Mười một đứa con trai

Franz Kafka

Đoàn Minh Phượng dịch

franz-kafkaTôi có mười một đứa con trai.

Đứa đầu có bề ngoài rất khó coi, nhưng nó nghiêm túc và khôn ngoan; dù vậy, và dù tôi yêu nó như như yêu tất cả những đứa con của mình, tôi không đánh giá nó cao lắm. Tôi thấy suy nghĩ của nó quá giản đơn. Nó không nhìn sang phải hay sang trái, mà cũng không nhìn ra xa; nó cứ mãi đi quanh cái vòng suy nghĩ nhỏ hẹp của nó, hay đúng hơn, nó tự xoay quanh mình.

Đứa thứ hai đẹp đẽ, thanh mảnh, cân đối; khi nhìn nó trong thế đứng của người đánh kiếm, người ta rung động vì thấy nó đẹp.Nó cũng khôn ngoan, mà ngoài ra còn hiểu đời nữa; nó đã nhìn thấy nhiều, cho nên ngay cả đất đai cây cỏ ở quê nhà cũng nói chuyện với nó thân mật hơn là nói với những người suốt đời không đi đâu. Nhưng ưu điểm này của nó không phải chỉ nhờ, và cũng không phải do nó đi nhiều là mấy, ưu điểm này thuộc về một thứ rất riêng không bắt chước được của đứa con trai này, thí dụ có ai muốn bắt chước nó lộn người nhiều vòng trên không trong cú nhảy ngoạn mục nhưng được kiểm soát đến man dại xuống cho tới cuối tấm ván nhảy, nhưng người bắt chước chỉ tới đó là đột nhiên khựng lại và dơ hai tay lên trời xin lỗi. – Và cho dù thế nào (đang lẽ tôi phải sung sướng có được đứa con như nó) tấm tình của tôi với nó không phải là không có ưu phiền. Con mắt trái của nó hơi nhỏ hơn con mắt phải và hay nháy hoài; chỉ là một lỗi nhỏ, chắc chắn rồi, cái lỗi này làm cho gương mặt nó còn có vẽ lãng đãng hơn là tự nó đã vậy, và trước sự toàn vẹn không bắt chước được của nó, cũng không có ai thấy có gì đáng chê ở cái con mắt nhỏ hơn và hay nháy này. Tôi, là cha, thấy có. Dĩ nhiên không phải là cái tật nhỏ bẩm sinh làm cho tôi thấy buồn đau, mà là một sự mất nhịp trong tâm hồn nó tương ứng với con mắt, một giọt mực độc nào đó đã đi lạc vào dòng máu, một cái gì đó cưỡng lại sự toàn vẹn của nó mà đáng lẽ tất cả những thứ thiên bẩm khác đã đạt được. Nhưng cũng chính sự chênh vênh này biến nó thành đứa con thật sự của tôi, vì tật lỗi của nó cũng chính là tật lỗi của cả gia đình tôi, và hiện lên ở đứa này quá rõ ràng.

Đứa con thứ ba cũng đẹp như đứa trước, nhưng điều làm cho tôi hài lòng không phải là vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của người ca sĩ: cái miệng cong lên; con mắt mơ màng; cái đầu cần một tấm màn nhung phía sau để làm nền; bộ ngực vòm lên không đều; đôi bàn tay dễ vươn ra và quá dễ buông thỏng; đôi chân làm mình làm mẩy vì không mang nặng được. Và trên hết: giọng nói của nó không đầy; nó nhòa trong một khoảnh khắc; để cho người biết nghe lóng tai; nhưng ngay sau đó thì thở ra. – Dù nói chung, tất cả đều làm cho tôi mong khoe đứa con này ra cho người ta nhìn ngắm, tôi lại ao ước dấu nó đi; chính nó cũng không muốn tự đưa mình ra ngoài, nhưng không phải vì nó nhận biết được những khiếm khuyết của mình, mà vì sự vô tội của nó. Nó cũng thấy lạc lõng trong thời chúng ta đang sống; như thể tuy nó thuộc về gia đình tôi, nhưng cùng lúc cũng thuộc về một nhà nào khác nữa, cái gia đình đó đã mất hẳn rồi, nó thường ủ dột và không có gì làm cho nó vui lên được.

Đứa con thứ tư có lẽ là đứa dễ gần nhất. Một đứa con đúng nghĩa của thời đại mình, ai cũng hiểu nó, nó đứng trên cùng một mặt đất mọi người đứng, và ai cũng muốn gật đầu chào nó. Có lẽ vì được người người tán đồng nên trong cung cách nó có một thứ gì rất nhẹ nhàng, cử động của nó thoải mái, nhận thức của nó vô ưu. Vài lời nó nói người ta thích lập lại nhiều lần, nhưng chỉ vài lời  thôi, bởi vì nếu gộp chung lại thì thì nó lại là một đứa quá sức hờ hững. Nó là một người có thể làm người ta đắm đuối nhìn nó phóng lên nhẹ nhàng rồi vút qua không trung như một con chim én, nhưng rồi cuối cùng nó biến mất trong đám bụi khô khốc, trong hư vô. Tôi nhìn nó, và cái nhìn của tôi vương vị đắng bởi những ý nghĩ như vậy.

Đứa con thứ năm ngoan và giỏi, hứa ít làm nhiều; không có gì đặc biệt, nó vô nghĩa đến nỗi nó có trong phòng mà mình tưởng mình đang ngồi một mình; tuy vậy nó cũng đã đạt được một ít danh chức. Nếu có ai hỏi làm sao mà chuyện đó xảy ra được, tôi cũng khó biết trả lời sao.Sự ngây thơ vô tội có lẽ sẽ đi qua cuộc đời giông gió dễ dàng nhất, và nó thì rất ngây thơ.Có lẽ quá ngây thơ.Thân thiện với mọi người.Có lẽ quá thân thiện. Tôi thú nhận: tôi thấy không yên tâm khi có người khen nó trước mặt tôi. Bởi người ta nói, khi khen một kẻ quá rõ là đáng khen, như đứa con trai này, thì việc khen cũng trở thành một việc dễ dãi chẳng còn gì đáng nói.

Đứa con thứ sáu có vẻ, ít nhất lúc mới nhìn qua, là đứa có chiều sâu nhất trong đám con. Một đứa hay gục đầu mà cũng lại là đứa nói nhiều.Vì vậy mà khó biết phải làm sao với nó.Khi nằm bên dưới, thì nó rơi vào một nỗi buồn không có gì trấn áp được; khi nó giữ được phần trên, thì nó nói liên miên. Nhưng thật sự tôi không phủ nhận cái niềm đam mê làm cho nó tự quên thân, ngay giữa ban ngày nó tự vật lộn với tư duy của mình như trong chiêm bao. Không bệnh – đúng ra nó có một sức khoẻ bền bỉ – mà nhiều khi nó vật vờ chao đảo, nhất là lúc trời nhá nhem tối, nhưng nó không cần ai giúp, nó không bao giờ ngã. Cái dáng vẻ này có lẽ lỗi do sự phát triển cơ thể của nó, nó quá cao lớn so với tuổi. Điều này làm cho nó không ưa nhìn khi trông cả người, tuy từng phần nó hết sức đẹp, ví dụ như bàn tay, bàn chân. Ngoài ra trán của nó cũng xấu, da và cấu trúc xương như là hơi dúm lại thế nào đấy.

Đứa con thứ bảy có lẽ đúng là con trai của tôi hơn tất cả đám con.Loài người không nhận ra nó, cái kiểu buồn cười đặc biệt của nó họ không hiểu.Tôi không đánh giá nó quá đáng; tôi biết, nó đủ nhỏ bé; loài người nếu mà không có lỗi nào khác hơn là lỗi không nhìn ra giá trị của nó, thì họ cũng luôn luôn đủ hoàn hảo.Nhưng trong gia đình tôi không muốn thiếu đứa con trai này. Nó vừa phải xáo trộn cái gì đó, vừa kính sợ truyền thống, và, ít ra theo cảm giác của tôi, nó gộp hai thứ trái nghịch ấy thành một sự trọn vẹn không ai động tới được. Nhưng chính nó lại chẳng biết phải làm gì với sự trọn vẹn này; bánh xe tương lai nó sẽ không đẩy cho lăn đi được, nhưng tính khí của nó làm tôi tươi tỉnh, tin yêu; tôi mong, phải chi nó có con, và con nó lại có con. Đáng buồn là mong ước này dường như sẽ không bao giờ thành thực được. Ngược với sự đánh giá của thế giới chung quanh, nó có một sự tự hài lòng mà tôi tuy hiểu nhưng không hề ao ước là nó như thế, nó đi chơi một mình, chẳng màng gì tới con gái, vậy mà không hề bao giờ thấy mất vui.

Đứa con thứ tám là đứa con đau thương của tôi, trong khi tôi không thật sự biết lý do nào mà thành ra thế. Nó nhìn tôi xa lạ, tôi lại luôn cảm thấy tình phụ tử gắn tôi với nó thật gần. Thời gian đã làm lòng tôi dịu đi nhiều; trước kia nhiều khi tôi chợt run rẩy cả người chỉ vì nghĩ tới nó. Nó đi con đường riêng của mình, nó cắt đứt mọi dây nối với tôi; và chắc chắn sẽ vượt qua mọi nơi trên đường nó chọn với cái đầu cứng và thân thể nhỏ nhưng lực lưỡng của nó – chỉ có cặp chân của nó lúc nhỏ hơi yếu, nhưng có lẽ về sau này cơ thể nó đã lấy được cân bằng. Rất nhiều khi tôi ao ước gọi nó quay trở lại, hỏi nó dạo này ra sao, hỏi nó vì sao nó xa lánh cha và thật sự nó định làm gì, nhưng giờ này nó đã ở quá xa và bao nhiêu thời gian đã trôi đi rồi, thôi thì đành cứ để nó như vậy. Tôi nghe nói nó là đứa duy nhất trong đám con của tôi để một bộ râu quai nón; dĩ nhiên nhỏ con mà làm vậy thì chẳng có gì đẹp.

Đứa con thứ chín thật thanh lịch và chắc chắn nó dành cho phụ nữ một ánh mắt ngọt ngào.Ngọt tới nỗi đôi lúc nào đó nó quyến rũ được cả tôi, trong khi tôi biết chỉ cần một miếng bọt biển nhúng nước là có thể lau chùi đi được sự hào nhoáng mấy tầng trời của nó.Điều đặc biệt ở đứa con trai này là nó không hề có ý định quyến rũ ai; với nó cả đời chỉ cần nằm trên ghế dài vung vãi ánh mắt lên trần nhà là đủ hoặc thích hơn là để ánh mắt mình được yên bên dưới hai bờ mi khép. Khi được nằm ở vị thế yêu thích này, nó thích nói và nói không tệ; dồn dập và rõ ràng; nhưng thật ra chỉ trong chừng mực ít ỏi; nếu nó vượt qua cái ngưỡng đó, điều khó tránh vì cái khung của nó chật hẹp, thì cuộc nói chuyện của nó trở thành rỗng. Người ta sẽ vẫy tay ra hiệu bảo nó im đi, nếu còn hy vọng là ánh mắt tràn cơn buồn ngủ của nó còn thấy gì.

Đứa con thứ mười tính chất không thành thật.Tôi không muốn hoàn toàn chối bỏ, cũng không muốn hoàn toàn xác nhận điểm lỗi này. Ai nhìn thấy nó đi lại với dáng vẻ long trọng quá đáng so với tuổi của nó, với cái áo khoác luôn cài kín hai hàng cúc, với chiếc mũ đen tuy cũ nhưng luôn luôn được chải sạch cẩn thận, với gương mặt trơ trơ bất động, chiếc cằm hơi hất lên một chút, đôi bờ mi dầy đè nặng lên cặp mắt, hai ngón tay có khi vuốt qua miệng — ai nhìn thấy nó như vậy, đều nghĩ: đây là một thằng đạo đức giả vô bờ bến. Nhưng, hãy nghe nó nói! Mạch lạc, có tư duy; gẫy gọn, nó tung tẩy ngang dọc với những câu hỏi đầy sinh khí tinh quái; trong sự đồng thuận với tổng thể thế giới, sự đồng thuận đáng ngạc nhiên, ung dung và tươi tắn, sự đồng thuận làm cho cái cần cổ thẳng ra và thân thể rướn cao lên một cách tất nhiên. Nhiều kẻ tự cho mình là khôn ngoan và vì theo chính kiến của họ, bề ngoài của nó làm cho họ khó chịu, lại bị lời lẽ của nó thu hút mạnh mẽ. Rồi lại cũng có nhiều người mặc kệ bề ngoài của nó, nhưng lại thấy lời nói của nó là đạo đức giả.Tôi, cha của nó, không thể quyết định bên nào đúng, nhưng tôi phải thừa nhận là những người nhận định sau đáng để tâm hơn là những người trước.

Đứa con thứ mười một mong manh, có lẽ là đứa yếu đuối nhất trong đám con trai của tôi; nhưng vẻ yếu đuối của nó làm cho bạn nhầm, tuỳ lúc nó có thể mãnh liệt và dứt khoát, nhưng cuối cùng, chính sự yếu đuối là nền tảng. Nhưng đó không phải là sự yếu đuối đáng xấu hổ, mà một thứ gì đó, chỉ mang vẻ yếu đuối khi đem đặt trên mặt đất này của chúng ta. Không phải, nói ví dụ, việc sẵn sàng muốn bay là một sự yếu đuối sao, vì nó vất vơ, bất định và cánh nó đập? Con trai tôi nó như vậy đó. Tính chất đó dĩ nhiên không làm cho người làm cha thấy vui, nó chuẩn bị phá tan hoang hết gia đình. Đôi khi nó nhìn tôi như muốn nói: Con bay lên sẽ mang cha theo. Rồi tôi nghĩ: mày là đứa cuối cùng mà tao tin tưởng. Rồi ánh mắt của nó như lại nói: Ừ, thì con là đứa cuối cùng, của cha.

Ở trên là mười một đứa con trai.

________

Tôi bắt đầu đọc Kafka từ năm bắt đầu biết tiếng Đức.Nếu có khi hết việc, nghĩa là khi đời chỉ còn một chuyện duy nhất và cuối cùng cần làm, thì việc đó là dịch Kafka.Thật tình, đó là điều tôi không dám nghĩ tới.Tôi không đủ sức.

Đêm qua không biết vì sao nói chuyện gì chúng tôi lại nhắc đến Kafka, và tôi đưa cho Tôm xem bản thảo bản dịch này tôi làm từ năm mười năm trước và bỏ dở dang (còn một câu nữa thì xong đứa con thứ năm).

Tôm muốn đọc cả truyện.Tôi thức khuya dịch, nhưng buồn ngủ quá ngủ mất sau khi gõ được đúng 2 chữ.Tôi dậy sớm, dịch cho xong trong vòng — tôi quên mất thời gian — có lẽ rất rất ngắn, dường như chỉ mười lăm phút hay vài ba tiếng.

Tôi nôn nao gọi Tôm dậy đọc, nôn nao tới nỗi chính tôi không đọc lại, không sửa một chữ nào, vì sợ đọc lại thì mất thì giờ, trễ mất. ‘Veritas odit moras’, ‘Sự thật ghét sự trễ giờ’, tôi hiểu mấy ông sư ngồi im vài chục năm lúc ngộ ra cái gì thì la làng lên sợ người ta không biết mình vừa thấy cái gì, sợ trễ, sợ không kịp.

Tôi quyết định đem bản dịch lên blog không đọc lại, không sửa.Thứ nhất vì blog dù sao vẫn là nhà riêng dành cho bạn bè riêng, nếu lỡ dịch sai, ừ thì tại tôi sai.Tôi đã dịch như không phải bằng khả năng ngôn ngữ của mình, không cân nhắc, mà như bằng một thứ trực giác, một thứ chiêm bao.Không ngờ Kafka dễ dịch tới như vậy.Dịch rất nhanh, như không có thời gian, như nước chảy vậy thôi.

Để nguyên như vậy, biết đâu, tôi mong, giữ lại được cái gì đó đã xảy ra trong vài khoảnh khắc chánh niệm mà sự dò lại có thể làm mất đi.

Cách ngắt câu của Kafka tôi để nguyên: từng dấu phẩy, chấm phẩy, chấm, hai chấm, hoặc là sự vắng mặt của các dấu đấy.

Nguồn: doanminhphuong.com/2014/12/28/muoi-mot-dua-con-trai/

Comments are closed.