Văn học Miền Nam 54-75 (499): Chu Tử (kỳ 13)

Sống

Phần II

Chương 3

Cuộc họp gồm năm người: Văn, Hổ, Thịnh, Tuyết, Vinh. Địa điểm họp là gian gác của Vinh và cuộc họp diễn bên bộ bàn đèn thuốc phiện của Vinh. Tuy nhiên, cuộc họp không vì thế mà mất tính cách quan trọng.
Ở khám Chí Hòa ra, Văn có vẻ mập, trắng trẻo và yêu đời hơn. Nhất là từ lúc chàng được biết mình sở dĩ được trả tự do là do Tuyết mưu mô bày ra trò đánh cờ với Công, thách đố, đánh cuộc với Công, khiến Công thua, phải vận động cho bọn Văn được trả tự do, thì Văn cười ngất, cười cho sự mỉa mai, xỏ lá của cuộc đời: thì ra, vợ chàng đã nhờ cậy nhiều người quyền thế, đã tốn bao nhiêu tâm cơ, vận động cho chàng được tự do mà không ăn thua gì, rốt cuộc phải nhờ đến cái tiểu xảo của một con bé học trò, đánh cờ thắng một ông Bộ trưởng, mới nhìn thấy anh sáng của tự do.

Thịnh thì bất mãn hoàn toàn. Trước kia, chàng chỉ quan niệm chủ nghĩa Cộng sản như một lối thoát khỏi hoàn cảnh tối tăm, thiếu thốn của mình, thì sau thời gian bị giam giữ, Thịnh đã trở thành một kẻ cuồng tín, nhìn cái xã hội theo cái chủ quan lệch lạc của một thanh niên bị đời ruồng bỏ… Thịnh chưa tái ngộ Huyền, nhưng chàng nghe phong phanh là Huyền đã yêu Hải, và thờ ơ đối với Thịnh trong thời gian Thịnh bị giam giữ.
Hổ thì cay cú hơn bao giờ hết! Chàng ở khám ra thì vợ chàng đã chết, chôn được một tuần lễ. Cũng may mà vợ chàng chết trong khi Hổ bị giam giữ nên bà con, bạn bè đã xúm lại, lo liệu cho vợ Hổ được mồ yên mả đẹp, chứ nếu Hổ ở nhà thì chưa chắc Hổ đã mua nổi một miếng đất để chôn vợ.
… Ở khám ra, Hổ đi thẳng đến nhà Vinh, hút một bữa thuốc phiện thật no nê, trả thù những ngày giam hãm vừa qua. Hút no rồi, tấm lòng trung hậu của người cha, người chồng trở lại với chàng, khiến Hổ cảm thấy cực kỳ thương xót vợ và con. Hổ bèn nhờ Vinh đưa tới nơi chôn vợ chàng và trước mộ người vợ xấu số, chàng mếu máo khóc lóc thảm thiết như một người chồng “gương mẫu” sắp tự vẫn để theo vợ về chín suối, khiến anh chàng độc thân Vinh, đứng nghe Hổ khóc cũng mủi lòng, ước ao lấy vợ để được nếm trải thế nào là chàng sẽ lo nuôi dạy con, và trả cái hậu vì ai, mà vợ chàng trước khi nhắm mắt, không được thấy mặt chàng một lần cuối cùng.
Hổ hăng say hoạt động như cách đây mười năm, chàng lao đầu vào cách mạng là vì lúc này chàng luôn luôn no thuốc. Ở khám ra, chàng đã được Tuyết biếu chàng mười ngàn đồng. Hổ ngượng chưa dám cầm thì Tuyết đã cười, nói vời chàng:
– Không phải tiền của tôi đâu! Tiền tôi đánh “phé”, “thịt” được của các ông “lớn” đấy! Vậy anh cứ tiêu phóng tay đi cho.
Nghe nói là tiền “thịt” được của bọn “ăn cướp ngày”, Hổ thích thú đút tay ngay vào túi, không kịp cám ơn Tuyết.
… Thấy mọi người đã tể tựu đông đủ, Hổ trịnh trọng đứng lên tuyên bố khai mạc cuộc họp. Nhưng Vinh, ngóc đầu lên khỏi gối, hỏi:
– Nhưng sao lại thiếu Lượng và Huyền?
Nghe Vinh hỏi, Tuyết hiểu Vinh không biết gì về chuyện Tuyết đã bỏ Lượng, nên Tuyết vội trả lời:
– Ông Lượng thì tôi đại diện cũng đủ rồi. Duy có Huyền, thì anh Hổ và tôi đã thỏa thuận với nhau là không mời Huyền dự….
– Tại sao?
Tuyết không lưỡng lự, trả lời:
– Lý do là hình như lúc này Huyền yêu Hải, em của Kha. Vì vậy cuộc họp ngày hôm nay không nên có mặt của Huyền.
Nghe Tuyết nói Huyền yêu Hải, và tuy đã biết trước điều đó, Thịnh vẫn thấy đau buốt trong cùng thẳm của tâm hồn, vì tuy Thịnh đã được huấn luyện thêm trong nhà tù, chủ nghĩa mác-xít vẫn chưa át được tiếng ai oán hờn ghen của trái tim bị tổn thương. Gương mặt Thịnh vẫn lạnh lùng, nhưng bàn tay Thịnh bất giác nắm lại.
Vốn đã kinh nghiệm thế nào là tình yêu tuyệt vọng, và sự rày vò của hờn ghen, Văn nhìn ánh mắt sắc, lạnh của Thịnh, tự nhiên thấy lo cho Huyền.
Văn nhìn Thịnh, nói như phân vua hộ Huyền:
– Tưởng tượng cả! Làm gì có chuyện yêu đương giữa Hải và Huyền. Chẳng qua, con Huyền là gái đã lớn, thì tất nhiên có đứa nọ, đứa kia để ý. Nó quen Hải cũng như nó quen chú Thịnh đây, chứ làm gì đã có chuyện say mê nhau. Nếu hai đứa yêu nhau, tôi đã biết…
Nghe Văn nói, Thịnh vội bám ngay cái hy vọng mong manh mà Văn vừa cố ý tạo ra cho Thịnh, nhưng Tuyết đã dìm sâu Thịnh xuống vực thẳm, ỡm ờ trả lời Văn:
– Thầy biết? Tuyết xin lỗi thầy… Thực ra thì đến chính thầy, thầy yêu ai thầy cũng chả biết, huống hồ là người khác. Còn Tuyết thì Tuyết hiểu lắm, biết như hai với hai là bốn rằng Huyền và Hải yêu nhau…
Văn giật mình nhìn Tuyết, chàng đành chỉ cười nhạt, chống chế:
– Chính Huyền nói với thầy là nó gửi thư cho Hải để đoạn tuyệt với Hải, như thế thì làm gì có chuyện yêu nhau!
Tuyết bĩu môi:
– Thầy còn lạ gì! Chính vì Huyền yêu Hải nên mới gửi thư tuyên bố “đoạn tuyệt” để mà say mê nhau hơn nữa. Sự thực, con còn biết hơn thầy cơ. Con biết là hai người đã ôm nhau, hòa nước mắt cùng khóc…
Văn tưởng Tuyết không biết Thịnh yêu Huyền nên vô tình thốt ra những lời tàn ác khiến Thịnh đau khổ. Và không ngờ rằng chính Tuyết đã cố tình bịa đặt thêm câu chuyện Hải và Huyền say mê nhau, “hòa nước mắt cùng khóc” cốt để gây căm hờn trong lòng Thịnh, biến Thịnh thành một đồng minh trung kiên với mình trong việc trả hận hai anh em, Kha, Hải…
… Nghe Tuyết cương quyết phản đối sự có mặt của Huyền, tự nhiên Văn nhìn vào bụng Tuyết, và không hiểu Văn bị óc tưởng tượng của mình đánh lừa hay là sự thực như vậy, chàng thấy ngực Tuyết nở hơn, bụng to hơn, và Tuyết đầy vẻ khêu gợi, của một người đàn bà mới hoài thai! Tự nhiên Văn quên mất nỗi đau khổ của Thịnh để chua xót, nghĩ rằng nếu cái bào thai Tuyết mang trong bụng là máu mủ của Kha thì cuộc đời cũng chó má biết bao! Và giá Thịnh có nổi xung giết ai thì cũng nên để Thịnh giết, cho đỡ ngao ngán…
Thấy mọi người cãi vã không đi tới đâu, Hổ nổi nóng:
– Thôi không bàn cãi lôi thôi nữa. Nếu mọi người còn bất đồng ý kiến về việc mời Huyền thì xin lấy biểu quyết.
Hổ vẫn chưa gột được cái bệnh “lấy biểu quyết” của anh cán bộ Việt Minh, nên chàng hỏi luôn:
– Những ai không muốn cho Huyền tới?
Ba người Hổ, Tuyết, Thịnh đều giơ tay. Thế là đa số.
Rồi cuộc bàn cãi bắt đầu. Hai người đều đưa ra mỗi người một kế hoạch “trị tội” Kha và người nào cũng tình nguyện xung phong trả thù, trong khi Vinh hút liên miên, còn Văn thì im lìm. Sợ cuộc cãi vã kéo dài, không đi tới đâu, Văn lên tiếng:
– Kể ra thì Hổ cũng nhiễu sự, nên mới bày ra cuộc họp này. Quan trọng hóa vấn đề như vậy tức là quan trọng hóa thằng Kha và vô hình chung đề cao nó. Riêng tôi, tôi có ý kiến: Tại sao ta không bắt chước Tuyết? Tuyết đã đánh cờ với Công, đã thắng cuộc Công, và do đó chúng mình được trả tự do, được trả tự do vì ván cờ may rủi… Tại sao chúng ta không theo gương Tuyết, phó mặc sự may rủi quyết định, bằng cách “oằn tù tì” xem ai có sứ mệnh trả thù. Trong chúng ta, ai “oẳn tù tì” thắng cả bốn người thì người đó có toàn quyền ấn định kế hoạch trả thù Kha; nếu người đó thất bại thì người nào được vào chung kết trong ván bài “oẳn tù tì” sẽ lãnh sứ mệnh trả thù… Nếu người thứ hai thất bại, thì người thứ ba tiếp tục…
Ý kiến của Văn được Tuyết và Vinh hoan nghênh. Hổ thì cho là Văn đùa cợt, phá quấy, nhưng chàng và Thịnh thuộc thiểu số, đành phải theo quyết nghị chung.
Vòng loại, Vinh được miễn vì có hai cặp “oẳn tù tì” là Văn “oẳn tù tì” với Tuyết thì Tuyết thắng. Đến vòng nhì, Tuyết thắng luôn cả Thịnh và Vinh, chiếm giải quán quân. Thịnh đứng thứ nhì. Vinh thứ ba. Hổ thứ tư và Văn thứ bét.
Thắng cả bốn người, Tuyết rặng rỡ nét mặt. Văn thấy mình và Hổ đứng hạng bét và áp bét thì phì cười. Hổ thấy mình đứng thứ tư thì muốn phá bĩnh, nên chàng nói bô bô:
– Không được! Chẳng qua là ông Văn muốn phá quấy, chứ “oẳn tù tì” để bây giờ cô Tuyết đảm nhiệm công việc thì thật không tiện tí nào. Rồi ông Vinh lại đứng thứ ba, trên cả tôi, thử hỏi đến lượt ông Vinh, ông chỉ nằm hút cả ngày, ông còn trả thù bằng cách nào? Vậy “phế” bỏ quyết định này đi!
Nghe Hổ chỉ trích mình, Vinh vội ngồi nhổm dậy, cãi hùng hồn:
– Ô kìa! Cái thằng Hổ này hỏng quá! Dễ thường ông tưởng chỉ có mình ông là đủ sức can đảm để “thanh toán” Kha chăng? Ông có khí giới của ông, chúng tôi cũng có khí giới của chúng tôi chứ! Ông có sức khoẻ, có đức liều lĩnh của ông, nhưng cô Tuyết cũng có khí giới của cô ây, là trí thông minh và sắc đẹp của cô ấy. Cũng như tôi, tôi có khí giới của tôi là thuốc phiện; tôi sẽ đầu độc nó, làm tê liệt nó, bằng khói thuốc phiện và bằng trăm nghìn mưu cơ khác; hiệu nghiệm gấp bội cái “hữu dũng vô mưu” của ông! Ông biết không?
Văn gật gù, biểu đồng tình:
– Đúng lắm! Và cũng không có gì là “phiếm” cả. Cái chuyện Tuyết đánh cờ với Công chả “phiếm” là gì! Thế mà nhờ chuyện đó mà bọn mình được trả tự do. Vậy thì cái chuyện “oẳn tù tì” không có gì là tếu. Chỉ yêu cầu Tuyết một điều là bất cứ lúc nào Tuyết cần đến các anh em, các anh em đều hứa sẽ hết sức giúp Tuyết vì nếu Tuyết có thể tiết lộ kế hoạch cho anh em biết, để góp ý kiến thì lại càng hay.
Tuyết nghiêm chỉnh trả lời:
– Cám ơn thầy! Lúc nào Tuyết cần đến sự giúp đỡ của thầy và các anh em, Tuyết xin thưa. Nhưng bây giờ thì xin miễn cho Tuyết khỏi phải tiết lộ kế hoạch. Tuyết xin hứa là sẽ gắng làm trọn nhiệm vụ.
Văn nhìn Tuyết, hỏi:
– Nhưng liệu Tuyết có đổ máu không?
Tuyết bí mật trả lời:
– Biết thế nào mà nói trước!
… Từ khi cuộc họp bắt đầu, Thịnh vẫn lầm lì, ít phát biểu ý kiến, lúc này mới lên tiếng hỏi:
– Nhưng chị Tuyết phải hẹn cho một thời hạn nào thì đến lượt tôi có quyền hành động chứ?
– Nhiều nhất là một tháng; nếu hết một tháng, tôi không làm nên trò trống gì, thì anh cứ bắt tay vào việc…
Vẫn nét mặt lầm lì, Thịnh đứng lên:
– Dạ như thế là đủ. Vậy tôi xin phép về trước vì có việc bận.
Nhìn đôi mắt lạnh, dữ dội của Thịnh, Văn đoán là Thịnh rút lui để tìm đến nhà Huyền, nên Văn hỏi:
– Từ hôm về, chú Thịnh đã gặp Huyền chưa?
– Thưa thầy, chưa!
– Huyền nó có hỏi thăm tôi về chú. Bây giờ chú có lại thăm Huyền thì tôi nhắn một lời.
– Dạ không.
Thực ra, Thịnh nói dối. Thịnh cáo từ sớm là để đến nhà Huyền.
Từ hôm được trả tự do, Thịnh tránh chưa gặp Huyền vì Thịnh muốn tìm hiểu đích xác xem Huyền có yêu Hải thực không, nhưng sau khi nghe Tuyết tả cái cảnh hai người ôm nhau, hòa nước mắt cùng khóc, thì Thịnh thấy không thể chịu đựng thêm được nữa. Thịnh ngồi dự họp mà tâm hồn như bị lửa đốt; trí tưởng tượng hỗn loạn của kẻ si tình tuyệ vọng, thêu dệt thêm trong đầu óc Thịnh những cảnh yêu đương, nũng nịu giữa hai người và hai người đó là Hải và Huyền, chứ không phải Thịnh và Huyền…
Ra khỏi nhà Vinh, Thịnh nhẩy vội lên taxi: chưa bao giờ chàng thấy cái taxi chạy chậm, và những khoảng dừng ở các ngã tư đèn đỏ, lại dài bất tận như lúc đó. Tâm trí Thịnh bấn loạn và Thịnh cũng không hiểu lòng mình nghĩ gì, muốn gì và gặp Huyền, chàng sẽ có thái độ nào, xử trí cách nào!
Thịnh chỉ thấy cần phải gặp ngay Huyền, nhìn lại cái mặt của kẻ “bạc tình” đã hôn, đã khóc với một đứa con trai không phải là Thịnh, xem cái bộ mặt đó đáng ghét đến bực nào!
Xe đậu, Thịnh đi thẳng vào lối ngõ nhà Huyền. Chàng cúi đầu nhìn xuống đường, đi những bước vững và nhanh, không ngập ngừng, do dự như trước kia mỗi lần đến nhà Huyền.
Chàng lừ lừ, đẩy cửa bước vào nhà Huyền giữa lúc Huyền đang ngồi đọc báo…
Vừa thấy Thịnh, Huyền reo:
– Kìa anh Thịnh. Sao anh về đã lâu mà bây giờ mới lại?
Thịnh tấn công liền:
– Cô đợi tôi lại thăm à?
Trong lúc hoan hỉ được gặp Thịnh, Huyền không để ý đến sắc mặt của Thịnh, nên Huyền vui vẻ nhìn Thịnh:
– Ồ! Trông anh lúc này khoẻ ra, trắng ra!
Sự vui mừng hồn nhiên của Huyền làm Thịnh tức bực.
Bởi vì Thịnh không lầm về cái vui mừng bẽn lẽn, kín đáo, mênh mang của kẻ được tái ngộ người yêu, mà là cái vui mừng hồn nhiên, thẳng thắn, hiền lành của một người bạn, hay hơn nữa, của một người chị, khiến Thịnh thấy Huyền vui mừng mà càng cảm thấy chua chát.
Thịnh chăm chú, soi mói nhìn thẳng vào gương mặt Huyền, như khiêu khích: Huyền mặc một cái áo cánh để hở tay, hở cổ, vá cách ăn mặc của Huyên cũng không có gì là khác mọi ngày, nhưng nhìn vào cánh tay để trần của Huyền, nhìn vào cái cổ trắng nõn của Huyền, tự nhiên Thịnh tưởng tượng cánh tay đó đang dang ra để bá vai, bá cổ một thanh niên không phải là Thịnh, và chàng mỉa mai trả lời Huyền:
– Có nhẽ tôi khoẻ ra thật! Nhưng đâu có bằng Huyền, đẹp hơn trước, quyến rũ hơn trước, đầy đủ hạnh phúc hơn trước! Tôi vẫn tưởng Huyền không còn nhận ra tôi nữa, vì Huyền bây giờ đâu có phải Huyền trước kia!
Nghe luận điệu hờn mát của Thịnh, Huyền hiểu Thịnh định ám chỉ cái gì, nên Huyền nhìn Thịnh, nói bằng một giọng mà Huyền cố làm ra âu yếm:
– Anh đừng nghĩ như vậy. Huyền bao giờ cũng quí mến anh. Và lúc nào cũng như lúc nào, anh vẫn là người bạn thân của Huyền…
Tự nhiên Thịnh nổi dóa, sừng sộ:
– Thôi tôi xin Huyền, Huyền đừng giở cái giọng đó ra, đừng giở cái giọng đạo đức giả đó ra… Tôi biết. Tôi biết Huyền lắm!
Huyền ngơ ngác nhìn Thịnh:
– Ô kìa! Tôi làm gì mà anh biết? Anh biết cái gì mới được chứ?
Cơn giận của Thịnh bùng nổ đột ngột:
– Tôi biết! Tôi biết lắm chứ! Tôi biết ai phản bội lắm chứ!
Nghe Thịnh mạt sát mình một cách vô lý, Huyền bắt đầu thấy nóng mặt, cau mày hỏi lại Thịnh:
– Anh bảo ai phản bội? Dễ thường anh cho là tôi phản bội anh chăng?
Thịnh chua chát:
– Đó là Huyền tự nghĩ như vậy!
Đến lượt Huyền mất bình tĩnh:
– Việc gì mà tôi lại tự nghĩ! Chính anh kết tội tôi mà! Vậy tôi hỏi anh, tôi đã hứa hẹn, đã ràng buộc gì với anh chưa, mà anh kêu tôi là phản bội? Anh có quyền gì?
Thịnh vẫn mỉa mai:
– Huyền chả cần phải nhắc, tôi cũng thừa hiểu là tôi không có quyền gì…
Huyền càng bực bội:
– Anh đã biết vậy, sao anh còn gay gắt, mỉa mai tôi? Anh có quyến gì cấm đoán tôi thương ai, yêu ai?
Thịnh cười gằn:
– Dĩ nhiên là tôi không có quyền. Huyền yêu ai thì mặc Huyền, nhưng Huyền cũng chả nên để họ khinh.
Huyền thấy khí uất trào lên cổ. Giọng nói của nàng lạc hẳn đi:
– Ai khinh tôi?
Thịnh cố moi trong đầu óc, những câu thật tàn nhẫn để mạt sát Huyền cho hả giận hờn:
– Ai khinh? Bọn Kha, Hải chứ còn ai! Chúng sẽ khinh cô là tham tiền, là bán rẻ trái tim mình vì tiền bạc, là đầu hàng…
Huyền thở ra từng hồi mà vẫn thấy nghẹt nơi cổ họng. Qua làn áo cánh, Thịnh thấy rõ nhịp đập của trái tim Huyền. Huyền lắc đầu, cười như mếu:
– Anh tầm thường quá! Anh đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ. Có nhẽ tôi yêu Hải thực, nhưng chưa chắc đã vì tiền, mà nếu có vì tiền… thì đã làm sao?
Thịnh hoa mắt, thấy tất cả vũ trụ đổ sụp trước mắt mình. Giả lúc đó có bom khinh khí nổ, Thịnh cũng không nghe thấy vì Thịnh chỉ còn nghe thấy câu nói của Huyền: “Tôi yêu Hải thực”, “Tôi yêu Hải thực”. Câu nói đó thốt ra từ miệng Huyền để ném vào mặt Thịnh, thì Thịnh phải bịt cái miệng Huyền lại, bóp cái cổ Huyền lại, để tiếng nói “Tôi yêu Hải thực” sẽ không còn bao giờ được thốt ra nữa. Ý nghĩ này lóe ra trong đầu óc Thịnh như một tia chớp. Thịnh bước lên một bước, giang hai bàn tay như hai giọng kìm, chụp lấy cái cổ tròn trĩnh, nõn nà của Huyền, vừa bóp, vừa cười gằn, thốt ra cái điệp khúc rùng rợn:
– Này “tôi yêu Hải thực”, này “tôi yêu Hải thực”.
Hành vi đột ngột của Thịnh làm cho Huyền không kịp phản ứng. Huyền bíu vào cánh tay Thịnh, gỡ tay Thịnh ra nhưng tay Thịnh cứng rắn như hai thanh sắt. Mỗi lần Thịnh nhai lại câu nói “Tôi yêu Hải thực” thì cái vòng đai lại siết chặt thêm cổ Huyền.
Huyền ú ớ, ngạt thở, mắt bắt đầu trợn trừng vì Thịnh bóp cổ nàng mỗi lúc thêm chặt chẽ, nhưng nàng vẫn còn đủ tỉnh táo để nghĩ rằng không thể nào Thịnh có thể tàn bạo đến độ định bóp cổ nàng cho nàng chết… Vả lại, Huyền biết em nàng đang ngủ trong buồng, nàng chỉ cần đạp vào cái ghế, gây bất cứ tiếng động nào thì em nàng sẽ tỉnh giấc, ra cứu nàng, Nhưng Huyền không muốn làm ầm lên không muốn để em nàng, hoặc người ngoài biết, nên nàng chỉ lặng lẽ giằng tay Thịnh, gắng thoát ra khỏi gọng kìm hai bàn tay Thịnh…
Giữa lúc đó, Hải mở cửa, bước vào như một sự an bài của Định Mệnh, muốn cho hai kẻ tình địch phải gặp nhau…
Vừa thấy Hải, và tuy chưa gặp Hải lần nào, Thịnh chỉ thoáng nhìn vào mắt Hải, đã biết ngay là ai, cũng như Hải hiểu ngay người đang bóp cổ Huyền chỉ có thể là Thịnh. Trong khoảnh khắc, tia mắt hai kẻ tình địch đụng nhau như hai lưỡi kiếm và Thịnh bỏ tay, không bóp cổ Huyền nữa, quay quắt lại phía Hải, không nói không rằng, chàng xông lại phía Hải, tiện tay móc vào cằm Hải…
Bình tĩnh hơn, có sức vóc dũng mãnh hơn, và nhất là giỏi “judo” – giỏi “judo” thực chứ không phải giỏi “Judo” theo lối của Tuyết – Hải tránh trái đấm móc của Thịnh, rồi lợi dụng lúc Thịnh mất đà vì đánh hụt, Hải dùng cả bàn tay, đập mạnh vào mặt Thịnh, làm mắt Thịnh nổ đom đóm: Thịnh choáng váng, sắp té xỉu, thì Hải lạnh lùng, từ tốn nhằm vào cái huyệt đằng sau gáy Thịnh, bổ xuống, và trong khoảnh khắc, Thịnh đã ngã sóng soài như một cây thịt xuống chân ghế, bên cạnh Huyền.
Tất cả những sự kiện kể trên xảy ra không quá năm giây đồng hồ, Huyền chỉ biết há hốc miệng, mở mắt thao láo, bàng hoàng ngó. Chính mắt nàng chứng kiến mà Huyền cũng không phân biệt, không thấy rõ hai người đánh nhau ra sao, không hiểu Thịnh ngã hay Hải ngã. Kịp đến khi nàng nhận ra người nằm dưới chân mình là Thịnh, và Thịnh nằm im không cựa quậy thì Huyền hốt hoảng, tưởng Thịnh đã tắt thở: Huyền muốn kêu lên thành tiếng để cầu cứu, nhưng tiếng nói không ra thoát khỏi cổ họng nàng. Hải chống tay vào sườn, mỉm cười, nói với Huyền:
– Cô đừng sợ! Nó không chết đâu! Chỉ lát nữa là tỉnh. Huyền cúi xuống, thấy Thịnh vẫn thở, tóc xõa xuống khuôn mặt in hằn bàn tay vũ bão của Hải, thì Huyền quên phứt ngay cái cảnh nàng vừa bị Thịnh bóp cổ, chỉ thấy xót xa thương Thịnh. Nàng vuốt tóc cho Thịnh, rồi ngẩng đầu lên nhìn Hải, khẩn khoản:
– Anh về đi. Kẻo lát nữa, Thịnh tỉnh dậy…
Huyền chưa nói hết câu, thì Hải đã lắc đầu:
– Về thế nào được! Anh đợi nó tỉnh dậy để đuổi nó cút…
Sự thực cái cử chỉ của Huyền thẳng thắn vuốt tóc Thịnh làm Hải bực bội, nhưng Huyền vô tình không hiểu, vẫn van nài Hải:
– Khổ quá! Anh thương em thì anh về đi… Em không muốn lát nữa anh đuổi Thịnh về, hoặc lại đánh nhau với Thịnh.
Hải cố trấn tĩnh để giọng nói khỏi thành gay gắt:
– Vậy Huyền đuổi tôi về để lát nữa nó tỉnh dậy, nó bóp cổ Huyền à! Nó bóp cổ Huyền mà Huyền thương nó, Huyên yêu nó sao?
Huyền lắc đầu, mệt mỏi:
– Em yêu ai thì anh biết đó. Nhưng mặc dầu Thịnh bóp cổ em, mặc dầu em không yêu Thịnh, em cũng không muốn Thịnh bị nhục trước mặt anh.
– Tại sao thế?
Huyền trả lời không lưỡng lự:
– Bởi vì Thịnh là bạn em, bởi vì Thịnh nghèo và khổ như em và nhất là vì Thịnh yêu em mà em không thể đền đáp Thịnh được… Anh là kẻ giàu sang. Anh cần phải rộng rãi… Vậy anh nên về đi…
Huyền tưởng kêu gọi lòng “kẻ cả” của Hải thì Hải sẽ vui lòng nghe theo. Huyền không ngờ người ta càng yêu thì càng nhỏ nhen, nghị kỵ, ghen tuông hão! Huống hồ, cái cử chỉ Huyền vuốt tóc Thịnh là một cử chỉ gai mắt mà Hải không quên được. Cho nên Hải chỉ cười nhạt, chậm rãi, nghiêm nghị trả lời Huyền:
– Cái đó là tùy Huyền. Riêng tôi, tôi không thể rộng lượng như ý Huyền muốn được. Huyền thử nghĩ coi, nó bóp cổ Huyền, nó đánh tôi trước… Bây giờ Huyền lại bảo tôi về để mặc Huyền săn sóc nó… Huyền có thấy là Huyền vô lý không? Vậy tôi để cho Huyền lựa chọn… Huyền suy nghĩ kỹ đi. Rồi nếu Huyền vẫn còn bắt buộc tôi phải về, để Huyền săn sóc hắn thì tức là Huyền muốn vĩnh biệt tôi…
Lời nói quyết liệt của Hải làm lòng tự ái của Huyền trỗi dậy. Kể ra thì Huyền cũng biết mình vô lý, nhưng cái vô lý của Huyền là cái “vô lý” rất hữu lý của kẻ nghèo, nhiều mặc cảm. Hơn nữa, thái độ cứng rắn của Hải đẩy Huyền vào cái thế không lùi được, vì chả nhẽ Huyền lại nhượng bộ! Cho nên nàng cười nhạt, trả lời:
– Cái đó cũng là tùy anh. Anh không nghe em thì em cũng không biết làm thế nào, vì em không thể bỏ Thịnh được…
Cả Huyền và Hải đều bị lòng tự ái đẩy vào cái thế không thể lùi được. Chả nhẽ Huyền đã nói vậy mà Hải còn ở lại!
Hải nhìn Huyền, lòng sôi sùng sục, nhưng chàng củng cố làm ra vẻ lạnh lùng, đưa tay bắt Huyền, nói với Huyền:
– Huyền muốn thế, thì xin bắt tay vĩnh biệt Huyền…
Trong thâm tâm, Hải hy vọng cái bắt tay “vĩnh biệt” sẽ làm cho tình thế đỡ căng thẳng và Hải chỉ đợi một lời nói, hoặc một cử chỉ của Huyền để sẵn sàng chìu theo ý Huyền, nghe theo lời Huyền. Nhưng Huyền thấy Hải nhấn mạnh vào hai tiếng “vĩnh biệt” thì Huyền cho Hải “dọa” nên Huyền cười nhạt, trả lời Hải:
– Dạ, xin vĩnh biệt anh!
Họ lạnh lùng bắt tay nhau, mặc dầu trong thâm tâm họ chỉ muốn ngã vào lòng nhau, và người này chỉ đợi một dấu hiệu “làm lành” của người kia, nhưng không ai chịu đi bước trước…
Hải quay ngoắt trở ra. Huyền tê tái nhìn theo Hải. Huyền muốn gọi Hải trở lại, nhưng không hiểu sao, nàng vẫn không chịu lên tiếng. Còn Hải thì cố tình bước nhanh nhưng chàng vẫn lắng nghe xem Huyền có gọi mình không…
Ra tới đường lớn, Hải ngoảnh lại không thấy Huyền chạy theo gọi mình như chàng vẫn thầm mong, thì Hải rời rã… Chàng đứng thừ người, nhìn về phía ngõ nhà Huyền một lúc lâu, không thấy bóng dáng Huyền xuất hiện, chàng thở ra một hơi dài, rồi lên xe vặn “công tắc”, nhưng máy đã nổ mà Hải vẫn không cho xe chạy, mắt chàng vẫn nhìn về phía hẻm nhà Huyền và năm phút sau, chiếc xe mới từ từ lăn bánh…
… Ngay lúc đó, Thịnh tỉnh và lóp ngóp đứng lên. Có lẽ để chữa thẹn, có nhẽ vì chưa nguôi giận, Thịnh hầm hầm nhìn Huyền và Huyền vừa mới hỏi Thịnh “Anh không việc gì chứ”, thì Thịnh đã tát trái luôn Huyền một tát. Huyền không tránh cái tát của Thịnh, mặc cho Thịnh tát, nước mắt nàng trào ra. Cơn phẫn nộ của Thịnh gặp cái im lìm bất đề kháng của Huyền, tự nhiên tan rã ngay.
Thịnh nhìn cái cổ còn hằn vết tay của mình, nhìn nước mắt Huyền từ từ lăn trên má Huyền. Thịnh đau xót nghĩ rằng vết hằn kia, giọt lệ kia là do chàng gây ra thì chàng điên cuồng, ôm lấy Huyền và Huyền không chống cự, mặc cho Thịnh hôn lên má, lên trán và cả lên môi nàng. Không phải vì Huyền yêu Thịnh, nhưng vì Huyền mơ hồ cảm thấy, nàng tuy buồn, nhưng không đau khổ tuyệt vọng bằng Thịnh; hoàn cảnh nàng tuy đáng thương, nhưng hoàn cảnh Thịnh, thân thế Thịnh còn đáng thương gấp bội. Và so sánh với Hải thì số phận Thịnh mới hẩm hiu biết bao! Hải có tiền, có tương lai, Hải được Huyền yêu. Còn Thịnh thì không có gì, không có tương lai, không có tình yêu và chỉ có căm hờn. Cho nên Huyền để mặc cho Thịnh hôn mình và nàng không thấy mình có lỗi đối với Hải. Sống trong cảnh nghèo hèn, Huyền hiểu hơn ai hết cái căm phẫn của Thịnh, cái tuyệt vọng của Thịnh, cho nên Thịnh bóp cổ nàng, tát nàng mà nàng không thấy mảy may giận Thịnh, nàng không yêu Thịnh mà vẫn để Thịnh ôm nàng, mơn trớn nàng, như muốn nuốt chửng nàng, nhai ngấu nhai nghiến nàng, Huyền chỉ biết chịu đựng, nói như van xin Thịnh:
– Thôi! Đừng làm vậy nữa! Anh Thịnh! Huyền khổ quá!
Thịnh thấy nàng không chống cự thì tưởng Huyền bằng lòng. Hy vọng lại loé sáng trong tâm khảm Thịnh, khiến Thịnh vừa hôn Huyền, vừa nói trong hơi thở:
– Huyền phải yêu Thịnh! Huyền phải lấy Thịnh! Huyền có bằng lòng không?
– Anh đi về đi. Lúc khác chúng ta sẽ nói chuyện.
Thịnh thờ thẫn buông tay ra, mắt chàng đỏ ngầu và đột nhiên nét mặt Thịnh lại hầm hầm, nói chuyện với Huyền:
– Huyền không yêu tôi! Tôi biết lắm! Nhưng Huyền muốn yêu ai thì yêu, ngoại trừ thằng Hải… Ngoại trừ thằng khốn nạn, Huyền biết không?
Nói dứt câu, Thịnh không nhìn Huyền, đi thẳng…

Nguồn: vietmessenger.com

Comments are closed.