Doãn Mạnh Dũng
Loài người có hai thuộc tính chính, đó là có tri thức và tồn tại trong cộng đồng. Tri thức gồm hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Những quy luật trong khoa học tự nhiên mang tính tất yếu và độc lập với ý muốn của con người và được gọi là ý của Chúa hay Phật. Quá trình tồn tại và phát triển cộng đồng loài người đã hình thành những quy luật xã hội. Tuy con người chưa chứng minh được tính tất yếu của những quy luật xã hội nhưng đều thấy nó có xu hướng mang tính phổ quát. Đó là quy luật nhân và quả. Mô hình xã hội A thì tất yếu sẽ sinh ra B.
Lịch sử là cuốn phim ghi lại sự diễn biến của xã hội loài người theo không gian và thời gian.
Học lịch sử là học các quy luật quản lý xã hội để có chính sách đúng cho vua hiền, nước thịnh, để chọn vị trí hợp lý trong xã hội xứng đáng với “cơm cha, áo mẹ”, tránh lãng phí một kiếp được làm người. Vấn đề quan trọng nhất là sử có được ghi chép thật hay là hư cấu. Khi sử đã bị hư cấu thì người dạy cũng không thể có trái tim để diễn đạt đừng nói đến não trạng con người không thể được thuyết phục để phải nhớ đến những thứ vô ích.
Vậy xưa loài người viết sử như thế nào ?
Trích Đông Chu Liệt Quốc :
“Ở phương Đông, thời Đông Chu (481-221 tr.CN) , sau khi Thôi Trữ giết vua thì truyền tin Tề Trang Công bị sốt rét mà chết.
Quan Thái sử Bá không nghe lại chép vào thẻ tre :
“Ngày Ất Hợi, tháng 5,mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang”.
Quan Thái sử Bá bị Thôi Trữ giết ngay. Em là Trọng vào thay cũng viết như anh và bị giết. Em kế là Thúc cũng chép thế và bị giết tiếp. Quí là em út vào cũng không thay đổi lời chép sử. Thôi Trữ nản lòng bỏ gươm. Quí cầm thẻ đã viết ra cửa thì gặp Nam Sử Thị. Quí hỏi đi đâu. Nam Sử Thị nói :
Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày ất hợi, tháng 5 , mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép.
Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ.”
Như vậy cách đây khoảng 2300 năm, Trung Quốc đã sớm cung cấp cho loài người những tư tưởng văn minh của sử gia.
Ở Châu Âu, văn sĩ, sử gia, triết gia Voltaire (1694-1778) người Pháp bàn về nội dung của lịch sử :
” Chỉ có những triết gia mới có thể viết lịch sử. Trong hầu hết các quốc gia, lịch sử bị bóp méo bởi những chuyện bịa đặt, tâm trí con người bị đen tối bởi nhiều thế kỷ nhầm lẫn, nhiều sự kiện, nhiều chứng tích, nhiều nghi lễ được gom góp lại để yểm trợ cho sự dối trá. Lịch sử không có khác hơn là những trò chơi xấu mà người chết là nạn nhân. Chúng ta thay đổi quá khứ để thích hợp với ý muốn của chúng ta. Người ta dùng lịch sử để chứng minh bất cứ cái gì ”
Ông còn nói rõ :
” Lịch sử không nên đề cập đến sự thăng trầm của các vua chúa mà phải đề cập đến trào lưu tiến hóa của dân tộc, không nên đề cập đến các quốc gia riêng rẽ mà phải đề cập đến tòan thể nhân loại, không nên đề cập đến chiến tranh mà phải đề cập sự tiến triển của ý thức”.
Còn nhà triết gia vĩ đại Immanuel Kant (1724-1804) người Đức – được người Nhật kính trọng là triết gia lớn nhất sau cái chết của Socrate (2400 tr. CN) đã chỉ rõ hậu quả khi phải sử dụng giải pháp “Mục tiêu biện minh cho phương tiện ” :
“Trong khi tôi có thể muốn dối trá, thì tôi lại tuyệt đối không muốn rằng sự dối trá phải là một quy luật phổ quát. Vì với định luật như thế sẽ không có một hứa hẹn nào cả”.
Trong Hội thảo mới đây, sử gia Phan Huy Lê viết :
“Học sinh phần lớn quay lưng lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải quay lưng lại môn Lịch sử.”
Nguyên nhân vì sao ?
Chính sử gia Phan Huy Lê trong tháng 2/2005 đã nói chuyện hư cấu “Lê Văn Tám” của sử gia Trần Huy Liệu. Thế hệ đội viên, trường học, học bổng, công viên mang tên Lê Văn Tám rõ ràng ít nhiều bị tổn thương. Nhớ chuyện xưa, người nước Sở xa hương nay về quê. Người đi đường chỉ những mồ mả ven đường nói rằng đó là nắm xương của tổ tiên người Sở. Sau khi người Sở khóc hết nước mắt, người đi đường xin lỗi với lời nói đùa. Khi người Sở đến đúng những ngôi mộ thật thì không thể khóc được nữa. Trái tim của người Sở bị chai lì vì sự hư cấu.
Việc coi nhẹ môn lịch sử khi ngoại xâm đang đe dọa cùng với ý đồ sửa lại Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt đã làm kẻ sĩ đất Việt càng cảnh giác cao hơn về âm mưu xâm lược dưới hình thức ngu dân trong lịch sử để dễ đồng hóa bằng văn hóa.
Chúng ta không thay đổi được lịch sử, nên kiểm chứng lại, xóa những vết đen hư cấu và tôn trọng sự thật của lịch sử. Đối mặt với thực tiễn khắc nghiệt nhằm tìm giải pháp tối ưu cho hành động để tiến lên giữa bão tố hơn là tự hủy la bàn, tự huyễn hoặc với chính mình mà đưa đất nước vào nguy cơ lạc hậu hơn nữa.
Một con người khôn ngoan là biết tiếp nhận tinh hoa của mọi người kể cả trẻ em. Một dân tộc khôn ngoan cũng vậy, nên biết tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa của các dân tộc khác dù họ từng là kẻ thù của chính mình.
Thế kỹ 21 con người thật hạnh phúc vì được gắn bó với nhau bằng in-tơ-nét. Con người hãy đón nhận và chia sẻ nhau nền văn minh. Chỉ những kẻ cực đoan, với bản chất tư duy tham lam, ích kỷ và bành trướng của sinh vật là ngày càng xa lạ với con người.
Nguồn: http://www.kinhtebien.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=875:lch-s-la-cm-nan-ch-dn-hanh-trinh-cho-con-ngi&catid=86:nhan-bn&Itemid=70Viết bởi Doãn Mạnh Dũng