không có bằng chứng nào cho thấy người Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Người Chăm, ngày nay ở miền nam Việt Nam, rất có thể là những người đầu tiên phát hiện ra những quần đảo này.
3) Các bản đồ và các ghi chép xưa cho thấy không đủ bằng chứng để hậu thuẫn cho bất kì yêu sách chủ quyền nào. Dù một vài tài liệu có thể chỉ ra rằng Trung Quốc thể hiện việc quản lí thực tế quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung quốc thực hiện quyền quản lí quần đảo Trường Sa. Trung Quốc dã KHÔNG đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với các đảo này trước năm 1900. Vào cuối triều đại nhà Thanh, giới hạn lãnh thổ trên bộ và trên biển của Trung Quốc là tại Nhai Châu, điểm cực nam của đảo Hải Nam.
4) Tuy nhiên, vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa có thể đã từng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc từ đầu thế kỉ 16. Và các hoạt động đánh bắt cá của họ đã mở rộng ra tới quần đảo Trường Sa sau giữa thế kỉ 19. Họ có thể là những người duy nhất tham gia liên tục và tích cực vào các hoạt động đánh cá gần các đảo đó trước thế kỉ 20.
5) Việt Nam từng bước xác lập chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ cuối thế kỉ 17, đầu thế kỉ 18. Đến đầu thế kỉ 19, dưới thời Gia Long và Minh Mạng, Việt Nam đã giành được quyền sở hữu một cách chính thức và vững chắc. Quyền sở hữu này đã được các nước phương Tây công nhận rộng rãi, tuy nhiên sau khi Pháp xâm lược, Việt Nam đã mất quyền kiểm soát quần đảo này.
6) Không có quốc gia nào thể hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trước năm 1900. Brunei và Sulu có mối liên hệ lịch sử với quần đảo này vào thời hoàng kim của họ vào thế kỉ 16-18. Tuy nhiên, họ đã mất những mối liên hệ này sau khi bị suy tàn vào thế kỉ 19.
7) Người Philippines có thể là những người đầu tiên phát hiện ra bãi cạn Scarborough. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha đã thực thi pháp luật đối với nó trong thế kỉ 18-19. Tuy nhiên, chủ quyền đã bị mất khi Tây Ban Nha nhượng Philippines cho Hoa Kì vào năm 1898.
8) Mặc dù các nước phương Tây đã thống trị biển Đông vào nửa sau thế kỉ 19, nhưng họ không có ý định sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, để chúng trở thành đất vô chủ (Terra nullius) trên thực tế.
9) Tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) năm 1907-1909 đã châm ngòi cho “kỉ nguyên tranh chấp” kéo dài hàng trăm năm của biển Đông.
LỜI NÓI ĐẦU
Tranh chấp biển Đông bị hiểu sai
Theo truyền thống, Trung Quốc là một quốc gia lục địa, nhưng Trung Quốc cũng có đường bờ biển dài 12.000 km. Trung Quốc giáp 4 biển, từ bắc xuống nam là biển Bột Hải, biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và biển Đông. Ngoài việc coi vùng biển đầu là nội hải của mình, Trung Quốc còn có tranh chấp lãnh thổ hoặc biển với các nước láng giềng biển ở 3 vùng biển còn lại.
Ở Hoàng Hải, Trung Quốc và Hàn Quốc có tranh chấp về Đá Suyan (Tô Nham). Đá Suyan bản thân nó chỉ là một rạn san hô, và không có nhiều điều để thảo luận về lịch sử. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đều thể hiện rằng họ không có tranh chấp lãnh thổ. Tất nhiên, cách hiểu của hai bên là khác nhau. Hàn Quốc tin rằng điều đó cho thấy rằng đá Suyan thuộc về Hàn Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, điều đó lại cho thấy đá Suyan không thể được định nghĩa là một “lãnh thổ”, do đó, mặc dù hai bên tranh chấp chủ quyền, nhưng tranh chấp này không thể được hiểu là “tranh chấp lãnh thổ”. Dù cho như thế nào, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hàn Quốc không căng thẳng trong thời điểm hiện tại.
Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp về Điếu Ngư Đài / Senkaku. Nhóm đảo này trở thành nơi tranh chấp lãnh thổ vì Trung Quốc tuyên bố Điếu Ngư Đài là lãnh thổ của mình khi Hoa Kì chuẩn bị trao trả Ryukyu cho Nhật Bản vào năm 1970. Trong 25 năm trước đó, Điếu Ngư Đài / Senkaku đã được chính phủ Ryukyu thuộc Mĩ kiểm soát, và trong 50 năm tiếp theo, nó đã được Nhật Bản cai quản.
Vấn đề Điếu Ngư Đài / Senkaku rất phức tạp. Bản thân Điếu Ngư Đài / Senkaku chỉ gồm một vài đảo nhỏ không có người ở và ít có ý nghĩa kinh tế, và giá trị kinh tế của quần đảo này có lẽ đã được người Nhật phát triển trong nửa đầu thế kỉ 20. Nhưng một số yếu tố khiến Điếu Ngư Đài / Senkaku gây nhiều tranh cãi hơn là giá trị của nó. Thứ nhất, vào cuối những năm 1960, có báo cáo về trữ lượng dầu dồi dào ở vùng biển gần Điếu Ngư Đài / Senkaku. Mặc dù điểm này chưa được khẳng định, nhưng việc đáy biển Hoa Đông có dầu đã được công nhận. Thứ hai, Điếu Ngư Đài / Senkaku nằm ở phía tây của rãnh Okinawa (đừng nhầm với rãnh Ryukyu). Trung Quốc đề xuất rãnh Okinawa là đường phân định giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Hoa Đông, trong khi Nhật Bản đề xuất trung tuyến giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu Điếu Ngư Đài / Senkaku thuộc sở hữu của Nhật Bản, đề xuất trung tuyến sẽ mạnh mẽ hơn. Cuối cùng, giữa Trung Quốc và Nhật Bản còn có một lịch sử chiến tranh lâu dài. Trung Quốc đã bị Nhật Bản đánh bại trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất và bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai, với hàng triệu người thiệt mạng. Mặc dù cuối cùng Nhật Bản đã bị đánh bại, nhưng phần lớn lãnh thổ của Trung Quốc không thể lấy lại được vào thời điểm Nhật Bản đầu hàng. Theo nghĩa này, Trung Quốc đã không đánh bại Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Trung Quốc luôn cho rằng Nhật Bản “chưa xin lỗi”. Các chính trị gia Nhật Bản đã nhiều lần đến thăm đền Yasukuni, chỗ mà Trung Quốc coi là nơi thờ phụng các tội phạm chiến tranh. Kể từ những năm 1990, tình cảm chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã dần tăng lên. Trung Quốc coi Điếu Ngư Đài / Senkaku là lãnh thổ bị mất vào tay Nhật Bản trong Chiến tranh Trung-Nhật. Do đó, tranh chấp Điếu Ngư Đài / Senkaku có nguồn gốc lịch sử sâu xa và các yếu tố xã hội bên cạnh xung đột lợi ích.
Nếu tranh chấp ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông chỉ tồn tại giữa hai nước, thì tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền biển ở biển Đông thực sự là vấn đề đa phương. Vì những lí do lịch sử và địa lí, quyền sở hữu các đảo ở biển Đông là rất mơ hồ. Hiện tại, có tới 6 quốc gia và 7 bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp và các quốc gia này đã trải qua những thay đổi phức tạp về chính phủ trong thế kỉ 19 và 20. Các quốc gia liên quan trong lịch sử và trên thực tế bao gồm Mĩ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Anh, Pháp và Tây Ban Nha, điều này càng làm vấn đề thêm phức tạp.
Các tranh chấp ở biển Đông bao gồm xung đột lợi ích ở các cấp độ sau:
Thứ nhất là tranh chấp lãnh thổ. Năm quần đảo ở biển Đông – Pratas (Đông Sa), Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa), Macclesfield (Trung Sa) và Scarborough (Hoàng Nham) đều có tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc đại lục và Đài Loan có tranh chấp đối với toàn bộ các quần đảo, mặc dù điều này tất nhiên không được coi là tranh chấp quốc tế. Vì các đề xuất và căn cứ của đại lục và Đài Loan về cơ bản là giống nhau, trừ khi có quy ước khác, sau đây chúng sẽ được gọi chung là Trung Quốc. Các bên tranh chấp ở Hoàng Sa là Trung Quốc và Việt Nam; các bên tranh chấp ở đảo Scarborough là Trung Quốc và Philippine; các bên tranh chấp ở quần đảo Trường Sa phức tạp nhất, hiện nay gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Ngoài ra, trong tranh chấp lãnh thổ quần đảo biển Đông còn có thêm Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hoa Kì, Hà Lan và Nhật Bản.
Thứ hai là tranh chấp chủ quyền vùng biển. Quy chế pháp lí của lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế bắt nguồn từ lãnh thổ. Vì vậy, tất cả các bên có tranh chấp lãnh thổ đều là các bên tranh chấp chủ quyền vùng biển ở biển Đông. Ngoài ra, mặc dù Indonesia không có tranh chấp lãnh thổ đối với các đảo ở biển Đông, nhưng nước này cũng có tranh chấp với Trung Quốc và các nước khác về chủ quyền vùng biển ở biển Đông.
Thứ ba là tranh chấp tài nguyên trên các đảo. Tài nguyên trên các đảo ở biển Đông chủ yếu là phốt phát, và trong nửa đầu thế kỉ 20 đó là lợi ích kinh tế chính của các quần đảo ở biển Đông. Nhật Bản là nhà khai thác chính nguồn phốt phát trên các đảo. Trong nửa sau của thế kỉ 20, tài nguyên phốt phát về cơ bản đã cạn kiệt sau khi bị khai thác rộng rãi, và giờ đây không còn là mục tiêu chính của các bên tranh chấp.
Thứ tư là tranh chấp tài nguyên biển, chủ yếu là thủy sản. Hầu hết các đảo ở biển Đông là đảo san hô và trong vùng lân cận có nguồn lợi thủy sản phong phú. Các quốc gia ven biển có lịch sử đánh cá lâu đời tại các đảo ở biển Đông. Nguồn lợi thủy sản phụ thuộc vào vùng đặc quyền kinh tế. Tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Đông khiến ngư dân các nước chịu nhiều rủi ro khi hoạt động khai thác thủy sản ở khu vực này. Trong 30 năm qua nhiều vụ ngư dân lực lượng vũ trang các bên khác xua đuổi, bắt giữ và đã trở thành nguyên nhân trực tiếp nhất dẫn đến tình trạng tình trạng tranh chấp ở biển Đông ngày càng xấu đi.
Thứ năm là tranh chấp về tài nguyên đáy biển, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Sau khi phát hiện ra dầu dưới đáy biển ở biển Đông vào những năm 1960, dầu khí đã thay thế thủy sản trở thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất ở biển Đông. Theo “Công ước quốc tế về Luật biển”, tài nguyên đáy biển thuộc thềm lục địa của các quốc gia ven biển có thể được mở rộng ra tới 350 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải bên cạnh việc mở rộng ra 200 hải lí cho vùng đặc quyền kinh tế. Tài nguyên thủy sản và dầu mỏ có một điểm chung, đó là đều ở trong vùng biển và quyền sở hữu của chúng gắn liền với quyền sở hữu đất đai về mặt lí thuyết.
Thứ sáu là vị trí chiến lược và tự do hàng hải. Kể từ thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên, biển Đông đã là một tuyến đường thủy quốc tế quan trọng giữa Đông Á, Nam Á và phương Tây. Tuy nhiên, trước thế kỉ 19, các đảo ở biển Đông được coi là những khu vực nguy hiểm cho hàng hải, những khu vực cần phải tránh một cách có chủ ý. Trước thế kỉ 20, biển Đông là khu vực tự do hàng hải. Từ đầu thế kỉ 20, học thuyết cường quốc biển bắt đầu được mở rộng ở các nước phương Đông, Nhật Bản bắt đầu coi trọng vị trí chiến lược của biển Đông, điều này đã khơi mào cho hoạt động chiếm đất của Trung Quốc và Pháp ở biển Đông. Cũng trong thế kỉ 20, tranh chấp biển Đông chính thức bước ra vũ đài quốc tế. Trong nửa đầu thế kỉ 20, lợi ích lớn nhất của các tranh chấp biển Đông nằm ở vị trí chiến lược của nó. Cho đến ngày nay, tự do hàng hải ở biển Đông vẫn là tâm điểm được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là những quốc gia không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp lãnh thổ, vùng biển.
Bên cạnh những xung đột lợi ích thực tế ở 6 cấp độ trên, giống như vấn đề biển Hoa Đông, yếu tố phi lí về tình cảm dân tộc chủ nghĩa cũng đóng vai trò quan trọng trong tranh chấp biển Đông. Điều này chủ yếu tập trung giữa Trung Quốc và Việt Nam, hai quốc gia tranh chấp chính. Trong lịch sử, Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ lâu dài, sau khi giành được độc lập vẫn còn bị Trung Quốc xâm lược, cuối cùng phải chấp nhận thân phận một nước chư hầu. Sau khi chủ nghĩa dân tộc Việt Nam trỗi dậy vào cuối thế kỉ 19, lịch sử này đương nhiên bị coi là lịch sử nhục nhã. Sau thế chiến thứ hai, Việt Nam bị chia cắt, Trung Quốc (Bắc Kinh) “thắt lưng buộc bụng” hậu thuẫn cho phe CS Bắc Việt đánh VNCH và Mĩ. Nhưng sau khi thống nhất, Việt Nam gần như ngay lập tức xa rời Trung Quốc và quay sang Liên Xô vốn có mâu thuẫn với Trung Quốc.
Còn Trung Quốc, sau khi bắt tay với Hoa Kì, đã phát động chiến tranh chống Việt Nam vào cuối những năm 1970. Trung Quốc coi Việt Nam là “vô ơn” và Việt Nam coi Trung Quốc là “nước lớn”. Vết thương chiến tranh để lại vẫn chưa lành, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều là những quốc gia dưới chế độ độc đảng của đảng Cộng sản, chủ nghĩa dân tộc từ lâu đã được cố tình khuyến khích như một công cụ để đoàn kết nhân dân. Sau nhiều năm tuyên truyền, các đảo ở biển Đông đã thuộc về đất nước của họ “từ xa xưa”. Lí thuyết đã ăn sâu vào tim óc của người dân. Hận cũ chồng lên hận mới, tinh thần dân tộc chủ nghĩa đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Khi nói đến giải pháp cho vấn đề biển Đông, yếu tố bất hợp lí này phải được các nhà hoạch định chính sách xem xét một cách nghiêm túc.
Trong diễn ngôn chính thức của Trung Quốc đại lục về vấn đề biển Đông, chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông dường như là một vấn đề rất rõ ràng. Trong chủ đề về biển Đông trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (http://www.mfa.gov.cn/mfa_chn/ziliao_611306/zt_611380/ywzt_611452/wzzt_611670/2305_611918/) có liệt kê cách giải thích chính thức của Trung Quốc về pháp lí và lịch sử đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa). Bài báo được chia thành 5 phần, lần lượt giải thích nguồn gốc của vấn đề quần đảo Trường Sa, cơ sở lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc, cơ sở pháp lí, lập trường cơ bản và sự công nhận của quốc tế. Bài báo này đã được đăng lại rộng rãi trên Internet và được trích dẫn rộng rãi trong nhiều dịp khác nhau, do đó tính đúng đắn của bài báo dường như không còn bị nghi ngờ. Giới chức Đài Loan, đặc biệt là chính phủ Quốc dân đảng, hầu như có lập trường và lập luận về chủ quyền các đảo ở biển Đông giống như Bắc Kinh. Tuy nhiên, nếu nhìn vào sách trắng chính thức của Việt Nam, không thể không cảm thấy rằng các yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng rất vững chắc; và nếu chỉ nhìn vào các cuộc thảo luận giữa các quan chức và giới học thuật Philippines, thì có vẻ yêu sách chủ quyền của Philippines đối với các đảo ở biển Đông cũng không phải là vô lí.
Trên thực tế, điều này là hoàn toàn bình thường. Bởi vì về cơ bản, bất cứ điều gì miễn có tranh chấp, cả hai bên tranh chấp sẽ có một số sự thật. Để hiểu đầy đủ và chính xác về tranh chấp biển Đông, tất nhiên chúng ta nên lắng nghe tiếng nói của các bên. Hoàng đế Thái Tông nhà Đường hơn một nghìn năm trước cũng biết nguyên tắc “nghe đủ cả sẽ sáng tỏ, nghe một phần sẽ mù quáng” (kiêm thính tắc minh, thiên thính tắc ám), nhưng điều đó khó đạt được ở Trung Quốc ngày nay. Bởi vì hầu hết các chuyên gia và phương tiện truyền thông đều bị kiểm soát hoặc hạn chế bởi “lợi ích quốc gia”, rất khó tiết lộ sự thật một cách có trách nhiệm.
Hơn nữa, để củng cố lập luận của mình, dù là chính phủ hay giới truyền thông và các chuyên gia Trung Quốc, khi giải thích về lịch sử và pháp lí của những tranh chấp này, họ luôn đưa ra một số lập luận rõ ràng là vi phạm và phóng đại lịch sử và thực tế. Và những lập luận này đã bắt rễ sâu xa đến mức chúng dường như được coi là điều hiển nhiên. Bằng cách này, ngoài việc cố tình hướng dẫn công chúng một cách đơn phương, nó sẽ không những không giúp công chúng hiểu được sự thật của tranh chấp biển Đông mà còn có hại hơn. Dưới đây là một vài ví dụ:
(1) Nam Sa từ xưa tới nay là lãnh thổ của Trung Quốc? Chưa thể xác định đúng sai.
Khẳng định này giống như mọi khẳng định “từ xưa tới nay” là không thể xác định đúng sai, đó là một khẳng định không ai có thể phán đoán đúng hay sai. Bởi vì, không ai biết định nghĩa “từ xưa” của Trung Quốc là xưa bao nhiêu. Một trăm năm trước có thể là “từ xưa”, một ngàn năm trước cũng có thể là “từ xưa”, khoảng sai biệt này thật sự quá lớn. Tuy nhiên, trong ấn tượng của người Trung Quốc, từ xưa đến nay, đơn vị luôn là hàng ngàn năm. Do đó, cụm từ “từ xưa tới nay” thường khiến người đọc hiểu lầm rằng Trung Quốc đã kiểm soát Trường Sa từ rất lâu. Vậy “từ xưa tới nay” của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa là bao nhiêu năm?
Như đã phân tích trong nội dung chính của cuốn sách này, mặc dù các chuyên gia Trung Quốc đã chỉ ra rằng Trung Quốc có thể đã biết về quần đảo Trường Sa từ thời nhà Hán, nhưng trên thực tế, Trung Quốc không có ghi chép nào về quần đảo Trường Sa trước thời nhà Tống. Mãi đến thời Nam Tống, trong văn tịch mới có ghi chép về quần đảo Trường Sa, nhưng chỉ là ghi lại theo lời sứ thần nước ngoài. Mãi cho đến cuối triều đại nhà Thanh thì mới có bằng chứng không thể phủ nhận rằng có các hoạt động của người Trung Quốc ở khu vực Trường Sa. Trung Quốc chỉ bắt đầu có ý định chủ quyền đối với Trường Sa từ năm 1933. Trung Quốc chính thức tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa vào năm 1946. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đóng quân tại Trường Sa. Ngoài ra, cụm từ “từ xưa đến nay” xuất hiện cùng với cụm từ “qua nhiều thế hệ”, thường được dùng để mô tả các hoạt động của ngư dân, ví dụ: “Ngư dân Quỳnh Hải đã đánh bắt cá ở quần đảo Nam Sa qua nhiều thế hệ.” Trên thực tế, cái nghe có vẻ xa xưa “nhiều thế hệ” này thật ra xưa nhất chỉ là vào cuối thời nhà Thanh.
(2) Tranh chấp chỉ nảy sinh sau khi phát hiện ra dầu mỏ ở quần đảo Nam Sa vào những năm 1960? Sai.
Khẳng định này ngụ ý rằng các quốc gia khác đã gây ra tranh chấp vì họ muốn giành dầu mỏ ở biển Đông vốn phù hợp với định kiến của người dân Trung Quốc “thấy lợi quên đi lẽ phải”. Tuy nhiên, khẳng định này là hoàn toàn sai. Sau khi Pháp chiếm Trường Sa năm 1930, ở Trường Sa nảy sinh tranh chấp (nhưng lúc đó là tranh chấp giữa Pháp, Anh và Nhật). Sau Thế chiến II và trước năm 1960, Pháp, Việt Nam (Việt Nam Cộng hòa) và Philippines, cũng như Anh và Hà Lan đều đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.
(3) Đường 9 đoạn không bị phản đối trong hơn 30 năm sau khi được ban hành? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng.
Đúng là không có chính phủ nào phản đối cụ thể đường 9 đoạn trong suốt 30 năm đó, nhưng cũng không có chính phủ liên quan nào công nhận nó. Thái độ của chính phủ các nước là “nhắm mắt làm ngơ” trước đường 9 đoạn. Lí do chính là đường 9 đoạn về cơ bản là sản phẩm “ba không”: không định nghĩa, không tọa độ và không có tư cách pháp lí. Chính phủ Trung Quốc (cả Bắc Kinh lẫn Đài Loan) chưa bao giờ chính thức tuyên bố công khai đường 9 đoạn là gì, ngay cả tọa độ cũng không.
Bỏ vấn đề “ba không” sang một bên, kết luận rằng Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các nước đã đồng ý với đường 9 đoạn là hoàn toàn không thể chứng minh được. Bởi trên thực tế, chưa từng có quốc gia nào công nhận các quyền và lợi ích mà Trung Quốc tuyên bố bên trong đường 9 đoạn, kể cả các quyền và lợi ích lãnh thổ quan trọng nhất. Sau chiến tranh, Hoa Kì tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự bên trong đường 9 đoạn, hầu như không bị sự can thiệp của Trung Quốc (trừ những khu vực rất gần lục địa Trung Quốc và lãnh hải đảo Hải Nam). Pháp, Việt Nam và Philippines đều tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp và Việt Nam đóng quân ở Hoàng Sa cho đến năm 1974. Cả Việt Nam và Philippines vẫn có quân đội đóng tại quần đảo Trường Sa và đã thành lập các đặc khu hành chính của riêng mình trên quần đảo Trường Sa. Nếu không coi đây là sự phủ nhận đường 9 đoạn, thì đó chắc chắn là sự tự lừa dối.
(4) Việt Nam luôn công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa và Nam Sa từ trước những năm 1970? Có vẻ là vậy nhưng thật ra không đúng.
Bắc Việt đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cho đến năm 1974 (mặc dù có lẽ bị động). Tuy nhiên, với tư cách là một phần không thể tách rời của Việt Nam hiện đại, quốc gia có chủ quyền lúc bấy giờ là Việt Nam Cộng hòa (Nam Việt) luôn khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và cũng đóng quân trên hai quần đảo này. Sự chia cắt của Bắc Việt và Nam Việt là kết quả của các điều khoản trong điều ước quốc tế “Hiệp định Geneva”, trong đó Nam Việt là chủ nhân thực sự của quần đảo Trường Sa cả trên danh nghĩa lẫn trên thực tế. Trước khi Việt Nam thống nhất, Bắc Việt không liên quan gì đến Hoàng Sa và Trường Sa cả về pháp lí lẫn thực tế. Mặc dù Trung Quốc không công nhận Nam Việt, nhưng việc phớt lờ sự tồn tại khách quan của chính quyền Nam Việt và đánh đồng trực tiếp chính quyền Bắc Việt với chính quyền Việt Nam là ngụy tạo sự thật.
Nam Việt sau khi thất bại, không phải bị Bắc Việt trực tiếp thôn tính mà trước hết thành lập một quốc gia ở phía nam, sau đó hai quốc gia hợp nhất. Một nước Việt Nam mới như vậy không thể đánh đồng với Bắc Việt, mà về mặt pháp lí là một quốc gia sau sự hợp nhất của Nam Việt và Bắc Việt, kế thừa các lãnh thổ của Nam Việt và Bắc Việt. Vì vậy, những tuyên bố trước đây của Bắc Việt không thể đơn giản đánh đồng với thái độ của nước Việt Nam Mới. Những người cộng sản Bắc Việt có hành động bội tín khi ban đầu công nhận rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, và sau đó lại phủ nhận điều đó sau khi nước Việt Nam Mới thành lập. Nhưng từ quan điểm pháp lí, nhiều nhất đó là sự bội tín của đảng, và không thể đánh đồng với việc bội tín của quốc gia, bởi vì họ đại diện cho quốc gia khác.
(5) Hàng loạt tuyên bố và hiệp ước trong và sau thế chiến II trao trả Nam Sa cho Trung Quốc? Sai.
Nói vắn tắt, trong “Tuyên bố Cairo” có đề cập cụ thể đến việc trao trả Đông Bắc Trung Quốc, Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Trung Quốc, nhưng không đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong “Hòa ước San Francisco” và “Hòa ước Trung-Nhật” đều có tuyên bố Nhật Bản sẽ từ bỏ Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng không có tuyên bố nào trao trả Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc. Xét từ các điều khoản, mục đích pháp lí ban đầu, bối cảnh lịch sử và quá trình ngoại giao vào thời điểm đó, chỉ có một lí do tại sao nó được viết dưới dạng như vậy, đó là tất cả các bên không có sự đồng thuận về quyền sở hữu của Hoàng Sa và Trường Sa, vì vậy vấn đề này đã được tạm dừng tạo thành một tình trạng pháp lí “chưa quyết định” để các bên giải quyết sau này. Điều chắc chắn duy nhất là Nhật Bản đã từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo này.
Bắc Kinh không công nhận Hiệp ước Hòa bình San Francisco và Hiệp ước Hòa bình Trung-Nhật, tuy nhiên trong Tuyên bố chung Trung-Nhật và Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị Trung-Nhật ký giữa Bắc Kinh và Nhật Bản vào những năm 1970 cũng không có đề cập Tây Sa và Nam Sa. Vì vậy, đối với chính quyền Bắc Kinh, bằng chứng chỉ là Tuyên bố Cairo yếu ớt. Có rất nhiều kết luận tương tự, và danh sách ở đây chỉ là một phần trong số đó, một cuộc thảo luận chi tiết cần có cả một cuốn sách hoặc thậm chí nhiều cuốn sách để thảo luận. Nếu chỉ đọc chuyện của một phía Trung Quốc, có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng các nước láng giềng của họ là bọn tham lam vô độ (có lẽ cũng có ấn tượng tương tự nếu chỉ đọc chuyện của một phía Việt Nam). Tuy nhiên, chỉ qua phân tích đơn giản, không khó để thấy rằng vấn đề biển Đông không đơn giản như những tuyên bố chính thức. Nếu không có sự mô tả và phân tích khách quan, chi tiết thì không thể hiểu rõ vì sao biển Đông lại trở thành tâm điểm của các tranh chấp lãnh thổ quốc tế. Vài ví dụ nêu trên đã cho thấy rõ: Nếu chỉ nghe ý kiến một chiều thì kết luận rút ra sẽ khác xa với sự thật của sự việc.
Có thể thấy, trong vấn đề biển Đông, sở dĩ các bên đều có lập trường riêng của mình thật ra không thiếu nguyên nhân đằng sau. Nghe tất cả thì sáng, nghe một bên thì tối. Để tìm ra sự thật của vấn đề biển Đông, trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng vấn đề biển Đông là một vấn đề phức tạp và mơ hồ, còn lâu mới đơn giản và rõ ràng như trắng với đen, chỉ bằng cách gạt bỏ những định kiến riêng, mới có thể thu thập và nghiên cứu các tài liệu các bên khác nhau một cách khách quan và phân tích chứng lí các mặt một cách chi tiết. Bằng cách này, dưới kính lúp, trước tiên có thể loại trừ những lí do phóng đại, không rõ ràng và gây hiểu lầm. Ví dụ, nếu bạn đọc kĩ bài viết của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng trong đó có rất nhiều lỗi, đầy những khẳng định mang tính phỏng đoán và khái quát, cũng như những trích dẫn tài liệu có tính lọc lựa và có chủ đích. Nếu bài viết đó được coi là một tài liệu tuyên truyền, như mục đích ban đầu của nó, thì đó thực sự là một bài viết hay. Nhưng để mọi người hiểu trọn vẹn, đầy đủ và đúng đắn về lịch sử và thực chất của tranh chấp biển Đông thì nó hoàn toàn không đạt yêu cầu.
Có nhiều công trình lịch sử và pháp lí quốc tế về sự quy thuộc của các đảo ở biển Đông. Việc tham khảo các tác phẩm này tất nhiên là vô cùng quan trọng. Nhưng hầu hết các sách chuyên khảo về cơ bản đều có một lập trường định sẵn. Tất nhiên, điều này không ngăn cản chúng được sử dụng làm điểm khởi đầu cho nghiên cứu, vì chúng ít nhất cũng phản ánh ý kiến của một phía.
Là cuốn sách đầu tiên trong loạt thảo luận về vấn đề biển Đông của tác giả, cuốn sách này tập trung thảo luận về lịch sử cổ đại của biển Đông, tức là lịch sử của biển Đông trước năm 1900. Trong nghiên cứu về lịch sử và luật pháp quốc tế biển Đông, nghiên cứu về lịch sử cổ đại của biển Đông vẫn còn là một mắt xích tương đối yếu. Lí do chính là giới học thuật phương Tây tương đối trung lập không quen thuộc với các tài liệu chủ yếu viết bằng chữ Hán (kể cả tư liệu lịch sử Trung Quốc và Việt Nam), nên họ chỉ có thể trích dẫn một số lượng lớn các nghiên cứu của các học giả Trung Quốc hoặc Việt Nam, trong khi các học giả Trung Quốc và Việt Nam, như đã đề cập ở trên, do bị lập trường chính trị chi phối thường rất khó mô tả lịch sử của biển Đông một cách khách quan và toàn diện. Đặc biệt, các chuyên khảo về cổ sử Trung Quốc, phần lớn được viết trong thời kì tranh luận với Việt Nam vào cuối những năm 1970, không tránh khỏi mang đậm dấu ấn của thời đại và cũng có những sai sót đáng kể về logic.
Nói chung, sau khi tham khảo các công trình tiêu biểu trong lĩnh vực này, nhiều bài báo và chuyên khảo của Trung Quốc và nước ngoài, cũng như sách trắng của chính phủ các nước, hội nghị bàn tròn học thuật và hội thảo do chính phủ tổ chức, v.v., cuốn sách này bổ sung rất nhiều phân tích ban đầu, phác thảo lịch sử cổ đại của biển Đông từ góc độ lịch sử và học thuật, cũng như so sánh và phân tích quan điểm và bằng chứng của các bên khác nhau về biển Đông, nhằm thảo luận và hiểu một cách khách quan về vấn đề biển Đông từ một quan điểm trung lập.