Thơ Phapxa Chan

PHAPXA CHAN, NGÀY RA ĐỜI

Nguyễn Đức Tùng

Lời giới thiệu của tác giả Nguyễn Đức Tùng về tập thơ mới xuất bản của Phapxa Chan – Ngày Ra Đời Của Gió.

Một trong những chức năng của thơ là nhớ lại. Sự bí ẩn, các huyền thoại, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thơ là sự trở lại với trạng thái vô tội. Trạng thái ấy bị hy sinh bởi chiến tranh, chủ nghĩa tiêu thụ, sự phát triển văn minh kỹ thuật vô tội vạ và những xáo trộn lịch sử. Dân tộc ngày một già đi, cằn cỗi. Chúng ta lạc đường, xô dạt về một góc tối của nhân loại.

Thơ của Phapxa Chan là sự chú ý đến điều ấy. Thực ra, con người càng nghi ngờ càng chú ý, nhưng sự chú ý này là trạng thái cảnh giác đối với thế giới. Có một chú ý khác: sự kết hợp giữa lòng tin và sự nhớ lại.

nhà tôi có một tường hoa

tôi đã trồng khi không muốn ở đó

tôi đã trồng khi muốn bỏ đi

Thơ như thế là lời tụng ca đối với đời sống. Giữa các nhà thơ trữ tình và cách tân hôm nay, mà số lượng ngày càng đông đảo, anh thuộc về số ít những người chọn cách truyền đạt thông điệp của mình một cách lặng lẽ kín đáo; vì vậy thơ anh chứa năng lượng của ý nghĩa.

Phapxa Chan, tức Nguyễn Khánh Duy Xavier, bắt đầu làm thơ sau khi đã sáng tác nhiều ca khúc từ thuở nhỏ. Anh là học trò của thầy Nhất Hạnh, xuất thân từ Bát Nhã. Do những hỗn loạn thời ấy, anh rời khỏi đời sống tu viện, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn trong tâm hồn và cái viết của anh. Những kinh nghiệm về đau buồn và thương tiếc làm nên tính âm nhạc trong thơ. Đó là một loại thơ trữ tình tìm cách kể lại lịch sử cá nhân và cộng đồng, gồm nhiều đối thoại và độc thoại. Sự kể chuyện của Phapxa là phi tuyến tính, gồm những mảnh rời, không kèm theo các diễn dịch. Tôi đọc thơ anh trong im lặng, tìm thấy ở đó những chỉ dấu cho một con đường bên trong, ẩn mật. Tính chất hiện đại và cả hậu hiện đại trong thơ Phapxa Chan không phải là sự trang sức mà là sự cần thiết, chúng là biểu hiện cho các nhu cầu nội tại, cho sự mô tả khác đi thế giới khách quan, cho những câu hỏi. Anh viết chưa nhiều, con đường thơ còn dài, nhưng vết chân mà anh để lại khá sâu, dễ nhìn thấy, không nhầm lẫn với người khác.

ngoài trời có còn mưa không

anh muốn đi ra cánh đồng một mình

muốn lần về phía bờ sông

muốn nhai một búi cỏ sương

muốn trườn trên một tảng đá

muốn hú một tiếng thật dài

muốn đái một bãi dưới trăng

muốn tưới lên mu bàn chân

một dòng nước ấm

Bài thơ của anh nắm giữ được các khoảnh khắc, là sự phối hợp giữa một bên là phong cách u nhã, có tính thiền, có lẽ do căn bản giáo dục, một bên là phong cách nghệ sĩ, phóng túng, nổi loạn, điều ấy thể hiện không những trong tư tưởng mà cả trong ngôn ngữ. Hai khuynh hướng có thể rất khác nhau, nhưng một khi sự cân bằng được kiểm soát, thơ ấy là thành công của nghệ thuật biểu hiện, hơn là nghệ thuật giao tiếp. Trong thơ Duy, có một tìm kiếm, một người, một vắng mặt. Sự tìm kiếm ấy xuất hiện bàng bạc, tạo ra tâm thức tựa như ao ước, thèm khát, như một tuổi thơ thiếu vắng. Bài thơ có nhạc điệu không quá xa cổ điển, khá thân mật, ít phá phách, gần với mối liên kết giữa người và người. Một số thơ trữ tình của anh giống các tình khúc và bài hát cho trẻ nhỏ. Lòng yêu đời, cái nhìn mới mẻ, không phải là không lo âu, đối với cuộc sống, là nhịp đi căn bản của thơ anh.

Con đường của Phapxa Chan có thể mở ra nhiều khả năng không ai nhìn thấy hết. Giữa các nhà thơ hôm nay, anh là một trong những tiếng nói mới, tuy không hoàn toàn khác lạ, tươi tắn nhưng trầm tư, là tiếng nói mà người yêu thơ và các nhà phê bình sẽ chú ý. Thơ ấy không phải chỉ là cảm xúc mà còn là, và chính là, kinh nghiệm. Trong sự buông thả của mỗi cá nhân, tiếng nói của đấng sáng tạo vang lên. Sự sống là sự rung động. Rung động là âm nhạc. Là những xúc động nguyên thuỷ, sinh ra từ các quá trình nguyên thuỷ, sự đói, sự khát, linh tính, tình dục, sự ham muốn, bạo lực, ngấm ngầm trong mỗi con người.

anh đã quen những lá thư ra khơi mãi mãi

hồi âm là sóng cả chứ không phải tiếng em

anh đã quen lời mình vùi trong gió

hồi âm đây — nỗi im ắng rừng chiều

anh đã quen tự mình phải hiểu

đường bay về của những chuyến chim đêm

chở số phận qua từng vùng không phận

nơi mà ta chỉ có thể lặng nhìn

anh đã quen lần sờ từng đường vân mặt đá

mà tưởng như đang sờ chạm mặt em

và dỏng tai nghe tiếng rừng trút lá

anh hỏi lòng — em muốn nói gì chăng?

Bài thơ này là một bài hát hay về sự bất cần, sự phóng túng, mà tôi nghe được. Giữa thiên nhiên bị tàn phá, xã hội băng giá, sự loại trừ và huỷ diệt trở thành một phần của ý thức. Anh làm chủ ngôn ngữ, di chuyển giữa các khuynh hướng phê phán và siêu hình, giữa thức điệu (modes) cổ điển và hoang dại. Anh viết về đời sống hôm nay, nơi anh đang sống, yêu thương, giận dữ, lạc lối và tìm đường. Thiên nhiên đối với anh không phải chỉ là một thế giới bên ngoài, nơi bạn bị nuốt chửng ở đó, mà còn là một với con người.

Sự ám ảnh của nhà thơ là tình yêu, sự thật và nhịp điệu thiên nhiên. Niềm tin của bạn càng mãnh liệt đối với những điều ấy, giọng điệu của bạn càng thanh thản, hồn nhiên, ngôn ngữ càng nhiều nhạc tính, và đó là những thứ mà tôi tìm thấy trong thơ Phapxa Chan.

                                                                                                                        N. Đ. T

***

Ảnh: Nguyễn Đức Tùng

Trú địa cuối cùng

 

trong buổi chiều đời phiền muộn

tôi thẫn thờ nhìn nắng nhuộm cỗi những bức tường

những phiến lá non

một bài thơ cô đơn

bảy vì sao lạc lối

 

tôi làm dịu linh hồn bằng cách liếm láp chút nhựa cây

và sửa soạn hành trang đi vào đêm tối

 

tôi run rẩy vẽ một dấu chấm than cuối dòng

như mũi kim treo giọt máu

như thập giá mất hai tay

lơ lửng giữa không trung

một cái đầu rơi ngược

 

một mảnh rơi ra từ ký ức cổ xưa

hình thành nên thế giới

nơi tôi được bất chợt sinh ra

với một cái tên

và kề bên

người bạn chung nôi:

nỗi buồn sơ sinh trắng nõn

 

mẹ tôi kiệm lời

bà chỉ ru tôi bằng ngôn từ của đá

 

ngày buồn quá

bạn rủ tôi lên đường

để đi theo theo mơ hồ những lời chuyện kể

 

thế giới này có thật lớn không?

sao tôi cứ mãi đăm đăm nhìn theo một cánh nhạn

nhạn cô đơn chập chờn miền hữu hạn

gói thiên thu trong một nhịp thở than

 

thế giới này có thật lớn không hả nỗi buồn?

sao người im lặng thế

lẽ nào

người sợ

làm vỡ

hoàng hôn

 

tôi ngậm cười

buông mình thành giọt

giọt lặng rơi

rơi mãi

đáy

thung

sâu

 

em!

tôi sợ đứt lắm cái cổ họng bé nhỏ kia ơi

khi em cất lên một thanh âm cao vút

giọng hát vói tới trăng

bằng một làn tơ mỏng

 

em không sợ sẽ chết sau khi hát ư?

em bảo nếu cứu được một bài hát thì… có sao đâu

em chỉ sợ lũ cò vạc không có chỗ náu thân

trong những ngày đại hàn sắp tới

 

tôi bảo

tiếng hát của em

 

là trú địa cuối cùng

cho tất cả

mọi

cánh

chim

 

nơi nào em đang hát

xin đừng cho tôi nghe thấy

 

nơi nào tôi đang chết

xin em đừng nhìn thấy

 

cứ yêu thôi

bàn tay nhỏ bé

em chẳng thể theo tôi

thiên lý dặm trường

 

cứ yêu thôi

lòng ta nhỏ bé

tôi cũng chẳng thể theo em

về

cát bụi

thiên thu.

 

Đêm khói đắng

 

muốn nốc căng căng một ngụm khói đêm

để lời mình vuột trôi về đáy họng

muốn vứt thêm thêm triệu bước lãng quên

quên đường xá gót hằn thêm vết bỏng

 

vẫn thường quên đường đêm thường rất mỏng

bước mạnh là vỡ thật đấy ta ơi

sẽ tõm rơi vào lòng đêm lạnh cóng

sẽ nuốt chôn đáy họng mấy muôn lời

 

đêm buôn buốt ta mơ mòng đầm ấm

phố xanh xao ai mộng mị thắm nồng

nụ khói đêm hay nụ hôn thèm ngậm

cánh hoa khuya chăng cánh gió hư không

 

ta đi mãi thẫn thờ miền đất rộng

vẳng đâu đây chân dộng bước giật mình

ta trôi mãi lênh đênh khung trời rỗng

níu tai ai lời gió vốn vô thinh

 

nên ta nốc nốc trôi đêm mặn đắng

nên ta nghe nghe vắng vắng riêng ta.

 

Một đêm

 

một đêm làm đường sắt

nghe bánh tàu rít lên

một đêm làm mặt đất

nghe bước người xéo trên

 

một đêm làm người điên

nghe chuyện đời bất tận

một đêm làm đèn đêm

soi lệ người từng ngấn

 

một đêm làm da phấn

chiều tay ai thoả thuê

một đêm làm bùn lấm

vấy chân người mỏi mê

 

một đêm làm hàng ế

trĩu vai ai quẩy về

một đêm làm lời dế

ru đêm dài lê thê

 

một đêm dài như thế

một đêm dài như nào

một đêm dài hơn thế

một đêm dài hơn sao

 

một đêm dài nhân thế

một đêm dài hư hao

một đêm dài không thể

không thở dài hay sao?

 

Đợi tàn

 

ta mỏi tay

không viết nổi một bài thơ dài

phố mỏi vai

chẳng sáng chong được đêm mãi

người đàn bà và hàng nước

ván cờ đêm còn đánh dở

người đàn ông lần sờ bước

quán phở khuya vừa mới mở

 

cắn một miếng quẩy giòn

thấy mình vừa trượt qua miếng ớt

mấy đồng lẻ trong túi còn

biết đời lang thang còn vài đợt

 

ôm một cô gái điếm ngủ

ta mơ mòng thèm lời ru

biết bao nhiêu là cho đủ

biết bao nhiêu để cho bù

ta chờ em

thức dậy cùng nhau trong buổi sáng

ta là đêm

chỉ đợi bình minh để được tàn.

 

Ngờ ngợ

 

sao cũng phố ngày xưa

nhưng ướp trong nỗi nhớ

bỗng lung linh bất ngờ

làm chân ai ngờ ngợ

 

cô đặc cả giấc mơ

thành vị đường ngọt lịm

ngăn cách một làn mưa

đèn đường đêm chợt tím

 

từ lúc khép đôi tim

gió dường như thích hát

ríu rít hơn cả chim

khóm cây bừng hương ngát

 

sóng biếc và nắng tràn

trải đường trưa trông ngóng

tay dạn và môi ngoan

chiều vuột qua thật chóng

 

chiều qua rồi đêm chong

phố chỉ còn nỗi nhớ

mưa tạnh rồi đêm hong

lòng chỉ còn ngờ ngợ

 

ấy là thực hay mơ

ấy là mơ hay thực

ta đã ngủ hay chưa

hay chưa từng tỉnh giấc?

 

Nếu có thể

 

ngày mai

hãy đưa anh một hòn đá

một cốc nước

và tất nhiên

lửa

đừng quên

đưa anh một cái gạt tàn

anh búng ánh mắt em

sau giấc ngủ.

 

Bồ câu

 

buổi sáng và những

vết

thương

bồ

câu

 

nàng dắt tôi qua từng con phố

xứ sở mà chân chúng

tôi giẫm lên

thi thoảng

rên khe

khẽ

 

buổi sáng và những

tảng đá đeo trên

màng tim của

thành phố

co bóp

cùng

tôi

 

buổi sáng và

nàng

đi

rồi

 

những vết thương

biến thành

bồ câu

bay

đi.

 

Xin một lần đối diện quê hương

 

ta lo cỗ ngựa chàng bị thương

bởi vó kia nhân từ quá đỗi

vẽ chi những âu yếm trên mặt mũi quê hương

 

sao chẳng giản đơn gọi đây là mặt đất

mà lại là mặt mũi quê hương?

 

ngựa chàng uống nước bên giậu hoa xanh

lén nhìn dải yếm ai phất phơ trong tưởng tượng

hai linh vật tưởng tượng nhìn nhau

 

qua giậu bờ biếc xanh tưởng tượng

ta tưởng tượng những vết thương

mà mặt mũi quê hương giấu bưng sau lớp bụi

 

ngay cả những mặt người mà người ta còn vùi lấp

huống chi là mặt quê?

 

và mặt quê hương chẳng còn

những vó tang thương của ngựa hoa chàng vỗ

chàng gõ bút mép bàn

còn ta lắng nghe lời ê a sau ngõ chữ

 

một nỗi niềm khắc sâu vừa đủ

để ta chẳng muốn quay về

tham dự vào lữ đoàn viễn chinh ra khơi không trở lại

ngựa chàng trấn biên thùy văn tự

hí vang thúc giục xuống dòng

 

nhịp thơ chẳng thể loãng mờ nơi bóng trăng đáy cốc

hay nhung lụa sương khói cao nguyên

 

ta nhắm mắt nghe nắng nheo mi mỏng

cơn lửa nung thiêu tán lá kia cũng rũ mình thoái thác

chỉ còn giấc ngủ thiên niên

chàng gõ ta nghe dấu son tuấn mã

ta hứa sẽ ngủ sâu và mơ một thiên giậu biếc

 

ta lo cỗ ngựa chàng bị thương

và lòng ta cũng hoại tử

ôi những vó bi thương trên thịt da lỗ rỗ

 

nếu đất kia còn mặt

xin một lần đối diện quê hương.

 

Tự tình mõ mẻ

 

xin hãy nghe lời tôi

lời mõ mẻ

những tiếng đục

tiếng chát

tiếng chua

những âm thanh mảnh dẻ

chẳng làm sao ấm nổi một góc chùa

 

xin hãy nghe lời tôi

khẽ rung run

những mạng nhện, tổ giun

những hang dơi, ổ kiến

những nhát đau dưới tay người nện

bật tôi lên tiếng khùng khục ho khan

 

đệm nhịp cho tiếng kinh kệ huy hoàng

hay lời văn dâng quan, tiến mẫu

có khi cùng choang choác mẹ đốp

hoà ca bản chiềng chạ thị mầu

 

có khi nằm yên đấy chẳng bao lâu

lại có kẻ coi mình là bảo vật

rồi giã từ bùn đất

để lĩnh án lồng kính bảo tàng

 

còn giờ đây giữa nhập nhoạng hôn hoàng

và bình minh mờ ảo

chim nội còn thương lời mõ tôi ảo não

biếu tôi ngay bãi phân nóng giữa đầu.

 

Đêm trong tu viện buồn

 

tu viện buồn

tu viện cô đơn

tu viện lạnh

 

ni cô buồn

ni cô cô đơn

ni cô lạnh

 

ni cô ôm gió ngủ

tu viện choàng chăn đen

suối băng từ mắt phật

dập tắt ngọn vừa nhen

 

ni cô lên chánh điện

khêu lại ngọn đèn thiền

để tỏ soi công án

tim phật có nhỏ nhen

 

nếu tim người rộng rãi

nay con quyết một phen

chui vào co ro ngủ

ấm áp trọn một đêm

 

ni cô cầm dao nhọn

toan một nhát tâm xuyên

nhưng tim ngài sắt đá

dao ấy chẳng bõ bèn

 

ni cô buồn

ni cô cô đơn

ni cô lạnh

 

tu viện buồn

tu viện cô đơn

tu viện lạnh

 

ni cô về tịnh thất

ân ái với gió đêm

mặc phật ngồi giữa điện

rơi trộm giọt tim đen.

 

Trích từ tập Ngày ra đời của gió

Comments are closed.