Issa, hài cú sương thu

Vũ Hoàng Thư

Issa (1763-1828), chân dung do Muramatsu Shunpo (1772-1858) vẽ.

Mây tháng mười cuốn lọn trôi xa, vẫn vô định như tự bao giờ. Sương buổi sáng vờn vợn, sắp tan vì ngày đang lên. Người ngồi ngây, thơ haiku đọng lại từ những mùa thu đã đi qua bỗng trở về không đợi gọi. Biết bao nước chảy dưới cầu… Sao lại hài cú sương thu? Có lẽ haiku ngắn, gọn, và bởi có nhiều thứ đáng cảm về mùa thu trước mặt, không thể dài dòng để còn bắt kịp điệu thu, mông lung đó có thể tan trong khoảnh khắc. Nói mà chi, hay chẳng cần nói nhiều, lúc đó chỉ có làn sương tụ, đọng lại trong hồn là đáng kể.

Thu có thể trong vắt, ngất tạnh tầng cao, lạnh-lẽo-nước-trong-veo của Nguyễn Khuyến nhưng thu thường xuyên về với sương, mù u ngõ vắng. Sương là gì nhỉ trong trời đất? Là “Trời đất hòa hợp với nhau cho móc ngọt rơi xung…” theo Đạo Đức Kinh. Lão Tử gọi thứ mây khói đó là cam lộ, thứ sương mang vị ngọt, “Thiên địa tương hợp, dĩ giáng cam lộ(*). Phải chăng chỉ khi có sự tương hợp giữa đất và trời mới có sương? Thật vậy, sương chỉ tụ lại khi có đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ vào đúng điểm sương (dew point), và gió lặng. Một hạt sương rơi, như mọi thứ trên đời, đều có lý do riêng của nó. Không nhân duyên chẳng có gì thành. Khác với Đạo Đức Kinh, danh từ cam lộ trong kinh kệ và văn học Phật giáo dùng để chỉ về thứ nước thanh tịnh, ngọt và mát, có thể xoa dịu mọi khổ đau. Ngoài ra, sương trong giáo lý Phật đà biểu hiện sự mong manh, tạm bợ của kiếp sống, “Như lộ diệc như điện” (Như sương, như chớp lóe, Kinh Kim Cang), và lẽ vô thường của thăng trầm trong cuộc đời, “Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (thịnh suy như sương đầu cỏ, Sư Vạn Hạnh).

Trong khí thu bàng bạc, xin trích một số thơ haiku của Issa được phỏng dịch đâu đó trong quá khứ, im lìm nằm trong bộ nhớ của computer từ bao lâu. Người đọc nên đọc một hai câu, chậm rãi, thư thả để nghe hơi sương rười rượi mát vỗ về. Đất trời theo đó dường như tương hợp trong ngoài với thân tâm, phần bình luận sẽ hạn chế bởi thiết nghĩ thơ ở bất cứ hình thức nào chẳng cần lời bàn, người đọc tự ngấm và thấm riêng mình trong tuyệt đỉnh quai nhai. Thỉnh thoảng, ngẫu nhiên có đôi lời thưa thốt, xin xem đó như những hơi sương còn quanh quẩn khi ánh dương chưa lên hẳn cao…

Issa, một trong bốn nhà thơ haiku nổi tiếng của Nhật Bản, mất mẹ từ lúc mới 3 tuổi, ở với kế mẫu cho đến năm 15 tuổi thì bỏ nhà ra đi. Ông sống đời đạm bạc, lang thang đó đây. Kiếp sống giang hồ đó đã để lại cho đời biết bao ngàn bài haiku.

Mười bốn bài haiku về sương thu dưới đây là sáng tác của Issa, lựa chọn từ trang điện tử “Haiku of Kobayashi Issa” (http://haikuguy.com/issa/) do David G. Lanoue thực hiện. Lanoue phiên dịch sang Anh ngữ từ nguyên tác của Issa, Vũ Hoàng Thư phỏng dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ dưới dạng thơ lục bát.

Vũ Hoàng Thư

hạc gọi đàn

ngón tay tượng

giọt sương

1.

shira tsuyu ni magire kondaru waga ya kana

in the silver dewdrops
vanishing…
my house

làn sương phủ trắng mờ xa

bàng bạc khuất

mái nhà ta chìm mờ

2.

waga kado no takara mono nari tsuyu no tama

a treasure at my gate
pearls
of dew

báu một kho tại ngõ mình

châu lóng hạt

sương lung linh giọt nằm

3.

suzushisa wa tsuyu no ôtama ko-dama kana
such coolness –
big pearls, little pearls
of dew

rười rượi mát –

châu nhỏ, to

giọt lóng lánh hạt ngời phô trong lành

4.

tsuyu chirite kyû ni mijikaku naru yo kana
dewdrops spilling –
suddenly the nights
grow short

sương nhỏ giọt –

khuya bỗng như

từng mỗi tối đêm dường thu ngắn dần

5.

mi no ue no tsuyu to wa sara ni shiranu kana
not at all aware
that life’s dewdrop
is fading…

nào ai hay chẳng chút ngờ

lệ đời đó

kiếp sương mờ phôi pha

6.

shônin no me ni wa o-shari ka kusa no tsuyu
to enlightened eyes
Buddha’s bones?
dewdrops in the grass

xá lợi Phật

với tâm an?

một làn sương đọng bay ngang cỏ đồng

Xá lợi Phật là báu vật được Phật tử tôn kính và thờ phượng. Ở đây Issa làm một màn phá chấp ngoạn mục. Ta bắt gặp tinh thần “Phùng Phật sát Phật” của Huệ Khai (Vô Môn Quan), cởi bỏ hình tướng ràng buộc của đời thường ước lệ, thong dong tự tại trong sự giải thoát tuyệt đối. Nói cho tận cùng rốt ráo, chẳng có gì gọi là tuyệt đối mà cũng chẳng có chi gọi là tương đối, chỉ là một cặp đôi của tuyệt mù ngôn ngữ nhị nguyên. Có lẽ Kazantzakis thâu tóm được yếu chỉ đó bằng một tuyên ngôn phiêu hốt: “Salvation means deliverance from all saviors ” (Giải thoát nghĩa là sự thoát khỏi tất cả những kẻ cứu độ). Phải tự chính mình đập vỡ vòng kim cô do chính ta tự đeo vào, chẳng ai khác.

7.

shiro tsuyu to nakama yoku miyuru kagebôshi

silver dewdrops
and my companion…
sharp shadows

sương mù khơi

bạn đồng hành…

bóng đổ xuống ập chớp nhanh sương mờ

8.

cha keburi ya okabo no tsuyu wo tada tanomu

tea smoke –
the upland rice
trusts in the dew

hơi trà sáng tỏa hương mời –

đồng trổ lúa

thấm hương đời nụ sương

9.

tsuyu chiru ya sude ni onore mo ano tôri

dewdrops scatter –
soon enough
there go I

lác đác rơi lời sương gieo –

đến lúc thôi

một bước vèo về không

10.

shira tsuyu no dotchi e hito wo yobu karasu

to which side
of the silver dew?
the crow’s summons

ở phía nào

bạc trắng sương?

quạ oang oác gọi từng chương chiêu hồn

11

.

tsuyu chiru ya goshô daiji ni naku suzume

dewdrops scatter –
the sparrow sings
of next-life enlightenment

sương tản mác mù sương rơi

chim tước hát

tịnh độ trời vãng sinh

Ba bài haiku 9, 10 và 11 ở trên dùng sương làm nền, nhắc điều tạm bợ của kiếp sống.  Lác đác sương rơi, quạ gọi hồn trong chiều lữ thứ, người tự hỏi đã đến lúc định mệnh gõ chuông? Và như thế, biết điều không thể tránh nên dựa lời chim hót mong mỏi cõi cực lạc Tây Phương, đất hứa cho an lạc và buông bỏ khổ nạn. Những dấu hỏi điệp trùng từ hai phía của giọt sương, tụ rồi tan, không chóng thì chầy, cũng sẽ đến lúc thôi, chỉ trong một bước vèo…

12.

tsuyu no tama tsumanda toki mo hotoke kana

a dewdrop pearl –
I pinched it into
a Buddha

một hạt châu nhẹ sương bồng –

tay vừa chạm giọt về không

Phật Đà

Về không – “Không” ở đây không hiểu theo nghĩa là cái đối chọi với cái “có”. Sự đối đãi “không/có” mà ta nhìn vào thực tại xuất phát từ ý niệm, danh từ, những xích xiềng của cố tín tích lũy tự bao đời, những thứ tạo ra không biết bao nhiêu khổ đau. Để vượt qua cửa ải của chữ Không và sống trong chữ Không tuyệt đối, Huệ Khai của Vô Môn Quan bảo rằng: “Nếu ngươi thực muốn vượt qua rào cản này, ngươi phải có cảm giác như ngậm một viên sắt nóng mà ngươi không thể nuốt vào hay khạc ra.” Do vậy, câu nói “Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ” nêu ở phần trên là một lối nói ví von của kẻ trí, diễn tả trạng thái của một người đang tìm cách phá vỡ tới cùng những ngăn ngại trên đường tiến tới tự do vô hạn: giải thoát. Người phàm chớ bắt chước theo nghĩa đen của câu nói, bởi giết Phật thì sẽ sa vào địa ngục, giết Tổ thì sẽ đi ở tù!

Issa chạm vào hạt sương và nó biến mất. Biến mất chẳng phải là chấm dứt, là không có, sương chẳng phải tạo ra từ không đó sao? Chẳng qua chúng ta cứ vin vào cặp bài trùng không/có để cảm nhận sự hiện hữu của vạn vật. Bước trên/dưới, bước ngoài/trong, hay đứng tại chỗ, khi sự phân biện dập tắt, nhất thể chân như ắt hiển bày. Bấy giờ “Phật Đà” hay “Ta Bà” chỉ là những danh hiệu.

13.

kusabana ya tsuyu no soko naru kane no koe

wildflowers –
in the depths of the dew
the bell tolls

loài dã hoa –

lẫn trong sương

chuông chùa vọng âm vô thường về ngân

14.

tsuyu no yo wa tsuyu no yo nagara sari nagara

this world
is a dewdrop world
yes… but…

trần gian
một cõi mù sương

ừ thôi… là vậy… thế nhưng… có là…

Đây là một trong những bài haiku nổi tiếng nhất của Issa. Ông sáng tác bài này trong ngày giỗ đầu của con trai đầu lòng Sentarô, mất sau khi lọt lòng mẹ chỉ mấy ngày. Âm nagara sari nagara cuộn tròn liên lỉ duyên sinh, dường như Issa đang buồn thảm và bất lực. Ngài Mục Kiền Liên vào địa ngục chẳng dâng được bát cơm cho mẹ, khi gió nghiệp lồng lộng chẳng ngừng. Bài thơ bỏ lửng bao dấu hỏi trong lòng người đọc. Ôm chầm hay buông bỏ? Ôm chầm cái gì và buông bỏ cái gì? Ừ nhỉ thế đấy, nhân gian một cõi mù sương, nhưng không… ồ vậy… vô thường sương tan…

oOo

Lời sương là lời của khoảnh khắc, chẳng hẹn với nhân gian lâu dài. Sương tượng hình tự thinh không, giọt long lanh ngà ngọc, Issa ví von sương như trân châu. Giọt châu, nhìn kỹ và sát gần, phản chiếu cả một thế giới chung quanh, nằm gọn lỏn trong đó. Ta hòa cùng đại thể, hay đó, một loại châu Hoa Nghiêm?

Trong thanh khí thu, haiku của Basho trở về lung linh trong ngần của một thời khắc điểm sương,

I like to wash,

the dust of this world

In the droplets of dew.

(Basho)

cho tôi phớt nhẹ

bụi trần

không dưng về đậu lấm phần tinh sương

Vũ Hoàng Thư

Tháng 10, 2017

——————————————————————-

(*) Chương 32, Đạo Đức Kinh, Lão Tử – Nghiêm Toản dịch.

Comments are closed.