TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT MỞ (3): Pháp quyền/ Pháp trị (3)

Tìm hiểu thêm về “Pháp quyền”, “Pháp trị”

Thuận Thiên

Là một kẻ “ngoại đạo” về cả ngữ học lẫn luật học, chính trị học, sau khi đọc 2 bài trên Văn Việt về cặp thuật từ “pháp quyền/ pháp trị”, tôi muốn tìm hiểu rõ thêm về những thuật từ này qua những bài viết đã có trên mạng. Sau đây là một số ghi nhận:

1/ Từ bài ‘Rule of Law’ or ‘Rule by Law’? In China, a Preposition Makes All the Difference viết về cuộc họp toàn thể ban lãnh đạo ĐCS Tàu năm 2014.

http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2014/10/20/rule-of-law-or-rule-by-law-in-china-a-preposition-makes-all-the-difference/

Trong thông cáo của cuộc họp, Ban lãnh đạo tuyên bố khẳng định xây dựng nền “pháp trị” 法治, nhưng Tân Hoa xã dịch ra tiếng Anh là “rule of law” và coi đó là “quyết định sự sống” (vital) cho những cải tổ kinh tế “định hướng thị trường” (market-oriented economy, chứ không phải “thị trường định hướng XHCN” như VN!)

Tuy nhiên, có những học giả như John Delury, một sử gia người Tàu tại Đại học Yonsei lại bảo “dịch như thế là sai căn bản, sai một cách chủ ý”. Gốc của vấn đề là do câu tiếng Hoa không có giới từ, nên “pháp trị” có thể dịch ra hai nghĩa khác nhau: “rule of law” (sự thống trị của pháp luật, tức “pháp quyền” như chúng ta hiểu) hay “rule by law” (sự cai trị bằng pháp luật). “Rule of law” buộc có sự công bằng và sự áp dụng có thể định trước, trong khi “rule by law” không đòi hỏi thế, thí dụ như Bộ Luật Nuremberg của Hitler thì không thể nói là công bằng hay việc áp dụng có thể định trước (minh bạch, không thể suy diễn tùy tiện)

2/ Trong bài “Pháp trị là gì?”, Bo LI (Lý Ba) phân biệt “pháp trị” theo quan niệm Âu Mỹ và “Dụng pháp trị” theo truyền thống Tàu:

“Pháp trị” là một trong những khái niệm luôn được nói tới nhưng hiểu biết rất ít trong truyền thông đại chúng và đối thoại hàng ngày ở Trung Quốc hiện nay.

Khởi đầu, tôi muốn lưu ý rằng ngày nay khi nói đến “pháp trị”, chúng ta nói đến một vấn đề hoàn toàn khác hẳn với quan niệm “pháp trị” như một phương tiện của các pháp gia thời thượng cổ trong lịch sử Trung Hoa. Ngày nay khi nói tới “pháp trị”, chúng ta muốn mô tả bộ phận chủ yếu của nền trật tự xã hội và chính trị tìm thấy tại Hoa Kỳ và các nước tự do dân chủ thời đại hiện tại. Nói cách khác, bàn tới “pháp trị”, chúng ta muốn nói tới một truyền thống Tây phương phát xuất từ cộng hòa La Mã và đã được phát triển toàn vẹn bởi thuyết hiến pháp trị tự do, mà đặc điểm của nó, qua lời của Max Weber, là “ưu thế của luật pháp”.

Khác biệt giữa “dụng pháp trị” [*] và “pháp trị” thật quan trọng. Sống dưới “dụng pháp trị,” luật pháp là một công cụ của chính quyền, và nhà cầm quyền ở trên pháp luật. Trái hẳn lại, sống dưới “pháp trị,” không một ai vượt qua luật pháp, kể cả chính quyền. Cốt lõi của “pháp trị” là một cơ chế luật pháp độc lập. Theo pháp trị, quyền hạn của luật pháp không lệ thuộc quá nhiều vào tính chất phương tiện của luật, mà vào mức độ độc lập của luật, tức là tùy vào mức độ khác biệt và biệt lập giữa pháp luật với những cơ cấu tiêu chuẩn khác như chính trị và tôn giáo. Là một trật tự luật pháp độc lập, pháp trị có ít nhất ba ý nghĩa. Thứ nhất, pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực của chính phủ. Thứ hai, pháp trị là sự bình đẳng trước pháp luật. Thứ ba, pháp trị là thẩm quyền tài phán phải tuân theo thủ tục tố tụng đã được ấn định trước. Chúng ta sẽ bàn về từng ý nghĩa này của pháp trị.

Thứ nhất, là công cụ điều chỉnh quyền lực, pháp trị có hai nhiệm vụ: giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền của chính phủ, đồng thời khiến cho chính phủ trở nên sáng suốt và chính sách của nhà nước khôn ngoan hơn.

Đối lập của pháp trị là nhân trị. Có hai loại nhân trị. Loại thứ nhất là “thiểu số trị”, chẳng hạn như độc tài chuyên chế và tập đoàn chuyên chế. Loại thứ hai là “đa số trị”, thí dụ tiêu biểu là nền dân chủ Hy Lạp thượng cổ. Yếu tố chung của nhân trị là đặc trưng cho rằng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Thế nên, dưới nhân trị, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo (chính quyền) có thể làm.”

http://www.icevn.org/vi/phaptrilagi

Như vậy, tác giả muốn hiểu “pháp trị” là “sự thống trị của pháp luật” (rule of law), còn “dụng pháp trị” là “cai trị bằng pháp luật” (rule by law).

3/ Tác giả Hà Dương Tuấn, trong bài tham gia thảo luận trên Văn Việt cho rằng: “Pháp quyền, khi hiểu trong ý nghĩa là một nguyên tắc cao nhất của nhà nước, không thể tách khỏi dân chủ. Hiến Pháp (bộ luật tối thượng chi phối mọi luật pháp của nhà nước) phải do một quốc hội bầu ra một cách dân chủ soạn thảo, và Hiến Pháp đó phải cao hơn mọi quyền lực khác, phải độc lập với mọi đảng phái.
Chỉ có như thế “pháp quyền” mới là “rule of law”, mà có thể dịch chính xác là sự thống trị của Pháp luật. Dĩ nhiên, có pháp quyền cũng phải có pháp trị, nếu không thì vô nghĩa. Nhưng có thể có pháp trị mà không có pháp quyền”.

Tuy nhiên trong phần cuối, tác giả lại định nghĩa: “Pháp quyền là quyền đặt ra pháp luật (kể từ bộ luật cao nhất là Hiến Pháp), một cách dân chủ. Bốn chữ cuối này là quy ước sử dụng — được xác định trong lịch sử — của từ ngữ pháp quyền. Không có quy ước ấy thì không rõ quyền là quyền của ai.”

Thiết tưởng tác giả mở rộng nghĩa “pháp quyền” ra “quyền đặt ra pháp luật” (quyền lập pháp, thực tế ở các nước đó là quyền của Quốc hội) như thế có thể làm rối rắm nghĩa của “rule of law”.

4/ Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng (“Pháp quyền hay pháp trị” – Tạp chí Tia Sáng):

“Thực ra, nhà nước pháp quyền hay nhà nước pháp trị thì đều là những thứ do người nước ngoài nghĩ ra. Nhà nước pháp quyền có nguồn gốc tư tưởng từ Châu Âu. (Trong tiếng Pháp, đó là “Etat de droit”; trong tiếng Đức, đó là “Rechsstaat”). Nhà nước pháp trị có nguồn gốc tư tưởng từ Trung Quốc cổ đại. Ngoài ra, lại còn có khái niệm pháp trị (Rule of law) theo cách hiểu của người Anh-Mỹ.  Khái niệm pháp trị theo cách hiểu của người Anh-Mỹ rất gần với khái niệm nhà nước pháp quyền của người Châu Âu. Thế nhưng, khái niệm nhà nước pháp trị (hay cũng được gọi tắt là pháp trị) theo cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại (tiêu biểu là của Hàn Phi Tử) thì lại hoàn toàn khác hẳn.

Khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Trung Quốc cổ đại đối lập với khái niệm đức trị. Pháp trị là dùng pháp luật để cai trị (Rule by law), chứ không phải dùng đạo đức để cai trị (Rule by moral). Trong trường hợp này, pháp luật chỉ là công cụ của nhà nước, và nhà nước đứng trên pháp luật. Mà như vậy thì “may nhờ, rủi chịu”, một nhà nước chuyên quyền, độc đoán có thể ban hành mọi thứ pháp luật, kể cả những thứ xâm phạm các quyền cơ bản của con người để cai trị.

Còn khái niệm pháp trị trong cách hiểu của người Anh-Mỹ thì đối lập với khái niệm nhân trị. Pháp trị là pháp luật cai trị (Rule of law), chứ không phải con người cai trị (Rule of person). Trong trường hợp này, không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.

Theo cách hiểu như trên, pháp trị là một trật tự pháp lý độc lập (với chính trị, tôn giáo…). Nó bao gồm ba ý nghĩa cơ bản. Pháp trị là công cụ để điều chỉnh nhà nước (điều chỉnh quyền lực); Pháp trị có nghĩa là tất cả mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật; Pháp trị có nghĩa là bảo đảm công lý về thủ tục và về hình thức.”

… “Khái niệm nhà nước pháp quyền của người Châu Âu rộng hơn khái niệm pháp trị của người Anh-Mỹ: về cơ bản nó bao gồm khái niệm pháp trị nói trên kết hợp với những tư tưởng và nguyên tắc của chủ nghĩa lập hiến tự do.”

Sau khi phân tích như trên, TS Dũng đề nghị: “việc lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền là điều chúng ta nên khẳng định”, nghĩa là ông: 1. Dịch khái niệm “rule of law” thành “pháp quyền” 2. Dịch “rule by law” là “pháp trị” và cho rằng trong “pháp quyền” đã bao gồm “pháp trị”.

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=257&CategoryID=3

5/ Qua các tài liệu tuyên truyền của ĐCSVN, ta thấy đảng này đã “sáng tạo” ra một khái niệm mới: “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” (một trong số hiếm hoi ý niệm chính trị mà “đảng em” này “vượt qua” cả “đảng anh” về óc sáng tạo).

Như trong một bài trên tạp chí Cộng Sản, ta đọc thấy:

“Từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền đã có bước phát triển. Nếu như ở Đại hội VII, Đảng ta mới chỉ xác định yêu cầu phải xây dựng nhà nước pháp quyền và mới chỉ định hình được rằng, đó là nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ để quản lý mọi mặt đời sống xã hội, thì đến Đại hội VIII, Đảng ta lại xác định thêm tính “xã hội chủ nghĩa” cho nhà nước pháp quyền, tức là chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở đây, chúng ta thấy bước phát triển tư duy lý luận của Đảng về nhà nước pháp quyền là ở chỗ đã đề cao tính pháp chế, coi đó là đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng coi trọng khía cạnh đạo đức như một thuộc tính của xã hội chủ nghĩa.

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen/2014/25460/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-Viet.aspx

và điều khác biệt giữa hai “nhà nước pháp quyền” được tạp chí này chỉ ra một cách thật đơn giản:

“Về mặt tư duy lý luận, có lẽ điểm khác biệt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam so với các nhà nước pháp quyền khác là ở cơ chế vận hành của nhà nước, bởi vì ở các nhà nước pháp quyền tư sản thì cơ chế vận hành phổ biến là “tam quyền phân lập”. Việc Đảng ta xây dựng cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, chính là dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về nhà nước và pháp luật.”

Nhận xét: Ngay khi định nghĩa Nhà nước pháp quyền “là nhà nước có năng lực định ra một hệ thống luật pháp đồng bộ để quản lý mọi mặt đời sống xã hội”, tạp chí CS đã giảm thiểu ý nghĩa “pháp quyền” (quyền thống trị của pháp luật đối với toàn xã hội, bao gồm chính quyền, đảng…) chỉ còn là công cụ “quản lý” của chính quyền đối với người dân. Vậy mà hình như chưa yên tâm với một “nhà nước pháp quyền” kiểu ấy, ĐCSVN lại nhấn rõ đây là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Và với cách diễn giải ở trên, ta đọc thấy nội hàm của khái niệm “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chỉ có thể là một kiểu “dụng pháp trị” của một tầng lớp thống trị bắt nguồn từ thời “các pháp gia” trong lịch sử cổ đại Tàu? Và từ chỗ đề cao “nhà nước pháp quyền” đến chỗ “xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ĐCSVN đã lùi một bước nghiêm trọng về tư duy thể chế?

6/ Riêng với người viết bài tìm hiểu này, một cách phân biệt giản dị “pháp quyền” và “pháp trị” là đưa ra một loạt khái niệm có chung gốc từ để đối sánh:

– Pháp quyền/ thần quyền/ vương quyền/ dân quyền/ chính quyền/ đảng quyền… cho thấy “Pháp quyền” là quyền lực tối cao của pháp luật (mà Luật mẹ là Hiến pháp), mà đối tượng chịu quyền là cả đảng, chính quyền, lẫn dân chúng.

– Pháp trị/ nhân trị/ đức trị, toàn trị/ kỹ trị… cho thấy “pháp trị” là biện pháp cai trị bằng pháp luật, dựa vào pháp luật, có thể chỉ đơn thuần là thủ thuật cai trị dân của giai cấp/ đảng/ nhóm lợi ích thống trị.

Điều mà nước Việt đang cần một cách khẩn thiết chính là xây dựng một “nhà nước pháp quyền” đúng nghĩa, giống như mọi quốc gia văn minh khác trên thế giới.

Comments are closed.