Minh triết phương Tây (kỳ 13)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Trường phái Kinh Viện (tiếp theo)

clip_image002 Tượng Roger Bacon, Oxford

Roger Bacon sống khoảng thời gian 1214 đến 1294, nhưng không chắc chắn là chính xác. Ở Oxford và Paris, ông học hỏi tất cả mọi ngành, giống như những tư tưởng gia Ả Rập ngày trước. Trong những biện bác đối nghịch với Thomas, Bacon không tiếc lời. Thật lạ khi Thomas có thể viết về Aristotle mà không đọc ông một cách trực tiếp. Chuyển ngữ, ta biết, thường khó có thể hoàn toàn tin được. Ngoài ra, đã đành lý thuyết Aristotle quan trọng, nhưng cũng còn những điều khác quan trọng không kém. Người phái Thomism hoàn toàn không biết gì về Toán học. Và để tiếp thu những hiểu biết mới, ta cần dựa trên thực chứng hơn là liệt kê danh sách những tác giả có tên tuổi uy tín. Nói thế nhưng Bacon không hề kết án phương pháp diễn dịch của phép biện chứng Kinh Viện, ông chỉ cho thế vẫn là chưa đủ để xác minh một kết luận. Nhằm tiến đến sự thuyết phục tuyệt đối, cần can qua sự gạn lọc của kinh nghiệm thực chứng.

Cách tư duy mới mẻ của Bacon dĩ nhiên không được học thuyết chính thống chấp nhận. Năm 1257, ông bị đuổi, phải rời Oxford qua Paris lánh nạn. Người đại biện cho Giáo Hội ở Anh, Guy de Foulques, trở thành Giáo Hoàng Clement IV năm 1265. Quan tâm đến những học giả người Anh, vị này đòi Bacon một bản kết yếu quan điểm triết học của ông, sau đó vào năm 1268, ông thôi bị cấm đoán. Giảng dạy của Bacon được đón nhận, ông quay về Oxford nhưng Giáo Hoàng chết năm đó. Bacon vẫn không khéo léo trong đối xử, lại bị kết án năm 1277. Cùng với nhiểu người, ông buộc phải trình bày quan điểm, và ta chẳng biết chính xác vì lý do gì ông bị tù 15 năm liền, mãn hạn năm 1292 và rồi từ trần 2 năm sau đó.

Một triết gia khác là Duns Scotus (khoảng 1270-1308), người Scot như tên gọi, cũng là thành viên dòng Franciscain. Ông học ở Oxford, trở thành giảng viên năm mới 23 tuổi. Sau, ông dậy ở Paris và Cologne, nơi ông qua đời. Với Duns Scotus, sự tách bạch giữa lý lẽ và đức tin rõ rệt hơn. Một mặt, phạm vi của lý lẽ thu nhỏ lại, và mặt kia Thượng Đế được nhìn với thế cách tự do và độc lập hơn. Thần học, bộ môn vể những gì liên quan đến Thượng Đế, không còn dính nhiều với lý lẽ mà là một tập hợp những niềm tin thiên khải. Trong chiều hướng này, Duns bác bỏ luận cứ về hiện hữu của Thượng Đế theo phái Thomism vì chúng chỉ thuần dựa trên cảm nghiệm.

Tương tự, Duns Scotus bác bỏ luận cứ của Augustine vì chúng dựa trên mặc khải thiêng liêng. Luận cứ và minh chứng thuộc triết học, và bởi triết và thần học tách bạch, Duns không chấp nhận kiểu xác minh theo Augustine. Ngoài ra, ông không chống lại quan niệm Thượng Đế như sự khởi phát không có căn do, một quan niệm gần giống với Avicenna. Đây là một biến tấu của bản thể luận theo Anselm. Nhưng tri thức về Thượng Đế là bất khả qua những sự vật sáng tạo mà hiện hữu của chúng thường có điều kiện và tùy thuộc ý chí của Thượng Đế. Thật ra, hiện hữu của những sự vật này được xác minh bằng chính bản chất chúng. Với Thomas, điều này được dùng trong thế cách định nghĩa Thượng Đế.

. clip_image004

John Duns Scotus

Tri thức thuộc diện bản chất, và khác với Ý niệm trong trí tuệ của Thượng Đế, bởi chúng ta không biết Thượng Đế. Vì bản chất trùng hợp với hiện hữu, điều xác định vật thể không thể đến từ vật liệu cấu thành mà chỉ là Ý thể. Nhưng điểm này đối nghịch với quan điểm Thomas. Và dẫu Ý thể đối với Duns rất quan yếu, ông không hoàn toàn đồng quan điểm với hiện thực theo Plato, cho rằng có thể có nhiều Ý thể đồng thời hiện hữu trong một sự vật, nhưng vì chỉ có một sự vật, hiện hữu của Ý thể không độc lập với nhau và chỉ là những khác biệt có tính hình thức.

Tương tự quyền năng tối thượng thuộc ý chí Thượng Đế, Duns cho rằng với con người ý chí điều khiển trí tuệ. Quyền năng ý chí cho con người tự do, trong khi trí tuệ bị giới hạn bởi những đối tượng nó tìm hiểu. Từ đó, ý chí chỉ có thể nắm bắt những gì hữu hạn, và vì hiện hữu của những gì vô hạn là cần thiết nên nó sẽ triệt tiêu tự do. Học thuyết tự do đối lập với sự cần thiết phù hợp với truyền thống Augustines. Trong luận điểm của những tư tưởng gia Franciscain, thế cách này có ảnh hưởng khá mạnh như với triết thuyết Hoài Nghi. Nếu Thượng Đế không buộc phải tuân thủ những luật lệ vĩnh hằng của thế giới thì những gì ta tin về Người cũng đều đáng ngờ vực.

Quan điểm thực chứng tương đối triệt để hơn đến từ công trình của William Occam, nhà học giả lớn nhất trong dòng Franciscan. Ông sinh khoảng đâu đó giữa 1290 và 1300 ở Ockham, Surey. Sau khi học xong, ông giảng dạy ở Oxford và Paris. Vì lý thuyết ông có những điểm không chính thống, ông được lệnh trình diện Giáo Hoàng năm 1324 ở Avignon. Bốn năm sau, ông lại có những ý kiến khác biệt với ý Giáo Hoàng John XXII. Hệ phái Spirituals (tâm linh) , một hệ phái trong dòng Franciscain phát thệ sống trong khổ hạnh, không được Giáo Hoàng ưa thích. Một thỏa hiệp có từ xưa nay với dòng tu này là Giáo Hội không giữ quyền sở hữu đất dòng tu xử dụng. Thoả hiệp này bị phá bỏ, và nhiều tu sĩ không chịu, chống lại lệnh Giáo Hoàng. Occam, Marsiglio Padma, và Micheal Cesena thuộc phe nổi loạn bị rút phép thông công năm 1328. Thật may mà họ trốn khỏi Avignon, lưu vong ở Munich và được Đại đế Louis bảo vệ.

Thần quyền lại tranh chấp với Thế quyền. Giáo Hoàng ủng hộ kẻ chống đối Đại đế và rút phép thông công của Louis. Vị này trả đũa, kết Giáo Hoàng tội dị giáo thông qua một Công đồng. Trả ân được bảo vệ, Đại đế được một bản kết tội hùng hồn do Occam trước tác trong đó ông nêu ra những bất cập của Giáo Hội qua những công việc thế sự. Louis chết năm 1338, Occam ở lại Munich cho đến khi lìa đời năm 1349.

Masiglio Padua (1270-1342), là bạn và cùng lưu vong với Occam, chống Giáo Hoàng qua đề nghị cải tân tổ chức Giáo Hội về cả hai mặt thần quyền lẫn thế quyền. Sự tự chủ của hai quyền lực này, theo ông, phải đặt trên cơ sở đa số những người trong Công đồng được bầu ra qua phổ thông bầu phiếu. Chỉ Công đồng mới có quyền rút phép thông công, ngay cả khi Giáo Hoàng không đồng ý. Và Công đồng đặt ra tiêu chuẩn cho tôn giáo chính thống, không để Giáo Hội dính líu đến những sự vụ của Chính quyền Nhà Nước. Dẫu Occam không cực đoan như vậy, phải nói ông chịu ảnh hưởng của Marsiglio trong cách nhìn triệt để này.

Trong triết học, Occam đi xa trong luận thuyết thực chứng hơn những tư tưởng gia Franciscan. Dầu tách Thượng Đế khỏi phạm trù lý lẽ, Duns Scot còn giữ lại một vài điểm trong Siêu hình học truyền thống. Occam thì phản-siêu hình. Bản thể luận qua Plato, Aristotle và môn đệ theo quan điểm của Occam là bất khả tư nghì. Hiện thực gắn kết với mỗi cá nhân qua những vật thể, đối tượng của kinh nghiệm qua đó cá nhân tiếp thu hiểu biết trực tiếp và chắc chắn. Điều này có nghĩa rằng về mặt bản thể, trình tự khai triển trong Siêu hình học Aristotle là thừa. Theo Occam, thật vô ích khi buộc hành trạng tư duy rối rắm với nhiều yếu tố để đến cùng kết quả với số ít hơn. Đây là nguyên tắc những người sau ông gọi là châm ngôn “lưỡi dao Occam”. Sau này, châm ngôn Occam được học giả bổ túc và xử dụng trong nghiên cứu phương pháp khoa học. Lưỡi dao Occam trở thành một nguyên tắc tổng quát để đề xuất một tiền đề có tính ‘cứu vãn hiện tượng’ ở bề mặt, tức hiển nhiên và không cần bàn cãi. Nếu chỉ một giải trình đơn giản để hiểu đã có, thì mọi giải trình phức tạp hơn sẽ thừa. Với thế cách này, Occam cho rằng trong khuôn khổ Lôgíc có một loại hiểu biết về ý nghĩa có tính tổng quát. Điều này đi xa hơn cá nhân qua kinh nghiệm thực chứng, và tất nhiên trừu tượng hơn. Và kết quả chúng ta đạt được qua phương pháp này có thể không dính dáng đến hiện hữu như một vật thể. Trong chiều hướng này, Occam là tư tưởng gia theo thuyết Duy Danh, hay Danh Nghĩa. Lôgíc, trong nghĩa đen theo Aristotle, chỉ là những phương tiện ngữ ngôn, và ông quan tâm đến ý nghĩa của ngữ ngôn. Với cách nhìn như vậy, Occam khuyếch đại trường phái Danh Nghĩa ở thế kỷ 11, đồng ý với Boethius, người đã từng nhấn mạnh rằng những phạm trù theo Aristotle đơn thuần là những con chữ.

clip_image006

William Occam

Khái niệm ngôn từ trong những diễn ngôn đến từ trí tuệ. Khi chúng chưa thành lời, chúng là những ký hiệu phổ quát, khác với những con chữ như những ký hiệu qui ước. Để tránh lập luận phi lý, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa một đề xuất về sự vật với một đề xuất về ngôn từ. Khi đề cập đến khoa học, chúng ta nói về những sự vật, ngôn từ được gọi là thuộc về khái niệm thứ nhất. Nếu ta nói về ngôn từ, như trong Lôgíc học, chúng thuộc về khái niệm thứ hai. Điều quan yếu là một đề xuất phải đảm bảo mọi ngôn từ đều thuộc một trong hai khái niệm vừa nói. Dùng định nghĩa này, trường phái Danh Nghĩa dùng ngôn từ phổ quát trong ý nghĩa khái niệm thứ hai. Những người theo trường phái Duy Thực lại cho rằng chúng thuộc khái niệm thứ nhất, và thế là phạm sai lầm. Triết gia phái Thomism đồng ý với Occam khi bác bỏ cái gì phổ quát không phải là sự vật. Họ cũng chấp nhận rằng cái phổ quát hiện hữu trước sự vật, như Ý thể trong trí tuệ Thượng Đế, ý mà Avicenna đã nói. Nhưng điều mà Thomas cho là một sự thật siêu hình có thể được minh chứng qua lý lẽ thì Occam không cho là đúng. Theo ông, sự thật siêu hình thuộc Thần học, và hoàn toàn tách biệt với phạm trù lý lẽ. Trong Thần học, tất cả là niềm tin. Sự hiện hữu của Thượng Đế không thể chứng minh được qua luận lý. Ở đây, Occam tiến xa hơn Duns Scot, phủ nhận cả Anselm lẫn Thomas. Thượng Đế không thể nhận biết được qua thực chứng, và củng không thể xác minh được qua lý lẽ. Niềm tin vào Thượng Đế với những chỉ dấu riêng biệt là tín điều, cũng như những giáo điều về Ba Ngôi, sự Sáng Thế, linh hồn bất tử, vân vân.

Trong một nghĩa nào đó, Occam có thể coi như một người nặng tính hoài nghi. Nhưng ta lầm nếu nghĩ rằng ông là kẻ không có lòng tin. Qua cách giới hạn phạm trù của lý lẽ và giải thoát Lôgíc khỏi siêu hình và thần học, ông đóng góp nhiều cho việc phục hưng những nghiên cứu khoa học. Đồng thời, niềm tin trở nên vùng đất mở cho mọi thứ tư biện hoang đường. Chẳng thật đáng ngạc nhiên khi có những phong trào huyền nhiệm quay trở lại truyền thống Tân-Plato. Người đại diện cho phong trào này là Master Eckhart (1260-1327), một người theo dòng tu Dominican nhưng đề trình một lý thuyết hoàn toàn bỏ qua những đòi hỏi kiểu chính thống. Đối với Giáo Hội, một người theo con đường huyền bí cũng là một đe dọa, có khi còn đe dọa hơn một tư tưởng gia tự do. Năm 1329, lý thuyết của Eckart bị Giáo Hội kết tội dị giáo.

Có lẽ tổng hợp tư tưởng thời Trung Cổ lớn nhất là trước tác của Dante (1265-1321). Khi ông viết “Hài kịch Thánh linh”, thời Trung Cổ ở Âu Châu bắt đầu trên đà mục rã. Tác phẩm này là tổng quan một thế giới đã qua thời hoàn hảo, quay ngược về sự phục sinh của Thomas với học thuyết Aristotle, và cuộc tranh chấp bè phái giữa Guelfs và Ghibellines trong những thành quốc thuộc Ý. Hiển nhiên, Dante đã đọc trước tác của Thomas Aquinas. Tương tự, ông ở trong dòng văn hóa cổ điển của Hy Lạp và Rome còn sót lại. ‘’ Hài kịch Thánh linh’’ thuật lại một hành trình vào Địa ngục và vào Thiên đường, qua đó chúng ta tiếp thu những tư tưởng Trung Cổ dưới dạng ẩn dụ và ám chỉ. Dante bị đuổi khỏi Florence năm 1302 khi bè phái Guelfs [1] nắm quyền trong cuộc tranh giành liên miên với phe Ghibellines mà gia đình Dante ủng hộ. “Hài kịch Thánh linh” kể lại cuộc tranh chấp cũng như cội nguồn lịch sử của nó. Như một người tâm huyết theo Ghibellines, Dante ngưỡng mộ Frederik II mà ông cho là lý tưởng của những gì ông trông đợi từ một vị Đại đế trong Thế quyền.

Trong văn chương Tây phương, Dante là một trong vài khuôn mặt nổi nhất. Trên mọi sự, ông là người đầu đưa ngôn từ thông tục vào văn học và xác lập tiêu chuẩn phổ quát vượt trội hẳn những thể loại văn chương địa phương. Như thời tiếng Latinh đảm nhiệm vụ việc này, văn chương Ý trở thành môi trường cho sáng tạo văn học. Về mặt ngôn ngữ, từ thời đó đến nay không có thay đổi bao nhiêu. Thơ ca Ý khởi từ Pietro della Vigna, Bộ Trưởng thời Frederik II. Sau, Dante chọn một số từ ngữ thông tục địa phương vùng Tuscan nơi ông sinh ra, và từ đó xác lập ngôn ngữ văn chương Ý. Cũng trong giai đoạn đó, ngôn ngữ thông tục cũng được triển khai ở Pháp, Đức và Anh. Chaucer [2] sống sau thời Dante ít lâu. Tuy nhiên, ngôn ngữ học thuật vẫn là tiếng Latinh trong một thời gian khá dài. Triết gia đầu tiên dùng tiếng mẹ đẻ là Descartes, và chỉ năm thì mười họa. Tiếng Latinh bớt phổ biến dần dần trong học thuật, và đầu thế kỷ 19, nó biến hẳn. Từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, như phương tiện truyền đạt, tiếng Pháp và hiện nay tiếng Anh đã thay thế tiếng Latinh thời trước.

clip_image008

Tượng Dante ở Florence

Về tư duy chính trị, Dante là quán quân trong việc ủng hộ Đế quyền trong thời điểm Đế quốc mất nhiều ảnh hưởng. Những quốc gia Pháp và Anh đi lên, và tư tưởng lưu giữ một quyền lực Đế quốc bị sói mòn. Sự thay đổi quan điểm chính trị này không tác động sâu xa lên Dante. Giả như ông nhận định như thế, hẳn sự phát huy của Ý như một quốc gia tân tiến có khả năng thực hiện sớm hơn. Điều này không đồng nghĩa với chuyện cho rằng những truyền thống của Đế quốc không có gì để bảo lưu. Nhưng đã quá thời Đế quốc mất rồi. Và như hệ quả, chính kiến của Dante chẳng quan trọng gì trong thực tế.

Trong “Hài kịch Thánh linh”, có dăm ba vấn đề kỳ quặc liên quan đến thân thế những tư tưởng gia cổ đại, nhưng hẳn không có tầm quan trọng. Những vị này dĩ nhiên không thể bị liệt như những kẻ ngoại đạo dốt nát đáng đày xuống địa ngục muôn đời. Riêng Aristotle, “thầy của những kẻ hiểu biết”, ông rất đáng được cứu hộ, mặc dầu không được rửa tội và dĩ nhiên không phải là Ki-tô hữu. Một thoả hiệp được ước định. Ngoại đạo, nhiều triết gia cổ đại buộc phải xuống Địa ngục, nhưng được vào một góc riêng biệt dành cho họ, nơi có ít nhiều ưu đãi. Những kìm kẹp giáo điều mạnh đến nỗi giành chổ riêng ở Địa ngục cho những tư tưởng gia không phải là Ki-tô hữu cũng gây nhiều vấn đề phiền toái.

Đời sống thời Trung Cổ, tuy trong sợ hãi và dị đoan, nhưng khá trật tự. Sinh ra ở một nơi, người ta trung thành với chủ tể địa phương. Toàn bộ cơ cấu chính trị được phân cấp, và chẳng gì có thể thay đổi được trật tự này. Lý thuyết chính trị nằm sau truyền thống này được xét lại bởi Marsiglio và Occam. Về mặt tâm linh, yếu tố giữ con người trong vòng cương tỏa tàn dần khi họ tin là những giáo điều rao giảng không cần. Đây chẳng phải là ý hướng của Occam, nhưng là hệ quả của những điều ông quảng bá với lớp người muốn cải tân. Trong số những triết gia Kinh Viện, Luther đánh giá Occam cao hơn mọi người. Dante không dự đoán được một cuộc chính biến như thế. Ông đối nghịch với Giáo Hoàng không phải vì từ bỏ chính thống mà chỉ nhằm giảm thiểu tác động của Giáo Hội trên những vấn đề dân sự thuộc về thẩm quyền của Đại đế. Nhưng dẫu quyền lực của Giáo Hội thời ông có suy giảm, Đại đế người Đức thời Dante cũng không giữ được quyền lực ở Ý. Sau 1309, khi thủ đô của Giáo Hội chuyển về Avignon, Giáo Hoàng thành một công cụ chính trị trong tay Vua nước Pháp. Mâu thuẫn giữa Giáo Hoàng và Vua trở thành tranh chấp giữa Pháp với Đức và Anh, phe bảo vệ Đế quốc. Khi Henry VII ở Luxemburg trở thành Đại đế năm 1308, nhìn sơ thì có vẻ như Đế quốc phục hồi, và Dante dương buồm như một kẻ cứu vãn được rường cột. Nhưng thành công của Henry khá bèo bọt. Dẫu vị này xuống Rome và được đội Vương miện năm 1312, ông không khẳng định được vị thế của mình đối với Naples và Florence. Năm sau, ông chết. Phần Dante, ông phải lưu vong đến Ravenna và qua đời ở đó năm 1321.

Với sự phổ biến của ngôn ngữ thông tục, Giáo Hội mất đi một phần ảnh hưởng trong triết học và khoa học. Nhưng đồng thời, văn học bùng phát, bắt đầu ở Ý rồi lan lên phía bắc. Đối tượng của tư duy rộng ra, và với tinh thần hoài nghi thoát thai từ hố sâu giữa niềm tin và lý lẽ, trí tuệ con người lơ là những chuyện ngoài thế gian nay quay sang tập trung vào những điều có thể thay đổi cuộc sống. Những ưu tư này xuất đầu lộ diện vào đầu thế kỷ 14. Dante không nhận biết sự thay đổi này, vẫn một mực ngoái lại thời vàng son của Frederik II. Thời Trung Cổ theo nguyên tắc tập quyền, và sau, nhiều động lực mới trong thời Phục Hưng thay đổi cấu trúc cứng ngắc của xã hội Trung Cổ. Tuy nhiên, thời nay chúng ta lại thấy tư tưởng chính trị tập trung có vẻ như quay trở lại.

Ở thế kỷ 14, uy thế của Giáo Hội suy giảm rất nhanh. Trong cuộc đối đầu với Đế quốc, dẫu Giáo Hoàng chứng tỏ có sức mạnh nhưng ngày càng khó kiểm soát Ki-tô hữu bằng cách treo lơ lửng trên đầu cái dọa rút phép thông công. Người bình thường bắt đầu dám tự mình nghĩ về Thượng Đế là gì. Giáo Hội mất chỗ dựa đạo lý và tâm linh đối với những tư tưởng gia và học giả, trong khi nhà Vua và quần chúng không thoải mái gì với đống tiền khổng lồ phải gửi cho Giáo Hội. Những sự kiện này ngày một rõ nét, tuy chưa phải là yếu tố dẫn đến những tranh chấp trực diện. Giáo Hoàng Boniface VIII, trong giáo lệnh ‘’Unam Sanctam’’ năm 1301, tăng quyền tối thượng của Giáo Hoàng ngay cả so với điều lệnh của Innocent III. Năm 1300, ông tuyên bố là Năm Thánh[3], thời gian tha thứ tội lỗi cho tất cả những người đi hành hương ở Rome. Động tác này tăng quyền lực tâm linh của Giáo Hoàng, nhưng cũng mang lại những món tiền rất lớn cho ngân khố Giáo Hội và làm giàu cho những người sống được qua lợi tức thu vào từ cuộc hành hương. Thành công của Năm Thánh khiến mực độ tổ chức lễ hội này giảm từ 100, đến 50, rồi 25 năm.

Mặc dầu chứng tỏ uy thế như vậy nhưng thực ra quyền lực của Boniface VIII dựa trên một thứ nền tảng mỏng mảnh. Như một con người, vị này coi vàng trọng hơn chuyện trở thành ông Hoàng của Giáo Hội, và về niềm tin, ông không theo hệ thuyết chính thống. Trong thời ông tại vị, ông mâu thuẫn hoặc với những giám mục, hoặc với Philip IV, vua nước Pháp, và thường thì vua thắng. Vị Giáo Hoàng sau ông là Clement V, được bầu nằm 1305, đưa trụ sở Giáo Hội về Avignon. Dưới thời Giáo Hoàng này, Philip IV có sự đồng lõa của Giáo Hội và triệt hạ được dòng Templar[4], bị kết là dị giáo mặc dầu tội án này chẳng có cơ sở. Từ đó, những tranh chấp chỉ làm giảm quyền năng và uy thế của Giáo Hội. Chia rẽ giữa John XXII và dòng Franciscain đã khai sinh ra phản biện của Occam. Giáo Hoàng đi Avignon, vắng mặt ở Rome, tạo thời cơ cho Cola de Rienzi nổi lên đòi tự trị một thời gian. Công dân Rome bắt đầu chống trả nhũng nhiễu của giai cấp quí tộc, cuối cùng tranh đấu cả với Giáo Hoàng và Đại đế. Năm 1352, Giáo Hoàng kế nhiệm là Clement VI bắt được Rienzi, bỏ tù cho đến khi Giáo Hoàng chết hai năm sau. Rienzi quay lại cai quản Rome nhưng rồi bị sát hại vài tháng sau.

Với cuộc lưu vong lánh nạn của Giáo Hội ở Avignon trên đất Pháp, uy thế Giáo Hội giảm khá nhiều. Trở về Rome năm 1377, Giáo Hoàng Gregory XI tìm cách khôi phục uy thế này. Ông qua đời năm sau, và vị kế nhiệm người Ý, Urban VI, tranh chấp với những Giám Mục người Pháp đã bầu Robert ở Geneva vào địa vị Giáo Hoàng. Vị này lấy giáo hiệu là Clement VII, thường trú ở Avignon, tạo ra cuộc Ly Giáo[5] (Great Schism) kéo dài mãi cho tới thời Công đồng Constance năm 1414. Người Pháp ủng hộ Giáo Hoàng của họ ở Avignon, trong khi Đại đế Đức chỉ chấp nhận Giáo Hoàng ở Rome. Nhưng bởi mỗi vị Giáo Hoàng chỉ định những Giám Mục của mình, tức là những người có thẩm quyền bầu ra Giáo Hoàng kế vị, sự kiện ly giáo phân ra hai không hàn gắn được. Năm 1409, một Hội đồng được triệu tập ở Pisa nhằm giải quyết vụ việc này. Hai vị Giáo Hoàng đương nhiệm bị truất phế, và Hội đồng bầu ra một vị tân Giáo Hoàng. Nhưng hai Giáo Hoàng bị truất chống lại, và thế là chúng ta có đến ba Giáo Hoàng. Hội đồng Constance năm 1414 lập lại trật tự. Tân Giáo Hoàng bị hạ bệ, vị ở Rome được giữ lại cho đến khi từ nhiệm, và vì ảnh hưởng đi lên của người Anh ở Pháp quốc, Avignon bị giải thể. Năm 1417, Công Đồng bầu Martin V, kết thúc cuộc Ly Giáo. Nhưng Giáo Hội không hàn gắn được nội bộ, và có những kẻ tiếp tục chống hòa giải nên Giáo Hoàng không còn được tôn trọng và có uy quyền như thời trước.

Ở Anh quốc, sự đối lập với Rome tiếp diễn với John Wycliffe (khoảng 1320- 1384), sinh quán Yorkshire, và là triết gia giảng dạy ở Oxford. Lưu ý rằng giáo chúng ở Anh xưa nay không quị lụy Rome như những tín hữu sống trong đại lục Âu châu. Ngay thời William I[6], vị Vua này chỉ chấp nhận những Giám Mục với sự đồng tình của ông.

Wycliffe là một tu sĩ. Công trình triết học của ông không quan trọng như những tư tưởng gia Franciscan. Chối bỏ thuyết danh nghĩa của Occam, ông có khuynh hướng quay vể hiện thực theo Plato. Trong khi Occam cho rằng Thượng Đế có uy quyền và tự do tuyệt đối, Wycliffe tin vào một Thượng Đế mà tự thân cần thiết cho chính mình. Thế giới hiện có như nó tồn tại, ông tuân thủ cách nhìn Tân-Plato, điểu chúng ta sẽ thấy lại với Spinoza ở thế kỷ 17. Cuối đời, Wycliffe chống đối Giáo Hội, đầu tiên là chống cung cách xa hoa của Giáo Hoàng và những Giám Mục trong khi quần chúng tín hữu sống trong nghèo khổ. Năm 1376, ông trỉnh bày một quan điểm mới mẻ về thế quyền trong một bài giảng ở Oxford. Theo ông, chỉ những người công chính mới có thể yêu sách về quyền sở hữu và quyền năng. Giới Giáo Sĩ nếu không qua được sự thẩm tra này phải trao trả quyền sở hữu lại để Nhà Nước qui định. Dẫu sao sở hữu là xấu xa ma quỉ: nếu đấng Ki-Tô và các vị tông đồ ngày xưa không sở hữu gì thì các Giáo Sĩ nay cũng phải như thế. Dĩ nhiên, góc nhìn này hẳn không được giới Giáo Sĩ ủng hộ, nhưng lại được sự quan tâm của Chính phủ Anh quốc khi đó đang tìm cách giảm thiểu những đóng góp tiền của cho Giáo Hội. Giáo Hoàng Gregory XI phán rằng Wycliffe có quan điểm dị giáo, và cũng như trường hợp Marsiglio ở Padua, đòi mang ra xử. Nhưng quần chúng thành Luân Đôn chống lại. Ngoài ra, Đại học Oxford khẳng định quyền tự do giảng dạy và phủ nhận quyền Giáo Hoàng mang những giảng sư của Đại học ra toà để phán xử.

clip_image010 John Wycliffe

Say vụ việc Ly Giáo nói trên, Wycliffe đi đến chỗ cực đoan, tuyên bố rằng Giáo Hoàng là kẻ phản Chúa. Cùng một số bạn hữu, ông dịch lại bản Vulgate[7] qua Anh ngữ, sáng lập dòng những tu sĩ phát thệ sống nghèo và đi đó đây giảng đạo cho những kẻ khốn cùng. Cuối đời, ông vạch mặt giáo điều lệch lạc với cùng lập luận như những nhà Cải Cách sau này. Trong cuộc nổi loạn của nông dân năm 1381, ông giữ thế trung lập. Wycliffe qua đời năm 1384 ở Lutterworth. Khi sinh thời, ông tránh được bị phán xử, nhưng lúc chết, Công Đồng Constance trả thù trên nắm xương tàn của ông. Những người theo ông, gọi là Lollards, bị truy nã. Ở Bohemia, giáo lý ông rao giảng đã tiếp sức cho phong trào Hussite [8] tồn tại cho đến thời Cải Cách.

Về khác biệt chính yếu với thời Trung Cổ, ta có thể nói là quan điểm về tội lỗi không hề có trong truyền thống Hy Lạp trước đó, quan điểm theo đó cá nhân con người thừa hưởng như nghiệp chướng. Người Hy có thể nghĩ cuộc sống nơi trần thế mong manh và có thể đổ vỡ vì ý muốn của thánh thần. Nhưng điều này xẩy ra chẳng phải vì những xấu xa lỗi lầm của con người trong quá khứ. Từ đó, trong thế cách tư duy Hy, không có vấn đề chuộc tội và cứu vớt linh hồn, và nói chung, thế cách Hy Lạp là phi-siêu hình. Trong thời cổ đại Hy, nhất là với trường phái Khắc Kỷ, tư tưởng cam nhận trong đạo đức nảy mầm, sau truyền tới những giáo phái Ki-tô thời sơ khởi. Nói cho cùng, triết lý Hy Lạp không trực diện với những vấn đề thần học và chỉ thiết thân với những chuyện trần gian thế tục.

Khi Ki-tô giáo xâm nhập phương Tây, quan điểm đạo đức đã thay đổi một cách sâu rộng. Giáo hữu Ki-tô coi cuộc đời dưới thế như để sửa soạn cho một đời sống tương lai tốt đẹp hơn, và tất cả những nỗi thống khổ trần gian đều là để tẩy rửa tội lỗi mà con người gánh trên vai. Nhưng điều này đòi hỏi những cố gắng siêu nhân. Và để tồn tại, con người buộc phải được sự trợ giúp của thiêng liêng. Khi đạo hạnh của người Hy là phần thưởng cho chính mình thì với người Ki-tô, đạo hạnh là những điều Thượng Đế bắt vậy. Và đạo hạnh, không là điều kiện tiên quyết, cũng không bảo đảm sự cứu chuộc linh hồn. Nhiều giáo lý con người phải tin, và lòng tin là sự hiển minh của thiêng liêng. Có được lòng tin, đó là sự ban ân của Thượng Đế cho con người. Và những ai không bước qua được bước đầu này sẽ là những kẻ muôn đời chịu nguyền rủa.

Trong bối cảnh ta vừa đề cập, triết học thành một công cụ của tôn giáo. Để lòng tin vượt lý lẽ, người có lòng tin luôn phải làm thế nào không để lý lẽ gieo mầm những ngờ vực hoài nghi. Vì vậy, ở thời Trung Cổ, triết học nhằm trợ tá cho thần học. Với thế cách đó, triết gia Ki-tô phải là người của Giáo Hội. Những điều học hỏi được chọn lựa, bảo quản bởi tầng lớp Giáo Sĩ, trường dòng, sau cả Đại học, tất cả nằm dưới sự quản trị của những dòng tu có tên tuổi. Triết học giảng dạy có đề cập đến thời Plato và Aristotle, đặc biệt triết lý Aristotle được quảng bá rộng vào thế kỷ 13 bởi dễ hòa nhập vào thần học Ki-tô. Dùng ngôn từ Kinh Viện, vấn đề được diễn tả như sau: một lý thuyết dựa trên hiện thực (như của Plato) không để nhiều chỗ cho quyền năng thiêng liêng tác động lên sự vận động của sự vật. Thuyết Danh Nghĩa (theo Aristotle), ngược lại, cho phép điều này. Dẫu Thượng Đế của người Do Thái và Ki-tô không phải là thần linh của Aristotle, vẫn không khó thấy là tương đối dễ uốn nắn quan điểm của Aristotle hơn là với quan điểm Plato để hội nhập vào khuôn khổ thần học Ki-tô giáo. Quan điểm Plato tạo nền tảng cho giáo điều đa thần, chẳng hạn như với Spinoza, mặc dầu cách thế lập luận về điều này của ông thuần Lôgíc như ta sẽ bàn sau. Tương hợp giữa Triết học và Thần học có khả năng tồn tại một khi ta cho phép lý lẽ có thể xây nền cho Thần học. Khi những tư tưởng gia Franciscan ở thế kỷ 14 bác khả năng này và cho rằng lý lẽ và niềm tin là hai phạm trù tách biệt, sự tương hợp nói trên là bất khả thi. Triết học không còn vai trò nào trong Thần học. Và như Occam, đẩy niềm tin ra khỏi mọi ràng buộc với lý lẽ, Triết học trở thành một phạm trù thuần thế tục. Từ thế kỷ 16 cho đến nay, Giáo Hội không còn có tác động nào trên Triết học.

Sự phân ly trên khiến hoạt động tư duy dựa trên lý lẽ và hoạt động tín ngưỡng thành tách bạch. Điều này không phải là giả tạo dối trá. Nhiều người không để những niềm tin thế tục ảnh hưởng đến niềm tin tôn giáo của họ. Và chỉ như thế thì tôn giáo mới có khả năng tự tồn mà không phải đối đầu với nghi hoặc. Chỉ khi tôn giáo thoát khỏi phạm trù niềm tin và vào đấu trường của biện chứng thì lúc ấy tôn giáo mới phải tuân thủ những tiêu chuẩn của tranh biện luận lý.

Mặt khác, tư duy bế tắc khi chúng ta phải tin tưởng vào một luận đề nào đó không tương thích với thực chứng. Lấy thí dụ, về tuổi của trái đất: Cựu Ước tính toán cho rằng tuổi đó cỡ 5750 năm, và giáo điều chính thống chấp nhận. Nhà địa chất lại đưa ra con số 4000 triệu năm trên cơ sở khoa học thực nghiệm. Như vậy, một trong hai tính toán phải được công nhận, nếu những người nặng niềm tin tôn giáo không có cái tư duy soành xoạch sáng nắng chiều mưa. Điểm quan trọng là một khi tuyên dẫn trong tôn giáo sai lệch thực chứng, tôn giáo ở thế bị động và phải thay đổi rao giảng. Niềm tin không thể bất tương ứng với lý lẽ. Trong trường hợp mâu thuẫn có, tôn giáo buộc phải lùi trước lý lẽ có thực chứng. Ngoài ra, tuy nhiên, sau khi lùi trên điểm này thì tôn giáo và lý lẽ vẫn là hai phạm trù có thể tách bạch ra được.

Trong vòng khả thi, những tư tưởng gia phái Kinh Viện cố gắng xác lập nền tảng lý lẽ cho những giáo điều tín ngưỡng và chứng tỏ họ rất tinh nhậy. Tác động dài hạn của những cố gắng này là những đóng góp về công cụ ngôn ngữ mà học giả thời Phục Hưng thừa hưởng. Đây có lẽ là điểm tích cực nhất của phái Kinh Viện. Mặt tiêu cực, trường phái này không quan tâm đủ đến những nghiên cứu dựa trên phương pháp thực nghiệm. Điểm này là đặc thù của những học giả Franciscan. Thực chứng không được coi trọng trong giai đoạn con người quan tâm đến Thượng Đế là điều tất nhiên. Tư tưởng gia thời Phục Hưng sau đó lại quay lại con người như trung tâm. Trong chiều hướng này, hoạt động thế tục phải được điều nghiên, và từ đó những nghiên cứu khoa học lớn vồng lên với nhiều thành tựu. Điều phân biệt phương Tây với thế giới trong ba, bốn trăm năm qua là đạo lý về hành trạng của những con người. Kỹ thuật Tây phương đã chinh phục toàn thế giới, và nền tảng đạo lý đi đôi với những thành tựu này hẳn cũng có những ảnh hưởng không thể bỏ qua được.


[1] Hai bè phái, một bên ủng hộ Giáo hoàng, bên kia Đại đế Rome ở trung tâm và miền bắc nước Ý. Cuộc tranh chấp bè phái này ảnh hưởng đến nội chính của các thành quốc Ý. Bắt đầu từ 1075, và chính thức chấm dứt năm 1122, nhưng cuộc tranh chấp dây dưa cho đến thế kỷ 15.

[2] Geoffrey Chaucer (1343-1400) được coi như cha đẻ của văn chương Anh, là một nhà thơ Anh lớn nhất thời Trung Cổ, và là nhà thơ đầu tiên bị thiêu ở tu viện Wesminster.

[3] Trong truyền thống Do Thái và Ki-Tô, là năm tha thứ mọi tội lỗi cứ mỗi 50 năm, mọi nhà phải tìm lại người thân đi xa, trả đất cho những người sở hữu khi trước, thả nô lệ và thanh toán hết nợ nần.

[4] Là một tổ chức quân sự của Giáo Hội, tồn tại gần 2 thế kỷ trong thời Trung Cổ, nổi tiếng là tinh nhuệ trong Thánh chiến. Rút quân từ Palestine, họ trở thành một dòng tu, quản lý một mạng kinh tế quan trọng, giữ khâu ngân hàng, và xây dựng thành trì khắp châu Âu và những nước qui phục Giáo Hội

[5] Cuộc Ly Giáo kéo từ 1309 đến 1377, và sau tiếp tục đến Công đồng Constance.

[6] Thường gọi là William kẻ chinh phục ( 1028-1087), là người Norman, làm vua nước Anh từ 1066 đến 1087.

[7] Bản dịch Thánh Kinh sang chữ Latinh, công trình của St. Jerome được Giáo hoàng Damasus I giao phó năm 382.

[8] Giáo phái ở Tiệp, theo giáo giảng của nhà cách tân Jan Hus (1369-1415), người tiên phong cho Cải Cách Tin Lành. Ông bị Hội đồng Constance triệu hồi, rồi kết tội dị giáo và xử tử năm 1415. Giáo phái này chiến đấu cho đến năm 1434 để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và chính trị của mình.

Comments are closed.