Những trích đoạn của các anh – sách mới của Phan Thúy Hà

Thái Kế Toại

Có thể là hình ảnh về 2 người, sách và văn bản cho biết 'an Thúy Phan Thúy Hà Những tRích đoạn CỦA CÁC ANH Thúy "Pnan Phan Thú Phan Thúy Phan Thúy Phan Thúy Phan Thúy Phan Thứ Phan Thúy PN NHÀ XUẤT BẢN PHỤ NỮ VIỆT NAM'Tôi cầm cuốn sách không khỏi ngạc nhiên về sức làm việc của Hà. Sau Gia đình sáu tháng Những trích đoạn của các anh đã chào đời. Vài người thân đã nói với Hà ý định là cần chuyển hướng viết khác đi. Khác thế nào thì chưa rõ lắm nhưng cần phải khác. Bản thân Hà cũng ý thức được điều đó.

Nhưng…

Tôi làm cuốn sách này vì người lính bộ binh. Vào trận đánh, thân thể họ phải hứng chịu các loại hỏa lực của đối phương dội xuống, nhằm vào. Tôi muốn mọi người biết về họ nhiều hơn.

Cuốn sách không có câu chuyện nào. Trang nọ nối tiếp trang kia là vận động, công sự, đạn, xe tăng, pháo, người chết.

Nỗi mừng của người lính trên trận địa là có người bạn cùng quê bên cạnh, nếu mình chết, có người về nói cho mẹ biết mình đã chết thế nào.

(Lời đầu sách)

Hà vẫn vương vấn với những người lính, với cuộc chiến. Sự vương vấn về ân nghĩa. Mấy trăm trang sách là chưa đủ. Những người lính vẫn cần có người viết hộ mình, làm một cuốn sách hộ mình theo suy nghĩ của họ và bạn bè đã khuất của họ, không phải theo thứ tiểu thuyết tỉa tót.

Đó là sự khác. Đó là một cái mầm. Chắc rằng sẽ có một cái cây mới báo hiệu một cái mốc mới cho việc viết của Hà.

Vẫn là những cái chết nhưng dày đặc hơn, trần trụi, khốc liệt vì đó là ký ức của những người lính trực tiếp cầm súng đánh trận. Họ chỉ là một trong số những người may mắn sống sót trở về. Mà sự chống chọi với cái chết cũng rất khó khăn, không phải ai cũng làm được. Có sự may mắn và không may mắn nữa.

Đói ăn. Và đói đạn. Đói đạn lạnh gáy. Có súng mà đạn không còn. Súng không còn đạn, tôi tháo khóa nòng vứt đi. Nếu bị bắt thì địch chỉ bắt người, không thu được vũ khí. Nhiều anh em ném súng xuống đìa, xuống mương.

Những ngày đầu, sau mỗi trận bom là tôi lao ra nhặt xác anh em, kéo về một chỗ lấp sơ sơ. Về sau không làm được gì nữa. Chết nhiều quá. Mỗi ngày thêm chục người. Năm đứa chúng tôi co cụm trong hầm an ủi nhau. Bom thả xuống hầm, một mình tôi thoát. Ai chết phải chịu. Ai bị thương phải chịu. Không ai băng bó được cho ai. Không ai chôn được cho ai. Không ai nghe được ai nói gì nữa. Chỉ có tiếng rên, tiếng la.

Thương binh chảy máu nhiều, khát nước, bò ra sông Bồ uống nước, chết luôn ở đó. Năm, sáu xác chết cùng một chỗ, sắp tắt mặt trời, đứng trên bờ sông nhìn xuống thấy máu loãng trên mặt sông.

Lúc ra đi chúng tôi không nghĩ được rằng xuống đồng bằng rồi tất cả cùng chết ở đây.

Cho đến lúc chết chúng tôi vẫn tin rằng đang đi làm nhiệm vụ mở rộng vùng giải phóng.”

Nguyễn Đức Nhạ, tr. 145-146

Cuốn sách tàn nhẫn. Đầy rẫy sự phi lý. Về những cái chết lãng xẹt. Cả sự hèn nhát của con người. Sự thất bại, trong đó có trách nhiệm của những chỉ huy hèn nhát. Sự phung phí cần thiết con người của chiến trận cho một mục đích chiến thuật của K8. Đau xót. Nhưng đã là người lính thì phải chấp nhận cái tình thế mình đang sống, tình thế đối đầu sống chết. Chỉ có sau mấy chục năm sự việc bỗng trở thành phi lý, hư vô. Đối với người sống và cả người chết.

Đêm qua đại đội 11 thua đau. Lý do là đại đội trưởng bị miểng xước vào chân, chạy ra luôn. Chính trị viên bị dây thép gai cào vào tay vội băng trắng xóa, cũng chạy ra. Vậy là không còn ai đốc lính, các đội viên xung kích ở ngoài cũng chạy luôn. Tổ anh Diệp chiếm được lô cốt đầu cầu, trụ vững ở đó nhưng không có tổ xung kích nào vào, ném hết lựu đạn phải rút.“

Hoàng Đăng Định, tr. 196

Chính trị viên Oánh chạy ngang bãi trống, vừa chạy vừa rút khẩu K54, hô lớn: “Các đồng chí đảng viên anh dũng xông lên”. Một quả lựu đạn ném tới, Oánh nằm giẫy trong đống khói, liên lạc Giửn xốc Oánh chạy.

Đạn bắn hỗn loạn. Năng bị thương vào đầu, máu chảy xuống vai. Tôi dúi Năng vào bụi cỏ, xé áo băng vết thương. Băng xong, anh em đã vượt hết qua đường. Anh Thụ và Huy xộc đến. Tôi bàn với anh phương án vượt đường. Choác. Một quả M79. Cánh tay anh Thụ văng hết một mảng thịt, xương trắng lòi ra, máu chảy ròng. Tôi lại xé áo, bóp mạnh cánh tay băng cho anh.

Vậy là ông anh được về Bắc trước mình rồi. Vừa băng cho anh tôi vừa nghĩ.”

Hoàng Đăng Định, tr. 203

Khi xung phong đi bộ đội chúng tôi có câu “Chết xanh cỏ sống đỏ ngực”. Anh em chúng tôi có mộ đâu mà xanh cỏ và chúng tôi những người còn sống có ai đề nghị thành tích đâu mà đỏ ngực.

500 chiến sĩ đã nằm lại vùng đồng bằng. Hy sinh một bộ phận nhỏ. Thắng lợi toàn cục. K8 hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. K8 có xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng không. Ai viết thành tích cho các anh.”

Nguyễn Trọng Lượng, tr. 150

Kháng ở lại cho đến hết năm 1975 vẫn chưa được phục viên. Năm 1979 đơn vị Kháng ra Hoàng Liên Sơn, tiếp tục nhiệm vụ công binh cho đến 1986. 19 năm chiến trường, Kháng trở về cày ruộng, chế độ thương binh cũng không được vì không đủ giấy tờ.”

Nguyễn Khương Hoạt, tr. 174

Xa quê, vào bộ đội đã năm năm, không lúc nào tôi nguôi ước mơ tiếp tục học tập, đi sâu vào nghiên cứu khoa học tự nhiên.

Địa phương không đồng ý cho đi học. Họ ở nhà và quyết định cuộc đời tôi bằng những nhát chữ như thế.

Nếu còn sống sau này về làm gì. Tôi nhớ đến những đêm hành quân. Nhớ những người bạn nằm lại rừng xanh. Những người bạn không được về thực hiện ước mơ.

Vết thương lòng kia sau bao nhiêu năm tưởng đã thành sẹo nay như bị mũi dao chọc lên, khoét sâu.

Chiến tranh kết thúc, tấm thân này còn ai cần đến.”

Nguyễn Khương Hoạt, tr. 174

Tôi không muốn bình luận nhiều. Bao nhiêu ấn tượng đang thấp thoáng giữa những dòng chữ, đang chờ đến với trái tim của bạn.

Bạn hãy đọc đi.

14-7-2021

Comments are closed.