Vòng tròn ma thuật (kỳ 1)

Arthur Koestler

Phạm Nguyên Trường dịch

vong-tron

Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Giấy Vụn

Cuộc cách mạng tháng mười Nga năm 1917 đánh dấu một sự kiện chưa từng có trước đó trong lịch sử nhân loại: Lần đầu tiên, một nhà nước mới được xây dựng một cách hoàn toàn duy lý dựa trên một hệ thống triết học được coi là “khoa học nhất”, “tiến bộ nhất”, với mục đích đập tan tất cả các mâu thuẫn của tất cả các hình thái xã hội trước đó để tạo lập một xã hội mới thực sự tự do, thực sự công bằng. Lãnh đạo cuộc cách mạng là Lenin, một nhà chính trị cuồng nhiệt đồng thời là nhà triết học sắc sảo và nhà hùng biện nảy lửa. Ông là đại diện của một thế hệ trí thức dấn thân mạnh mẽ cuối thể kỉ 19 đầu thế kỉ 20 ở châu Âu, những người không cam chịu “lý thuyết suông” mà quyết tâm “biến lý thuyết thành hành động” theo tiếng gọi đầy hứng khởi của Karl Marx: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”. Chính khát vọng “cải tạo thế giới” đã giúp qui tụ quanh Lenin những triết gia-chiến binh, những trí thức và văn nghệ sĩ tài năng nhất của nước Nga thời đó để làm nên một cuộc cách mạng “long trời lở đất” và dựng lên Nhà nước Cách mạng đầu tiên trên thế giới.

Vòng tròn ma thuật là câu chuyện thâm sâu và xúc động về một triết gia-chiến binh ngoại hạng, người đã chiến thắng những cuộc chiến tàn khốc nhất với kẻ thù để góp phần dựng lên Nhà nước Cách mạng, nhưng rốt cuộc lại bị chính Nhà nước Cách mạng đó kết án tử hình. Bi kịch của ông, đồng thời là bi kịch của toàn bộ cuộc cách mạng vô sản, là một trong những bi kịch nhức nhối nhất của lịch sử nhân loại. Nhức nhối, không phải vì cuộc cách mạng là sản phẩm của những kẻ độc ác hay ngu dốt, mà nó đã được hoài thai và tiến hành bởi những con người nhạy cảm và thông minh. Nhưng rốt cuộc, những người nhạy cảm và thông minh này lại dọn đường cho một chế độ toàn trị phi lý bậc nhất, nơi những kẻ lì lợm nhất, xảo trá nhất và tàn độc nhất nhảy lên vị trí lãnh đạo.

Vòng tròn ma thuật, dưới ngòi bút bậc thầy của Arthur Koestler, cựu đảng viên Đảng Cộng sản, thiên tài văn chương của thế kỉ 20, đã mổ xẻ Nhà nước Cách mạng ở những chiều kích bi-hài, mà thực ra là bi thảm, ghê rợn nhất của nó. Cùng với Trại súc vật1984 của George Orwell, Vòng tròn ma thuật của Arthur Koestler là tác phẩm văn chương xuất sắc lý giải sự hình thành và cơ chế hoạt động của nhà nước toàn trị. Một tác phẩm không thể bỏ qua với những ai còn quan tâm đến/hoặc vẫn còn tham dự vào tấn bi kịch nhức nhối này của nhân loại để có thể thấu hiểu và thoát ra khỏi nó.

Sài Gòn, mùa mưa 2012

NXB Giấy Vụn

Lời giới thiệu của talawas chủ nhật cho lần xuất bản thứ nhất

Sonnenfinsternis (Nhật thực) là tên bản gốc tiếng Đức tác phẩm quan trọng nhất của Arthur Koestler. Với việc xuất bản Nhật thực trong bản dịch tiếng Anh Darkness at Noon, tác giả đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Bản dịch tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini năm 1946 với 400.000 bản gây tiếng vang lớn và khiến Đảng Cộng sản Pháp phải ra những biện pháp đối phó. Từ đó đến nay, Nhật thực trở thành một tác phẩm kinh điển của văn học thế giới thế kỉ 20, thường được nhắc chung với Trại súc vật và 1984 của George Orwell. Tại miền Nam trước 1975, Nhật thực được Nhà xuất bản Đen Trắng ấn hành năm 1973 với nhan đề Tội công thành, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Quốc Ấn. Tại miền Bắc trước 1975 và tại Việt Nam từ 1975 đến nay, tác phẩm này chưa bao giờ được ra mắt độc giả trong bản tiếng Việt.

Giới thiệu Nhật thực qua bản dịch từ tiếng Anh của dịch giả Phạm Nguyên Trường với nhan đề Vòng tròn ma thuật kì này, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả Việt Nam hi vọng về một tương lai trong đó chúng ta vĩnh viễn không bao giờ phải trải qua những kinh nghiệm như được miêu tả trong tác phẩm cay đắng này nữa.

Lời người dịch

Đây là bản dịch tác phẩm Darkness at Noon, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Arthur Koestler, đã được nhà xuất bản Random House xếp thứ 8 trong 100 cuốn tiểu thuyết hay nhất trong thế kỷ XX. Người dịch cho rằng sẽ rất hợp lý nếu chuyển ngữ tên tác phẩm này thành Đêm giữa ban ngày nếu như trước đó chưa có một tác phẩm đã rất nổi tiếng cùng tên của nhà văn Vũ Thư Hiên. Nhưng những độc giả có đủ kiên nhẫn đọc hết tác phẩm cũng như lời bạt thì sẽ thấy rằng Vòng tròn ma thuật hoàn toàn không phải là ngẫu hứng của người dịch, đấy là tên nguyên bản bằng tiếng Đức (đã thất lạc) do chính A. Koestler chọn, còn tên của bản tiếng Anh lại do nữ dịch giả Daphne Hardy đặt ra sau này (bản tiếng Pháp tác phẩm này lại có tên là Số không và vô cực, còn trong bản tiếng Nga lại là Tối đến loá mắt).

Xin được nói thêm đôi lời về tác giả Arthur Koestler. Ông là người gốc Do Thái, sinh năm 1905 tại Budapest, thời thanh thiếu niên ông sống và học tập ở Hung, Áo và Đức. Koestler tham gia tích cực vào những cuộc xung đột xã hội và tư tưởng chủ yếu của thời đại mình. Trở thành đảng viên cộng sản trong những năm 1930 và đã đi thăm Liên Xô một thời gian, thất vọng và ra khỏi Đảng vào năm 1938. Cuối năm đó ông bị lực lượng phát–xít Tây Ban Nha bắt và bị kết án tử hình. Được tha vào phút chót nhờ sự can thiệp của chính phủ Anh, ông đến Pháp vài năm sau thì lại bị bắt vì quan điểm chính trị. Sau khi được tha vào năm 1940 ông đến Anh và sống ở đây đến cuối đời. Những cuốn tiểu thuyết, những bài phóng sự cũng như các tác phẩm viết về văn hoá và chính trị đã đưa tên tuổi ông thành một trong những nhà bình luận quan trọng nhất về những nan đề của thế kỷ XX. Ông mất năm 1983.

Phần lớn chú thích trong sách là của người dịch (ND).

“Kẻ thiết lập nên chế độ chuyên chế mà không giết Brutus cũng như kẻ lập nên nền cộng hoà mà không giết các con của Brutus thì chỉ có thể cầm quyền trong một thời gian ngắn.”

– Machiavelli (“Discorci”)

“Thưa đại nhân, thưa đại nhân, mỗi người tất phải có một nơi mà người ta thương hại mình chứ!”

– Dostoievski (“Tội ác và hình phạt”)

Các nhân vật trong cuốn sách này đều là hư cấu. Nhưng hoàn cảnh lịch sử quyết định hành vi của họ thì chân thực. Nhân vật N. S. Rubashov được tạo ra từ cuộc đời của một số nạn nhân của cái gọi là Những vụ án ở Moskva. Tác giả có quen biết một vài người trong số đó. Cuốn sách này được viết nhằm tưởng nhớ hương hồn họ.

Paris, tháng 10 năm 1938 – tháng 4 năm 1940

Đợt thẩm vấn thứ nhất

“Tất cả các nhà cầm quyền đều có tội.” – Saint–Just

1.

Cửa phòng giam rít lên ken két rồi đóng sập lại.

Rubashov dựa lưng vào tường, anh đứng như thế một lúc rồi lấy thuốc lá ra hút. Bên phải anh, trên một cái giường hẹp là hai cái chăn đã nhàu nát và một cái nệm nhồi rơm còn mới, căng phồng. Bên trái có một vòi nước và một cái chậu rửa bằng sắt tây đã han rỉ lỗ chỗ. Bên dưới chậu rửa là một cái thùng dùng làm hố xí bằng gỗ, người ta vừa mới sát trùng xong: mùi clor vẫn còn vương vất đâu đây. Tường gạch cách âm, nhưng có thể truyền tin bằng cách gõ vào ống dẫn nước nóng. Cửa sổ cao đúng tầm mắt, anh có thể nhìn ra sân nhà giam mà không cần phải kiễng lên nhòm qua khung chắn song sắt phía trên. Tạm ổn cả, anh nghĩ như thế.

Rubashov ngáp, anh cởi áo bành tô rồi gập lại và để lên đầu giường. Sau đó anh chăm chú nhìn khắp sân trại giam. Tuyết, dưới ánh sáng của những ngọn đèn pha, ánh lên một màu vàng nhạt. Dọc theo các bức tường có một con đường hẹp, nghĩa là ở đây được đi dạo. Còn lâu mới sáng; dù có ánh đèn nhưng vẫn nhìn thấy những ngôi sao xa lấp lánh ánh bạc. Dọc theo bức tường phía bên ngoài, đối diện với phòng giam của anh có một người lính đang đi tuần, anh ta bước như đang duyệt binh, đúng một trăm bước thì quay lại.

Anh tháo ủng ngay bên cạnh cửa sổ. Sau đó anh uể oải ngồi xuống chiếc gường sắt rồi để mẩu thuốc lá hút dở bên chân giường và cứ ngồi yên lặng như thế một lúc. Rồi anh lại đi đến bên của sổ. Sân trại trống vắng và cực kì yên tĩnh; người lính gác tiếp tục bước như cũ; bên trên hàng rào nhấp nhô của tháp canh là những vì sao của dải Ngân hà lấp lánh, nhấp nháy.

Cuối cùng thì anh cũng đi nằm, anh duỗi thẳng hai chân và vén chăn thật kỹ. Đồng hồ chỉ năm giờ, chắc là ở đây người ta không bắt dậy trước bảy giờ, nhất là lại đang mùa đông. Chập chờn nửa thức nửa ngủ, anh nghĩ rằng ít nhất phải ba bốn ngày nữa mới bị gọi lên lấy cung. Anh tháo chiếc kính không gọng và để xuống sàn nhà rồi khẽ nhoẻn miệng cười và nhắm mắt lại. Ấm áp và bình tĩnh đến lạ lùng, đã nhiều tháng nay anh không được ngủ một cách yên tĩnh như thế này.

Khi người giám thị bật đèn và nhìn vào qua cửa sổ thì cựu Dân ủy Rubashov vẫn còn ngủ, lưng quay vào tường, đầu gối lên tay trái, tay phải buông thõng xuống sàn, chỉ có bàn tay là khẽ động đậy.

2.

Một tiếng đồng hồ trước đây, Rubashov đã mơ thấy mình bị bắt trước khi hai nhân viên của Bộ Dân uỷ Nội vụ đập cửa phòng.

Tiếng đập càng lúc càng to, Rubashov vươn vai, cố gắng

thoát khỏi giấc mộng thường nhật. Anh đã biết cách thoát khỏi những cơn ác mộng hằng đêm vì giấc mơ về vụ bắt giữ thứ nhất cứ thường xuyên quay trở lại, chính xác như lò xo đồng hồ. Đôi khi anh phải vận tất cả ý chí để làm cho chiếc lò xo ngừng chuyển động, nhưng nay thì anh đã bất lực: mấy tuần gần đây anh thấy người rất mệt, trán lúc nào cũng lấm tấm mồ hôi, khó thở nữa, tiến trình như thế cứ tiếp tục, mộng mị ngày càng kéo dài hơn.

Thường thì anh mơ thấy tiếng gõ cửa và ngoài cầu thang có ba người, họ đến để bắt anh. Anh nhìn thấy họ đằng sau cánh cửa đóng chặt, anh còn nghe thấy tiếng họ cười to đến rung cả tường. Họ vận những bộ đồng phục còn mới tinh, đấy là những bộ quân phục vệ binh của nền Đệ tam Đế chế, ve áo và cổ tay áo có thêu huy hiệu của nền chuyên chính non trẻ dưới dạng những cây thập tự trông như những con nhện độc; còn trên tay họ là những khẩu súng lục quá khổ; ủng, thắt lưng và bao kiếm nồng nặc mùi da thuộc còn mới. Thế mà bây giờ họ đã có mặt ở đây, ngay trong phòng anh: hai anh chàng có dáng nông dân cao ngồng, mắt hí và một người thấp béo. Họ đứng ngay cạnh đầu giường, anh cảm thấy cả hơi thở gấp gáp trên mặt họ và nghe thấy tiếng thở khò khè vì bệnh hen của anh chàng béo, trong không khí yên ắng của căn phòng lúc đó, tiếng thở như vậy quả là rất to. Một người nào đó ở tầng trên bất thình lình giật nước trong phòng vệ sinh, tiếng nước chảy ồng ộc trong đường ống làm rung chuyển cả căn nhà.

Thời gian như ngừng hẳn; tiếng đập cửa ngày càng to hơn; hai người đến bắt Rubashov thay nhau đấm vào cánh cửa, trong khi người này đấm thì người kia thổi vào các ngón tay cho đỡ cóng. Nhưng Rubashov không thể dậy được, mặc dù anh biết rằng điều tồi tệ nhất đã bắt đầu: họ đã đứng ngay sát giường, thế mà anh vẫn cố mặc chiếc áo khoác màu trắng. Ống tay áo, như cố tình trêu ngươi, bị lộn trái, không thể nào lần ra. Rubashov làm một cố gắng cuối cùng, nhưng vô ích và bất thình lình người anh bỗng cứng đờ ra: anh không thể cử động được, anh hốt hoảng nhận ra rằng muốn sống còn thì anh phải tìm cho ra cái ống tay áo đáng nguyền rủa này ngay lập tức. Sự bất lực kéo dài dường như bất tận, Rubashov vừa thở hổn hển vừa lăn lộn trên giường, những giọt mồ hội lạnh ướt đẫm hai bên thái dương, còn tiếng đập cửa thì vẫn như cũ, nghe như những tiếng trống bị nén lại vậy; cánh tay anh vẫn lục đục mò mẫm bên dưới cái gối, cố tìm cái ống tay áo và cuối cùng, một cú đánh như trời giáng vào đầu đã làm anh thoát khỏi cơn ác mộng.

Hôm nay cũng thế, trong mấy năm gần đây chuyện đó đã xảy ra cả trăm lần rồi và đây chính là lý do làm cho Rubashov bị điếc, anh mở mắt ra với cảm giác như vừa bị người ta đập báng súng lục vào mang tai. Vẫn còn run, cánh tay vẫn tiếp tục lần mò dưới gối để tìm cái ống tay áo, bởi vì trước khi tỉnh ngủ hẳn anh phải trải qua một thách thức cuối cùng nữa: tin rằng mình vừa tỉnh cơn ác mộng, còn khi thức thì anh sẽ lại ở trong một phòng giam, nền phòng bằng đá ẩm và lạnh, với chiếc thùng gỗ đặt dưới chân giường và lọ nước với mấy mẩu bánh mì khô, rắn như đá ở trên đầu giường.

Và lần này cũng vậy, cơn hoảng loạn không tha Rubashov ngay vì anh không thể đoán được là bàn tay vừa chạm vào cái bình nước hay cái công tắc của chiếc đèn ngủ để trên cái tủ nhỏ ở đầu giường. Đèn bật sáng và nỗi sợ hãi lập tức tan dần. Anh hít thở sâu mấy lần, như uống bầu không khí tự do rồi lấy khăn mặt lau cái trán và phần hói trên đỉnh đầu lấm tấm mồ hôi. Tính khôi hài đã quay trở lại, anh nháy mắt với bức ảnh của Anh Cả treo trên đầu giường, những bức ảnh như thế treo khắp nơi: trên đầu giường, trên nóc tủ… trong tất cả các căn hộ ngôi nhà Rubashov đang ở, cũng như trong tất cả các phòng, các căn hộ trong thành phố của anh, trong tất cả các thành phố của đất nước vô cùng rộng lớn này, bức ảnh của con người từng đòi hỏi anh những chiến công và hi sinh vô bờ bến, còn bây giờ nó đang giang vòng tay rộng vô bờ bến che chở cho anh. Rubashov đã tỉnh hẳn nhưng tiếng gõ cửa thì vẫn vang lên đều đều như cũ.

3.

Hai người đến bắt Rubashov hội ý trên cái chiếu nghỉ thiếu ánh sáng của cầu thang. Còn Vasily, người lao công, được gọi đến làm chứng thì đứng trước cánh cửa vẫn còn mở của chiếc thang máy, ông cảm thấy khó thở vì hoảng quá. Đấy là một ông lão gầy còm, ốm yếu; trên cái cần cổ đầy gân xanh, nhô ra từ chiếc áo đại cán sờn cũ vừa khoác vội lên trên chiếc áo sơ mi mà lão dùng làm áo ngủ, có một vết sẹo khá rộng màu vàng trông giống như một cái tràng nhạc. Đấy là một vết thương từ thời nội chiến, lúc đó ông chiến đấu trong trung đoàn lừng danh do Rubashov chỉ huy. Sau đó Rubashov được ra nước ngoài công tác, Vasily chỉ còn biết tin tức của anh qua những bài báo mà con gái đọc cho nghe mỗi buổi tối. Những bài diễn văn của Rubashov tại những kì đại hội Đảng thì vừa dài vừa khó hiểu, nhưng cái chính là Vasily đã không còn nghe thấy âm hưởng của người chỉ huy râu ria, chửi tục khủng khiếp, đến Đức Bà nhà thờ ở Kazan trên cao xanh kia cũng phải mỉm cười. Thường thì Vasily ngủ gục ngay giữa chừng bài diễn văn của Rubashov và chỉ thức giấc khi cô con gái long trọng đọc những câu cuối cùng, bao giờ cũng kèm theo những tràng vỗ tay như sấm dậy. Sau những câu khẩu hiệu: “Đảng cộng sản muôn năm! Cách mạng muôn năm! Lãnh tụ và người Thầy vĩ đại sống mãi!”, bao giờ Vasily cũng nói “Amen!”, nhưng nói khẽ đến mức cô con gái không nghe thấy; ông cởi áo khoác rồi bí mật làm dấu và đi nằm. Từ trên tường, Anh Cả vẫn nhìn Vasily như mọi khi, còn bên cạnh Anh là một bức ảnh đã ố vàng vì năm tháng của người chỉ huy trung đoàn Nikolai Rubashov. Họ mà nhìn thấy bức ảnh này thì ông cũng sẽ bị bắt.

Trên chiếu nghỉ cầu thang trước phòng Rubashov mọi vật đều yên ắng, tối và lạnh. Một nhân viên của Bộ Dân uỷ Nội vụ, tay trẻ hơn, đề nghị bắn vài phát vào ổ khoá. Vasily, chân trần trong đôi ủng rộng, dựa hẳn người vào cánh cửa cầu thang máy; khi bị đánh thức ông sợ đến nỗi không quấn nổi xà cạp nữa. Tay nhân viên già hơn không cho nổ súng: vụ bắt giữ phải được tiến hành trong trật tự. Thỉnh thoảng họ lại phà hơi vào các ngón tay đã lạnh cóng rồi tiếp tục gõ cửa, người trẻ hơn còn lấy cả báng súng mà gõ nữa. Có tiếng phụ nữ la hét ở bên dưới. “Bảo bà ta câm miệng đi!”, người trẻ tuổi hơn nóI với Vasily. “Này”, – Vasily gào lên – “Nhân viên an ninh đấy!”. Tiếng la hét ngừng hẳn. Người trẻ hơn đạp mạnh vào cánh cửa. Tiếng động vang khắp hành lang. Cuối cùng thì khoá cửa bị gãy và bung ra.

Ba người đứng sát nhau ngay bên cạnh giường: tay trẻ hơn cầm khẩu súng lục, tay già hơn thì đứng thẳng như đang “chào cờ” vậy; còn Vasily thì đứng sau một chút, lưng tựa vào tường. Rubashov đưa tay lau cái trán lấm tấm mồ hôi và khẽ nheo mắt, theo thói quen của người cận thị, nhìn ba người vừa mới vào. “Công dân Nikolai Zalmanovitch Rubashov”, – người trẻ tuổi dõng dạc tuyên bố – “nhân danh Cách mạng, tôi tuyên bố anh đã bị bắt!”. Rubashov đưa tay tìm cái kính không gọng ở bên dưới gối, anh cầm lấy kính và đứng lên. Bây giờ, sau khi đã đeo kính anh mới có vẻ giống với Rubashov mà lão Vasily và tay nhân viên già hơn thường thấy trong các bức ảnh vẫn thường xuất hiện trên báo chí. Tay nhân viên già còn đứng nghiêm hơn trước; nhưng người trẻ tuổi, vốn lớn lên dưới thời những nhân vật mới, bước đến cạnh giường. – Cả Vasily, Rubashov và tay nhân viên có tuổi đều nhận thấy rằng hắn chuẩn bị nói, mà cũng có thể làm, một hành động lỗ mãng không thể chấp nhận được: sự chậm trễ làm hắn sốt ruột.

“Này đồng chí, cất súng đi”, Rubashov lên tiếng, “rồi cho tôi biết các anh đến đây có việc gì.”

“Ông chưa nghe rõ à? Ông đã bị bắt”, người trẻ tuổi nói.

“Mặc quần áo nhanh lên.” “Các anh có lệnh không?”, Rubashov hỏi. Người nhiều tuổi rút từ trong túi áo ra một tờ giấy, sau khi đưa cho Rubashov anh ta lại đứng nghiêm như cũ. Rubashov yên lặng đọc.

“Thôi được”, anh lẩm bẩm. “Già vẫn dại, mẹ kiếp…”

“Mặc quần áo nhanh lên”, người trẻ tuổi nói. Thái độ lỗ mãng của hắn không phải là giả tạo, thường ngày hắn vẫn có thái độ như thế. “Chúng ta đã tạo ra thế hệ kế thừa như vậy đấy”, Rubashov chợt nghĩ. Trong đầu anh lại hiện lên những bức tranh cổ động với những chàng thanh niên toe toét cười. “Đưa cho tôi cái áo khoác”, Rubashov bảo, “Đủ rồi, cất súng đi”. Mặt đỏ lên, nhưng anh chàng không trả lời. Người nhiều tuổi hơn đưa áo khoác cho Rubashov, anh luồn cánh tay vào ống áo. “Được rồi”, anh vừa nói vừa gượng cười. Ba người kia không hiểu anh nói gì, vẫn giữ thái độ im lặng nặng nề như cũ. Rubashov từ từ đứng lên và bắt đầu thu nhặt quần áo vương vãi khắp phòng. Sau tiếng thét đứt đoạn, ngôi nhà lại chìm vào yên lặng, nhưng cả bốn người đều có cảm giác như trong nhà này chẳng có ai ngủ cả, họ chỉ nằm im, thậm chí nín thở, trên giường. Rồi có ai đó ở tầng trên giật nước trong nhà vệ sinh, tiếng nước chảy ồn ào, lục bục sôi réo trong đường ống.

4.

Dưới chân cầu thang có một chiếc ô tô đời mới nhất do Mỹ sản xuất. Đường phố vẫn còn tối lắm; dân cư các khu nhà bên cạnh vẫn còn ngủ hay giả vờ ngủ; người lái xe bật đèn pha và họ lần lượt bước vào trong xe: đầu tiên là tay nhân viên trẻ hơn, sau đó đến Rubashov và cuối cùng là tay nhân viên có tuổi hơn. Người lái xe cũng mặc đồng phục của Bộ Dân uỷ, anh ta mở máy và bật đài phát thanh. Con đưởng rải nhựa chấm dứt ngay sau góc phố và mặc dù họ đi qua trung tâm thành phố, xung quanh là những toà nhà hiện đại cao tám, chín, thậm chí mười tầng nhưng con đường lát đá thì lại gồ ghề, bị xẻ thành rãnh sâu hoắm phủ đầy băng và tuyết. Xe chạy chậm không khác gì đi bộ thế mà vẫn rung và kêu ầm ầm như một chiếc ba gác cũ.

“Chạy nhanh lên một tí”, người trẻ tuổi hơn, có vẻ không chịu nổi sự yên lặng bao trùm trong xe, lên tiếng.

Người lái xe chỉ khẽ nhún vai nhưng không quay lại. Anh ta đã liếc nhìn một cách thiếu thiện cảm khi Rubashov chui vào xe. Một lần, khi Rubashov bất ngờ lăn ra ốm, người lái xe cấp cứu cũng đã nhìn anh hệt như thế. Đi trên một chiếc xe rung bần bật lại chạy quá chậm qua những dãy phố không người, như những dãy phố chết, tạo cho người ta cảm giác thật khó chịu.

“Còn lâu nữa không?” Rubashov vừa hỏi vừa nhìn ra con đường bị băm nham nhở. Xuýt nữa thì anh buột miệng hỏi thêm “Bệnh xá ở đâu?”. “Khoảng ba mươi phút”, người có tuổi đáp.

Rubashov lôi thuốc lá ra, anh rút lấy một điếu rồi chìa bao thuốc cho những người khác. Người trẻ hơn lắc đầu, còn người có tuổi hơn thì rút hai điếu và đưa về phía trước một điếu cho người lái xe. Tay lái xe gục đầu xuống cổ áo, sau đó chỉ để một tay trên vô lăng còn tay kia thì đưa que diêm đang cháy về phía sau. Rubashov cảm thấy yên tâm phần nào, nhưng ngay sau đó anh lại cảm thấy ngượng. “Gớm, dễ xúc động thế”, anh thầm nghĩ. Dù sao mặc lòng, anh vẫn muốn nói chuyện nhằm xua tan sự xa cách bao trùm lên cả bốn người.

“Tiếc cho cái xe quá”, anh khẽ nói. “Ô tô nước ngoài phải mua bằng vàng, thế mà đường như thế này thì chỉ mấy tháng là hỏng.” “Đúng như thế. Đường của chúng ta còn xấu lắm”, người có tuổi hơn hưởng ứng. Bằng vào giọng nói có thể thấy rằng anh ta đã nhận thấy sự lúng túng của Rubashov. Rubashov cảm thấy mình như một con chó hoang được người ta thương hại ném cho mẩu xương nên quyết định không tiếp tục chuyện trò nữa. Nhưng người trẻ hơn đã hằn học hỏi:

“Bọn tư bản thì đường tốt hơn à?”

Rubashov khẽ mỉm cười.

“Thế anh đã ra nước ngoài bao giờ chưa?”

“Tôi biết chúng thế nào rồi. Trò tuyên truyền tư sản không tác động được tôi đâu.”

“Không biết anh cho tôi là người thế nào nhỉ?”, Rubashov bình tĩnh hỏi. Nhưng rồi không giữ được nên nói thêm: “Anh nên học lại lịch sử Đảng đi”.

Người trẻ tuổi không trả lời, anh ta nhìm chằm chằm vào lưng người lái xe. Từ đấy trở đi không ai nói thêm câu nào nữa. Xe bị chết máy lần thứ ba, người lái xe vừa văng tục vừa khởi động lại. Xe nhảy chồm chồm trên những con đường gồ ghề ngoại ô. Hai bên đường là những căn nhà gỗ chen vai thích cánh bên nhau, mặt trăng mờ mờ, lạnh lẽo lững lờ trôi trên những mái nhà gù gù, xiêu vẹo.

Comments are closed.