Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 21)

Hoàng Tuấn Công


○ “khéo, làm tôi vụng; vụng chẳng làm tôi ai Ý nói: Khéo thì giúp người, vụng thì chẳng giúp ai”.

Giảng nghĩa hời hợt, không rõ nghĩa.

Làm tôi” đây có ý là “hầu hạ”, “phục vụ” ai đó, chứ không phải là “giúp người”. Tục ngữ được diễn giải: Người khéo léo, tháo vát thành ra phải hầu hạ (phục vụ, làm thay công việc) cho kẻ vụng; Kẻ vụng về hoá ra chẳng phải hầu hạ (phục vụ, làm thay) cho ai. Nghĩa bóng: Khéo léo hoá ra vất vả, vụng v lại nhàn nhã chân tay. Tục ngữ Hán: “Xảo giả đa lao, chuyết giả nhàn – 巧者多勞, 拙者閑 – Người khéo phải làm mệt, người vụng được nhàn nhã. Người khéo tay và chịu khó thường cứ phải làm lụng vất vả, trong khi người lười biếng lại được nhàn hạ.” Từ điển Vũ Dung: “Qua chợ còn tin, vô duyên khỏi nhẵn má. [Khéo làm tôi vụng, vụng chẳng làm tôi ai; Khôn làm dại ăn; Người khôn nhọc lo, đứa dại ăn no lại nằm] gần nghĩa: Ngu si hưởng thái bình. Không có khả năng gì càng đỡ bị người ta lợi dụng, khai thác; Vụng v, dốt nát, đần độn càng đỡ phải lo nghĩ tính toán vất vả”.

○ “khóc dở, cười cũng dở Nói tình trạng đau buồn, nhưng không dám nói ra”.

Thành ngữ này rất thông dụng, nhưng GS Nguyễn Lân giải thích vẫn tỏ ra không hiểu. Nghĩa “tình trạng đau buồn, nhưng không dám nói ra mà GS Nguyễn Lân giảng sẽ đúng hơn với câu Ngậm đắng nuốt cay.

Khóc dở, cười cũng dở” [Thường nói: Dở cười, dở khóc; Dở khóc, dở cười; Dở cười, dở mếu] có nghĩa: Gặp chuyện trớ trêu, lâm vào tình thế khó xử, không biết nên buồn hay nên vui, không biết xử trí thế nào cho ổn.

○ “khóc dở, mếu dở Nói người ở trong cảnh buồn khổ, vì thua lỗ hoặc tiếc của”.

Chưa chính xác. “Buồn khổ, vì thua lỗ hoặc tiếc của gần nghĩa với Tiếc đứt ruột, hoặc Tiếc cay tiếc đắng hơn. Còn Khóc dở, mếu dở có nghĩa khái quát: lâm vào hoàn cảnh bi đát, khó khăn, bế tắc, không có cách giải quyết.

○ “khôn dồn ra mặt, què quặt hiện ra chân tay Ý nói: Người khôn, dù không nói ra, người ngoài cũng biết là khôn”.

Không đúng. Có câu: Nhìn mặt mà bắt hình dong; Coi mặt đặt tên; Người khôn con mắt đen sì, người dại con mắt nửa chì, nửa thau. Tục ngữ đưa ra một nhận xét, một kinh nghiệm: Tâm tính của con người, thông minh hay khờ dại biểu hiện trên khuôn mặt; cũng giống như què quặt, lành lặn thể hiện qua chân tay một cách rất rõ ràng.

Tham khảo: trong Việt Nam phong tục, mục “Tướng thuật” (thuật xem tướng) Phan Kế Bính giảng giải như sau: “Người ta bẩm thụ khí chất của trời đất mà sinh ra, có người được khí thanh tú, có người phải khí ô trọc; có người được chất tinh anh, có người phải chất thô bỉ. Thanh tú, tinh anh thì rồi ra người hiền-hậu; ô trọc thô bỉ thì rồi ra người ngu xuẩn, người bạc ác. Khôn ngoan hiền hậu thì tất được hưởng những sự phú quí phong lưu, tràng thọ danh giá, mà hiện ra ngoài thân thể mặt mũi tất nhiên đầy đặn sáng sủa, ngay ngắn phương phi; ngu xuẩn bạc ác thì tất phải chịu những sự bần tiện khổ sở, tai nạn tật ách, mà hiện ra ngoài thân thể mặt mũi tất nhiên lệch lạc, tối tăm mỏng mẻo. Ấy là cái cớ sở dĩ có phép xem tướng. Tục ngữ có câu rằng: nhân hiền tại mạo. Lại có câu rằng: khôn ngoan hiện ra mặt, què quặt hiện ra chân tay. Cũng là ý ấy”.

○ “khuôn vàng thước ngọc Chỉ những gương sáng cần noi theo”.

Chưa chính xác. “Gương sáng cần noi theo” là chỉ tấm gương cụ thể của con người, trong khi “Khuôn vàng thước ngọc” được hiểu là chuẩn mực, khuôn thước nói chung, để người ta làm theo, so sánh, kiểm chứng giá trị, xấu tốt của sự vật khác. Sách Thành ngữ Việt Nam giải nghĩa đúng: “Khuôn vàng thước ngọc Khuôn thước, chuẩn mực hoàn mĩ nhất để noi theo, cũng như kiểm chứng mọi giá trị.”; Từ điển Vũ Dung Khuôn vàng thước ngọc. [Khuôn vuông, mẫu thẳng]. Mực thước, tiêu chuẩn, mẫu mực để người ta noi theo.”

○ “làm đĩ chín phương để một phương lấy chồng Thường dùng để trách móc người nào ăn ở tệ với mình mà vẫn giúp đỡ người ấy, hoặc có quan hệ với người ấy”.

Giảng nghĩa rất kỳ lạ, khó hiểu, không ăn nhập gì với câu tục ngữ. Thông thường, đối với kẻ trộm cắp, lừa đảo, đĩ điếm, bao giờ chúng cũng trừ ra “một phương (như quê hương, làng xóm, người thân quen…) để sống tử tế, tức là trừ lại một chỗ cho mình chung sống cùng cộng đồng.

Tục ngữ Hán có câu: “Thố tử bất ngật oa biên thảo – 兔子不吃窩邊草 – Thỏ không ăn cỏ mọc cạnh hang của nó”, sách Tục ngữ Hán giải thích: “Kẻ xấu, thường là trộm cắp, đĩ điếm, không hành sự ở khu vực mà chúng cư trú”; Từ điển Vũ Dung: “làm đĩ chín phương phải có một phương lấy chồng. [Đánh đĩ chín phương phải để một phương lấy chồng] Làm bậy ở nhiều nơi, với nhiều người rồi cũng phải biết cư xử tử tế ở một chỗ để người ta còn chấp nhận được”.

○ “làm đĩ gặp năm mất mùa Lời nói bực tức khi người ta bị thất lạc trong một việc gì đã tốn công”.

Giải thích vu vơ, không rõ nghĩa. Sách Từ điển thành ngữ Việt Nam giải thích đúng: “Làm đĩ gặp năm mất mùa Không may mắn, gặp nhiu rủi ro, thất thiệt, ví như kẻ làm đĩ gặp năm đói kém, ít khách làng chơi”.

○ “làm không đụng xác, vác không đụng vai Chế kẻ lười lao động chân tay”.

Chính xác là phê phán thói lười nhác, làm không hết sức, làm lấy lệ, “dựa thừng dựa chão”.

○ “làm phúc quá tay, ăn mày không kịp Lời nói tiêu cực ngăn cản người ta đối xử tốt với người khác”.

Không có chuyện đó. Đây là lời khuyên hữu ích của tục ngữ: khi giúp đỡ ai, phải căn cứ vào khả năng, thực lực của mình, nếu cao hứng, hào phóng quá thì chính mình lại sẽ bị lâm vào cảnh khó khăn, bần cùng. Việc gì cũng phải có chừng mực, một vừa hai phải, chớ nên sa đà. Đó là một kinh nghiệm.

○ “làm rể chớ xáo thịt trâu, làm dâu chớ đồ xôi lại Ý nói: Xáo thịt trâu thì hay dai và đồ xôi lại thì không thể dẻo được”.

Giải thích hú hoạ. Thịt trâu đã dai thì xào hay nấu cũng dai; còn đồ xôi lại, thì xôi càng chín kỹ, càng dẻo, chứ sao lại “không thể dẻo được? (Người ta còn đồ xôi “hai lửa”, tức đồ xong dỡ ra để nguội, rồi đồ lại lần nữa. Cách đồ này, xôi chín kỹ nên khi nguội vẫn rất dẻo).

Thịt trâu khi xào, xáo rất hao; xôi (thừa) đem đồ lại thì bết vào, cảm giác còn ít. Ngày xưa thiếu thốn lương thực, thực phẩm, nên con rể và con dâu không nên làm công việc này, dễ bị nghi ngờ. Trong Đất l quê thói, mục “Thịt trâu”, Nhất Thanh cũng giải thích như sau: “Nấu xáo thịt trâu ngót đi nhiều, cho nên: “Làm rể chớ xáo thịt trâu, Làm dâu chớ đồ xôi lại.” Ngoài ra, còn có dị bản: “Làm rể chớ nấu thịt trâu, làm dâu chớ rang cơm nguội”, ý nói: thịt trâu nấu thường teo lại, được ít; cơm rang khô quắt lại cũng rất hao.

Tham khảo: Từ điển tục ngữ Việt: “Trâu teo; heo nở (Thịt) trâu vốn hay teo đi khi xào/nấu; (thịt) lợn vốn hay nở ra khi xào/nấu xong.” Từ điển Vũ Dung: “Trâu teo heo nở. [Trâu co bò duỗi] Thịt trâu nấu thì ngót đi, còn thịt lợn nấu dôi vì nở và không bị ngót nước.”

○ “làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi miệng (Trong chế độ cũ, người ta phân biệt nghề làm thầy tức là nghề trí óc và nghề làm thợ tức nghề chân tay) Câu này tỏ rằng trong chế độ cũ người lao động chân tay bị coi rẻ, làm chỉ đủ nuôi miệng”.

Lại là cái xấu của “chế độ cũ”, “coi rẻ” lao động chân tay! Thực ra, câu này không chỉ đúng trong chế độ cũ, mà đến nay vẫn là một thực tế không thể bác bỏ. “Làm thầy” nghĩa là lao động trí óc, hoặc đã đạt đến trình độ tay nghề cao, ít người có thể cạnh tranh vị trí, năng suất, chất lượng lao động cao, thì tiền công sẽ cao hơn. Ngược lại, làm thợ tuy vất vả nhưng là lao động tay chân giản đơn, nhiều người có thể cạnh tranh, nên tiền công ít hơn. Để làm được “thầy”, ngoài sự thông minh, người ta phải khổ công học hành, đầu tư đèn sách; trong khi đó, để “làm thợ”, câu chuyện đơn giản hơn nhiều. Đó là công bằng xã hội, không thể buộc tội cho chế độ cũ “người lao động chân tay bị coi rẻ hay “phân biệt đối xử.

○ “lãnh sự tài phán Nói chế độ ngoại giao quy định người nước ngoài ở nước nào khi phạm tội không bị toà án nước ấy xử”.

Sách của GS Nguyễn Lân có tên “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, chứ đâu phải “Từ điển bách khoa toàn thư” mà tác giả lại đưa thuật ngữ này vào làm “thành ngữ, tục ngữ? Đây chính là một trong những cái sai lớn nhất của GS Nguyễn Lân, tức không phân biệt được đâu là thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành, đâu là thành ngữ, tục ngữ.

○ “lờ đờ như đom đóm đực (Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái?)”.

Do không có kiến thức thực tế nên GS Nguyễn Lân hiểu sai nghĩa đen: đom đóm đực chỉ sáng “lờ đờ”, suy ra đom đóm cái phải sáng hơn, rồi phỏng đoán “người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái ?” Tuy nhiên vì không chắc chắn nên GS đành đánh dấu chấm hỏi (?) sau câu giải thích.

Trong thực tế, chỉ có đom đóm đực mới biết bay. Đom đóm cái (ở nhiều loài) không có cánh, thường ẩn mình trong đám cỏ, phát sáng nhấp nháy. Nhiều con đom đóm đực to, sáng, bay lừ lừ như tinh đất (ma trơi) khiến người yếu bóng vía cũng phải hoảng hồn (Thành ngữ: “Đom đóm lại nạt ma trơi”). Khi con đực đến gần bạn tình thì tín hiệu ánh sáng yếu dần rồi hoà cùng nhịp phát sáng với con cái, chuẩn bị cho cuộc giao phối. Dị bản của thành ngữ này là “Lừ đừ như đom đóm đực”, nghĩa bóng chỉ người chậm chạp trong hành động đi đứng, gần nghĩa “Lừ đừ như ông từ vào đn”. Với dị bản “Lờ đờ như đom đóm đực”, thì “lờ đờ” cũng có nghĩa là lừ đừ, chậm chạp, nói hành động (cụ thể là tốc độ bay của đom đóm đực) không phải tả ánh sánglờ đờ”.

Comments are closed.