Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn hay Biên bản về nhánh thơ ngoại vi TPHCM

Inrasara

Khi anh gần chạng vạng

Thì có người bình minh

Đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản

Ban mai của họ sinh thành

(Chế Lan Viên, Di cảo thơ II)

 

Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở – Inrasara.

 

Thơ trẻ Sài Gòn, một định danh báo điện tử Evan.vnexpess.net gán cho loạt cây bút thơ mới, đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh, vài năm qua. Tuổi đời không quá ba mươi, tuổi viết dưới năm năm. Sáng tác của họ chủ yếu xuất hiện trên báo điện tử. Họ viết một lối thơ đa phần đi chệch khỏi dòng chủ lưu, chính thống.

Khủng hoảng – khi đất nước mở cửa, người viết trẻ học được cái khác lạ với những gì họ từng được dạy ở giảng đường Đại học; kĩ thuật vi tính phát triển làm bùng nổ thông tin, thêm lưng vốn ngoại ngữ, họ cơ hội tiếp cận trào lưu văn chương thế giới trùng điệp nẩy nở, lớn mạnh và tàn lụi. Khủng hoảng, khi không ít người trong số họ may mắn nhìn tận mắt nhân loại phát triển như thế nào, ở bên kia đại dương. Khi được mở mắt, mở trí và mở hồn, thế hệ trẻ hậu hiện đại [không riêng gì Việt nam] hết còn tin vào những “đại tự sự”, các giá trị mới hôm qua ông bà chú bác họ từng tin và cật lực xây dựng, bảo vệ.

Ảo tưởng cũ đã mất, tàn lụi cùng buổi hoàng hôn của các thần tượng, họ ngồi đó mà thương tiếc chăng? Không. “[Họ] không than khóc cho tư tưởng về tình trạng phân mảnh, tạm bợ hay rã đám, mà lại tán dương những cái đó. Thế giới vô nghĩa ư? Vậy thì đừng giả vờ là nghệ thuật có thể tạo ra nghĩa ở đó, hãy chơi với cái vô nghĩa”(1)

Thế hệ mới không còn tin thứ thơ ca của hôm qua!

          

Đây là thời văn chương [của sự] cạn kiệt (the literature of exhaustion – chữ dùng của John Barth). Với văn chương Việt Nam hôm nay, dù người viết ý thức hay không, mỗi văn bản sáng tác chỉ như một “tấm khảm của những trích dẫn” (mosaic of quotations); nhiều/ ít, đậm/ nhạt. Thế nên, thật ngây ngô khi mãi hôm nay chúng ta còn tự huyễn: độc sáng.

Người viết luôn viết trong tâm thế vướng kẹt.

Rộng ra thế giới, các nhà thơ trẻ đụng các trào lưu. Bao nhiêu là trào lưu như cuộn sóng vỗ bờ rồi tan mất, dài/ ngắn hạn tùy nó đáp ứng tinh thần thẩm mĩ ở thời đoạn lịch sử, Và hầu như tất cả đều bị/ được các tên tuổi lớn vắt cạn. Nhà thơ trẻ Việt Nam luôn làm kẻ trễ tàu!

Ngoảnh lại, Đường luật coi như đã kết sổ. Lục bát, ta đã có Nguyễn Bính, Huy Cận ở phía trước; rồi thì Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, hay sau nữa: Nguyễn Duy; phá cách đến nát bấy thể thơ nhịp nhàng được coi là thuần Việt này, ta biết mình không thể khác hơn Du Tử Lê. Quay sang Tự do, nơi bậc cửa này, cái bóng một Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền hay Đặng Đình Hưng đã án ngữ từ lâu lắm. Vài thập niên qua, những Thanh Thảo, Trúc Thông, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiến Dũng… đã có các thành tựu đến nản lòng. Không còn cái gì mới dưới ánh mặt trời. Câu nói tưởng nghe nhàm tai này bỗng vang lên như tiếng kêu thảng thốt. Cả trong hình thức thể hiện lẫn chất liệu đề tài – ví mãi còn tách bạch hai món này, ta cứ là kẻ đến sau.

Ngay khi khoanh vùng nhỏ hẹp nhất, thơ tình chẳng hạn, chúng ta vẫn “Tagok gauk yuw, kadun gauk paraik / Tiến thì đụng ách, lui thì vướng thanh ngang”, như lối nói của dân quê Cham. Mượt mà và kĩ tính, ta gặp mặt Trương Nam Hương; sôi nổi mà tha thiết, lại đụng hàng Hữu Thỉnh. Đoàn Tú Anh trong “Nếu em lừa dối anh”, chẳng hạn:

Nếu em lừa dối anh

Trời vẫn xanh

Mây vẫn bay

Những hò hẹn thương yêu

Chẳng bao giờ thay đổi

Đến một ngày mưa chẳng biết buồn

Rơi rất vô tư…

 

Nếu em lừa dối anh

Hạnh phúc như mây

Tình yêu là gió

Em yếu mềm và nhỏ nhoi như cỏ

Sao níu mây cao, giữ gió xa vời? (2)

Viết câu thơ ngắn/ dài với cách gieo vần lỏng, cánh trẻ ta không ít lần giẫm phải dấu chân Nguyên Sa. Trương Gia Hòa với “Bàn chân của em”, là một ví dụ:

Những dòng nước em đi không hết

Có ai chạm vào vai anh không?

Có đặt tay trên vai anh những ngày nắng ấm

Có ai ngả đầu trên vai anh những đêm café?(3)

Chịu chơi ba gai ra vẻ hảo hớn, lớp trẻ biết mình không thể qua mặt Bùi Chí Vinh. Tôi gọi đó là lối đụng hàng lẻ. Lớn hơn, ta đụng thơ Cách mạng, thơ Sáng Tạo, thơ Nhân văn – Giai phẩm, thơ đổi mới và hậu đổi mới với những nhánh vụt hiện, siêu hình, dục tính (chữ không chuẩn lắm), cả thơ ngoài lời. Thế là khủng hoảng.

 

Khủng hoảng tiềm tàng đâu từ Gieo & Mở đầu những năm chín mươi, lộ rõ hơn vào những năm cuối thế kỉ trước với Thơ tự do, rồi Viết thơ(4), để mãi khi báo điện tử văn chương như: Tienve.org, Tapchitho.org, Evan xuất hiện, nó nổ tràn không ma nào níu lại kịp. Với nhóm Mở Miệng. Với đợt sóng thơ nữ trẻ Sài Gòn.

Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có liên quan đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh. Họ chọn [hay cuộc thế chọn] cách thế sống, đủ cho họ tự do khỏi mọi lệ thuộc. Nhân viên công ti tư nhân (Thanh Xuân), chụp ảnh dạo (Khúc Duy), viết bên lề tòa soạn (Lý Đợi), hay làm nghề không nghề (Bùi Chát), vân vân. Họ có đó. Sau lưng họ là: Nguyễn Quốc Chánh đến từ Bạc Liêu, Trần Tiến Dũng nguyên quán Gò Công, Thận Nhiên Việt kiều Mỹ giạt tới. Và, bao khuôn mặt khác. Các tên tuổi mang trong mình mầm mống khủng hoảng, mức độ khác nhau(5).

Trước mắt họ: khoảng trắng!

          

Vài năm trước đó, các tên tuổi như Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư xuất hiện, đã làm sôi động sân thơ các tỉnh phía Bắc. Và dù gì thì gì, họ vẫn còn vướng bận dây mơ rễ má với dòng thơ truyền thống, suy nghĩ/ hành động trong dòng chánh lưu. Cựa quẫy, “đập phá” và khẳng định trong khu vườn văn chương chính lưu vốn khá yên tĩnh. Và, họ đã thực hiện được ý định của mình. Đã không ít người hô to rằng đó là những tiếng thơ báo hiệu cho cuộc cách mạng thơ Việt. Nó có báo hiệu và báo hiệu được gì hay không, chúng ta không biết. Đấy là vấn đề của tương lai. Tuy nhiên vẫn còn ở đó dấu vết của người đi trước, rất nhiều người đi trước. Thử đọc qua vài trích đoạn:

anh và em bức tường phiên âm

viên gạch đẻ hoang

mê man nhật thực

mặt âm ty mềm mại muôn màu giới tính

anh và tôi không gian

hiện thực nhạy cảm

lật mặt thế giới

chiếc la bàn hoang hoải…(6)

 

Lũ kiến bất an bẩm sinh

loay hoay

vùng áp thấp

 

mặt trời cũng về nhà sum họp

bỏ lại góc vườn lá mục

những bồn chồn ăn mòn đêm

 

Kinh kệ sám hối

tiết điệu âm u…(7)

Dấu vết của thủ pháp siêu thực và tượng trưng vẫn còn quá đậm, ở đó. Nhóm Sáng Tạo đã thử nghiệm và đã thành tựu oanh liệt, từ gần nửa thế kỉ trước. Ý thức hay vô thức, nhà thơ ta đang lặp lại. Lặp lại cho đến khi nhóm Mở Miệng với Phan Bá Thọ xuất hiện. Khác hẳn! Từ quan niệm sáng tác, lề lối làm thơ cho đến cách cho ra đời các thi phẩm của mình. Nó làm nên một cơn gió xiết: mới, mạnh, rát và bừa bộn, thổi vào nền thơ Việt hôm nay. Nó có đó, như một hiện tượng: nó là cuộc khủng hoảng. Chúng ta chấp nhận nó hay không, không quan trọng. Nó có ý định làm mới, cách tân thơ hay không, cũng không là vấn đề. Nó đột ngột xuất hiện và lớn tiếng tuyên bố: KHÔNG làm thơ!

 

Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Các sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời: Vòng tròn sáu mặt, Xáo chộn chong ngày, Cai lon bo di và vài thi tập chưa “xuất bản” nhưng được tiếp thị rùm beng khác. Trước họ, có tấm gương sáng: Nguyễn Quốc Chánh với Của căn cước ẩn dụ; tiếp bước là: Trần Tiến Dũng có tập Bầu trời lông gà lông vịt, Phạm Mạnh Hiên: Nhiệt đới cát, Đoàn Minh Hải: Đại nguyện của đá, tập thơ in chung: Thơ tân hình thức đều ra mắt “công chúng” thơ dưới dạng này(8).

Đây là thứ thơ tôi từng mệnh danh “thơ jác jưởi”, khi lần đầu chào hàng họ ra ngoài chợ thơ(9). Đa phần thứ thơ tự nhận jác jưởi không thể xuất hiện chính quy trên thị trường sách báo, nó phải tự bươn chải tìm cách có mặt, và “khẳng định” mình trên văn đàn. Photocopy – đó là cách làm đặc thù của Mở Miệng. Dĩ nhiên, họ không dại gì từ chối bắn sáng tác của mình lên website văn học đang mở ra ồ ạt từ trong nước cho đến hải ngoại.

“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn… Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)… và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”(10)

 

Đó là Evan xét nét họ. Còn họ tự nhìn nhận mình như thế nào?

In roneo hay photo là một cách thức không có gì mới, nhưng in và quan niệm nó như văn bản chính thức của tác phẩm thì ít người làm như thế (…) [nó] đã bắt đầu mở ra những thể nghiệm thiên về nghệ thuật (…) Ban đầu, việc in photo này được xem là một kiểu làm dáng về hình thức, nhưng càng về sau nó càng tỏ ra hữu dụng và tác động được đến cách nghĩ của người sáng tác, nhất là trong giới trẻ”.

Tinh thần yêu chuộng sự ổn định từ chối công nhận đó là thơ, không xem chúng là văn bản chính thức của tác phẩm đúng nghĩa. Thì họ có cho họ làm thơ bao giờ đâu? “Chúng tôi không làm thơ”. Họ tuyên bố khắp nơi. Ở Evan, Tienve.org, Talawas.org, Tapchitho.org và cả trên trang báo chính quy của Hội Nhà văn Việt Nam nữa.(11)

 

Mọi đề tài đều bị khai thác cạn kiệt, mọi hình thức đã được người nhân gian thử nghiệm rồi (không ngạc nhiên tí nào: nhóm Mở Miệng ủng hộ mạnh phong trào tân hình thức do nhà thơ Khế Iêmkhai mào. Giễu nhại (parody), mô phỏng (pastiche) và cắt dán (montage) là thủ pháp chủ yếu trong quan điểm sáng tác của các nhà hậu hiện đại. Trong hành trình làm mới thơ, đã có vài thành tựu qua sáng tác đăng trên tạp chí Thơ xuất bản tại Hoa Kỳ: Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, mươi năm qua. Nhìn góc độ nào đó, các thi sĩ tài hoa đậm tinh thần tiền phong này, ví có cắt dán, vẫn còn chịu gia công đắp bồi: phần đóng góp của họ luôn chiếm thế áp đảo so với nguyên mẫu. Tiếp nhận kĩ thuật đó, Bùi Chát cố tình đẩy “sáng tác phẩm” của mình đến đầu mút của cắt dán. Cắt dán “Thời hoa đỏ” của Thanh Tùng, anh chỉ cần vào cái tên, thêm một chữ vào cuối mỗi câu thơ để thành sáng tác mới: “Thời hoa đỏ lè”! Hoặc anh vô tư bê nguyên xi bài thơ “Bài mùa thu” khá nổi tiếng của Phan Nhiên Hạo, gõ một câu/vài âm Hu… hu… hu… vào cuối bài, cũng xong bài thơ… của mình.

Nữa, hơn thập niên qua chúng ta than vãn thơ nhàn nhạt tràn lan mặt báo; rồi thì mỗi năm, cả ngàn tập thơ trung bình đều đặn được cho ra lò. Lạm phát! Đã có vài báo động, đây đó – thực/ giả lẫn lộn. Thói nhảm nhí trong trò chơi văn chương chữ nghĩa đang giết chết thơ, ngày qua ngày. Phản ứng lại cái nỗi dễ dãi dai dẳng đó, Khúc Duy đẩy dễ dãi đến tận cùng nhảm nhí:

… Tụi bây

thắt ống dẫn tinh đặt vòng rồi

thì đẻ thoải mái thoải trống đi,

có thưởng. Chưa có thịt bò ăn

phải làm sao có, chưa có thịt

người ăn phải làm sao… (12)

 

Về ngôn ngữ, nhóm thơ này từ bỏ lối “lựa chữ gieo vần” quen thuộc. Đừng đòi hỏi ngôn từ đẹp đầy tính “văn chương” trong các sáng tác của họ, thứ ngôn từ lâu nay thiên hạ cứ nghĩ thế mới là thơ, thơ đích thực. Ngôn ngữ thơ là lời nói hàng ngày của người hẻm phố, hơn nữa – tầng lớp dưới đáy xã hội, có lẽ. Họ lượm nhặt chúng, ngẫu hứng bất chợt, không qua sàng lọc của ý thức “sáng tạo”. Không có từ nào gọi là thô thiển hay sang trọng, dơ hay sạch, xấu hay đẹp ở đây. Tất cả đều bình đẳng trong ý thức/ vô thức của người viết. Chúng hiện hữu trong cuộc sống, và thi sĩ xử sự bình đẳng với chúng. Bình đẳng cả lối phát âm địa phương bị cho là ngọng với lối phát chuẩn.

Không jì có thể đoạt tôi từ những bàn tay

cái nhìn không tương xứng                     lăm ngón

jữa con mắt fải và chái

không fải cái mũi                         thò nò                  xanh

thế jới lày không thể bóp tôi

những hình ảnh cũ thay đổi tôi như mới

thái độ nên cầu ngồi xổm để jơi một vật jưới lước

 

không muốn hắc xì với đám đông

tôi nà cái thai chong bụng người con gái tôi yêu

                          (Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày)

Kí thuật đã vậy. Những người viết trẻ, dù là đợt sóng thơ nữ hay nhóm Mở Miệng, hầu như bỏ qua ý hướng tìm cho mình một phong cách, phong cách hiểu theo nghĩa truyền thống. Họ làm, thế thôi. Theo cách họ cảm và hiểu, ở thời đại họ đang sống. Trung thành tuyệt đối ý hướng đề ra, ở đây và lúc này. Đó là cách hạ bệ tượng đài thơ và, hạ bệ chính thơ. Hạ bệ, không gì hữu hiệu hơn chế giễu, nhại giễu. Hãy đọc thử một bài thơ của Bùi Chát:

 

vần “inh”


tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thuỷ tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

[í quên, bùi chát chớ!]

buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường

boong! boong!

tôi xin một chỗ quì thầm kín

cho đứa em nhỏ linh hồn

sợ chó dữ

con chó đói màu nâu

sủa
gâu! gâu! …

                          (Cai lon bo di)

Thế hệ trẻ, hiếm ai không từng mắc nợ Thanh Tâm Tuyền của“Phục sinh”. Đấy là sáng tác mở đường, đặt dấu ấn đậm trong hành trình phát triển thơ Việt, hôm qua. Họ từng chấp nhận nó, tôn vinh nó. Nhưng tinh thần “mở miệng” từ chối tôn vinh mang tính tôn thờ, trang nghiêm đầy trịnh trọng. Mình phản bội thầy khi mình chỉ mãi là học trò, F. Nietzsche nói thế. Ông hạ bệ thần tượng bằng cách khám phá khía cạnh suy đồi trong tư tưởng của thần tượng một thời. M. Heidegger thêm, đại ý, một nhà tư tưởng chỉ bị vượt qua khi phần ẩn khuất của tư tưởng ông/ bà ta được phơi mở trọn vẹn. Còn Bùi Chát, anh tôn vinh/ hạ bệ bài thơ thời danh bằng cách mặc cho nó hình thức mới, đa phần rất lố lăng. Nó nằm ngoài khuôn phép thuần phong, linh thánh tôn giáo hay mô phạm nhà trường. Không ý định [điều kiện/ khả năng/ muốn] đưa “Phục sinh”, “Bài mùa thu” vào nằm gọn trong các tuyển tập hay chương trình sách giáo khoa, anh xô nó xuống thẳng lòng đời. Đó là cách vinh danh thần tượng/ bài thơ theo nghĩa khác, sống động và tích cực hơn.

 

Tuyên “chúng tôi không làm thơ”, nhưng Bùi Chát, Lý Đợi vẫn làm thơ, một thứ thơ-phản thơ. Người đọc vẫn cho đó là thơ: thơ rác; chính xác: thơ-hàng tiêu dùng. Nó đòi xóa bỏ ranh giới thơ cao cấp và thơ thấp cấp. Trả thơ và người làm thơ về vị trí xuất phát ban đầu, nguyên thỉ. Nhà thơ là kẻ hát rong, đem câu chuyện đời thường đi hát-kể khắp ngõ thôn, góc phố. Và, thơ không là gì hơn mấy lời hát rong ấy. Đồng thời tiếp cận tinh thần thời đại: thơ là món hàng, đứng không cao hay thấp hơn bao thứ hàng hóa khác, trong đời sống hiện đại.

 

Thuở trai trẻ, tôi từng gặp kẻ hát rong ấy ở các palei Cham. Mưdôn Jiaw, người Hữu Đức, rền tiếng cả vùng. Trong các ngày lễ rija prong, có khi kéo dài cả tuần, công việc đồng áng và cơm nước xong, chạng vạng tối, ông – không quên dẫn theo vài ba môn đệ, đi xuống Chakleng quê tôi. Nơi đó, hàng trăm người nghe từ các nơi đổ tới chờ ông pôic jal (một thể loại hát dân gian Cham). Đây là một sinh hoạt giúp vui ngoài lề cuộc lễ. Chỉ cần trống baranưng với chiếc chiếu xe trải giữa sân, thế là ông hát vanh vách về cuộc đời và tâm sự của người trong cuộc đang ở trước mặt, với buồn vui quá khứ tương lai. Ông làm cho họ cười, khóc hay lịm người thin thít. Tài xuất khẩu thành thơ, kiến thức về xã hội cộng thêm giọng trầm vang của ông, đã lôi cuốn quý ông quý bà nhà quê quên cả mệt nhọc, để ngồi với ông đến tận gà gáy sáng.

Tôi nghĩ Bùi Chát cũng vậy, khác điều anh lang thang trên mạng để kể chuyện. Chuyện có khi tếu rất dân gian hay mang dáng văn phòng trịnh trọng, hoặc lắm lúc nó chỉ là một phát biểu kiểu phá đám. Tôi muốn nói đến “khóc văn cao” của anh. Bài thơ gồm sáu từ, đúng hơn: sáu tiếng, nhưng chú thích đến ba trang và hứa hẹn: còn nữa!

 

khóc văn cao

 

anh văn ơi!

hu hu hu…

 

3/1978

————————–

biện giải:

không hiểu sao tôi phải khóc văn cao, vì bổn thân không dính dáng hoặc liên quan gì. cõ lẽ là hùa theo đám tiểu tử kên kên múa lửa lắc vòng, vo ve vãn hồi cương toả

 

chú [cháu]:

có thể thay văn cao bằng bất cứ ai cũng đều [khóc] hạp lí cả, vì bài thơ được xây dựng như một công thức, nếu ứng dụng vào sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghệ thì càng tốt [những ai có ý định sở hữu công thức này xin liên hệ gấp qua trung gian lydoi cellphone: 0903.695.983 để biết thêm chi tiết, ưu tiên cho người đến trước. đặc biệt giảm giá từ 10–20% cho học sinh sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, nếu là nữ-lại xinh đẹp thì 40% trở lên]

 

cuối cùng:

bài thơ này được viết vào năm 1978 như đã ghi ở cuối bài thơ. đây là cách mà các nhà thơ ‘nhớn’ ở ta gần đây hay dùng nhằm tăng tuổi đời cho tác phẩm mình [cũng có thể là một chiêu để tiếp thị đồ cổ?]. mốt này đang phát triển rầm rộ & trở thành một phong trào lớn mạnh trên các web chuyên đăng tải sáng tác hiện nay. riêng bài thơ ‘khóc văn cao’ thì đúng là được viết vào tháng 3 năm 1978, không phải tôi cố tình lừa dối độc giả & lừa dối mình… nhưng tôi biết rõ & tin chắc bài thơ này được sáng tác vào năm 78. dù lúc đó tôi chưa bị ra [đời] & văn cao thì chưa được chết.

 

thêm thắt:

bài này [quan trọng đấy, lời tiếp thị], nếu phải ra giá zip code cho bản in đầu tiên thì sẽ là 87/3 dollar. ở việt nam hay bất cứ đâu, đều có thể gọi cellphone(*); còn thằng nào có ý cướp bóc thì tốn thời gian dối trá cho việc lập kế hoạch và 1 tờ a4 để in ráng chịu đựng nhé.

 

lưu ý:

(*) nếu dùng hoa ngữ thì chỉ tiếp giọng bắc kinh hoặc quảng đông. [còn nam nguyệt(1) hay quảng ít thì miễn tiếp]

 

phụ tử:  

(1)bắc kinh thì phải nam nguyệt

tự dưng bại liệt thì cũng thế thôi

chưa kể những đứa ô-môi

vậy tôi với hắn(i) cùng chơi năm mười(ii).

 

tiếp tục:

(i)chỉ văn cao. cường dương bổ thận nhiên liệu hồn ma cà bông bí vàng khè …

(ii)là trốn tìm í mà. đứa nào thua sẽ bị lấp đít ở tận vườn mít thuộc biên hoà đồng nai để gọi là lai rai vậy

 

              => [còn nữa] <=

 

Chuyện vui: Thuở hai mươi, đám cưới thằng bạn thân, lễ lạt gia đình họ hàng đâu đấy, nhóm bạn chúng tôi khoảng ba mươi người ngồi lại sinh hoạt thâm tình. Ông thầy cũ đại diện thế hệ đàn anh lên phát biểu cảm tưởng. Có lẽ đây là cặp học trò đầu tiên lập gia đình, ông xúc động đến lắp bắp. Ông nói điều đó ra. Ừ, thì được đi. Nỗi gì anh bạn lớn tuổi cùng quê cũng “tôi rất xúc động” và rồi, diễn hệt cái vở ông thầy vừa diễn. Thấy cuộc chơi sắp ra mòi trịnh trọng và bốc mùi, từ cuối phòng, tôi lò mò đứng dậy: cho tớ xin có ý kiến, tớ cũng xúc động nữa! Tôi nói to đến mọi người không thể nhịn nổi, vỡ cười thành tiếng. Nỗi nghiêm trang kia phút chốc trở thành trò hề.

Hãy tưởng tượng, trong đám tang một nhà “lớn” nọ (có thể thay Văn Cao bằng tên tuổi nào bất kì), nhiều người ghé vào than khóc. Ruột rà thì không nói rồi. Bà con lối xóm tối lửa tắt đèn nữa. Thêm: bạn bè chia ngọt xẻ bùi, cho qua. Cả kẻ khóc mướn, không vấn đề gì cả, xã hội nào cũng có và, nên có. Phiền nỗi là kẻ khóc giả. Họ khóc từ lúc bạn lớn còn nằm giường bệnh, có khi trước đó rất lâu, cả mươi, hai mươi năm sau khi nhà kia nằm mồ nữa. Hãy nghĩ đến các vụ văn thơ ăn theo báo tết được nhà văn ta cảm tác từ mùa hè năm ngoái!

Tuần chay nào cũng có nước mắt, kịp thời vụ và, đúng bài. Anh “ra đi để một khoảng trống lớn trên văn đàn”, “không gì bù lấp được”, “niềm tiếc thương vô hạn”, “thơ văn anh sống mãi trong lòng người đọc”, vân vân. Khóc giả, họ biết thế, làng trên xóm dưới biết thế, nhưng phiền hơn cả là họ đòi hỏi người thiên hạ đóng triện công nhận họ khóc thiệt. Lâu nay, thiên hạ dễ tính, cứ thế mà tin làm. Họ thành kính lắng nghe (sự sợ hãi hay phép lịch sự lắng nghe?). Bất chợt, một tay ăn mặc nhếch nhác, mặt mũi tạm được, to lớn, lù lù thò mặt ra, khóc:

anh (…) ơi

hu… hu… hu…

Một sáng tác phẩm “ngẫu nhĩ ra hoa” (từ của Bùi Giáng) mở miệng chào đời đó thừa sức biến bài điếu tang muôn thuở kia trở thành lố bịch. Cũng là cách hạ bệ thơ, một loại thơ giả mạo cứ muốn làm bất tử.

 

Nhóm Sáng Tạo và Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… của thập niên 1960, là thế hệ nhà thơ sống qua một giai đoạn lịch sử bi đát kì lạ. Họ làm một thứ thơ thuần đô thị, thơ của đường phố. Một đô thị sôi động, tạp nham, siêu thực và đầy… siêu hình. Thanh Tâm Tuyền:

Tôi buồn khóc như buồn nôn

ngoài phố

nắng thủy tinh

tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ

thanh tâm tuyền

buổi chiiều sao nở vào chuông giáo đường

tôi xin một chỗ quỳ thầm kín

cho đứa con linh hồn

sợ chó dữ

con chó đói không màu(13)

Chất liệu ngôn ngữ, nhịp thơ và các thao tác kĩ thuật đã thay đổi triệt để. Khác hẳn thơ Tiền chiến. Cuộc cách mạng thơ đã làm nên vạch đứt sâu, đậm trong tiến trình thơ ca Việt Nam. Dấu ấn của nó bốn mươi năm sau vẫn còn để lại đậm nét trong sáng tác của các nhà thơ Sài Gòn, với bao biến tấu bấp bênh khôn lường. Các thân phận thi sĩ đang “mắc kẹt” ở “Hẻm 47” trong một giai đoạn lịch sử bi đát và kì lạ không kém. Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đạt, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Quốc Chánh:

Tiếng nhạc vòi vĩnh từ các quán càphê

Đon đả niềm khoái lạc

Một luồng khí hưng phấn thổi qua giác quan

Những kiốt khép kín

Gián cách với đêm khuya bằng cánh cửa sắt

Phía sau cánh cửa là xác phù du trôi giữa những đồ vật ế ẩm(14)

 

Khác thế hệ đi trước, thi sĩ trẻ Sài Gòn đợt sóng mới không nhăn trán siêu hình hay trằn trọc thế sự to tát. Họ thoải mái nói về cuộc sống dưới đáy xã hội. Đó là cuộc sống của “những cô gái điếm hẹn cột đèn”, “những người đàn bà đang là chuột dưới cống” “mặc quần lót mười ngàn ba cái mua ở vỉa hè” (Bùi Chát), những người yêu “khóc nức nở nhiều giờ trong toa lét / vừa khóc vừa chửi thề / vừa khóc vừa đập phá” (Phan Bá Thọ), cả thân phận kẻ đồng tính luyến ái trong xã hội đầy phân biệt. Và nhất là, không thể thiếu các nhà thơ ngoài luồng, những kẻ bị lịch sử bỏ rơi [hay ra đời quá sớm?] lang thang kéo lê xác thân và tâm hồn rách bươm suốt đường phố Sài Gòn, với những quan tâm, lo lắng riêng tư rất ư là vặt vãnh. Làm sao tránh được mùi nước đái ở hẻm cụt, làm cách nào sửa thái độ ngồi trên bồn cầu của nhà vệ sinh công cộng, phải nằm trên tấm nệm làm từ đống chất thải ra sao hay, làm thế nào nhảy qua ổ gà ngập nước thối mà không trượt chân. Họ cố “phản ánh” một thực tế chăng? Hay đấy là một “tố giác”? Một “đồng cảm và cảm thông”? Hoặc chỉ là một trò chơi vô tăm tích? Chúng ta không biết được. Chỉ biết rằng, họ có đó và, không làm thơ.

 

khách hàng là thượng đế


[nghe đồn] thượng đế anh minh có mặt mọi nơi trong vũ trụ. ngài hiện hữu trên-dưới / trong-ngoài / dọc-ngang / cao-thấp & cả những lưng chừng vùng-đồi-gay-cấn. nói chung là hiện hữu tứ tung cùng khắp, nói chung ngài là một ca đặc biệt [hơi khó lí giải]

 
& để sâu sát đặng chia sẻ cảm thông, để… nói gọn lại là muốn có chút ít kiến thức thực tế về tình hình, thân phận & đời sống của loài người [cái thứ mà ngài đã từng sáng tạo nên]. ngài, đã hiện hữu thông qua hình ảnh của một jésu khổ nạn [rất cinéma: loại trữ tình – bi tráng kiểu hollywood].

 
cũng [đơn giản] với công thức trên, ngài hóa thân làm một dolly-baby để thấu nỗi nhọc nhằn [mỗi khi bị vặt lông xén tóc] của lũ cừu non hiền lành

 
đích thị, ngài là một đấng chí tôn cao cả đã gồng mình thọ nạn cùng người & muôn loài trong công cuộc tồn sinh lừng lẫy này. vì thế, chiến tích của ngài dày cộp & lẫy lừng không kém: từng gởi lại 1 chân ở somalie; bị virus dịch tả hành hạ dài lâu ở algerie & biết thế nào là phòng hơi ngạt khi bị lùa vào lò đức quốc [xã – hội chủ nghĩa]; mất 1 mắt trái + 1 ngón trỏ ở bàn tay trái trên chiến trường việt nam; bị cầm tù & nhục mạ nhân phẩm ê chề khi đóng vai một vệ binh cộng hòa iraq v.v. & v.v. à, còn riêng cái vụ này là chuyện bí mật, chuyện lứa đôi thầm kín [nghe & không nên phát tán lung tung]: đã từng bị rimbaud lắp đít nhiều lần [chẳng biết là hân hoan sướng vui hay là khổ đau đây]. theo thánh kinh & nietzsche thì đời ngài hưng trầm bao phen lận đận. từng lên bờ xuống ruộng & chết đi sống lại nhiều lần.

 
[cá biệt] lúc nhà nước việt nam thụt thò mở cổng mở cửa, các em gái ruộng & cave sầu khổ cũng đổ xô góp vốn [tổ tiên] khuếch trương làm ăn. nhưng, ở trên bảo: ngành mới quá [?!] chưa được đăng kí. nên, chỉ bị pháp luật quật cho tơi tả lá hoa chứ không bảo vệ. cái tiếng kêu trời vừa thanh thót vừa khàn khàn bia rượu của các em, ngài nghe thấy hết. thế là ngài tức tốc hóa trang, vi hành [điều tra thực nghiệm]

 
sắm vai một khách mua hoa [hạng bán trung], ngài nhẹ nhàng đột nhập vào động. cũng cố gắng trườn lướt quằn quậy đủ thứ trò. cũng thế má trên dưới hẳn hoi, cốt mong nắm được tình hình. nhưng, cũng vì nhiệt tình quá trớn + với hàng hóa việt nam thì biết tỏng từ đêm hôm khuya khoắc rồi [ừ, mà cũng chỉ một mình ngài không biết, tội hỉ]. nên, mặt nạ cùng với những thứ lủng lẳng hóa trang trên người ngài cứ thế mà từ từ rơi rụng. làm lộ mẹ cái thân phận chúa tể trời xanh& làm cho các em kinh ngạc khôn cùng, vui sướng la lên: bớ chị em ơi, khách hàng là thượng đế. khách hàng là thượng đế.

 

Bài “thơ” được rút ngẫu nhĩ từ Đống rác vô tận của Phan Bá Thọ, in photocopy do tác giả tự xuất bản. Thói quen thơ người Việt không cho nó là thơ. Nếu là thơ chăng nữa, chắc chắn nó không là bài thơ hay. Câu hỏi: hay là gì? Và tại sao phải làm bài thơ hay? Hãy nghe chính người đại diện cho nhóm thơ này tuyên ngôn:

“Nhiều người hay nói câu: thà viết mới dở chứ không thèm viết cũ hay. Đã có lúc chúng tôi cũng đồng ý như thế, nhưng sau một thời gian dài thể nghiệm với những dịch biến nội tại của thơ và nghệ thuật, mới thấy chẳng có gì mới; chỉ có sự lặp lại và nhấn mạnh hơn mà thôi. Sau khi loài người đã tìm ra lửa, máy hơi nước, thông tin vô tuyến… rồi bom nguyên tử, bản đồ gene, sinh sản vô tính…, mọi sự đã bị lỳ đi rồi. Nhân loại đã có quá nhiều sự kiện lớn nhỏ gây chấn động, quá nhiều sự dã man và phấn khích. Vậy thì làm sao, một nhà thơ – một nhóm thơ lại nghĩ rằng mình có thể làm một cái gì mới hơn, có giá trị hơn, gây sốc hơn? Cái chúng tôi đang làm, không phải đã làm, là một cố gắng (có thể là vô vọng) làm khác đi chính mình; lập tức khác đi những gì mình vừa quen làm và người quan sát có thể cũng thấy được điều đó. Từ bỏ sở trường (thói quen) của mình, có phải là điều dễ làm không? Chúng tôi tin là không”(15)

 

Quan điểm như thế, chính Lý Đợi đã đẩy đến cùng “quyền không làm thơ hay” của mình. Như vài chục năm qua giới tiêu thụ chúng ta quen [và hãnh diện] sử dụng hàng nghĩa địa, đồ xài rồi, Lý Đợi xài lại “hàng hóa” ông bà có mặt từ chục thế kỉ trước (“Xã hội 7”, chẳng hạn), của hôm qua lẫn hôm nay, trên sách báo hay đó chỉ là câu chuyện vặt vãnh nghe lỏm được. Anh có thể “chế tạo thơ ca” (nhại Phan Nhiên Hạo) từ trang quảng cáo (“Lợi ích của thơ”, xào nấu các chữ quảng cáo mĩ phẩm) cho đến các khẩu hiệu treo trang trọng dọc đường phố thênh thang, từ một tin vặt trên báo (“Hàng không OK”, được chế tác từ “Hình ảnh biết nói”, báo Tuổi trẻ, 14-3-2005) cho đến vài câu bôi nguệch ngoạc trong cầu tiêu công cộng:

 

Định chế [hay là luật] của cầu tiêu công cộng

 

— Không đạp chân lên bồn cầu

— Không bỏ băng vệ sinh vào bồn cầu

— Không viết vẽ bậy lên tường [ngay cả thơ]

— Không tiêm chích ma tuý, chất gây nghiện, kích thích

— Không lợi dụng buồng kín dùng di động làm lộ bí mật quốc gia

— Không khạc nhổ, vứt rác, tàn thuốc bừa bãi

— Không thủ dâm

— Không được sử dụng bao cao su [cả nam lẫn nữ]

— Không được chửi thề

— Không được quên dội nước

— Không được quên trả tiền

— Không được quên đồ đạc tư trang

 

Và cuối cùng:

                                     XIN GIỮ VỆ SINH CHUNG

 

Như thể một trò trẻ con được đẩy đến tận cùng của nghịch ngợm. Đơn giản: Lý Đợi không làm thơ. Đây là thái độ thơ tương hợp với xã hội tiêu thụ (consumer society): làm, có ngay, xài liền rồi, quên. Bất cần sự vĩnh cửu, từ chối mang ảo tưởng tác phẩm sống sót sau khi tác giả chết đi. Phát ngôn của Tadeusz Rozéwics: “Không thể hiểu được tại sao thơ được phép tồn tại khi con người tạo tác nó đã chết. Thơ sống sót buổi tận thế, làm như không hề có chuyện gì mới xảy ra trên trái đất này ngày hôm qua. Tôi kinh tởm sự phi lí ấy” được trích in ở bìa bốn tập thơ Xáo chộn chong ngày đích thị là một thái độ cực đoan gây choáng. Nó tạo dị ứng đột ngột nơi quan điểm sáng tạo quen thuộc.

 

Cũng không ít khi Lý Đợi chế tác thơ bằng cách sử dụng nguyên văn tin tức trên báo chí, kéo thông tin từ xa về gần buộc người đọc đối chứng với cuộc sống thực. “Một nhà thơ bị đánh chết” là như thế. Thói ích kỉ, nỗi vô cảm đến phi nhân tính của kẻ xung quanh: một tổ chức, hay một cá nhân nhạy cảm với phận người như thi sĩ chẳng hạn, trước thực trạng của thế giới. Hãy chú ý đến các câu thơ in nghiêng.

 

Nữ thi sĩ Nadia Anjuman, người Afghanistan bị chồng và mẹ chồng đánh cho đến chết. Hai kẻ phạm tội và gia trưởng kia đã bị bắt. Liên Hiệp Quốc khóc lóc trước hành vi bạo lực này.

 

Tại Việt Nam thì khác, có nhiều nhà thơ đã chết ngay trong lúc sống, nhưng không ai biết, ngay cả bản thân hắn. Đa phần các nhà thơ khác bị ngược đãi, nhưng không ai thèm nhìn. Liên Hiệp Quốc quá chán ngán nên không thèm lên tiếng.

 

Anjuman qua đời hôm thứ sáu [ngày 4-11] tuần trước tại một bệnh viện ở phía tây thành phố Herat sau khi bị đánh đập tàn nhẫn [và mất cả nhẫn cưới]. Trong lời chỉ trích đưa ra vào hôm thứ ba, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc cho rằng vụ việc này cho thấy nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn còn tiếp diễn ở Afghanistan sau khi chế độ Taliban đã sụp đổ cách đây 4 năm. Anjuman năm nay 25 tuổi, nổi tiếng với tập thơ đầu tay Gule Dudi [còn gọi là: Gul-e-dodi] (Bông hoa u huyền).

 

Các tác giả trong độ tuổi 25 đến 35 tại Sài Gòn thì đang sống trong sự phè phỡn, vị cá nhân, vì tuổi thơ có nhiều mặc cảm, thua thiệt… nên nay tìm cách lấy lại; và tất nhiên, do không được tu dưỡng đường hoàng, nên thích sống cuộc đời vô cảm và phi nhân tính.

 

Chồng Anjuman chỉ thú nhận là có tát vợ sau một cuộc tranh cãi giữa hai người. Mẹ chồng Anjuman cũng bị bắt nhưng người ta chưa có đủ chứng cớ để buộc tội.

Hàng nghìn người đã tham dự tang lễ Anjuman tổ chức hôm chủ nhật. Homayan Ludin, một sinh viên tại Đại học Kabul, cho biết: "Sinh viên trên khắp đất nước đều rất bức xúc trước sự kiện này. Anjuman là một nhà thơ có triển vọng của Afghanistan".

 

——–

Nguồn: metimes.com,… Và một vài địa chỉ khác(16).

 

Có thể coi bài viết trên là tin trong tin. Lý Đợi sử dụng tin làm thứ chất liệu (như từ, cụm từ, hay cái gì nữa bất kì) sẵn có, chế biến chút đỉnh, làm thành bài thơ. Để bày tỏ một thái độ trước thời cuộc. Đó là “điển tích” mới, nóng hôi hổi. Tại sao không? Bản chất của tin tức báo chí là được đọc lướt qua rồi quên. Còn ở đây, nhà thơ buộc kẻ đọc bằng tâm trạng hờ hững khi trước đọc lại bản tin và kiểm nghiệm thái độ sống của mình.

Tại đây có ba điểm cần nhấn: Thứ nhất, những hoa đào năm ngoái, cánh nhạn đưa tin, núi Thái Sơn xa lơ xa lắc từng có mặt trong thơ và được cộng đồng chấp nhận, tại sao một tin thời sự liên quan trực tiếp đến thân phận thơ ca như thế không thể có mặt trong cuộc sống văn chương đương đại? Thứ hai, các bình luận mang tính liên hệ sát thực và gần như thế (các câu in nghiêng) không gây cho ta sửng sốt, giận dữ và ngao ngán hơn mấy điển tích lạ huơ lạ hoắc kia sao? Cuối cùng, bạn đọc có thể hỏi vặn nếu vậy thì nhà thơ cứ viết một bài xã luận đi, sao lại phải viện đến thơ? Và kêu một bài như thế là thơ?

Quan điểm hậu hiện đại: giải trung tâm thể loại, thao tác kết hợp và trộn lẫn các thể loại để tạo nên một thể loại văn chương khác, mới. Khi ta muốn gọi nó là bài thơ thì đó chính là bài thơ.

 

Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, nhóm Mở Miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây sốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của người đọc về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành.

Nhìn từ cuộc khủng hoảng, nhóm Mở Miệng và Phan Bá Thọ, nếu chưa “đóng góp” vào tiến trình thúc đẩy thơ Việt đi tới, ít ra lần nữa nó buộc công chúng độc giả nhận thức lại về thơ ca. Xưa nay, ta từng ban cho thơ hàng đống tính, đặt lên vai nó bao nhiêu chức năng nặng nề, ngoại trừ chức năng cơ bản nhất của nó: giải trí. Hiện tượng làn sóng thơ trẻ cực đoan về quan điểm văn hóa thơ: tuyên bố phá bỏ truyền thống, nó đòi hỏi ta nhìn truyền thống như một thực thể sinh động chứ không là cái kho báu cho ta khư khư ôm lấy hay gánh nặng để ta còng lưng mang vác; cấp tiến ở thái độ nhìn nhận sự tồn tại của văn bản văn chương: từ đó ta xét thơ có thể tồn tại bằng nhiều dạng thức chứ không riêng gì trên trang báo hay tập sách; bình đẳng ở ý hướng đặt thơ đứng ngang hàng với bộ môn nghệ thuật lẫn các loại hàng tiêu dùng khác, chứ không là sản phẩm đặc biệt gì; dân chủ trong ứng xử ngôn ngữ, nó làm phong phú vốn từ “văn học” của Việt Nam. Đã làm ta giật mình.

Đấy là cái gì mới, lạ, và… cần thiết.

 

Dù gì thì gì, một thái độ quá khích bất kì đến lúc nào đó, cũng cần tự đặt giới hạn cho mình, nếu không muốn đi vào ngõ cụt mới và, tắc tị! Trong sáng tác thơ, từ chối ngôn ngữ chợ búa đời thường, thô thiển hay “dơ dáy”, “tục tĩu”, chúng ta chỉ biểu lộ thái độ trịch thượng với ngôn ngữ, thậm phi lí và vô ích. Ngôn ngữ văn học không cần thiết phải đóng cứng trong một số quy ước quẩn đi quanh lại với mớ chữ nghĩa cao quý, phân biệt đối xử với ngôn từ bị coi là húy kị. Càng không nên xẻ ranh giữa ngôn ngữ văn chương với ngôn ngữ phi văn chương, bởi nó quá phi lí. Không thể tưởng tượng được trong văn chương lại thiếu khuyết ngôn ngữ đời thường. Mỗi thời đại, thậm chí mỗi thế hệ đòi hỏi một số hạn từ khác cho văn thơ. Có thể hôm nay ước lệ hay ẩn dụ trong thơ bị vứt bỏ, thế nhưng, nếu cứ mỗi trang đều đầy rẫy ngôn từ “tục tĩu” thì chúng thành bão hòa. Phản kháng tốt lành phần đầu của thi sĩ thành phản tác dụng nơi khúc đuôi. Chúng gây phản cảm nơi thẩm mĩ người đọc. Và, dù Mở Miệng đóng góp vào kho tàng văn chương Việt lượng ngôn từ mới, húy kị đáng kể nhưng, nếu chúng ta từ chối các từ cao sang, ngôn ngữ thơ của thi sĩ trẻ sẽ nghèo nàn biết bao. Vô hình trung chúng ta tự buộc tay chân mình, chặt gẫy đôi cánh chưa có gì là khỏe khoắn của mình, cuối cùng tự rơi vào một thế bí hệt thế hệ hôm qua, nhưng ở chiều ngược lại: đối xử phân biệt với ngôn ngữ quý phái!

Hoặc nếu có cắt dán thì chơi vài “Thời hoa đỏ lè”, hay “Mùa thu hu hu hu” thì được, còn chúng ta cứ thoải mái Hu hu hu thì còn đâu sáng tác cổ điển cho chúng đỏ lè hay đỏ hoe nữa! Trống trơn cái kho rồi còn gì?

Và, điều cốt tủy là, khủng hoảng vẫn hoàn khủng hoảng, vì nếu mãi ở lại với giải quyết ức chế xã hội, tuổi trẻ phản ứng và chỉ biết phản ứng, sức sáng tạo sẽ trì trệ, từ đó thơ mất khả năng khai phá và thăng hoa. Khủng hoảng lẩn quẩn mãi trong vòng bế tắc nghề nghiệp với phản kháng mang tính cục bộ, nhất thời, chưa một lần được đẩy tới cấp độ cao hơn. Thì làm thế nào tư tưởng nhà thơ có thể lớn? Nền thơ tiếng Việt có thể lớn?

 

Không làm thơ, nhưng thế nào là thơ, để nhà thơ làm hay không làm? Nhưng dù thế nào đi nữa, thơ phải thay đổi. Thay đổi cả cách tồn tại, để tồn tại.          

Thơ Việt sẽ đi về đâu?

Câu hỏi đã được Evan đặt ra với vài thi sĩ đang kì sung sức, hơn năm trước. Mới đây, Chân Phương lần nữa, nêu lại(17). Bức thiết hơn. Làm thế nào để đưa thơ Việt ra khỏi khủng hoảng? Một câu hỏi không dễ trả lời. Nó đòi hỏi: từ sâu thẳm, cả người viết và người tiếp nhận nhận thức CÓ khủng hoảng, chấp nhận thực trạng đó, tìm hiểu nó và, quyết tâm vượt qua nó. Chính nhà thơ đã đẩy thơ vào cuộc khủng hoảng. Và như vậy, chỉ có nhà thơ, chứ không phải ai khác – hội đoàn hay tập thể – mới có thể cứu vớt thi ca ra khỏi cuộc khủng hoảng kia.

 

Sài Gòn, tháng 3-2005

___________________

 

Chú thích

(1) Mary Klages, “Chủ nghĩa Hậu hiện đại”, trong Văn học hậu hiện đại thế giới, những vấn đề lí thuyết, NXB Hội Nhà văn, H., 2003, tr. 199.

(2) Thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2003, tr. 7.

(3) Thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 16.

(4)Gieo & Mở, Thơ và tiểu luận, NXB Đồng Nai in được 2 tập, 1995-1996.

Thơ Tự do, thơ in chung, Nxb, Trẻ, 1999.

           Tuyển tập Văn chương, NXB Thanh niên, ra tập đầu tiên vào 1999, được 8 tập.

           Viết thơ, thơ in chung, NXB Thanh niên, 2001.

           Thơ hôm nay, thơ in chung, NXB Đồng Nai, 2003.

(5) Thông tin về các nhà thơ được lấy từ trang mạng Evan.vnexpress.net, Tienve.org. Cũng xin lưu ý là, tất cả trích dẫn được ghi chú từ Evan Evan của năm 2004, chứ không phải sau đó. Vì từ 2005, Website này đã xóa hầu hết sáng tác mang tính cách tân và “ngoại vi”.

(6) Văn Cầm Hải, “Pink Floyd – Sự hồn nhiên tường đá” trong 26 nhà thơ Việt Nam đương đại , NXB Tân thư, Hoa Kì, 2002.

(7) Phan Huyền Thư, “Liều” trong Thơ hôm nay, thơ in chung, NXB Đồng Nai, 2003.

(8) Các tác phẩm của Nhóm Mở Miệng in photocopy là: Vòng tròn sáu mặt (tập thơ in chung gồm: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Văn Hiến, Hoàng Long, Nguyễn Quán) (2002), Mở Miệng, (in chung 4 tác giả) (2002); Bùi Chát, Xáo chộn chong ngày, (2003), Cai lon bo di (2004), Tháng tư gẫy súng (2006); Lý Đợi: Bảy Biến Tấu Con Nhện (2003), Trường Chay Thịt Chó (2005); Phan Bá Thọ: Chuyển động thẳng đứng (2001), Đống rác vô tận (2004); và Khoan cắt bê tông (gồm 23 tác giả, do Mở Miệng chủ xướng, Nxb Giấy Vụn ấn hành, 2005).

(9) Inrasara, “Sáo chộn với Bùi Chát”, Tienve.org, 2004.

(10) Evan.vnexpress.net, 2004.

(11) Lý Đợi, “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”, báo Thơ số 4, tháng 10.2003.

(12) Khúc Duy,“Xò lông”, Tapchitho.org, 2004.

(13) Thanh Tâm Tuyền, “Phục sinh”, dẫn lại theo Thụy Khuê, Cấu trúc thơ, Văn nghệ xuất bản, California, Hoa Kì, 1996, tr. 187.

(14) Nguyễn Quốc Chánh, “Đêm Sài Gòn” trongĐêm mặt trời mọc, NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1990, tr. 31.

(15) Lý Đợi, Evan.vnexpress.net, 2004.

(16) Hai bài thơ của Lý Đợi trên Tienve.org, 2005.

(17) Chân Phương, “Thơ Việt đi về đâu?”, Tạp chí Hợp Lưu, số Mùa Xuân 2005.

 


 

Comments are closed.