Thơ Vũ Lập Nhật

Lê Hồ Quang

Đọc thơ, tôi thường bắt đầu từ đơn vị bài. So với câu, khổ, tập, ở đơn vị bài, thơ cho thấy tính chỉnh thể trọn vẹn hơn cả. Có thể hình dung đơn vị bài như vị trí bàn đạp để ta lùi lại, soi ngắm kỹ càng hơn các chi tiết, và để tiến tới, trong mục tiêu quan sát tổng thể. Đọc thơ Vũ Lập Nhật, tôi chọn bắt đầu với Bầy cá nhỏ bơi qua sự im lặng. Bài thơ có những đặc điểm đáng chú ý, kích thích hứng thú tiếp nhận, lý giải, và có lẽ, dễ tiếp cận hơn cả trong số những sáng tác đã công bố của tác giả, dẫu vẫn bảo lưu một tinh thần thơ khá khác biệt.

Nhưng trước tiên, hãy đọc nó:

Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc
             những con cá đã không còn uống nước
không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại
             trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng
những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước
             tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa


Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __  ___    ____  _   _ ___   __
____  __   ____   _ _  _  _____ __
__  ___     __   ____   ___    ___  _  _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất


Khi sự im lặng của tôi hấp hối
chúng mới hiểu rằng
từ lâu mình đã bị gọi sai tên.

Gọi sai tên, hiểu theo nghĩa bóng, là sự một định danh, định vị sai/ không chính xác. Điều này vốn không mới. Nhưng ở đây, hình tượng ẩn dụ này (sự im lặng bị gọi sai tên) đã được mô tả trong một cấu trúc tương đối lạ. Ngoài điểm nhìn từ bên trong của đối tượng (cái nhìn của sự im lặng về bản thân nó), còn có điểm nhìn từ bên ngoài, của “tôi” về “sự im lặng của tôi”. Bài thơ được chia thành ba đoạn ngắn, bắt đầu bằng mệnh đề “khi sự im lặng của tôi”:

– Khi sự im lặng của tôi sinh sôi…

– Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành…

– Khi sự im lặng của tôi hấp hối…

Cái nhìn này tạo nên sự chia tách giữa tôi và “sự im lặng của tôi”, biến “sự im lặng của tôi” (một phương diện tồn tại bên trong “tôi”, thuộc sở hữu của “tôi”), thành một thực thể hiện hữu bên ngoài “tôi”, đối lập với “tôi”. Kỹ thuật này, thật ra, cũng không mới, nhất là trong thơ lãng mạn. Có điều, khi khách thể hóa nội tâm, đối tượng được nói tới trước đây thường là tâm hồn của tôi, tấm lòng của tôi, tình yêu của tôi, niềm thương nỗi nhớ của tôi… Chuyển sự quan tâm từ các đối tượng nói trên sang “sự im lặng” có lẽ không đơn thuần chỉ là sự mở rộng phạm vi đối tượng mô tả. Nó thể hiện một sự thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ và cách tiếp cận đối tượng. Thay vì  việc thổ lộ, giãi bày xúc cảm, người viết sẽ chú ý hơn đến việc trình bày quan sát, suy nghĩ. Như thế, sự im lặng, từ thân phận của kẻ bên lề, ngoại vi, “ngoài vùng phủ sóng”, đã chuyển vào vùng trung tâm của sự mô tả, lý giải. Tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của “sự im lặng của tôi”, thực chất là để tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của chính tôi. Vấn đề là, khi cố gắng định danh “sự im lặng của tôi”, chính “tôi” cũng đã thấy tên gọi đó hàm chứa điều bất ổn. Có cái gì đó khập khiễng, không ăn khớp giữa “sự im lặng của của tôi” với chính nó, nhất là khi sự im lặng đã được mô tả như  một diễn trình vận động và thay đổi liên tục (có khi không kém ồn ã), từ “sinh sôi”, “trưởng thành” đến “hấp hối”. Giữa cái tên/ thuật ngữ được dùng để định danh sự vật và chính bản thân sự vật chỉ là một mối quan hệ có tính ngẫu nhiên, đầy tính võ đoán. Dĩ nhiên, vấn đề được nói ở đây không phải chuyện ngôn ngữ. Bản thân thực thể hiện hữu là “tôi” với cái tên/ tính chất/ đặc điểm mà người ta gán vào/ áp đặt/ đóng khung cho tôi, chúng có phải là tôi? Hoặc, ta có thể đặt lại câu hỏi theo cách khác: liệu tôi (như những gì người khác/ và cả chính tôi nghĩ về tôi) có phải là tôi?  (Ở đây, có thể thấy bóng dáng của chủ nghĩa hiện sinh: tôi là tôi khi hiện hữu. Tôi làm ra tôi và bởi vậy, tôi là quá trình hiện sinh, là cái đang là, chứ không phải là cái đã hoàn tất, một khối sự vật bất động ù lì, có thể mặc định trong một vài từ ngữ). Vậy nên, bài thơ có lẽ không chỉ hướng ta nghĩ về sự im lặng. Nó còn khiến ta nghĩ về đời sống của mỗi cá nhân, ở đó, mâu thuẫn giữa nỗ lực định danh và nỗ lực phá bỏ, phủ nhận nó để tìm kiếm bản thể đích thực, dường như là một mâu thuẫn không có hồi kết.

Trong đoạn mở đầu bài thơ, cụm từ “không còn” được lặp lại đến ba lần: “không còn uống nước”, “không còn những người ăn các vỏ ốc”, “bầy cá không còn ở đó nữa”. Hãy chú ý sự nối kết nhập nhằng giữa những hình ảnh, câu chữ. Ta có thể hiểu chủ thể hành động (đã vắng mặt, “không còn ở đó nữa”) là  “bầy cá” hoặc (lần lượt là) “những người” hoặc “đàn chim”. Hoặc cả ba đối tượng này đều đã vắng mặt trong cùng thời điểm nói tới. Sự phá vỡ logic cú pháp này đương nhiên gây nhiễu đọc. Bù lại, nó tạo nên một ảo giác kỳ lạ, như thể chúng ta đang đứng trong không – thời gian lập thể, với sự giao kết, hiện hữu đồng thời của vô số hình ảnh, sự vật, hành động, sự kiện, thời điểm… mà trong không – thời gian thông thường, chỉ có thể xuất hiện theo trật tự thứ bậc hoặc trước sau. Ở đây, “”, “người”, “vỏ ốc”, “bậc thang”, “bọt khí”, “chim”… dính nhập trong một chuỗi thời gian (và ngôn từ) khó lòng phân định rạch ròi, tạo nên cảm giác về chuỗi vận động liên tục, không ngưng nghỉ, không có điểm mở đầu, không có điểm kết thúc. Tất cả song song đồng hiện. Chúng (được khẳng định là) vắng mặt nhưng lại (cùng lúc) có mặt:

Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc

            những con cá đã không còn uống nước

không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại

            trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng

những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước

            tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa

Cụm từ “không còn” chính là để kết nối với với những cái “đã từng”.  Đấy cũng là nơi đã từng (rất ồn ào) nhưng nay (chỉ còn sự im lặng). Sau tất cả, dường như chỉ còn lại im lặng. Nhưng bất chấp sự sinh sôi hay hấp hối của “sự im lặng của tôi”, những con cá nhỏ vẫn bơi. Sự bơi miệt mài (như bản năng vô thức) của chúng là minh chứng cho sự phi lý của đời sống:

bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác

sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc

như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển

_ ___ __  ___    ____  _   _ ___   __

____  __   ____   _ _  _  _____ __

__  ___     __   ____   ___    ___  _  _

rồi chúng thành đường thẳng duy nhất

mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất

Như vậy là, nếu lấy “sự im lặng của tôi” làm trung tâm để khai triển sự đọc, sẽ thấy cấu trúc của bài thơ tương đối mạch lạc. Ta cũng sẽ thấy triết lý về quy luật của sự tồn tại đã được phát biểu dường như khá tường minh. Song nếu đọc kỹ lại, dường như câu đố vẫn còn nguyên ở đó. Ấy là do sự lựa chọn hình tượng trung tâm – Sự im lặng của tôi. Là hình tượng để “nhận diện” sự hiện hữu của sự im lặng và ngược lại, đến lượt chúng, những bầy cá cũng bị sự im lặng nhấn chìm trong bản chất sâu thẳm và vô cùng của nó. Như vậy, “sự im lặng của tôi” phải chăng cũng là một ẩn dụ khác về không/ thời gian vô hạn định, đủ sức nuốt chửng, nhấn chìm tất thảy? Vậy là, chủ đề bài thơ, tưởng chừng đã nắm chắc trong tay, bỗng buột ra, lơ lửng và chìm lặng trong “đường thẳng duy nhất” của sự im lặng.

Nhiều bài thơ của Vũ Lập Nhật thường nói đến từ “nếu”. Bài thơ là một giả định, một ướm thử về một khả năng khác của sự tồn tại. Do đó, thơ Vũ Lập Nhật đặt ra trước người đọc quá nhiều những khả năng khác thường, nhiều khi quá xa so với hiện thực. Và như thế, nó buộc con người, khi đứng trước những khả năng đó, phải đối mặt và nhận ra sự không phải là “tôi” mà là sự ngẫu nhiên, phi lí mới là chủ nhân đích thực của đời sống. Nhận thức về những khả thể song song hiện hữu cùng với phương án con người đã lựa chọn (nghĩa là sự lựa chọn ấy không phải duy nhất, cũng hoàn toàn không phải tối ưu), anh ta khó lòng sống yên ổn. Đấy là khi bi kịch lựa chọn bắt đầu:

Nếu tôi không trên đường đến đó, chắc là tôi đã bị lạc hướng

Nếu tôi không bị lạc hướng, chắc là trong vô thức tôi không muốn đến

Nếu không phải trong vô thức tôi không muốn đến, thì chắc là tôi muốn đến nhưng ý thức không cho phép

Nếu như thật sự tôi không muốn đến và ý thức cho phép, vậy đôi chân đang cứ bước đi này mang một ý nghĩa gì…?

(Mưa/ Chắp ghép)

Thường xuất hiện trong thơ Vũ Lập Nhật là những câu hỏi về sự hiện hữu của “tôi”, chẳng hạn trong Tôi không phải là tôi, Mưa/ Chắp ghép… Đấy ít khi là câu hỏi mang tính thổ lộ cảm xúc mà mang tính suy nghĩ. Chúng chỉ nhằm trình hiện một trạng thái hiện tồn trong đời sống tư duy. Chúng bình thản, luôn cố gắng rành rẽ, mặc dù điều được nói tới – sự hiện hữu có tính bản chất của con người – thực chất là một vấn đề tư biện, càng cố gắng bạch hóa, đích đến càng vô định, mơ hồ:

tôi không phải là tôi

tôi là mũi của tôi

đôi lúc nước

đọng lại và

tôi khó thở

đôi lúc tôi không biết tại sao mình nằm ở đó / trên khuôn mặt này

(Tôi không phải là tôi)

Cái tôi này không ưu tư, nó suy tư. Thực chất, khi nhận ra “tôi không phải là tôi”, tôi không trùng khít với những gì người ta áp vào tôi, nhằm định danh/ tính/ vị tôi, đấy cũng là một phản ứng lý tính mạnh mẽ  tỉnh táo của tôi, nhằm đến gần hơn với bản chất/bản thể mà tôi muốn là.

Thơ Vũ Lập Nhật có sự chi phối mạnh mẽ của một trí tưởng tượng khác thường. Chúng là sự đan dệt của vô số liên tưởng phóng túng, bất ngờ để tạo nên đời sống thơ kiểu mới. Ở đó, những sự thực nghịch dị, lạ thường nhất có thể được mô tả như một điều thường nhật, trong đó, “tôi” quan sát, mô tả, lựa chọn những khả năng và tái hiện lại tất cả chúng bằng thứ ngôn ngữ tương đối sáng tỏ và mạch lạc. Phần lớn nội dung bề mặt các bài thơ đều trình bày theo trật tự kể – tả tuyến tính, chỉ có điều đó là một trật tự tuyến tính trong một con mắt khác, trong một thế giới khác. Bởi vậy, nếu nhìn theo trật tự của thế giới mà ta đang sống, ta sẽ chỉ thấy sự phi lý, khó lòng chấp nhận (Bằng cách nào tôi luôn có đủ nắng, Tái tạo, Nơi ở của sự không tồn tại...) Nhưng ít nhất, điều này cũng nhắc ta nghĩ về những khả năng tồn tại khác của thế giới và của chính chúng ta. Và từ đó, rất có thể ta nhận ra việc nỗ lực tìm kiếm, lý giải về những khả thể tồn tại của tôi/ không phải tôi; thơ/ không phải thơ, sự vật/ không phải sự vật… không chỉ là việc của những kẻ mơ mộng, rỗi hơi, vô công rồi nghề. Ta nhận ra có kẻ đó ở trong ta, trước và sau những giằng xé, bất an lựa chọn và ngay cả khi tưởng chừng đã yên tâm đi đến cùng khả năng lựa chọn. Thơ Vũ Lập Nhật, như thế, bỗng gần ta thêm một chút.

Trong bối cảnh mà một mặt, thơ bị công kênh lên quá cao, bị đặt trên vai quá nhiều những sứ mạng và trọng trách kinh người, mặt khác, mất hết vị trí, bị chế giễu, cười cợt, Vũ Lập Nhật cố gắng nhìn về thơ một cách khách quan. Vũ Lập Nhật thấy rõ sự cần thiết của nó đối với đời sống cá nhân mình, sẵn sàng vì nó mà “biến mất”, nhưng cũng đủ tỉnh táo để không ảo tưởng về “sức mạnh” hay “sứ mệnh” của nó:

một bài thơ nằm ở giữa tôi
một bài thơ nằm ở trên tôi
một bài thơ nằm ở dưới tôi
định hình chiều cao tôi bằng chúng
   định lượng cơ thể tôi bằng chúng
   định tính tâm hồn tôi bằng chúng
   trong căn phòng này, ta tranh giành sự tồn tại
  tôi lớn thì thơ nhỏ
  tôi nhỏ thì thơ lớn
  nên tôi chọn biến mất
  để thơ thành chủ nhân không gian này
  lấp đầy trống rỗng bằng hiện hữu thi tính
  The Poem is Present

(Khoảng cách giữa  những bài thơ)

  Thơ Vũ Lập Nhật được kiến tạo theo theo một lối tư duy bề sâu, với sự kết nối, đan dệt của nhiều lớp ý tưởng, tưởng tượng. Ở đó, cái tôi vừa là kẻ kiến tạo nên thế giới ý tưởng, tưởng tượng, vừa là kẻ đắm chìm trong thế giới của chúng, bị chúng lôi kéo, dẫn dụ, chi phối. Điều này tạo nên một sắc thái thẩm mỹ khá đặc biệt nhưng không phải không hàm chứa nguy cơ. Hướng tới những chủ đề khái quát, triết lý, đôi khi siêu hình, sử dụng lối viết trung tính, khách quan (dĩ nhiên là sự “trung tính” “khách quan” của thơ), giảm thiểu tối đa sự bày tỏ xúc cảm trực tiếp, sử dụng một lối liên tưởng nhanh, bạo, không lệ thuộc vào những chi tiết, hình ảnh kết nối bề mặt, thơ Vũ Lập Nhật sẽ là một món “không ngon chút nào” với phần lớn độc giả.

Nhưng có lẽ đấy là điều đã được lựa chọn. Trong bài thơ Chúc ngon miệng, có thể hình dung như một sự đối thoại với người đọc, ta nhận ra một thông điệp khá tự tin của người viết trẻ này:

Hàn Mặc Tử rất ngon
Trăng rất ngon
Trăng của Hàn Mặc Tử không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!



Edgar Allan Poe rất ngon
Con quạ rất ngon
Con quạ của Edgar Allan Poe không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!



Murakami Haruki rất ngon
Con mèo rất ngon
Con mèo của Murakami Haruki không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!



Franz Kafka rất ngon
Con bọ rất ngon
Con bọ của Franz Kafka không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!



Bức tường rất ngon
Thơ rất ngon
Thơ của bức tường không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!

                                       Vinh, 24/3/2019

Comments are closed.