Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu (kỳ 8)

Hoàng Tuấn Công


○ “không ai duỗi tay lâu ngày đến sáng Ý nói: Không người nào lại muốn tự bêu xấu mình”.

Thật ngạc nhiên khi GS Nguyễn Lân liên tưởng đến việc “tự bêu xấu mình” bằng hình ảnh “duỗi tay lâu” trong câu tục ngữ. Duỗi tay thì có gì là “tự bêu xấu”? Nghĩa đen: Trong một ngày hoặc một đêm, con người phải thường xuyên hoạt động, hay cử động, dẫu có muốn cố tình nắm tay, hoặc duỗi tay thì cũng sẽ có lúc sơ sảy, do mỏi quá không chịu nổi, hoặc quên đi mà phải co, duỗi tay ra. Câu Không ai nắm tay từ sáng đến tối, hoặc Không ai duỗi tay THÂU ngày đến sáng (THÂU nghĩa là “suốt”, “hết”, “cả” ngày, chứ không phải “lâu ngày” như dị bản của GS Nguyễn Lân). Nghĩa bóng: Trong cuộc đời, sẽ có lúc nào đó, do khách quan hoặc chủ quan, người ta sẽ không giữ được điều tốt đẹp mà mình đang có; không ai có thể chắc rằng mình giữ được sự giàu có, sung túc, tốt đẹp mãi, hoặc suốt đời không ốm đau, gặp tai nạn gì. [Gần nghĩa: Sông có khúc, người có lúc; Ai giàu ba họ, ai khó ba đời].

○ “mẹ tròn con vuông (Người xưa quan niệm trời là tròn, đất là vuông, nên hai khái niệm đó chỉ sự trọn vẹn)”.

Suy diễn thiếu căn cứ. Trời tròn, đất vuông phản ánh thế giới quan, nhận thức về trời đất, vũ trụ của người xưa; còn “vuông” và “tròn trong “Mẹ tròn con vuông”, lại tượng trưng cho sự hoàn hảo, viên mãn, không khiếm khuyết. Phương 方 [vuông], viên 圓 [tròn]), là biểu tượng cho sự đầy đủ, trọn vẹn. Từ điển Vietlex: “vuông tròn • t. [cũ, vch] tốt đẹp về mọi mặt [thường nói về việc sinh đẻ hay việc tình duyên]: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” (TKiều) ~ “Người sao phận đẹp duyên ưa, Người sao chểnh mảng mà chưa vuông tròn.” (Cdao).”; Từ điển Đào Văn Tập: “vuông tròn • ngb. Trọn vẹn, đẹp đẽ <> khuôn xanh biết có vuông tròn cho không?
• Chỉ cuộc nhân-duyên <> trăm năm tính cuộc vuông tròn.”; Việt Nam tự điển: “vuông-tròn • Vuông và tròn. Nghĩa bóng: Trọn-vẹn hoàn-toàn <>Trăm năm tính cuộc vuông-tròn (K).”; Từ điển Thanh Nghị: “vuông-tròn • tt. Vuông và tròn: Ngb. Trọn vẹn, hoàn-toàn <> Trăm năm tính cuộc vuông-tròn”.

○ “chó treo mèo đậy Ý nói Thức ăn phải đậy điệm, kẻo chó mèo sục vào”.

Vẫn là cách giải thích hời hợt, đơn giản tới mức sơ sài. Nghĩa đen: Con chó to khoẻ, đánh mùi rất tốt, nên dù đậy kín nó vẫn có thể ủi đổ nồi, bật vung lên để ăn vụng. Tuy nhiên chó không leo trèo được, nên cách đề phòng tốt nhất là treo cao. Ngược lại, mèo nhỏ yếu, không thể húc lật tung nắp nồi, nên chỉ cần đậy lại cẩn thận là chắc chắn, bằng không treo cao thì mèo vẫn có thể leo trèo tới. Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng (mối đe doạ) mà có biện pháp đề phòng hữu hiệu bằng cách khoét vào điểm yếu, hạn chế điểm mạnh của đối tượng. Đây là nghệ thuật phòng gian.

○ “đò nào, sào ấy Ý nói: Trong việc gì người ta đã quen dùng dụng cụ nào thì dụng cụ ấy là hợp nhất với người ta”.

Tục ngữ không nói “quen dùng”, mà nhấn mạnh sự phù hợp của dụng cụ trong công việc (không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan, mà là yêu cầu thực tế khách quan). Chẳng hạn, con đò ngắn, đò nhỏ, nước cạn thì phải dùng sào ngắn; con đò to, dài, nước sâu thì phải dùng sào có kích thước tương ứng. Tương tự câu Trò nào trống nấy, hay: Sào non chẳng cắm bến lầy…Sào non” là cây sào vừa ngắn, vừa yếu, làm sao cắm nổi “bến lầy”? [Ca dao: Thương anh cắp nón xuống đò, Sông sâu sào ngắn khôn dò tới nơi]. Nghĩa bóng: Tuỳ tính chất công việc mà lựa chọn dụng cụ, cách làm cho phù hợp mới thành công.

○ “khôn chết, dại chết, biết thì sống Có ý đề cao sự hiểu biết, nó giúp người ta gỡ được những mối khó khăn. Nhưng người khôn chính là người có nhiều hiểu biết”.

Không đúng. Câu tục ngữ khuyên nên dung hoà trong cách sống: nếu khôn quá (khôn lỏi, chỉ biết thu vén cho mình), dễ bị loại trừ khỏi cộng đồng; ngược lại dại quá cũng sẽ bị chèn ép, bắt nạt; biết ở đây không phải là “nhiều hiểu biết” [tri thức] nói chung, mà chính là sự khôn khéo trong ứng xử, biết người biết ta. Tục ngữ Tày: Khôn thì người ta giết, dại thì để người ta ăn [Quai vậu khả, vả vậu kin] cũng có ý con người phải dung hoà giữa hai thái cực “khôn” và “dại”. Do không hiểu cách nói “khôn”, dại” và “biết” của dân gian, nên GS Nguyễn Lân phản bác: “người khôn chính là người có nhiều hiểu biết”.

○ “khôn nên quan, gan nên giàu Nói lên một sự thật trong xã hội cũ là kẻ nào khôn ngoan chạy chọt thì được làm quan, còn kẻ nào kiên trì ki cóp thì trở nên giàu”.

Lại là chuyện “xã hội cũ” thì cái gì cũng xấu! “Khôn” ở đây nghĩa là thông minh, tài giỏi, chứ không phải “khôn ngoan chạy chọt”; và “gan tức dám nghĩ, dám làm, hoàn toàn khác “kiên trì, ky cóp”. Nếu đây là “sự thật trong xã hội cũ” thì GS Nguyễn Lân giải thích như thế nào khi dân gian còn có câu “Có chí làm quan, có gan làm giàu”? Liệu “chí” ở đây là chí hướng phấn đấu, học hành, rèn luyện để đạt được địa vị, danh vọng như mong muốn, hay “chí” cũng có nghĩa là “chạy chọt”? Nghĩa bóng: Thông minh, học giỏi, có chí khí sẽ giúp người ta đạt được quan tước, địa vị; còn nếu muốn làm giàu thì phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, không sợ lỗ.

○ “người ta đánh chú, tôi chẳng tha người, chú đánh cha tôi, tôi chẳng tha chú Ý nói: Trong quan hệ họ hàng, người trên có đúng đắn, người dưới mới kính phục”.

Tục ngữ không nói đến mối “quan hệ họ hàng”, trên dưới, thứ bậc. Bởi “người ta” (người đánh chú), ám chỉ một người dưng, không phải trong họ hàng hoặc gia đình. Nghĩa đen câu này được hiểu: Nếu “người ta” (người dưng) đánh chú, tôi sẽ đứng ra bảo vệ chú, bởi chú là người ruột thịt, thân thiết với tôi. Tuy nhiên, nếu chú đụng đến cha tôi, người tôi đứng ra bảo vệ không phải là chú nữa, mà là cha tôi (người thân thiết với tôi hơn so với chú). Nghĩa bóng: người ta có quyền và bổn phận, trách nhiệm trước tiên phải bảo vệ người có quan hệ thân thiết hơn. [Đồng nghĩa: Ngoài làng bênh họ, trong họ bênh anh em; Đi làng bênh họ, về họ bênh anh em].

○ “ăn cây nào, rào cây ấy: Nói người có tình nghĩa luôn tỏ lòng biết ơn người làm ơn cho mình”.

Nghĩa bóng câu này cần nêu khái quát hơn: Tâm lý thông thường và ý thức trách nhiệm của người ta hay quan tâm, chăm sóc, vun vén đối với những người, hoặc những việc đem lại lợi ích cho mình.

○ “ăn vụng không biết chùi mép Chỉ kẻ làm việc xấu nhưng không thể giấu giếm”.

Đây không phải “không thể giấu giếm mà là không biết giấu giếm. Tục ngữ chế giễu, đả kích kẻ vụng trộm, bất chính, nhưng lại không đủ khả năng vụng trộm, để lại chứng cứ, dấu vết quá rõ ràng, thành ra tự mình tố cáo, bêu xấu mình, khiến người đời cười chê.

○ “cạn ao bèo đến đất Ý nói Hết lượt người khác rồi đến lượt mình?”.

Có lẽ GS Nguyễn Lân cũng không chắc cách giải thích của mình có đúng hay không, nên đã đặt dấu chấm hỏi (?) cuối câu. Và quả tình nó không ổn thật! Bởi theo nghĩa đen, sở dĩ bèo nổi được, sống được là nhờ có nước (“Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi” – Hoàng Trung Thông). Hết nước thì bèo chạm đến đất và có thể chết vì khô héo. Nghĩa bóng: đã hết thời, hết chỗ dựa dẫm thì lộ bản chất thấp kém của mình, không phải “hết lượt người khác rồi đến lượt mình”. Chẳng nhẽ bèo đợi hết nước để đến lượt mình được chạm đất rồi chết khô chăng?

○ “cậy thần phải nể cây đa (cây đa ở bên cạnh miếu thờ thần)”.

Không hẳn cây đa “ở bên cạnh miếu thờ thần”, mà có thể là thần trú ngụ trong chính cây đa [Dị bản: “Vì thần phải lạy cây đa”]. Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. (“Cây đa” chỉ loài cây có tên khoa học là Ficus elastica roxb, nhưng cũng chỉ chung các loại cổ thụ). Dân gian quan niệm, ma, thần là những linh hồn phiêu diêu vô định, nên thường lấy thân cây to để nhập hồn, làm chỗ nương tựa thay thể xác. Bởi thần nằm ở trong chính cây đa, nên cây đa cũng trở thành thiêng, hoặc cây sống lâu năm “thành tinh”, được mọi người “nể” (kính nể, tôn trọng). Trong thực tế, dân gian thường kiêng chặt phá cây đa, cho dù có miếu thờ bên cạnh hay sự tích nào liên quan đến cây đa đó không. Từ điển vô thần luận, mục “Ma quỷ trên cây (Wood-Goblin)” viết: “Trong những tín ngưỡng dân gian thời kỳ trước Thiên Chúa giáo, nhiều người mê tín rằng cây có chứa những linh hồn. Thiên Chúa ra đời và phổ biến cũng không loại bỏ được mê tìn này, vì yêu tinh hay ma quỷ trên cây gắn liền với cuộc sống trồng trọt, cày cấy và săn bắn.” Sách Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt của Học giả Pháp Leopold Cadiere đã dành hơn 50 trang để khảo cứu, ghi chép về tục “thờ cây” của người Việt. Ví dụ, mục “Cây được xem như cây có ma”, Leopold Cadiere viết như sau: “Trong mọi trường hợp được trích kể trên đây, là những cây không ai dám đốn ngã, chặt phá, cũng chẳng dám chặt cành, đó là những cây mà ta không thể được phép khiếm nhã, ngay cả những trò chơi vô tình, mà không bị thần nổi giận gây nhiều điều phiền nhiễu”.

Giải thích sơ sài, nông cạn, lơ mơ, thiếu chính xác, là đặc điểm thường thấy trong các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi không thể nêu lên hết.

○ “hết quan thì hoàn dân Ngày xưa có nhiều quan lại vì lý do gì đó không làm quan nữa thì trở về làm dân thường”.

Nếu chỉ dừng ở mức như GS Nguyễn Lân diễn xuôi như vậy, chắc hẳn câu nói này không đáng gọi là tục ngữ. “Hết quan hoàn dân là lời nhắc nhở: Cuộc đời làm quan có hạn, rồi sẽ đến lúc phải “hưu quan”, khi ấy lại trở thành thường dân, nên hãy liệu cách ứng xử sao cho phải đạo. Nghĩa bóng: Không thể nắm mãi trong tay địa vị, chức tước; Hết địa vị, quyền chức sẽ trở lại như dân thường. [Câu gần nghĩa: Quan nhất thời, dân vạn đại].

○ “chọc cứt ra mà ngửi Ý nói: Bới việc xấu ra”.

Giải thích chung chung và quá đơn giản, bỏ thiếu ý quan trọng: “mà ngửi”. Cần hiểu đúng nghĩa đen: Khi “chọc cứt” (tức điều xấu, thối tha của ai đó) thì chính mình cũng phải ngửi cái mùi thối ấy. Nghĩa bóng: Chê trách, phê phán ai đó hay bới móc chuyện xấu, việc xấu của người ta, thì trước hết tự mình dễ bị mang tiếng là bụng dạ xấu xa, hẹp hòi; khi bị người chửi rủa lại, thì chẳng khác nào chuốc lấy phiền hà cho chính bản thân. [Đồng nghĩa: Chọc vào chĩnh mắm thối].

○ “chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào Ý nói chỉ sợ chồng ghét thì khó sống với nhau, chứ mẹ chồng mà ghét thì không ngại”.

Vì sao chồng ghét thì khó sống, trong khi mẹ chồng ghét thì lại không đáng ngại? GS Nguyễn Lân chỉ mới dừng ở mức diễn xuôi câu tục ngữ, nên không thoả mãn được nhu cầu tìm hiểu của người đọc. Nghĩa đen: khi chồng giận dữ (ghét) thì nên tránh đi (ra). [Có câu Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê; hoặc Cày bặt tại mom, chồng đánh tại mồm (“mom” là cái mom cày, “bặt” nghĩa là dễ), tạm thời tránh đi để khỏi va chạm]. Còn mụ gia (mẹ chồng) có mắng (ghét) thì cũng không nên tỏ thái độ giận dỗi bỏ đi, mà nên biết chịu đựng, trở lại làm lành (vào), tiếp tục công việc nhà. Thế nên, Tục ngữ Hán có câu: “Nghiêm bà bất đả á tức phụ – 嚴婆不打啞媳婦 – Mẹ chồng không đánh nàng dâu câm”. Ý nói: Nghe mẹ chồng chửi mắng mà không cãi lại thì không bao giờ bị mẹ chồng giận. Đó là lời răn dạy cách ăn ở, ứng xử khôn khéo của người vợ đối với chồng và mẹ chồng xưa. [Dị bản: Chồng giận thì ra, mụ gia giận thì vào; Chồng dữ thì ra, mụ gia dữ thì vào].

○ “hàm chó, vó ngựa Lời khuyên không nên trêu chọc những con chó, con ngựa lạ”.

Câu này đâu chỉ dừng lại ở chuyện trêu chọc “con chó, con ngựa lạ”. (Ví như không trêu chọc, mà chỉ vô ý đi qua phía sau, con ngựa giật mình tung ra cú đá hậu thì sao?). Nghĩa đen: Ngựa hay đá hậu với cú song phi cực mạnh, nên đáng sợ nhất là cặp vó; Chó giữ nhà dùng cặp răng sắc (bẩn thỉu, rất độc) để tấn công, nên đáng sợ nhất là hàm răng của nó. Nghĩa bóng: Tuỳ từng đối tượng mà đề phòng, tránh xa những nơi hiểm ác có thể xảy ra tai hoạ khó lường. Tục ngữ Mường: Sờ bò đừng sờ đuôi, sờ ngựa đừng sờ dái – Ham bó đứng ham đuôi, ham ngứa đứng ham đàn”; Hay “Sờ súng đừng sờ cò, sờ bò đừng sờ đuôi – Ham khùng đứng ham có, ham bó đứng ham đuôi”.

Comments are closed.