THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (7): Từ các bản dịch Le pont Mirabeau nghĩ về dịch Thơ

Hoàng Hưng

 

Bài viết của Chân Phương vừa đăng trên Văn Việt về một số bản dịch Le pont Mirabeau rất thú vị, qua đó có thể nghĩ nhiều điều về dịch Thơ. Tôi xin góp bàn vài ý.

Thơ Apollinaire ở giai đoạn “cầu Mirabeau” chưa ra khỏi hẳn thơ Pháp Thế kỷ 19 với ảnh hưởng của trường phái Tượng trưng (Symbolisme), chữ nghĩa không có gì tân kỳ rắc rối, tạo hình đẹp và đặc biệt là tính nhạc cao (De la musique avant toute chose – Âm nhạc là trước tất cả mọi thứ – Paul Verlaine).

Vì thế, dịch bài này tưởng dễ mà hoá ra rất khó.

Đoạn khó dịch nhất của bài thơ chắc chắn là khổ thơ này:

Les mains dans les mains restons face à face

Tandis que sous

Le pont de nos bras passe

Des éternels regards l’onde si lasse

Đầu tiên là khó chuyển nhạc điệu. Trong bản gốc, nguyên cả khổ thơ chỉ là một câu thơ chảy vắt 4 dòng mà lại ngắt dòng chệch chỗ ngắt mệnh đề (câu văn thông thường sẽ ngắt: Tandis que/ sous le pont de nos bras/ passe / des éternels regards l’onde si lasse). Rõ ràng nguyên bản đã tạo ra nhạc điệu một dòng chảy miên man mà nhịp sóng lại bất định và có những chỗ hẫng hụt bất ngờ của con sông. Và vần asse được lặp lại ở cuối cả 3 trong 4 dòng đã diễn tả không thể tuyệt vời hơn tiếng sóng đập đều đều vào chân cầu. Có bản dịch tiếng Việt nào chuyển được âm điệu và nhịp điệu ấy không?

Khó ngay cả về nghĩa. Các bản dịch của những tên tuổi uy tín lại khác nhau một cách đáng ngạc nhiên. Hãy so sánh:

Bản Phạm Công Thiện (có lẽ là bản tiếng Việt sớm nhất, trước 1975): chỉ là bản dịch nghĩa xuôi, chưa thành thơ, nhưng qua đó ta có thể thấy một cách hiểu khá phổ biến:

Tay trong tay mặt hãy nhìn mặt

Đang lúc dưới

Cầu của những cánh tay đôi ta lướt

Dòng nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu.

Bao nhiêu lần đọc đi đọc lại, nhưng quả thực tôi không hiểu “dòng nước mệt mỏi của những thoáng nhìn thiên thu” là thế nào, mặc dù dịch giả giải thích: “Thi nhân nhớ lại ngày xưa cũng nơi đây, thi nhân cùng người yêu âu yếm nhau, tay trong tay, mặt đối mặt, đang lúc ấy cánh tay của hai người choàng qua như một cây cầu (le pont de nos bras) và dưới cầu tay ấy những thoáng nhìn thiên thu của đôi tình nhân không khác gì dòng nước mệt mỏi lướt chảy dưới cầu (l’onde des éternels regards).

Gần đây, Chân Phương (nhà thơ, dịch giả ở Mỹ) dịch “thoáng” câu này:

dưới đó lượn lờ uể oải

những ánh mắt nhìn nhau không thôi

Tuy dịch giả lẩn ý những làn sóng trong cụm từ “lượn lờ uể oải”, nhưng vẫn thấy anh coi những làn sóng này là “những ánh mắt nhìn nhau không thôi”.

Bản Nam Dao (nhà thơ, nhà văn, dịch giả ở Canada) cũng gần đây:

Tay trong tay, mặt đối mặt

Trong vòng ôm, cầu giăng ngang

ta  nhìn nhau

tình mãi chứa chan

thì dịch giả đã hoàn toàn thoát ly nguyên bản, gần như bỏ hẳn hình ảnh làn nước và ánh mắt thiên thu. (Trong một bản dịch cũ của Nam Dao mà Chân Phương đưa lên FB của anh, ta thấy có dị bản ở đó Nam Dao hiểu đó là “những gợn sóng chán chường” khi hai người “nhìn sâu trong mắt” nhau).

Tuy diễn đạt hơi khác nhau, nhưng nghe chừng về cơ bản ba dịch giả trên đều hiểu giống nhau. Mấu chốt là ở từ “de” đều được các vị ấy hiểu là “của”: “des éternels regards l’onde si lasse” – dạng đảo ngữ của “l’onde si lasse des éternels regards” – được hiểu là: “làn nước mệt mỏi CỦA những thoáng nhìn/ ánh mắt thiên thu”. Và “ánh mắt thiên thu” được hiểu là ánh mắt của đôi người yêu nhìn nhau. Nhưng vậy thì xin hỏi: sao lại có sự “mệt mỏi” trong ánh mắt của hai người đang “mặt nhìn mặt tay cầm tay” rất chi là Kim Trọng – Thúy Kiều ấy?

Quả đáng tội, ngay nhiều bản dịch tiếng Anh cũng hiểu khá mơ hồ về khổ thơ này:

We’re face to face and hand in hand

         While under the bridges

    Of embrace expire

Eternal tired tidal eyes

(Donal Revell)

dịch nghĩa: “Chúng ta mặt đối mặt tay cầm tay/ Trong khi dưới những cây cầu/ [làm bởi vòng ôm của ta] thì tắt ngúm/ những con mắt sóng triều mệt mỏi thiên thu”. Tức là đồng nhất “ánh nhìn/ con mắt” với “làn sóng nước”.

Theo ca từ của một bản nhạc nổi tiếng của ban The Pogue:

Hands holding hands

Let us stand face to face

While underneath the bridge

Of our arms entwined slow race

Eternal gazes flowing

At wave’s pace

(… những cái nhìn thiên thu chảy với nhịp chậm của sóng nước).

Ôi! Kể cũng đau đầu nhỉ!  

Thế nhưng, ta thử thay cách dịch một từ, thì có khi lại ra một cách hiểu hoàn toàn khác.  Hãy dịch DE trong câu trên không phải bằng CỦA mà bằng VÌ: “bên dưới cầu trôi đi làn nước mệt mỏi VÌ những ánh mắt thiên thu” (tham khảo Francoise Sagan khi bà đặt tên cho một tiểu thuyết của mình: “De guerre lasse” = mệt mỏi, chán chường VÌ chiến tranh kéo dài).

Khi lần đầu tiên dịch bài thơ này trong những năm 1970, tôi cũng cảm thấy phải dịch theo nghĩa vừa nói mới thuận lý. Có điều thú thật tôi chưa nghĩ được cụ thể cái “lý” của nó là gì. Tại sao làn nước lại mệt mỏi vì ánh mắt thiên thu? Và ánh mắt thiên thu là ánh mắt của ai? Tình cờ tôi tìm được lời giải trong một lần gặp nhà thơ Chế Lan Viên (ý kiến của ông cũng được ông viết ra ở đâu đó tôi không nhớ chính xác). “Ánh mắt thiên thu” ở đây chính là những ánh sao trời vạn thuở đêm đêm chiếu xuống dòng sông Seine. Và làn nước sông bị những ánh mắt bất động ấy chiếu nhìn suốt đêm này sang đêm khác, phải mệt mỏi quá chừng chứ gì nữa?

Ý của khổ thơ bừng sáng. Trong hoài niệm (cũng là mộng ước bất thành) của tác giả, cuộc tình tha thiết của đôi trai gái trở thành cây cầu cố định bắc cao bên trên dòng chảy miên viễn như thách thức sự biến đổi bất tận của thời gian vô hạn vô tình; hai mắt nhìn nhau (nồng nàn) của đôi lứa – trong phút ấy, ở chỗ ấy – chấp những ánh nhìn lạnh lẽo “thiên thu” của vũ trụ. Đó chẳng là bản chất sức mạnh của Tình Yêu sao?

Có thể nói, hình tượng trên (cùng với nhạc điệu như đã nói) khiến cho khổ thơ này là quan trọng nhất, hay nhất của bài thơ. Nó thống nhất với điệp khúc chuyên chở tư tưởng chủ đề: “vienne la nuit, sonne l’heure/ les jours s’en vont je demeure” (cho đêm cứ về, cho chuông cứ điểm giờ/ ngày tháng ra đi nhưng tôi vẫn ở lại [tôi vẫn khăng khăng một tình yêu ấy]).

Cách dịch của tôi muốn làm rõ ý ấy:

Cứ mặt nhìn mặt, cứ tay cầm tay

Cánh tay mình kết cầu này

Cho làn nước dưới kia chạy trốn

Những ánh nhìn muôn thuở chán chường thay

 

Cho đêm cứ về, cho giờ cứ điểm

Tháng ngày đi anh vẫn còn đây

 

Mới đây tôi đọc trên mạng có bản tiếng Anh này dịch giống ý mình:

Hands joined and face to face let’s stay just so

            While underneath     

The bridge of our arms shall go

Weary of endless looks the river’s flow

(Richard Wilbur)

Khổ cuối của bài thơ Le pont Mirabeau cũng có một câu được hiểu khác nhau.

Passent les jours et passent les semaines

Ni temps passé

Ni les amours reviennent

Sous le pont Mirabeau coule la Seine



Vẫn theo Phạm Công Thiện giải thích:

Ngày đi, tháng đi, năm đi, những tuần lễ trôi đi, thời gian bên ngoài trôi đi mất, chỉ còn thời gian bên trong tâm tưởng là không đi và những mối tình cũng không trở lại (Ni les amours reviennent) và nước sông Seine vẫn xuôi lạnh một dòng sầu dưới cầu Mirabeau để cho mấy mầu thời gian trôi đi mất và chỉ còn lại thi nhân đứng nhìn con sông xa nguồn mà tê tái (je demeure).

Trong khổ này, họ Phạm hiểu “ni temps passé” là “thời gian [bên trong tâm tưởng] không đi” trong khi “những mối tình [thì] không trở lại” (“ni les amours reviennent”), tức là đối lập hai vế không. Một bản dịch sau đó của Tế Hanh cũng hiểu như thế. Và bản dịch đầu tiên của tôi những năm 1970 cũng thế.

Cũng hiểu như thế là Nam Dao:

thời gian không trôi

         tình không trở lại

Nhưng khi làm tập tuyển Thơ Apollinaire (1997) thì tôi sửa theo nghĩa ngược lại, là: cả quá khứ lẫn tình yêu đều không trở lại. Vì như thế mới có lý. Và không thể suy diễn chủ quan “ni temps passé” bằng ý tưởng “quá khứ bên trong tâm tưởng thì không đi”.

Ngày qua rồi lại tuần qua

Mà quá khứ không trở về

Mà những cuộc tình không trở lại

Dưới chân cầu trôi mãi dòng Seine

Đặng Tiến (nhà phê bình thơ ở Pháp) và Chân Phương hiểu giống tôi (và cũng giống các bản dịch tiếng Anh):

Thời gian qua

Như tình không trở lại

(Đặng Tiến)

thời gian qua

và tình không trở lại

(Chân Phương)

Tại sao có cách hiểu ngược nhau thế nhỉ? Ở đây có vấn đề về ngữ pháp. Theo ngữ pháp tiếng Pháp chuẩn mực, kết cấu phủ định: ni… ni… như trong câu thơ trên đòi hỏi phải có thêm ne ở vế sau: “Ni temps passé/ ni les amours NE reviennent” (cả thời quá khứ lẫn những mối tình đều không trở lại). Vậy là nhà thơ Pháp… viết sai ngữ pháp tiếng Pháp? Khó tin thật dù đó là sự thật? Song lời giải đáp có thể rất đơn giản: Apollinaire đã… sử dụng “quyền thi sĩ” để “lờ” qui định ngữ pháp, giống như nhiều nhà thơ hiện nay. Điều “tùy hứng” rất thi sĩ này của thi sĩ khiến cho những người dịch (thường coi các văn bản tiếng Pháp là “chấp hành” rất nghiêm chỉnh ngữ pháp chuẩn) lúng túng. Và đó có lẽ cũng là một trong các yếu tố “phá cách” khiến Apollinaire trở thành tiếng nói báo hiệu chủ nghĩa hiện đại của thơ Pháp.

Tóm lại, chỉ qua câu chuyện dịch một bài thơ ngăn ngắn như Le pont Mirabeau, có thể thấy dịch cho lột được cái hay của một bài thơ nguyên tác là vô cùng khó khăn. Phải giỏi tiếng, phải thấm nhuần văn hoá của bài thơ nguồn, tất nhiên rồi; hơn thế nữa, còn phải là một nhà thơ trong tiếng đích và còn hơn nữa, một nhà thơ có sự đồng cảm với tác giả.       

 

THAM KHẢO:

 

 

Một số bản dịch tiếng Anh:

 

Mirabeau Bridge

 Translated by DONALD REVELL

Under Mirabeau Bridge the river slips away

          And lovers

    Must I be reminded

Joy came always after pain

 

 

         The night is a clock chiming

         The days go by not I

 

         The night is a clock chiming

         The days go by not I

 

Love elapses like the river

         Love goes by

    Poor life is indolent

And expectation always violent

 

         The night is a clock chiming

         The days go by not I

 

The days and equally the weeks elapse

         The past remains the past

    Love remains lost

Under Mirabeau Bridge the river slips away

 

         The night is a clock chiming

         The days go by not I

 

As sung by The Pogues on their album

 

The Mirabeau Bridge

Under the Mirabeau bridge flows the Seine 
And our loves 
Must I remember them
Joy always followed after pain

 

Let the night fall and the hours ring
 The days go away, I remain

 

Hand in hand let us stay face to face
while underneath 
the bridge of our arms passes
the so-slow wave of eternal looks

Let the night fall and the hours ring
 The days go away, I remain

 

Love goes away like this flowing water
Love goes away
 How slow life is
How violent hope is

 

Let the night fall and the hours ring 
The days go away, I remain

 

The days pass and the weeks pass Neither past time 
Nor past loves return
 Under the Mirabeau bridge flows the Seine

Pont Mirabeau

Below the Pont Mirabeau
 Slow flows the Seine 
And all our loves together
 Must I recall again 
Joy would always follow
 After pain

Let night fall, let the hours go by
 The days pass on and here stand I

ve’s pace

Let night fall, let the hours go by
 The days pass on and here stand I

Love runs away
 Like running water flows
 Love flows away
 But oh how slow life goes
 How violent is hope
 Love only knows

Let night fall, let the hours go by
 The days pass on and here stand I

The days flow ever on
 The weeks pass by in vain 
Time never will return 
Nor our loves burn again 
Below the Pont Mirabeau
 Slow flows the Seine

Let night fall, let the hours go by 
The days pass on and here stand I

 

Mirabeau Bridge

Translated by Richard Wilbur

Under the Mirabeau Bridge there flows the Seine

            Must I recall

     Our loves recall how then

After each sorrow joy came back again

           

Let night come on bells end the day


The days go by me still I stay

 

Hands joined and face to face let’s stay just so


            While underneath
     

The bridge of our arms shall go


Weary of endless looks the river’s flow

           

Let night come on bells end the day


            The days go by me still I stay

 

All love goes by as water to the sea


            All love goes by
     

How slow life seems to me


How violent the hope of love can be

           

Let night come on bells end the day


            The days go by me still I stay

 

The days the weeks pass by beyond our ken
           

Neither time past
     

Nor love comes back again


Under the Mirabeau Bridge there flows the Seine



 

Let night come on bells end the day
           

The days go by me still I stay

 

 

Một số bản tiếng Việt mới có:

 

Bản Đặng Tiến (2011):

 

Dưới cầu Mi-ra-bô xuôi sông Xen

Và tình ta

Cần chăng mà nhớ mãi

Buồn sẽ qua và niềm vui trở lại



Hãy đến đêm hãy điểm giờ

Ngày tháng trôi tôi trơ vơ



 

Tay trong tay cùng nhìn nhau đối diện

Dưới vòng tay

Bắc cầu mãi trôi đi

Làn sóng mệt nhoài ánh nhìn vĩnh viễn



 

Hãy đến đêm hãy điểm giờ

Ngày tháng trôi tôi trơ vơ



 

Tình ra đi như con nước xuôi dòng

Tình ra đi

Đời sao là chậm chạp

Và sao là khốc liệt nỗi Chờ Mong



 

Hãy đến đêm hãy điểm giờ

Ngày tháng trôi tôi trơ vơ



 

Ngày lại qua ngày tháng tháng cũng qua

Thời gian qua

Như tình không trở lại

Dưới cầu Mi-ra-bô xuôi sông Xen



 

Hãy đến đêm hãy điểm giờ

Ngày tháng trôi tôi trơ vơ

 

 

Bản Ngô Bảo Châu (2014):

 

Dưới cầu Mirabeau

sông Seine chảy

Cùng cả tình ta

Để mà nhớ mãi

Sau nỗi đau

niềm vui trở lại

 

Dù đêm đến

chuông đồng hồ đã gióng

Mặc thời gian trôi, tôi ở lại

 

Tay trong tay

mắt nhìn vào mắt

Tay đan nhịp cầu

Cái nhìn muôn thủa

Sóng nước hững hờ

 

Dù đêm đến

chuông đồng hồ đã gióng

Mặc thời gian trôi, tôi ở lại

 

Tình yêu đi mãi

như nước chảy.

TÌnh yêu đi mãi.

Cuộc đời trễ nải.

Hy vọng lại điên cuồng.

 

Dù đêm đến

chuông đồng hồ đã gióng

Mặc thời gian trôi, tôi ở lại

 

Ngày đã qua rồi

tuần cũng qua

Quá khứ không quay lại

Tình yêu không quay lại

Dưới cầu Mirabeau

sông Seine chảy

 

Dù đêm đến

chuông đồng hồ đã gióng

Mặc thời gian trôi, tôi ở lại.

Tham khảo thêm về các bản dịch và lời bàn về Le pont Mirabeau ở mạng Diễn đàn Paris: http://www.diendan.org/dich-thuat/cau-mirabeau

 

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.