Thầy Hiến

Phạm Đình Trọng

Hồ Phú Diên than phiền rằng làm tuyên giáo nhưng ông thiệt thòi là không được học lí luận dài hạn, bài bản ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Hoàng Ngọc Hiến liền nhỏ giọng, nói: Anh không được học là may. Học cái sai thì càng học càng ngu. Đất nước mình khốn khổ như hiện nay là vì cái ngu đó.

clip_image002

Chúng tôi vẫn gọi trường viết văn mà chúng tôi là những người học khóa đầu tiên là “Trường Viết Văn Nguyễn Du Của Thầy Hoàng Ngọc Hiến”. Phải gọi vậy để phân biệt với trường viết văn cũng mang tên Nguyễn Du của Hội Nhà Văn Việt Nam đã có từ giữa thế kỉ trước và hiện nay vẫn đang tồn tại đã liên tiếp mở những khóa bồi dưỡng viết văn ngắn hạn để những nhà văn đã thành danh khai tâm truyền nghề cho những người mới cầm bút.

Nhìn những lớp người trẻ có vốn sống dày dặn của một thời lịch sử khốc liệt, có hồn văn chương thấp thoáng trên những trang tác phẩm đã xuất bản nhưng vì chiến tranh và vì một nền giáo dục nông cạn, hời hợt, nhồi nhét thô thiển và méo mó, bị chính trị hóa nặng nề làm cho những hồn văn chương đó thiếu hụt quá lớn nền tảng văn hóa về con người và nền tảng tư tưởng triết học của loài người. Thiếu hụt hai tầng quan trọng của nền tảng văn hóa đó, những trang viết của họ khó tiếp cận được với giá trị nhân văn, chỉ còn là thứ văn chương minh họa, cổ động cho chính trị, thứ văn chương công cụ của chính trị, núp bóng chính trị. Văn chương núp bóng. Con người bầy đàn. Không có cá nhân, không có con người tự do thì không thể có nhân cách văn hóa. Với tâm trạng đó, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến, người thầy Hoàng Ngọc Hiến dạy ngữ văn ở nhiều trường đại học sư phạm đã dành nhiều tâm sức, thời gian xây dựng đề án tổ chức, xây dựng nội dung giảng dạy của một trường viết văn theo hệ đại học, chính qui, dài hạn cho những hồn văn chương đó.

Với đề án trong tay, với nỗi băn khoăn về sự thiếu hụt nền tảng văn hóa đích thực ở những nhà văn tương lai của nền văn học nước nhà, ông đến gặp những quan chức nhà nước đứng đầu ngành văn hóa và ngành giáo dục đại học, vận động để có một trường viết văn hệ đại học.

Giữa năm 1979 trường đại học viết văn Nguyễn Du chính thức ra đời và chiêu sinh khóa 1. Trường do một tiến sĩ văn chương có lí lịch được tin cậy về chính trị làm hiệu trưởng. Thầy Hoàng Ngọc Hiến chỉ là chủ nhiệm khoa nhưng chúng tôi đều nhận ra bóng thầy Hoàng Ngọc Hiến lừng lững trên ngôi trường đơn sơ chỉ là một dãy nhà tranh mái lá vách liếp trên đất trường Đại học Văn hóa và song song với những dãy nhà vách liếp mái lá là nhà nội trú của sinh viên trường Đại học Văn hóa, 103 Đê La Thành, Hà Nội. Chúng tôi vẫn thấy tinh thần Hoàng Ngọc Hiến, linh hồn Hoàng Ngọc Hiến trong từng tiết học, ở từng con người, người dạy và người học, trong những tiết học đó.

Tinh thần Hoàng Ngọc Hiến ở người dạy và người học hiển hiện rõ nhất ớ khóa 1 trường đại học viết văn Nguyễn Du. Không thể đào tạo ra nhà văn, với nhận thức đó trường chỉ nhận những người đã có tác phẩm văn chương được xuất bản, đã là nhà văn và có nền học vấn đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Có người bước ra từ cuộc chơi trò trốn tìm với cái chết suốt mười năm ở mặt trận phía Nam. Trong tay chỉ có mảnh giấy chứng nhận thương binh. Mảnh bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bị thất lạc không còn nữa thì phải dự cuộc kiểm tra kiến thức môn văn và môn sử do trường Đại học Văn hóa ra đề và chấm bài. Một chuyện bi hài đã xảy ra. Nhà văn Thái Bá Lợi, tác giả truyện vừa Hai người trở lại trung đoàn đang có tiếng vang đã bị điểm 1, điểm thấp nhất bài kiểm tra môn Văn!

45 sinh viên khóa 1 là lứa nhà văn dân sự và nhà văn quân đội chắt ra từ cuộc chiến tranh thảm khốc hàng triệu người lính từ hai phía bỏ xác ngoài mặt trận, hàng triệu người dân trên khắp đất nước chết thảm vì bom đạn từ trên trời rơi xuống, chết thảm vì những khối thuốc nổ gài vào cuộc sống bình yên. Chết trên cánh đồng ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Chết trong xưởng máy ở Hải Phòng. Chết trên giường ngủ êm ấm giữa trung tâm Sài Gòn. 22 nhà văn mặc áo lính và 23 nhà văn dân sự với những cái tên đã được dư luận quan tâm như Dương Thu Hương, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vương Anh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Thái Bá Lợi…

Đã đi qua suốt cuộc chiến tranh mười năm, người học không còn trẻ nữa. Còn người dạy là những nhà văn hóa hàng đầu Việt Nam ở các trường đại học và các viện nghiên cứu được thầy Hiến chọn lọc và đến gặp trực tiếp từng người đặt hàng họ giảng về những đề tài mà họ chuyên sâu và đã có những thành tựu khoa học được ghi nhận. Trò có bề dày cuộc sống thì thầy cũng có bề dày chữ nghĩa nên cũng không có thầy nào còn trẻ.

Nhà khoa học đích thực đều có tâm hồn nghệ sĩ, hồn nhiên và trẻ trung. Giáo sư tâm lí học Hồ Ngọc Đại mái tóc muối tiêu mà phần muối đã lấn lướt phần tiêu với chiếc áo blouson của lính phi công Nga và chiếc xe đạp đua Sputnik ông mang về từ nước Nga Xô viết, nơi ông lấy bằng tiến sĩ tâm lí học. Áo bay và xe đua Sputnik đang là mốt của thanh niên Hà Nội lúc đó. Trước những đôi mắt chăm chú của người học nhìn lên, đôi mắt ông cũng sáng lấp lánh như đôi mắt cô gái đang yêu. Giọng sang sảng và say sưa, ông dẫn Marx vanh vách nhưng ông lại hồn nhiên nói: Cách mạng tháng Tám thành công là do dân trí thấp!

Giảng đường là hai gian đầu của dãy nhà lá tuềnh toàng nhưng những giờ lên lớp về ngôn ngữ của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, lên lớp về lịch sử văn hóa Việt Nam của giáo sư Trần Quốc Vượng, lên lớp về lịch sử văn hóa thế giới của giáo sư Nguyễn Hồng Phong… đã thu hút cả những cán bộ ở các cơ quan văn hóa, sinh viên khoa văn các trường Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp đến nghe, ngồi chật trong phòng học, ngồi tràn cả ra ngoài cửa.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi ở Viện Văn học được dành khá nhiều giờ để diễn giải về lịch sử thể kí sự. Be rượu nhỏ để trước mặt, nhà văn Nguyễn Tuân thủng thẳng nói về việc nhặt nhạnh, tích cóp từ ngữ trong dân gian, học lời ăn tiếng nói của người lam lũ làm ra hạt gạo, củ khoai cũng là người sáng tạo ra ngôn ngữ dung dị mà gợi cảm. Học ngôn từ của cuộc sống, học cả cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống. Nguyễn Tuân nói về những chuyến đi theo cách của Nguyễn Tuân để có những bài kí mang phong cách Nguyễn Tuân. Nhìn con người lịch lãm trong đời, lịch lãm trong văn chúng tôi hình dung ra con người văn hóa Nguyễn Tuân và con người văn hóa đó đã làm nên sức hấp dẫn của trang sách Nguyễn Tuân và sức hấp dẫn của lời nói Nguyễn Tuân.

Mang tinh thần Hoàng Ngọc Hiến là mang những giá trị văn hóa mới mẻ đến cho chúng tôi, được chúng tôi háo hức đón nhận. Không mang tinh thần đó, một tên tuổi lớn, một nhà thơ có tài viết về tình yêu say đắm nhưng mãi mãi khắc khoải không bao giờ đến được: Phải duyên phải lứa thì thương / Để chi đêm thẳm ngày trường hỡi em. Tình yêu luôn khắc khoải trong xa cách. Dù có sát bên nhau vẫn xa vời vợi: Có một bận em ngồi xa anh quá / Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn / Xích lại gần hơn chút nữa, anh hờn / Em đứng dậy mỉm cười vội vã / Đến bên anh và mơn trớn: Em đây / Anh vui liền nhưng lại buồn ngay / Vì anh thấy vẫn còn xa nhau quá! Người viết về tình yêu say đắm và khắc khoải như vậy, không phải chỉ chúng tôi chờ đợi mà cả những người trẻ làm công việc chữ nghĩa ở các báo, các nhà xuất bản, các viện khoa học xã hội cũng đến để được nghe tiếng nói của một tình yêu khôn cùng. Nhưng nhà thơ tình yêu lại nói những điều rất chính trị mà ông đã nói hàng chục, hàng trăm lần với các trường học, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội, nơi ông được mời đến nói chuyện thơ với quần chúng công nông binh trong nhiều năm qua bây giờ nhà thơ lớn lại rỉ rả nói ở trường viết văn Nguyễn Du. Người nghe cứ lặng lẽ biến mất. Phòng học trống vắng đến nỗi nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ phải đưa cả hai con gái nhỏ, bé Lim và bé Líp, vào phòng học, ngồi lấp bớt đi những chiếc ghế trống để nhà thơ lớn khỏi buồn.

Giữa năm 1981, khóa 1 trường đại học viết văn Nguyễn Du đi thực tế để viết tác phẩm tốt nghiệp. Tôi, Nguyễn Trí Huân, Lâm Thị Mỹ Dạ được ở cùng đoàn đi Lâm Đồng với thầy Hoàng Ngọc Hiến. Chúng tôi đã ngồi thuyền độc mộc ngược dòng sông Đồng Nai đến buôn Go, Cát Tiên, mảnh đất heo hút của tỉnh Lâm Đồng giáp Đắc Nông, gặp những nông dân đói đất từ Nam Định, đồng bằng Bắc Bộ vào khai khẩn vùng đất màu mỡ còn hoang vu Cát Tiên để nhà văn Nguyễn Trí Huân có bút kí Bát ngát Đồng Nai Thượng. Chúng tôi đã đến nghĩa trang liệt sĩ ở thành phố Đà Lạt đứng lặng trước san sát những nấm mồ liệt sĩ vô danh để nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có bài thơ hay với câu kết rưng rưng: Người vô danh, cỏ cũng vô danh / Nhưng tôi thấy suốt đời tôi mắc nợ. Trong một đêm ở nhà khách tỉnh ủy Lâm Đồng, đường Duy Tân, Đà Lạt, tôi viết xong truyện ngắn Giai điệu Đà Lạt. Truyện ngắn này sau đó đăng ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và in trong nhiều tập sách khác, được chọn in trong tập truyện ngắn xuất bản bằng tiếng Anh, The Dalat Melody, của nhà xuất bản Ngoại Văn, năm 1983.

clip_image004

Thầy Hoàng Ngọc Hiến (bìa phải), tác giả và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Đến Lâm Đồng chúng tôi được gặp một tấm lòng hồn hậu, thân thiết, một tỉnh ủy viên, trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lâm Đồng Hồ Phú Diên. Tấm lòng đó đã đưa chúng tôi đi nhiều ngả đường Lâm Đồng, đã mở lòng với chúng tôi về cuộc đời ở rừng gian nan của ông. Quê ông ở miệt biển Bình Thuận nhưng trong suốt cuộc chiến tranh vừa qua ông sống chui lủi trong những cánh rừng cao nguyên Đà Lạt. Trong một bữa nhậu vui vẻ, tôi ngồi bên phải và Hồ Phú Diên ngồi bên trái Hoàng Ngọc Hiến. Được nghe câu chuyện của Hồ Phú Diên và Hoàng Ngọc Hiến, tôi mới chợt nhận ra ông thầy Hoàng Ngọc Hiến của mình. Hồ Phú Diên than phiền rằng làm tuyên giáo nhưng ông thiệt thòi là không được học lí luận dài hạn, bài bản ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc. Hoàng Ngọc Hiến liền nhỏ giọng, nói: Anh không được học là may. Học cái sai thì càng học càng ngu. Đất nước mình khốn khổ như hiện nay là vì cái ngu đó. Tôi nhìn Hồ Phú Diên. Ông cũng bất ngờ như tôi nhưng sau đó tôi nhận ra ông càng thân tình, quí mến, nể trọng Hoàng Ngọc Hiến hơn.

Đó là giữa năm 1981. Mười năm sau, cái sai mà Hoàng Ngọc Hiến nói đến mới bộc lộ ra ở sự sụp đổ cả hệ thống cộng sản Đông Âu.

Trường đại học viết văn Nguyễn Du không đào tạo ra nhà văn. Trường chỉ có tham vọng bồi đắp cho nhà văn nền tảng văn hóa về con người và nền tảng tư tưởng triết học của loài người. Không còn nhà văn đến học, trường đã kết thúc vai trò lịch sử sau sáu khóa tồn tại. Trường viết văn Nguyễn Du của thầy Hoàng Ngọc Hiến không còn nữa nhưng tinh thần Hoàng Ngọc Hiến, linh hồn Hoàng Ngọc Hiến vẫn còn mãi trong những nhà văn đã từng đèn sách ở ngôi trường mang bóng dáng lừng lững người thầy Hoàng Ngọc Hiến.

Comments are closed.