Đùa với Vịn vào lục bát

Tô Thẩm Huy

TT Huy 

Ông Phùng Quán có câu thơ ghi trên bia mộ: Tôi vịn vào thơ mà đứng dậy. Có nghĩa là Phùng Quán đã té, và đã đứng dậy, vịn vào câu thơ mà đứng dậy một cách ngon lành. Ông Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư thì có cả một tập thơ sáu tám, ông đặt cho nó cái tựa là Vịn Vào Lục Bát. Nhưng Kim Mao Sư Vương thì võ nghệ cùng mình nên ông chưa té, có nghĩa là chưa cần phải đứng dậy. Chỉ mới thấy là cần chỗ để vịn vào, ông bèn vịn vào lục bát.

Vịn để làm gì? Thưa, hãy nghe ông nói: Tôi xin lục bát vịn vào để vui.

Thế là thế nào? Là Trần Hoài Thư vịn vào lục bát để trần gian này bớt buồn tẻ, lạnh lẽo đi chăng?

Thưa, theo ông ấy thì:

Xây nhà phải có xà ngang

Xây đời phải có lan can vịn đời

Bây giờ hết bấu víu rồi

Tôi xin lục bát vịn vào để vui.

Té ra với Trần Hoài Thư lục bát là một thứ giống như xà ngang, một thứ lan can để vịn trong đời. Vịn cho vui, thế thôi. Bây giờ già rồi, chân bị gout nó hành, ông vịn cho khỏi té.

Vậy chứ ngày trước ông có vịn vào đâu không?

Có chứ! Ngày còn bé, như mọi đứa trẻ khác trên đời, ông vịn vào mẹ, vào cha: Lan can mẹ, mẹ khom lưng, Để con được vịn, khỏi cần nhón chân. Lớn lên thì ông vịn vào bạn: Lan can bạn – vịn thân tình, Để còn thấy được cuộc đời dễ thương. Nhưng cái cuộc vịn gay cấn, ngoạn mục nhất là cuộc ông vịn vào vợ:

Vịn Em

Lòng em là cả trăng rằm

Lòng tôi trăng tối như nhằm ba mươi

May nhờ tôi được dựa hơi

Nên lòng cũng nhẹ, ít nhiều hồi tâm

Bề ngoài tôi đóng vai chồng

Nhưng bên trong là con thằn lằn nghe kinh

Lời Phật em tụng hằng đêm,

Nghe chừng như thể em cầu cho tôi

Cho tôi, bớt điếc bớt mù

Bớt sân si, bớt dâm tà tham lam…

Bây giờ em bỏ Quan Âm

Tôi lên, đứng truớc bàn thờ, đốt nhang

Kìa, sao bàn tay tôi run

Tôi cần em, tôi cần em thật mà

Vậy mà em bỏ đi xa

Bỏ ngôi nhà, bỏ buồng thờ, đèn nhang

Em đi để nhận đoạn trường

Xe lăn định mệnh, chiếc giường nghiệp oan

Hay là em chuộc dùm chồng

Ngày xưa Chúa đã chuộc giùm thế gian?

Thật là mối lương duyên đẹp lạ lùng, hiếm có trên đời. Có được người vợ như ông, có được cái lòng, cái nhìn kính mến như ông nhìn vợ như thế, thì dẫu là ai, có thế nào chăng nữa, ắt cũng phải nên người, dẫu có tội lỗi ngập trời đến đâu, thì mọi tội lỗi ấy cũng đều theo mưa trôi ra sông, ra biển hết. Huống hồ là…Tôi bồi hồi nghĩ đến cảnh ông thắp hương trước bàn thờ Quan Âm, bàn tay run run, lẩm nhẩm khấn: Tôi cần em, tôi cần em thật mà. Thật chẳng biết nói gì hơn!

Xưa ông Hồ Dzếnh có hai câu thơ viết gửi vợ:

Mình vừa là chị là em,

Tấm lòng người Mẹ, trái tim người tình.

Giá mà ông Hồ Dzếnh có được đọc bài thơ Vịn Em ấy, chắc ông phải gật gù, tán thưởng: Ta chỉ mới gọi được vợ là Mẹ, mà nhà ngươi lại coi vợ như Chúa Giê Su xuống trần gian này chịu tội thay mình, thì quả là hơn ta mấy bực.

Xin nương theo lời thơ Hồ Dzếnh mà thay mặt hiền thê của ông viết tặng ông hai câu:

Mình vừa là bạn, là anh,

Tấm lòng người Bố, ngưỡng tình người con.

Sao lại là con? Làm chồng sao lại thành con?

– Thưa concon thằn lằn. Thằn lằn nghe kinh.

Con thằn lằn nào, nghe kinh ở đâu?

– Thưa con thằn lằn uống dầu của ông Hồ Hữu Tường. Nó ở trên chùa, nghe sư ông tụng kinh Di Lặc đã 999 lần, còn một lần nữa là đủ một ngàn, có thể giác ngộ thành Phật.

Rồi sao nữa?

– Thưa, nó bị giết lúc đang nghe nửa chừng lần thứ một ngàn.

Thế nó có được thành Phật không?

– Thưa nó đầu thai làm nhà văn. Rất có thể là nhà văn Trần Hoài Thư không chừng.

Thế ư? Để làm gì?

– Thưa, xin về hỏi lại ông Hồ Hữu Tường.

Thế khi ông Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư ấy vịn vào lục bát thì sự tình gì xẩy ra?

– Thưa tuỳ lúc. Có lúc nó vang lên những lời thơ bay bổng chín tầng trời.

Em đi, thị trấn ngậm ngùi

Có con phố cũ nhớ người đèn chong

Em đi, buồn lại dòng sông

Bên này, buồn lại nửa vầng ngọc lan

May còn một nửa vầng trăng

Dỗ tôi soi bóng dặm ngàn ly hương

Hai chữ lại trong đoạn thơ trên chắp cánh theo nhau bay một cách ảo diệu. Em đi, buồn lại dòng sông. Bên này, buồn lại nửa vầng ngọc lan. Có đi thì ắt là có lại, mới toại lòng nhau. Nơi em ở thì sau khi em đi rồi, nỗi buồn nó cũng bơ vơ, nó cũng lang thang, nó lại giòng sông làm gì đó không ai biết. Ở bên này thì ta xin đáp lại bằng một nửa vầng trăng ngậm ngùi giữa trời thương nhớ. Đáp lại, để nỗi buồn đang đi bơ vơ bên giòng sông ấy có được ánh trăng soi mà bớt đi phần nào niềm hiu quạnh. Bên này buồn lại nửa vầng ngọc lan. Trăng không chỉ sáng, mà thơm mùi thương nhớ. Đêm thơm như một giòng sữa.

Lại xin mời nghe ông kể:

Đi về biết chở gì theo

Chở theo vạt nắng bên đèo vào xe.

Ông lên đèo ông chở nắng về để làm gì vậy ông Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư? Làm cho ông Lý Thương Ẩn đời Vãn Đường có lẽ đến nước sẽ phải cùng tôi tê tái, ngậm ngùi mà ngâm lại bài Đăng Lạc Du Nguyên ông viết đã hơn nghìn năm:

Hướng vãn ý bất thích

Khu xa đăng cổ nguyên

Tịch dương vô hạn hảo

Chỉ thị cận hoàng hôn

Bài thơ ấy dịch xuôi lai ra như sau: Ngày đang tàn, lòng ta đang ưu phiền nhiều chuyện trên đời, bèn phóng xe lên đồi Lạc Du ngắm cảnh. Ta chẳng màng cỏ cây, hoa lá, đền chùa, nơi khu đồi diễm lệ từ đời nhà Hán trước ta cả nghìn năm, chỉ thiết nhìn nắng chiều trên đồi đang lung linh đẹp quá sức mà quên hết mọi điều phiền muộn trong lòng. Nhưng chao ôi, ánh tà dương lại đang dần sắp tắt, trời đã muốn ngả hoàng hôn mất rồi.

Ngôi giáo đường trắng đìu hiu

Hồi chuông đã đổ tiễn chiều vào đêm.

Ông Lý Thương Ẩn ngày xưa chắc đi xe ngựa, chắc là không có cửa để ông giữ nắng trong xe mà đem về, nên ông đành ngậm ngùi tiếc rẻ: Chỉ thị cận hoàng hôn. Ông Trần Hoài Thư nay lái xe hơi. Ông lên đèo lùa nắng vào trong xe, đóng chặt cửa lại, rồi chở nắng đem về làm thơ, gửi tặng bạn bè. Làm bạn với ông vui vậy thay !

Thế ngoài những lúc nó bay bổng giữa trời thơ như vậy thì những lúc khác nó ra làm sao?

– Thưa, có lúc nó phá lung tung, khiến cho bao luật thơ bỗng bung hết cả keo dính, sút hết cả đinh, tuột cả ốc. Bao luật thơ vốn hay gọ ghẹ, ghèn gựa ba chuyện bằng, bốn chuyện trắc, những sáu rồi lại những tám, bỗng rủ nhau chắp cánh bay về rặng Trường Sơn nơi ngày xưa ông đánh giặc. Xin mời đọc mấy câu:

Chỉ tôi, không ai tiễn đưa

Khi đời đã rụng cuối mùa thanh niên

Tôi đi, thì tôi đi đây

Đi đâu, đường vẫn rụng đầy lá thu

Tưởng gì, chứ đổi một chữ, đáng nhẽ là thanh trắc đổi ra bằng, thì cũng thường thôi, có gì là ghê gớm đâu?

– Thưa bằng hay trắc thì đâu có gì là ghê gớm. Có chăng là ở chỗ nó phá cách đúng chỗ, tài tình, làm cho nỗi buồn buổi biệt ly không ai tiễn đưa ấy, nó đang chực bay cao, bỗng bị ghì lại, lưng chừng lờ lững, không cất cánh bay lên nổi, nghe thấy cả một trời thanh niên đang theo nhau rụng lá cuối mùa.

Thế có chỗ nào khác mà nó cũng sương sương như thế nữa không?

– Thưa có chứ, Còn đây còn đêm tịch liêu, nó cũng trầm mình xuống, nghe không gian lắng đọng, u hoài, như trong đoạn:

Còn đây tấc dạ thước mền

Giường dưng, gối lạ, ngọn đèn vàng hiu

Còn đây, còn đêm tịch liêu

Trong tôi con sóng thủy triều trở trăn…

Chưa nghe ai đem tấc dạ mà đối với thước mền, đem gối lạ đối với giường dưng. Người dưng khác họ là một chuyện, mà giường dưng gối lạ lại là một chuyện khác. Thật là: nghe đêm lạnh lẽo, tịch liêu, hết trăn lại trở, thuỷ triều trở trăn.

Còn chỗ phá luật lục bát này thì sao, lục bát gì mà chín chữ? Đọc lên nghe ngang phè phè:

Bề ngoài tôi đóng vai chồng

Nhưng bên trong là con thằn lằn nghe kinh

– Thưa nó hay mà vẫn ngang phè phè như thế ấy. Thơ lục bát đúng luật ở trên đời này có không biết là hằng hà sa số bao nhiêu bài. Mà hầu hết những bài thơ ấy trước sau gì cũng nằm vùi trong lãng quên, không ai nhắc đến chúng nữa.

Thơ đúng luật lại bị lãng quên, mà thơ sai luật lại hay là sao?

– Thưa hay là tại vì có con thằn lằn nghe kinh. Con thằn lằn ấy đã uống trộm bao nhiêu là đĩa dầu trên bàn thờ Phật, nên câu thơ bốc ra lửa. Đọc thơ thật không nên lẩn quẩn trong luật thơ, mà làm thơ cũng không nên loay hoay cố gắng làm mới thơ bằng cách đổi hình, thay kiểu này nọ. Ba cái gọi là lục bát tân hình thức này kia chỉ là cái tiểu phụ. Có cũng tốt, mà không cũng hay.

Thế là thế nào? Thế làm thơ cứ nên phá luật lung tung vô tội vạ ư?

– Thưa không. Chẳng nên thế, mà cũng chẳng nên không thế. Thơ nó vốn tự do. Không nên bắt nó phá luật, mà cũng không nên bắt nó tuân theo luật. Cứ để cho nó là nó, tự nhiên là nó, ắt là nó sẽ tự nó biết khi nào thì theo luật, khi nào thì phá luật, khi nào thì cổ điển, khi nào thì tân hình thức. Người đọc thơ nếu có thấy lạ tai thì xin nhẩn nha đọc lại, đọc đến lần thứ 999 thì sẽ vỡ ý.

Đọc một câu thơ mà đến những 999 lần thì một đời người đọc được mấy câu?

– Thưa, làm thơ không nên làm nhiều, mà đọc thơ cũng không nên đọc nhiều.

Bao nhiêu là nhiều, mà bao nhiêu là không nhiều, bao nhiêu là không ít?

– Thưa cứ tự nhiên, bao nhiêu mà nó đến với mình thì bằng ấy là vừa đủ, không nên cưỡng ép.

Thế người xưa làm thơ có phá luật không?

– Thưa có chứ. Chẳng hạn như bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt lúc nãy, ngay câu đầu ông Lý Thương Ẩn đã tương ra một dọc năm thanh trắc liên tiếp: Hướng vãn ý bất thích, nghe ra nỗi buồn bực, khó chịu trong lòng. Câu kế tiếp là câu đưa đường cho câu thứ ba Tịch dương vô hạn hảo, là câu bày tỏ niềm hân hoan, hạnh phúc trước cảnh đẹp của buổi chiều tà. Để rồi kết luận bằng câu thứ tư: Chỉ thị cận hoàng hôn, là nỗi ngậm ngùi trước sự vô thường, mong manh, vô nghĩa của mọi việc trên đời. Mỗi câu thơ tự nó chẳng có gì là ghê gớm, nhưng chúng đã nương cánh nhau bay bổng ra ngoài luật thơ, làm thành bài thơ tuyệt diệu.

Thế ông Lý Thương Ẩn khi làm bài thơ ấy tính toán thế nào mà có thể bầy ra một cuộc bằng trắc ngược đời như thế?

– Thưa không. Ông ấy vẫn nói là cái bực mình, cái hân hoan sung sướng, chúng tự bầy ra cuộc bằng trắc của chúng, ông ấy có tính toán gì đâu.

Lại xin mời đọc thêm mấy câu của Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư, đọc xong cam đoan là sẽ ấm ức cả mình:

Ngỡ rằng nước chảy qua cầu

Màu biệt ly cũng chỉ màu từ ly

Trời xui gặp gỡ làm chi

Trong hân hoan có chút gì đau thương

Ông bỏ lửng nửa chừng. Đang ngỡ là thế này thế nọ, ngỡ là nước chảy qua cầu, ngỡ là màu biệt ly cũng là màu ly biệt, ngỡ là cuộc gặp cũng chỉ là cuộc gỡ, ngỡ là trong hân hoan có chút đau thương, ngỡ là thế này chính là thế nọ, ai dè… Ai dè làm sao thì ông không nói, ông lờ tịt đi, ông chấm dứt bài thơ ở đấy. Làm hồn dạ người đọc hoang mang, tê tái, ngậm ngùi nhìn nước chảy, ngỡ là nước chảy qua cầu, ngỡ là mầu ly biệt cũng là màu biệt ly, không biết là nên hân hoan hay đau thương, đành phải đi theo ông lên đèo chở mấy vạt nắng về.

Cách đây mươi hôm ông từ nhà dưỡng lão ra, sau khi đem cơm chiều vào nuôi người bạn đời, ông gọi cho tôi, đọc cho tôi nghe một tràng mươi bài lục bát. Có cả cảnh ông nằm ôm ma ngủ, chung giường chung chiếu trên nghĩa địa. Gặp ma người ta hoặc là sợ, đứng chết điếng, hoặc là co giò lên cổ, bỏ chạy mất cả hồn, lạc cả vía. Riêng ông thì hết vịn vào ma, lại ôm nó vào người. Lại còn: Ai thì có tiền mua tiên, riêng ông tiền lính tính liền mua ma. Rồi ông cười sang sảng.

Ông Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn có món võ công độc nhất vô nhị thiên hạ võ lâm, là công phu sư tử hống. Ông chỉ cần hú lên một tiếng là địch thủ thất kinh hồn vía, lơ tơ mơ là hộc máu ra mà chết. Còn ông Kim Mao Sư Vương Trần Hoài Thư cũng có một môn võ công độc đáo không kém. Ông có tiếng cười cũng có một không hai trên đời. Tiếng cười ấy có năng lực xoá tan hết mọi điều bất hạnh ở trần gian. Địch thủ của ông là những kẻ may mắn.

Anh Trần Hoài Thư ơi, từ xưa đến giờ, chưa thấy ai so thơ sánh với xà ngang. Từ nay về sau, mỗi lần nhìn lên trần nhà, ắt là tôi sẽ nhớ đến thơ lục bát, nhớ đến anh, lại nghe thấy tiếng anh cười. Thế là bao nỗi bất xứng ý, bao chuyện trên đời làm mình cáu sườn bỗng vỡ tung, tan biến đi hết.

Xin được kết ở đây bằng mấy câu thơ tuyệt vời khác:

Nước lên, trời thổ mật vàng
Nửa lan mây nú
i

Nửa tràn bãi sông

Trời thổ mật vàng? Mật của trời? Nghe chua xót tự tâm can, tỳ vị đang trào lên, cay đắng.

Nước lên kéo mặt trời gần
Khanh vàng lai láng một giòng vàng khanh

Lại nghe như đang thổ lộ cả tấm lòng nhớ thương, tha thiết, nghe thấy cả một giòng vàng khanh lai láng.

Vàng Khanh. Vàng Khanh. Nửa Nôm nửa Hán. Nghe sao âu yếm lời quân vương đang gọi giai nhân sủng ái. Vàng Khanh, Vàng Khanh ơi. Lòng ta cùng với con nước thuỷ triều đang rướn mình dâng cao, ôm lấy khanh mà chan hoà trong sắc vàng long lanh, óng ánh.

Tiết Tiểu Thử, Đinh Dậu, 2017

T.T.H.

Comments are closed.