Tuyên bố từ chối giải Nobel của Jean-Paul Sartre (1964)

Thấy Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam xin Thủ tướng Chính phủ cho lại hai chữ “chính trị” để hội được hưởng quy chế hội “chính trị, xã hội, nghề nghiệp”, tôi đưa lên đây bài dịch này. Năm 1964 nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre (1905 – 1980) được trao giải Nobel văn học nhưng ông đã từ chối. Đây là văn bản từ chối mà ngày 22/10/1964 ông đã đưa cho người đại diện giới xuất bản Thụy Điển là Bonniers để chuyển cho các báo ở Stockholm. Bức ảnh chụp Sartre trả lời phỏng vấn báo chí một ngày sau đó.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính mắt
“Tôi rất tiếc là sự việc đã thành ra như một vụ bê bối: giải thưởng được trao và tôi từ chối. Nguyên nhân chỉ là do tôi đã không được cho biết ngay khi việc này đang chuẩn bị. Khi tôi đọc thấy trong tờ Le Figaro văn học (Le Figaro littéraire) ra ngày 15/10/1964, dưới ngòi bút một phóng viên Thụy Điển của bản báo, rằng sự lựa chọn của Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ nhằm vào tôi, nhưng việc này vẫn chưa được quyết định, tôi đã nghĩ là bằng cách viết một bức thư cho Viện Hàn lâm và gửi đi vào ngày hôm sau thì tôi sẽ có thể dừng lại được việc này và người ta sẽ thôi nói đến nó.
Khi đó tôi không biết rằng giải Nobel được trao không cần hỏi ý kiến của người được giải nên nghĩ là vẫn còn kịp thời ngăn nó lại. Nhưng rồi tôi hiểu một khi Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra sự lựa chọn thì nó không thể rút lại nữa.
Những lý do tôi từ chối giải thưởng không liên quan đến Viện Hàn lâm Thụy Điển, đến bản thân giải Nobel, như tôi đã nói trong thư gửi Viện Hàn lâm. Tôi đã nêu lên trong đó hai loại lý do: lý do cá nhân và lý do khách quan.

Những lý do cá nhân là như sau: sự từ chối của tôi không phải là hành động bốc đồng, tôi luôn khước từ mọi sự biệt đãi chính thức. Sau chiến tranh, năm 1945, khi người ta định trao cho tôi Bắc đẩu Bội tinh tôi đã từ chối, mặc dù tôi có những bạn bè trong chính phủ. Cũng vậy, tôi không bao giờ muốn vào Collège de France (Pháp quốc Học viện), như một số bạn bè gợi ý.
Thái độ này của tôi dựa trên quan niệm của tôi về lao động nghề văn. Một nhà văn có các quan điểm chính trị, xã hội hay văn học chỉ cần phải hành động với phương tiện của hắn, tức là lời viết ra. Tất cả những sự biệt đãi mà hắn có thể nhận sẽ gây cho độc giả một áp lực mà tôi cho là không đáng mong muốn. Tôi ký Jean-Paul Sartre hay tôi ký Jean-Paul Sartre người được giải Nobel là hoàn toàn khác nhau.
Nhà văn chấp nhận một sự biệt đãi như vậy là cũng đã nhập vào hội đoàn hay thiết chế đã vinh danh hắn: thiện cảm của tôi đối với quân du kích Venezuela chỉ liên quan đến tôi, trong khi nếu người được giải Nobel Jean-Paul Sartre ủng hộ phong trào kháng chiến ở Venezuela thì hắn sẽ kéo theo mình cả giải thưởng Nobel như một thiết chế.
Như vậy nhà văn cần phải từ chối việc biến mình thành một thiết chế, ngay cả nếu điều này diễn ra dưới những hình thức vinh dự nhất như trong trường hợp này.
Thái độ này hoàn toàn rõ ràng là của tôi và không hề có ý phê phán những người đã được trao giải. Tôi kính trọng và khâm phục nhiều người được giải mà tôi hân hạnh quen biết.
Những lý do khách quan để tôi phản đối là như sau:
Cuộc chiến đấu duy nhất hiện nay có thể diễn ra trên mặt trận văn hóa là cuộc chiến đấu cho sự cùng tồn tại hòa bình giữa hai nền văn hóa, Đông và Tây. Tôi không muốn nói rằng như thế là cần phải có sự bắt tay của chúng. Tôi biết rõ rằng sự đụng độ giữa hai nền văn hóa tất yếu sẽ có hình thức xung đột, nhưng nó nên diễn ra giữa những con người và giữa những nền văn hóa mà không có sự can thiệp của các thiết chế tổ chức.
Tôi cảm nhận sâu sắc sự đối lập giữa hai nền văn hóa: tôi chính là sản phẩm của sự đối lập ấy. Thiện cảm của tôi hiển nhiên là dành cho phe xã hội chủ nghĩa và cái gọi là khối Đông, nhưng tôi sinh ra và được học hành trong một gia đình tư sản và nền văn hóa tư sản. Điều này cho phép tôi cộng tác với tất cả những người muốn xích gần hai nền văn hóa. Nhưng tôi hy vọng, tất nhiên, “bên tốt nhất sẽ thắng”, tức là chủ nghĩa xã hội.
Chính vì thế tôi không thể chấp nhận một sự biệt đãi nào do các thiết chế văn hóa bậc cao, cả ở Đông lẫn Tây, trao cho, ngay cả khi tôi hiểu rõ sự tồn tại của chúng. Dù cho thiện cảm của tôi là ở về phía chủ nghĩa xã hội, tôi cũng không thể chấp nhận giải thưởng Lenin chẳng hạn, nếu có người muốn trao nó cho tôi. Tôi biết rõ bản thân giải Nobel không phải là một giải thưởng văn học của khối Tây, nhưng theo cách người ta làm như vậy thì sẽ có thể đưa đến những sự kiện mà các thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển không quyết định được.
Do đó, trong tình hình hiện nay, giải Nobel về khách quan hiện ra như một sự biệt đãi dành cho các nhà văn phía Tây hoặc những người nổi loạn ở phía Đông. Người ta đã không trao nó cho chẳng hạn Neruda, một trong những nhà thơ lớn nhất ở Nam Mỹ. Người ta cũng không bao giờ nghiêm túc nói đến Louis Aragon, một người rất đáng được nhận giải. Cũng đáng tiếc là người ta đã trao giải cho Pasternak trước khi trao nó cho Sholokhov và tác phẩm xô viết duy nhất được trao lại in ở nước ngoài và bị cấm ở nước mình. Sự cân bằng này cũng có thể được xác lập theo cách tương tự nhưng theo hướng ngược lại. Trong cuộc chiến tranh Algeria, khi chúng tôi ký “Tuyên bố 121”, tôi sẽ chấp nhận giải thưởng với lòng biết ơn bởi vì đó không chỉ là vinh danh cho riêng mình tôi, mà còn cho nền tự do mà chúng tôi đấu tranh. Nhưng điều này đã không diễn ra và chỉ sau khi kết thúc cuộc chiến người ta mới trao cho tôi giải thưởng. Trong lời vinh danh của Viện Hàn lâm Thụy Điển có nói đến tự do: đó là một từ có nhiều cách hiểu. Ở phía Tây, người ta hiểu chỉ là tự do nói chung: đối với tôi, tôi nghe từ tự do có nghĩa cụ thể hơn, nó ở trong quyền có nhiều hơn một đôi giày và được ăn khi đói. Tôi cảm thấy từ chối giải thưởng ít nguy hiểm hơn là nhận nó. Nếu tôi nhận, tôi sẽ bị gán cho cái mà tôi gọi là “thu hồi một cách khách quan”. Tôi đọc bài trên báo Figaro littéraire thấy nói “quá khứ chính trị gây tranh cãi của tôi sẽ không gây hại cho tôi”. Tôi biết bài báo đó không thể hiện ý kiến của Viện Hàn lâm, nhưng nó cho thấy rõ ràng trong phái tả người ta hiểu sự chấp nhận của tôi theo nghĩa nào. Tôi coi “quá khứ chính trị gây tranh cãi” này vẫn còn hiệu lực như trước đây, ngay cả nếu tôi có sẵn sàng thừa nhận trong nhóm đồng chí của mình một số sai lầm ở quá khứ. Như thế không phải là tôi muốn nói rằng giải Nobel là một giải thưởng “tư sản”, nhưng đó là cách diễn giải theo lối tư sản mà những giới tôi biết rõ sẽ nhất định đưa ra.
Cuối cùng tôi muốn nói đến vấn đề tiền bạc: Viện Hàn lâm Thụy Điển đã đặt một gánh nặng lên vai những người được giải khi kèm theo sự tôn vinh một số tiền lớn và vấn đề này đã làm tôi khó nghĩ. Hoặc là nhận giải và dùng số tiền nhận được ủng hộ cho những tổ chức hoặc phong trào mà hoạt động được coi là quan trọng: phần tôi, tôi nghĩ đến Ủy ban Apartheid ở London. Hoặc là từ chối giải vì những nguyên tắc chung và như thế là tước đi của phong trào này một sự ủng hộ nó đang cần. Nhưng tôi tin rằng đây là một vấn đề giả. Tôi lẽ tất nhiên từ chối 250 000 couron bởi vì tôi không muốn bị ràng buộc tổ chức ở cả Đông và Tây. Nhưng đồng thời cũng không thể đòi hỏi để vì 250 000 couron mà từ bỏ những nguyên tắc không chỉ là của anh mà còn được tất cả các đồng chí của anh chia sẻ.
Tất cả những điều này đã làm cho việc nhận giải hay từ chối giải trở nên nặng nề đối với tôi mà tôi buộc phải đưa ra.
Tôi muốn kết thúc lời tuyên bố này bằng sự bày tỏ thiện cảm đối với công chúng Thụy Điển.”
(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Pháp)

Nguồn: FB Phạm Xuân Nguyên

Comments are closed.