Codet phỏng vấn Thuận

DÙNG NGHỊCH LÝ ĐỂ VIẾT VỀ NGHỊCH LÝ

– Từ bao giờ thì chị biết đích xác Thuận sẽ là bút danh của toàn bộ các tác phẩm của chị?

Tôi bắt đầu cầm bút một thời gian ngắn sau khi tới Paris, vào năm 1992, và hầu như ngay lập tức đã quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ký mỗi một chữ Thuận là vì với tôi, bút danh không có ý nghĩa gì quan trọng cho lắm, và nếu nó có bị ngắn quá thì tôi sẽ không làm cho nó dài thêm bằng những hoa, những hương, những ngọc, những ngà, mùa thu hay mùa xuân, tuyết trắng hay mây hồng, mà bằng tên của những tác phẩm tôi sẽ phải viết ra.

– Chị có phải là người sống được bằng chữ?

Chưa bao giờ. Giá như tôi chấp nhận viết nhiều thể loại khác nhau thì có thể cũng kiếm được đôi chút. Nhưng tiểu thuyết đã lấy hết say mê của tôi. Đôi khi tôi có dịch cái này cái kia thì cũng chỉ để là phục vụ cho say mê đó. Tất cả các dịch giả đều công nhận rằng, người ta học được rất nhiều trong khi dịch, nhất là dịch các tác giả lớn.

– Tôi rất muốn biết một ngày của chị diễn ra thế nào?

Chỉ những gì xảy ra trong đầu tôi mới phức tạp, còn cuộc sống thường nhật của tôi thì vô cùng đơn giản: ngoài việc đưa đón Mike đi học, và chuẩn bị một bữa tối thì có lẽ việc duy nhất tôi làm là gõ bàn phím. Tôi viết khá nhanh để đuổi kịp trí tưởng tượng như ngựa vía của mình, nhưng công đoạn chỉnh sửa thì cực kỳ công phu. Một dấu phẩy cũng có thể khiến tôi băn khoăn thao thức.

– Tôi đang tưởng tượng sự hỗn loạn của chữ trong tâm trí chị, khá thú vị!

Tôi viết mỗi ngày, những lúc có bản thảo dang dở thì viết thêm cả tối và đặc biệt là ban đêm. Đêm, chữ nghĩa không bao giờ để tôi yên, chúng chạy lòng vòng trong đầu tôi, đứa này gọi đứa kia ý ới, cãi nhau, mách nhau, gây sự. Thực ra bóng tối là bạn đồng hành lý tưởng của nghề văn. Chính khi không còn nhìn thấy thế giới bằng mắt, thì người ta buộc phải ngẫm nghĩ nó bằng đầu và cảm nhận nó bằng tim. Những tia chớp, như ta vẫn thấy, chỉ lóe lên khi mặt trời, trăng, sao, đã tắt. Đêm có quyền năng kỳ diệu trong sự tĩnh lặng tuyệt đối của nó về cả không gian lẫn thời gian, và chính ở đó, giữa vô thức và ý thức, giữa bản năng và ý chí, giữa mộng và thực, mà tôi làm những cuộc gặp gỡ thú vị nhất với ngôn từ.

Đương nhiên viết văn cần cảm hứng, nhưng cảm hứng không phải là cái có thể rơi xuống từ trên trời theo kiểu hôm nào trời đẹp thì một thi sĩ nhất định sẽ phải bật ngay ra được câu đại loại: “Hôm nay trời đẹp lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”. Thời tiết, thiên nhiên, chưa bao giờ có khả năng kéo tôi vào hoặc đẩy tôi ra khỏi trang viết. Giống như Duras, “Tôi ngồi vào bàn với bàn tay rỗng và cái đầu rỗng”. Từ gọi từ, câu vẫy câu, ý chào ý – đó là kinh nghiệm mà tôi rút ra từ công việc của mình. Còn trải nghiệm ư? Với nghề viết thì trải nghiệm lớn nhất chính là viết.

– Không những thường xuyên dùng thủ pháp giễu nhại trong tiểu thuyết, mà còn thường xuyên hay giễu mình – Người biết tự giễu mình, là người rất thông minh, chị thấy thế nào?

Hạnh phúc luôn là một phạm trù xa lạ với tôi. Tôi tự thấy mình gần gũi hơn với những con người buồn, những hoàn cảnh buồn. Nhưng nếu buồn không thôi thì cũng không có gì phải nhờ đến tay một nhà văn như tôi. Vấn đề ở đây là phải viết làm sao để nỗi buồn không trở thành nơi mà tác giả và độc giả ôm nhau thút tha thút thít. Một trong những giải pháp đó là giễu nhại. Bạn hãy hình dung độc giả đang nước mắt lưng tròng thì vấp phải một câu hài hước, thế là thay vì bật khóc, lại phải phì cười. Tôi tin rằng chính từ hành động ngược đời này mà họ cảm thấy băn khoăn và dừng lại để suy nghĩ. Đó có thể là những tiếp xúc đầu tiên của người đọc với văn chương. Tôi gọi đó là dùng nghịch lý để viết về nghịch lý. Còn tự trào, tự giễu là việc đương nhiên rồi, tôi bao giờ cũng làm nó trước tiên, và luôn với rất nhiều hào hứng, có thể do tôi là đối tượng mà tôi hiểu rõ nhất, là nhân vật mà tôi gần gũi nhất.

– Được biết tác phẩm mới của chị, có cái tên cũng khá hấp dẫn, “Thư gửi Mina”, chị có thể tiết lộ đôi chút về tiểu thuyết này?

Có lẽ đây là bản thảo ngốn của tôi nhiều thời gian nhất từ trước đến nay: bắt đầu từ giữa năm 2015 và cuối năm nay hy vọng mới có thể đặt dấu chấm hết. Cho tới giờ phút này thì tôi có cảm giác đã đi được một chặng đường khá dài, nhưng những cái khó nhất dường như vẫn lẩn quất đâu đây. Văn chương trong tay tôi là thứ mà chưa xong thì chưa thể chắc chắn bất cứ điều gì. Tạm thời chỉ có thể tiết lộ đôi chút thế này: Mùa thu 2016, nhân vật chính, một nhà văn gốc Việt sống ở Paris, đã quay lại căn phòng áp mái giữa khu Pigalle nóng bỏng từng chứng kiến những ngày đầu tiên cô đặt chân đến Pháp, để bắt tay vào một bản thảo mới. Nhưng thay vì đeo đuổi một cuốn tiểu thuyết như việc mà cô vẫn làm, cô đã ngồi viết thư cho Mina một người bạn gái gốc Afganistan mà cô đã mất liên lạc ngay sau ngày cả hai cùng tốt nghiệp đại học ở Nga. 30 bức thư đều đặn trong vòng một tháng, không bao giờ được gửi đi, dần dần trở thành một dạng nhật ký nơi cô có thể thổ lộ mọi điều – về nghề viết, về nhân tình thế thái, về cuộc sống tha hương, về quan hệ vợ chồng trống rỗng, về mối tình tuyệt vọng xa xưa, về những nỗi niềm riêng tư bấy lâu bị chôn vùi, về những hành động vô nghĩa của một cuộc sống thường nhật nhàm chán đến kinh ngạc… Tất cả trên một phông nền rộng lớn chạy từ Hà Nội của bao cấp đến Sài Gòn của ngày hôm nay, qua nước Nga của perestroika, Kabul của nội chiến và chưa chắc đã dừng ở Paris của đầu thế kỷ 21 với khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân.

– Có thể thấy một cuốn tiểu thuyết “ngồn ngộn” nội dung, chị có bao giờ để mình bị “lạc trôi” trong khung cảnh tiểu thuyết mà mình đã tạo dựng?

Hơn hai mươi năm hành nghề, đúng là không phải lúc nào cũng cứ rời khỏi bàn viết là về ngay được với bàn ăn. Nhất là những khi gặp phải phân đoạn khó thì mọi thứ xung quanh đều trở nên vô nghĩa, mà không hiểu sao phân đoạn nào cũng khó, càng viết là càng rơi vào ma trận do chính mình tạo ra. Rút tiền xong quên thẻ, mua đồ không nhìn giá, uống thuốc ngủ ba tối liền, mấy tháng không đến hiệu cắt tóc, gật đầu cho Mike đạp xe dưới trời mưa… Đó là những cái giá phải trả cho một bản thảo.

– Chị “diệt” buồn hay stress bằng cách nào? (Nếu có)

Xem phim. Nghệ thuật thứ 7 luôn hấp dẫn tôi. Ngồi trước một màn ảnh rộng, trong một phòng ciné vắng người, thả mình vào một bộ phim hay, cũ hay mới không quan trọng, cảm giác đó thật tuyệt vời !

– Tác gia nước ngoài nào mà chị đang thích “mê” đi được?

Jean-Paul Sartre.

– Lần tới về HN và có nhiều thời gian, chị sẽ làm gì?

Ước gì có vài tháng rảnh rỗi để tôi có thể lang thang khắp Việt Nam, không làm gì cả chỉ quan sát và ghi chép. Trong một bức thư gửi Mina, tôi phát hiện ra là tôi chưa bao giờ được viết trên đất nước của chính tôi. Sau này hẳn đó sẽ trở thành một câu hỏi dằn vặt, thậm chí bất hạnh cho một người viết. Tôi mường tượng thấy thế.

– Xin chân thành cảm ơn chị và chúc chị thành công!

————————————————————————–

Thuận là tác giả của 7 cuốn tiểu thuyết: “Made in Vietnam”, “Chinatown”, “Paris 11 tháng 8”, “T mất tích”, “Vân Vy”, “Thang máy Sài Gòn”, “Chỉ còn 4 ngày nữa là hết tháng 4”, và cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản: “Thư gửi Mina”. Sống ở Pháp, Thuận đang được coi là nhà văn nữ còn rất nhiều tiềm năng với sự lao động nghiêm túc cùng nghệ thuật viết hiện đại, thông minh, hài hước.


Nguồn: https://www.facebook.com/anhthuan.doan/posts/1368756766575639

Comments are closed.