(Rút từ facebook của Sương Nguyệt Minh)
Người xưa nói rằng: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Có nghĩa là: Một ngày bị giam hãm trong tù ngục dài đẵng đẵng bằng cả ngàn thu ở bên ngoài. Ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm tù oan, thì bao nhiêu ngàn thu? Và bao nhiêu ngàn thu cho người tù xuyên thế kỷ Huỳnh Văn Nén oan sai… hơn 17 năm?
Người ta vẫn thường nói: Hạnh phúc thì có thể như nhau, chỉ có nỗi đau mỗi người một khác. Khác gì thì khác, người bị oan sai cũng đều bị bức cung nhục hình, bị đau đớn, tủi nhục, uất ức kêu trời trời chẳng thấu, kêu đất đất không hay. Đau đớn thể xác, sức khỏe hao mòn. Tổn thương danh dự, tinh thần kiệt quệ… Không bút nào tả xiết! Trong buổi các cơ quan pháp quyền công khai xin lỗi “Người tù thế kỉ”, tiếng kêu của ông Huỳnh Văn Nén lại một lần nữa thấu tận trời xanh: “Có ai trên đất nước này khổ như tôi không? Chắc không có, và tôi cũng không muốn có. Bởi cay đắng đó, dù chỉ một ngày thì cũng không ai muốn nếm trải”.
Người lớn đã khốn khổ, khốn nạn thế! Còn những đứa trẻ thơ non dại? “Vụ án vườn điều” là nỗi đau của nhiều đứa trẻ, mặc cảm, bơ vơ không nơi nương tựa vì một đại gia đình gồm 10 người bị oan rơi vào vòng lao lý. Còn các con ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, đi qua hết thời tuổi thơ cắp sách đến trường, mà các ông vẫn ngồi trong song sắt. Không chăm nom, nuôi nấng, dạy bảo, khiến con cái thất học, lam lũ, có đứa phải phiêu bạt làm thuê kiếm sống, gom góp thêm tiền cho mẹ, cho người ông già gần 90 tuổi đi gõ cửa pháp luật… kêu oan. Một người bị oan, cả gia đình, dòng họ khốn khổ cả miếng cơm manh áo, sống trong thị phi, coi thường, khinh bỉ của miệng lưỡi thế gian. Thực tế, đã có nhiều đứa con bị ế vợ, ế chồng chỉ bởi cha hoặc mẹ vào tù, dù là bị tù đúng hay oan. Hệ lụy khôn lường!
Cứ tưởng sau “Vụ án vườn điều” 10 người trong 1 gia đình bị 7 năm tù tội sẽ không còn vụ án oan sai nào nữa. Nhưng, lại thêm ông Nguyễn Thanh Chấn tù oan 10 năm được trả tự do làm rúng động dư luận. Tưởng là trời thương dân lành sẽ chấm hết mọi chuyện đổi trắng thay đen! Bây giờ thêm một người tù oan nữa phải chịu hơn 17 năm trong vòng lao lý khiến dư luận xã hội bàng hoàng. Liệu đã có (mà chúng ta không hề biết), hoặc sẽ có thêm một Huỳnh Văn Nén nữa không? Ngàn lần không mong chuyện đó xảy ra! Song chúng ta hãy tưởng tượng: nếu một lương dân bị đẩy vào vụ án oan sai nào đó đã chết ở bên trong song sắt nhà tù, hoặc đã thi hành án tử, thì nỗi oan… ngất trời. Mãi mãi là người xấu, không được trả lại danh dự. Ông Huỳnh Văn Nén dù chất chồng đau đớn, đắng cay, tủi nhục… vẫn còn may hơn so với người xấu số chưa được minh oan?!
Xét đến cùng mọi sai lầm hay thành công, hạnh phúc hay khổ đau cũng do… con người tự gây ra, hoặc mang tai họa cho người khác. Các vụ án oan sai, điển hình là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén cũng đều do con người mang đến, chứ chẳng có thần thánh, trời đất hay tai ách rủi ro bất chợt. Đại văn hào Balzac nói rằng: “Luật pháp là mạng nhện mà ruồi lớn thì bay qua, còn ruồi con thì mắc kẹt.” Con người làm ra hệ thống pháp luật, đôi khi luật pháp hoặc việc thi hành cũng bị lỗi. Nỗi oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, và Huỳnh Văn Nén là do con người cụ thể tiến hành tố tụng gây ra. Họ là người ở cơ quan tố tụng: điều tra, kiểm sát, tòa án… áp dụng pháp luật, thực thi nhiệm vụ được giao.
Nguồn cơn nào mà các vị gác cửa pháp luật đã đẩy những lương dân vào tù ngục?
Con người nói chung là thích được khen. Trong nghề nghiệp, khen đồng nghĩa với có thành tích. Làm nhanh, phá án nhanh sẽ được khen thưởng, có thành tích sẽ làm đẹp báo cáo tổng kết, mới có cơ hội lên cấp lên chức. Chính cái bệnh thành tích đang tràn lan dẫn đến bỏ lọt chứng cứ, làm ẩu, làm sai lệch hồ sơ… khiến người vô tội phải ngồi đếm lịch mà không biết kêu ai. Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp – Trưởng khoa Kiểm sát, Học viện Tư pháp nói rằng: “Một số trường hợp họ rất tắc trách, cẩu thả, cửa quyền, chạy theo bệnh thành tích, muốn nôn nóng lập chiến công để được khen. Ví dụ như điều tra viên Cao Văn Hùng trong vụ ông Huỳnh Văn Nén. Ông Hùng được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng khen vì phá được cả hai vụ án. Việc điều tra nhanh gọn, đánh án thắng lợi để lập thành tích trong trường hợp này dẫn đến làm oan ông Nén. Khi làm việc, họ chưa biết đau nỗi đau của người dân mà chỉ nhìn một phía”.
Người tiến hành tố tụng chạy theo thành tích, quyết lập chiến công thì bao giờ cũng là kẻ có trình độ năng lực yếu. Các luật sư trong vụ án ông Huỳnh Văn Nén, đã chỉ ra rất nhiều mâu thuẫn mà cả điều tra viên, kiểm sát viên đều chưa đề cao tinh thần trách nhiệm, thái độ nghề nghiệp tắc trách, qua loa, đẩy người lương thiện ra trước vành móng ngựa. Năng lực điều tra viên, kiểm sát viên yếu thì xảy ra nôn nóng, khi phải chịu áp lực kết thúc vụ án sẽ dẫn đến… nhục hình, ép cung người vô tội. Bà Nguyễn Thị Nhung đang bệnh ung thư, bị tình nghi chủ mưu giết bà Dương Thị Mỹ trong “Vụ án vườn điều” chìa đôi bàn tay với các ngón bầm dập, oan ức khóc kêu với nhà báo Vũ Đức Sao Biển: “Họ dùng giày giẫm lên, tôi phản cung thì kiểm sát viên bảo điều tra viên đánh”. Người vô tội đau đớn quá, đành phải nhận tội ác mình không gây ra, và coi đó như một chứng cứ tin cậy để hoàn chỉnh hồ sơ rồi… tuyên án. Theo luật sư Bùi Đình Ứng thì: “Bộ luật hình sự quy định “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”. Luật thì như thế, nhưng khi thực thi thì lại “lấy lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ buộc tội””.
Trình độ năng lực yếu, chạy theo thành tích thì cũng vô cảm với nỗi đau khốn khổ của đồng loại. Nhà báo Vũ Đức Sao Biển là một người theo dõi “Vụ án vườn điều” và bảo vệ cho người bị oan. Ông vào bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, gặp bà Nhung đang bị tình nghi giết người, bà thở không ra hơi, thều thào cầu cứu: “Minh oan cho tôi, nhà báo. Tôi oan.” Ba ngày sau, ông biết tin người đàn bà tội nghiệp ấy chết tức tưởi trong nỗi oan chưa giải. Con chim sắp chết hót tiếng kêu thương. Con người trước lúc chết cất lời nói phải. Những tiếng kêu oan ức, đau đớn của người vô tội đâu có lay động tâm can những điều tra viên, kiểm sát viên vô cảm.
Trong thế giới thiên nhiên, cỏ dại nhiều nhưng hoa tươi đẹp trái ngọt bùi cũng lắm. Cuộc sống dù khó khăn bầm dập, dù có kẻ xấu ác, nhưng không phải đã hoàn toàn bất lực, tuyệt vọng vì quanh ta vẫn còn rất nhiều người tốt. Còn người tốt là còn sự thật, mà sự thật bao giờ cũng làm nên chân lý. Chúng ta mong trại giam có thêm nhiều tù nhân dũng cảm đứng lên bảo vệ sự thật như anh Nguyễn Phúc Thành. Anh ấy biết ông Huỳnh Văn Nén không phải là kẻ giết người. Lương tâm giày vò, cắn rứt, thúc giục anh viết đơn tố cáo hai người bạn ân oán giang hồ là thủ phạm chính của vụ án. Anh ấy khảng khái, đầy khí phách nói với nhà báo Vũ Đức Sao Biển: “Cháu kể chú nghe chuyện cháu thấy, nó không khác gì cái đơn cháu đã viết, chú cứu giùm ông Nén. Cháu một lời vậy thôi, không đổi ý”. Không đổi ý! Người tù có lương tâm Nguyễn Phúc Thành cũng nói lên sự thật như lời biết ơn giám thị: “Rất may là có giám thị trại giam đã động viên tinh thần, bảo vệ cho tôi”. Ông giám thị này đã fax đơn tố cáo kẻ giết lên cấp trên. Giải nỗi oan của tù nhân Huỳnh Văn Nén được cộng hưởng từ lương tâm và trách nhiệm của người giám thị ấy.
Còn thầy giáo Nguyễn Thận không thân thích ruột rà với người bị hại, cũng chẳng mâu thuẫn với kẻ bị tố cáo…, đã để nhà cửa, con cái cho vợ trông nom, cơm đùm cơm nắm, hơn chục năm trời đi gõ cửa quan kêu oan cho người tù oan. Được trở về với đời thường, ông Huỳnh Văn Nén bất ngờ với kho lưu trữ hàng ngàn trang giấy tờ, tài liệu pháp lý đồng hành cùng ông Nguyễn Thận suốt quá trình đi tìm sự thật. Ông Thận như ông Bụt giữa đời thường, như nhân vật cổ tích thời hiện đại.
Còn các luật sư: Trần Vũ Hải, Phạm Hồng Hải, Bùi Đức Trường, Bùi Quang Nghiêm, Phạm Công Út, Lê Minh Nhân, Nguyễn Quynh… “cùng làm kiến nghị, phân tích pháp lý để yêu cầu trả tự do cho Huỳnh Văn Nén”. Có người bào chữa miễn phí cho người tù oan. Qua các vụ án oan sai này, tiếng nói giới luật sư được xã hội tin cậy, nể phục hơn.
Còn các nhà báo chính trực, can trường ngòi bút sắc chưa bao giờ biết mỏi, không biết cùn vì công lý. Hàng trăm nhà báo viết hàng ngàn tin bài phân tích, chỉ ra những mâu thuẫn trong hồ sơ; có những bài báo vừa tươi mực in được đưa đến tận tay đại biểu Quốc hội. Và dư luận xã hội cùng cất tiếng bảo vệ sự thật, bảo vệ người bị tù oan. Đó là sức mạnh tổng hợp đấu tranh với bất công ngang trái, để lẽ phải hiên ngang dưới ánh mặt trời.
Publilius Syrus – nhà châm ngôn Latin từ thế kỉ thứ 1 trước Công nguyên đã viết rằng: “Quan tòa bị kết án khi tội nhân được xóa tội”. Người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén dù sao cũng chịu những đau đớn, đắng cay, tủi nhục trong tù ngục, chẳng ai muốn thêm người nào phải chịu vòng lao lý. Nhưng, mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Chẳng thể để những kẻ lĩnh lương được giao cầm cán cân công lý, khoác áo pháp luật đẩy người dân đen vô tội vào bị kịch “tấn trò đời”, mà cứ nhởn nhơ sống trên đau khổ của lương dân “Oan ức một ngày, thì có thể tiêu tan cả đời”, các vị gác cổng, thực thi pháp luật trước khi phán quyết hãy cân nhắc suy tư không chỉ bằng lý trí, pháp lý, mà còn phải đánh cược bằng cả lương tri con người mình nữa.