Bà ngoại

Truyện ngắn Nguyễn Đức Tùng

 

Bà ngoại tôi là công chúa, nhưng không thuộc dòng chính của hoàng thất. Bà lấy chồng năm mười sáu tuổi, lúc còn chưa biết gì. Ông ngoại tôi lúc ấy đã gần bốn mươi tuổi, mới goá vợ chưa có con. Một buổi sáng mùa xuân thức dậy cô bé mười sáu tuổi ngạc nhiên thấy mình nằm trên giường của một người đàn ông lạ, như giấc mơ. Nhưng đó không phải là mơ, cô lắng nghe tiếng chim cu hót ở cuối vườn, người đàn ông đang ngủ, say rượu, vì đêm qua là lễ cưới, khuôn mặt ông ta trông cũng hiền lành nhưng nghiêm nghị. Trên má trái có một nốt ruồi đen nhỏ, một sợi lông mọc trên đó dài và cứng trông chướng mắt. Ông ta rõ ràng là đang ngủ say: cô len lén bò dậy. Mấy bà cô bà dì khuyên, hãy ngoan, nghe lời ông ta, làm một người vợ tử tế. Chuyện ấy hơi đau, nhưng không sao rồi sẽ quen, mới đầu chảy máu chút đỉnh. Nhưng ông ta chẳng làm gì cả, suốt đêm bị bạn bè hò hét la cười vây quanh, chuốc rượu say, lúc ngồi đợi ở cửa phòng cô chẳng đặng đừng phải đứng dậy dìu ông vào giường. Suốt đêm chẳng ngủ được mấy vì ông chồng mới cưới có tật ngáy to. Cô bàng hoàng xúc động suýt khóc, rõ ràng là chẳng hề chuẩn bị gì cả.

Ở cuối giường có một cái rương sơn son thếp vàng. Cô mở ra, nhiễu, lụa, một vài thứ vải vóc, đồ nữ trang có phần đạm bạc so với một công chúa vì gia đình bên ngoại lúc đó rơi vào cảnh nghèo túng cũng như các gia đình vọng tộc thân vương thời bấy giờ. Ở dưới đáy rương có một cặp roi bằng mây sơn màu đỏ. Chồng cô giải thích rằng cặp roi ấy là quà tặng của chính Đức Hoàng thượng. Khi tức giận, bất bình hay muốn dạy vợ, ông chồng có quyền dùng roi để đánh nhưng nhất thiết không được chửi mắng vì chửi mắng một công chúa là mang tội phạm thượng. Bà tôi học được bài học đó, về sau này cũng áp dụng cho con cháu, chỉ đánh bằng roi chứ không chửi mắng chúng. Và bà đánh rất đau, có lẽ vì không được chửi.

Khi người đàn ông thức dậy, mọi chuyện có vẻ khá hơn. Ăn xong buổi sáng một mình do mấy người hầu mang lại, vì bà tôi chẳng biết nấu nướng gì, mặc dù đã được huấn luyện một lớp nữ công gia chánh, chàng tân lang mới ra hiệu cho vợ lại gần rồi hai người dắt tay nhau im lặng đi ra cửa sau, băng qua một khu vườn rộng trồng nhiều khế, ổi, bưởi, cam, mãng cầu, mít mật, đang trổ hoa đầu mùa, tới góc vườn nhảy qua tường xây bằng gạch. Cha mẹ của chàng rể, tức là cố của tôi, lúc ấy vẫn còn sống; và mặc dù đã lớn tuổi ông ngoại tôi vẫn còn có tính trẻ con và sợ cha mẹ.

Vẻ ngoài ngại ngùng e thẹn có phần sợ hãi của cô dâu nhỏ lập tức biến mất. Tôi đoán rằng cú nhảy qua tường rất ngoạn mục ấy đã làm cho cô bé thông minh hiểu ra là mình đang sống với một người đàn ông như thế nào. Có một gia nhân biết chuyện nhưng anh ta đủ khôn ngoan để giữ kín mồm miệng vì im lặng là vàng. Mặc dù đã có một đời vợ trước chàng rể lớn tuổi vẫn nồng nàn vui tính. Cô dâu trẻ dần dần thích những trò mà chồng cô bày ra, không còn sợ chồng nữa, đêm đêm hai người nằm ôm nhau tỉ tê trò chuyện, trong nhà đi ra đi vào quấn quýt làm cho gia nhân ai cũng ngạc nhiên bối rối đưa mắt nhìn nhau. Dần dần cô dâu mới trở thành một chủ nhân thật sự của đại gia đình, không phải vì cái gốc gác hoàng gia mà vì tính tình mau mắn, có thể gọi là có chút đảm đang và tính cương quyết nóng nảy. Người chồng rõ ràng là dần dần để vợ dẫn đi trong mọi chuyện, nhưng đó là chuyện về sau. Chỉ vài ngày sau đám cưới cô dâu được phép trở về nhà mẹ, hình như đó là một ngoại lệ.

-Con với chồng con ra sao? – Bà mẹ hỏi.

-Mọi chuyện rất ngon lành. – Bà ngoại tôi trả lời.

Bà mẹ ngạc nhiên:

-Không bị hắn đánh đập hay đau đớn gì à?

Cô dâu lắc đầu:

-Chồng con rất tốt với con.

Cô nói thế nửa thành thật nửa cho xong chuyện, trong bụng không chắc lắm là mình có chân thành yêu người đàn ông này hay không. Mười sáu tuổi, cô chẳng biết cô muốn gì. Cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, được dàn xếp, lúc ấy dĩ nhiên là chuyện bình thường, không cho phép cô có cơ hội để có một câu hỏi có vẻ triết học như thế. Cô về nhà chồng rất miễn cưỡng nhưng rồi cũng quen đi và có phần vui thích

-Hắn có làm con sợ hãi không?

-Ngược lại thì có – Cô gái đáo để mỉm cười với chút ẩn ý. Và thêm: Anh ấy bảo cứ tưởng con là một con thỏ, hóa ra không phải.

Bà mẹ bảo: thỏ hay ngựa thì cũng phải biết nấu ăn; tau nghi mi không biết nấu ăn. Và bà đuổi con gái trở lại nhà chồng sau khi nhét vào chiếc túi vải của cô đầy nhóc những thứ bánh kẹo của trẻ con. Cô thích nhất là bánh bích quy của Pháp, mè xửng Huế, bánh tráng Sông Cầu, mạch nha, kẹo gương Quảng Ngãi. Bà mẹ tiễn con gái xuống thuyền, nhìn cô ngồi sau cánh cửa tò vò, kín đáo đưa tay áo rộng quệt nước mắt để gia nhân khỏi thấy.

Từ nhà cha mẹ ở Thừa Thiên đến nhà chồng ở Quảng Trị ngày ấy đi đò dọc mất một ngày trời, gặp đêm trăng sáng thì đi suốt đêm. Cô thường chờ lúc trăng rằm đi đò về thăm cha mẹ, mỗi tháng một lần, về sau thưa ra, hai tháng, rồi ba tháng, phần bận việc nhà, phần bụng cô lớn dần, nặng nề không đi đứng được. Mỗi năm đẻ một đứa. Sinh ba đứa con trai liên tiếp, rồi ba đứa con gái liên tiếp, không kể những lần sẩy thai. Bà ngoại tôi có mười hai đứa con, nhiều lúc không nhớ hết tên. Đứa nằm ngửa thì đứa tập tễnh đi, đứa chạy nhảy leo trèo thì đứa nằm trong bụng. Thiên nhiên đã dự trù những bi kịch của con người, nhất là trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, trong mười tinh trùng chỉ có một con là hoạt động, còn chín là yếu ớt bất thường. Mười hai đứa con, hai đứa bị Pháp bắn, hai đứa bị Việt Minh bịt mắt nhốt rọ ném xuống sông, một đứa lưu lạc sang Lào, một đứa sang Thái Lan, một mất vì bệnh đậu mùa lúc còn nhỏ, chỉ còn năm người, hai người cậu, mẹ tôi và hai người dì của tôi, là có vợ hay có chồng, nhưng cũng đều chết khá trẻ, chỉ mẹ tôi là sống thọ hơn cả. Trong bốn người ấy, có hai người bị thương hàn hay sốt rét ngã nước. Một người bị lao phổi. Một người bị ma bắt. Khi tôi lớn lên không được gặp họ, những người cậu và dì, lòng thương tiếc.

Bận rộn với việc vườn tược đồng áng, săn sóc chồng con, người đàn bà trẻ không có thì giờ để nghĩ đến thời gian xuân sắc, nhưng có lẽ vì vui với cuộc sống mới nên trông vẫn xinh tươi, mặc dù không mấy khi dùng đến gương lược. Cặp roi ở đáy rương hồi môn năm nào vẫn còn mới nguyên, vì người chồng chưa kịp dùng thì đã qua đời, khá sớm.

Thỉnh thoảng đêm khuya cô mở rương ra, cầm chúng lên ngắm nghía trong ánh trăng, hít hà mùi sơn đỏ còn thơm thoang thoảng, xoay người quất vun vút vào không gian như múa võ để nhớ người chồng cũ.

Sau cái chết của ông, bà vẫn còn gắng gượng với công việc thêm nhiều năm nữa cho đến một hôm người ta tìm thấy bà nằm úp mặt giữa hai luống khoai lang gần một vũng nước, một tay soãi ra trên mặt đất, một tay cầm những dây khoai lang đang trổ hoa màu tím như cố bám vào một điều gì. Người ta vực bà dậy đưa vào nhà, cho uống nước trà đường thì bà tỉnh lại. Bà ngất đi chỉ vì đói và mệt nhọc.

Sau lần ngã đó, bà tôi yếu hẳn, công việc gia đình ngày một khó khăn, chiến tranh lan rộng, thần chết tỏa cái bóng dài của nó trên những ngả đường thôn xóm thanh bình quanh co, giữa các hàng chè tàu có sợi tơ hồng màu vàng óng ánh quấn quýt, bạn có muốn gỡ ra cũng không được vì chúng rất dai và khôn ngoan bám lấy nhau như anh chị em một nhà. Cái chết của các con đánh gục bà nhiều lần, nhưng một sức mạnh phi thường lại vực bà dậy.

Sau nhiều năm xứ lạ quê người, tôi quyết định về thăm quê cũ. Cảnh vật xưa sau những trận đánh kinh hoàng không còn gì, tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà mới mọc lên, tường gạch, ngói đỏ nhưng không hiểu sao trông vẫn liêu xiêu, tạm bợ, không chững chạc như một ngôi nhà tranh vách đất của người trung nông khá giả ngày xưa, tranh lợp hai lần dày khít mưa đổ như thác cũng không lọt qua được, vách tường nện bằng bùn trộn rơm và phân trâu khô chắc, dày, ấm áp, khoảng sân bằng đất nện trước nhà rộng rãi, đủ để phơi một mùa lúa, mùa thuốc lá, mùa bắp đậu, có khi còn để hai dãy cối đá giã gạo trai bạn hát hò đối đáp, điều ấy ngày nay kể lại đám trẻ nhỏ nghi ngờ, làm cho những người lớn tuổi cũng mất tự tin. Một người bà con của tôi, tập kết ra Bắc, và một người bà con khác từ Mỹ, về quê, đã góp tay dựng lại trên nền nhà cũ một ngôi nhà thờ họ, trông khang trang và cũng hơi giống ngôi nhà ngày xưa của ông bà ngoại tôi. Lớp trẻ ngơ ngác nhìn người bà con lạ lẫm, nhưng những người lớn tuổi thì vẫn còn nhớ tôi như in, ríu rít trò chuyện, tới thăm đầy nhà, suốt đêm đến sáng. Mới đầu bà ngoại tôi không nhận ra cháu, nhưng dần dần tôi kiên nhẫn gợi lại nhiều kỉ niệm, trong ánh mắt bà đã có tia nhìn tinh anh như hồi quang của một vì sao xanh vừa bay qua hết bầu trời.

Trong những ngày ở lại quê, hôm nào tôi cũng bước vào căn phòng tối của bà, thắp ngọn đèn dầu lửa bấc liu riu, dành thời gian ngồi lâu lâu với bà. Thể xác còn khá khỏe mạnh nhưng tinh thần lờ mờ u ám. Người già không nhớ chuyện gần đây nhưng nhớ chuyện xưa. Bà ăn ít, nhưng bữa nào cũng ăn một chút vì bị ép, ăn xong lại ngồi vào chiếc ghế mây của mình, im lặng ngủ lơ mơ, nhưng cũng có khi tỉnh táo và trả lời nhiều câu hỏi khá chính xác. Tôi tập đút cho bà. Lần nào bà cũng ăn được nhiều hơn khi ngồi với người khác.

Một sáng dậy sớm hơn thường lệ, trời còn tối, trong nhà sương mù bay lãng đãng chạm mặt, tôi đến trước cửa phòng bà đứng hồi lâu nhìn qua cánh cửa mở hé, bà ngoại tôi ngồi bên cửa sổ, hướng ra ánh sáng, chăm chú ngắm nghía một vật gì trên tay. Phía sau lưng bà là chiếc quan tài bằng gỗ cẩm lai, con cháu chung tiền mua ít nhất cũng đã mười lăm năm. Bà thường đi quanh quẩn lấy tay sờ lên lớp gỗ bóng mịn, trò chuyện với nó như với một người bạn thân. Trong đáy quan tài để hai chiếc roi của chồng. Tôi đứng thật lâu rồi hắng giọng bước vào, bà ngoại tôi từ từ quay lại, ánh mắt như cười.

-Anh về rồi đó à, vậy mà em cứ tưởng anh còn bận việc trên tỉnh.

Tôi tiến lại gần, bà ôm choàng lấy tôi, úp mặt vào vai tôi, khóc rưng rưng như một người thiếu nữ. Sau lưng tôi, từ trên tay của bà, rơi xuống đất một chiếc roi mây sơn màu đỏ. Một lát sau bà đẩy nhẹ tôi ra, bảo: Để em đi nấu cháo cho anh.

 

 (Ngày lễ Ông Bà, Canada)

Comments are closed.