Trần Doãn Nho
Nhờ một ít kinh nghiệm về sách vở khi còn ở Việt Nam, chàng được nhận vào làm việc tại một thư viện trường trung học khi đến định cư ở Hoa Kỳ. Mê sách, mê đọc, lại cần cù và chịu khó đi học, sau đó, chàng được tuyển dụng vào một thư viện đại học, phụ trách phân loại,và sắp xếp sách báo lên giá (shelver) và trông coi phần sách báo tiếng Việt. Đó là một tòa nhà tám tầng, lưu trữ sách báo khoa học nhân văn, nằm trong một hệ thống gồm nhiều thư viện khác nhau. Từ thư viện trường thu gọn trong một phòng học chứa vài ngàn đầu sách (mà chàng gần như thuộc lòng), vừa đến đây, chàng cảm thấy mình như bị ném vào một vùng biển lớn. Cũng là cao ốc như mọi cao ốc khác, nhưng nhìn từ bên trong, mọi sức nặng của nó nằm trong các kệ sách dài có đến hàng trăm, thậm chí cả ngàn cây số, đủ để chứa hàng triệu cuốn sách. Phục vụ cho nó là cả một “đạo quân”: không chỉ là một bộ sậu quản lý điều hành và các nhân viên thư viện mà còn gồm cả những kế toán viên, những sinh viên làm bán thời gian, những nhân viên phụ trách máy vi tính rồi nhân viên an ninh, thợ mộc, đầu bếp…
Ngày hai buổi, chàng chẳng biết gì ngoài những gáy, những bìa, những tựa, những năm tháng, những ngôn ngữ, những loại, hạng, những tên, những tấm thẻ. Ghi, chép, phân loại, bê lên giá, bỏ xuống kho. Chỉ toàn là sách và sách. Rốt cuộc, chàng đồng hóa với sách. Làm việc thấy sách đã đành, ăn chàng cũng thấy sách, ngủ cũng thấy sách, đi chơi cũng thấy sách. Chả thế mà chỉ một thời gian ngắn sau, chàng thực thụ trở thành “anh chàng sách” – a book guy -, tục danh mà tay trưởng phòng gán cho bức The Librarian[1] của Giuseppe Arcimboldo. Không xương không thịt, không tóc tai, máu huyết. Sách. Sách. Sách. Đầu sách, tay sách, bụng sách, ngực sách, mắt sách, tóc sách. Sách lớn sách nhỏ sách vừa sách dày sách mỏng. Bìa sách nào trông cũng cứng cát, khỏe mạnh và vững chải y như để bảo vệ một cách nghiêm túc những gì chứa trong đó. Hàng ngày, nhìn bức The Librarian phóng lớn treo ngay trước phòng nhân viên, chàng cảm thấy nó chẳng khác gì tấm gương soi chính mình.
Đi lui đi tới trên những tấm đá hoa cương mòn nhẵn vết chân người, đi lên đi xuống những cầu thang xoáy vào lòng của cao ốc, đi ngang qua hàng hàng lớp lớp những khối giấy bất động, chàng có cảm giác rằng mọi điều hiện hữu ở bên ngoài đều được phản ảnh vào trong những vật thể vô tri vô giác này. Bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào, bất cứ chuyện gì, dù hay dù dở, dù đáng đọc hay đáng vứt vào sọt rác, tất cả đều được quyền có mặt ở đây một cách bình đẳng. Nào là hàng ngàn tiểu thuyết được in ở Butan năm 1983, nào là hàng trăm tạp chí xuất bản ở Trung Hoa năm 1949, nào là hàng chục sách trẻ em được in ở Iran năm 1981, nào là vài thi tập được ra mắt ở Ghana năm 1958. Thú vị nhất là có khá nhiều sách báo Việt Nam. Không những tài liệu bằng chữ quốc ngữ mà còn tài liệu chữ Hán, và cả những tài liệu viết bằng chữ Nôm. Chàng thấy gần nguyên cả bộ Nam Phong tạp chí, xuất bản từ đầu thế kỷ 20, tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, bản “photocopy” các số tạp chí Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Rồi sách báo của hai miền Nam Bắc. Từ nhật báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, tạp chí Cộng Sản, tạp chí Học Tập, Nhân Văn giai phẩm… cho đến công báo Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí Bách Khoa, Văn, Quê Hương, lại có cả một số các nhật báo như Sóng Thần, Chính Luận, Điện Tín. Chàng ngạc nhiên khi nhìn thấy những ấn bản đầu tiên của tạp chí Mùa Lúa Mới, xuất bản ở miền Trung vào năm 1956. Và cà những tờ nội san của đại học Đà Lạt hay là một Bản Tin của Viện Đại Học Huế, ngày tháng đề từ năm 1958.
Hình thể sách báo thì hao hao, cuốn nào cũng như cuốn nào, nhưng những gì chứa đựng lại hoàn toàn khác nhau. Mỗi cuốn là một thế giới. Chúng xa lạ nhau, đôi khi tương phản nhau và phủ định lẫn nhau. Ấy thế mà chúng nằm bên nhau, chung sống hòa bình. Một hòa bình lặng lẽ và an phận. Người ta thu gom tất cả những gì được viết ra bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà dường như không cần biết sẽ có ai sờ đến chúng không. Tất cả đều được trang trọng xếp lên giá, chễm chệ nằm yên đó, chờ đợi…
Ông mê sách như người mê đồ cổ. Nghe ở đâu có sách quý là ông tìm tới dù có phải tốn kém tàu xe và phải bỏ ra cả một món tiền lớn để “rước” người có nhan như ngọc đó về, ông cũng dám chơi một phen cho thỏa chí. Như cuốn Tự vị của Paulus Của, nghe đâu như là ấn bản đầu tiên của một ông cụ nào đó bắc bực làm cao đến tận giời, ông tôi đã phải lặn lội vào tận xứ Thủ Dầu Một xa lắc xa lơ để mua cho bằng được. Công cuộc mua quyển sách đó, chẳng những khiến ông mất đến mấy chỉ vàng, mà còn ốm một trận thừa sống thiếu chết.
Cuốn sách cũ đến nỗi như đã ngàn năm tuổi. Còn hơn một người chơi đồ cổ, ông tôi lại phải tốn thêm một món tiền và nhất là tốn rất nhiều thì giờ để nài nỉ và kiên nhẫn ngồi chờ anh thợ đóng sách đóng lại giùm. Lúc này quyển sách đối với ông như một con bệnh thập tử nhất sinh và anh thợ đóng sách cứ như một bác sĩ. Khi anh thợ tháo bung sách ra, ông đau nhói như thể gan ruột của mình cũng bị lôi ra như thế. Ông hồi hộp theo dõi từng mũi chỉ khâu, nín thở xem anh ta cắt xén, làm bìa. Cho đến khi sách được làm mới một cách khỏe mạnh, xinh đẹp, ông ôm quyển sách trước ngực như một người mẹ ôm đứa con bé bỏng vừa được bác sĩ cứu sống. Ông hết lời cảm ơn anh ta, đưa cho anh một tờ tiền lớn và hào phóng không nhận tiền thối lại. Đem quyển sách về nhà, ông lại mất cả buổi ngồi ngắm đến nỗi quên cả bữa cơm khiến bà tôi phải giục.[2]
Số lượng sách tuôn vào thư viện không hề ngưng. Và mỗi ngày mỗi nhiều. Chàng nghĩ: có lẽ nhu cầu sách báo của nhân loại là vô giới hạn. Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ mỗi ngày nhập vào hàng ngàn cuốn sách mới, thêm vào hàng trăm triệu cuốn có sẵn nằm trên những giá sách dài đến gần vài trăm dặm. Đó là chưa kể bao nhiêu tài liệu tích trữ trong máy vi tính, rồi máy fax, máy sao chép và hàng tỷ trang trên mạng lưới điện toán toàn cầu. Thư viện chàng làm nhỏ bé hơn, nhưng không có ngày nào là không có đầu sách hay tờ báo mới. Không đủ giá thì xây thêm hoặc chất vào kho lưu trữ. Có vào và có ra. Sách vào sách ra như những đợt thủy triều, lúc lên lúc xuống. Có người ví von các đợt sách vào sách ra ở đây như hơi thở của thư viện. Cứ vào đầu mỗi kỳ, thư viện thở ra sách như những đám mây vần vũ, đến cuối kỳ, nó lại hít sách vào. Ngày xưa, vào thế kỷ 18, một người làm thư viện, như một nhân vật trong “Old Librarian’s Almanack”[3], trong khi chùi bụi cho những kệ sách mà anh ta phụ trách, đã giành thời gian để đọc hết từng cuốn sách một. Đến cuốn sách cuối, anh ta lại đọc lại từ đầu. Ngày nay thì nội số sách báo nhập vào hàng ngày, đọc cả tháng, không chừng cả năm, chưa hết.
Ngoài giá sách là kho chứa. Đó là một thế giới khác. Sách trên giá là sách thức, sách trong kho là sách ngủ. Chúng chất chứa vô số những tài liệu thuộc về nhà nước, nơi ta có thể tìm thấy những văn kiện được ban hành cách đây cả mấy thế kỷ hay các tài liệu thống kê dân số ghi rõ có bao nhiêu nhà của thổ dân làm bằng bùn và rạ ở tiểu bang Maryland, hay có bao nhiêu người thợ đan rổ hay thợ thuộc da trong mỗi một ngôi làng ở đâu đó ở một tiểu bang miền Nam. Có kho chứa hàng đống tài liệu kịch nghệ với khổ to một cách lạ thường hay những thùng đựng các tài liệu viết tay đâu hồi thế kỷ 18. Lại cũng có tài liệu bất ngờ như những tạp chí thân Đức Quốc Xã xuất bản ở Hoa Kỳ trước và ngay trong Đệ Nhị Thế Chiến, tuyên truyền chống di dân, chống Do Thái. Tóm lại, đó là những gì đã đi vào quên lãng. Nhưng nó không có quyền mất. Thiếu chúng là nhân loại thiếu đất đứng. Vì thế, chúng phải hiện hữu, dù là một hiện hữu vô tích sự.
Có lần, chàng đi xuống kho chứa, lục tìm tài liệu cho một học giả đến từ Ấn Độ. Nhìn thấy tài liệu, chàng ngẩn ngơ. Đó là cuốn “Polyanthea” của Nani Mirabelli, xuất bản từ năm 1503 ở Savona nước Ý, lược ghi các tác giả thời trước đó. Đây là một trong những cuốn sách in đầu tiên, sau khi Gutenberg sáng tạo ra máy in vào năm 1452. Sách được in ra từng trang rời, có ghi ký hiệu để phân biệt số thứ tự. Người mua mua từng trang in rồi đến người thợ đóng để đóng lại thành tập, dày mỏng hay đẹp xấu tùy theo sở thích và túi tiền của khách. Các sinh viên thì không đóng sách, mà chia nhau giữ từng trang để giảm bớt chi phí, rồi trao đổi nhau.[4] Những cuốn sách như thế chỉ để nhìn. Chẳng ai dám mạnh tay cầm giữ. Làm thiệt hại nó là làm thiệt hại lịch sử. Vì nó chính là lịch sử.
Những lúc rảnh rỗi khá hiếm hoi, chàng đi dọc theo các lối đi, giữa hai hàng giá sách, lắng nghe sự im lặng, lắng nghe mùi bụi, mùi giấy, có khi là mùi mốc và cả mùi… lịch sử. Chao ơi, những chiếc gáy sách, cái dày cái mỏng, cái chữ vàng cái chữ đen, rất nhiều gáy sách chữ đã mờ, không thể đứng mà đọc được, nằm kề nhau, ôm ấp nhau, dựa nhau, gắn bó với nhau, kệ trên kệ dưới y như thế số phận chúng mãi mãi là như thế! Có những bộ tự điển bách khoa chiếm hết nguyên một dãy kệ dài. Kia là Lenin toàn tập, nọ là là tự điển chữ Phạn và những kinh sách viết bằng Phạn ngữ, cuốn nào cuốn nấy dày cộm. Mở chúng ra, chữ nghĩa loăn quăn, chi chít. Biết bao là công trình tim óc, biết bao là tri thức tích chứa! Dở ra mà nhìn là đã thấy hoa mắt, nói gì đến chuyện viết, chuyện đọc. Chàng bần thần nghĩ đến những con người đã cống hiến hết đời mình để chúng ra đời và tồn tại và hiện diện ở đây y như thể chúng có một đời sống riêng, chẳng dính líu gì đến họ. Sức nặng của chúng không phải sức nặng của một khối vật chất mà là sức nặng của một thứ chẳng có chút trọng lượng nào: chữ.
Đôi khi cầm một một cuốn sách trên tay, chàng phân vân không biết là đang cầm một vật thể hay cầm một phi vật thể. Là sinh vật hay tử vật.
Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y hàng bao nhiêu thế kỷ tài học, y chỉ lo mai mốt đây, ông Huấn bị hành hình thì cái thèm muốn kia chỉ là một cái mộng…
(…) Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột và gián. Trong một không khí khói tỏa như đám cháy, ánh sáng đỏ ngòm của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ (…) Một tên tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Tên tử tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.[5]
Hôm đó, không ngủ được, chàng thức dậy sớm. Tháng năm, chưa tới năm giờ mà trời đã sáng tưng. Mắt nhắm mắt mở, vừa phóc xuống giường là bật ngay computer. Màn hình trắng xóa, không có gì. Lại có vấn đề? Không sao. Vào phòng tắm, rửa vội mặt mày. Trở lại phòng. Màn hình vẫn trắng. Tắt, mở lại. Vẫn thế. Chàng lầm bầm, bực bội. Cái vật thể chiếm chỉ một góc nhỏ của chiếc bàn đó, nó cho ta đủ thứ trên đời. Lúc nào nó có vấn đề là y như ta đánh mất cả thế giới.
Đang loay hoay dây nhợ, nút bấm để tìm xem nó hỏng hóc ở đâu thì tiếng bà vợ đâu đó ở phòng bên léo nhéo anh ơi anh ơi, qua đây nhanh lên, nhanh lên, xem cái gì thế này. Chàng chạy vội qua. Vợ chàng đưa cho chàng một chiếc hộp nhỏ:
– Anh xem nè, chiếc hộp chẳng còn một chữ nào cả. Kỳ cục không. Chính em vừa mới mua nó hồi khuya. Cái hộp phấn này, anh xem, toàn giấy. Không có chỉ dẫn cách dùng thì sao mà dùng đây.
Chàng cầm chiếc hộp lên xoay quanh, người bỗng rợn tóc gáy. Chiếc hộp chỉ toàn là những giải màu. Tuyệt không có một chữ nào.
– Em lấy những chiếc hộp khác cho anh.
Nàng chạy tới tủ thuốc.
– Sao kỳ cục thế này, nàng la lên, sửng sốt.
Chàng chạy lại. Lôi hết hộp thuốc này đến hộp thuộc khác, lớn, nhỏ, vuông, tròn, cao thấp, tất cả đều trống không. Không có chữ. Chàng ném từng hộp xuống sàn nhà. Chạy về phòng, mở computer lên. Mà hình vẫn trống không, chỉ là một tấm kính vòng cầu đầy những hạt li ti nhảy nhót loạn xạ. Chàng đến tủ sách, lật tung chồng báo, xô hết sách xuống. Cũng như những chiếc hộp, tất cả sách, báo bây giờ chỉ là giấy. Chàng lật hết cuốn này đến cuốn khác. Trống không. Không có chữ. Nhìn quanh phòng. Nhừng tờ giấy dán trên đó cũng trống không.
Chàng gọi điện thoại đến thư viện, gọi người này người nọ. Chàng gọi lung tung. Cũng như chàng, mọi người đều không tìm thấy chữ.
Chữ đâu rồi? Chữ đâu rồi? Chữ đâu rồi? Chàng la lên với chính mình, giọng vô cùng kích động. Chữ, ký hiệu bình thường và thân quen biết bao! Những chữ cái, chữ in hoa, chữ in thường, những câu, những đoạn, những dòng, những trang, những dấu chấm phẩy, những hỏi, ngã…Đi đâu chàng cũng thấy chúng, nhìn đâu chàng cũng gặp chúng, cầm cái gì lên, chàng cũng đọc chúng. Nhìn và đọc, đôi khi đọc chỉ để mà đọc, đọc rồi quên. Chữ như một thứ hàng hóa thừa mứa không ai dùng, để rơi vãi khắp nơi. Bây giờ, những ký hiệu lúc nhúc đó bỗng nhiên không còn nữa. Những tờ giấy vẫn còn đó. Màn hình vẫn còn đó. Tủ sách vẫn nằm đó. Những bảng chỉ đường vẫn còn đó. Những tấm bảng quảng cáo vẫn còn đó. Các hình vẽ vẫn còn đó. Đường sá, nhà cửa, ngã ba ngã tư nhà cao tầng nhà trệt…vẫn còn đó. Sạp báo, tiệm sách vẫn còn đó. Cả cái thế giới quen thuộc vẫn quen thuộc, không có gì thay đổi. Nhưng nhìn quanh nhìn quất nhìn tới nhìn lui, chàng cảm thấy ngỡ ngàng và hoảng hốt. Và mất phương hướng. Chàng không thể tìm thấy số điện thoại hay tên của những khách hàng, những người quen. Ra đường, không biết đường nào là đường nào. Chỗ nào là nơi bán bánh mì, chỗ nào là sạp báo. Chỗ nào là trường học. Chỗ nào là bệnh viện. Các chữ STOP trên các ngã ba, ngã tư cũng biến mất, chỉ còn trơ lại những tấm sắt hình tròn hay hình tam giác ngơ ngác.
Thiệu phân phát xong rồi, Quách Ðồ tiến lên nói:
– Nay Minh công lấy đại nghĩa mà đánh Tào Tháo. Vậy phải làm hịch loan truyền trong nhân dân, hài tội của Tháo, làm cho rõ cái lẽ khiến ta khởi binh, để cho danh chánh ngôn thuận thì mới có thêm uy lực.
Thiệu nghe lời, sai viên thư ký Trần Lâm thảo tờ hịch.
“…Hiện nay nhà Hán suy vi, cương duy lỏng lẻo, Thánh triều không có một người nào giúp, tay chân như bị trói, không thể nào vùng vẫy được. Ỷ đất trực thuộc triều đình, những vị giản luyện đều phải cúi đầu xếp cánh, không thể trông cậy vào ai. Tuy có kẻ sĩ trung nghĩa, nhưng bị loạn thần bạo ngược hiếp chế, thì còn phát triển khí tiết của mình làm sao? Hơn nữa, Tháo nó sai hơn bảy trăm tinh binh tay chân ngày đêm vây kín cung khuyết, ngoài mặt giả làm quân túc vệ, kỳ thực là giam cầm nhà Vua.
Mạc phủ sợ rằng cái mầm phản nghịch từ đó mỗi lúc một nẩy nở thêm, lúc này là lúc kẻ trung thần phải đem gan óc báo đền, là cơ hội để các liệt sĩ lập công báo quốc. Há chẳng nên cùng hết sức ru? Tháo nó lại hay giả thác chiếu Vua, sai đi gọi binh các nơi tiếp viện. Sợ rằng các châu quận ở xa không rõ mưu gian, lại tưởng rằng lệnh Thiên Tử thực mà giúp lầm kẻ nghịch, thì hóa ra theo giặc phản Vua, mất hẳn danh nghĩa, để tiếng cười cho thiên hạ sau này. Vậy mà những bậc khôn ngoan ắt không làm như thế! Nay mai quân Tinh, U, Thanh, Ký, bốn châu cùng tiến. Thư đưa tới Kinh Châu mời cùng ra binh với Kiến Trung tướng quân hợp làm thanh thế. Các châu quận hãy chấn chỉnh nghĩa binh, liên lạc với nhau nơi cảnh giới, thị vũ dương uy, cùng khuông phò xã tắc, thế là cái công phi thường đã rõ rồi vậy. Ai lấy được thủ cấp Tào Tháo sẽ được phong Hầu năm mươi vạn hộ, thưởng tiền năm mươi vạn. Những Thiên, Tỳ, Tướng, Hiệu và ai đem quân đến hàng, đều không bị hỏi han gì cả. Ta sẵn sàng mở rộng đường ân tín, ban thưởng tuyên dương cho ngay. Nay làm tờ hịch này bố cáo khắp thiên hạ, để bốn phương biết rằng Thánh triều đang bị cái nạn câu thúc nguy cấp!”
Tờ hịch truyền lan tới Hứa Ðô, bấy giờ Tào Tháo đang bị cảm gió nhức đầu, nằm trên giường dưỡng bệnh. Tả hữu đem vào trình, Tháo xem xong, rợn tóc rùng mình, mồ hôi ra như tắm, bất giác thấy hết nhức đầu, ngồi phắt dậy, nhảy xuống đất…[6]
Chưa hết.
Gần trưa, trong lúc đang ngồi ăn, bỗng nghe tiếng vợ chàng gọi thất thanh từ trên lầu hai:
– Anh, lên đây, lên mau.
Chàng bỏ chén bát chạy vội lên lầu. Vợ chàng đang cầm cây viết nguyên tử, chỉ mảnh giấy trắng:
– Em muốn viết mấy dòng gửi đi mà không thể viết được.
Chàng giật lấy cây bút trên tay nàng, thử viết tên họ mình.
Lạ thay, ngòi bút không theo ý chàng. Những gì tuôn ra từ đó chỉ là những vạch ngang vạch dọc, những đường cong queo không ra bất cứ hình thù gì. Y như thể hồi bắt đầu đi học, thằng bé cố hết sức vẫn không thể viết ra được chữ a, chữ b mặc dầu rất sợ bị đánh đòn. Lạ hơn nữa, càng cố gắng viết thì chàng lại càng không thể viết. Đầu óc chàng đột nhiên trống rỗng. Ý niệm về những nét chữ nhập nhòe. Nét vòng của chữ a, nét số thẳng của chữ t, nét cong của chữ c…như chờn vờn trong óc nhưng lại không thể viết ra được. Dường như giữa hình ảnh có trong đầu không liên hệ gì với ngòi bút và những đường nét vạch ra trên giấy.
Cuối cùng, chịu thua, chàng ném cây bút xuống, vò đầu bứt tai.
Không những chữ đã biến mất.
Mà con người cũng mất cả khả năng viết ra chữ.
Thôi Trữ truyền cho quan thái sử Bá vào chép sử là Tề Trang công bị bệnh sốt rét mà chết . Quan thái sử Bá không nghe, chép vào thẻ rằng:
– “Ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ, Thôi Trữ giết vua là Quang” .
Thôi Trữ nổi giận, giết thái sử Bá. Thái sử Bá có ba người em là Trọng, Thúc, Quí . Trọng lại chép như trước. Thôi Trữ lại giết đi. Thúc cũng chép thế. Thôi Trữ lại giết. Quí lại chép như vậy. Thôi Trữ cầm lấy cái thẻ mà bảo Quí rằng:
– Ba anh mày đều chết cả, còn mày không sợ chết à ? Nếu mày chịu chép khác đi thì ta tha chết cho.
Quí nói:
– Chép đúng sự thực là chức phận của người làm sử, nếu trái chức phận mà sống thì chẳng thà chết còn hơn! Ngày xưa Triệu Xuyên giết Tấn Linh công, quan thái sử là Đổng Hổ cho rằng Triệu Thuẫn là chính khanh mà không biết trị tội quân giặc, bèn chép rằng: “Triệu Thuẫn giết vua là Di Cao” thế mà Triệu Thuẫn không lấy làm quái. Thế thì biết chức phận của người làm sử không thể bỏ được! Nếu tôi không chép, trong thiên hạ tất cũng có người khác chép! Tôi không chép cũng không có thể che được sự xấu của quan tướng quốc, mà lại để cho thức giả chê cười, nên tôi liều chết mà chép, xin tướng quốc cứ tùy ý định đoạt!
Thôi Trữ thở dài mà nói rằng:
– Ta sợ nước nhà nghiêng đổ, bất đắc dĩ mà phải làm việc này! Nhà ngươi dẫu chép thẳng, thiên hạ cũng xét tấm lòng cho ta!
Nói xong, liền ném cái thẻ đưa trả Quí. Quí cầm cái thẻ đi ra, sắp đến cửa sử quán, lại gặp Nam Sử Thị, Quí hỏi đi đâu, Nam Sử Thị nói:
– Ta nghe nói anh em nhà ngươi đều chết cả, sợ bỏ mất cái việc ngày Ất Hợi, tháng 5, mùa hạ mới rồi, vậy nên ta cầm thẻ đến để chép .
Quí đưa cái thẻ của mình chép cho Nam Sử Thị xem. Nam Sử Thị mới cáo từ mà về .
Thôi Trữ lấy việc thái sử Quí chép thẻ làm xấy hổ, mới đổ tội cho Giả Thụ mà giết đi.[7]
Không phải là sự trục trặc của một người mà là sự trục trặc của loài người.
Và thế giới bắt đầu một kỷ nguyên mới: không có chữ.
Sau những ngày đầu tiên hoảng hốt và xúc động, mọi người tập làm quen với hoàn cảnh đời sống mới, đời sống của một thế giới không còn chữ.
Trước hết là sự biến mất ngoạn mục của cái được gọi là thông tin: báo chí, truyền thanh, truyền hình và internet. Không còn headline news, breaking new, hot new kéo theo những phân tích, bình luận đoán già đoán non về con người và thế giới choán hết khoảng trống trên giấy trên màn hình. Mọi chuyện, mọi sự kiện, hay nói một cách hay ho là biến cố, đều phải thông qua chữ, đều là sản phẩm của chữ. Không chữ, không chuyện. Không Tsunami Nhật tang thương, không đám cưới hoàng gia Anh ồn ào, không vùng cấm bay Lybia, không Dow Jones lên xuống ngột thở, không xì-căn-đan này (nối tiếp xì-căn-đan) kia tràn trìa trên giấy: hết ông thống đốc lấy người giúp việc đến ông thượng nghị sĩ có con với nhân viên đến ông giám đốc quỹ tiền tệ hãm hiếp cô bồi phòng đến ông dân biểu gửi hình khiêu dâm lên Internet…Và không hàng triệu triệu thứ tin tức khác hàng giờ hàng phút. Không còn những bài xã luận khen chê, nâng bi và chưởi rủa, khiến người này lên tận mây xanh còn kẻ kia thì ngụp lặn dưới bùn đen.
Trên các diễn đàn quốc hội, thiếu chữ, các ông nghị bà nghị lấp ba lấp búng nói chẳng thành câu, lắm khi câu sau chưởi vào câu trước. Diễn đàn vắng khách, những cuộc cải vả liên tu bất tận về thuế khoá, chiến tranh, hòa bình, lợi tức, an ninh quốc gia, thâm thủng ngân sách chấm dứt. Không còn những văn bản lập quy chi chít chữ đóng thành từng kho tài liệu chất như núi.
Các trường học đóng cửa. Lúc đầu, các cô các cậu trẻ tuổi ngỡ ngàng vì bỗng dưng không được cắp sách đến trường để gặp thầy cô gặp bạn bè, không còn được thấy bảng đen phấn trắng, không còn có chỗ để được nhọc nhằn trong nơm nớp ngóng đợi tương lai. Nhưng rồi các cô các cậu đâm ra vui mừng. Họ cảm thấy bỗng nhiên được giải thoát khỏi một nhiệm vụ bực mình: đầu tư cho tương lai. Họ khỏi cần phải đợi đến lúc “sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết/đàn chim non hớn hở rủ nhau về/chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê/ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ”. Họ tự do, hoàn toàn tự do. Họ sống. Cuộc sống tự nó chứa mầm mống của tương lai, chẳng cần phải nhọc lòng đầu tư để tính lời tính lỗ.
Nhưng sung sướng nhất là các cháu thiếu nhi. Vừa rời vú mẹ, đang tuổi ham ăn ham chơi, bỗng dưng bị ép phải đến căn phòng gọi là lớp, ngày hai buổi nhọc nhằn cắm cúi vạch những đường ngang nét dọc gọi là chữ, thứ hình vẽ chẳng ăn nhằm gì đến nhu cầu hàng ngày của chúng.
Tòa án đóng cửa. Nhà tù đóng cửa. Các cơ quan an ninh đóng cửa. Không hồ sơ lưu trữ, không giấy tờ tài liệu, các công bộc của dân không biết mò vào đâu để truy cứu một tên tội phạm hay làm sáng tỏ một vụ phạm pháp. Các viên chức anh ninh ngỡ ngàng khi khám phá ra một điều lạ lùng: một người bỗng nhiên như mọi người. Không có ai khác với ai. Y như khi nhìn một đàn cá bơi dưới biển hay một đàn kiến bò trên sân: một con như mọi con, mọi con như một con. Ông chánh án A thì cũng như ông đạp xích lô B cũng như mụ bán hàng rong C cũng như thằng cướp nhà băng X. Ông gác tù cũng như tù.
Không chữ, xã hội đánh mất ký ức của mình. Ký ức vốn là một gánh nặng vô tình. Đánh mất ký ức là trút đi bao nhiêu phiền lụy. Mọi người trở nên vô căn, vô danh, vô lý lịch. Lúc đầu, người ta bực mình vì không thể biết được quá khứ của nhau để thẩm định giá trị của mỗi người, nhưng rồi sung sướng vì từ nay, ai cũng trong sáng, không còn lý lịch đen lý lịch đỏ. Không tên không tuổi. Mang một cái tên, sở hữu một cái lý lịch là mang cả hào quang lẫn đau khổ. Vinh trộn cùng nhục. Hoan lạc lẫn sầu não.
Những nhà thuyết giáo, những tay tu từ chuyên nghiệp lặng lẽ bỏ nghề trở về với đời sống dân dã. Thiếu chữ, họ đánh mất thứ dụng cụ đa năng, biến hóa không lường để tạo nên những lý thuyết trơn tru, những ẩn dụ hấp dẫn, những trang giấy chi chít ngôn từ dành cho những độc giả sùng tín, thích ăn chữ và nhai chữ. Kéo theo là sự vắng mặt của trò chơi chữ nghĩa qua những màn tranh cãi liên tu bất tận, có khi chí chỉ còn là những cuộc ném chữ vào mặt nhau (cho đã!).
Nhà văn nhà thơ, những hư-cấu-viên, biến mất. Mất chữ, họ không còn thứ bùa phép vạn năng để vẽ vời, bịa đặt và pha chế hiện thực. Hậu quả là: mọi thứ trong đời sống, kể cả tình yêu, trở nên trần trụi, ngổn ngang, sần sùi. Trời không còn xanh, hoa chẳng còn hồng, kỷ niệm chẳng hề ngọt ngào và đau khổ chẳng hề dằn vặt…Thiếu chữ, cũng mất luôn bâng khuâng, bồi hồi, ngang trái, dịu dàng, cay đắng, mất hết lớp sương mù phủ lên mặt ngoài của mọi sự thể.
Không chữ, đời sống trở nên đơn giản. Không có quá khứ để đào bới. Không có tương lai để âu lo. Không chữ, tình vẫn còn đó, chỉ bớt đi màu mè nhưng những dối trá, lọc lừa mất điều kiện để tăng lên. Không chữ, tinh thần bác ái giảm đi nhưng lòng căm thù khó truyền bá và phát triển. Không có chữ, lấy gì mà nung nấu và huy động tinh thần tuẫn giáo!
Không chữ, cái gọi là lịch sử đột nhiên biến mất. Y như thể nó chẳng hề hiện hữu. Không ai có thể nhân danh nó để gây chiến tranh, để duy trì bản sắc hay để bảo vệ những giá trị vốn dĩ rất mơ hồ.
Lý Tư tâu với Tần Thủy Hoàng:
Thần xin đốt tất cả các sách sử, trừ những sách sử của nhà Tần. Trừ những người làm chức bác sĩ, ai cất giấu Kinh Thư, Kinh Thi, sách vở của trăm nhà thì đều đem đến các quan thú, quan úy mà đốt đi, hai người dám bàn nhau về việc Kinh Thi, Kinh Thư thì chém giữa chợ, lấy đời xưa mà chê đời nay thì giết cả họ. Quan lại biết mà không tố cáo, thì cũng bị tội. Lệnh ban ra trong ba mươi ngày không đốt sách thì khắc vào mặt cho đi thú để xây và canh giữ trường thành.[8]
Chàng trở lại thư viện.
Toàn bộ khu đại học vắng teo. Cây cao phủ bóng trên những lối đi lạnh lùng. Vắng người, cỏ dại phơi phới vươn lên, hân hoan bò lên ghế đá, bao quanh tượng đài, phủ kín bồn hoa. Hoa chen lá, lá chen cỏ. Thiếu bóng những đứa con tìm chữ, cả khu đại học trở thành hoang hóa. Họ – có đứa từ những nơi rất xa trên địa cầu – đến đây, hy sinh mọi thú tiêu khiển của tuổi trẻ, lặn hụp trong thế giới chữ. Bước vào với một tâm hồn trong trắng, lành lặn và hồn nhiên. Sau một thời gian, bước ra với một đầu óc lúc nhúc chữ, lúc nhúc kiến thức, lúc nhúc khái niệm. Họ bắt đầu nhìn cuộc sống với một cái nhìn đầy nghi hoặc và bất trắc. Núi chẳng còn núi, sông chẳng chỉ là sông. Người không là người. Vật không như là vật. Nhìn ở đâu, họ cũng thấy khác.
Chưa từng làm điều ác, nhưng lòng họ bỗng dưng nhiễm đầy vết thương.
Chàng leo lên những tầng cấp thư viện. Rùng mình. Tấm bảng đồng to, bóng loáng khắc tên thư viện và một câu châm ngôn đầy kiêu hãnh bây giờ trống mênh mông. Mọi cánh cửa mở toang. Chàng bước vào, đi dọc theo hành lang, xuyên qua các phòng làm việc của nhân viên. Im lặng. Trước đây, thư viện cũng im lặng, nhưng là một im lặng thành khẩn, sâu lắng. Trong cái im lặng đó, thỉnh thoảng vang lên tiếng sột soạt đầy ý tứ của giấy, tiếng bước chân thận trọng, tiếng trò chuyện thầm thì. Bây giờ là một im lặng lạnh lùng, trống rỗng. Chàng đưa tay, thử bật điện. Công tắc hư. Không có điện, nhưng ánh sáng bên ngoài hồn nhiên tràn vào, chiếu lên những giá sách im lìm. Sách vẫn còn đó, chịu đựng nhẫn nhục, nối tiếp nhau trong một bất động chờ đợi. Nhưng gáy sách trống trơn. Chỉ còn là những khối vật chất rỗng ruột vô hồn, cuốn này nép sát cuốn kia, đều đặn một cách vô nghĩa. Thiếu những ký hiệu lòng vòng lèo vèo đầy ắp bên trong, chúng như những chiếc vỏ khô. Trước kia, nói đến sách là nói đến những khối lượng giá trị, cái dày cái mỏng cái nặng cái nhẹ. Và chàng vẫn có thói quen nhìn giá trị của chúng qua cái “dày cộm” hay “mỏng tanh”. Có cuốn chàng có thể bỏ trong túi như bỏ một món đồ chơi; có cuốn phải chở bằng xe đẩy. Vắng chữ, chúng vẫn thế, vẫn là những khối như thế, không cuốn nào nặng thêm cũng chẳng cuốn nào nhẹ thêm. Chúng lẫn lộn với những ghế những bàn những kệ những bụi.
Ôi, các vương tôn miền trí tuệ
Mưu đồ đo đạc cả Vô Biên
Tung ra khắp bãi thời gian lộng
Lượn lượn ưu tư khốc liệt rền[9]
Tiếng thơ rền vang như một xa xăm vọng về, sâu lắng. Chàng ngơ ngác nhìn quanh. Không thấy gì cả. Âm thơ cứ như rơi xuống từ khoảng không, vỡ ra từng phiến nhỏ tản mát quanh quanh, tan loãng trong nắng chiều lặng lẽ.
Bất giác, chàng bỏ chạy. Loanh quanh qua các kệ sách, lên thang lâu, lầu một, lầu hai, lầu ba, lầu bốn, lầu bảy, lầu tám. Tiếng thơ đuổi theo chàng. Chàng chạy nhanh, tiếng thơ nhanh, chàng chạy chậm, tiếng thơ chậm. Bước chân quýnh quíu, dồn dập chạm vào giá sách, chạm vào những khối giấy nặng nề, dội lại khô khốc. Tới chỗ làm việc cũ của mình, chàng tìm thấy những tấm thẻ trống không rơi bừa bãi, lung tung trên sàn nhà, trên bàn, trong các hộc tủ. Trong các phòng đọc sách, ghế bàn im thin thít, lạnh vắng, bụi bám chặt. Hàng ngày, khi đi ngang qua đây, chàng vẫn thấy những khuôn mặt trầm ngâm, những dáng ngồi im lìm bất động, những đôi mắt trừng trừng đảo qua đảo lại, nhích lên nhích xuống trên những con chữ chi chít. Góc này là đám sinh viên cần cù, đầu óc căng ra, đánh vật với ký ức, với những câu hỏi, lục lọi, soi mói trên từng trang sách. Góc kia là ông giáo sư kinh tế, gần cửa sổ là ông tiến sĩ nhân chủng, khuất sau khu chứa sách tham khảo là nhà ngữ học nổi tiếng thế giới…Chữ nghĩa đã chật ních trong đầu, vậy mà họ vẫn cứ đến đây, ngày này qua ngày khác, lục tìm hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, ghi ghi chép chép.
Chữ và người. Người và chữ. Một đối diện lặng lẽ. Một đối thoại triền miên, đơn độc.
Thay vì ăn, chơi, họ suy nghĩ. Thay vì chỉ suy nghĩ, họ viết. Thay vì mò mẫm trên từng con chữ, bây giờ họ tạo ra những con chữ. Họ kiếm tiền bằng chữ. Họ tìm danh vọng bằng chữ. Họ hạ nhục nhau bằng chữ. Họ giết nhau bằng chữ. Họ chiến đấu bằng chữ. Họ yêu nhau và phản bội nhau bằng chữ. Với chữ, họ vẽ vời quá khứ, họ phịa tương lai. Họ dựng nên đời sau, kiếp trước. Họ phỉnh gạt nhau và phỉnh gạt mọi người.
Ấn bản lần thứ 11 là ấn bản cuối cùng (…) Hàng ngày, chúng ta sẽ phá hủy chữ – hàng chục chữ, hàng trăm chữ. Chúng ta sẽ cắt giảm ngôn ngữ đến tận cùng. Ấn Bản thứ 11 sẽ không còn một chữ nào vốn đã trở nên lỗi thời trước năm 2050 (…) Thật là tuyệt vời khi phá hủy chữ. (…) Chắc anh bạn chưa hiểu thấu hết cái đẹp của sự phá hủy chữ đâu. Bạn có biết rằng Ngôn Ngữ Mới (Newspeak) là thứ ngôn ngữ duy nhất trên thế giới mà kho từ vựng cứ nhỏ dần mỗi năm? (…) Bạn không biết rằng toàn thể mục tiêu của Ngôn Ngữ Mới là thu hẹp tầm tư tưởng không? Cuối cùng chúng ta sẽ làm cho thứ tội phạm tư tưởng không có cơ tòn tại, bởi vì sẽ chẳng còn chữ để mà diễn đạt chúng. Bất cứ ý niệm nào còn được cần dùng sẽ chỉ được diễn tả chính xác trong một từ, với một nghĩa đã được xác định rõ ràng, còn tất cả các nghĩa phụ khác sẽ bị xóa bỏ và quên lãng (…) Chữ càng ngày càng ít theo thời gian và theo đó, tầm ý thức cũng nhỏ dần (…) có lẽ cho đến trước năm 2050, tất cả mọi kiến thức của Ngôn Ngữ Cũ (Oldspeak) sẽ biến mất. Toàn thể thứ văn chương của quá khứ sẽ bị phá hủy. Chaucer, Shakespeare, Milton, Byron – chúng chỉ hiện hữu trong Ngôn Ngữ Mới, không chỉ đuợc thay đổi thành một điều gì khác hơn, nhưng thay đổi thành những gì trái ngược hẳn với cái chúng đã từng được hiểu. Ngay cả văn chương của Đảng cũng thay đổi. Những khẩu hiệu cũng thay đổi. Làm sao mà ta còn có câu khẩu hiệu đại loại như “tự do là nô lệ” khi ý niệm về tự do đã bị triệt tiêu? Toàn thể lãnh vực tư tưởng sẽ khác hẳn đi. Nói cho đúng ra, sẽ chẳng còn có tư tưởng nữa, thứ ý niệm mà chúng ta đang hiểu hiện nay. Theo chính thống nghĩa là không còn suy nghĩ – không cần suy nghĩ nữa. Chính thống là vô thức”[10]
Tiếng thơ chợt ngừng bặt. Không gian trở nên trống rỗng khác thường.
Chàng giật mình, lòng hoang mang và tuyệt vọng. Nhìn quanh, chờ đợi. Một hồi lâu, không thấy có gì khác lạ, chàng buồn bã trở xuống. Đến lầu hai, trong bóng tối nhờ nhờ, chàng chợt thấy có ánh đèn ở cuối hành lang. Ngạc nhiên, chàng bước đến. Chàng nhớ ra đó là khu sách tham khảo. Ánh đèn phát ra từ căn phòng nhỏ nằm kế phòng đọc, nơi vốn là chỗ nghỉ của nhân viên phụ trách an ninh. Nghe ngóng một lát, chàng mở cửa. Chàng sửng sốt khi nhìn thấy một người đàn ông lặng lẽ ngồi trong góc phòng. Ánh sáng từ chiếc đèn cầy chiếu lên tường một bóng đen xiêu vẹo, nhảy múa chập chờn. Sợ hãi, chàng lùi lại, muốn đi ra, nhưng người đàn ông ngẩng đầu lên nói, giọng bình thản:
– Chào ông bạn. Vào đây.
Chàng ngập ngừng một chút rồi thận trọng bước vào.
Người đàn ông hói đầu, phần tóc còn lại bạc trắng, lơ thơ bám hững hờ phía trên mang tai. Râu nhiều hơn tóc, mọc tua tủa quanh cằm, cả trên và dưới, cũng bạc trắng. Khôn mặt trông rất quen. Sau một hồi vận dụng trí nhớ, chàng nhận ra người đàn ông: nhà ngữ học tiếng tăm, nhiều lần nằm trong danh sách những người được đề cử một giải thưởng nổi tiếng nào đó. Ông ta không lạ gì với thư viện. Thư viện cũng chẳng lạ gì ông ta. Không ngày nào ông không có mặt cuối phòng, ở một góc khuất, bên cạnh những bộ sách nghiên cứu về ngôn ngữ dày cộm. Lúc nào cũng một mình, ghi ghi chép chép. Khuôn mặt đắm chìm trên trang sách. Không thấy ông ta cười, cũng chẳng thấy ông mở miệng nói gì với ai. Con người ông toát ra một sự lặng lẽ lạ thường. Ấy thế mà, thỉnh thoảng hình ảnh ông lại xuất hiện hàng đầu trên báo chí, gây nên một cơn sốt dư luận, có khi vài ba tuần, có khi kéo dài hàng tháng không chấm dứt. Chỉ cần một lời phát biểu của ông xuất hiện đâu đó trên một chuyên san là người ta giành nhau chỉ trích, giành nhau ngợi khen, giành nhau góp ý. Báo chí lại được dịp tràn trề chữ nghĩa. Nhiều từ mới phát sinh. Nhiều khái niệm mới đưa vào sách vở. Mặc! Ông chẳng bao giờ trả lời. Y như thể, ông ta chỉ tung ra một số chữ (tất nhiên là rất mới lạ) để người ta có dịp bày biện chữ của mình trên mặt báo. Thế giới vô cùng im lặng của chữ ấy thế mà vô cùng ồn ào. Mỗi lần đọc các bài tranh luận, chàng vẫn có cảm giác như nghe tiếng gươm, tiếng giáo khua vang trên trang giấy.
Người đàn ông hỏi:
– Ông bạn đến đây làm gì?
– Tôi làm việc ở đây.
– Thế à! Cũng là người của sách vở đó nhỉ.
– Tôi chỉ là nhân viên quèn, chỉ biết xếp sách trên giá thôi.
– Nhằm nhò gì. Cũng như nhau thôi. Giờ thì ai cũng khỏe. Hết chữ rồi!
Chàng ngạc nhiên:
– Khỏe? Một người sống với chữ như ông mà lại gọi là khỏe khi không còn chữ?
Người đàn ông không nói gì, đưa tay với ly nước trên bàn, hớp một hớp rồi để xuống. Chàng nhìn
quanh phòng. Không sách vở. Rải rác đó đây là những giấy trắng, có tờ còn nguyên, có tờ đầy những nét vẽ nguệch ngoạc. Trên tường là những hình vẽ vuông tròn, những đường kẻ ngang kẻ dọc loạn xạ. Chàng tò mò:
– Không thấy có sách vở gì cả.
Người đàn ông cười to:
– Sách vở gì nữa ông bạn. Không có chữ, sách vở chỉ là cục đá cục đất mà thôi. Nhân loại đã chịu đựng sự thống trị của chữ mấy ngàn năm, đủ rồi. Thoát khỏi chúng, ta mừng.
Chàng ngạc nhiên:
– Nhưng nếu không có chữ thì làm gì còn có văn minh, làm gì còn có văn hóa, thưa ông?
Người đàn ông cười lớn hơn, đôi mắt mơ màng nhìn vào bức tường trước mặt như như nhìn vào một khoảng xa xăm nào đó, nói như độc thoại:
– Văn minh! Vâng, văn minh nào cũng gắn liền với chữ. Nhưng cũng chính chữ làm đảo lộn văn minh. Bao nhiêu năm ta miệt mài với chữ, ta đào xới chữ để tìm xem bản chất của chúng là gì. Ông bạn ơi, chữ là một hiện tượng kỳ lạ. Và kỳ cục. Chữ nằm sẵn đó, ai cũng nói được, ai cũng viết được, nhưng chúng vẫn là điều bí ẩn. Ta tìm cách giải phẫu chữ y như các nhà sinh vật học giải phẫu cơ thể. Ta mổ văn, mổ thơ, mổ bài viết. Ta mổ từng vần, từng chữ, từng câu. Ta banh chúng ta, ta ghép chúng lại, ta tìm âm vị, hình vị, nghĩa vị. Ta tìm từ láy, từ kép, ta đối chiếu chữ cổ với chữ mới, so sánh tiếng Phạn với tiếng Latin, tiếng Hán với tiếng Anh, thôi thì đủ kiểu. Nhiều lúc, ta tưởng là đã bắt được chúng, tìm ra bản lai diện mục của chúng. Thế mà này ông bạn, ta càng bắt thì nó càng truột khỏi tay ta. Ông bạn nhìn xem…
Người đàn ông đưa ta ra chỉ trên tường:
– Ông bạn có biết đó là cái gì không?
Chàng nhìn lên những hình vẽ nguệch ngoạc nằm kín cả bức tường, lắc đầu. Người đàn ông cười:
– Chữ đấy. Ông bạn không còn nhận ra chúng sao?
– Không.
– Vậy thì ông bạn thấy gì nào?
– Những vạch ngang vạch dọc, hình vuông vuông tròn tròn…
– Chữ đấy, ông bạn không tin sao!
– Không.
– Thì chữ là những vạch ngang vạch dọc, hình vuông vuông tròn tròn chứ có gì khác đâu.
(iw wnm msh nsw)[11]
Chàng nhìn chằm những hình vẽ trên tường, đầu óc mơ mơ hồ hồ như bơi trong giấc mộng. Bao tháng ngày đã trôi qua từ ngày mất chữ, chàng không còn ý niệm gì những đường nét ghi lại trên giấy. Chàng sống với chúng, nhờ chúng. Những con chữ thân yêu đưa chàng tới những bến bờ xa lạ, kỳ thú. Chúng mang đến cho chàng một thế giới khác, hoang đường và thơ mộng. Giờ đây, nhìn những vạch ngang vạch dọc mà người đàn ông bảo là chữ, chàng có cảm giác buồn cười. Chúng lổn nhổn, vô nghĩa y như lũ sỏi đá vô danh nằm ngoài đường.
Người đàn ông nhìn chàng, vẻ xót xa:
– Chúng ta đang sống lùi lại vài ngàn năm đó ông bạn à. Tổ tiên ta tạo ra những vạch ngang vạch dọc như thế để nối kết sinh mệnh của nhau, để là những phần tử của nhau. Thời văn minh, cũng những vạch ngang vạch dọc đó mà thôi. Ông bạn biết không, cái phiền của chữ, không phải là chính nó. Khốn nạn là cái nghĩa. Nghĩa như mây trời như cá dưới biển, mông lung bất định. Nhiều lúc ta tưởng đã chụp bắt được chúng bỏ vào trong túi để mà lấy ra xài dần. Nhưng chỉ là ảo tưởng. Ông bạn biết không, những chữ ta viết ra là chính xác biết bao, khoa học biết bao, rõ ràng biết bao, thế mà ra ngoài chúng bị hiểu khác, có khi hoàn toàn khác. Thế mới chết. Thế mới có tranh cãi. Mà càng tranh cãi, bạn biết không, nghĩa lại càng xa chữ. Làm như thể chúng có đời sống riêng của chúng. Chúng chỉ mượn chữ, bám lấy chữ để mà tác oai tác quái. Ông bạn nghĩ mà xem, để tồn tại, nhân loại có cần đến ngần ấy sách không, ngần ấy chữ không. Hàng tỷ cuốn! Hàng tỷ tỷ chữ. Và sách vẫn tiếp tục ra đời, chữ vẫn tiếp tục nhiều lên…Để làm gì?
La trahison des images
(Cái này không phải là một tẩu thuốc [12])
Cái (tẩu thuốc) này không phải là một cái tẩu thuốc
Cái (hình ảnh của một tẩu thuốc) này không phải là cái tẩu thuốc
Tấm (tranh) này không phải là một cái tẩu thuốc
Cái (câu) này không phải là một tẩu thuốc
Chữ (cái này) này không phải là một cái tẩu thuốc
(Cái này) không phải là một tẩu thuốc [13]
Người đàn ông tiếp tục:
– Nghĩa, chao ôi! Nghĩa là con mụ phù thủy chứa đầy đòn phép. Nó nằm ngoài quy luật. Nó thoắt biến thoắt hiện. Nghĩa vừa độc ác vừa tinh quái. Chúng luồn lọt, chui rúc, giấu mình dưới từng chữ, từng câu để tác oai tác quái. Lúc đầu, ta tưởng nghĩa chẳng qua chỉ là những đồ vật mà ta có thể nhét vào trong chữ y như ta bỏ món quà vào trong hộp và chuyển chúng đi. Người nhận chỉ cần mở chữ và lấy nghĩa ra mà dùng. Khốn nạn thay, chữ không phải là cái hộp và nghĩa chẳng hề là món quà. Ta chuyển vào đó một nghĩa, nhưng người nhận lại lôi ra một nghĩa khác. Không những khác mà đôi khi còn ngược hẳn.
Đầu ta lúc nhúc chữ. Ăn cũng thấy chữ, ngủ cũng nằm mơ với chữ, đi chơi cũng chữ, làm tình cũng chữ. Chữ bao vây tứ phía. Ta mê chữ còn hơn mê con người. Đời ta đầy những scandal, mà xét cho cùng, scandal nào cũng từ chữ mà ra. Ta là kẻ giải phẫu chữ, rốt cuộc, ta chỉ giải phẫu một bóng ma. Chân cũng là chữ. Thiện cũng là chữ. Mỹ cũng là chữ. Cục đất cũng là chữ. Khối vàng cũng là chữ. Tất cả chỉ là những đống chữ, cái này chồng lên cái kia, ngổn ngang, loạn xạ.
Những nhà hiền triết và những giáo chủ thường được phong tặng là những kẻ đi tìm…chân lý, nghĩa là đi tìm giải pháp cho cuộc nhân sinh. Thực ra, họ chẳng hề đi, cũng chẳng hề tìm. Họ chỉ là những người nói chữ, viết chữ. Khổ thay, người đời sau đọc chữ lại cứ tưởng chân lý nằm trong chữ, cứ thế mà săm soi, đào xới mãi không thôi.
Chàng nghe người đàn ông nói mà như đi trong sương mù. Chàng nói, giọng thán phục:
– Ông đâu có mất chữ nào. Ông còn nhiều chữ quá!
– Thế sao! Người đàn ông cười lớn. Ta còn nhiều chữ quá sao! Trong lúc cả nhân loại mất hết chữ thì ta vẫn còn. Chao ôi, không viết ra được mà chữ thì dính bám trong đầu.
Người đàn ông vỗ vỗ một cách bực mình vào đầu mình. Nhìn đầu ông, chàng bỗng có cảm giác như đó là một cái bình chứa chữ, nhỏ nhưng vô hạn. Ông đã bỏ vào đó bao nhiêu chữ, bao nhiêu nghĩa rồi? Chúng vẫn còn đó hay thoát đi đâu?
Chàng thắc mắc:
– Vậy thì chữ đi đâu hết?
– Làm sao ta biết được. Chúng không hiện hữu, thế thôi. Hãy tưởng tượng đến một bộ lạc sống trong rừng sâu Nam Mỹ, không hề tiếp xúc được với thế giới bên ngoài. Với họ, chỉ có đời sống. Bây giờ cả cả nhân loại mù chữ rồi, mù chữ rồi, mù chữ rồi.
Người đàn ông đứng dậy, vươn vai, cười lớn. Tiếng cười rung động cả căn phòng, vang vọng khắp hành lang. Chàng rùng mình, bỗng dưng nghĩ đến Tạ Tốn, một nhân vật kỳ dị trong truyện của Kim Dung. Với chữ, Kim Dung đã dựng nên một hình tượng độc đáo, ám ảnh chàng mãi không thôi.
Chàng lẩm bẩm: Mà nghĩ cho cùng, nhân vật nào chả được làm bằng chữ!
Tiếg Việt cũg hay dùg chữ “gì”. Cái gì? Món gì? Phố gì? Chúa ui, chán wá đi mất! Hai chữ “g” và “i” đứg cạnh nhau nhìn rất “béo”! Trái lại, chữ “j” đứg ở mụt mìn nhìn rất “gầy”, rất “người mẫu”!
Các bạn gái ơi, hãy thay 2 chữ “ye” xấu xí bằg mỗi chữ “i” xin xắn đi! Viết “em iu anh” thì đỡ rủi ro hơn nhiều (hoặc cứ viết “iu an wá trời lun!” cho máu).
Way lại với chuyện nguyên âm, mìn hôg hiểu tại sao mụt số người vẫn cứ cho rằg chữ “ă” đẹp hơn chữ “e”!?? Kệ nhữg người đó chứ, họ kiêu lém, cổ hủ lém!
Nhưg hôg fải chữ “ê” lúc nào cũg đẹp. Câu “em không biết” chả có j hay cả. Trái lại, câu “em hôg bít j đâu” nghe dễ thươg lém! Các bạn hỉu hôg? Mìn fải cố gắg để nói nhẹ chứ, đặc bịt là với fái íu. Nói cứg wá với mụt cô mìn thík thì – chít!
(…) kÁc bẠn cÓ bÍt FíM sHiFt hÔg? MiN sẼ dZùNg kÁi Fím Áy đỂ tRaG tRí vĂn KủA MìN mỤt ChÚt. FảI LuN LuN Cố gẮg Để cHữ kỦa MìN đẸp HơN ChỮ KủA nG` kHáC cHứ! gỌi Là Sĩ dZiỆn ĐiẸn tỬ đẤy!! Hihi!!!![14]
Cười xong, nhà ngữ học hồn nhiên ngủ.
Như một đạo sĩ. Nhưng đạo sĩ là gì, chàng quên mất. Thôi, thì là gì cũng được. Chàng thầm chúc ông yên giấc.
Ra khỏi phòng, chàng chậm rãi bước dọc theo hành lang, đi ngang qua một thế giới đồ vật được sắp xếp gọn gàng trên giá. Gáy, bìa, tờ, màu xám, màu trắng, màu xanh, màu bùn đất, màu đỏ… Chàng lơ đãng nhìn chúng như nhìn những kỷ niệm thời thơ ấu xa xăm.
Chàng bước ra ngoài, như vừa trở về. Thơ thới, hân hoan.
Chàng nhìn trời, nhìn mây, nhìn cây, nhìn cỏ. Chàng thấy trời, thấy mây, thấy cây, thấy cỏ. Chàng nghe gió, nghe tiếng lá chạm nhau lào xào, nghe tiếng chim kêu đâu đó. Chàng nghe cả tiếng hoa rụng, cả tiếng con kiến bò dưới cỏ ướt. Lặng lẽ vô cùng. Sờ vào một cụm hoa, chàng cảm thấy dịu dàng.
Chàng ngơ ngác và trẻ thơ.
Quá đỗi ngơ ngác.
Quá đỗi trẻ thơ.
Trần Doãn Nho
(6/2011)
[1] Một bức tranh do Giuseppe Arcimboldo (1527-1593) vẽ năm 1556
[2] Khuất Đẩu, Để tang cho sách, trang mạng “Văn chương Việt”
http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=14329&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1717
[3] một ngụy tác (apocryphal) của một người làm thư viện ở Boston vào đầu thế kỷ 20.
[4] Nhiều chi tiết trong sinh hoạt thư viện, người viết lấy từ “Library: An unquiet history”, London: Vintage (2003) của Matthew Battles
[5] Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù, trong “Vang bóng một thời”
[6] Tam Quốc diễn nghĩa, hồi 22
[7] Đông Châu liệt quốc, hồi 65
[8] Sử ký Tư Mã Thiên (Bản dịch Phan Ngọc)
[9] Mòn gót chân sương nắng tháng năm, thơ Tô Thùy Yên
[10] George Orwell, 1984, Part I, Chapter 5
[11]iw wnm msh nsw, chữ tượng hình cổ Ai Cập được dịch nghĩa là: The crocodile eats the king (Con cá sấu ăn thịt ông vua).
http://www.omniglot.com/writing/egyptian.htm
[12] Tranh của René Magritte (1898-1967), tựa đề: “La trahison des images” (Sự bội phản của hình ảnh)
[13] Câu “Ceci n’est pas une pipe” (This is not a pipe) ghi trong bức tranh là một câu đa nghĩa. Anthony Wilden đưa ra 6 cách diễn giải:
This (pipe) is not a pipe;
This (image of a pipe) is not a pipe;
This (painting) is not a pipe;
This (sentence) is not a pipe;
(This) this is not a pipe;
(This) is not a pipe
Anthony Wilden, The Rules Are No Game: The Strategy of Communication, Routledge and Reality, London, 1987
[14] http://dantri.com.vn/c135/s135-173826/tieng-viet-thoi-.htm