VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975 (29): Dọc đường

Thanh Tâm Tuyền

 

 

Ba người đàn ông ngồi quây xung quanh cái bàn gỗ tròn trong quán và cùng hướng về phía quốc lộ chạy mất hút vào trong rừng cao su ở hai bên. Quán bằng lá nằm cuối dãy phố mươi lăm chiếc nhà, sát cạnh con đường đất xe hơi có thể vào, ngăn phố với rừng cao su. Đầu trên dãy phố là đồn dân vệ rào ba lần thép gai trên treo lủng lẳng những ống lon rỉ. Người đàn ông ngồi ngoài cùng kế cây cột chống, mặc áo lá và quần xà lỏn, một chân co lên mặt ghế, tay bưng ly cà phê uống từ hớp nhỏ. Người đàn ông liền bên vận quần áo kaki sờn rách, đầu đội nón bẻ vành, chân đi giày không vớ, cầm chiếc muỗng nhỏ xíu gõ nhịp lên bàn. Người ngồi tách riêng một phía già hơn hết, tóc tiêu muối, vận quần lãnh đen bám bụi đỏ, áo túi trắng ngả màu, trước một ly cà phê sữa.
“Có lẽ tụi nó về hết rồi”. Ông già nói.
“Còn mà. Ít nhất còn cái 601 chưa về”.
“Vậy ai chơi nổi với mày nữa. Mày thuộc hết số xe còn gì? Thằng này điếm quá”.
“Ờ… tôi nhớ nhưng biết cái nào tới trước cái nào tới sau?”
Người vận quần áo kaki đỏ mặt cãi với ông già. Người vận áo lá quần xà lỏn nói:
“Ăn chung gì. Giờ mình chơi hết các thứ xe đi”.
“Đâu có được mày. Mắt tao nhìn không rõ. Xe ben chạy cà rề cà rề tao còn ngó thấy. Chớ bọn xe đò, xe nhà chạy giờ này nó chạy trối chết làm sao tao trông kịp”.
“Ai ăn lận tía mà tía sợ”.
Ông già lắc đầu:
“Tao không chơi nữa”.
Bà chủ quán mập bự, ngồi phía trong, nửa dòm vô trong nhà, nửa dòm ra trước, hỏi giọng khan như bị cúm:
“Nãy giờ cha nào ăn?”
“Huề. Không ai ăn thua hết”. Người đàn ông đội nón phân trần. Ông già xỏ dép, đứng lên thọc hai tay vô túi áo, móc tiền:
“Nè, trả tiền ly cà phê. Tao về cho sớm. Tối nay thế nào cũng có hành quân”.
Ông đặt mấy đồng bạc cắc lên bàn, bỏ ra theo phía hông quán, bước ngay xuống con đường đất đi sang phía rừng cao su, vòng vào một gốc cây ngoài bìa đứng tiểu. Tiếng nước chảy mạnh soi vào thân cây, người đội nón nghiêng đầu ngó là to:
“Ông già gân dữ quá ta”.
Người ngồi ngoài cũng chợt vểnh tai nghe ngóng. Tiếng ầm ì ở tít xa.
“Còn tao với mày hả?”
“Đâu có ngán”.
“Bài cào hay sóc đĩa?”
“Thứ nào cũng được. Cho mày lựa”.
Người vận áo lá vừa nhíu mày suy nghĩ vừa lắng nghe tiếng động. Khuôn mặt dài ốm nhăn nhó. Người đội nón dở chiếc nón xuống nghĩ dò xét kín đáo hơn, cặp mắt mơ màng nhìn vào những lối cao su thẳng tối. Ông già từ sau gốc cây bước ra đường cũng ngửa cổ nghe.
“Đậu cái này rồi về tía”. Người đội nón gạ gẫm.
“Tụi bay tuột dù hết rồi. Máy trực thăng đó”.
Hai người đàn ông còn ngồi trong quán ngó nhau. Người đàn bà cũng nói:
“Trực thăng thiệt”.
Vài phút sau, tiếng động cơ nổi rõ, tới gần. Chiếc trực thăng, bay sà thấp ngang qua quán, sang phía rừng cao su bên kia lộ, quần vài vòng lớn rồi trở lại hướng cũ. Ông già nhìn theo, cười khoái trá biểu: “Tao biểu mà”. Rồi ông bước đi. Con đường đất chạy men bìa rừng cao su dẫn tới một xóm lá lơ thơ. Buổi chiều vàng rực ở phía sau đồn dân vệ, nhưng phía rừng cao su xanh thẫm. Xuyên qua những gốc cây thẳng tắp đến cả hai cây số là một chút chói sáng của quãng lộ quẹo như rớt xuống ngang tầm đất. Hai người dân vệ từ trong lối xóm trở ra, chân mang giày bó túm ống quần bám sình và bụi đất; một người đeo súng hai tay bưng trên miệng nút vào chiếc lá tre non kêu chít chít từng hồi như tiếng chim, một người quàng hai tay trên hai đầu súng đặt ngang cần cổ ngó phía trước, cả hai đều mặc đồ đen đội những chiếc nón vải đen có lưỡi. Họ rẽ vào quán, dựng súng vô vách, ngồi vào chiếc bàn gỗ còn dư trống. Một người kêu người đàn ông vận áo lá:
“Còn nước đá không?”
Người sau này vẫn ngồi nguyên thế co chân, chỉ xoay nửa thân trên hỏi lại người đàn bà:
“Còn nước đá không mày?”
“Để coi. Chắc còn…”
Người đàn bà vác tấm thân nặng, lê bước vô sau bếp, lục cục tìm kiếm và hỏi ra ngoài:
“Mấy chú uống gì?”
“La de”.
Người dân vệ vẫn bưng tay lên miệng hút kêu những tiếng chít chít, trong khi người bạn ngó lên tấm vách trong có cái giá bầy các chai nước hơi màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu trắng, màu nâu, xếp dài theo tấm vách ván ám khói đen. Chỉ còn hai chai la de trên giá. Người đàn ông vận áo lá, chủ quán, nhăn mặt ngó chỗ khác vì tiếng nút kêu của người dân vệ. Người đàn ông đội nón liệng chiếc muỗng xuống bàn kêu lên:
“Cha. Lâu thấy mẹ”.
Người đàn bà mang hai cái ly đá chặt cục bự nhô khỏi miệng ly đặt trước mặt hai dân vệ, rồi lại ì ạch quay trở vô giá lấy nước. Mụ dùng răng cắn mở nút chai xong rồi cất tiếng hít hà, đưa cánh tay áo quẹt ngang mồm. Ly của người dân vệ tràn bọt sủi tròn xuống bàn. Anh ta buông tay, chiếc lá tre xanh nõn ép dính dọc theo ngón tay bên phải. Anh thủng thẳng lột chiếc lá liệng vào vũng nước trên bàn. Người bạn hỏi:
“Uống lẹ đi mày. Bọn chúng đi qua thấy về lại cằn nhằn”.
Người đàn ông đội nón bỏ ghế ra ngoài hè đứng ngó mông hai đầu đường vắng ngắt như tờ. Đằng chân trời trước mặt, tiếng phi cơ ầm ỳ rồi tắt lặng không thấy dáng. Cách quán hai ba nhà là tiệm sửa xe máy. Một người thợ liu hịu làm việc với chiếc xe máy lật chổng bánh lên trời. Người đội nón quay vô biểu:
“Tối nay về Biên Hòa ngủ. Còn cái sáu lẻ một mà”.
“Ờ, để coi”.
Hai người dân vệ uống cạn ly đứng lên sửa lại quần áo, đội mũ đeo súng, trả tiền sửa soạn bước ra khỏi quán. Người đàn bà vừa nhét tiền vô túi vừa nói với chồng:
“Có đi Biên Hòa coi chừng giùm tôi đó”.
Hai người dân vệ đi ra khỏi quán, tiến về phía đồn, dáng đi nghiêm chỉnh hơn. Người nút lá tre đi trước cách bạn chừng hai ba thước, cả hai đều quay dòm vô các mặt phố. Có tiếng gọi trong rào kẽm gai ở đồng và họ cất bước chạy lúp xúp. Trong quán người đàn bà nói, trong khi người chồng mở hộc tủ của cái bàn trên bày mấy ve bánh kẹo, chai tôm khô củ kiệu chỉ còn thấy nước đục vàng, kê bên dưới giá xếp nước, lấy tiền. Trên đầu người đàn ông treo tòn ten vào móc sắt hai nải chuối già và chuối sứ:
“Mấy cha chỉ bày chuyện đi chơi không à?”
Người đàn ông đi tới chiếc ghế bố đặt bên vách, nơi người vợ ngồi để vừa ngó phía sau phía trước, lượm áo sơ mi khoác lên thân, nói:
“Mầy không thấy trực thăng quần nãy giờ sao. Bộ mày muốn tao chết…”
“Còn tôi dễ không chết hả. Cứ đi hoài tiền đâu chịu cho thấu”.
“Tao là đàn ông mày nghe chưa? Ở nhà để lỡ như lần trước chúng vô bắt kéo thây về rừng cho chúng. Một mình tao phải kéo bốn cái thây mày nhớ không, cả đêm cả ngày tới chừng về phát đau còn bị người ta kêu lên kêu xuống hỏi hoài… Đ.m. thứ đồ đàn bà ngu!”
Người vợ kéo quần tới bắp vế gãi, mặt mụ đờ đẫn không còn phản ứng. Người đội nón trở vô quán nói tiếp:
“Máy bay quần là có chuyện mà…”
Người đàn ông chủ quán tỏ vẻ khinh bỉ vợ, bỏ vô sau rửa mặt, rửa chân, rồi thủng thẳng trở ra xỏ quần. Hai người đàn ông ra đứng trước quán. Trong rừng cao su nghe tiếng còi xe nhấn inh ỏi, hai ba chiếc xe đò đua nhau chạy tới. Dẫn đầu là một chiếc “bờ dô” mũi khoằm theo sau là hai xe cá. Chiếc “bờ dô” thắng ngay trước quán, hai chiếc xe cá vượt đi luôn. Người đàn ông chủ quán quay vô biểu vợ:
“Tao đi nghe mày”.
Người vợ nặng nề bước ra, dặn dò:
“Mai sáng về ghé chợ mua đồ về nghe”.
Người đàn ông mới dớm đặt chân lên thang phía sau xe, đợi bạn chui vô khoang nói:
“Đ.m. Nhớ mà”.
Người lơ chạy vô quán nói: “Xin miếng nước chị Hai”. Không đợi trả lời, thót vô sau nhà. Người tài xế nhấn còi thúc hối, ló đầu ra ngoài:
“Tính ngủ trong đó sao mày?”
Người lơ xe chạy ra mặt còn nhẫy nước, nhảy bám vào đuôi xe la lên:
“Rồi, chạy đi”.
***
Chiếc xe từ từ ngừng trước đồn dân vệ. Người lính gác trong chòi canh bắc loa tay kêu đuổi: “Tới trong kia đậu”. Chiếc xe chuyển bánh đi qua hết đoạn đường rào kẽm gai đậu trước quán hớt tóc. Người lơ nhảy xuống đất kêu vô trong:
“Xuống lẹ lên cha nội”.
Một người đàn ông tay ôm bọc giấy dầu, lom khom bước xuống. Tới đất, người đàn ông muốn trở lên, nói:
“Không phải đây…”
Người lơ đã bước lên bực gỗ đưa tay cản ngang:
“Vậy tía quên hay tía lầm đường rồi. Tía ráng đợi đây đón xe mà về. Chớ tôi cứ ngừng hoài đợi tía kiếm nhà tới đêm tụi tôi mới về tới nhà. Cô bác kêu quá trời”.
“Cho tôi đi khúc nữa”.
“Tía hết tiền rồi. Rồi, chạy đi”.
Chiếc xe rồ ga chạy vọt thẳng vào phía rừng cao su sẫm lạnh. Người đàn ông đứng lại bên đường ngơ ngác. Hắn vận đồ bà ba đen, chân đi săng đan, tóc cắt ngắn, mặt mũi gồ ghề xanh xao. Hắn ngửa mặt nhìn lên trời trông chiếc trực thăng từ phía rừng cao su bay tới. Tiếng nổ ù tai, cánh quạt bay cuốn bụi đất mù một khoảng; cỏ cây ngả rạp. Người lớn, con nít túa ra khỏi nhà ngắm coi, bọn con nít chạy băng ngang lộ tới đứng bên bãi cỏ, tiếng người kêu gọi bị gió và tiếng động cơ quạt bay tung mất hút. Chiếc trực thăng đáp xuống nhưng không tắt máy, nó đậu vài phút rồi lại từ từ cất lên và bay về hướng đồn dân vệ tránh xa quốc lộ. Trẻ con và người lớn còn đứng lại ngắm và bàn tán. Một vài người nhìn thấy người đàn ông vận bà ba đen ôm bọc giấy dầu đứng trước quán hớt tóc. Quán hớt tóc là một bức vách gỗ thùng sữa và hai cây cột ngoài, ba mặt bỏ trống. Trong quán không có người, thợ đã nghỉ, nhưng vẫn còn một chiếc ghế ngồi trước một tấm gương đóng chặt lên vách dưới tấm gương là một cái hộc gỗ buộc treo bằng dây kẽm, không có một vật dụng nào để trên. Người đàn ông ngó thấy mặt mình trong gương, con lộ, bãi cỏ, mộ đất cao xa mờ; hắn ngoảnh mặt bước tới quay lưng lại đồn dân vệ hướng về phía rừng cao su. Kế bên quán hớt tóc là một tiệm chạp phô của người Tàu tới một căn nhà ở đóng cửa, trên các cửa đóng dán những bích chương và khẩu hiệu tuyên truyền tới một tiệm trữ Âu dược, một tấm bảng gỗ treo ngang đong đưa với dấu thập đỏ. Qua khỏi tiệm trữ Âu dược là một nền nhà đổ rồi một khoảng đất vuông cao hơn mặt đồng trồng rau muống, làm chỗ họp chợ. Trên nền đất có vết cháy đen loang, cỏ vàng úa không mọc được. Sát chợ là nhà việc, mái thủng, tường lỗ chỗ vết đạn, các cửa sổ bể gãy, tấm bảng treo rớt chỉ còn một đầu dính trên tường, nhìn vào trong gạch ngói bừa bãi chưa thu dọn. Nhà kế bên nhà việc cũng bị sập mái trước. Khỏi gian nhà gỗ, dãy phố nguyên vẹn. Người đàn ông đi qua một tiệm một người con gái Tàu ngồi đọc báo sau quầy hàng; một tiệm bán sách vở và tạp hóa; một lớp học với mươi bộ bàn ghế và tấm bảng đen; tiệm sửa xe máy với người thợ đang lui hui sửa ngoài hè. Người đàn ông ôm gói đứng lại nhìn người thợ làm việc. Anh này chợt ngửng lên toe miệng cười với người đàn ông nhưng nụ cười tắt ngay tức thời. Anh thợ ngừng hẳn tay ngắm nghía người lạ. Người đàn ông cố gắng cười, gượng gạo hỏi:
“Giờ này xe còn trở xuống không anh Hai?”
“Có lẽ hết”.
Nói xong, người thợ tiếp tục làm việc, bỏ mặc người lạ đứng ngẩn ngơ nhìn xuống. Một hồi im lặng người đàn ông nói:
“Cám ơn anh Hai”.
Người thợ không đáp, cũng không ngó lên. Và người đàn ông lại bước đi. Kế tiệm sửa xe là tiệm chạp phô của người di cư. Người đàn bà quần áo nâu răng đen, vấn khăn, mắt hấp háy đứng bên mấy bó củi và tĩn nước mắm ngó người lạ mặt chằm chằm. Người đàn ông ngó mông sang rừng cao su bên kia lộ. Hắn đi qua hai căn nhà nữa. Trước mặt căn nhà đóng cửa, đặt một cái lu nhỏ đậy nắp gỗ và một cái ca nhôm trên tường. Người đàn ông tiến lại bên cái lu, đặt gói giấy xuống hè, mở nắp lấy cái ca múc nước trong lu uống ừng ực. Uống xong hắn lại múc thêm một ca đầy đứng xích ra gần lộ để vào tay rửa mặt và cổ. Nước trà màu nâu đen. Lấy khăn trong túi áo lau khô mặt, hắn đậy nắp lu, mang ca trở lại chỗ cũ, ôm gói đồ đi tới chỗ tận cùng dãy phố là con đường đất đỏ vắng hoe ngăn cái quán và rừng cao su. Hắn đứng ở đầu đường đất ngó mông vào xóm, nhìn con lộ chảy ẩn giữa hai hàng cao su tối. Hắn bước vào quán ngồi bàn phía ngoài, đặt gói đồ lên một cái ghế. Người đàn bà mập từ sau bếp bước ra nói:
“Hết trơn nước đá rồi. Cà phê cũng hết…”
“Thím cho ngồi nghỉ đỡ đón xe”.
Người đàn bà ngó khách từ đầu tới chân. Trong rừng cao su tiếng ve bỗng kêu từ xa lan tới gần. Người đàn ông ngó quanh khắp quán hỏi:
“Thím có bán cơm không?”
“Không, không có cơm”.
Người đàn bà bỏ vô sau nhà. Người đàn ông ngồi thẳng lưng, mó máy lật cái dây thun buộc gói giấy dầu. Hắn móc trong một túi áo lấy ra một xấp giấy gói kỹ kiểm lại và đếm những tờ giấy bạc. Mấy tờ giấy năm đồng, mười đồng. Người đàn bà trở ra hỏi:
“Không có xe hả?”
“Không có. Sợ hết”.
Người đàn bà bỗng lắng nghe bảo:
“Có xe be tới đó”.
Người đàn ông vội ôm gói đồ chạy ra lề đường. Hai chiếc xe be kềnh càng rần rần từ trong rừng cao su, xe chạy chậm. Người đàn ông đưa tay lên cao vẫy kêu: “Cho quá giang…” Hai người tài xế đưa tay vẫy chào và xe vẫn chạy.
Người đàn ông thất vọng lầm lũi trở vô quán. Từ một trại binh xa lắc vọng lại tiếng kèn chào cờ buổi chiều. Ve kêu rộn hơn. Người đàn bà hỏi:
“Chú ở đâu tới?”
“Tôi kiếm thằng em của tôi làm đồn điền cao su. Có lẽ tôi đi lộn xe, mấy năm trước tôi có lên một lần nhưng không nhớ rõ. Tôi nhớ khu nó ở gần lộ”.
“Ôi, đồn điền cao su biết mấy mà kiếm? Đồn điền tên gì ở đâu mới được chớ?”
“Tôi không nhớ, tới đúng nơi thì tôi biết”.
“Chú nói chuyện trời đất không à”.
Người đàn ông đặt gói đồ lên bàn, hai tay ngồi ôm lấy nó. Người đàn bà đột ngột xẵng giọng hỏi:
“Giờ chú tính sao?”
“Tôi không biết tính sao hết. Tôi đón xe”.
Người đàn bà cao giọng hơn:
“Chú nói cà rỡn hoài. Giờ này kiếm xe… Chú tính mà mất toi. Bộ khi không chú ngồi đó không cho tôi đóng cửa tiêm đi ăn cơm hả. Chú tính chuyện gì? Tôi kêu lính trên đồn tới đây bây giờ…”
Người đàn ông sửng sốt, giật hai tay ôm gói đồ vào bụng ngó trân người đàn bà:
“Tôi nói thiệt mà thím. Tôi đón xe mà”.
“Mà tôi biểu chú không còn xe nữa. Chú tính cách sao?”
Người đàn ông ngó ra lộ, ra ngoài rừng, nói một mình:
“Ờ. Không còn xe”.
Tiếng ve kêu chỉ còn lẻ tẻ, rời rạc xa xa. Trời bắt đầu tím trên nền bóng núi xa. Người đàn bà tìm quẹt đốt cây đèn dầu hôi mắt vẫn dòm chừng khách lạ. Một chiếc xe díp vụt ngang ngoài lộ như một cơn gió. Người đàn ông dợm đứng dậy như tính rượt theo kêu, lại ngồi xuống ghế. Đèn thắp lên. Cửa bên hông mở ra phía con đường đất bên bìa rừng đã đóng. Người đàn bà đặt cây đèn lên bàn trong, tiến đến người đàn ông hỏi:
“Giờ chú tính sao?”
Người đàn ông ngập ngừng:
“Thím cho tôi ngủ đậu. Thím làm phước. Mai tôi đón xe về sớm”.
Người đàn bà kêu lên:
“Đâu có được chú. Nhà tôi đâu phải nhà cho mướn. Biết chú là người thế nào mà cho chú ngủ đậu. Lỡ đêm chú cắt cổ tôi sao? Chồng tôi đi khỏi, tôi không chứa đàn ông…”
“Thiệt tình mà thím, tôi đi kiếm thằng em tôi. Thím làm ơn làm phước… Chớ giờ này tôi biết tính sao?”
Người đàn bà suy nghĩ vài giây:
“Bộ chú lỡ đường thiệt à…”
“Thiệt mà thím. Chớ khi không tôi tới đây làm gì”.
Người đàn bà lại cao giọng:
“Không được! Chú ở đâu tới, tôi không biết. Chú xin ngủ dậu, không được. Lỡ đêm có chuyện gì người ta xét nhà, tôi nói sao. Không được. Tôi thương chú, ai thương tôi. Thôi chú đi đi, cho tôi ăn cơm. Tôi đói bụng rồi”.
“Tôi đi đâu?”
“Đi đâu thây kệ chú chớ. Mắc mớ gì đến tôi”.
Người đàn ông chậm chạp đứng lên nhưng chưa bước đi. Người đàn bà tự động lùi lại một bước thủ thế. Người đàn ông nài nỉ:
“Tôi đi đâu? Thím nghĩ coi…”
“Tôi không biết. Mấy người rắc rối lắm… Tôi không kêu lính trên đồn là may phước lắm”.
Người đàn ông ngập ngừng bước ra khỏi quán. Dãy phố và con lộ im lặng như tờ, chỉ nghe tiếng ve rộn rã và tiếng côn trùng khởi trỗi lẻ tẻ ở bãi cỏ. Người đàn bà khép cửa quán lại nhưng vẫn còn ló đầu dòm theo người lạ. Người đàn ông đi trở ngược dãy phố. Trong tiệm chạp phô, gia đình đang ăn cơm trên bộ ngựa ở ngoài. Người đàn bà vấn khăn đang bới cơm không ngó thấy bên ngoài.
Người lạ mặt đứng lại trước tiệm sửa xe. Người thợ đã tắm rửa, thay đồ, ngồi trên ghế ngay trong cửa ôm cây đàn ghi ta đang khẩy. Người đàn ông đứng lại, rồi tiến tới bên cửa:
“Chào anh”.
Người thợ ngừng tay khẩy, ngó lên hỏi:
“Gì anh?”
Người đàn ông đứng trân một hồi mới nói:
“Anh Hai làm ơn chỉ dùm tôi có chỗ nào ngủ đậu một tối, tôi lỡ đường hết xe về”.
Người thợ cười riễu, gác cẳng lên thềm cửa:
“Chỗ ngủ đâu. Anh tới quán kia hỏi coi…”
“Tôi hỏi rồi. Họ không chịu”.
“Vậy tôi cũng chịu”.
Người thợ lại tiếp tục khẩy đàn và cười một mình. Người đàn ông vẫn đứng yên tại chỗ:
“Anh Hai cho tôi ngủ đậu. Dưới đất cũng được. Mai tôi đón xe về sớm”.
“Cha này giỡn hoài ta. Tôi đâu quen biết anh”.
“Anh cho tôi ngủ đậu một tối thôi”.
“Bộ anh cho tôi khùng hả. Cha này kỳ quá…”
Người đàn ông quay mặt về phía rừng cao su trong ấy bóng tối đã dày. Ngoài rừng trời chạng vạng nhá nhem. Người đàn ông đi tới bên lề đường. Một vài tiếng đại bác nổ ầm ở xa. Hắn đi vài bước về hướng nhà việc rồi bỗng quay bước. Trong tiệm xe máy tiếng đàn dạo đến khúc mùi mẫn. Hắn đến trước căn nhà có đặt lu nước ở ngoài và đứng lại. Nhà cửa đóng kín không thấy ánh sáng. Hắn gõ nhẹ lên cánh cửa rồi nghe ngóng. Có cả mấy phút không tiếng trả lời. Trong nhà tiếng niệm Phật rất nhỏ. Hắn đứng đợi nghe tiếng mõ đều đều thỉnh thoảng đệm tiếng chuông. Trời cứ tối dần. Một hồi hắn lại gõ cửa và sau tiếng ho là tiếng hỏi nhỏ:
“Ai đó?”
Người đàn ông không đáp. Hắn lại gõ cửa. Trong nhà lại nghe tiếng hỏi: “Ai đó?” Tiếng động trên cửa và một lỗ hổng tròn được kéo ngang tầm ngực người đàn ông.
“Ai ở ngoài đó?”
Người đàn ông cúi nghiêng xuống ngang mặt với lỗ hổng:
“Tôi lỡ độ đường”.
“Chú kiếm ai?”
“Dạ không, thưa bác con kiếm chỗ ngủ tối nay. Bác cho con ngủ nhờ”.
Bên trong im lặng khá lâu, tiếng thì thào rồi nghe giọng già cả run rẩy:
“Thôi chú ơi, tôi tu hành chú đừng phá tôi”.
“Thưa bác, thiệt tình con lỡ đường. Con đi kiếm thằng em mần trong đồn điền cao su lại lên lộn xe. Giờ không có xe về. Bác cho con ngủ đậu một tối. Mai con đón xe về sớm”.
“Thôi mà chú, chú kiếm nơi khác. Tôi tu hành mà”.
“Không đâu họ chịu cả. Bác làm phước thương con”.
“Tôi biết chú nói thật. Nhưng chú thương chúng tôi. Chúng tôi không làm gì hại ai cả. Chú cảm phiền. Trong nhà chỉ có mấy bà cháu không có đàn ông. Lỡ ra tội nghiệp, chú ơi…”
“Thưa bác con thật tình. Con không gạt. Con đi kiếm người em”.
Bỗng trong nhà có giọng thiếu nữ ngắt ngang:
“Bà tôi nói thiệt mà. Khi không tới đòi ngủ đậu. Ai mà tin được. Tụi tôi la bây giờ là lính trên đồn nghe thấy xuống tới”.
“Tôi thiệt tình mà cô Hai”.
“Thiệt hay không thiệt cũng không ai chứa người lạ trong nhà”.
Một tiếng nổ ầm rung chuyển đất. Lỗ hổng đóng sập lại và tiếng chân chạy trong các nhà. Mọi cửa đều đóng vội. Những tiếng nổ tiếp theo còn cách xa. Người đàn ông dáo dác ngó ra đường. Trên trời phía rừng cao su trái hỏa pháo bắn vọt lên lơ lửng vài phút rồi tắt. Tiếp theo một trái hỏa pháo khác. Người đàn ông đứng ôm bọc giấy dầu bên lu nước.
Chim cú
Huệ thức giấc, trời còn tối mù, dường như trước đó cô trải qua một giấc mộng không nhớ lại được bị vùi lấp trong những tiếng động rầu rầu rớt đổ choáng váng. Cô mở mắt nằm im trong mùng đoán chừng giờ khắc, phương hướng, vị trí các đồ vật trong nhà từ trên bộ ngựa. Cái cửa sổ chiếm hết bề ngang mặt trước, trừ cánh cửa ra vào, hiện dần với hàng song đứng vuông, đặt xéo cạnh, bên ngoài là hàng hiên rồi tới khoảng sân tráng xi măng che tôn, chỗ đậu nhờ tắc xi của chú Bảy, đen thui không nhìn thấy trời.
Huệ lơ mơ sắp ngủ trở lại chợt giật mình. Một tiếng kêu khác lạ mơ hồ. Cô dỏng tai nghe ngóng. Tiếng mèo gào gọi đực hung bạo trên nóc nhà rầm rầm, tiếng thở phì phì chống cự khó chịu, những khua động ồn ào làm lãng mất sự chăm chú. Huệ bất chợt rùng mình, xa hơn những tiếng động phiền nhiễu ấy, một tiếng kêu ngắn thoảng. Tiếng chim cú kêu. Mấy con mèo đã đuổi nhau đi mất trả lại sự yên tĩnh, cơn ngủ bay biệt hẳn, Huệ trông đợi. Con chim kêu liền hai ba tiếng trong sự vắng lặng của đêm tràn ngập. Nó đậu ở đâu? Trên cây gòn khô gần giếng nước hay trên hàng cây cao rậm ngoài phố hông trước thành lính? Có khi nó ở tuốt mấy cây ngoài lộ cái không chừng?
Huệ ngồi lên vén mùng, buông thõng hai cẳng mò đôi dép. Đồng hồ kêu tích tắc đặt trên kệ hàng bên vách lẫn với những ve kẹo bánh. Cô nhẹ nhàng bước ra mé cửa ngoài, lách tránh những đồ đạc trên lối đi, kéo chốt cửa chậm chạp sợ gây tiếng động đánh thức bà nội già ngủ ở buồng nhỏ bên trong. Tiếng phản lực vút tới, ngang qua trời, chói ráy bắt cô khựng lại trước ngưỡng cửa. Chiếc tắc xi lù lù, án tầm mắt. Không khí ươm hơi gió ướt. Đợi cho tiếng máy bay khuất, Huệ thủng thẳng ra ngoài, khép cửa sau lưng, men bên chiếc xe hơi tới cây cột chống mái tôn ở rìa ngoài đứng lại. Mặt đất mờ mờ phân biệt với gốc ổi thấp, cành lá lòa xòa trước sân nhà thầy Năm. Màu trời nhạt sáng hơn những mái nhà lô xô lầm lũi. Những chòm cây rậm rịt như đám rừng ngoài phố trước thành lính vượt khỏi các nóc nhà, mỗi mùa mưa ít nhất một lần những ngọn cao nhất bị sét đánh nháng lửa đôi lúc bốc khói cháy âm ỉ cả mấy bữa, chim thường ríu rít trong đám lá những buổi sáng khô ráo, buổi trưa mùa nắng im gió nghe tiếng chim lạ đơn độc hót những khúc ngắn lập đi lập lại. Con đường ngoài đó không nhà ở chạy dài cả trăm thước với trại lính một bên, gò mả một bên, trại lính dây thép gai rào kín, bót gác cao lênh khênh mái lụp xụp, sân đất trống trơn bị vây ở giữa những dãy nhà vách ván mái lá, đám gò mả bờ bụi gai góc, cái xây gạch đá rêu phong đen đủi, cái lún thấp gần bằng mặt đất.
Huệ vịn tay vào cột, đón tiếng chim kêu. Có lẽ nó đã bay mất. Tiếng chó sủa từng chập, mấy con mèo rượt nhau sâu thêm vào trong xóm, máy bay ầm ĩ ở những vùng xa, chuột chạy loạt xoạt trong các vách lá. Những kẹt hẻm len giữa hai căn nhà mở như cửa ngõ của bóng tối. Khoảng lộ cái chạy ngang ngoài đầu ngõ sáng khô trong ánh điện. Huệ tiến thêm hai ba bước đứng giữa lối ngõ, quay mặt vào trong xóm mịt mùng. Trời lốm đốm sao, ngôi sao Mai rõ ràng trên nóc nhà mụ Tư Mập điên điên khùng khùng nuôi bọn điếm trong xóm. Mai sáng không mưa, mùa mưa năm nay tới chậm.
Tiếng động rần rần bủa vây đầu óc như cả một đoàn xe hạng nặng chạy ngang; Huệ quay mặt ra lộ, cảnh vật say ngủ như chết; cô ngước lên trời nhìn tia lửa phụt bay giống như sao chổi; hai chấm điện vàng đỏ nhấp nháy như đom đóm. Ba lần liên tiếp như vậy cách nhau vài giây đồng hồ, những chấn động trong thinh không úp chụp làm choáng váng cơ thể, Huệ ngất ngư như bị xô đẩy trong một chuyến xe buýt ních người, tự động dời chỗ hồi nào không hay.
Lúc tĩnh trí, sự im lặng khuya khoắt mở trong cơn gió mơn man, cơn gió như thổi đến từ nơi nào ánh sáng đã hé rạng, Huệ thấy mình đứng trước hẻm vào giếng nước, nghe rõ tiếng nước chảy róc rách trong thành giếng tiếng nước êm ái với những giọt đọng lõm bõm rớt sâu như một đêm trăng sáng. Cây gòn trơ những cành trụi lá cản lối, những người gánh nước lụp chụp dễ bị vấp té, cao lênh khênh như người quá khổ; đêm nào một anh chàng Mỹ đi chơi bời say rượu lớ quớ tránh gốc cây lọt xuống giếng khiến cả xóm hoảng hồn phải kêu nhau thức dòng dây kéo lên, anh ta thở mạnh ướt loi ngoi, bể đầu chảy máu mà không xỉu, bỏ đi một ngay. Qua giếng trong hẻm, lối ăn thông sang gò mả là túp nhà của bọn điếm, con Út, con Bông, con Nam, mấy tên ma cô du đãng, Tám Toọc, Bảy Bằng, Tư Vẹo, Sáu Nết, nhà cô Sáu thầy bói, anh chàng Tư Quy, làm trưởng khóm chuyên bắt trộm gà, chó, mèo ăn thịt, rút cắp quần áo treo phơi trong xóm. Hồi năm ngoái, chim cú cũng kêu cách chừng nửa tháng trước khi Tám Toọc chém chết chú Hai xích lô máy trong sòng bài cào ở nhà chị Tám; chị Tám ở ngoài đầu ngõ cho bọn điếm mướn phòng, chú Hai dắt khách từ Sài Gòn về; Tám Toọc bỏ trốn đi lính một hồi, lại đào ngũ về lấy con Út. Có lẽ con chim cú đậu trong bụi tre bên gò mả kêu báo cho đám đó. Một đêm nào xóm sẽ nghe la thất thanh trong đêm khuya, tiếng chân thịch thịch rượt đuổi: “Chết tôi rồi…” chết tôi rồi”. Bảy Bằng bị bắt đưa ra Trung không thấy về, Tư Vẹo bị nhốt trong trại Thủ Đức, Sáu Nết đi lính Hải quân lâu lâu mới xuất hiện trông nghiêm trang đàng hoàng hơn xưa, chỉ còn Tám Toọc cái mặt cô hồn thấy sợ, nó vẫn đánh đập con Út mỗi lần con này không đưa tiền cho nó đánh bạc, là bải hải chạy cùng xóm. Nó sẽ chém người nào đó hay nó sẽ bị Bảy Bằng thanh toán trả thù nếu Bảy Bỗng thoát về được?” Nó đã chém thằng Bảy vào chân rồi chạy thoát trước khi lính tới, lính bắt thằng Bảy và Bảy đã nhắn lời con Nam về tao cho Tám Toọc hay mối thù ấy chỉ trừ Tám Toọc chết mới chạy khỏi.
Huệ rùng mình ớn lạnh, trên người chỉ mặc chiếc áo bà ba trắng mỏng, vú không nịt chảy nặng, trong ngực hồi hộp lạ kỳ như quả banh bị bơm căng trống rỗng. Cô tựa cánh tay lên bờ rào nhà thầy Hai Bắc kỳ cưỡi vét pa làm trên sở thuế trong nhà có một sinh viên ở trọ, cậu ta thường dậy sớm tập thể dục ngoài sân, bất thần mở cửa và có thể bắt gặp Huệ đang xớ rớ trước nhà. Huệ sợ hãi, nhưng không dời chân, đưa mắt kiểm điểm các nhà. Con chim cú kêu ai vậy? Ai sắp chết đó? Huệ nghe vừa căng thẳng vừa mỏi mệt rời rã, tất cả âm thầm dịu dàng như đêm tối; tự cười thầm mình không còn phải nhỏ nhít, mười bảy mười tám gì. Cậu ta sẽ chỉ liếc nhìn không dám lên tiếng, cậu ta không hiểu cũng sợ hãi tưởng gặp ma. Chính Huệ sẽ nói: “Cậu thức sớm quá há”, rồi trở về nhà.
Tuốt trong xóm, nhà thầy Chín mở đèn, hai cửa sổ mở sáng ấm áp như một nỗi vui mừng được giải thoát. Thầy Chín tu hành mỗi sáng đều tụng kinh gõ mõ, trước khi đi làm tận bên Khánh Hội chiều tối mới về nhà, thầy đi một chiếc xe gắn máy cũ, nhiều buổi phải dựng cẳng chống, gò lưng đạp mươi lăm phút mới nổ; hai vợ chồng thầy không con, nuôi thằng Hên là cháu làm con. Mới ngày nào Hên đã lớn trọng, năm kia đỗ Tú tài đi học Sĩ quan Thủ Đức, làm thiếu úy Thủy quân lục chiến, đánh trận bị thương huy chương đầy ngực. Mấy năm trước nó còn vô trong quán của Huệ, tập uống la de với bạn, nghe phát thanh tuồng cải lương, say lè nhè nói: “Cô Ba, cô giống Ngọc Giàu dữ thần”. “Thằng ôn dịch, mày không về mà còn đi phá làng phá xóm tao mét ba mày cho coi”. Mới ngày nào đó thôi, mình đã hơn ba mươi tuổi, mười năm vắng chồng lủi thủi với nội già trong quán. Ảnh không biết sống chết, nhưng mình vẫn là bà góa…”
Huệ nghe xa tiếng kẹt cửa, thầy Chín bước ra sân lấp ló sau mấy chậu kiểng. Phía nhà thầy Năm bên ngoài vọng tiếng cãi lẫy gay gắt của đôi vợ chồng; thầy Năm hiền khô như một cục đất, trước làm lính cứu hỏa sau đổi sang lính kín, trái với cô vợ hung dữ cờ bạc tối ngày bỏ lũ con nhiều bữa nhịn đói; mỗi lần ghen tuông cô Năm la hét, đấm đá, cấu xé chồng, thầy lầm lì chịu trận, cùng lắm là xô cô vợ tránh tròn, sau mỗi lần, thầy ở trần nằm trên võng ngoài hàng ba ca vọng cổ hay đứng lớ ngớ dòm thiên hạ, mình mẩy bầm tím trầy trụa. Lần này có điều lạ là thầy cao giọng hơn, tiếng cô Năm cũng vẫn rít lên như thói quen nhưng không la lớn. Huệ chăm chú, theo dõi cuộc cãi lẫy, trong đêm tĩnh, nhăn mặt như ngậm phải trái chua. “Đồ đĩ ngựa. Không biết mắc cỡ. Tao mà không nghĩ tới mấy đứa con thì… mày biết chớ. Tại sao tao lấy nó. Đứng nói nữa mày. Mày cờ bạc, tao tha thứ được. Thứ đồ đàn bà ngựa độ như mày tao phanh phui ra thêm mắc cỡ với chòm xóm. Mày thấy tao không nói tưởng tao ngu, không hay sao mày…”. Người đàn ông thắng thế thấy rõ, cô Năm vẫn nói, vẫn kể tội chồng một cách yếu ớt, giọng lẫn nước mắt thú lỗi. Cô Năm ngoại tình với ai? Thầy Năm không đả động đến, thầy chỉ cốt dằn mặt vợ. “Mày cờ bạc quá mạng mà… Tao biết lâu rồi đâu thèm nói…” Cô Năm rền rĩ đau đớn. “Mày đưa tao mỗi tháng ba ngàn… Mày tính, tính thử coi…” “Ai biểu mày cờ bạc…” Huệ đứng im, mở mắt nhìn xuyên qua bóng tối, ngực bị đè nén. Gió lao xao các đám lá đâu đó, trời nhìn quen mắt như chuyển màu nhạt thếch. Tiếng mõ trong nhà thầy Chín chậm chạp đều đặn. Cuộc cãi lẫy loanh quanh hoài hoài không im.
Trước mặt, sau gốc mít, nhà vợ chồng Hai Sáng, con lóc nhóc một bầy tám chín đứa; chồng làm nghề chích dạo, vợ nấu cơm tháng, mấy đứa con lớn mang cơm cho các nhà ngoài lộ mỗi bữa; trẻ con khóc ọ ẹ không ru dỗ. Lát sau mới nghe tiếng la: “Ngủ đi mày”, thằng nhỏ giật mình khóc ré một chập. Huệ dời chỗ, quay trở về nhà ngang trước cửa nhà thầy Năm, kế bên nhà này là căn nhà gạch của ông Đại úy, cô em gái đi làm sở Mỹ chưng diện ngất trời; cô này thường về khuya, gây lộn với chị dâu hằng bữa. Huệ bỗng nghe tiếng chân mang giầy nặng từ trong xóm ra. Cô bước mau vô chỗ tắc xi đậu, ẩn trong bóng tối dưới mái tôn, quay mặt nhìn ra ngoài.
Bóng người trong tối nhìn không rõ mặt. Lúc tới gần, Huệ nhận ra Hên bận đồ Thủy quân lục chiến, đội nón rộng vành uốn cong mép. Cô hỏi khẽ:
“Hên đó hả? Làm hết hồn”.
Hên dừng chân quay mặt vô, dáng điệu ngơ ngác kiếm tìm rồi tiến tới sát bên mép sân xi măng. Huệ tự nhiên lui hai ba bước, dựa vào thành cửa tắc xi.
“Ủa. Cô Ba phải không, cô Ba?”
Một cơn gió bay giông lào xào ngoài đường lộ, lọt tuốt vô tới trong mái tôn trên đầu rung lình bình. Cơn gió tắt, bầu trời lại rung động chát chúa vì tiếng phản lực cơ. Trẻ con khóc ré theo trong nhà nào đó không phân biệt được. Hên ngửa cổ trông theo tiếng động, mặt hiện mờ mờ trong khoảng sáng hơn ở bên ngoài, môi như mấp máy.
“Cô Ba thức sớm dữ”.
Sự im lặng đậm đặc rớt xuống che phủ tiếng mõ loáng thoáng. Hên lột nón cầm tay, một chân giậm nhẹ trên đất. Trong mắt của Huệ, ánh đèn nhà thầy Chín chỉ là một chấm sáng lẫn trong lá cây.
“Hên đi hành quân hả?”
“Dạ”.
“Mấy bữa?”
“Không chừng. Đâu có biết trước”.
Hên bước lên khoảng xi măng, giầy giẫm nghiến bụi cát nghe buốt sắc, đứng bên vè bánh sau cách Huệ cỡ một sải tay, Huệ nghe được hơi thở chậm chạp điều hòa của đứa con trai bóng dáng khuỳnh khuỳnh cao lớn của nó che ngang tầm mắt, dường như nó cười lộ hàm răng trắng.
“Giờ này làm sao đón xe. Hên vô trại?”
“Không. Tới sân bay”.
Huệ xích dang xa khỏi chiếc xe, ngó sang nhà thầy Năm, vợ chồng nhà này đã im tiếng hồi nào. Cả xóm vẫn chưa ai thức dậy. Cô vận dụng hết thính giác đón những tiếng rì rào bay lượn thật xa tới đỗi chìm ngập trong một cảm giác bồng bềnh mơ hồ không còn biết nghe được là hiện thực hay huyền hoặc. Đột nhiên tiếng xích lô máy nổ ròn vọng tới, Huệ rùng mình mở mắt như đã ngủ quên khá lâu, luồng hơi gió đột lan trong xương sống, cô lao đao muốn té. Đứa con trai chồm một bước tới bên cô, đưa tay nắm giữ cánh tay. Thân Huệ rung rẩy lạnh toát, ngực thở dồn như sắp đứt hơi.
“Cô Ba…”
Tiếng kêu mau và nhỏ như một mũi kim xuyên chích vào da thịt tê dại. Huệ chập choạng thụt lui, tới bên bộ ván ngoài hàng ba ngồi xuống, bàn tay đứa con trai vẫn bám chặt vào bắp tay cô và nó bị kéo theo. Cô cố gắng hết sức kềm chế hơi thở sắp tuôn bay hết ra khỏi ngực, nhắm mắt lại cho đầu khỏi đảo. Đứa con trai buông bắp tay chụp mau lấy bàn tay trên ván khiến người cô hụt không muốn vững. Nó vuốt ve một bàn tay lạnh ngắt, bỗng kêu hoảng hốt:
“Cô Ba…”
Huệ thở nóng rát phà ngay giữa mặt, nhưng toàn thân Huệ vẫn lạnh cứng như chườm đá. Đứa con trai có lẽ sợ hãi, nó buông bàn tay, lụp chụp rối rít nắn bóp khắp tay chân, Huệ vẫn không có phản ứng nào hơn là cơn rét run rẩy bắt phải rên rỉ đau đớn.
“Cô Ba…”
Đứa con trai rờ lên ngực, lên mũi, lên trán. Huệ nghe như mình không còn mặc áo trên người, đôi vú đau cứng như hồi nào căng sữa. Cô rán sức muốn lết vô trong để dựa lưng vào hàng song không nổi, lắp bắp không ra tiếng. Đứa con trai kêu í í trong ức như tiếng con chó, rồi bỗng nó gục mặt xuống rúc đầu giữa hai bắp đùi ôm cứng lấy chúng, người cũng run lật bật như khóc. Xương sống Huệ ngay đơ, mỏi rời, mồ hôi tháo đầm ngực gây ớn, cô đưa tay tính đẩy đầu đứa con trai nhưng những ngón tay co rút bám chặt lấy những sợi tóc khô khi nghe cơn rung động truyền sang như ngọn lửa thổi lém ở ngoài đang làm tan băng giá.
Huệ rùng mình liên tiếp, ứa nước mắt, cơn lạnh đang bị đẩy lùi và cơn sốt bốc lên dần trên đầu. Cô từ từ hé mắt, thấy mình ngồi buông thõng cẳng bên mép ngựa, Hên quỳ dưới đất úp mặt vào giữa lòng cô, vòng tay ôm ghì hai bắp chân, thở hiền hòa như đang ngủ. Cô lấy những ngón tay làm lược gỡ mái tóc bờm xờm, êm ái; bây giờ hơi lạnh gây gây ngoài da, thấm trên chiếc áo bà ba mỏng và trong thân sự nồng ấm chậm chạp lan đón chống chọi. Hên quay nửa mặt đưa mắt ngó lên; hai tay rớt xuống ôm đôi bàn cẳng còn tê lạnh. Huệ khẽ động, thấy mình có thể nhúc nhích được.
Ngoài đường tiếng xe chay huyên náo dồn dập tưởng như trời đã sáng bét. Huệ bất ngờ xô mạnh đầu đứa con trai, rút cẳng lùi tới hàng song, Hên sực tỉnh ngó dáo dác. Xung quanh vẫn tối thui, nín lặng hoàn toàn, không còn cả tiếng mõ thầy Chín. Huệ thở dài, hơi thở bám nóng quanh mặt, những giọt nước mắt khô rát.
“Hết giới nghiêm rồi”.
Hên chậm chạp chống tay trên mép ván cập kệnh đứng trở dậy, cúi lượm chiếc nón rớt, tần ngần chụp lên đầu, chưa muốn dời bước. Bóng tối loãng nhờ trong ngọn gió phe phẩy làm mọc ốc cùng mình. Huệ có thể nhìn thấy những vết rằn ri trên bộ đồ trận của Hên. Cô co hai đầu gối che ngực, vòng tay ôm lấy, bên bắp tay bị nắm giữ còn đau ê ẩm, nghĩ thầm: mình bị trúng gió, đau tới nơi rồi. Hên vẫn đứng sững như trời trồng không nhúc nhích cục cựa. Bất thần nó xoay mình đi mau không ngó lại sau, tới đứng dưới gốc đèn đầu ngõ, bóng chiếu gẫy trên bức tường của tiệm sửa xe. Ngoài lộ không một tiếng xe qua.
Huệ giẫm chân xuống đất yếu ớt, lò mò tìm đôi dép sút văng mỗi nơi một chiếc. Cô đang lui cui quan sát mặt đất, bỗng nghe tiếng nổ buốt óc, ngã nhào ngực tức nghẹt, mắt mở trừng. Xung quanh nhiều tiếng động lịch kịch trong các nhà. Không biết bao lâu, cô thở lại được, hoàn hồn bám lấy cửa xe tắc xi đứng lên, người nghiêng ngả như say rượu. Một vài tiếng chim lích chích trên cây cao. Ngõ sáng hơn vì nhiều nhà thức dậy, cô nghe tiếng chị Tám mở cửa nói lớn một mình: “Ngay ngoài ngõ mình thôi”. Cô trông ra ánh đèn vàng chiếu tỏa trên quãng đường mờ mờ như một làn sương mỏng, vắng vẻ hiu quạnh như đang còn nửa đêm. Dưới gốc đèn một bóng người ngồi ủ rũ ngủ như quên không thấy đầu. Cô lắp bắp rên rỉ không ra hơi, thốt la vang hàng xóm:
“Thằng Hên… Thằng Hên…”
Huệ té khuỵu xuống đất, va mạnh xuống thềm xi măng đầu bốc ngùn ngụt như đám cháy ngon trên cỏ và lá khô, thân thể như bị bầm dập khắp nơi sau một cuộc tra tấn dã man. Dưới lưng tiếng động của chân chạy hỗn loạn.

 

Nguồn: Dọc đường, tập truyện của Thanh Tâm Truyền, tranh bìa của Nguyễn Trung, nguyệt san Tân Văn ấn hành lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Cơ sở Văn, xong ngày 20 tháng 3 năm 1970. Ngoài ấn bản thường, có in riêng hai mươi cuốn trên giấy trắng mịn, dành riêng cho tác giả và cơ sở xuất bản Văn. Bản điện tử do talawas thực hiện.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12577&rb=08

Comments are closed.