Đã ba năm mình không có Tết

Phạm Cao Hoàng

PHẠM CAO HOÀNG Đà Lạt 2012

1.

Buổi tối, sau khi cho con ngủ, Hoa nói với tôi, giọng ái ngại:

–  Con bé gầy quá. Nó bị suy dinh dưỡng. Chắc anh phải   kiêm việc làm thêm để có tiền lo cho con.

Việc gì bây giờ? Lâu nay tôi đã nhiều lần nghĩ đến chuyện này nhưng chẳng biết phải làm gì. Có dạo, một người quen tốt bụng ở Chi Rông cho tôi mượn miếng đất ruộng để làm. Kinh nghiệm không có, làm thử một mùa, số lúa thu về còn ít hơn số lúa giống đã gieo xuống ruộng. Người ê ẩm vì không quen công việc đồng áng, mất thời gian, còn bị lỗ vốn, đành phải trả miếng đất lại cho chủ nhân của nó. Buôn bán thì không xin được giấy phép. Một số đồng nghiệp dạy cùng trường làm thêm bằng cách sửa xe đạp, sửa giày, sửa đồng hồ, bơm mực bút bi, bơm quẹt ga, làm thú y… Còn tôi, vẫn bế tắc.

Tôi nhìn đứa con ba tuổi đang ngây thơ nằm ngủ  trên giuờng, rồi nhìn Hoa:

–  Lần này thì anh phải tìm cho ra việc để mà làm. Thấy con như thế này anh xót quá.

Cuối tuần, tôi về Đà Lạt tìm gặp Hữu, một người bạn thân, đang là phóng viên của một tờ báo ở địa phương. Hữu cũng xơ xác như tôi, nhưng khi nghe chuyện tôi muốn có thêm việc làm, anh trầm ngâm suy nghĩ.

Bất chợt, Hữu cười thật tươi:

–  Tôi nghĩ ra rồi. Hình như anh có một chiếc máy ảnh phải không?

Tôi không hiểu vì sao Hữu hỏi tôi như vậy. Sau 1975, cuộc sống quá khó khăn, tôi phải bán đi nhiều thứ, nhưng chiếc máy ảnh thì tôi vẫn còn giữ lại. Ngoài chiếc máy ảnh, tài sản của tôi còn có một máy đánh chữ, một chiếc xe đạp, và mấy chỉ vàng do bà con tặng hồi đám cưới. Chỉ có vậy thôi. Nhà cửa không có, đang ở nhờ.

Tôi nói với Hữu:

–  Có. Tôi vẫn còn giữ chiếc máy ảnh.

Hữu vỗ vai tôi:

–  Yên tâm. Chắc chắn có việc làm. Tôi sẽ giới thiệu anh cho ông Nguyễn Bá Mậu để học nghề chụp ảnh. Học xong, anh sẽ chụp ảnh dạo và ảnh đám cưới để kiếm thêm tiền. Tuần sau anh lên, tôi sẽ đưa anh đến gặp ông ấy.

Tôi mừng lắm. Nghề này chắc chắn phải hợp với tôi hơn là làm ruộng. Về nhà tôi kể chuyện cho Hoa nghe và Hoa cũng rất lạc quan với chút ánh sáng đang lóe lên trong cuộc sống u ám của chúng tôi. Tôi lấy chiếc máy ảnh hiệu Canon lau chùi cẩn thận, nhủ lòng sẽ cố gắng để vượt qua số phận. Cả thị trấn này, số người có máy ảnh chỉ đếm trên đầu hai bàn tay. Rất ít người biết chụp ảnh. Muốn chụp ảnh phải học cách sử dụng máy ảnh. Ảnh sẽ mờ tịt nếu không biết điều chỉnh khoảng cách, sẽ trắng bệt nếu thừa ánh sáng, hoặc sẽ đen thui nếu thiếu ánh sáng. Tôi đã có dịp đọc qua các sách dạy chụp ảnh nên cũng hiểu biết chút ít.

Cuối tuần sau đó Hữu đưa tôi đến gặp nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu. Từ lâu tôi đã nghe tiếng ông: một trong những nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở miền nam trước 1975, cùng thời với Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh. Tầm sư học đạo mà gặp được ông thì quả là gặp đúng sư phụ rồi. Tôi mang theo chiếc máy ảnh, trong lòng hơi lo, không biết ông có sẵn sàng truyền nghề hay không.

Nhà ông nằm cuối dốc Sông Lô gần rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp ở đường Phan Đình Phùng. Nhà bài trí nghệ thuật, gọn gàng, ngăn nắp. Trái với những lo âu của tôi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu là một người cởi  mở, vui vẻ, lịch sự, nhanh nhẹn, và đặc biệt ông có cách nói chuyện rất nhẹ nhàng, dễ gây cảm tình với người được ông tiếp chuyện. Sau khi nghe Hữu giới thiệu và nói ý định của tôi, ông vui vẻ nhận lời:

–  Tưởng ai chứ bạn của Hữu thì xem người nhà. Mình có thể bắt đầu từ hôm nay.

Rồi ông nói đùa:

–  Thợ chụp hình là ngưới có nhiều quyền lực. Khách hàng của chú, từ quan đến dân, ai cũng phải nghe chú. Chú bảo người ta lui ra sau hay bước tới trước, nhích sang bên phải hay bên trái là họ răm rắp làm theo. Nhưng coi chừng chú bị đau tim vì chú sẽ gặp rất nhiều người đẹp.

Ngay sau đó ông hướng dẫn  cho tôi những hiểu biết căn bản về chiếc máy ảnh, cách điều chỉnh ánh sáng, khoảng cách, tốc độ, cách cầm máy ảnh sao cho không bị rung, cho phép tôi chụp thử vài tấm ảnh trong nhà, ngoài trời, vào phòng tối rửa ảnh, dựa vào đó ông phân tích những lỗi cần phải tránh.

Cứ cuối tuần tôi lại lên gặp ông. Ông tiếp tục hướng dẫn về bố cục một tấm ảnh: phần không gian trên đầu phải nhiều hơn dưới chân, phần không gian trước mặt phải rộng hơn sau lưng, không được chụp cắt ngang người ở đùi, ở đầu gối, ở cổ chân, không để khách hàng  đứng phía trước gốc cây mà phải đứng tựa vào một bên, người mập không mên chụp gần, người ốm không nên chụp xa, chụp thế nào để một người lùn trông cao hơn trong ảnh… Dạo trước tôi cũng thường chụp ảnh cho bạn bè và gia đình, bây giờ, qua những gì ông hướng dẫn, nhìn lại thấy mình mắc nhiều lỗi kỹ thuật mà mình không biết.

Phần cuối cùng, ông hướng dẫn tôi chụp ảnh nghệ thuật:  chụp hoa, tĩnh vật, chụp silhouette,  chụp ảnh chân dung, xóa phông đằng sau,  chụp người  hoặc vật  đang di chuyển,  chụp  ảnh thể thao, chụp ảnh vào ban đêm…  Đây là phần khó nhất, không học không thể biết cách chụp. Tôi rất thích phần này, tự nhủ, nếu không kiếm ra tiền thì ít nhất cũng có những hiểu biết về nhiếp ảnh để áp dụng cho đời sống riêng của mình.

Rồi tới ngày sư phụ cho tôi xuống núi. Ông hẹn gặp tôi thêm một lần nữa ở nhà ông vào một buổi sáng chủ nhật.Trên bàn nơi phòng khách ông đã chuẩn bị sẵn hai ly cà phê, bên cạnh có một túi da dùng để đựng máy hình. Ông dặn dò tôi về việc luôn luôn phải làm vui lòng khách hàng, đừng nóng tính, và khi họ cần đến mình thì cho dù phải đi mười cây số để chụp một tấm hình vẫn cứ phải đi.

Tôi nói:

–  Rất cám ơn anh về sự tận tình chỉ dẫn lâu nay.  Anh vui lòng cho em gửi cái này.

Vừa nói tôi vừa đặt chiếc nhẫn một chỉ vàng lên bàn với ý định gửi ông chút thù lao.

Ông khoát tay, không nhận. Tôi nài nỉ thế nào ông vẫn từ chối. Ông cầm lấy chiếc nhẫn bỏ vào cái túi da rồi đưa cho tôi, kèm theo nụ cười đôn hậu:

–  Từ trước tới giờ tôi chưa lấy thù lao của ai về việc này. Giúp chú chút kinh nghiệm thôi mà, có gì lớn lao đâu. Cuộc sống giáo chức bây giờ khó khăn lắm. Chú chịu khó làm thêm để có thêm thu nhập. Có chiếc túi da này, cũ nhưng còn tốt, tôi tặng chú để khi đi làm nghề cho nó có vẻ chuyên nghiệp. Lúc này thứ gì cũng khan hiếm,  muốn mua một cái túi da như thế này, cho dù có tiền cũng không mua đâu ra.

Thật là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Đã không nhận thù lao, lại còn tặng vật dụng hành nghề.

Tôi đã may mắn gặp được một con người tử tế và nhân hậu. Tôi đã học được ở ông không chỉ nghề ảnh mà cả cách sống ở đời.

2.

Cả thị trấn tôi đang sống chỉ có hai tiệm chụp hình  với số thợ hình khoảng năm người. Họ thuộc nhóm thợ quốc doanh, còn tôi  thuộc dạng “chp hình chui”. Tiền dạy học không đủ sống,  “đói thì đu gi phi bò”. Đầu gối tôi bắt đầu bò. Tôi nhận chụp ảnh đám cưới vào những ngày cuối tuần. Dần dần, khi đã có chút uy tín, khách hàng tìm đến nhiều hơn. Ngoài giờ dạy, soạn bài, chấm bài, tôi tận dụng số thời gian còn lại để đi chụp hình. Tôi làm việc bảy ngày một tuần và hoàn toàn không có thời gian để giải trí. Làm nhiều như vậy nhưng cuộc sống vẫn không khá lên được vì thu nhập từ nghề hình cũng chỉ dừng ở mức “có còn hơn không”.

Một lần tôi phải vào một xã kinh tế mới cách nhà khoảng 10 cây số để chụp hình cho một gia đình đang cần ảnh gửi cho người thân. Khách hàng yêu cầu chụp một tấm duy nhất cho cả gia đình và tôi phải có mặt vào lúc 6 giờ sáng. Tôi lấy làm lạ, hỏi tại sao phải là 6 giờ sáng. Khách hàng giải thích: vào giờ đó mọi người trong gia đình đủ mặt; sau 6 giờ người thì đi làm, con cái thì đi học, có người này thì thiếu người kia. Thì ra là vậy.

Đời sống vùng kinh tế mới rất khó khăn. Trong tính toán của họ, họ chỉ đủ tiền để chụp một tấm hình thôi. Nhớ lời sư phụ dặn, “Khi h cn đến mình thì cho dù phi đi mười cây s đ chp mt tm hình vn c phi đi “. Và tôi làm đúng theo lời sư phụ. Năm giờ sáng lọc cọc đạp xe vào chỗ hẹn. Đến nơi,  họ đã sẵn sàng với một đại gia đình trên dưới mười người. Trời chưa sáng hẳn, ánh sáng ngoài trời còn yếu, chưa đủ để làm cho ảnh rõ và sắc nét. Tôi hình dung việc chụp tấm hình này là một việc quan trọng đối với họ, không cho phép chụp hỏng hoặc xấu,  do vậy tôi phải chụp đến ba lần để chắc ăn sẽ có một tấm khá nhất  giao cho họ. Nào ngờ, chủ gia đình nổi nóng, xài xể tôi một trận:

–  Tôi đã nói chỉ chụp một tấm,  bây giờ chú chụp đến ba tấm, tôi lấy tiền đâu mà trả. 

Lỗ công, lỗ vốn, lại còn bị xài xể, tôi hơi tức nhưng  không giận vì chẳng qua là họ hiểu lầm. Trước cơn thịnh nộ của người chủ nhà tôi chỉ biết chịu trận.  Đợi ông dứt trận lôi đình tôi mới ôn tồn giải thích. Mấy ngày sau tôi lại lọc cọc đạp xe vào giao tấm hình, vừa đi vừa nhủ lòng, “Xem như làm t thin”. Cũng may tấm hình khá đẹp, nếu không, chưa biết chuyện gì xảy ra.

Cũng ở vùng kinh tế mới này, một hôm tôi đang chụp ảnh cho một đám cưới thì hai cậu du kích xuất hiện. Họ cho người vào gọi tôi ra.

Thấy họ có mang súng nên tôi hơi sợ. Tôi bước ra, cố gắng nở một nụ cười xã giao.

Một cậu, mặt non choẹt đáng tuổi học trò tôi, hạch hỏi:

–  Anh có giấy phép chụp hình không?

Tôi vã lã:

–  Khó khăn quá. Làm thêm một chút thôi mà, chưa kịp xin giấy phép.

Được thể, cậu ta càng lên gân:

–  Không có giấy phép thì không được chụp. Anh mà tiếp tục chúng tôi sẽ thu máy ảnh.

Nghe ba chữ “thu máy nh” tôi hơi ngán. “Thu máy nh” đồng nghĩa với “thu cái cn câu cơm” của tôi trong lúc này. Tôi vội vàng bỏ máy ảnh và đèn flash vào trong túi da, lùi ra xa theo phản ứng tự nhiên, chưa biết phải tính thế nào thì cô dâu chú rể bắt đầu năn nì:

–  Mấy anh thông cảm. Không cho chụp thì chúng tôi không có ảnh cưới.  Một đời có một lần mà không có ảnh thì biết làm sao đây.

–  Không có thông cảm gì hết. Đi kiếm thợ ảnh khác vào chụp.

–  Làm sao kịp? Tìm được người khác vào tới đây thì đám cưới xong rồi.

Vừa lúc ấy có một người đàn ông trạc 30 tuổi dừng xe đạp nơi chỗ hai cậu du kích. Họ thì thầm với nhau một lúc, sau đó người này bước tới chỗ tôi, nghiêm giọng:

–  Tha cho anh lần này. Lần sau không được vào đây.

Nói xong cả bọn bỏ đi.

Sau lần đó, tôi không nhận chụp ảnh đám cưới cho vùng kinh tế mới này nữa, kiếm các địa bàn khác để “làm ăn

Tôi chỉ chụp ảnh, còn rửa ảnh thì không vì không có phòng tối. Chụp xong, tôi phải mang về Đà Lạt đưa cho các phòng tối trên đó tráng phim và in ảnh. Khổ nhất là những lần khách cần ảnh gấp, đám cưới hôm nay họ muốn lấy ảnh vào ngày mai để kịp đưa cho bà con ở xa về dự tiệc cưới. Phương tiện vận chuyển thiếu thốn, muốn mua một vé xe đò về Đà Lạt phải xếp hàng chờ đến hai ba tiếng đồng hồ, nhiều khi tới phiên mình thì hết vé. Có một lần mua được vé đi nhưng không mua được vé về, đành phải đi bộ trên 30 cây số để về nhà.

Sau này, gặp những trường hợp khách cần ảnh gấp như vậy tôi đi xe đạp về Đà Lạt cho chắc ăn. Lượt đi mất bốn tiếng vì đoạn lên đèo Prenn không đạp nổi, phải dắt xe đi bộ. Lên tới nơi, đến ngay phòng tối giao phim, sáng sớm hôm sau trở lại lấy ảnh và đạp xe trở về. Lượt về chỉ mất một tiếng rưỡi nhưng rất nguy hiểm khi xuống đèo. Để chuẩn bị cho những lần đổ đèo, tôi phải tháo bỏ hai cái garde-boues, chỉ còn hai bánh xe trơ trọi, khoèo một chân vào chỗ bánh xe trước để làm giảm tốc độ khi xe xuống đèo. Một lần tôi hụt chân, bổ nhào xuống đất, lăn ra giữa đường, chiếc xe đạp văng ra xa, còn cặp kính cận may mắn rớt vào vạt cỏ bên vệ đường, không bể. Người tôi chỉ bị xây xát nhẹ.

Sau lần đó, tôi bắt đầu sợ. Tôi không nhận chụp những đám cưới cần ảnh gấp như vậy nữa.

Dần dần,  thợ “chp hình chui” xuất hiện thêm mấy người nữa. Sự xuất hiện của họ ít nhiều có ảnh hưởng đến các thợ hình khác vì số khách hàng bị chia bớt đi. Các thợ hình quốc doanh bắt đầu tìm cách gây khó khăn.  Họ báo cho công an, đề nghị công an cần phải dẹp cái đám “chp hình chui” này. Trong số các thợ hình quốc doanh, có một tay rất hung hăng, tên là Lung, thường bám sát chúng tôi. Có lần gặp tôi, hắn hù dọa:

–  Tao sẽ cho bọn mày dẹp tiệm.

Tôi tức cười quá, nói luôn:

–  Có tiệm đâu mà dẹp.

Mặt hắn hầm hầm:

–  Rồi bọn mày sẽ biết tay tao.

3.

Gần nhà tôi có một ngôi chùa. Những ngày Tết, rất đông người đến chùa thắp nhang, lạy Phật, xin xăm, cầu lộc, cầu duyên… Đây là nơi “làm ăn” của tôi và nhiều thợ hình khác vào dịp Tết. Đây cũng là dịp đám thợ quốc doanh và đám “chp hình chui” đối mặt với nhau. Vừa chụp hình cho khách, vừa phải dè chừng đám thợ quốc doanh xem họ có gây khó khăn gì cho mình không. Sự cạnh tranh tất nhiên phải có, không công khai nhưng ngấm ngầm và quyết liệt. Suốt những ngày Tết, từ mồng một đến mồng năm, tôi làm việc không ngơi nghỉ, mệt rã người vì cả ngày chụp hình liên tục, tối lại phải thức để phụ với phòng tối làm ảnh. Hoa thì lúc nào cũng ở bên tôi giúp giao hình cho khách. Tôi “làm ăn” ở chùa này tổng cộng ba cái Tết. Hai cái Tết đầu yên ổn, không có chuyện gì xảy ra. Đến cái Tết thứ ba thì gặp rắc rối.

Hôm đó là mồng ba Tết, khoảng giữa trưa – giờ cao điểm bà con đến thắp nhang lạy Phật, rải rác trước và sau chùa có khoảng 8 thợ chụp hình đang phục vụ cho khách. Tôi thuộc nhóm thợ đông khách. Một vài thợ ế ẩm, khách thưa thớt. Tôi đang chụp ảnh cho một gia đình phía sau chùa thì bà Chín – một người làm công quả thường xuyên ở chùa – đi ngang qua chỗ tôi, ghé tai nói nhỏ:

–  Chụp xong nhóm này, thầy ra đằng sau nhà khách gặp tôi. Có chuyện này hơi gấp, muốn nói với thầy.

Tôi hơi ngạc mhiên, chụp nhanh cho xong rồi ra đằng sau nhà khách.

Bà Chín đã chờ sẵn, nét mặt có vẻ nghiêm trọng:

–  Hồi nãy có ba thanh niên trông rất du côn bàn kế hoạch hành hung thầy. Thầy đừng ra sau chùa vì bọn nó chờ thầy ở đó, giả làm khách chụp hình, rồi kiếm cớ đánh thầy, đập máy ảnh. Tôi đoán bọn này là tay chân của mấy anh thợ ế khách. Từ giờ đến chiều thầy chỉ chụp trước chùa. Phía trước chùa lúc nào cũng đông người, chúng nó không dám làm gì thầy đâu.

Tôi cám ơn bà Chín rồi đi tìm Hoa, kể cho Hoa nghe mọi việc và dặn Hoa đứng gần theo dõi, có dấu hiệu gì bất thường  báo cho tôi biết, còn tôi vẫn tiếp tục công việc của mình. Một số khách nài nỉ tôi ra sau chùa chụp ảnh cho họ vì phía ấy có nhiều cảnh đẹp nhưng tôi lấy cớ không đủ thời gian và cứ bám chặt phía trước chùa.

Khoảng ba giờ chiều, Hoa và tôi ghé vào chỗ bóng mát dưới gốc cây để  nghỉ ngơi một chút.  Hoa đang lột mấy trái quít cho tôi ăn đỡ khát thì có một nhóm thanh niên tóc dài, áo phanh ngực bước tới. Bọn chúng có ba người. Đúng là nhóm du côn mà bà Chín đã báo động với tôi. Có lẽ chúng chờ phía sau chùa quá lâu mà không thấy tôi ra nên tìm đến đây. Tôi hơi chột dạ nhưng không sợ vì xung quanh tôi vẫn còn rất đông người. Theo phản ứng tự nhiên, tôi vừa định cho máy ảnh vào túi da thì một người trong bọn họ hắng giọng khiêu khích:

–  Máy ảnh hiệu Canon hả? Máy này mà chụp cái gì?  Coi chừng chụp xong không có ảnh đấy!

Người thứ hai nói trổng:

–  Chiều rồi, chụp gì nữa? Đi về đi.

Người thứ ba giọng có vẻ đe dọa:

–  Mai đừng đến đây nữa nhé. Đến là có chuyện đấy.

Nói xong, cả ba cười hô hố bỏ đi.

Đợi chúng đi thật xa và đoán chắc chúng không trở lại tôi mới thở phào nhẹ nhòm, nhìn vào khuôn mặt bơ phờ của Hoa:

–  Em có nhớ mình bắt đầu làm nghề chụp hình từ năm nào không?

–  Nhớ chứ anh. Từ 1979, khi con mình được 3 tuổi.

– Mới đó mà đã ba năm. Đã ba năm mình không có Tết mà con mình thì vẫn chưa hết suy dinh dưỡng. Còn anh, chắc anh sẽ suy nhược thần kinh mất thôi./.

Phạm Cao Hoàng

(Truyện được viết vào thời bao cấp)

Comments are closed.