CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (43): “VÀO ĐỜI” (13)

14/7/1963. Báo “Cứu quốc”: Dân Hồng: Trong “Vào đời” hình ảnh anh bộ đội đã bị bôi một vết nhơ

Gần đây nhiều người đọc đã lên tiếng phê phán tiểu thuyết “Vào đời” của Hà Minh Tuân, cho đó là một tác phẩm tồi về nghệ thuật và phản động về nội dung tư tưởng. Nhiều bạn đã vạch rõ những hình ảnh màu xám, những cái xấu nhiều mặt đầy rẫy trong tác phẩm. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với những ý kiến xác đáng đó, và ở đây muốn đi sâu vào một vấn đề: việc thể hiện con người bộ đội trong tác phẩm.

Hà Minh Tuân đã miêu tả cái công trường xây dựng, cái xí nghiệp cơ khí Tháng Tám với tất cả những rối loạn, xấu xa của nó; ở đó có một cô gái mới bước vào đời bị vùi dập, bị chà đạp, hạnh phúc gia đình tan vỡ, còn những tên lưu manh thì mặc sức tung hoành, làm mưa làm gió, dọc ngang nào biết trên đầu có ai. Đó chẳng phải là một công trường cá biệt có những điều kiện khó khăn phức tạp nào. Tác giả cho biết đó là một nơi mà “già nửa số công nhân là bộ đội chuyển ngành”, một bộ phận tiên tiến của nhân dân, một đội ngũ đã được Đảng vô sản tổ chức và giáo dục, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước. Ngay điều đó cũng đã có ý nghĩa xuyên tạc hiện thực một cách trắng trợn và bôi nhọ vinh dự của quân đội.

Rồi trong khung cản hỗn độn của công trường, người ta thấy xuất hiện Nguyễn Mai, tên lưu manh vào bậc đàn anh, khoác áo bộ đội bốn túi và đeo huy hiệu “chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Tác giả có vạch rõ rằng hắn nguyên là một tên cảnh sát ngụy quyền lọt vào bộ đội, đã bóp mũi chết một cán bộ bị thương, tước đoạt giấy tờ để nghiễm nhiên trở thành một trung đội trưởng (và qua một thời gian dài không bị lộ). Nhưng đây lại là một điều trái với hiện thực, nó không phản ánh được tính chất trong sạch của quân đội cách mạng ta.

Bên cạnh Mai, trung đội trưởng giải hiệu, là Hiếu, đại đội trưởng chính tông. Nhân vật này đã nổi bật lên, lấn át mọi nhân vật khác trong truyện. Đặt trước nó, nhân vật trung tâm cô Sen chỉ là một cái bóng mờ nhạt. Từ đầu đến cuối truyện, Hiếu lộ ra là một tên lưu manh sừng sỏ.

Trước nhất, Hiếu xuất hiện với tư thế rất yêng hùng: dùng quả đấm để khuất phục tên Mai, chiếm lấy trái tim của cô Sen, rồi sau đó không lâu, Hiếu lại bị chính tên Mai xỏ mũi dắt đi. Chỉ cần Mai nói khích vài câu là Hiếu nổi khùng, đi gây gổ với cán bộ, đánh vỡ mũi viên giám đốc. Chỉ cần Mai tâng bốc, phỉnh nịnh một chút là Hiếu lao vào một hành động phạm pháp: đóng giả đại tá đi tống tiền, tống tình. Tiến thêm một bước nữa, Hiếu hò hét, tập hợp quần chúng đi biểu tình, đòi bắt bỏ dọ cán bộ lãnh đạo nhà máy; rồi phá máy móc, viết khẩu hiệu chống đối lãnh đạo… Cuối cùng Hiếu sa đọa đến mức ruồng bỏ vợ, rồi lại lẻn vào toan hiếp vợ để “trừng phạt”, “trả thù”; khi bị đuổi bắt, chạy trốn, nằm úp mặt xuống rãnh, còn “thích thú tự ví như một chiến sĩ du kích gan dạ vừa đánh thắng một trận quấy rối kiểu mẫu”.

Tác giả cho biết Hiếu không có gì xấu lắm; hắn ta có lần bị kỷ luật nhưng cũng nhiều trận chiến đấu dũng cảm và được tặng thưởng huân chương. Và tác giả tìm cách lý giải sự chuyển biến, bước sa đọa của nhân vật đó.

Hãy xem tác giả miêu tả Hiếu sau một lần phạm tội:

“Lúc này đây Hiếu vẫn là búp bê trong tròng mắt đọng đầy bóng tối của Sen.

Toàn thân anh rõ ràng đang toát ra một sức mạnh hừng hực, một sức mạnh hỗn độn mông muội như sức mạnh gớm ghê của dã thú.

Phải chăng anh đã biết sử dụng chính cái sức mạnh ấy trên các trận địa quật vào đầu giặc”. (tr. 235)

Theo tác giả, hẳn là bây giờ Hiếu đã mang cái “sức mạnh mông muội” ấy vào những hành động tội lỗi. Hơn nữa Hiếu là một con người nóng nẩy, lại bị oan trong cải cách ruộng đất, có người bố treo cổ chết le lưỡi; chính điều đó đã đốt cháy ruột gan anh, làm cho anh hành động liều lĩnh, mù quáng. Tác giả tỏ thái độ thông cảm, đúng hơn là dung túng, đối với mọi tội lỗi của Hiếu. Cho đến khi Hiếu bị thi hành kỷ luật, tác giả còn để viên giám đốc biện hộ rằng anh ta đã hành động “ngốc nghếch”, “mù quáng”. Theo tác giả, tên lưu manh Hiếu chỉ là một con “búp-bê” ngây thơ, thậm chí còn “ngồ ngộ” nữa. Và đã như vậy, hắn ta có quyền phạm tội, chẳng đáng lên án làm gì!

Hiếu của Hà Minh Tuân rõ ràng là một nhân vật hoàn toàn giả tạo. Bước sa đọa của Hiếu thật trái với lô-gich. Một người cán bộ, đã được giáo dục, từng được giao nhiệm vụ chỉ huy một đại đội, tất phải có một phẩm chất chính trị nhất định, tại sao có thể rơi xuống vực thẳm của sự sa đọa nhanh chóng như vậy. Sao anh ta lại lăn mình xuống vực chẳng hề cưỡng lại? Sao anh ta cứ phạm hết tội này đến tội khác, không hề có dằn vặt, suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng? Sao ở cái công trường già nửa là bộ đội phục viên ấy không thấy một đảng viên hay một đồng chí bộ đội nào tìm cách dứt anh ta ra khỏi bàn tay độc địa của bọn lưu manh, đưa anh ta vào con đường ngay thẳng?

Với hình tượng Hiếu, tác giả “Vào đời” có dụng ý gì? Vạch ra bước đường sa đọa tất yếu của một con người với ý nghĩa phê phán, giáo dục? Không phải thế. Dưới ngòi bút của Hà Minh Tuân, người ta chỉ thấy hiện thực bị xuyên tạc, hình ảnh đẹp đẽ của “anh bộ đội” bị bôi nhọ, cái xấu đã thắng cái tốt, và tệ hơn thế nữa, kẻ phạm tội đã được bênh vực, được biện hộ.

Tác giả “Vào đời” cũng đưa ra một nhân vật tích cực: bi thư chi đoàn Trần Lưu. Nhưng đó là một cái bóng mờ nhạt và yếu ớt đến thảm hại. Ngòi bút của Hà Minh Tuân còn làm cho Trần Lưu trở thành một con rối, một thằng hề đáng cười và đáng thương hại nữa: Trần Lưu động mở miệng là nói “giai cấp công nhân lãnh đạo”; anh ta còn ngốc nghếch xông ra “xây dựng” cho một bọn lưu manh và bị chúng đánh sưng mồm sưng mắt; lại “xây dựng” cho một mụ béo và bị nó chửi bóng chửi gió; lại “xây dựng” cho một anh thợ say rượu và bị hắn xách dao bầu đuổi…

Trong tác phẩm “Vào đời”, bên cạnh những cái xấu khác, người ta thấy hình ảnh anh bộ đội đã bị ngòi bút của Hà Minh Tuân bôi một vết nhơ.

Những người đọc có thiện chí, nhất là những người quân nhân cách mạng chúng tôi, đọc xong tác phẩm “Vào đời”, không thể không đặt với tác giả một số câu hỏi:

Tại sao anh Hà Minh Tuân lại vẽ lên những con người bộ đội méo mó như vậy? Tại sao trong cái xí nghiệp già nửa là bộ đội chuyển ngành, anh chỉ thấy những con người xấu xa như vậy? Anh thiếu một vốn hiểu biết về con người bộ đội ư? Tôi cho rằng cũng có phần nào như thế, nhưng chắc chắn không hẳn là như thế. Hà Minh Tuân đã sống trên dưới mười năm trong bộ đội, tất phải hiểu những người bộ đội từ cái bản chất tốt đẹp của họ, từ sự giáo dục của Đảng đối với họ, từ sự tôi luyện của họ trong máu lửa chiến đấu. Từ ngày ra công tác bên ngoài, ít nhiều anh cũng có dịp gần gũi những người bộ đội phục viên, tất phải hiểu họ đã lao động, cống hiến như thế nào. Vả chăng trong thực tế cuộc sống, hình ảnh “anh bộ đội” của nhân dân ta dẹp đẽ quá, trong sáng quá, bất cứ một người có thiện chí nào cũng nhìn thấy rõ. Nếu những hình ảnh trong sáng đó khi vào tiểu thuyết “Vào đời”, xuyên qua con mắt của tác giả, đã trở thành xám xịt, đó là vì con mắt của nhà văn, cái nhân sinh quan của nhà văn đã có những lệch lạc nghiêm trọng. Tác giả đã xem xét thực tế xã hội miền Bắc chúng ta, trong đó có những người bộ đội, bằng cái nhìn xa lạ, không phải cái nhìn qua giai cấp vô sản, cũng không phải cái nhìn của một người có thiện chí.

DÂN HỒNG

Nguồn:

Cứu quốc, Hà Nội, s. 3128 (14.7.1963), tr.12-13.

14/7/1963: báo “Tiền phong”: Ý kiến một nữ thanh niên công nhân về cuốn “Vào đời: Nguyễn Thị Hồng Tuyến: Ông Hà Minh Tuân đã làm tổn thương đến danh dự chúng tôi

Gần đây các báo chí phân tích, phê phán nhiều về cuốn “Vào đời”, và cô Sen, nhân vật chính trong truyện, cũng được nhiều người chú ý. Chị em nữ thanh niên công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội chúng tôi, người đã đọc truyện hoặc người mới đọc những ý kiến phê phán đều tỏ thái độ rất bất bình với nhà văn Hà Minh Tuân. Có thể nói, qua nhân vật cô Sen, nhà văn Hà Minh Tuân đã thể hiện lệch lạc hẳn về những người nữ công nhân trẻ chúng tôi. Là một trong những nữ công nhân ở nhà máy cơ khí Hà Nội đã thoát ly gia đình, tới công trường xây dựng, được đi học kỹ thuật rồi vào nhà máy làm việc, tôi thấy cần phải nói lên sự thực “vào đời” của chị em chúng tôi và bầy tỏ thái độ của mình đối với tác phẩm “Vào đời”.

Cũng như cô Sen trong “Vào đời”, tôi đang đi học thì phải nghỉ vì gia đình neo đơn. Năn 1959, khi tôi vừa tròn 18 tuổi gia đình cũng định ép gả tôi cho một người mà tôi không có cảm tình gì cả. Giữa lúc ấy Đoàn mở cuộc vận động thanh niên xung phong đi xây dựng khu gang thép và một số nhà máy lớn khác. Tôi là người xung phong ghi tên đầu tiên với ý định là trốn khỏi cảnh ép duyên của gia đình. Nhưng các cán bộ Đoàn đã hiểu thấu rõ động cơ muốn thoát ly gia đình của tôi và đã giải thích cho tôi nhận thức rõ ý nghĩa của việc đi xây dựng công nghiệp: đi để đem sức thanh niên ra xây dựng lò cao, nhà máy của đất nước, đi để xông vào những nơi khó khăn gian khổ nhất, chứ không phải đi chỉ để trốn tránh nỗi buồn khổ riêng của mình. Khi đã thật hiểu ý nghĩa của việc mình sắp làm, tôi hăm hở lên đường. Thày mẹ tôi liền tìm mọi cách giữ tôi lại, kể cả biện pháp hứa sẽ không ép gả chồng nữa. Nhưng tôi vẫn cương quyết lên đường vì bây giờ tôi đã hiểu mục đích to lớn của việc đi xây dựng đất nước chứ không phải tôi chỉ ra đi vì trốn ép duyên như thày mẹ tôi vẫn nghĩ.

Suốt dọc đường đi, đoàn chúng tôi ca hát vang trời. Đến công trường, chúng tôi càng phấn khởi hơn khi thấy chỗ nào cũng có cổng chào, cờ, khẩu hiệu hoan nghênh “đội quân xây dựng” chúng tôi. Ra đón chúng tôi có các đồng chí công nhân cũ và tôi đặc biệt xúc động khi thấy trong số đó có nhiều các anh bộ đội phục viên ngực đầy huân chương, huy chương, huy hiệu Điện Biên Phủ. Tôi tự nhủ: trong kháng chiến các anh đã hy sinh xương máu để giành độc lập cho tổ quốc, bây giờ các anh lại đến nơi gian khổ nhất để kiến thiết đất nước. Các anh thật đáng kính phục quá. Mình phải làm sao học được một phần tinh thần phục vụ vô điều kiện của các anh. Các anh đón tiếp chúng tôi nồng nhiệt như đón những người em mới đi xa về. Các anh dành lấy việc đeo ba-lô cho chúng tôi, quạt mát cho chúng tôi và trao tận tay chúng tôi những bát nước chè thơm ngát. Sau 3 giờ nghỉ ngơi, đồng chí bí thư Đảng ủy công trường đã tới thăm hỏi và động viên chúng tôi. Cho đến nay chúng tôi vẫn nhớ như in những lời nói quý báu của đồng chí: “Anh chị em thanh niên ngày nay thật đáng tự hào với thế hệ của mình, các bạn được lớn lên trong chế độ mới, lại được đem bàn tay lao động của mình góp phần xây dựng những công trình vĩ đại đầu tiên của đất nước. Các bạn cũng còn phải phấn đấu gian khổ đấy, nhưng gian khổ chính là những điều kiện để rèn luyện thanh niên”. Trước không khí đầm ấm tập thể, trước những lời nhắc nhở chân thành của đồng chí bí thư đảng ủy mái tóc điểm hoa râm, chúng tôi xúc động quá. Ai cũng muốn chóng được ra hiện trường để lao động ngay. Tất cả những tình cảm yêu thương, nhiệt tình của lãnh đạo Đảng, Đoàn, của tập thể công nhân đối với chúng tôi, nhưng người em mới vào đời, trong thực tế cuộc sống của chúng tôi ngày nay ở đâu cũng dễ thấy. Vậy mà trong “Vào đời” của Hà Minh Tuân, sao tuyệt đối chúng tôi không thấy nhà văn viết được lên mà chỉ thấy cô Sen vào đời gặp toàn bi đát thế? Đó là một điều khiến chúng tôi đọc sách đã rất bất bình.

Tất nhiên khi mới bắt tay vào lao động và làm quen với cuộc sống tập thể, chúng tôi cũng đã gặp không ít khó khăn. Mấy ngày đầu tiên tập gánh, hai vai chúng tôi cũng đỏ ửng, người chúng tôi cũng đau như dần. Ở nhà đang quen muốn làm lúc nào thì làm, muốn chơi lúc nào thì chơi, nay nhất nhất đều phải theo giờ giấc, chúng tôi cũng cảm thấy gò bó thế nào ấy. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi thấy đau khổ, tủi thân mà trái lại, sau giờ làm việc chúng tôi vẫn học tập, ca hát, chơi thể dục thể thao. Nhất là khi đã quen vai đượm sức rồi, chúng tôi thấy đời tươi đẹp quá. 8 tiếng lao động chúng tôi cảm thấy qua nhanh quá. Nhiều bạn cứ đề nghị cho làm thêm. Chả là hồi ấy, nữ thanh niên chúng tôi lập một đội riêng lấy tên là đội Trưng Nữ Vương và thách thức thi đua với nam giới, do đó nhiều khi tinh thần thi đua lên cao quá, chị em cứ có ý muốn làm thêm giờ để đạt thành tích cao. Trong giờ nghỉ chị em chúng tôi cũng họp nhau suy nghĩ bàn cách cải tiến cách làm việc và cải tiến công cụ lao động. Thành tích rèn luyện và lao động của chúng tôi đã Đảng đánh giá thích đáng. Đội Trưng Nữ Vương chúng tôi giành được cờ thi đua khá nhất của công trường và trong chúng tôi nhiều chị em được khen thưởng, riêng tôi được bầu làm chiến sĩ thi đua. Tôi nói như thế có phải “tô hồng” quá tinh thần lao động của chị em chúng tôi không? Không phải thế! Một dẫn chứng hùng hồn là suốt từ ngày tới công trường, trong số hơn 100 chị em trong đội chúng tôi (phần lớn là học sinh Hà Nội, Hải Phòng) không hề có ai bỏ công trường hoặc có ý định bỏ công trường về cả. (Chỉ trừ có 2 trường hợp: một chị bố bị chết, chị phải về thu xếp gia đình một thời gian, và một em bé mới 15 tuổi, vì biết em đã khai tăng tuổi để đi công trường nên ban chỉ huy khuyên em về tiếp tục đi học. Khi phải về 2 chị em này đều tỏ ý rất lưu luyến chúng tôi).

Đấy, thực tế những ngày “vào đời” làm quen với lao động của chúng tôi là như vậy đấy. Tại sao nhà văn Hà Minh Tuân không hề tả vào trong truyện của ông khí thế bừng bừng ra đi xây dựng đất nước của thanh niên, niềm tự hào của thanh niên được xông vào nơi gian khổ, sao ông không tả những nữ thanh niên mang dòng máu Trưng nữ vương đã dám hăng hái thách thi đua tập thể với các bạn nam giới và đã thắng nam giới, mà chỉ tả cô Sen như một nữ thanh niên ra đi không có lý tưởng, lao động cô đơn, âm thầm, cực nhục và không có một tý nào cái khí thế khỏe mạnh tự cường của lớp nữ thanh niên lớn lên dưới chế độ mới được Đảng giáo dục. Đó cũng là điểm khiến chúng tôi đọc sách đã rất bất bình.

Có thể nói, về đoạn tả cô Sen lao động, nhà văn Hà Minh Tuân đã tỏ ra không hiểu tý gì về lớp nữ thanh niên mới chúng tôi và đã làm tổn thương đến danh dự chúng tôi, những người thanh niên đang dũng cảm lao động vì chủ nghĩa xã hội, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa.

Một trong những điểm nhà văn Hà Minh Tuân làm chúng tôi bực mình nữa là thái độ nhìn tập thể của ông. Có thể nói như các nhà phê bình đã nói: ông Tuân đã tả tập thể công nhân như “hang hùm nọc rắn” và thân phận cô Sen như thân phận cô Kiều, hết rơi vào tay Sở Khanh lại gặp những gian truân khác. Đời cô Sen như cánh hoa trôi bèo giạt. Lối tả cuộc sống tập thể như ông Hà Minh Tuân đã tả làm nhiều chị em sắp sửa bước vào đời lo ngại, hoang mang. Là những người đã được sống trong tình tập thể ấm áp, được tập thể rèn giũa nên người, chúng tôi thấy cần phải phê phán lối tả tập thể theo ý định chủ quan của ông Hà Minh Tuân và nói lên sự thực về tập thể đáng quý của chúng tôi. Tập thể của chúng tôi như một gia đình lớn hoà thuận mà Đảng là cha mẹ, Đoàn là anh chị cả. Tất cả những vui buồn, thắc mắc, tập thể đều ở bên tôi. Không phải như trong truyện “Vào đời” chỉ thấy Bổn, mà quanh mỗi chúng tôi có hàng chục hàng trăm đảng viên, đoàn viên, công nhân tốt. Một người ốm, cả tổ thay nhau thức đêm thức hôm, chăm sóc lo lắng. Chị em đã góp tiền gửi giúp gia đình nhau lúc gặp khó khăn và khi cần, anh chị em còn sẵn sàng hiến cả máu mình cứu bạn lúc hiểm nghèo. Riêng tôi, tôi đã quen và thân với nhiều bạn nam và nữ. Họ đều thẳng thắn, vô tư và không hề tỏ ra vụ lợi nhau. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì cuộc sống lao động lành mạnh có lý tưởng, có tổ chức kỷ luật đã đào tạo cho lớp người mới chúng tôi những đức tính tốt đẹp ấy. Ở đây tôi muốn nói riêng về những anh bộ đội phục viên. Các anh thật đã không phụ với niềm cảm phục tin tưởng ban đầu của tôi. Trong sản xuất, các anh gương mẫu, dũng cảm, trong cuộc sống hàng ngày, đối với đồng chí, bạn bè, các anh cũng tỏ ra có rất nhiều đức tính tốt đẹp. Chính vì thế mà từ chỗ mến phục thông cảm tôi đã chọn được một người bạn trăm năm ý hợp tâm đầu là một cán bộ bộ đội phục viên. Từ khi sống chung với nhau, trong quan hệ vợ chồng, tôi càng thấy chồng tôi là một người đáng quý trọng. Anh đã tìm mọi cách động viên giúp đỡ tôi học tập, công tác và hết sức thương yêu, tôn trọng tôi. Các bạn nữ đã thoát ly gia đình mà được tự ý lựa chọn người yêu hợp ý mình trong lao động sản xuất thì hạnh phúc biết chừng nào! Vì chính trong chiến đấu, sản xuất, trong những nơi gian khổ nhất thì những tính xấu, nết tốt của các chàng trai đã có dịp thử thách và thể hiện bản chất người rõ nhất cho bạn nữ chúng ta lựa chọn người bạn trăm năm. (Từ khi yêu nhau, cả 2 vợ chồng tôi luôn là lao động tiên tiến và hiện nay chúng tôi đều là công nhân cơ khí).

Tất nhiên 5 ngón tay cũng có ngón dài ngón ngắn. Trong tập thể của chúng tôi cũng còn có những người mặt này mặt khác chưa tốt. Nhưng số đó chỉ là rất ít và tập thể chúng tôi đã tìm mọi cách giáo dục và hiện nay họ đều trở thành những người tốt. Chính vì nhờ tập thể tốt, có kỷ luật chặt chẽ nên chị em nữ chúng tôi đã gặp được nhiều bạn tốt và không hề có ai bị chà đạp, lừa dối rủi ro, tủi nhục âm thầm như cô Sen cả.

Ngoài những điểm trên, nhà văn Hà Minh Tuân còn có nhiều cái nhìn lệch lạc khác về Đảng, về Đoàn, về thủ đô Hà Nội… nhiều bài báo đã nói, tôi thấy không cần nói thêm.

Phát biển những ý kiến trên, tôi chỉ có ý định nói để các bạn nữ thanh niên sắp bước vào đời biết rằng: cuộc đời của thanh niên chúng ta ngày nay rất hạnh phúc chứ không giống tý nào như cuộc đời cô Sen đâu. Xin mời các bạn hãy đến nhà máy chúng tôi. Thực tế sẽ làm các bạn tin tưởng và thích thú cuộc đời nữ công nhân. Chúng tôi cũng xin mời cả các nhà văn, nhất là các nữ văn sĩ, về nhà máy chúng tôi. Chị em chúng tôi đang đợi những tác phẩm tốt, viết về cuộc sống lành mạnh, lạc quan và rất đáng tự hào của thế hệ thanh niên chúng tôi.

NGUYỄN THỊ HỒNG TUYẾN

(nữ công nhân xưởng có khí, nhà máy cơ khí Hà Nội)

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1062 (14.7.1963), tr.3, 2.

17/7/1963: báo “Tiền phong”: Nguyễn Thị Phương Hoa: “Vào đời” của ông Hà Minh Tuân chỉ là câu chuyện bịa đặt, xuyên tạc sự thật mà thôi

Xem cuốn sách “Vào đời” của ông Hà Minh Tuân, tôi không thể không công phẫn thấy ông Hà Minh Tuân đã nêu lên câu chuyện hoàn toàn sai sự thật về đời sống trên công trường. “Vào đời” đã có ảnh hưởng rất xấu. Cách đây ba hôm, tôi nhận được thư của thày mẹ tôi tỏ ra rất lo lắng cho cuộc sống của tôi ở công trường (?) Tôi vô cùng ngạc nhiên vì trong thư có đoạn thày mẹ tôi viết:

…“Con mới lớn lên chưa hiểu nhiều về cuộc sống, con sẽ dễ bị lừa gạt và rồi con sẽ phải đau khổ nhiều, nếu con không biết suy nghĩ. Từ trước tới nay, qua các lá thư của con, gia đình vẫn tin tưởng công trường là nơi đào tạo các con trở thành con người mới. Không ngờ con đã nói dối gia đình. Từ hôm thày mẹ nghe nói về cuốn sách “Vào đời” tới nay, trong gia đình ai cũng lo lắng cho con. Sự thực ở công trường có đúng như vậy không con? … Con cần phải cẩn thận hơn nữa trong cuộc sống…”

Đọc xong thư của thày mẹ tôi, tôi cảm thấy phẫn nộ vô cùng về cuốn sách “Vào đời” đã xuyên tạc sự thật đời sống trên công trường. Tôi biết đây không phải chỉ riêng gia đình tôi đã tỏ ra lo ngại cho tôi như vậy, mà có lẽ đó còn là sự lo lắng chung của nhiều gia đình khác hiện có con (nhất là con gái) đang tham gia xây dựng trên các công trường, nông trường.

Là một nữ thanh niên đã thực tế được sống 3 năm liền trên công trường và cũng là một trong hàng nghìn, vạn nữ thanh niên đã bước vào đời, tôi xin thành thật nhờ báo Đoàn nêu lên những điều thực tế của công trường mà tôi đã được trải qua, để các bạn nữ thanh niên sắp bước vào đời yên tâm và gia đình chúng tôi khỏi lo lắng về chúng tôi.

Tôi đã bước vào đời như thế nào? Năm 18 tuổi, học hết lớp 7, tôi đã cùng với nhiều bạn nam nữ khác, theo tiếng gọi của Đoàn, xung phong tình nguyện đi xây dựng đường sắt Đông Anh-Thái Nguyên. Lúc mới tới công trường, tôi rất bỡ ngỡ. Tuy sống trong một gia đình nghèo, nhưng tôi là con gái út, được gia đình nuông chiều. Tôi không phải làm việc gì nặng nhọc nên chưa quen lao động. Tuy đã 18 tuổi, nhưng đây mới là lần đầu tiên tôi bắt tay vào lao động thực sự. Mấy hôm đầu đi gánh đất đau vai thật, nhưng chỉ hơn một tuần sau, tôi đã làm quen với nó; và sau đó ít lâu, tôi đã lao động rất giỏi. Tôi thấy tự hào vì mình đã lớn lên, không còn dáng điệu ẻo lả của cô nữ sinh ngày nào nữa.

Khi tôi đã biết lao động giỏi và đang đà vươn lên thì tôi được đơn vị cho đi học lớp thống kê kế hoạch của Tổng cục đường sắt. Lớp học bế mạc, tôi trở về công trường làm việc vừa được tròn một tháng thì được tín nhiệm bầu vào ban chấp hành chi đoàn, được phân công làm phó bí thư chi đoàn từ đó đến nay.

Ba năm sống trên công trường, tôi thấy vô cùng vui vẻ, thoải mái trong tình thương yêu trìu mến của bạn bè cùng lứa tuổi, trong sự giáo dục ân cần của Đảng, của Đoàn. Cũng ba năm sống ở công trường, tôi đã thấy cụ thể hơn sự nghiệp vĩ đại công nghiệp hóa XHCN nước nhà.

Cũng ở nơi công trường này, tôi đã được học bổ túc văn hóa tới lớp 9 và có nhiều hoạt động lành mạnh bổ ích như bóng chuyền, bóng bàn, ca nhạc, v.v. Cho đến tháng 9/1962, do yêu cầu công tác, tôi chuyển về làm việc tại phòng kế hoạch xưởng đóng tàu 3. Theo tôi được biết thì trong đơn vị cũ của tôi một số bạn bè khác cũng đã chuyển đi học các lớp như: mỹ thuật, kế toán, cơ khí, v.v. Số bạn còn lại tiếp tục nỗ lực lao động phấn đấu và vinh dự thay, họ đã được Đảng, Chính phủ tặng 2 huân chương Lao động hạng nhì và họ được nhận danh hiệu đội lao động XHCN. Đó là đơn vị C9 của Tổng cục đường sắt.

Đấy là thực tế của công trường mà chính tôi đã được sống trong 3 năm qua. Tuy nhiên, đời sống trên công trường không phải là hoàn toàn tốt đẹp cả. Bên cạnh tuyệt đại đa số anh chị em thanh niên tốt không tránh khỏi còn có một số nhỏ người chây lười, còn tiêm nhiễm tính hư tật xấu này khác. Nhưng họ cũng không thể nào ngang nhiên hoành hành được giữa một tập thể mà tuyệt đại đa số là những người tốt, có sự lãnh đạo của Đảng, của Đoàn, như tên Mai tên Song trong “Vào đời”. Họ cũng dần dần được tập thể giáo dục và trở nên tiến bộ được.

Là một nữ thanh niên đã thực tế bước vào đời, đã làm việc ở nhiều công trường, tôi phản đối ông Hà Minh Tuân đã bịa đặt ra một số phận hẩm hiu, đen tối của cô Sen trong cuốn “Vào đời”, vì trong thực tế đời sống trên công trường của ta hiện nay hoàn toàn không có và không thể có cảnh sống bị chà đạp vùi dập như thế được.

Tôi mong gia đình tôi cũng như tất cả các gia đình có con em đi công trường hãy tin tưởng và không phải lo lắng gì, vì ở đâu anh chị em chúng tôi cũng có sự giáo dục của Đảng, của Đoàn. Mong rằng các bạn nữ thanh niên đừng tin cảnh ngộ của cô Sen trong “Vào đời” là có trong thực tế trong đời sống trên công trường. Đó chỉ là một sản phẩm méo mó do óc tưởng tượng lệch lạc của ông Hà Minh Tuân nặn ra theo cách nhìn hằn học của giai cấp tư sản phản động mà thôi.

NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HOA

(Phòng kế hoạch, Xưởng đóng tàu 3, Hải Phòng)

17/7/1963: báo “Tiền phong”: Kim Thoa: Những bài báo phê bình cuốn “Vào đời” đã giúp tôi lấy lại lòng tin và hiểu rõ cuốn sách đó hoàn toàn xuyên tạc sự thật

Là một nữ sinh vừa tốt nghiệp lớp 10, tôi xin đi tham gia công tác theo lời kêu gọi của Đảng. Nhà trường và chi đoàn đã chuẩn bị cho học sinh lớp 10 chúng tôi “vào đời” rất đầy đủ: nào là giới thiệu đi công trường Thác Bà, đi khai thác rừng, nào là công trường làm đường Lai Châu… Và tôi đã quyết định rồi: Tôi sẽ lên công tác ở nông trường Mộc Châu theo lời giới thiệu của anh M., một người bạn cũ hiện đang công tác trên đó. Anh M. trước học cùng trường và trên tôi hai lớp. Hai năm nay anh công tác ở nông trường Mộc Châu. Anh ta ca ngợi rất nhiều cuộc sống sôi nổi trên đó.

Tôi phấn khởi đợi chờ một cuộc sống mới vì tôi tin vào lời anh M., tin vào rất nhiều sách báo nói về cuộc sống lao động trên các nông trường và công trường… Tuy nhiên, là một nữ sinh từ bé chỉ sống với gia đình ở Hà Nội, chưa quen công tác lao động, nên tôi không khỏi có những lo lắng. Lao động thì nhất định là vất vả rồi, nhưng liệu mình có vượt qua được không? Rời gia đình rồi thì sinh hoạt hàng ngày sẽ ra sao? Cuộc sống tập thể sẽ như thế nào? Tôi vấn vương với những câu hỏi đó.

Giữa lúc ấy, tôi được xem “Vào đời”! Thấy đề tài hấp dẫn này, tôi đã xem nghiến ngấu trong suốt một ngày. Nhưng càng xem, tôi càng thương cuộc đời chị Sen trong truyện. Hình ảnh cái đòn gánh “không những đè năng trên vai, mà đè nặng cả tim óc” chị Sen, những hành vi bỉ ổi của Song, Mai… đã làm tôi lo sợ. Không biết cuộc sống thực tế có như vậy không? Gấp quyển sách lại, tôi thấy đầu óc nặng trĩu và mệt mỏi.

Tôi đâm nghi ngờ cái mộng tưởng của tôi về những ngày sắp tới trên nông trường. Mấy cô bạn cùng lớp cũng chung cái lo sợ như tôi khi đọc “Vào đời”. Họ nói: Sau này bọn mình không biết có đứa nào chung số phận như cô Sen trong truyện này không nhỉ?

Giữa lúc chúng tôi hoang mang như vậy thì được đọc liên tiếp những bài báo phê bình cuốn sách độc hại đó, đăng trên báo Đảng và báo Đoàn. Chúng tôi tìm đọc rất kỹ lưỡng, và thấy rất rõ sự xuyên tạc cuộc sống mới của cuốn truyện thật trắng trợn. Tôi tin rằng khi chúng tôi “vào đời” sẽ không bao giờ gặp những điều bất hạnh như nàng Kiều Sen của ông Hà Minh Tuân, vì tôi tin rằng những người sắp bước vào đời như chúng tôi sẽ được Đảng, Đoàn và bao nhiêu người tốt khác nữa giúp đỡ, chăm sóc.

Với những ý kiến của các bài báo đã phân tích, tôi đã đọc lại cuốn truyện một lần nữa. Đọc lần này, tôi không thấy hoang mang lo lắng như lần trước. Trái lại, tôi thấy hết sức bực mình với tác giả cuốn “Vào đời” đã gây nên tâm lý chán chường lo sợ cho người đọc, nhất là đối với chúng tôi, những người học sinh còn non trẻ đang chuẩn bị “vào đời”.

Tôi xin cảm ơn các đồng chí, cảm ơn báo Đảng và báo Đoàn đã vạch rõ cho tôi tác hại nghiêm trọng của cuốn sách. Lúc này tôi đã chuẩn bị sẵn sàng phấn khởi chờ ngày lên đường đi nông trường Mộc Châu, nhất là đã chuẩn bị đầy đủ lòng tin vào cuộc sống mới khi tôi bước chân “vào đời”.

KIM THOA

(10, Hàng Bông, Hà Nội)

Nguồn:

Tiền phong, Hà Nội, s. 1063 (17.7.1963), tr.3.

Comments are closed.