THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (23): Với tinh thần “anh Mới” (hay Tinh thần dân chủ của làng Việt xưa)

Trần Trung Chính

Văn Việt: Sau toạ đàm “Thoát Trung về văn hoá” ngày 15/6, Văn Việt nhận được một số bài viết mang tính học thuật bàn sâu vào những khác biệt căn bản của văn hoá China với văn hoá Việt trong truyền thống. “Ôn cũ biết mới”, đó là những rất gợi ý quan trọng cho việc vạch ra con đường “thoát Trung về văn hoá” trong thời hiện đại. Tiếp sau bài “Tại sao hai triều đại Lý-Trần đạt được sự thịnh vượng?” của nhà văn Hà Thuỷ Nguyên, kỳ này Văn Việt xin giới thiệu bài viết của nhà văn Trần Trung Chính.

 

Chủ đề thảo luận “Thoát Trung về văn hoá” quá rộng, lại chưa thống nhất về vô số khái niệm, sẽ khó với người muốn tham gia.

“Thoát Trung” có lẽ không chỉ là ý muốn, mà khả năng, khả năng mới quan trọng. Sẽ có không ít khả năng cần tìm kiếm ngoài lãnh thổ Việt, tựa như: đem  tiền thuế dân, bán thêm tài nguyên, hay vay mượn đâu đó… sắm vũ khí tối tân mang về đề phòng anh nào xơi mình; hoặc học theo một mô hình tổ chức nhà nước nào hay hơn China, v.v. Nhưng cũng có khả năng, vốn ở ngay trong lịch sử của ta, loại “vũ khí” khiến Việt Nam không thành Trung Quốc, hoặc một bản sao vụng của họ, dù từng bị đô hộ đến nghìn năm. Có vài người đã nói khá hay về nó, tôi chỉ tiếp thu, bổ sung tý chút và diễn giải theo ý riêng cho phù hợp chủ đề thôi.

Hai kiểu kết cấu xã hội của Trung Quốc

Trong cuốn “Nền kinh tế công xã Việt Nam”, G.S Vũ Quốc Thúc cảm tạ ông GS R. Maunier vì đã tìm ra ba cực hút tập hợp con người (công trình Bàn về tập họp xã hội”) gồm:

1- Quan hệ thân tộc (nhóm huyết thống)

2- Hoạt động xã hội (nhóm hoạt động theo giai cấp, đẳng cấp, nghề nghiệp…)

3- Nơi cư trú (nhóm địa phương, trong đó có xã thôn).

Cho tôi thêm một cực hút nữa:

4- Tôn giáo.

Gọi “bốn cực hút” hay bốn kiểu liên kết cũng được, nhìn tổng thể có thể gọi đó là kiểu kết cấu. Dĩ nhiên không quốc gia, dân tộc nào được tạo nên bằng chỉ thuần một kiểu, nhưng sự nổi trội của một hay đồng thời hai kiểu, nếu nhận biết được, đấy chính là thuộc tính dân tộc đó, thế mạnh của họ, văn hóa của họ. “Ông Maunier đã cung cấp cho chúng ta một phương pháp hữu hiệu để làm sáng tỏ tính chất đặc trưng của cấu trúc xã hội ở mỗi nước.” (theo G.S Vũ Quốc Thúc)

Kiểu 1- “Trong khi người Việt Nam hầu hết là chuyên nghề nông thì người Trung Hoa trái lại ngay từ thời kỳ xa xôi nhất đã đi vào con đường buôn bán, nhất là buôn bán lớn và không ngại rời bỏ quê hương. Các thương nhân đã  kết hợp lại thành một giai cấp xã hội thật sự, có tài tháo vát, ý thức kinh doanh, đầu óc tổ chức và có những truyền thống thật là nổi bật. Thực thế, một mặt, những nhu cầu kinh doanh đòi hỏi sự hình thành nhiều thị trường và nhiều trung tâm thành phố. Trung Quốc đã có từ lâu đời vô số thành phố lớn mà cảnh tượng náo nhiệt của quần chúng đã làm cho khách ngoại quốc phải kinh ngạc.”  Hoặc: “Không nên nghĩ rằng sự tồn tại của phường hội là ách bạo hành đối với người Trung Hoa. Theo ông M. Courant, bản năng quần cư đã được phát triển rất mạnh ở Trung Quốc. Sống mà bị cô lập, với người Trung Hoa thì coi như là sống nửa vời, mọi ái lực mạnh mẽ gắn chặt các thành viên lại với nhau giống như ái lực hoá vật gắn chặt những phần tử ôxy và hydrô, với bản sinh là thụ động, họ sống, suy nghĩ theo tập đoàn. Cho nên quyền lực của phường hội đối với người kinh doanh, là một nhu cầu chứ không phải là xa lạ đối với họ” (dẫn theo GS. Vũ Quốc Thúc).

Theo tôi tình hình đó xảy ra chủ yếu ở Bắc Trung Quốc (Bắc sông Hoài, nằm khoảng giữa lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử – cũng có ý kiến xác định từ Bắc sông Dương Tử) do các điều kiện thiên nhiên chi phối dân chủ yếu trồng tiểu mạch, kê… cùng với kinh tế chăn nuôi có nền thương mại lục địa đặc biệt phát triển, sớm thúc đẩy cho sự ra đời hệ thống đô thị – mà các thành là một kiểu định cư đô thị tiêu biểu. Ví dụ như thành Tây An (13 vương triều Trung Quốc từng đóng đô vùng này) nằm bên bờ bắc sông Hoài, tường thành cao 12m, chân tường dày 17m, chu vi tới 13,7km; hoặc thành Bình Giao (tỉnh Sơn Tây – một trong những phát địa của Trung Quốc) hình vuông chu vi hơn 6km, tường thành cao 10m, chân thành dày 9-11m, diện tích trong thành 2.250 km2. Bắc Trung Quốc có nhiều thành kiểu này, có tài liệu nói mỗi trấn một thành.

Lối định cư đó, dân ở trong thành có quy mô rất lớn, chịu sự quản lý hà khắc của quan, quân – là hoàn toàn khác với lối định cư phân tán theo làng nhỏ và không chịu sự kiểm soát quá chặt từ chính quyền của người Việt.

Nêu một chi tiết nữa cho thấy khác biệt địa lý. Thử hình dung trận Quan Độ bên bờ nam Hoàng Hà (năm 200). Tương truyền Viên Thiệu dùng tới 70 vạn quân đánh với 7 vạn quân Tào Tháo – tức là đôi bên ngót 1 triệu người cùng ngựa, chiến xa… nữa, thì phải có một không gian đủ lớn (đất rộng, bằng phẳng, khô ráo) cho cuộc thư hùng đó? Địa hình Đồng bằng Bắc Bộ sông mương chằng chịt, đất đai lồi lõm, lõng bõng nước… có chỗ nào dàn được ngần ấy quân ra chơi nhau? Thêm nữa, nếu triển khai chiến thuật biển người đó trên châu thổ sông Hồng, họ thua là chắc.

Nhìn chung vùng địa lý Bắc Trung Quốc (Bắc ăn mỳ, Nam ăn gạo) được kết cấu chính bằng các nhóm xã hội với vai trò nổi bật của các thương đoàn – và lối định cư đô thị rất sớm cho thấy khả năng tập quyền cao độ.

 

Kiểu 2. “Về điểm thứ hai, nếu chúng ta so sánh thôn xã với các tập họp dân khác Trung Quốc như tập họp thân thuộc, tập họp địa phương, tập họp để hoạt động, thì nó không có gì ưu thế như ở Việt Nam.

 

Trước hết, gia đình người Trung Hoa có một cấu trúc rất vững chắc. Quyền tuyệt đối của người cha, sự bất bình đẳng căn bản giữa chồng và vợ, tính chất hết sức thiêng liêng của việc thờ cúng tổ tiên – tất cả những nét đó mà rất nhiều tác giả Pháp bất chấp phải trái, đã gán cho gia đình người Việt Nam, lại được thấy thể hiện ở trong gia đình người Trung Hoa, với một sức sống mãnh liệt hơn nhiều. Sự liên kết đó trong gia đình người Trung Hoa đã làm cho gia đình của họ trở thành một tế bào xã hội thật sự, mà luật pháp dựa vào đó để dựng lên tổ chức cai trị của Thiên hoàng, cho nên thôn xã về phương diện hành chính thì là một sự tập họp các gia đình.

Đối với quyền thế của người cha trong gia đình thì nó góp phần làm cho những thành viên trong gia đình bất chấp tuổi tác, mất mọi ý thức về cá nhân của mình. Thực vậy, luật lệ đòi hỏi khi người cha trong gia đình còn sống thì con cái không được quyền xây dựng tổ ấm riêng rẽ, chúng cũng không thể có được những của cải riêng tư.

Cuối cùng, đối với quyền thế của người mẹ thì nó góp phần làm cho mỗi người phụ nữ sau khi đi lấy chồng trở thành một người con gái ngoại tộc đối với gia đình bên mẹ, nó làm cho người phụ nữ mất hết mọi sự liên hệ với gia đình mẹ đẻ, nó không cho phép người phụ nữ có quyền ảnh hưởng đến chồng, và do đó nó trở thành một nhân tố làm tan rã gia đình bên mẹ.

Nam Trung Quốc, nơi mà địa phương phân quyền lúc nào cũng thắng thế, thì những hình thức xã hội cổ xưa phải được duy trì: ở đấy người ta thấy trước hết là thị tộc. Tuy nhiên, thị tộc là gì? Đó là một đại gia đình mà những thành viên của nó sống chung với nhau từ nhiều thế hệ. Đất đai không phải là của chung, mỗi gia đình nhỏ đều có sản nghiệp riêng bất di bất dịch, những sản nghiệp này không được phép bán cho ai, ngoài những bà con bên nội là những người luôn luôn được quyền mua trước… Quyền không thể nhượng lại sở hữu đất đai đó, gắn liền với việc thờ cúng tổ tiên chung, là một cơ sở hết sức là vững chắc cho tính vĩnh cửu của thị tộc” (theo GS. Vũ Quốc Thúc).

Theo ông M. Courant, “Những thị tộc gồm hàng nghìn người ở thường được thấy ở nhiều nơi; những thị tộc với vài trăm người còn nhiều hơn thế nữa, chiếm toàn bộ thôn xã đánh dấu sự tồn tại của nó trước đó, hay là sự hiện diện của nó qua vô số địa danh; những thị tộc chừng vài chục người bao gồm nhưng chỉ có cùng một tổ họ ba đời là điều thường thấy ở khắp nơi trong nước Trung Quốc” (dẫn theo GS Vũ Quốc Thúc).

 

 

GS Vũ Quốc Thúc  cũng như một số nhà nghiên cứu đều cho rằng những nguyên tắc Khổng giáo ít nhiều chỉ ngấm đến các quan lại, các nhà nho mà nhân dân Việt Nam không biết đến, hoặc cố tình bỏ qua. Đối với người Việt, “Nếu người ta thừa nhận sự gắn bó tự nhiên giữa các thế hệ, thì đồng thời người ta cũng nói: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, một ngạn ngữ với ý nghĩa tương tự là “mỗi thế hệ phải tự mình lo liệu lấy những nhu cầu của bản thân mình”. Cuối cùng, khi luật lệ cho phép người chồng được toàn quyền thì trong thực tế, người vợ là người nội trợ, chính người vợ là tay hòm chìa khoá… Qua đó, người vợ được chồng con kính trọng, và quyền lực của người vợ là không ai có thể phủ nhận được. Người ta đã phải chăng gọi người vợ đúng với danh nghĩa của họ là: bà nội tướng?

Cuối cùng, sẽ phạm một sai lầm nghiêm trọng nếu người ta xem gia đình Việt Nam như là gia đình người Trung Hoa. Ở Việt Nam, không phải tập đoàn gia đình với tư cách là khuôn khổ xã hội, cản trở cá nhân tôn trọng nhân phẩm của mình.” (hết trích)

Hiển nhiên đó là kiểu kết cấu theo các nhóm huyết thống, và do đó cũng có kiểu định cư theo huyết thống. Có thể nhận biết lối định cư này qua các trang (tương đương làng, thôn) mang tên dòng họ (Vương gia trang, Hoàng gia trang, v.v);  hoặc một tòa nhà lớn đến mức có thể đủ cho cả một thị tộc gồm rất nhiều gia đình với nhiều thế hệ cư trú (gọi là Thổ lầu). Hiện ở Phúc Kiến (đất Mân Việt xưa) còn tới hơn  20.000 thổ lầu, có những tòa nhà chứa tới 80 hộ cùng sinh sống (xem ảnh).

Kiểu kết cấu của xã hội Việt Nam

Ở Việt Nam với 92% dân số là nông dân thời điểm 1938, chắc chắn không thể có những tổ chức thương đoàn được các tổng tiêu đầu dẫn theo vô số dân binh có vũ trang áp tải hàng hóa đi từ tòa thành này qua tòa thành khác. Tức là không có kiểu kết cấu theo tập đoàn, giai tầng xã hội. Còn kiểu kết theo thị tộc, thì chính Pierre Gourou trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” cũng khẳng định: “Khác với những điều chúng tôi thấy ở Trung Hoa, họ, nghĩa là những người cùng trong một dòng họ chung, không có vai trò chính trị, và đấy là một trong những nét độc đáo rõ rệt nhất của các thiết chế Việt Nam”.

Kiểu liên kết theo các nhóm tôn giáo thì cũng không hẳn vậy. Xin dẫn vắn tắt: “Singapore cấu trúc xã hội chủ yếu dựa trên các hiệp hội công thương, trí thức, người tiêu dùng; Philippines với giáo hội là nòng cốt của xã hội dân sự; Indonesia và Malaysia những tổ chức Islam có vai trò nổi bật; ở Thái Lan vai trò này thuộc về các tổ chức tăng đoàn và các chùa Phật giáo” (“Xã hội dân sự ở Malayxia và Thái Lan” Lê Thị Thanh Hương chủ biên). 

Vậy chỉ còn kiểu kết cấu theo “nơi cư trú” hay “quan hệ láng giềng”. Đến đây sẽ có ý kiến rằng tại sao cùng trồng lúa nước như Nam Trung Quốc nhưng Việt Nam, ít nhất là ở vùng Đồng bằng Sông Hồng lại có kiểu kết cấu xã hội khác? Một câu hỏi cần nhiều thời gian để cùng thảo luận, giải đáp. Trong phạm vi bài ngắn này, tôi mạnh dạn nói cách hiểu của mình, mong được chỉ giáo thêm.

1- Điểm xuất phát là địa lý. Đồng bằng sông Hồng chưa phải là đồng bằng cơ sở, theo nghĩa nó đã được sông Hồng, Thái Bình cùng các phụ lưu cần cù dâng nước san lấp cho đất đai bằng phẳng. Thậm chí có người còn lưỡng lự trong cách gọi nó là đồng bằng, bởi chỉ có Thái Bình, Hưng Yên không núi, 8 tỉnh còn lại đều có núi. Nhưng tổ tiên chúng ta đã không đợi thiên nhiên làm xong nhiệm vụ của nó, họ đã đắp đê ngăn nước sông để tạo những khoảnh ruộng và bảo vệ làng mạc.  Những con sông đã bị đóng khung bởi đê. P. Gourou nói rất hay về việc làm này: “Họ đã bắt những con sông chết từ thủa thanh xuân”, vì thế ông nhận xét: “Một đồng bằng nhiều tính nhân tạo, với cảnh quan nhân tạo hơn là tự nhiên” và so sánh chúng (đê) với những công trình lao động tập thể vĩ đại của loài người, đền tháp AngKo, Vạn lý trường thành…” (Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ).

Dĩ nhiên việc đắp đê sớm để lại những hậu quả cho địa mạo, đất phía trong đê phần lớn mấp mô với các “xứ đồng” cao thấp khác nhau… Nhưng để trồng lúa nước, bắt buộc phải tạo được những mặt phẳng tương đối để tích tụ nước mưa, những mảnh ruộng nhỏ chi chít đã hầu như được sinh ra như vậy, trong quá trình san đất thành những mảnh nhỏ. 16 triệu mảnh là số liệu thống kê từ 1920, riêng Bắc Ninh có 1.5 triệu mảnh, bằng số mảnh ruộng của toàn xứ Nam Kỳ cộng lại.

Nếu nói liên kết theo nơi cư trú, hay địa vực là chưa được rõ lắm về mặt quan hệ, thì có thể dùng hình ảnh mảnh ruộng. Các mối quan hệ của các hộ nông dân là theo mảnh ruộng (mọi mảnh ruộng đều thuộc một cái làng nào đó), lấy nước vào hay tát nước ra khỏi mảnh ruộng nhà mình đều phải qua các mảnh ruộng liền kề khác, chúng ta phụ thuộc vào nhau. Khung cảnh địa lý đã dẫn tới thiết lập những mối quan hệ sản xuất và xã hội.

2. Chính sách ruộng công. Trong lịch sử chế độ thổ địa Việt Nam, chính sách ruộng đất trải qua nhiều lần thay đổi, nhưng về cơ bản nguyên lý ruộng đất trong nước là của nhà vua, nông dân chỉ lĩnh canh của nhà vua mà nộp thuế (thuế thu hoạch từ ruộng công thường bị thu gấp ba lần ruộng tư – “Thời Gia Long 1 mẫu ruộng tư chỉ đóng 40 bát thóc, 1 mẫu ruộng công phải đóng 120 bát thóc (theo Pierre Gourou). Bởi dân không có quyền sở hữu tuyệt đối cho nên khi nhà vua muốn lấy ruộng đất để làm việc công thì dân không có quyền bồi thường (theo Đào Duy Anh Việt Nam văn hóa sử cương). Nếu chính sách này áp dụng triệt để thì làng xã Việt Nam không thể có ruộng công, nhưng nhà vua (chính quyền trung ương) lại giao ruộng, đất cho các xã thôn quyền được hưởng dụng – tức là nó trở thành công điền, công thổ của làng xã. Cũng theo Đào Duy Anh: “Khi nào nhân dân xin phép dựng làng, nhà vua thường cấp cho một khoảnh thổ địa để làm của chung. Những công điền công thổ ấy không được bán đi, trừ ra gặp buổi cơ cận tai hoạ dữ lắm thì xã thôn có thể xin phép (nhà vua-nhà nước) tạm cầm trong hạn ba năm. Những ruộng đất công ấy là của nhà vua cho xã thôn được hưởng lợi, nên xã thôn phải nộp địa tô thường cao hơn thuế ruộng đất riêng”.

Theo tôi chính sách này vô cùng quan trọng. Một mặt nó làm cho ruộng đất công của nhà nước không bao giờ có thể chuyển thành ruộng đất tư – tài sản quốc gia không thể biến thành tài sản tư hữu dưới bất cứ hình thức nào. Mặt khác nó đảm bảo cho hết thảy những người nông dân không có ruộng đất vẫn có đất canh tác, bởi đã được làng xã cứ 3 năm hoặc 6 năm một lần chiếu theo sổ nhân khẩu của làng để chia ruộng công cho dân cày cấy. Cũng do chính sách ruộng công và hạn điền đã làm cho tình trạng tích tụ ruộng đất quá mức không xảy ra, nông thôn miền Bắc hầu như không có đại địa chủ.

Làng Việt Nam có một số hạng công điền giành phụng sự xã hội:

1- Trợ sưu điền (giúp dân nghèo một phần sưu thuế)

2- Học điền (lấy hoa lợi nuôi thy dạy, cấp giấy bút cho học trò nghèo)

3- Bút điền (cấp phí giấy bút cho chức dịch của làng)

4- Cô nhi điền – quả phụ điền (cứu giúp kẻ mồ côi ngưi goá bụa)

5- Bổn thôn điền (ruộng của xã thôn do xuất công quỹ mua lại của tư nhân mà có, nhằm làm giàu công quỹ)

Pierre Gourou cũng đưa tới một kết luận quan trọng về đời sống chính trị của làng Việt: “Làng là một cộng đồng tự trị giải quyết những mâu thuẫn của thành viên, tự thu lấy thuế cho nhà nước. Nhà nước không có việc gì với công dân mà với xã, một khi xã đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với chính quyền thì nó có thể tự cai trị một cách tự do. Tính độc lập của làng rõ ràng” (dẫn theo Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ).  

Sở dĩ cần giới thiệu tương đối cụ thể về chế độ thổ địa công, vì đó là nguồn lực tài chính đầu tiên, thiết yếu nhất của làng Việt Nam. Người ta dùng tài sản công để vận hành mọi không gian hoạt động công cộng tại các làng xã truyền thống Việt Nam. Về đại thể làng Việt gần với một tổ chức xã hội dân sự tự quản hơn là một thiết chế hành chính, với ba thành tố quan trọng: 1- Có tài sản riêng (gồm 13 công trình, không gian như: hệ thống giao thông,  các công trình  cấp nước, đình, đền, chùa, nghĩa trang… đặc biệt là ruộng công của làng). 2- Có pháp chế riêng (hương ước). 3- Có quyền bầu ra tổ chức quản trị riêng cho làng. Còn nó đã trở nên một thiết chế hành chính là do được chính quyền trung ương công nhận (dưới chế độ phong kiến hay Pháp thuộc đều như vậy).

Ngược thời gian xa hơn, theo GS Vũ Quốc Thúc: “Ngay cả trong thời Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ thì họ (Trung Quốc) chỉ thấy (ở Việt Nam) những tập họp thôn xã đã có sẵn. Công việc của họ do đó được thuận lợi nhiều: điều đó chắc chắn là họ thừa nhận ngay tức khắc sự tồn tại chính thức của các tế bào xã hội ấy với những người cầm đầu hiển nhiên của nó, các vị k mục”. Ông nhận xét: “Ở Việt Nam chế độ quan lại dường như khó tương hợp với tổ chức thôn xã sẵn có. Thực tế, về bản chất chế độ quan lại là quý tộc, còn chế độ quyền bính trong tay các bô lão trong thôn xã về bản chất lại là dân chủ.” Rồi ông đi tới một giả định rất khó bác bỏ: “Hình như lúc bấy giờ người ta đã đi đến một giải pháp thoả hiệp: ngôi thứ không phải chỉ được giành riêng cho các bô lão mà nó còn được mở rộng ra cho những người kém tuổi hơn có chức sắc. Người ta dành cho thôn xã quyền tự do lựa chọn giữa hai hệ thống thứ bậc ấy, chọn tuổi tác hơn phẩm bậc hay phẩm bậc hơn tuổi tác… Để không làm phật lòng các vị hương mục là những người hiển nhiên đứng đầu thôn xã, người ta không bổ nhiệm viên chức thôn xã như ở Trung Quốc, mà chỉ bổ nhiệm những viên chức trung gian để đảm bảo mối liên hệ giữa thôn xã và chính quyền trung ương. Và cũng do đó mà thôn xã Việt Nam, một tế bào xã hội đã chính thức trở thành một tế bào chính trị, có quyền tự trị rộng rãi. Toàn bộ tổ chức thôn xã ấy chắc chắn là vẫn được duy trì, cho đến  khi nước Việt nam đã giành được độc lập năm 939 sau công nguyên.” Và ông kết luận: “Sự thành lập thôn xã Việt Nam là một tiến trình chính trị xã hội.” (hết trích).

Tóm lại nhà nước Trung Quốc chưa bao giờ áp đặt được bộ máy cái trị của họ lên các tổ chức làng của người Việt. Chúng ta có quyền tự hào về điều này – làng, một tổ chức định cư thuần Việt do nhân dân sinh ra, và tổ chức ấy đủ sức kháng cự ách nô dịch trong suốt nghìn năm để giành được quyền tự chủ trong các không gian làng, dù quốc gia đã rơi vào tay Trung Quốc.

Nói trước các thói xấu đi!

Thường nhận được những nụ cười ruồi của không ít vị học giả khi nghe tôi rụt rè nói tới thiết chế làng Việt. Vì nó vốn quá xấu trong mắt trong mắt họ, trong văn chương lừng danh của các ông Ngô Tất Tố, Nam Cao…  Làng ư? Một đời sống u tối, buồn thảm, đầy rẫy ngu dốt, bất công, tham ăn tục uống, đầy những thói tục hủ bại… “Người nông dân An Nam sộc vào nhà anh không cần báo trước. Mở cửa buồng ngủ xem anh ngủ hay thức, phá lên cười thấy anh đang vuốt ve vợ… anh ta nhìn người tập thể dục buổi sáng giống như một sinh vật kỳ lạ… Tóm lại đó là các thái độ, cách hành xử mọi rợ và trơ trẽn trong mắt người châu Âu” (Nguyễn Văn Vĩnh – Lời người man di hiện đại).

Việc kể cho hết các thói xấu của xã hội làng quê xưa cũng không thể như đếm đủ sao đêm trời trong, và căn nguyên của nó là thiết chế làng. Đúng quá! Không cãi được. Chí Phèo hay thằng Mới, “những sản phẩm của làng”, chúng tố cáo làng. Vâng, nhưng làm ơn, cho tôi đứng vào phe anh Mới một lần ạ.

Những ai đọc “Nghệ thuật băm thị gà” của Ngô Tất Tố hẳn đã cười phát vãi… ra quần vì thói tham lam, bủn xỉn của của đám chức sắc trong làng. Và người ta nhớ được truyện do tài chia con gà luộc chỉ to “Ước chừng một người ăn cố”. Ấy thế mà thằng Mới “Sỏ gà pha năm miếng nào cũng dính tý mỏ, phao gà pha bốn, miếng nào cũng có đầu bầu, đầu nhọn chẳng khác một cái chũm cau chẻ tư. Hai cánh gà chia mười… Và những miếng thịt gà của hắn pha không không giập, không nát, không bong da, giống tập cánh con bươm bướm. Nếu thổi có thể bay được mười thước. Té ra cái mình con gà hắn đã băm được 92 miếng.”      

Tôi còn nhớ một ông đại biểu Quốc hội đã không đồng ý với cách tính thu nhập theo đầu người bằng cách chia GDP bình quân như hiện nay, phát biểu đại để: “Cách tính ấy giống như nói bình quân 1 tháng mỗi người được ăn 2 con vịt. Nhưng thực tế có người chén 5 vịt, và có người chẳng có con vịt nào”.      

Trở lại công việc của Mới, hắn  tài quá, cái tài của kẻ thường xuyên được rèn luyện để phụng sự sự công bằng khi luôn chỉ có một con gà nhép mà gần trăm người phải được ăn. Khi chưa có nhiều hơn một con gà, thì chí ít Mới là giải pháp cuối cùng, thưa phải không ạ?

Thiết chế nào công bằng hơn?

“Trong năm 2010 các cơ quan nhà nước đã tiếp nhận 157.000 đơn thư khiếu nại tố cáo (tăng 30% so với năm 2009) nội dung tố cáo chủ yếu về lĩnh vực đất đai (70%), đối tượng bị tố cáo chủ yếu là các cán bộ chính quyền các cấp có vai trò quản lý đất đai. Và gần 80% người được phỏng vấn cho rằng đất đai là tài nguyên dễ bị những người có chức trách với nó tham nhũng nhất. Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ trong 1 năm 2008 từ 12.039 vụ thanh tra đã phát hiện 8.052ha đất có sai phạm” (nguồn: các báo Lao động, Thanh niên, Kinh tế Sài Gòn).

Thực tế này cho thấy đất đai, mà chủ yếu là đất đai nông nghiệp và đất công cộng đang bị chính tầng lớp cán bộ quản lý đất đai thông lưng với giới chủ đầu tư thao túng – điều mà ở thời kỳ đất đai còn được thiết chế làng xã cổ truyền của người Việt quản trị rất khó xảy ra.

Có một công trình nghiên cứu của nữ kinh tế gia người Mỹ Elinor Ostrom (người đoạt ½ giải Nobel kinh tế năm 2009) chứng minh được rằng tài nguyên công cộng được quản lý dưới dạng “tài sản quốc dân” hay dưới dạng “cổ phần hoá” cũng đều bị quản lý kém do lâm vào cảnh “cha chung không ai khóc”. Tác giả của tác phẩm “Governing the commons: The evolution of institutions for collective action” (Quản lý tài nguyên công cộng: Diễn biến định chế dành cho hành động tập thể – 1990) đã nghiền ngẫm hàng ngàn khảo cứu về đề tài quản lý tài nguyên công cộng và nghiệm ra rằng trong đa số trường hợp bà đã khảo cứu, các cộng đồng địa phương đã thành công hơn trong việc quản lý tài nguyên của mình, và nhiều thành công kéo dài thế kỉ này qua thế kỉ khác. Bà cũng quan sát các trường hợp thất bại, để kết luận tại sao thất bại, kể cả những trường hợp tài nguyên công cộng đã được tư nhân (cổ phần) hoá. Trong phạm vi nghiên cứu kinh tế học, tác giả nhận định: “Thị trường không thể giải quyết được tất cả các vấn đề phân bố nguồn lực và động cơ của con người. Thị trường xuất hiện bởi nó có thể giải quyết một số vấn đề phân bố nguồn lực hiệu quả hơn những phương án khác, nhưng không phải luôn là phương án tốt nhất”. Còn trong phạm vi quản lý tài nguyên công cộng, tác giả chỉ ra và khẳng định “Chúng ta, những người sử dụng tài nguyên sẽ định ra cơ chế sử dụng sao cho tài nguyên ấy đem lại lợi ích khả dĩ chấp nhận được cho mọi người. Ngược lại, các qui định quản lý của nhà nước thường trở nên phản tác dụng do nhà nước trung ương xa xôi với thực tế địa phương và cũng chẳng còn mấy uy lực với cơ sở. Và can thiệp của nhà nước lắm khi lại gây ra sự tan tác thay vì tạo nên trật tự” (tham khảo và dẫn theo VnEconomy 13.10.2009, Tuổi Trẻ Cuối tuần 24.10.2009).

Tôi muốn mời những ai quan tâm cùng thảo luận để trả lời câu hỏi của phần này. Và xin giúp tôi bằng việc đánh giá lại những khả năng tự tổ chức xã hội trong quá khứ của người Việt chúng ta? Xin cảm tạ.

Hà Nội, tháng 8, 2014

Comments are closed.