Những trào lưu và sự kiện nổi bật trong thơ Mỹ thế kỷ 20

Hoàng Hưng

Thu_ cu_a Robert Creeley, Chu_ ti_ch Ho__i Ca_c Nha_ Tho_ My_ gu__i ba_n _o_c VNNếu nền văn hoá Mỹ thế kỷ 20 ngày càng phát triển theo hướng đa dạng đến nỗi vào cuối thế kỷ thì hình ảnh một “đĩa rau trộn” dường như là thích hợp nhất để hình dung nó, thì đối với thơ Mỹ ở thế kỷ này, ta cũng khó lòng nhận diện bằng cách qui vào một số đặc điểm hay tính chất. Mười lăm tác giả được giới thiệu trong sách này cũng không phải là những gương mặt “tiêu biểu nhất” theo cách hiểu thông thường để có thể qua đó có cái nhìn toàn cảnh đối với một thế kỷ thơ đầy biến động của Hợp chúng quốc. Ngược lại, đối với các bạn chưa có điều kiện tiếp xúc nhiều với thơ Mỹ, một bối cảnh mang tính tham chiếu có lẽ là cần thiết khi đọc các tác giả cụ thể trong sách này. Trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin cơ bản về những trào lưu đã lần lượt nổi lên hoặc song song tồn tại trong quá trình 100 năm qua ở Hoa Kỳ, cùng với những sự kiện có khi gắn liền có khi đứng ngoài những trào lưu ấy.

Trào lưu thơ Mỹ đầu tiên trong thế kỷ 20 có danh tính và chủ thuyết là trào lưu “Imagism” (Duy hình tượng) do Ezra Pound chủ trương vào những năm đầu thập kỷ 1910. Nó là một phần trong phong trào do Pound khởi xướng nhằm cách tân thơ Mỹ với khẩu hiệu “make it new” (làm mới thơ). Các yêu cầu của thơ “Imagism” có thể tóm tắt như sau: tiết tấu mới, hình ảnh rõ ràng giản yếu, diễn đạt cô đúc, ngôn ngữ thông dụng. Tinh thần của nó là chống lại sự chùng lỏng và đa cảm của thơ cũ (chủ yếu là thơ lãng mạn), đề cập trực tiếp đến sự vật (tuyên ngôn nổi tiếng của William Carlos Williams (W.C.W) “không có ý tưởng nào ngoài ý tưởng nằm trong sự vật” đã được minh hoạ rõ ràng bằng bài thơ Chiếc xe cút kít màu đỏ (The Red Wheelbarrow) của ông).

Trong thực tế, các nhà thơ theo chủ thuyết nói trên áp dụng nó theo những con đường rất khác biệt. Trong khi W.C.W tìm tiết tấu mới cho thơ mình trong khẩu ngữ thường ngày, “sự vật” mà ông đề cập bám sát không gian địa phương và thời gian hiện tại (như trong tác phẩm Paterson), thì Pound tìm tiết tấu từ truyền thống thơ của nhiều dân tộc khác nhau (trong đó có thơ Đường), và ông coi nhà thơ như một công dân quốc tế và người đồng thời của mọi thời đại. Tác phẩm được nhiều người coi như tiêu biểu cho chủ thuyết “Imagism” là Vườn biển (Sea Garden) xuất bản năm 1916 của Hilda Doolitle (1886-1961), nhà thơ nữ đã được Pound phát hiện và khuyến khích.

The Cantos, The Waste Land và Paterson

Chỉ một năm sau đó, Ezra Pound công bố ba bài đầu tiên của đại tác phẩm The Cantos (Thi khúc) (các bài khác được sáng tác và công bố dần dần trong vòng 50 năm trước khi toàn bộ được tập hợp in thành tập The Cantos of Ezra Pound vào năm 1969).

Đường lối ghép dán (collage) các bài thơ duy hình tượng ngắn thành tác phẩm dài hơi như với The Cantos còn được Ezra Pound thi hành rất hiệu quả trong việc biên tập tác phẩm Đất hoang (The Waste Land) của T.S.Eliot.

Thực sự Pound đã có công lớn trong việc cô đúc và giúp tác phẩm của Eliot có một hình thức hiện đại hoàn chỉnh, loại bỏ những đọan thơ còn lưu luyến âm hưởng cũ như thơ vần, trữ tình thông dụng… Đất hoang ra mắt năm 1922 với lời tác giả đề tặng Ezra Pound “il miglior fabbro” (nghệ nhân cao nghề hơn) – danh xưng ông lấy từ lời khen tụng mà thi hào Dante trong Thần khúc đã dành cho nhà thơ Arnaut Daniel của xứ Provence.

T.S. Eliot cho biết “không chỉ cái tên, mà dàn ý và rất nhiều tính chất tượng trưng ngẫu nhiên của bài thơ” bắt nguồn từ truyền thuyết về Chén Thánh (The Holy Grail), trong đó nói về đất nước của ông Vua Cá (cá là biểu tượng cổ xưa về sự sống) trở thành Đất Hoang sau khi vua bị giết; Vua Cá chỉ có thể tái sinh và đất đai chỉ phục hồi màu mỡ nhờ một hiệp sĩ trải qua rất nhiều thử thách để đến được Nhà Nguyện Hiểm Nghèo (Perilous Chapel) và học được cách trả lời những câu hỏi nghi thức về Chén Thánh. Ông cũng thừa nhận tính khó hiểu của bài thơ, “sự khó hiểu gây ra bởi vì tác giả đã bỏ qua một cái gì đó mà người đọc thường tìm kiếm; vậy nên người đọc ngỡ ngàng cứ mò mẫm quanh cái không có mặt và nát óc vì một thứ ‘ý nghĩa’ không có ở đây và không được dự định là có ở đây” .

Đất hoang đã được đọc theo nhiều cách khác nhau và đã gây ra những phản ứng dữ dội. Nhiều người coi bài thơ là sự thể hiện mãnh liệt nhất nỗi tuyệt vọng, sự tan rã, cái ác độc của thế giới sau Thế Chiến I. Một số tác phẩm quan trọng của thơ Mỹ cũng đã được coi như phản ứng của giới thơ đối với bài thơ dài 434 dòng này .

Paterson (quyển I xuất bản năm 1946) của W.C.W. phản ứng với tính “bác học”, tính thế giới và tinh thần bi quan của Đất hoang bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận đối với người đọc thông thường, tính địa phương và tinh thần lạc quan. Paterson cũng đối lập với The Cantos của Pound ở tính địa phương và ngôn ngữ hàng ngày của người Mỹ, trong khi lại có cùng một lối xây dựng tác phẩm với Pound như phong cách ghép dán, liên kết những vật liệu tản mác một cách bất ngờ.

Hart Crane (1899-1933) thì trả lời Eliot bằng tác phẩm có độ dài sử thi Cây cầu (The Bridge) xuất bản năm 1930, ngụ ý thời “đất hoang” hiện tại như một cây cầu nối quá khứ với tương lai phồn vinh của nước Mỹ.

Những thể nghiệm “hiện đại chủ nghĩa” (modernist) khác về ngôn ngữ và hình thức đầu thế kỷ

Nổi bật trong khuynh hướng ảnh hưởng tinh thần phá hoại, cười nhạo các giá trị nghệ thuật truyền thống của phong trào dada – siêu thực châu Âu, E.E.Cummings (1894-1962) sử dụng các kiểu chơi chữ và thủ thuật bài trí chữ trên trang, bẻ gãy những hình thức thơ truyền thống để diễu nhại thế giới hiện đại làm mất nhân tính. Gertrude Stein (1874-1946) là người triệt để trong quan niệm coi ngôn ngữ đối với thơ như vật liệu tạo hình đối với hội hoạ hiện đại, nó liên quan tới bản thân nó chứ không phải tới các sự vật của thế giới; bà sẽ trở thành người tiên khu cho các nhà “thơ ngôn ngữ” của Mỹ nửa sau thế kỷ. Các thể nghiệm của Marianne Moore (1887-1972) lại hướng về việc sáng chế ra những hình thức mới nghiêm ngặt, một kỷ luật về số âm tiết chính xác, những cấu trúc công phu, nhằm phục vụ sự quan sát từ xa những con vật và đồ vật được diễn tả bằng các ẩn dụ bất ngờ. Wallace Stevens sáng tạo một thứ thơ triết lý xanh tươi, ông dường như đi ngược lại quan niệm của W.C.W khi tin tưởng ở sức mạnh chi phối của tưởng tượng, ý tưởng, của tư tưởng đối với sự vật.

Những nhà thơ có khuynh hướng trọng nội dung hơn

Trong khi các nhà thơ “hiện đại chủ nghĩa” bận tâm với các thử nghiệm và cách tân thơ, thì có những nhà thơ khai thác môi trường sống của họ làm chất liệu cho tác phẩm. Robert Frost (1874-1963) được coi là nhà thơ đồng quê lớn nhất của Mỹ, thậm chí nhiều người còn coi ông là nhà thơ Mỹ lớn nhất của thế kỷ 20. Carl Sandburg (1978-1967) viết những bài thơ sôi sục theo truyền thống Whitman, ngợi ca sức mạnh của giai cấp công nhân, là nhà thơ “hiện đại” được tán thưởng rộng rãi nhất. Các nhà thơ Da Đen nổi lên trong thập kỷ 1920, được mệnh danh là Cuộc Phục hưng Harlem (the Harlem Renaissance) kế thừa thi pháp thế kỷ 19 để biểu đạt ý thức và văn hoá chủng tộc. Người có tài năng nổi bật và sức hấp dẫn lâu bền nhất trong nhóm là Langston Hughes (1902-1967)

Phong trào “Phê bình mới” (The New Criticism)

Bao gồm các nhà thơ phần lớn cũng là nhà phê bình và giáo sư đại học mà phong cách và quan niệm sáng tác, phê bình hình thành từ những thập kỷ 1920, 1930, phong trào được gọi tên theo cuốn sách xuất bản năm 1941 của John Crowe Ransom. “Phê bình mới” chủ trương đọc tác phẩm độc lập với bối cảnh lịch sử hay ngôn ngữ, đọc với sự chú tâm tích cực đặc biệt đến cái mà bài thơ nói chứ không bóp méo nó bằng sự ưa thích hay phỏng đoán chủ quan. Ở mức cực đoan, “Phê bình mới” coi yếu tính của thơ không phải là chuyển tải ý tưởng hay tình cảm mà là sáng tạo những cấu trúc ngôn ngữ phức tạp nhằm biểu thị mật độ của trải nghiệm tâm lý- cơ thể (psychophysical experience). “Phê bình mới” có ảnh hưởng rộng rãi trong việc dạy thơ ở các trường đại học Mỹ trong mấy thập kỷ, kéo dài đến tận thập kỷ 1960.

Sau Thế chiến II, thơ Mỹ càng đa dạng hơn. Nhiều người muốn gọi đó là giai đọan “Hậu hiện đại”, song nếu như thơ Mỹ nửa đầu thế kỷ XX đã không hòan tòan đồng nhất với “chủ nghĩa hiện đại” (modernism) thì ở nửa sau thế kỷ, “chủ nghĩa hậu hiện đại” (post-modernism) cũng không bao trùm tòan bộ nền thơ của nước này. Tuy nhiên có thể nói một “tinh thần hậu hiện đại” luôn là chất men kích thích sự sáng tạo của các nhà thơ giai đọan này; theo nhà thơ Paul Hoover, chủ biên cuốn sách uy tín “Thơ hậu hiện đại Mỹ”, thì khái niệm “Hậu hiện đại” “… gợi ý một cách tiếp cận mang tính thử nghiệm đối với sáng tác, cũng như một thế giới quan tự đặt mình tách khỏi văn hoá chủ lưu và chủ nghĩa tự chiêm ngưỡng (the narcissism), tính đa cảm (sentimentality), tính chất tự biểu hiện đời sống cá nhân trong sáng tác. Thơ hậu hiện đại là thơ tiên phong của thời đại chúng ta… từ “hậu hiện đại” là thuật ngữ bao quát nhất sự đa dạng của thực tiễn thử nghiệm kể từ Thế chiến II, đi từ thi pháp đọc miệng (oral) của nhóm Beat và các thứ thơ trình diễn (performance poetries) đến tác phẩm mang tính “của người viết” (writerly) nhiều hơn của Trường New York và thơ ngôn ngữ (language poetry)”.

Các nhà thơ “tự thú” (Confessional) và thơ nữ quyền

Nhiều nhà thơ thế hệ “giữa” (nổi lên trong hai thập kỷ 1950, 1960) sử dụng các kỹ thuật hiện đại (mỉa mai, ghép dán, sức mạnh âm nhạc của ‘chữ’) để khai thác tâm lý và cuộc đời của chính mình. Robert Lowell, Randall Jarrell, John Berryman, Karl Shapiro… sớm thành danh trong khuynh hướng này.

Các nhà thơ tự thú cũng trở thành thế hệ đầu tiên dạy làm thơ ở Mỹ. Từ những “trại sáng tác” mà họ lập nên, dạy làm thơ đã trở thành một bộ môn trong rất nhiều trường đại học và cao đẳng Mỹ.

Trong khuynh hướng “tự thú” này, có đông đảo các nhà thơ nữ. Anne Sexton, Sylvia Plath là hai gương mặt ảnh hưởng mạnh đến phong trào thơ nữ quyền, thứ thơ tra vấn về các vai trò truyền thống mà xã hội áp đặt cho phụ nữ. Muriel Rukeyser là nhà thơ nữ quyền dấn thân vào các vấn đề chính trị như lao động và giai cấp. Trong khi đó, nhà thơ nữ Elizabeth Bishop lại chịu ảnh hưởng của Marianne Moore trong khuynh hướng quan sát sâu các sự vật với cái nhìn tâm lý học. Cả hai người, Rukeyser và Bishop đều là nguồn cho nhà thơ nữ Adrienne Rich mà không ít người coi là nằm trong số những nhà thơ quan trọng nhất của Mỹ nửa sau thế kỷ 20. Thơ bà đặt ra vấn đề: làm một phụ nữ Mỹ có nghĩa là gì? và mang tính phê phán sắc nhọn về xã hội.

Đến cuối thế kỷ XX, số lượng nhà thơ nữ trên thi đàn càng phát triển chưa từng thấy.

Phong trào “Beat”

Sau Thế chiến II, có sự biến chuyển lớn trong thế hệ thơ trẻ, thể hiện trong khuynh hướng thơ “thô” (rude),“sống sít” (raw), bộc phát. Có công chúng lớn nhất là phong trào Beat những năm 1950 (từ “Beat” được giảng theo nhiều nghĩa: sự vắt mình đến kiệt lực, trạng thái toàn phúc, ngẫu hứng nhạc jazz). Các nhà thơ “Beat” khởi đầu từ “Cuộc Phục hưng San Francisco” (the San Francisco Renaissance), tập trung ở vùng Vịnh (các thành phố xung quanh vịnh San Francisco). Allen Ginsberg, Jack Kerouac, Gregory Corso, Gary Snider, Lawrence Ferlinghetti là những tên tuổi quan trọng nhất. Bài thơ dài “Howl” (Hú) (1955), một ngẫu hứng ngôn từ với cảm thức jazz về sự khủng hoảng của thế hệ trẻ trong xã hội công nghiệp, đã bị ra toà và được xử trắng án, trở thành sự kiện văn hoá. Lối thơ mang tính công chúng, trực tiếp, trình diễn, xuất thần của nhóm Beat có ảnh hưởng lâu dài, tới cả khuynh hướng “thơ trình diễn” cuối thế kỷ. Hơn thế, “Beat” còn là đầu tầu của phong trào “phản-văn hoá”- thực chất là phản ứng đối với lối sống duy vật chất Mỹ, dựa trên cơ sở ngẫu hứng được kích thích bằng nhạc jazz, ma túy, hay con đường siêu việt của Phật giáo Tây Tạng…

Black Mountain College và Projective Verse (Thơ Dự phóng)

Trong bài tiểu luận “Thơ dự phóng” (1950), Charles Olsen ở trường Black Mountain College (North Carolina) kêu gọi một thứ thơ “mở”, trong đó “Field Composition” (sáng tác điền dã) thay thế cho hình thức “đóng” trong quá khứ. Điều đó có nghĩa là ứng tác từng câu, từng âm tiết, hơn là sử dụng “một câu thơ được thừa kế”. Đặc biệt quan tâm đến dòng thơ như một đơn vị của hơi thở. “Hình thức không bao giờ hơn là sự khuyếch trương của nội dung”, câu nói của Robert Creeley cũng là một châm ngôn quen thuộc của trường phái này. Black Mountain College thời đó là nơi hội ngộ những gương mặt lớn của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong thơ là Charles Olsen, John Cage, Robert Creeley, Ed Horn, Robert Duncan…

Trường New York (The New York School)

Quy tụ một số nhà thơ ở Manhattan, trung tâm thành phố New York cuối thập kỷ 1950 đầu thập kỷ 1960. Những gương mặt nổi bật là John Ashbery, Frank’Ohara, Kenneth Koch, James Schuyler… ảnh hưởng mạnh mẽ các tác phẩm thử nghiệm của Pháp, các nhà thơ Trường New York coi thơ là tác phẩm nghệ thuật hơn là phương tiện biểu đạt, hình thức trở thành nội dung chủ yếu của tác phẩm. Thích sự hóm hỉnh, lối giễu nhại (parody), chất thành thị, văn hoá pop. John Ashbery đóng vai trò lãnh đạo trong nền thơ Mỹ từ khi ra mắt cuốn Tự hoạ trong một tấm gương lồi (Self-Portrait in a Convex Mirror) (1975) thể hiện tinh thần bất định của thời đại.

Thế hệ thứ hai của Trường New York cuối thập kỷ 1960: Ted Berrigan, Ron Padgett, Anne Waldman, Tom Clark… đem lại một sắc thái “giang hồ” hơn cho Trường này. Ted Berrigan áp dụng phương pháp cắt cúp của trường phái Dada vào hình thức sonnet và cùng với Ron Padgett khởi ra lối “viết tập thể”

Những con đường khác trong hai thập kỷ 1950, 1960

Thơ Mỹ trong hai thập kỷ 1950, 1960 thể hiện rõ tính cách thử nghiệm và dấn thân xã hội, nhập cuộc thời sự như đấu tranh cho Nhân quyền, chống chiến tranh Việt Nam. Ngoài những trường phái và phong trào nổi bật như đã nói ở trên, còn có những con đường khác: Sự nổ bùng của tính đa văn hoá, trong đó Nghệ thuật Da Đen có sự tự định nghĩa lại và mang phong cách đương đầu mạnh mẽ hơn. LeRoi Jones (Imamu Amiri Baraka) có ngôn ngữ đường phố của cộng đồng Da Đen và tiết tấu của âm nhạc truyền thống châu Phi (jazz, blues, rock). Khuynh hướng “hình tượng sâu” (Deep Image) khai thác nguồn tâm linh, vô thức, tạo nên những hình ảnh bí ẩn, ám ảnh (ảnh hưởng từ thơ siêu thực Tây Ban Nha, đặc biệt là Federico Garcia Lorca) như Rothenberg, Robert Bly, Mark Strand… Khuynh hướng thơ ngẫu nhiên (aleatory, chance procedures) ảnh hưởng tinh thần Thiền tông và Dada (John Cage, Jackson Mac Low…)

Thơ ngôn ngữ (Language Poetry) và Thơ trình diễn (Performance Poetry)

Hai lối thơ có thể nói là có vị thế tương đối ngoài lề trước thập kỷ 1990, đã dần trở thành những lối thơ “hậu hiện đại” áp đảo vào những năm cuối thế kỷ.

Thơ ngôn ngữ (Jackson Mac Low, Clark Coolidge, Michael Palmer…) phát triển các quan niệm của Gertrude Stein, một số khía cạnh của thi pháp Black Mountain. Nhìn bài thơ như một cấu trúc trí tuệ và âm thanh hơn là diễn đạt tâm hồn con người, không phải “nói về” cái gì mà là thực tại của các từ ngữ. Charles Bernstein kêu gọi người đọc tích cực tham dự vào tiến trình tạo thành ý nghĩa của văn bản.

Với loại hình “bài thơ nói” (talk poem) của David Antin, những bài hát thổ dân do Rothenberg trình diễn, những màn hợp xướng điện tử của John Giorno, cùng với tầm quan trọng ngày càng tăng của trình diễn trong mỹ thuật khái niệm (conceptual art)… thơ trình diễn đi vào thời kỳ mới. Văn bản thơ được khuyếch trương thông qua sân khấu và nghi thức. Nuyorican Poet’s Cafe (New York) là một trong những trung tâm thơ trình diễn quan trọng.

Sự hoà trộn đa văn hoá

Những thập kỷ cuối thế kỷ XX, thơ Mỹ càng được tiếp năng lượng từ nhiều nguồn văn hoá khác biệt. Các nhà thơ gốc châu Á khai thác một mặt là sự hoà nhập vào văn hoá Mỹ mặt khác là ý thức về bản sắc dân tộc của mình trong nền văn hoá ấy (Garrett Hongo, Alan Chong Lau, Cathy Song…Những năm gần đây một vài cái tên Việt Nam cũng bắt đầu được chú ý như Linh Đinh, Mộng Lan…). Thơ Chicano & Chicana (thơ của những nhà thơ gốc Mexico) tập trung ở bang New Mexico. Các nhà thơ gốc thổ dân khai thác những truyền thống và văn hoá truyền miệng của sắc tộc mình.

Không thể kể hết những khuynh hướng thơ nở rộ ở Mỹ vào cuối thế kỷ XX với những tên tuổi mới sáng giá như Philip Levin, Louise Gluck, Jorie Graham, Robert Pinsky… Trong khi cách tân, thử nghiệm vẫn còn hấp dẫn phần lớn các nhà thơ Mỹ hiện nay, cũng có những người như Dana Gioia đề xướng việc quay về với các thể thơ truyền thống, vần và vận luật, dưới hình thức được gọi là “New Formalism” (Tân Thể thức), với tham vọng làm cho thơ có thể chinh phục quần chúng trở lại. Tuy một số nhà phê bình bi quan cho rằng dường như sự sáng tạo đã đi hết đường, số người lạc quan lại tin rằng thơ Mỹ đang ở thời kỳ sung sức nhất.

Nguồn: 15 nhà thơ Mỹ TK XX (NXB HNV, Hà Nội 2007)

Comments are closed.