Xin cùng bỏ chuyện cũ để hướng về tương lai chung

Lê Học Lãnh Vân

Những ngày này, nhiều người tôi quen biết và kính trọng đã từ giã trần gian, trong số người đó có một cái tên nhiều người biết: Trần Hữu Dũng, chủ trang Viet-Studies…

Giáo sư Trần Hữu Dũng là con của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, là cha của kiến trúc sư Trần Hữu Minh Duẩn. Sự thành công trong sự nghiệp chuyên môn và trong hoạt động xã hội của ba ông cháu không phải là chủ đề của bài viết này, người quan tâm có thể tìm thấy trên báo chí, mạng…

Khi ông Trần Hữu Dũng mất, tôi đọc được không chỉ một tút có nội dung đại ý như sau:

“Ông Trần Hữu Dũng là con của ông Trần Hữu Nghiệp, kẻ đã đề nghị lấy tên Hồ Chí Minh đặt cho Sài Gòn từ năm 1947…”. Tất nhiên những tút ấy chê bai cả gia đình vì việc đó, và tùy theo tút mà văn phong chứa ít hay nhiều hằn học.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có phòng mạch tư và bịnh viện nhỏ tại Mỹ Tho từ trước năm 1940, lúc chưa tới ba mươi, được xã hội thời Pháp thuộc ưu đãi, tương lai hứa hẹn sáng đẹp nhiều hơn nữa. Vậy mà ông bỏ đời sống sung túc, vị thế xã hội cao quý, bỏ sự nghiệp để theo kháng chiến cực khổ, nguy hiểm, tương lai mịt mờ. Phải có lý tưởng, hoài bão lắm người ta mới làm vậy. Thời đó, không chỉ ông Nghiệp, nhiều người có bằng cấp như ông, nhiều điền chủ, nhiều quan chức cao cấp cũng làm vậy, chứng tỏ lý tưởng, hoài bão giành độc lập là của một thời đại.

Lúc ấy, ông Hồ Chí Minh xuất hiện trong mắt rất nhiều người như một nhà lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của lý tưởng đó. Chúng ta, người thời nay, có thể đồng ý hay không đồng ý với đề nghị của ông Nghiệp, nhưng có nhiều cơ sở tin sự chân thành và lương thiện của đề nghị đó.

Ngay cả khi có lòng căm giận đề nghị của ông Nghiệp thì đề nghị đó liên quan gì tới ông Trần Hữu Dũng, người đã chứng tỏ năng lực và sự cố gắng bền bỉ trong việc truyền bá kiến thức đa chiều từ các bài xã luận liên quan tới Việt Nam đăng trên những tờ báo tên tuổi hay các công trình nghiên cứu nghiêm túc của thế giới? Xin trân trọng, quý mến công lao đó, tấm lòng đó. Và cũng xin dứt khoát từ bỏ quan niệm cha làm con chịu cũ kỹ kia. Chúng ta cùng suy nghĩ, có phải quan niệm đó là một nền tảng cho quan niệm hàm chứa ý tranh giành quyền lực cho gia tộc, cho phe phái: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”? (vietnamnet.vn, 26/10/2015)

Việc đề nghị của ông Trần Hữu Nghiệp xảy ra cách nay đã bảy mươi lăm năm. Nếu cứ giữ lòng căm giận tới bây giờ thì bao giờ mới có hòa giải giữa người Việt với nhau?

Hòa giải dân tộc là trách nhiệm lớn của giới có quyền lực điều hành xã hội hiện nay vốn xuất thân từ bên thắng cuộc, và cũng là công cuộc rất lớn của toàn dân. Không tròn trách nhiệm này, quốc gia khó cạnh tranh thành công trên trường quốc tế. Nếu trong lòng dân chúng vẫn còn giữ lòng căm giận thì làm sao yêu cầu, thuyết phục giới có quyền về sự hòa giải? Xin cùng nhau bỏ hết những căm ghét thù hận vì chuyện cũ đi!

Bài viết này cho rằng khi sự hòa giải giữa người Việt đạt tới mức đủ lớn, việc thành phố lớn nhất nước về kinh tế này mang tên nào sẽ không còn là một vấn đề như hiện nay nữa. Bởi vì lúc ấy người ta mới thoát khỏi các thành kiến, mới tự đặt mình một cách tự nhiên vào vị trí không bị ràng buộc, níu kéo bởi cuộc chiến nửa thế kỷ trước cùng các hệ quả của nó. Việc đặt tên thành phố sẽ được giải quyết một cách êm thấm bằng một cuộc trưng cầu dân ý!

Và tất cả những việc lớn khác của quốc gia cũng sẽ như thế khi trong lòng đất nước bớt sự chia rẽ, bớt xem nhau là “thế lực thù địch”. Chúng là việc của quốc gia chứ không còn là việc của riêng nhóm người nào. Chúng là việc của toàn xã hội, trong đó có xã hội dân sự, chứ không còn là việc riêng của chính phủ. Quốc gia trở lại vai trò và vị trí của quốc gia, cao hơn hết các thành phần của nó chứ không phải điều ngược lại! Trong tâm thế đó, mọi việc dễ giải quyết hơn bây giờ nhiều!

Theo dòng chảy liên tục, thế hệ già đang qua, thế hệ trẻ đang tiến tới, nhà lãnh đạo nào trong thế hệ mới có đủ năng lực, tầm nhìn góp sức vào mục tiêu chung nói trên của quốc gia?

Bài viết này nghĩ rằng một trong những bước đầu tiên tiến về mục tiêu đó là không ngăn cấm các trang như Viet-studies phổ biến tự do trong dân chúng. Với nguồn thông tin dồi dào, chúng có vai trò cung cấp kiến thức cho dân chúng, phản biện và góp ý cho quốc gia, làm mềm mại tương tác giữa dân chúng và chính quyền, đặt nền móng vững chắc cho hòa giải.

Trẻ hay già đâu ở tuổi tác. Anh Trần Hữu Dũng, chủ trang Viet-studies, người đầu tuần này vừa từ giã trần gian ở tuổi bảy mươi lăm, người luôn cập nhật kiến thức cho mình, được nhìn là rất trẻ!

Ngày 03 tháng 3 năm 2023

Comments are closed.