Nông dân

(Kính dâng các thế hệ Nông Dân Việt Nam)

 

Mạc Văn Trang

 

Tôi xuất thân Nông dân, muốn viết cái gì đó để chia sẻ cho nhiều người, nhất là con cháu Nông dân hiểu về người Nông dân trong trường kỳ lịch sử.

Cái này gọi là Vè, Diễn ca hay Thơ không quan trọng, cốt sao hiểu và cảm được về người Nông dân. Nó gồm 10 Chương và Vĩ thanh, chừng 30 trang. Xin giới thiệu toàn văn (đã chỉnh sửa) và mong các Bạn có lòng đọc hết, cho vài lời nhận xét quý báu, để chỉnh sửa tiếp.

Trân trọng cảm ơn.

 

 

Chương 1

NÔNG DÂN THỜI HÙNG VƯƠNG

 

Thuở VUA HÙNG gom dân dựng nước

Dân mình đâu có được mấy mươi?

Bao la rừng rậm biển khơi

Bắt săn, hái lượm, Lúa Trời mọc lên…

 

Ôi, từ thuở khai Thiên lập Địa

Tổ tiên ta, rừng bể là nhà

Máu, mồ hôi trộn phù sa

Nên đồng, nên ruộng mới là NÔNG DÂN!

 

Lưng trần với đôi chân chai sạn

Theo Sơn Tinh, làm bạn Thuỷ Tinh

Sánh cùng thuỷ quái xăm mình

Đất, Trời, Sông, Núi… thành hình NƯỚC NON!

 

Cấy lúa nước như chăm con nhỏ

Nước vơi đầy, làm cỏ bỏ phân

Tháng ngày nom lúa lên xanh

Cái đòng có mẩy, hạt bông mới tròn.

 

Nếp Hoa vàng gạo ngon thuở ấy

Gói bánh chưng thơm bấy đến giờ

Mị Nương dâng bánh lên Vua

Trống Đồng mở hội được mùa nơi nơi…

 

Mai An Tiêm đội Trời ra đảo

Chim Lạc tha lúa gạo, hạt dưa…

Có người, có đất, nắng, mưa

Trái  Dưa
hấu đỏ, ước mơ ngàn trùng…

 

Nghe tin dữ Giặc ÂN giày xéo

Bớ Nông dân!

Tay giáo, tay liềm!

Nhà nhà góp gạo thổi cơm

Nuôi quân,

nuôi GIÓNG lớn khôn phi thường!

 

Gióng phóng ngựa, tay vung gậy sắt

Đánh tan tành quét sạch giặc Ân

Làng mời cơm…

Gióng ăn xong

Xin bái biệt Mẹ…

Thong dong về Trời.

 

Giặc tan tác…

                    lúa chờ người gặt

Nông dân nào có được nghỉ tay

“Trông Trời trông đất trông mây

Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm”…

 

Từ Vua Hùng, Nông dân là thế

Vua với Dân như thể cha con

Đánh giặc gìn giữ nước non

Bố cày, Mẹ cấy, nuôi con một bầy…

 

 

 

Chương 2

NÔNG DÂN THỜI BÀ TRƯNG

 

Nước VĂN LANG Hùng Vương nối nghiệp

Dân hiền hoà, lúa nước ấm no

Một năm hai vụ Chiêm, Mùa

Răng đen, yếm thắm, hội hè xuân sang…

 

Dân truyền tụng Rồng, Tiên nòi giống

Mẹ ru con bống bống bang bang

Miếng trầu, tiếng hát giao duyên

THẦN NÔNG Giỗ Tổ lưu truyền dân gian…

 

Dân bám ruộng quanh năm cày cuốc

Ai dấy lên mấy cuộc binh đao

Nông dân nào biết đâu nào

Nước thành ÂU LẠC…

                        thấm bao máu người!

 

Nước đã nhỏ, binh đao khói lửa

Trai chiến trường…

                         Ruộng bỏ đất hoang

Lạ gì vua HÁN gian tham 

Mấy lần Bắc thuộc lầm than mấy lần!

 

Giặc đâu chỉ tham lam cướp đất

Muốn dân ta phải tuyệt giống nòi

Mưu Tàu thâm mấy mươi đời

Sát phu, hiếp phụ…

bắt người tài đi!…

 

Ôi, lòng Mẹ khác chi biển cả

Nước mênh mang vẫn chỉ mặn mòi

Ru con chỉ tiếng ru hời

Nuôi con cơm mớm…

                       thành người dân ta

 

Dạy con nhớ, đàn gà một mẹ

Cùng anh em chớ đá lẫn nhau

Chung giàn dù bí, dù bầu

Bão bùng, mưa nắng thương nhau mới là…

 

Con khôn lớn, thù nhà nợ nước

Tay giáo gươm

                      Tay cuốc tay cày

BÀ TRƯNG kêu gọi đến ngày

Non sông giành lại về tay nước nhà!

 

Đuổi giặc giã…đàn bà phải đánh

Thân liễu bồ quyết gánh giang sơn

Ba năm giành lại nước non

Vẻ vang nòi giống, xứng con cái nhà!

 

Giặc chịu thua đàn bà đất Việt

Sử lưu truyền nỗi nhục ngàn năm

Tướng Tàu Mã Viện gian manh

Trăm mưu nghìn kế

                     Hãm thành.

                              Cướp lương…

 

Nhà cửa cháy, ruộng đồng xơ xác

Bãi chiến trường máu giặc bầm đen

Phải đâu vì nhát vì hèn

Giặc đông, quân mạnh, ta đành chịu thua!

 

 Ôi, thất trận…

Bà Trưng tuẫn tiết!

Dân vẫn còn nên nước vẫn còn!

Bao lần xương chất, máu loang

Còn Nông dân lại mùa màng tốt tươi…

 

 

 

Chương 3

NÔNG DÂN THỜI NƯỚC TỰ CHỦ

 

Từ Khúc Thừa Dụ …

đến Ngô Quyền

Dân ta xây móng đắp nền nước non

Vang lừng trận Bạch Đằng Giang

Tan quân Nam Hán…

                     Ngô Vương cầm quyền.

 

Dân yên bình, ruộng nương tươi tốt

Lúa, ngô, khoai xanh mướt làng quê

Trồng dâu, dệt lụa, ươm tơ…

Nông dân ta có trăm nghề trong tay.

 

Ngờ đâu hoạ đến ngay trong nước!

Lũ tham quan bạo ngược, cú, diều

Thổ hào, Tù trưởng, Quan liêu…

Tranh hùng, mưu chiếm ruộng nhiều dân đông…

 

Trai tráng bỏ ruộng đồng sung lính

Cùng anh em đâm chém lẫn nhau

Phải chi mưu lớn, chí cao

Ghen ăn tức ở, tranh nhau bá quyền!

 

Ôi máu chảy ruột mềm tang tóc

Vợ ôm con, mẹ khóc bạc đầu

Quân mười hai sứ đánh nhau

Máu tuôn đỏ đất…

                     Ruộng màu xác xao!

 

Đinh Bộ Lĩnh


Trời trao sứ mệnh

Dẹp yên bề thập nhị sứ quân

Hoa Lư sừng sừng Vương Kinh

Nước Đại Cồ Việt.

Vua Đinh Tiên Hoàng!

 

Khẩn đất hoang, mùa màng tươi tốt

Dân làm đồng tiếng hát véo von

Đò đưa, Cò lả, Trống quân…

Mùa xong rậm rịch Hội Xuân, Hội Hè

 

Năm hai vụ lắng nghe Trời Đất

Con nước dâng, mưa thuận gió hoà

“Lúa chiêm lấp ló đầu bờ

Nghe thấy tiếng sấm phất cờ mà lên”!

 

Vua Đinh mất…

Lê Hoàn kế nghiệp

Lê Đại Hành dẹp giặc ngoại xâm

Vua Hiền nhìn thấu nhân tâm

An Dân, lương đủ, đông quân sợ gì!

 

Mồng hai Tết Vua đi cày ruộng

Hoàng bào bay trong Lễ Tịch Điền

Vua, quan, dân chúng hàn huyên

Canh nông vi bản.

                    Gốc bền là Dân.

 

 

 

 

Chương 4

NÔNG DÂN VÀ BÁCH NGHỆ

 

Có Nông dân mới có làng có nước

Lúa, ngô xanh đồng ruộng núi non…

Loài người vẫn sẽ sống còn

Có Nông dân

với nước non ruộng đồng…

 

Trẻ biết sống từ trong trứng nước

Với bàn tay khối óc bẩm sinh

Thiên tài con nối cha truyền

Ruộng đồng

tre nứa…

                            làm nên diệu kỳ!

 

Ôi,  mái nhà…

tranh tre với đất

Rạ với rơm

không tấc sắt nào

Rui mè, vách liếp, cột kèo

Ngàn năm dông bão

gieo neo vẫn còn!

 

Buông tay cấy

mẹ con kéo sợi

Bãi dâu tằm rời rợi ai chăm?

Làm ruộng thì ăn cơm nằm

Mẹ mải chăn tằm vừa đứng vừa ăn!

 

Đất nước mấy ngàn năm vẫn sống

Đâu chỉ là áo ấm cơm no

Ai xui tiếng hát câu hò

Tễu múa rối nước…

hội mùa, hội xuân…

 

Bàn tay ai xoay vần từ đất

Nên ấm, nồi, đĩa, bát, vại, chum…

Ai xui cây trúc có hồn

Tiếng đàn, tiếng sáo véo von dập dìu…

 

Mẹ hay kể chuyện Kiều lúc rỗi

Chị bói Kiều những nỗi xa xăm

Nông nhàn vừa đỡ tay chân

Hàng xay hàng xáo chợ gần chợ xa…

 

Con trâu với dân ta làm bạn

Trải ngàn năm nắng hạn mưa bay

“Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”…

 

Ngước lên núi tưởng là Tiên cảnh

Ruộng bậc thang

       lượn sóng                                    

trập trùng

Núi cao trời rộng mông mênh

Mồ hôi ai đổ lúa xanh núi đồi?

 

Lúa, ngô, khoai… ai người chọn giống

Theo mùa màng, đồng ruộng, đất đai

Nghìn năm trồng thử – đúng – sai…

Sàng đi, lọc lại truyền đời cháu con.

 

Chiếc thuyền nan, nhà sàn, thúng mủng,

cọc Bạch Đằng, đúc súng, rèn gươm…

cũng bàn tay của Nông Dân

Đang cày, đang cuốc…

lại cầm súng, gươm!

 

Nào cung điện, chùa chiền, đền miếu

Truyền tay nghề vi diệu làm nên

Đắp đê, khơi rạch, xây thành

Đào hào, đắp luỹ, sức Dân vô cùng…

 

Dẫu trăm nghề

                    “Nhất Nông, nhì Sĩ”

“Phi Nông thì bất ổn” quốc gia

Nghề nào cũng có “Làng nghề”

Làm gì rồi cũng nhớ về quê hương

 

Ôi,

Đất nước muôn hồng nghìn tía

Vẳng trời cao tiếng sáo ngân nga…

Ôi, bàn tay của Ông Cha

Trăm nghề

từ gốc

                     vốn là NÔNG DÂN!

 

 

 

 

Chương 5

NÔNG DÂN THỜI PHONG KIẾN

 

Đất nước trải nghìn năm vua chúa

Đinh, Lý, Trần… bao thuở nhục vinh!

Triều nào rồi cũng tiêu vong

Chỉ Dân còn mãi sống cùng nước non.

 

Lý Thường Kiệt đem quân phá Tống

Dân nức lòng tiếng trống rền vang

Gạo ngon, lợn béo khao quân

Xứng danh Đại Việt, Vua, Dân một lòng.

 

Vua khuyến nông khẩn hoang, phục hóa

Giảm tức, tô thuế khoá, phu phen

Vua Hiền, khoan thứ sức Dân

Đắp đê phòng lụt…

                     xóm làng bình yên.

 

Ba lần đánh quân Nguyên tan tác

Sông Bạch Đằng xác giặc, phơi thây

“Hịch Tướng sĩ” vẫn còn đây

 Đại Vương, tướng, sĩ, dân cày chung lưng…

 

Kế “Ngụ binh ư nông” từ ấy

Óc thiên tài, lừng lẫy Tổ tiên!

Thời bình cày cuốc, thợ thuyền

Trăm nghề đua sức làm nên mạnh giàu

 

Khi giặc đến,

        một câu truyền hịch

Muôn xóm làng giáo mác đứng lên!

Chồng ra trận giữ nước non

Vợ bám đồng ruộng, nuôi con, giữ làng…

 

Nông dân ta vốn lành như đất

Vận nước cần, đứng bật vùng lên!

Quản chi hòn đạn mũi tên

No cơm, ấm áo, nước yên lại lành…

 

Vua là thuyền còn Dân là nước

Nước đẩy thuyền hay lật thuyền chăng?

Đem Đại nghĩa, lấy Chí nhân

thay cho cường bạo, thắng quân hung tàn!

 

Lời Nguyễn Trãi âm vang lịch sử

Sao cầm quyền lắm kẻ vẫn ngu?

Thời vua Quỷ, Lợn ngày xưa

Nông Dân đói khổ, loạn ly khốn cùng.

 

Đến vua Mạc Thái Tông thịnh trị

“Cửa không cài, không nhặt của rơi”…

Muôn dân trăm họ nơi nơi

Học hành, làm lụng, Hội vui Đình Chùa…

 

Lại thời loạn mấy Vua, mấy Chúa

“Đàng Trong”, “Ngoài”, còn có “Đàng Trên”

Nước non chia cắt mấy miền

Dân chia mấy ngả, chiến trường mấy phen!

 

Vợ gánh gạo đưa chồng ra trận

Lội bờ sông tiếng khóc nỉ non…

“Tùng tùng trống đánh ngũ liên

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”…

 

Nguyễn Huệ đã phất cờ khởi nghĩa

Bớ Nông dân!

Quyết chí vùng lên!

Dưới cờ Hoàng đế Quang Trung

Đánh hai mươi vạn quân Thanh tan tành!

 

Cho chúng biết nước Nam có chủ

Đánh cho Dân ta để răng đen!

Quang Trung thống nhất giang sơn

Nước non Đại Việt đã vươn rộng dài…

 

Lại Nông dân chứ ai mở cõi?

Buông giáo gươm, tay cuốc tay cày

Rừng lau sậy, bãi đầm lầy

Rắn, trăn… khuất phục dưới tay của người.

 

Cửu Long Giang Đất – Trời bát ngát

Trộn sức người với hạt phù sa

Mới nên đồng ruộng bao la

Mới thành xóm ấp, đờn ca, mùa màng…

 

Dân Khmer, Bắc, Nam hay Thượng…

Máu, mồ hôi cùng nhuốm đất này

Trải bao chìm nổi, đắng cay

Hoà chung máu huyết Dân Cày nước Nam.

 

 

 

Chương 6

NÔNG DÂN THỜI THUỘC PHÁP

 

Thực dân Pháp đem quân xâm lược

Vua yếu hèn mất nước hiển nhiên!

Lại là con cháu Nông Dân

Theo quân Khởi nghĩa đánh thằng Tây lông!

 

Nào Cần Giuộc, Đình Phùng, Đề Thám…

Máu Nông Dân tưới đẫm đất này!

Vua quan nửa tỉnh nửa say

Nông Dân chìm nổi đọa đày “dân đen”!

 

Từ có Đảng dấy lên Nghệ – Tĩnh

Mơ Nga xô khởi nghĩa cướp quyền

Giáo gươm đọ với súng bom

Máu Nông Dân đẫm đường thôn, ngõ làng!

 

Ai cày cấy, phu phen, đóng thuế

Nuôi vua quan, một lũ thực dân

Thôi đành một cổ hai tròng

Sinh ra Bá Kiến với ông Chí Phèo!

 

Nông dân vẫn đói nghèo lam lũ

Sưu thuế cao mắc nợ, lại vay…

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”!

 

Tám mươi năm xoay vần lịch sử

Trong loạn ly, lắm sự lạ kỳ!

“Tân thế giới” rủ nhau đi

Culi, Phu mỏ, Cao su, Đồn điền…

 

Trồng cà phê trên miền đất đỏ

Học nuôi bò lấy sữa kiểu Tây

Ơn bác sĩ Đa Nhĩ Sâm[1]

Thực dân mà lại được dân phụng thờ!

 

Cụ Đồ Chiểu không đi cầu sắt

Đường cái Tây…

nó bắt dân làm!

Dân thì háo hức đi xem

Hoả xa đường sắt Tây làm tài ghê!

 

Có nước máy, điện về thành phố

Cầu Long Biên rực rỡ sông Hồng

Kẻ yêu, người ghét Tây lông

Thăng Long vẫn cứ như Rồng bay lên!

 

Dân học chữ La tinh mau biết

Có Tú tài, Đại học kiểu Tây

Luật sư, bác sĩ… từ đây

Con Nông Dân cũng có ngày ước ao…

 

Đời sống mới giờ sao lạ khác

Có mấy ai còn học chữ Nho

Có ông Nghị Quế làng ta

Có Xuân tóc đỏ, có bà Phó Đoan…

 

Ôi, Lịch sử làm sao đoán được

Phan Châu Trinh nguyện ước thiết tha

Nâng cao Trí, Khí… dân ta

Có ngày Độc lập, quốc gia mạnh giàu…

 

Vẫn cày ruộng con trâu đi trước

Chín phần mười dân thuộc nhà Nông

Ước mong có được Minh quân

Noi gương Nhật Bản, tự cường vươn cao!

 

 

 

 

Chương 7:

NÔNG DÂN THỜI VIỆT MINH

 

Giữa thời buổi loạn ly thế giới

Lúc giao thời, nạn đói khiếp kinh

Nghe tin mặt trận Việt Minh

Kêu dân vùng dậy phá xiềng thực dân!

 

Nông dân bỗng trào dâng như nước

Phá kho lương, lấy thóc chia nhau

Hỡi Nông dân ngẩng cao đầu

Cụ Hồ kêu gọi mau mau cướp quyền!

 

Dân rầm rập, thét vang, vung giáo:

“Thề phanh thây uống máu quân thù”!

Tuyên ngôn Độc lập Cụ Hồ

Dân nghe náo nức như mơ ban ngày!

 

Cách mạng đã đổi thay tên nước

Làng xóm ta lập tức đổi ngay!

Tên làng “Độc lập” mới oai

Xóm Trong “Dân chủ”, xóm Ngoài “Tự do”!…

 

Ba thứ giặc diệt cho bằng hết:

Giặc đói, rồi giặc dốt, ngoại xâm

Sáng họp hành, tối mít tinh

“I tờ” inh xóm, sân Đình “mốt hai”!…

 

Thực dân Pháp lại quay xâm lược

Cụ Hồ kêu giữ nước, giữ làng!

Thà rằng tất cả hy sinh

Không chịu mất nước!

Quyết giành tự do!

 

Ai trai tráng phải lo quyết chiến

Già, trẻ con chạy loạn tản cư

Toàn dân kháng chiến trường kỳ

“Tiêu thổ“…

      Đốt phá sạch đi mặc lòng!

 

“Chém cha cái lũ thực dân

Vì mày bà phải mấy lần tản cư”!

Hết tiền hết gạo lại về

Hai mang ấm ớ hội tề sống chung.

 

Ngày cày cấy, đi phu cho địch

Việt Minh về, phục dịch đêm đêm…

Một thân nuôi cả hai bên

Ngày sợ Biệt kích…

                         Lo đêm Việt hùng!

 

Bỗng lệnh gọi: “Dân công hỏa tuyến”

Mau nuôi quân đánh trận Điện Biên!

Xay lúa, giã gạo ngày đêm

Quân ta đang đói…

đang mong từng giờ!

 

Chị gồng gánh, anh thồ xe đạp

Máu, mồ hôi, leo dốc, xuống đồi

Miệt mài như kiến tha mồi

Quân no…

Kéo pháo lên đồi…

                               nổ vang!…

 

Thắng Điện Biên!

Hòa bình lập lại!

Nông dân vui tay cuốc tay cày

Ruộng đồng dọn sạch thép gai

Gỡ mìn, phục hoá, khơi ngòi thuỷ nông…

 

Dân vẫn thuộc: “Nước, phân, cần, giống”

Tổ tiên truyền đâu dám làm ngơ

Chiêm xong lại nhớ đến mùa

Cày sâu, cuốc bẫm, phân gio trữ dành…

 

Ôi, những cánh đồng xanh lại hát

Lúa Chiêm mùa dào dạt hương bay

Nông dân no ấm từ đây

Xóm làng yên ả, bõ ngày thương đau.

 

Ai đo được tình yêu đất nước

Công, Nông, Binh, Trí thức một lòng

Thương gia, Địa chủ, Phú nông

Chung tay góp sức, chung lòng mới nên.

 

Có Bài ca Nông dân kháng chiến

“Không có Nông dân không thể thành công”!

Nhà giàu Địa chủ, Phú nông

Góp tiền, góp gạo, góp công càng nhiều…

 

 

 

Chương 8[2]

NÔNG DÂN TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

 

Sức Nông dân như diều gặp gió

Người giàu đang giảm tức, giảm tô

Bóng chuyền, hò hát, sòn đô…

Làng quê náo nức, được mùa ấm no…

 

Bỗng Đội về hô to:

                       “CẢI CÁCH”!

Cuộc “đấu tranh lở Đất, long Trời”:

“Người cày có ruộng đổi đời”

“Vùi địa chủ xuống muôn đời bùn đen”!

 

Đội bắt rễ ngày đêm Bần, Cố

Gợi căm thù, dạy đấu tố điêu

Lành như cục đất…

Một chiều…

Bỗng thành ác thú, đặt điều tố oan!

 

“Đây là cuộc đấu tranh giai cấp

Không xót thương!

Một mất một còn!

Anh em

cha mẹ,

                      vợ con

Căm thù giai cấp không còn liên quan”!

 

Mấy mươi năm tưởng quên khẩu hiệu

Năm 30[3] Đảng đã nêu cao:

“Giai tầng Trí – Phú – Địa – Hào”

“phải truy tận gốc, phải đào rễ lên”!

 

Ôi thảm cánh nghìn năm chưa thấy

Con đấu cha: “Mày biết tao không?”

Nhà kia mụ vợ đấu chồng:

“Mày đè bà hiếp, nhớ không thằng già”!

 

Không nhận tội nghĩa là ngoan cố

Phải đấu cho gục cổ mới thôi

Khảo tra, bỏ đói, đoạ đày

“Bóc lột, phản động”…

cho mày thành ma!

 

Bao địa chủ tham gia kháng chiến

Gạo nuôi quân, vàng hiến tiếc gì

Bỗng đâu cải cách bị quy

“Việt gian phản động”…

                     tức thì bắn ngay!

 

Nỗi oan khuất Đất dày Trời thẳm

Biết bao nhiêu Bà Nguyễn Thị Năm?

Sửa sai sao được chết oan?

Hồn còn ẩn khuất hàng trăm nghìn người!

 

Bần, cố nông vui cười hí hởn

Càng đấu hăng, càng được ruộng màu

Tịch thu “quả thực” chia nhau

Tủ chè đựng thóc, lát cầu hoành phi!

 

Đuổi Địa chủ ra rìa đầu xóm

Che lều tranh, kiếm sống nuôi nhau

Nồi niêu bát đĩa còn đâu

Bắt con chuột nướng, mót đầu khoai lang!…

 

Ôi thê thảm, xóm làng hắc ám

Người gặp người…

chẳng dám nhìn nhau!

Tưởng như người ít, ma nhiều

Nỗi oan rửa đến bao nhiêu cho vừa!

 

Bỗng nghe tin Cụ Hồ đứng khóc

Nhận lỗi lầm

Cải cách đã sai!

Lỗi này quy kết cho ai?

Từ trên xuống dưới đã sai cả rồi!

 

“Đội SỬA SAI” lại về hội họp

Thư Cụ Hồ dịu ngọt nguôi ngoai

Thôi thì chín bỏ làm mười

Tình làng, nghĩa xóm, trông người, ngẫm ta…

 

Chuyện sửa sai kể ra bao nỗi

Bịa, vu oan những tội kinh hoàng

Người lành bỗng hóa ác ôn

Tại sao lại bán linh hồn của ta?

 

Con khóc thảm gặp cha, quỳ lạy

Vợ van chồng, sám hối từ đây!

Ví như một bát nước này

Hất đi, hốt lại, có đầy được chăng?

 

Có người chết nay phong Liệt sĩ

Người oan sai được sửa thành phần

“Quả thực” chia cho Cố, Bần…

Trót rồi, bỏ quá, một lần “hy sinh”!

 

Nông dân vốn cái Tình là trọng

Lại anh em trong họ, ngoài làng

Tưởng rằng Sai.

                         – Sửa là xong

Ai ngờ lý lịch Đảng cầm trong tay!

 

“Án thành phần” còn đày đọa mãi

Bần, cố nông ưu ái trăm phần

Con nhà Địa chủ, Phú nông

Giỏi giang thì cũng “thành phần… khả nghi”!

 

Bần cố nông từ khi được thể

Muốn toàn dân suy nghĩ như mình

“Kẻ nào phát biểu linh tinh”

Cho đi cải tạo, nhục hình, chừa đi!

 

Cuộc cải cách còn di chứng mãi

CÁI Ác lên…

huỷ hoại TÍNH NGƯỜI

Đấu tố…

dòng dã chưa nguôi

Quê hương, đất nước…

thành nơi đấu trường!

 

Đến bao giờ không còn ÁC – ĐẤU

Người khác người nhân hậu thương nhau

Vườn hoa hương sắc muôn màu

Cùng vươn trên đất đẹp giàu Quê hương?!

 

 

 

Chương 9

NÔNG DÂN THỜI HỢP TÁC XÃ

 

Sau Cải cách mùa màng lại tốt

Bần Cố nông có được ruộng, trâu

“Ơn Bác, ơn Đảng ghi sâu

Bần Cố có Ruộng, có Trâu đổi đời”!

 

Mấy vụ lúa bời bời xanh tốt

Tổ đổi công, Dân trợ giúp nhau

Ai giỏi giang biết làm giàu

Được bầu Tổ trưởng, bảo nhau cùng làm…

 

Bỗng tin đâu ầm vang:

“HỢP TÁC”!

Cấp trên về hội họp toàn dân

Nào đồng chí Tỉnh uỷ viên

Nào là cán bộ Trung ương về làng:

 

“Hợp tác xã” con đường hạnh phúc

Theo Liên Xô, Trung Quốc, đổi đời

“Cầm vàng còn sợ vàng rơi

Vào Hợp tác xã đời đời ấm no”!

 

Nông dân vốn ngu ngơ nào biết

Bọn thanh niên háo hức xem phim:

Nông trường, Công xã Nhân dân

Máy cày, máy gặt…

                      Đồ ăn ngập tràn!

 

Đảng giải thích, Nông dân tự giác

Hai con đường chọn một, tự do:

Vào hợp tác, theo Liên Xô

Làm ăn “cá thể”… là đồ theo Tây!

 

Đảng, Đoàn họp thẳng tay xác quyết

“Cuộc đấu tranh một mất một còn”!

“Hợp tác phải trăm phần trăm

Đối tượng cá thể, thành phần… dẹp ngay”!

 

Nông dân vốn theo bầy, theo hội

Cấp trên về đã nói là nghe

Làng này, xã nọ thi đua

Góp trâu, góp ruộng, phá bờ, chia lô…

 

Xoá tư hữu nhà kia, nhà nọ

Ruộng, trâu bò, nông cụ của chung!

Sáng chờ tiếng kẻng, ra đồng

Tối về hội họp bình công ai nhiều…

 

Nhà khốn khổ, “ăn theo” mấy khẩu

Thóc theo công, ai bẩu đẻ nhiều!

Đói ăn vụng, túng làm liều

Của chung cứ trộm, bao nhiêu, sợ gì!

 

Cảnh cha chung ai kia muốn khóc?

Ruộng cằn khô…

Trơ xác trâu bò!

Thi đua rồi lại thi đua

Cán bộ ra tận đầu bờ thúc quân!

 

Đâu túm tụm là Dân bàn tán

Xã viên làm cho cán bộ xơi

“Mỗi người làm việc bằng hai

Để cho Cán bộ mua đài, sắm xe”!

“Mỗi người làm việc bằng ba

Để cho Chủ nhiệm xây nhà, xây sân”!…

 

Người với Đất ly thân ruồng bỏ

Lúa phạc phờ cho cỏ mọc lên

Vật vờ như kẻ vô hồn

Thấy gì cũng nghĩ…

                    Bỏ mồm được chăng?

 

Trên lại về “điều nghiên”, “cải tiến”

Chỉ đạo xây thí điểm mô hình

Nêu gương hợp tác Định Công

“Đi xem rồi mới biết ông bị lừa”!

 

Mò con ốc, con cua để sống

Năm phần trăm[4] mới ruộng của mình

Gặt về giấu thóc cho nhanh

Ăn mau đỡ đói…

       Cất dành phòng thân!

 

Cuộc chiến tranh miền Nam như lửa

Hút sức người sức của toàn dân

“Thóc không được thiếu một cân

Bộ đội không được thiếu quân một người”!

 

Làng xóm rặt đàn bà, con gái

“Ba đảm đang”, tay cấy tay cày

Bé Khoa đã viết câu này:

“Giữa trưa tháng sáu

Nước như nấu, chết cả cá cờ

Cua ngoi lên bờ, mẹ em xuống cấy”!…

 

Mong Tết đến, đêm ngày tha thiết

Được mỗi nhà một suất thịt heo

Có xương, nạc, mỡ bèo nhèo

Phân theo nhân khẩu, nhà nhiều, một cân!

 

“Không sợ thiếu”!

Công bằng trên hết!

Phải cân đo tí thịt, tí xương

“Diện chính sách” được ưu tiên

Thêm một miếng thịt…

Nhịn nhường cho nhau!

 

Lúa, ngô, khoai…

thu mua bằng hết

Cấm lưu thông…


Đuổi bắt tịch thu…

Trẻ già chỉ một ước mơ

Bao giờ được bữa cơm no, áo lành!

 

Phận Nông dân thôi đành nhịn mặc

Không phiếu tem, vá rách mà che

“Cha bà hợp tác hợp te

Phân cho mảnh vải không che kín l…ồn”!

 

Dân chất phác…

lâu dần thành tệ

Dạ dày thay cho nghĩ bằng đầu!

Tranh ăn, tranh ở, đấu nhau

Gian mạnh dối trá, còn đâu thiện lành!

 

Nào lý lẽ “ba năm gian khổ”

Cho “muôn đời hạnh phúc” cháu con!

Nào, “vì giải phóng miền Nam”

“Phải hợp tác xã!

                      Phải làm gấp đôi”!…

 

Ai chân thật máy môi thử hỏi:

Hưng Đạo Vương, Lê Lợi, Quang Trung,

Điện Biên lừng lẫy chiến công

Đâu cần hợp tác?

Coi chừng tù oan!

 

Phùng Gia Lộc, đói ăn, sắp chết

Cố gào lên tiếng thét sầu bi:

“CÁI ĐÊM HÔM ẤY ĐÊM GÌ?!”

Nói lên tất cả, còn chi phải bàn!

 

 

 

Chương 10

NÔNG DÂN THỜI “ĐỔI MỚI”

 

Đúng giữa lúc Dân tàn, nước kiệt

Chết hay là tìm cách đổi thay?

Nhớ năm Tám sáu[5] từ đây

Đảng cho “CỞI TRÓI” Dân cày một phen!

 

Lại nhốn nháo làng trên xóm dưới

Nhà mấy người, mấy khẩu ăn theo

Gần, xa, tốt, xấu chia đều

Nhà mấy mảnh ruộng, hùa nhau cấy cày!

 

Ôi, thương quá, Dân nay có ruộng

Mừng hét lên:

Đường sống đây rồi!

Vợ chồng, con cái oằn người

Thay trâu cày kéo…

                      mà vui nở mày!…

 

Đất chẳng phụ người cày người cấy

Đất với người tái hợp thương nhau

Nào ngô, khoai, sắn, đậu, rau…

Có Người có Đất, lúa, màu hồi sinh.

 

Chỉ hai vụ, dân mình no bụng

Đảng không còn…

“vác thúng đi xin”

Bo bo, mì hẩm… phận hèn

Vừa nhục quốc thể vừa thêm bẽ bàng!

 

Dân lại phải “dồn điền đổi thửa”

Bớt mún manh chia nhỏ ruộng đồng

Máy cày, máy gặt, máy bơm…

Nông dân tự sắm…

“Mình làm, mình ăn”!…

 

Mới dăm vụ ba năm “cởi trói”

Lúa gạo thừa, Dân gọi xuất đi…

“Đổi mới”…

Trở lại ngày xưa!

“Ơn Đảng sáng suốt”…

Dân đi đúng đường!

 

Nhớ năm trăm Nông trường nhà nước

Biệt tăm hơi, còn một Ba Sương

Lừng danh Giám đốc Nông trường

Anh hùng…

Bỗng bị…

                       chính quyền tống giam (?)

 

Từ Đổi mới doanh nhân bùng phát

Nhiều kẻ nhờ “cạp đất mà ăn”!

Những phường quỷ quái ma lanh

Sân sau quan chức tranh giành đất đai.

 

Bọn cá mập, đúng sai bất kể

Nhòm chỗ nào thấy bở là khoanh!

Chính quyền ra lệnh công an

“Thu hồi”, “giải toả” đất nhanh tức thời!

 

Nghìn dự án dầu sôi lửa bỏng

Trăm sân golf, giải phóng cho nhanh

Đây khu đô thị Bà Sành

Kia là Resort của anh Bảy Rằn…

 

Luật Đất đai “toàn dân sở hữu”

Nhưng Chính quyền là Chủ điều hành

Thương thay Dân vốn hiền lành

Mất nhà, mất đất…

                      khóc than thấu Trời!

 

Mẹ lại dặn con ơi nhớ lấy

Cướp bây giờ lắm giặc, nhiều quan

“Cướp nay có đảng, có đoàn

Có còng, có súng, công an, nhà tù”!…

 

Có ai thấu…

Thủ đô…

                         mưa rét…

Dân oan nằm la liệt vườn hoa

Đảng, Đoàn, Quốc hội, Thanh tra

Giả câm, giả điếc như là vô can!…

 

Nông dân vốn hiền lành chất phác

Uất tận cùng giữ đất liều thân

Mẹ con lõa thể khóc than

Có người treo cổ, người cầm giáo, gươm!

 

Oan ức quá sẽ bùng tự phát

Đoàn Văn Vươn liều chết giữ nhà

Lừng danh tướng Đỗ Hữu Ca

Chỉ huy “đánh đẹp”…

                       Tan nhà Văn Vươn!

 

Ecopark Văn Giang kinh khiếp

Dương Nội càng thương biết mấy mươi!

Thủ Thiêm oan khuất ngút Trời

Lộc Hưng tan tác rụng rời một đêm!…

 

Quên sao vụ Đồng Tâm khủng khiếp

Tranh đất đai mà giết Cụ Kình

Moi gan, mổ bụng đảng viên

Tử hình mấy án, tù giam mấy người!

 

Ôi, đau đớn!

Đất đai oan nghiệt!

Đất với Người một kiếp sinh ra

Người Hiền thì Đất nở hoa

Người ác thì Đất hoá ra hận thù!

 

Bao nhiêu đất thu mua rẻ mạt

Bao “Đại gia” đại phất từ đây

Mới hay tham lắm, mặt dày

Gieo nhân ác, sớm có ngày bại vong!

 

Bao nhiêu đất ruộng đồng xôi mật

Chiếm xong rồi cỏ mọc hoang vu…

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều”!

 

Bỏ Đất hoang phải là tội ác

Tội đọa đày cho Đất lầm than!…

“Ai ơi tấc Đất tấc vàng”

Tội này có thể xem thường được sao?

 

Nước muốn mạnh, ngành nào cũng trọng

Công, Nông, Thương …

biết sống cùng nhau

Hỏi vì đâu?

Cớ làm sao?

Bao nhiêu thua thiệt vận vào Nông dân?

 

Bao làng bản xóm thôn heo hút

Trai gái làng lũ lượt ra đi

Vạn trai xuất khẩu culi

Mấy vạn gái đẹp theo đi chồng Hàn! …

 

Đảng vẫn nói chủ trương chính sách:

“Dân ly nông mà bất ly hương”…

Than ôi!

        Đất của Chính quyền

Dân không có đất…

Quê hương nghĩa gì!

 

Nhìn Thế giới không đi mà học

Bao nước làm Nông nghiệp giàu lên

Thương thay, đất nước quê hương

Ruộng đồng, sông nước…

xem thường, xem khinh!

 

Vua quan từ Nông dân là chính

Ơn mẹ cha một nắng hai sương

Làm quan rồi bỗng coi thường

Đất đai, đồng ruộng, quê hương của mình!?

 

Làm lãnh đạo coi khinh, không biết

Thương đất đai, trọng thị Dân cày

Mong chi đất nước có ngày

Giang sơn bền vững đổi thay bằng người?

 

 

 

VĨ THANH

 

Ôi, sức sống Nông dân là vậy

Từ Hùng Vương trải mấy ngàn năm

Tay này đánh giặc ngoại xâm

Tay kia cày cuốc nuôi quân, nuôi mình!

 

Vua Hiền biết chăm Dân là gốc

“Phi nông thì bất ổn” quốc gia

Nằm lòng kế sách Ông Cha

“Ư nông” biến hoá lại là “ngụ binh”!

 

Nhớ lại thuở tối tăm “Vua Lợn”

Dân đói nghèo cướp trộm như rươi!

Người thành ác thú với người…

Vua minh, Dân lại an vui thiện lành…

 

Đất với Người tương sinh cùng sống

Ngu, biến thành tương khắc với nhau

Đất – Trời – Người có khác đâu

Thiên thời, Địa lợi, Dân giàu, Nước hưng!

 

Nông nghiệp BẨN, Nông dân thành ÁC

Nông nghiệp XANH, Dân lại THIỆN LÀNH

Của ngon mình lại nuôi mình

Chăm cho nòi giống đẹp xinh, tráng cường!

 

Ôi, Đất nước mấy lần còn mất

Bao máu xương giữ được hôm nay

Nông dân tay súng tay cày

Nghìn năm xưa

tưởng như ngày hôm qua!

 

“KỶ NGUYÊN MỚI”!

Kỹ – Công – Thương nghiệp

Bung sức Dân sẽ tiến kịp người.

 

Ước mong…

Khấn Đất, cầu Trời

NÔNG DÂN – NÔNG NGHIỆP

                         đổi đời nước Nam!

 

30/10/2024

 

This image has an empty alt attribute; its file name is image-165.png

Tác giả đi bên phải, hướng dẫn nhà văn Đào Vũ (đầu trần) cầm bừa
trên ruộng hợp tác xã Vũ La (6/1958).


This image has an empty alt attribute; its file name is image-167.png

Các câu đối ở đình Mai Động (Hà Nội) bị đóng thành ghế ngồi
cho hợp tác xã.
Ảnh: Nguyễn Bá Khoản, do Gs Nguyễn Huệ Chi công bố.



[1] Yersin.

[3] 1930.

[4] 5%

[5] 1986.

Comments are closed.