Sáng tác của Thanh Thuỷ, một nữ hoạ sĩ 36 tuổi mắc chứng down, đã chinh phục nhà sản xuất khăn quàng Malfroy ở Lyon.
Marine de la Horie (tạp chí Le Point.fr 03/07/2016)
Thuận Thiên dịch
Thuỷ vẽ tranh từ tuổi lên 6, một lối thoát để cô tự biểu thị tâm hồn mình lên mặt toan (bố). Các bạn thấy ở đây những tấm khăn sử dụng sáng tác của cô.
Cô sống trong thế giới biệt lập của mình, nhìn thế giới xung quanh bằng một con mắt khác. Nữ hoạ sĩ trẻ gốc Việt bị mắc hội chứng trisomie 21 (quen gọi là down). Từ lúc 6 tuổi, Thuỷ đã vẽ và biểu thị cảm xúc rất lạ thường của mình với màu vẽ. Những bức hoạ của cô qua lại giữa lối biểu hình, ngây thơ và trừu tượng, với sự điêu luyện lạ thường về tông màu.
Đến mức nhà sản xuất khăn quàng Malfroy đã quyết định đưa các bức tranh của cô vào các bộ sưu tập của mình. Chuyên gia về các sản phẩm lụa ở Lyon hành nghề từ năm 1939 đã “phải lòng” tác phẩm của Thuỷ. Benoit Malfroy, tổng giám đốc hãng kể: “Một hôm, mẹ của cô đã gặp tôi để giới thiệu các tác phẩm của cô. Chúng tôi không quen với việc này lắm, vì chúng tôi trước hết là nhà cung ứng dịch vụ. Nhưng chúng tôi đã lấy tác phẩm của Thuỷ để làm một ít khăn, rồi giới thiệu hoạ sĩ này vào bộ sưu tập của mình. Khăn của Thuỷ đấ rất thành công ở Pháp, Canada và Nhật”.
Vượt qua tình trạng khuyết tật của mình, Thanh Thuỷ là một cô gái thích tìm hiểu và hay quan sát. Ta tìm thấy trên các bức tranh mọi cảm xúc của cô.
Một gia đình rất yêu thương và gắn bó
Thuỷ có may mắn được sống trong một gia đình rất yêu thương và gắn bó. Mẹ của cô, một cựu nha sĩ, là người nâng đỡ cô nhiều nhất. Bà đã tận dụng hết nghị lực quý báu của mình để tổ chức các sự kiện nhân đạo. Tiền bán khăn thường xuyên được gửi vào các quỹ từ thiện. “Thuỷ có bàn tay và con mắt nghệ sĩ thú vị và nhờ đó mà thoát khỏi tình trạng khuyết tất nặng. Chúng tôi xúc động vì sự đặc biệt ấy và vì tình yêu của gia đình cô. Tôi đã sẵn sàng rủi ro khi đưa sự đặc biệt này ra công chúng. Khách mua hàng tuyệt đối không quan tấm đến chuyện bệnh tật của tác giả, mà bị lôi cuốn bởi khía cạnh nghệ thuật. Họ không mua khăn để làm việc thiện. Những bức hoạ của Thuỷ với phong cách ngây thơ được họ ưa thích như tác phẩm nghệ thuật”, Benoit Malfroy nói tiếp.
Trong khi chờ đợi gặt hái thêm những thành công về nghệ thuật, cô gái có cái nhìn rực rỡ trước thế giới của mình mơ được cộng tác với các hãng sản xuất khác. Đó là câu chuyện vượt qua tình trạng khuyết tật của một nữ hoạ sĩ với cây cọ chỉ mong muốn biểu thị tâm hồn mình. Với những ai biết nghe…
Ảnh: Các mẫu khăn quàng Malfroy collection Thanh Thủy.
Có thể đặt mua tại các tiệm chi nhánh Malfroy trên toàn cầu, hoặc qua mạng bán trực tiếp của họa sĩ:
Oh My French ( contact:khang_tuyen@nguyentrieu.com)
CATALOGUE FOULARD Malfroy – Echarpes soie de Thuy – version courte
Collection THUY écharpe ALGUES
Collection THUY écharpe FEUILLAGE
THAM KHẢO:
Con đường từ đứa trẻ khuyết tật đến một hoạ sĩ
(Chuyện của Thanh Thủy, do mẹ em, nha sĩ Hoàng Thị Ngọc Dung viết bằng tiếng Pháp năm 2000 và 2012. Thuận Thiên dịch)
Chuyện của Thanh Thuỷ, 20 năm đầu
Ngày 23 tháng 2 năm 2001, Thủy sẽ tròn 21 tuổi…
Hơn 20 năm trước, trong khi hành nghề của mình với đầy nhiệt huyết, tôi đón chờ đứa con thứ ba ra đời, với hy vọng nồng nàn sinh một cháu gái.
Từ một năm, gia đình tôi sống trong sự nôn nóng đón cháu bé thứ ba từng được mong ước.
Vì sau hai cậu con trai khoẻ mạnh, xinh đẹp và thông minh như mọi cậu bé trong mắt mẹ chúng, cuộc đời hứa hẹn với chúng tôi những ân phúc mới…
Mong muốn có một bé gái xinh xắn đã thúc đẩy tôi theo một chế dộ dinh dưỡng do một bác sĩ của bệnh viện chỉ định, chế độ này còn được đi đôi với liệu pháp chà xát hóc môn lên ngực nhắm tăng thêm cơ may cho ra đời một cô gái.
Và quả thật một bé gái thật xinh xắn đã chào đời.
Ngay từ tiếng khóc đầu tiên, gương mặt của bé đã trở nên thân thiết với tôi. Bé có khuôn mặt giống anh cả, số đo chiều cao và cân nặng lúc mới sinh cũng gần tương tự, và nhất là nước da hồng tươi như trái đào.
Nhưng khoảnh khắc toàn phúc ấy đã vụt biến, vì gần như lập tức ông bác sĩ sản khoa đến thông báo cho tôi với vẻ mặt nghiêm trọng là người ta đã phát hiện ở cháu bé những dấu hiệu của hội chứng Down-Trisomie 21.
Trong sự bối rối cực độ, tôi vẫn còn chút sức lực để hỏi ông : “Vậy tôi phải làm gì cho cháu?”
Hôm sau, chồng tôi là người duy nhất được biết bản án của bác sĩ; những người thân của tôi hơi ngạc nhiên trước nụ cười gượng gạo của người mẹ khi sự sinh nở này đã được mong muốn đến thế.
Phải chăng chỉ là sự mệt mỏi do sinh nở?
Tôi lấy được số liên lạc của văn phòng Giáo Sư Lejeune, chuyên gia chữa trị các bệnh về gien và là người đã chứng minh nhiễm sắc thể X21 chịu trách nhiệm về bệnh Trisomie 21, để có thể đưa con mình đi khám vào thời gian sớm nhất.
Trong thời gian ở bệnh viện phụ sản, hai vợ chồng tôi đã sống trong niềm đau dai dẳng, khi phải giấu sự thử thách của mình với gia đình và bạn bè.
Thử thách càng nặng nề trước những lời chúc mừng vẻ đẹp rạng ngời của bé Thủy, khi chúng tôi biết rằng bé sẽ không bao giờ là một đứa trẻ giống như những trẻ khác.
Bố mẹ chồng tôi mừng khôn siết khi được báo tin cô cháu gái nội ra đời. Nhưng bà mẹ chồng, luôn luôn là người quan sát tinh tế, đã băn khoăn về cái thóp mềm trên đầu và cái lưỡi nhọn của cháu.
Sau đó ông bà là những người đầu tiên được thông báo về bệnh tình của cháu.
Các cụ nhận tin với thật nhiều minh triết và tình thương.
Điều đó đã làm chúng tôi bớt được gánh nặng phần nào.
Bù lại, hai đứa con trai của tôi hết sức vui mừng vì cuối cùng đã có một cô em gái.
Chúng tôi không thể nào nỡ làm nguội bớt nhiệt tình của chúng.
Dẫu sao, chúng còn quá nhỏ, không thể lường được mọi hậu quả của chứng bệnh đánh vào em gái chúng.
Và cứ như thế trong nhiều năm trời.
Chúng đã sống bên đứa em gái thường xuyên có vấn đề sức khỏe, chịu đựng, nâng đỡ và về sau thương yêu em mà không bao giờ đặt dù chỉ một câu hỏi.
Tiếp đó, tôi thường xuyên nghĩ về những nguyên do có khả năng dẫn tới chứng bệnh của con gái bé bỏng của mình.
Thật là với đứa con thứ ba, tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của tôi không tốt bằng khi mang thai hai đứa đầu.
Với đứa thứ nhất, tôi trong thời kỳ sung sức nhất; tuy đã có bằng nha sĩ, tôi vẫn chưa hành nghề vì muốn cống hiến toàn bộ cho việc giáo dục con, ít ra cũng trong những năm đầu tiên của con mình.
Trong thời gian mang thai, tôi đã rất cẩn thận theo lời khuyên của các bác sĩ nhi, đặc biệt những lời khuyên trong cuốn sách của BS Laurence Pernoud và những lời khuyên của bà mẹ chồng xuất phát từ truyền thống Việt Nam.
Đó là những chế độ dinh dưỡng, các món ăn giàu sinh tố, nhất là nhân sâm được mẹ chồng bồi dưỡng, hay những buổi đi dạo thư giãn hàng ngày.
Mỗi ngày, tôi xen kẽ việc đọc sách (thường là những tiểu thuyết về các anh hùng trong lịch sử Việt Nam hay những tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa) với việc đi dạo đều đặn của gia đình, nhắm có được sự hài hòa cho cả thể xác lẫn tinh thần.
Khi bé sinh ra, ông bác sĩ nhi ca ngợi tôi đã cho ra đời “cậu bé đẹp nhất” mà ông từng được thấy. Và dù tôi ngờ rằng ông cũng tế nhị như thế với mọi bà mẹ trẻ, tôi vẫn sẵn lòng tin ông, vì quả là đứa bé đẹp thật !!!
Đứa con trai thứ hai của tôi ra đời hơi bất ngờ sau đó hai năm.
Và trong mắt tôi cậu bé không chỉ đẹp như anh, mà còn tỏ ra là đứa bé toàn thiện toàn mỹ.
Mặc dù có những vấn đề nho nhỏ về sức khỏe giống như mọi đứa trẻ, hai cậu con trai lớn lên dễ dàng và trở thành hai đứa trẻ thật đáng yêu.
Hai năm sau khi đứa con thứ hai ra đời, tôi bắt đầu hành nghề của mình.
Trong suốt những năm ấy, cuộc sống gia đình và đời sống nghề nghiệp của tôi có một nhịp điệu sôi động giữa các bệnh viện, phòng mạch, phòng răng, những bận bịu gia đình, việc trông nom các con, việc kèm chúng học hành. Thêm vào đó là những thử thách và biến chuyển của đại gia đình của tôi và Đất Nước.
Tôi vắt sức mình và đòi hỏi rất cao trong việc dạy dỗ con cái, vì vậy tôi không còn sung sức nữa, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Hai anh trai của Thủy lớn lên trong hoàn cảnh ấy, hoàn cảnh chắc là rất thất vọng đối với chúng, vì tất cả sự chú ý đều được dành cho Thủy.
May sao, hai cháu có bản chất nhân hậu và chắc chúng nghĩ rằng em gái mình, một cô bé, hơn nữa cô bé rất mảnh mai, phải giành được mọi sự chăm sóc của gia đình.
Không chỉ không hề cảm thấy bực bội vì Thủy chiếm hết không gian gia đình, mà bản thân hai cháu còn lo toan cho em một cách yêu thương và dịu dàng, lấp đầy những lúc hiếm hoi chúng tôi vắng mặt.
Và trong thử thách ấy, chúng có phần may mắn vì không những phải tự cáng đáng hoàn toàn, chúng còn phải cáng đáng cả bệnh tật của cô em gái.
Và thực sự chúng đã trở nên hoàn toàn có tinh thần trách nhiệm ngay từ khi còn bé.
Chỉ đến sinh nhật thứ tám của Thủy, khi hai anh của cháu lên 17 và 15, chúng tôi mới nói chuyện dài dòng với hai cháu về căn bệnh quái ác đã đánh vào em gái chúng.
Cũng như sự may mắn cho Thủy được sinh ra trong một gia đình hòa hợp, tận tụy và gắn kết trong thử thách, và sự may may mắn cho hai anh vì có thể tự rèn rũa và cống hiến một phần cuộc đời của mình cho những người khác.
Và phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là được nghe hai cậu con trai bảo đảm với cha mẹ rằng chúng luôn luôn chăm lo đầy đủ cho tương lai của Thủy.
Trong suốt tuổi thơ, Thủy thường mắc chứng viêm tai và nhiễm trùng mắt. Lúc cháu mười tháng tuổi chúng tôi đã phải cắt bỏ chỗ sùi vọm họng.
Nhất là cháu bị tiêu chảy hàng ngày, và đến mức chúng tôi tự hỏi không biết cháu có vượt qua nổi hết những bệnh tật ấy, vì cháu đã trở nên thật mỏng manh.
Thế là thời gian của chúng tôi bị chia ra giữa các phòng mạch nhi khoa, và Thủy uống hết thuốc này đến thuốc nọ, tiêm hết mũi này đến mũi nọ .
Tình cờ, hay đúng hơn là nhờ cơ duyên phúc đức mà chúng tôi tìm lại được ông bác sĩ nhi khoa của hai anh cháu, BS Bissery, khi ông đang chuẩn bị về hưu.
Chính BS Bissery chứng minh rằng Thủy dị ứng với sữa bò, chứng này thường có ở những đứa trẻ mắc bệnh Trisomie 21.
Tôi còn nhớ nhãn hiệu của loại sữa thay thế, Nutramigen, có gốc đậu nành, bán ở hiệu thuốc của các bệnh viện Paris, đã làm cho Thủy hồi sinh.
Thật tôi không biết được một cách chính xác làm thế nào đã tìm được đủ ý chí và sức mạnh để vượt qua những năm thử thách ấy, và tôi chỉ đơn giản gán nó cho cái sức mạnh bất tận mà mọi người mẹ đều có ngay, khi sự sống của những đứa con họ bị đe dọa.
Trong suốt thời kỳ này, cuộc sống của tôi phụ thuộc vào cuộc sống của Thủy.
Sự trìu mến ấy, sự trìu mến của cha cháu và hai anh cháu đã giúp cháu phát triển, đứng lên và trở thành một cô gái thật đáng yêu, đầy thiện tâm và ý thức được những hy sinh của những người thân xung quanh mình và quyết nỗ lực để xứng đáng với những hy sinh ấy.
Vào đầu thế kỷ 21, Thủy cũng đến tuổi 21.
Ngoài ba ngày trợ học trong một cơ sở tư nhân, mỗi tuần cháu theo hai khóa hội họa, một khóa piano và một khóa Aikido.
Cháu mê bơi và bơi sải rất đẹp. Người ta biết những đứa trẻ mắc bệnh Trisomie 21 rất thích trạng thái mất trọng lượng trong môi trường nước.
Cháu giao lưu đều đặn với các anh qua email và rất khéo léo trong việc sử dụng máy tính. Cháu cũng say mê các trò chơi tin học.
Thật vậy, Thủy tò mò mọi thứ và thích làm mọi thứ.
Chuyện của Thanh Thủy, 12 năm sau
Năm 2000 Thủy đóng góp một cách rất biểu tượng vào đám cưới của anh cả.
Tấm thiếp báo hỷ mà mọi người đều thấy tuyệt vời là tác phẩm của cháu.
Mô típ là cảnh mặt trời lên ngời sáng, mặt trời hiện ra dưới hình dạng một trái tim.
Đám cưới này thật quan trọng đối với chúng tôi, vì đó là đám cưới đầu tiên trong gia đình và nhất là đó là phần thưởng xứng đáng cho con trai cả sau bao năm tận tụy với em gái.
Từ khi Thủy ra đời, chúng tôi đo rất rõ sự hy sinh tự nguyện cúa hai anh cháu, khi mà đời sống gia đình và tất cả sự chú ý của chúng tôi có thể nói là hoàn toàn dành cho Thủy; để bù đắp phần nào cho sự khuyết tật sẽ không bao giờ cho cháu một cuộc sống bình thường của các cô gái cùng trang lứa.
Và hai anh cháu đã phải tự cáng đáng từ lúc rất trẻ.
Sớm biết sẽ phải chăm lo cho em thường trực và mãi mãi, hai con chúng tôi đã đạt được tinh thần trách nhiệm và sự chín chắn, thể hiện ở một ý chí mạnh mẽ vượt qua chính mình và một nghị lực lớn lao để thành công.
Hai cháu đã thành công xuất sắc trong học tập, đạt bằng “tối ưu” trong kỳ thi tú tài và được vào những trường đại học lớn danh tiếng của Pháp và Mỹ.
Thái độ sống của hai người anh, lòng hiếu thuận, tình yêu thương với em gái, cũng là từ tâm đối với tha nhân, và nhất là sự gắn bó mà có thể nói là sự ảnh hường lẫn nhau của hai cháu là sự bù đắp lớn lao cho chúng tôi và giúp chúng tôi chịu đựng dễ hơn những khiếm khuyết của Thủy.
Chúng tôi cũng vui sướng vì hạnh phúc của con trai cả đã tìm được người vợ có thể thực hiện một đời sống gia đình tràn đầy hy vọng và các dự tính.
Với Thủy, sự kiện này tạo nên một thay đổi lớn.
Kể từ nay, anh cả của cháu sẽ rất ít có mặt, chức trách của anh buộc gia đình anh định cư ở Nữu Ước và sau đó là Luân Đôn.
Vốn quen với sự có mặt của anh ít ra hằng tuần, Thủy sẽ chỉ được gặp anh có ba bốn lần trong năm.
Chắc hẳn cháu cảm thấy rất đau đớn, cho dù với bản tính rất kín đáo cháu ít để lộ tình cảm ra ngoài. Giống như mọi đứa trẻ mắc hội chứng Down – Trisomie 21, cháu cần có những điểm tựa vững chắc để cảm thấy được an toàn.
Và với cháu, gia đình có những cột mốc là cha mẹ và hai anh.
Toàn bộ tình cảm của cháu chuyển sang người anh thứ hai, trong khi cháu giữ liên lạc với anh cả thông qua điện thoại và thư điện tử.
Khi đến lượt người anh thứ đạt được hạnh phúc khi gây dựng mái ấm của riêng mình thì Thủy lại lâm vào một giai đoạn xáo trộn mới.
Từ lúc 16 tuổi, Thủy trở thành một cô gái yêu kiều, xinh đẹp, nhí nhảnh, tinh tế và sống động.
Thời dụng biểu của cháu được chia sẻ giữa một trường học tư ở Paris, những khóa học vẽ, học aikido, bơi và piano.
Cháu đam mê nhất là vẽ, với những sáng tác cho các anh và các chị dâu nhân những sự kiện quan trọng như đám cưới, sinh nhật…
Chẳng hạn bức tranh con hổ dưới đây, vẽ tặng người anh thứ hai cầm tinh con hổ, được cháu thực hiện trong những buổi học ở phòng tranh Arc en Ciel, tại thị trấn Antony.
Lớn lên, giống như mọi cô gái, bất kể khuyết tật hay không, Thủy cảm nhận nhu cầu mạnh mẽ được tự quản đối với cha mẹ. Tình cảm này lúc ấy chúng tôi chưa nhận thức được, vì luôn luôn coi cháu như một em bé lớn phải được bao bọc mãi mãi, và chúng tôi tin chắc rằng tình yêu thương của chúng tôi hòan tòan đủ cho cháu.
Đó cũng là cách hành xử thường thấy ở các bậc cha mẹ có con cái khuyết tật.
Không những thế Thủy đã được dạy dỗ một cách chặt chẽ theo lề lối Việt Nam và hẳn là cháu đau đớn chịu đựng sự ân cần tràn ngập của chúng tôi mà không thể biểu tỏ thực sự tâm trạng ấy, lại càng không thể cưỡng lại được.
Cũng như để khẳng định nỗi thèm khát được tự quản đối với cha mẹ, chẳng bao lâu sự gắn bó của cháu với hai người anh trai càng trở nên tha thiết, vì cùng lứa tuổi .
Điều ấy khiến cho giai đoạn sống này thường đầy xung đột, và đòi hỏi về phần tôi nhiều khéo léo và biết cách xử sự để cho những buổi xum họp gia đình bớt căng thẳng .
Cháu bắt đầu đo khoảng cách giữa mình và những người khác, bắt đầu trải nghiệm những tình cảm cô đơn và nổi loạn, phản ứng với điều mà cháu thấy như một sự bất công.
Thêm nữa, cá tính và bệnh tật của cháu kìm hãm cháu giao tiếp, và thực sự không hiếm khi cháu bị trách mắng một cách bất công về những lỗi mà cháu không làm.
Nhất là cháu có ý thức về những khuyết tật về trí tuệ của mình so với hai anh. Đây không phải là sự ghen tuông đối với các anh, những người cháu rất hâm mộ, mà là một sự không hiểu được vì sao mình không thể bằng các anh.
Không hiếm khi có người hỏi cháu học những môn gì ở trường tư mà cháu theo học, cháu đã trả lời là môn toán hay lý.
Trong khi thực ra trường này chuyên dạy những căn bản để thích nghi với đời sống hàng ngày như mua sắm, rửa chén đĩa, hay dọn bàn ăn.
Chúng tôi vẫn thường thật xúc động khi nhớ lại những buổi dài cháu hết sức loay hoay một mình giải những bài tính cộng đơn giản.
Việc vẽ tranh của cháu cũng thăng trầm theo cảm nhận của cháu về thực tế cuộc sống, dễ chịu hay là in dấu những thất vọng.
Các bức tranh của cháu bộc lộ những tình cảm bên trong. Khi thì rực rỡ sắc màu, từ xanh lam thắm sang hồng thắm, khi âm thầm màu xám hay đen thể hiện những ngôi nhà trơ trọi với cửa ra vào và cửa sổ đóng kín bưng, hay những nét cọ màu đen xáo động. Nhưng bao giờ cũng rất biểu cảm.
Phản chiếu những trạng thái tâm hồn từng lúc, tranh của cháu gây xúc động bởi sự sống động, giàu tình cảm, và ngay cả sự ngây thơ.
Tùy theo giờ rảnh của các thầy dạy vẽ, Thủy xen kẽ những khóa học ở nhà với những khóa học chung ở phòng tranh Arc en Ciel tại thị xã Antony; ở đó thấy rõ niềm hãnh diện của cháu vì được là một học sinh giống như các học sinh khác.
Nhờ rất nhiều cơ may và cũng do kết quả sự tìm kiếm khắp nơi của chúng tôi, cháu luôn luôn có được những người thầy giỏi, chuyên nghiệp, nhưng nhất là có tấm lòng.
Trong nhiều năm, chúng tôi luôn đòi hỏi cháu. Mỗi ngày của cháu đầy ắp từng phút, xen kẽ giữa nhà trường với những khóa học tư.
Trải qua nhiều năm, chúng tôi thay nhau bảo đảm cho Thủy một cuộc sống đầy đủ nhất có thể được, để bù lại phần nào sự không may của cháu.
Gia đình các con chúng tôi cũng luôn cố gắng liên tục để làm cho cuộc sống của Thủy được vui vẻ.
Các cô cháu gái nội của chúng tôi rất chú tâm đến người cô của chúng.
Đứa cháu lớn, ngay từ lúc lên năm đã hiểu nỗi đau của chúng tôi trước bệnh tật của Thủy.
Một hôm chúng tôi thật xúc động và thỏa mãn khi bắt chợt câu chuyện cháu nói với đứa em gái. Cháu giải thích cho em rằng không phải khi nào vui thích mới yêu thương cô, mà đó cũng là bổ phận của hai chị em.
Tuy nhiên, với thời gian và gánh nặng tuổi tác, chồng tôi bắt đầu mệt mỏi vì những nỗ lực hằng ngày trong mấy chục năm, về thể xác nhưng nhất là về tâm thần, và tình thế có lúc đường như không lối thoát và không thể vượt qua đối với chúng tôi.
Về phần tôi, phải dành tất cả sức lực cho một nghề nghiệp đòi hỏi trí óc lẫn chân tay, và vào việc dạy dỗ Thủy nên sức khỏe bắt đầu giảm nhiều, hậu quả của những sự thúc bách gần như thường trực. Tôi bắt buộc phải về hưu trước kỳ hạn vì thiếu khả năng thể lực.
Đối với Thủy việc nghỉ hưu của tôi làm cho cuộc sống của cháu bị đảo lộn nhiều.
Thoát khỏi những bận bịu về nghề nghiệp và thường xuyên ở nhà, sự hiện diện liên tục của tôi là một sự gò bó đối với cháu, vào lúc tuổi của cháu đòi hỏi nhiều sự nới lỏng mối ràng buộc với cha mẹ.
Cùng lúc, đám cưới và sự ra đời của các cháu gái khiến hai anh ít có mặt hơn nên Thủy cảm thấy như mình bị bỏ rơi.
Bắt đầu cho Thủy một giai đoạn xáo trộn lớn về tâm lý, kèm theo chứng ăn vô độ khiến chúng tôi cảm thấy bất lực, nhất là chúng tôi tin chắc đã tận hiến những gì tốt nhất của đời mình cho cháu.
Để đáp ứng, chúng tôi tìm cách có mặt nhiều hơn và chăm sóc hơn nữa cho cháu, trong khi giải pháp là ngược lại.
Nhưng điều này mãi về sau chúng tôi mới thấu hiểu.
Tuy chúng tôi đáng lẽ phải được cảnh báo từ trước, vì từ lúc Thủy ở độ tuổi 20, khi chúng tôi dẫn cháu đến chơi nhà bạn bè, cháu thường hỏi có đông người “về hưu sớm” hay không?
Mỗi cuối tuần, cháu sốt ruột ngóng chờ cha mẹ ra khỏi nhà để được tự do một mình !
Cháu không còn thích gắng sức, bỏ bê việc bơi, tập võ, tập đàn và xướng âm.
Tiếp theo là những năm dài đi thăm khám các nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần.
Có lúc, kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác, chúng tôi sẵn sàng theo lời khuyên của một vài thầy thuốc cho cháu uống các loại thuốc an thần, nếu không có sự phản đối quyết liệt của các anh cháu và nhờ xem một buổi phát tivi kể lại những tác hại của việc sử dụng chúng, do một nữ tài tử Pháp thực hiện dựa trên kinh nghiệm của chính người em gái (theo tôi nhớ thì đó là Sandrine Bonnaire).
Có người khác gợi ý đưa Thủy vào nhà nuôi người khuyết tật. Chúng tôi đã đi thăm nhiều nơi ấy và trở về với sự ngao ngán vì những điều kiện ở đấy thật khó chịu đựng cho Thủy, vốn có rất nhiều khả năng nghệ thuật.
Cuối cùng lời đáp chủ yếu đến từ bác sĩ Martin, người mà chúng tôi biết ơn một cách sâu sắc. Với lòng nhân từ và tình thương người, ông đã thuyết phục chúng tôi áp dụng cách cư xử với Thủy : tách xa cháu càng nhiều càng tốt, để cháu có thể có đời sống riêng của mình :
“Xa ngõ gần lòng”, bác sỹ Martin nhớ lại một câu cách ngôn phương Đông.
Nhờ sự kiên trì của ông và sự khuyến khích của các anh và các chị dâu cháu, chúng tôi nảy ra ý tưởng về một chỗ ở độc lập cho Thủy.
Thêm nữa, khủng hỏang kinh tế khởi sự ở Mỹ và lan rộng sang châu Âu, cùng nỗi lo sợ các ngân hàng phá sản đã khiến chúng tôi quyết định rút tiền tiết kiệm để xây chỗ ở cho cháu ngay tại nhà.
Chúng tôi may mắn sở hữu một ngôi nhà có vườn rộng và có thể xây một chỗ ở riêng biệt cho Thủy ở cuối vườn.
Điều ấy cho phép cháu sống một đời sống tương đối tự quản, và cho chúng tôi khả năng trông chừng cháu một cách kín đáo.
Thủy thờ ơ nhìn tất cả những sự tới lui ấy. Điều này khiến chúng tôi lo cháu từ chối di chuyển chỗ ở.
Nhưng ngày mọi sự đã sẵn sàng cho việc dọn nhà chúng tôi rất ngạc nhiên vì cháu không chần chờ chuyển vào chỗ ở mới của mình.
Từ đấy rất hiếm khi cháu quay lại căn buồng cũ.
Như vậy chúng tôi đo được nhu cầu lớn lao được tự quản và được tách khỏi cha mẹ của cháu.
Tổ chức đời sống mới này không hề đơn giản.
Chúng tôi phải phân thân giữa hai nơi ở, công việc hàng ngày nhân gấp hai, cũng như các khoản chi tiêu. Tình thế thật không dễ quản lý.
Dần dà, với rất nhiều cố gắng, tôi đã thu xếp được công việc hàng ngày và tìm được người đủ năng lực trông nom cháu.
Ban đầu khi những người có trách nhiệm lo cho cháu vắng mặt, cháu sang ăn cơm với chúng tôi bên nhà cũ, nhưng sau một năm, cháu biểu hiện ngày càng có nhu cầu hoàn toàn tự quản, đòi ăn cơm trong “căn lều” của mình, theo cách nói của cháu.
Nhờ được GS Réthoré ở Viện Lejeune – Paris theo dõi sức khỏe thường xuyên và nhờ các thứ thuốc được kê nhằm làm giảm khiếm khuyết của cháu, chủ yếu là acide folique, selen, và bởi vì bệnh của cháu còn nhẹ, Thủy đã có thể theo một cấp học chuẩn cho đến lớp Sơ yếu 1.
Với sự cố gắng động viên của chúng tôi, cháu đã biết đọc và cũng viết được một ít. Điều này giúp cháu hiểu các từ và cả các nốt nhạc khi bắt đầu học piano và bộ gõ.
Cháu cũng may mắn có được trí nhớ rất tốt, điều này cho phép cháu nói được hoàn hảo hai thứ tiếng, và nhớ được đầy đủ các việc phải làm, nhất là khi những việc ấy lặp đi lặp lại, như đặt và dọn bàn ăn, rửa bát đĩa.
Trong chừng mực những việc ấy hợp với ý muốn của cháu.
Trong những lúc vui vẻ, cháu đọc nhiều lời nhắn mà tôi viết ra, chơi đàn điện tử, chơi bộ gõ.
Việc điều trị hiện thời của cháu, phối hợp levothyrox-acide folique- selen, dường như thuận lợi cho sự cân bằng thể chất và trí tuệ và cho phép cháu giữ được sự suy lý rõ ràng.
Thành thử việc học tập về mặt trí tuệ của cháu giữ được bền vững.
Sự chống đối và thái độ ương ngạnh là những đặc tính của người bị chứng Trisomie 21. Thời kỳ niên thiếu của cháu chậm hơn và kéo dài hơn, từ tuổi 20 đến 30.
Trong nhiều năm, đời sống gia đình xoay quanh Thủy, ít nhiều có thể chịu được.
Sự nâng đỡ và tình thương yêu của hai anh và các chị dâu cháu thật là quý giá đối với chúng tôi.
Chúng tôi đã tìm được người để gửi gắm Thủy các buổi chiều, trong ngôi nhà mới của cháu.
Chúng tôi đã có thể thoát ra khỏi bổn phận ràng buộc mình vào bệnh tật của Thủy và bắt đầu một cuộc sống gần như bình thường, như đi thăm các con đang sống ở nước ngoài, chăm sóc các cháu nội, những đứa bé thật xinh đẹp và ngây thơ.
Sự ra đời kế tiếp của những đứa cháu nội của chúng tôi đã thật lợi lạc cho Thủy và cho chính chúng tôi.
Với chúng tôi, lẽ tự nhiên là một niềm vui lớn, nhưng nhất nó là phương tiện chuyển giải để chúng tôi thoát khỏi cảnh gắn chặt vào Thủy, còn với Thủy, đó là sự nới lỏng sự hiện diện của chúng tôi.
Trong cuộc sống đã trở nên khá ổn định ấy, những cuộc thăm viếng thường xuyên của các anh cháu – gia đình của người anh thứ hai dọn đến sống gần nhà chúng tôi – là những thời khắc thật vui của cháu.
Nhất là khi các anh cháu mời bạn bè đến chơi. Họ cũng là bạn của cháu, vì Thủy thường đi theo các anh đến chơi nhà bạn, và mọi người đều chăm sóc cháu thật chu đáo.
Thủy cũng có nhiều may mắn được các chị dâu coi cháu như em ruột, vì lòng cảm thương cháu và tình yêu với các anh cháu. Đáp lại, Thủy biểu tỏ sự gắn bó với các chị, không hiếm khi cháu đòi có chị dâu hơn là có anh.
Nơi ở mới của cháu có sân phía trước, phía sau, với một thảm cỏ điểm hoa tươi.
Một môi trường thanh cảnh góp phần làm dịu tinh thần của cháu.
Cháu có một xưởng vẽ nối với buồng ngủ, ở đó cháu thể hiện được tất cả kho tàng cất giữ trong mình vào bất cứ lúc nào trong ngày, rất sớm ngay khi mặt trời mọc, rẩt muộn lúc chiều xuống. Những tình cảm cháu giữ kín có thể bừng nở thành muôn màu sắc rực rỡ.
Có lúc, khi những thử thách do sự khuyết tật của cháu trở nên quá nặng nề, tôi tự an ủi bằng cách nhớ lại những truyền thuyết Việt Nam xưa, kể lại chuyện những nàng công chúa con Ngọc Hoàng Thượng Đế bị đày xuống trần vì lỗi lầm nhẹ, và Vua Cha chọn cho các nàng một gia đình giàu lòng thương yêu để họ sống trong thời gian dưới trần.
Hay là cái tư tưởng Trung Đạo của Phật giáo in sâu trong ký ức người Việt, cho rằng nếu sự khuyết tật của Thủy là một thử thách gian khổ đối với gia đình tôi, thì nó cũng cho phép chúng tôi phát triển những tình cảm trách nhiệm và từ tâm của mình, không riêng dành cho Thủy, mà còn cho những người bất hạnh khác.
Và thử thách mà chúng tôi phải chịu chỉ là quả báo của nghiệp hành trước đó.
Sự ra đời của các cháu nội đưa tôi vào một thế giới mới, thế giới những tiếng cười, những dự tính.
Tôi hết lòng hiến cho những đứa bé mới chào đời đáng yêu ấy những gì tốt đẹp nhất của mình để bảo đảm cho chúng một tương lai sáng lạng.
Cũng như mọi bệnh nhân hội chứng Down – Trisomie 21, Thủy có sự nhạy cảm quá mức. Khía cạnh tâm lý cực kỳ quan trọng và chúng tôi nhận thấy rằng một khung cảnh gia đình hài hòa và thấu hiểu rất lợi lạc cho cháu.
Ngược lại, những mâu thuẫn trong gia đình, dù thật nhỏ, làm cho cháu đau khổ, vì cháu rất khó quên thải được chúng.
Tuy vậy trong hòan cảnh nhất định, cần có nhiều kiên quyết đối với cháu, vì cháu ít hiểu được những sự bó buộc của đời sống xã hội.
Cháu thích nhất những lúc ở bên các anh, xem các đĩa DVD ca múa tiếng mẹ đẻ, hay đi mau sắm những món đồ cháu ưa thích.
Bước vào năm 2012 này, Thủy bắt đầu thực hiện cuộc sống độc lập của mình!
Cũng trong năm 2012, Sáng hội Lejeune (http://www.fondationlejeune.org) – tên đặt theo GS Jérôme Lejeune, người đã khám phá ra nguyên nhân của hội chứng Down (trisomie 21) vào năm 1958, đó là một nhiễm sắc thể phụ trên cặp 21 – đã tiếp tục theo đuổi công việc của ông, nêu lên sự có mặt quá nhiều di thể (gène) của nhiễm sắc thể 21 để giải thìch những rối loạn quan sát thấy ở những bệnh nhân trisomie 21.
Sự biểu hiện quá mức của enzyme CBS mà Jérôme Lejeune nghi ngờ là một nhân tố quan trọng để giải thích sự khiếm khuyết về trí năng, gần đây đã được chứng minh ở chuột.
Sáng hội bèn nghiên cứu một chất để ức chế enzyme này. Một bằng sáng chế về một họ phân tử có tiềm năng ức chế CBS đã được trình tòa vào cuối năm 2011. Một thử nghiệm trên động vật đang được tiến hành để kiểm chứng hoạt động đã thấy được trong ồng nghiệm.
Sáng hội Jérôme Lejeune cũng theo đuổi và nâng đỡ những chương trình khác, gồm cả những thử nghiệm lâm sàng tiến hành vào năm 2011 và 2012.
Một trong hai thử nghiệm ấy, thực hiện ở Tây Ban Nha, với tư cách đối tác của Sáng hội, là về EGCG (gallate d’epigallocatechine). Phân tử này thực sự có khả năng cải thiện những năng lực nhận thức của người mắc chứng trisomie 21.
Thủy sẽ không được hưởng những kỹ thuật tiên tiến ấy, nhưng chúng tôi rất mừng cho những gia đình có con bị chứng Trisomie 21 còn nhỏ tuổi.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm về nữ hoạ sĩ Thanh Thuỷ qua trang mạng: www.eaufine.com : Partagez la passion de Thuy pour la peinture.