Thơ Langston Hughes

Khánh Phương dịch

Lời người dịch: Langston Hughes (1902-1967) là tên tuổi sáng chói của “Harlem Renaissance,” khuynh hướng khám phá đời sống và tuyên dương vẻ đẹp văn hóa của người Mỹ gốc Phi (African-American) trong thi ca và nghệ thuật Mỹ, đặc biệt trong thập niên 1920. Khuynh hướng này khơi dậy nguồn năng lượng sáng tạo mãnh liệt của các nhà văn, nhà tư tưởng và nghệ sĩ da đen và da màu. Từng có những tư tưởng chính trị cực đoan, gần gũi với chủ thuyết cộng sản, Hughes bị FBI liệt vào danh sách nguy hiểm về an ninh cho đến năm 1959. Ngôn ngữ thơ của ông tối giản nhưng bất ngờ với “chơi ngôn ngữ” và tính tượng trưng cao, hướng tới cảm hứng sử thi và tình yêu nước lớn lao thông qua trực giác cá nhân.

The Norton Anthology American Literature, 9th Ed. nhận xét, “Trong vòng ảnh hưởng của những khả thể nghệ thuật mở cho các nhà văn của Harlem Renaissance, dựa trên những hình thức (nghệ thuật) dân gian thôn dã của người Mỹ gốc Phi, trên những truyền thống và thể thức du nhập vào nước Mỹ từ châu Âu và Anh quốc; hoặc là trên những thể thức văn hóa mới của người da đen tại các đô thị Mỹ- Hughes chọn nhắm công việc của ông tới đời sống hiện đại, thành thị của người da đen. Ông tạo lập cấu trúc khổ thơ của ông dựa trên nhịp điệu ngẫu hứng của Jazz và tiếp nhận vốn từ trong ngôn ngữ đời thường của người da đen vào thơ.” (834)

L.HUges


Khanhphuong


Lời Negro của Những dòng sông

Tôi từng biết những dòng sông:

Tôi từng biết những dòng sông cổ đại như trái đất và lâu đời hơn dòng máu người trong những mạch máu con người.

Linh hồn tôi lớn dậy thẳm sâu như những dòng sông.

Tôi tắm trong dòng Euphrates khi bình minh còn trẻ.

Tôi dựng căn lều tôi bên dòng Congo và sông ru giấc ngủ tôi.

Tôi phóng tầm mắt qua sông Nile tôi xây

Cao trên đó những kim tự tháp.[i]

Tôi nghe tiếng hát dòng Mississipi khi Abe Lincoln xuôi dòng tới New Orleans, và tôi thấy bộ ngực bùn của sông chuyển rực vàng toàn vẹn trong hoàng hôn.

Tôi từng biết những dòng sông:

Cổ đại, những dòng sông bóng chiều.

Linh hồn tôi lớn dậy thẳm sâu tựa những dòng sông.

Hãy để Nước Mỹ là Nước Mỹ Lần nữa

Hãy để nước Mỹ là nước Mỹ lần nữa.

Để người là giấc mơ người đã từng là.

Để người là kẻ mở đường trên đồng rộng

Kiếm tìm mái nhà nơi người thấy tự do.

(Nước Mỹ chưa bao giờ là nước Mỹ với tôi.)

Hãy để nước Mỹ là giấc mơ những người đang mơ mơ thấy-

Hãy để người là miền đất hùng vĩ đại của tình yêu

Nơi không có những nhà vua đồng lõa, chẳng kẻ độc tài bạo ngược

Âm mưu nghiền nát con người.

(Người chưa bao giờ là nước Mỹ với tôi.)

Ô, hãy để quê hương tôi là xứ sở nơi Tự do

Được cài lên vương miện với vành hoa ái quốc không lầm lẫn[ii]

Dẫu cơ hội là có thực và cuộc đời là tự do

Sự công bằng trong không khí ta đang thở.

(Chưa bao giờ là sự công bằng cho tôi,

Cũng không có tự do nào trên “quê hương của tự do”.)

Hãy nói đi, bạn là ai mà thì thầm trong bóng tối?

Và bạn là ai mà kéo tấm mạng che khuất những vì sao?

Tôi người da trắng nghèo, bị dối lừa, chia rẽ,

Tôi người da đen cam chịu những vết sẹo đời nô lệ.

Tôi người thổ dân bị truất khỏi quê nhà,

Tôi người di dân níu chặt nguồn hi vọng tôi theo đuổi-

Và thấy duy chỉ một chân trời như nhau cũ kỹ, xuẩn ngốc

Của chó cắn chó, của uy quyền nuốt tươi kẻ yếu.

Tôi người trai tràn đầy sức mạnh và hi vọng,

Quẩn quanh trong xích xiềng vô hạn tự cổ xưa

Của lợi ích, quyền uy, sở hữu, của tranh đoạt đất đai

Của tranh đoạt vàng! Của tranh đoạt những gì khiến người ta thỏa mãn!

Của việc được làm! Của tiền được trả!

Của sở hữu tất thảy những gì cho riêng lòng tham ở một con người!

Tôi người nông dân, trói mình vào đất.

Tôi người công nhân bán mình cho máy móc.

Tôi người da đen, kẻ nô lệ cho bạn trọn đời.

Tôi là mọi người, nhu mì, đói khát, tầm thường-

Thực đã đói hôm nay bất kể giấc mơ.

Đã chiến đấu hôm nay- Oh, Người Mở đường!

Tôi người chưa bao giờ đứng lên phía trước,

Người lao động cùng khổ bị bán suốt nhiều năm.

Thực tôi là người mơ giấc mơ nguyên bản của chúng ta

Trong Thế giới Cũ này, khi còn kẻ tôi đòi của những ông vua,

Người mơ giấc mơ sao kiêu hùng, dũng cảm, và chân thực,

Rằng dẫu uy quyền còn ngạo ca thách thức

Trong từng viên gạch từng viên đá lát, mỗi đường cày mới rạch

Đang làm nên nước Mỹ như người sẽ trở thành[iii].

Oh, tôi người thủy thủ tiên phong vượt những trùng dương

Trong kiếm tìm những gì tôi hình dung sẽ là mái nhà mình-

Cho tôi, người bỏ lại bờ sóng Ireland đen thẳm

Những cánh đồng xứ Poland, trảng cỏ England,

Và xẻ thân từ Lục địa Đen tôi tới

Để xây đắp “quê nhà, xứ sở tự do”.

Tự do?

Ai nói về tự do? Chẳng phải tôi?

Hẳn là chẳng phải tôi? Hàng triệu người giải thoát hôm nay?

Hàng triệu người bị bắn rụng khi chúng ta tranh đấu?

Hàng triệu người được không gì chúng ta được trả hôm nay?

Cho tất thảy những giấc mơ chúng ta từng mơ

Cho tất thảy những bài ca chúng ta từng hát

Và tất thảy niềm hi vọng chúng ta giữ gìn

Và tất thảy những ngọn cờ chúng ta giương

Hàng triệu người được không gì cho chúng ta được hôm nay-

Chỉ trừ giấc mơ ngày nay hầu như đã chết.

Hãy để nước Mỹ là nước Mỹ lần nữa-

Xứ sở chưa bao giờ từng là-

Và sẽ phải là xứ sở- nơi tất thảy con người đều được tự do.

Miền đất của tôi – người nghèo đói, người thổ dân, người Da đen, TÔI-

Người tạo ra Nước Mỹ,

Người của máu và mồ hôi, đức tin và thống khổ,

Người của bàn tay nơi lò thép, người của luống cày dưới mưa[iv],

Phải mang lại giấc mơ kiêu hùng lần nữa.

Phải, hãy gọi tôi bất cứ tên xấu nào bạn chọn-

Lưỡi gươm của tự do không thể vấy nhơ.

Từ những con người đang sống trên mọi người như bầy đỉa,

Chúng ta phải lấy về xứ sở chúng ta lần nữa,

Nước Mỹ!

Ô, vâng,

Tôi nói thật chân tình,

Nước Mỹ chưa bao giờ là Nước Mỹ với tôi,

Và tôi đã nguyện lời thề này

Nước Mỹ sẽ là!

Ra khỏi những phiêu giạt, hoang tàn từ cái chết “đầu trộm đuôi cướp” của chúng ta

Sự cưỡng đoạt, mục ruỗng của phản bội, đánh cắp và gian dối,

Chúng ta, con người phải chuộc lại

Xứ sở, hầm lò, cây cối, những dòng sông.

Những núi đồi và đồng ruộng vô biên-

Tất thảy, tất thảy trải dài những tiểu bang xanh tươi vĩ đại-

Và lần nữa tạo ra nước Mỹ!

Hoàn thành ngày 31 tháng 12, 2017

K.P.


[i] Nguyên tác: “I looked upon the Nile and raised the pyramids above it.” Người dịch tách làm hai đoạn vắt dòng để nhấn mạnh nhịp điệu và hình ảnh hùng vĩ của câu thơ.

[ii] Tư tưởng đề cao nguồn gốc Trung-Tây Âu và miệt thị các cộng đồng di dân-thiểu số ở Mỹ thường bị lầm lẫn với tinh thần “ái quốc”, ví dụ như hiện nay tâm lý bài trừ người Hồi giáo đôi khi được hiểu lầm là “yêu nước”(chú thích của người dịch).

[iii] Nguyên tác: “That’s made America the land it has become.”

[iv] Nguyên tác: “Whose sweat and blood, whose faith and pain/ Whose hand at the foundry, whose plow in the rain”. Người dịch thay đổi cấu trúc cú pháp nhưng giữ nguyên ý nghĩa.

Xem nguyên tác tại đây:

https://www.poetryfoundation.org/poems/44428/the-negro-speaks-of-rivers?gclid=EAIaIQobChMIqoW2y4y22AIVB7jACh2R2QaSEAAYASAAEgLI8_D_BwE

https://www.poets.org/poetsorg/poem/let-america-be-america-again

Comments are closed.