Thằng Phải Gió

Vũ Thư Hiên

Tôi tản bộ dọc sông đào. Nắng ấm. Gió hây hây. Tôi tận hưởng cái nhàn của thời gian không bận bịu. Mà những bận bịu không biết đường gạt đi thì chúng bâu lấy ta như kiến bâu kẹo. Chúng thảy đều ba lăng nhăng. Có đấy, mà không đấy. Làm cũng được, bỏ chẳng sao.

Đang lan man nghĩ thì nghe có tiếng gọi. Gọi đích danh mình thì chỉ có bạn.

Ngoảnh lại, tôi há hốc:

Ủa? Mày… ở đây?

Trước mặt tôi, kẻ vừa hớt hải chạy lại là va.

Va là thằng bạn nối khố của tôi. Bạn từ thời để chỏm, từ thời mặc quần hổng đít. Chúng tôi lớn lên cùng nhau, cùng từ nhà quê ra tỉnh. Hình ảnh va còn đọng lại trong tôi: chàng trai dài ngoẵng gò mình trên cái xe cuốc ghi đông quặp Liên Xô, mớ rau muống héo sau lưng và giọng ca ẽo ợt:

“Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Lời ca sai với nhiều thứ, nhưng mãi mãi đúng với rau muống.

Cười toác, va vặc lại:

– Sao tao lại không thể ở đây?

Tôi đỏ mặt:

– Ờ, tại sao không, nhỉ?

Va che miệng, sặc sụa vì ho:

– Mày vẫn thế. Trong khi trái đất không ngừng quay.

– Tao đinh ninh mày không thể rời xa những cơn gió mùa.

Va cười tiếp, vẫn ngặt nghẽo:

– Bố khỉ! Ở đâu mà chẳng có gió mùa. Trên sao Hoả cũng có nó mà. Mày tin không?

Sao Hoả quá xa. Tôi không biết trên đó có cái gì.

Va không phải nhân vật đặc biệt. Ở Nha Khí tượng va ngồi lẫn với đám cạo giấy trong tiếng gõ máy chữ rào rào. Giữa những người làm việc như máy, va im lặng vùi đầu vào đống hồ sơ trước mặt. Người ta chẳng biết và cũng chẳng quan tâm va đang làm cái gì. Va ngồi bất động, không để ý đến mọi sự diễn ra chung quanh. Như thể chỉ có mình va trong phòng.

Thế rồi, đùng một cái, trong tạp chí khí tượng học toàn cầu xuất hiện một bài viết về sự hình thành gió mùa Đông Nam Á.

Bài báo ký tên va. Rành rành.

Chuyện động trời. Chẳng dễ gì được đăng bài ở nơi những cây đa cây đề trong nghề ngự trị.

Đồng nghiệp sửng sốt.

Còn sửng sốt hơn nữa khi người ta thấy các nhà khí tượng từ các nước lân cận bay sang để gặp va. Bằng giọng lơ lớ của những thứ tiếng không âm sắc họ xướng tên va kèm theo danh vị “giáo sư” mà va không hề có.

Người của Nha Khí tượng hỏi lại:

– Xin lỗi, các ngài không nhầm đấy chứ?

– Không, chúng tôi không nhầm.

– Ông ấy không có đây – họ nói thác – Ông ấy đi công tác xa, không chừng ngày nào mới về.

Trong khi đó va ngồi lù lù trong văn phòng.

Hai tiến sĩ tốt nghiệp khí tượng học ở Ba Lan được cử ra tiếp khách. Chẳng biết hai bên trò chuyện thế nào mà ngồi chưa nóng đít khách đã đứng lên, xin cáo từ.

– Thật tiếc.

Hôm sau họ đổi vé máy bay rông tuốt.

Với kẻ ngoại đạo như tôi công trình về gió mùa của va chẳng có kí lô nào. Không cần phải có va ai cũng biết khi gió Đông Bắc từ bên Tàu tràn xuống thì phải vận áo ấm.

Buông tôi khỏi cái ôm chặt, va kéo tôi đi ăn.

Strasbourg là thành phố hai ngôn ngữ. Dân ở đây cũng hai giống – Đức và Pháp. Nó là kết quả của những trận đánh tơi bời khói lửa tiếp đến những cuộc rượu cũng tơi bời khói lửa không kém trong các cuộc hoà đàm giữa hai nước láng giềng.

Va thết tôi món choucroute, đặc sản địa phương. Một thứ canh dưa bắp cải chua nấu với rượu vang và xúc xích.

Tôi ăn uể oải.

– Mày ở Pháp lâu chưa?

– Đủ lâu để không khoái cái món dở hơi này. Chua loét.

– Mày chưa thoát được cái khẩu vị quê hương ảm vào lưỡi. Món ăn mỗi nơi mỗi khác. Với tao, nó tuyệt trần đời. Chua, mặn, ngọt. Đủ.

– Trong cái gu người ta không có bạn – tôi chống chế – Mày cứ ăn cái tuyệt trần đời của mày. Tao sẽ gọi một đĩa bít-tết.

Kết thúc bữa hội ngộ vui vẻ, va kéo tôi về nhà – một cái studio nhỏ xíu và luộm thuộm, ngổn ngang trăm thứ bà dằn, phải tìm lối mà đi .

Đêm đến, va lôi một cái giường xếp bỏ xó từ đời nảo đời nào, lấy giẻ lau bụi, rồi căng nó ra cho tôi:

– Nhà tao không phải khách sạn. Nhưng ngủ được.

– Tao không kiếm chỗ ngủ. Tao muốn nghe chuyện mày.

Va kể:

– Hồi ấy tao được một suất đi Algérie. Dạy Toán.

– Tao nhớ vụ ấy. Mày đi bằng suất con một ông kễnh. Nó bỏ ngang xương trước ngày lên đường.

Va cười hích hích:

– Nó bỏ vì sợ mất vợ.

– Tao cũng biết. Tao biết cả việc nhà nước thu một nửa lương Algérie trả cho thầy giáo xuất khẩu.

– Nhà nước ta tham lắm. Nó nhòm vào mọi túi, thu bất cứ cái gì có thể thu được.

– Chân lý.

Va chặc lưỡi:

– Thằng ấy bỏ là phải. Ở địa vị nó tao cũng bỏ. Công việc một thời. Vợ là cả đời.

Tôi chặn cái hồi ức hứa hẹn sẽ lan man:

– Cái mà tao muốn biết là cơ duyên nào khiến mày ở đây?

Va hì hì:

– Là cái số, mày ạ. Tao cũng không hiểu cơ sự nó ra làm sao. Một sự tình cờ chăng, ai biết được. Hay là một tiền định do Thượng đế sắp xếp?

– Kể đi.

– Chả là khi transit ở sân bay Charles de Gaulles, tao mới vui chân lững thững ra khỏi phòng chờ.

– Người ta ngăn lại?

– Ngăn chứ. Tao nhìn bầu trời Paris qua cửa kính. Nó xanh ơi là xanh. Mà những đám mây mới xốp, mới trắng làm sao! Rồi không hiểu sao tao lại bật ra:

– Tôi thích ở đây, các ông ạ. Có được không?”

Đám biên phòng tụm lại, bàn tán. Rồi bảo:

– Được, nhưng ông phải xin tị nạn.

– Tôi không chính trị chính em gì sất, tị nạn làm quái gì?

Họ lại ngớ ra. Lôi tao vào một .phòng. Hỏi han đủ thứ. Tao nói nghề của tao là như thế như thế, rồi nói tên mấy vị đồng nghiệp người Pháp. Tao nhớ tên các vị ấy là do đọc họ chứ quen biết gì đâu.

– Rồi sao?

– Biên phòng a lô hỏi họ. Các vị ấy nói có biết tên tao qua các bài báo. Một chuyên gia, họ nói thế.

– Rồi mày được thả?

– Tất nhiên. Bỏ tù tao à? Tao có phạm tội gì đâu.

– Thế là lỡ chuyến bay Alger?

– Tong cái chuyến ấy – va gật – Tao cũng chẳng muốn bay tiếp. Tiếc gì chân thầy giáo toán ở một thành phố xa lạ. Nghe nói còn nóng bức hơn bên ta.

– Tao không biết khí hậu Algérie thế nào. Tao không có ý định đến đấy. Còn Paris thì sao, không xa lạ à?

– Không. Trong đầu mỗi đứa chúng ta đều nằm sẵn một Paris.

– Có lý. Người Pháp cấy nó vào đầu người Việt gần một thế kỷ mà.

– Thế rồi mày xin tị nạn?

– Không, tao không xin. Trong đời tao, tao ghét nhất cái sự xin xỏ.

– Thế họ làm gì với mày?

– Người ta bố trí cho tao ở khách sạn sân bay. Tao ở đấy. Đi ra, đi vào. Ngắm trời ngắm đất. Rồi họ cho tao ở lại.

– Mày tiếp tục nghiên cứu gió mùa. Giờ là gió mùa ở Pháp?

– Chứ sao. Lĩnh vực của tao mà.

– Đã ra tấm ra món gì chưa?

– Mày hỏi lạ. Nghiên cứu là nghiên cứu. Kết quả là cái khác. Nó đến sau. Có thể tốt, có thể không.

– Mày được nhận vào làm việc?

– Lại một câu hỏi ngớ ngẩn. Cứ gì phải vào một công sở mới có thể nghiên cứu. Mày âm lịch quá.

– Ờ. Thế rồi sao?

– Nghiên cứu là cái không bị cấm. Chẳng ai cấm sự nghiên cứu.

– Nhưng dữ liệu về gió mày mò vào có khi là phạm pháp đấy.

– Gió không phải là bí mật quốc gia.

– Nó có thể là một bí mật quân sự. Sức gió được tính đến cho đạn đạo, cho tên lửa tầm xa.

– Chỉ những nước lạc hậu mới đặt tất tật mọi thứ vào bí mật quốc gia.

– Rồi sao nữa?

– Rồi tao ở lại đây.

Tôi lắc đầu:

– Khó hiểu.

– Có gì khó hiểu đâu. Cho một thằng cha vơ chú váo nghiên cứu về gió được ở lại nước mình chẳng thiệt hại gì. Biết đâu lại có lợi.

Tôi chỉ còn biết cười trừ.

Người Pháp thật dễ tính.

Con người sinh ra vô cớ. Trở thành người, nó phải đi tìm cái cớ cho sự tồn tại của mình.

Va đã tìm ra cái cớ cho va.

– Tại sao lại là gió?

– Mẹ tao quạt cho tao ngủ khi tao còn bé.

– Bà mẹ nào chả thế.

– Gió là do không khí chuyển động. Cái quạt tạo ra gió.

– Rõ.

Va thần mặt.

– Tại sao con người không tự mình tạo ra sự chuyển động ấy?

– Có lý.

Nhìn sâu vào mắt tôi, va gằn giọng:

– Thay vì bom giết người, hãy cho nổ bom tạo ra gió.

– Cũng có lý. Càng có lý.

Va thở dài:

– Bây giờ thì mày hiểu tại sao tao thích nghiên cứu về gió. Tao đặt vào nó cả đời mình.

– Mày có tên mới rồi đấy. Do tao đặt.

– Tên gì?

– Mày là “Thằng Phải Gió”.

Va cười to, cười đến nấc cụt:

– Hay. Tao thích cái tên ấy. Tao là “Thằng Phải Gió”!

Va ôm tôi, đấm vào lưng tôi thùm thụp, chứng tỏ va khoái cái tên ấy.

Mấy năm sau tôi trở lại Strasbourg nhưng không gặp được va nữa.

“Thằng Phải Gió” của tôi đã thành gió mất rồi.

Paris 2010

Comments are closed.