Nguyễn Việt Anh
Nguyễn Việt Anh là tác giả khiếm thị, một chàng trai gốc Hà Nội, thuộc thế hệ 8x, rất đam mê thơ và coi thơ như là lẽ sống của đời mình. Việt Anh không phải khiếm thị bẩm sinh, nhưng vào lúc hơn chục tuổi, sau một cơn sốt biến chứng vậy là vĩnh viến mất đi đôi mắt. Ông trời nhẫn tâm lấy đi báu vật của mình nhưng Việt Anh không chịu đầu hàng số phận, anh tự tạo cho mình một “cửa sổ tâm hồn” khác. Đó là “con mắt thơ” với cách cảm cách nghĩ đầy cá tính. Ngoài năm tập thơ chững chạc in ở các nhà xuất bản Thanh Niên và Hội Nhà văn, Việt Anh còn viết tản văn, phê bình nhận định thơ khá chuyên nghiệp. Riêng năm 2017, Việt Anh trình làng hai tập lục bát làm bạn đọc xôn xao bởi những vần thơ tự sự giàu chất suy tưởng về nhân tình thế thái như là sự trải nghiệm. Sang đầu năm 2018 Anh lại cho ra mắt bạn đọc tập lục bát tứ tuyệt “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn” gồm 63 bài. Đây là tập thơ lạ, rất đáng đọc. Có cảm giác như, ở không ít bài, tác giả chỉ dùng “thân phận tình yêu” làm cái cớ để bàn về thời cuộc bởi một hình thức thơ khá độc đáo như là châm ngôn hiện đại vốn bắt nguồn từ ca dao, tục ngữ truyền thống. Ở không ít bài, khi đọc lên, ta có cảm giác bâng khuâng về khoảnh khắc đời người trong cõi nhân sinh đầy tục lụy, về ký ức lịch sử cha ông vọng lại trong khoảnh khắc giao hòa cùng trời đất: “Ván cờ thế sự dở dang/ Đành thôi thiên hạ ngổn ngang chất chồng/ Gối tay nằm dưới bóng thông/ Nghe cây nhả hạt vào lòng đất sâu”. Nói chính xác, “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn” là tập lục bát tứ tuyệt mang đậm phong cách dân gian với kỹ năng diễn đạt luôn biến hóa tạo nên nhiều sắc thái khác nhau, mà trong đó, vấn đề nổi bật chính là “thân phận tình yêu” và thế sự thăng trầm như một trò chơi tạo hóa đùa giỡn con người. Lục bát Nguyễn Việt Anh, trước hết là tâm trạng của một người thơ mang trong mình lắm khát vọng sống, hòa mình với cộng đồng. Khát vọng ấy, có khi chỉ là một cánh cò đơn lẻ bay về từ miền cổ tích, cũng có khi là một phiến đá vô trì nhưng biết suy tư trăn trở đến nỗi hằn lên những nếp nhăn: “Ai bảo rằng đá vô tri/ Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn”, hay là “Áo trời xanh đến tận cùng/ Vẫn không che hết mịt mùng bóng đêm”. Lục bát Nguyễn Việt Anh luôn gợi mở sự liên tưởng mà không giới hạn ở một hiện tượng nhất định nên thường tạo ra sự đa thanh, đa nghĩa, chẳng hạn như thân phận con cò trong nhận thức của tác giả: “Cánh kia vỗ đến hao gầy/ Vẫn quanh quẩn giữa vòng vây gió trời”… Văn Việt xin giới thiệu cùng bạn đọc một chùm lục bát trích trong tập “Mắt chiều khép ánh hoàng hôn” của Nguyến Việt Anh Văn Việt |
Giấc mơ của đá
Ai bảo rằng đá vô tri
Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn
Điều gì khiến đá trở trăn
Giấc mơ hóa ngọc còn lằn trong tim
Đi câu
Giật lên lại nữa trời ơi
Toàn là ảo tưởng xa vời viển vông
Con cá sáng tạo vẫy vùng
Cái đuôi thất bại quẫy tung tìm tòi
Phận thơ
Càng đi càng thấy rối bời
Cõi tu chưa tới nẻo đời còn xa
Chân mình mỏi bước người ta
Tóc người ta bạc trắng qua phận mình
Sông xưa
Xa nhau đằng đẵng bao ngày
Dòng sông xưa bỗng hôm nay tràn bờ
Sà vào lòng nước ngẩn ngơ
Chỗ ta chết đuối không ngờ còn trong
Thăm mộ
Vừa gặp lại vội chia tay
Ánh chiều theo khói theo mây về trời
Bập bùng cỏ đẫm sương phơi
Phải người dưới ấy khóc tôi trên này
Nửa chừng
Sương bay như thể tần ngần
Lá rơi như thể phân vân ngập ngừng
Mùa thu như thể nửa chừng
Vừa đi vưa sợ người dưng lỡ làng
Cảm ơn
Bao năm chẳng học được gì
Sách vương một nẻo bút lìa một nơi
Cảm ơn giọt nước không lời
Dạy ta biết cách bay hơi thế nào
Mây và người
Người ơi người có tin rằng
Không ai san sẻ được bằng mây đâu
Biết là đường sẽ dài lâu
Nên mây bay trước ngàn sau hộ người
Tái sinh
Nhặt lên chiếc lá héo khô
Thấy ta trong cõi hư vô thay hình
Gió đưa chiếc lá tái sinh
Về đây rơi lại chỗ mình đã rơi
Chong đèn
Chong đèn người thấy rõ đêm
Chong đêm tôi thấy ánh đèn rạng soi
Người bảo đèn sáng còn tôi
Tin rằng đêm sáng đâu lời đúng sai