Về bãi đỗ xe bên Lăng Khải Định

FB Nguyễn Đắc Xuân

Đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức một hội nghị khoa học thảo luận về việc nên xây dựng bãi đỗ xe bên trái trước lăng Khải Định hay chuyển qua một địa điểm thích hợp khác.

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Lời mở đầu: Cuộc tranh luận của tôi với TS Phan Thanh Hải – GĐ TTBTDT Cố đô Huế về việc nên hay không nên xây dựng bãi đỗ xe trên khu đất 5000 m2 bên trái trước lăng Khải Định kéo dài trên nhiều tháng mà không dứt điểm được. Mỗi lần điện thoại cho tôi các bạn yêu Huế gần xa hay hỏi ” Bãi đỗ xe Phan Thanh Hải” trên lăng Khải Định ra răng rồi?” Tôi chỉ đáp còn chờ ý kiến của lãnh đạo Tỉnh. Trong lúc chờ, ngày 9-10-2017 tôi có gởi cho lãnh đạo Tỉnh văn bản dưới đây. Sáng ngày 25-10-2017 tôi nhận được công văn của UBND Tỉnh TTH cho biết : Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Cao có ý kiến như sau:”Giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại, làm rõ các nội dung theo kiến nghị của ông Nguyễn Đắc Xuân; báo cáo UBND tỉnh kết quả giải quyết trước ngày 15/11/2017″. Vì đây là một vấn đề khoa học lịch sử nên tôi đề nghị tổ chức một hội nghị khoa học nhưng được Tỉnh chỉ đạo chỉ “phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đối thoại”, tôi thấy không ổn nhưng dù sao được như thế cũng quý cho Huế rồi. Trong lúc chờ đối thoại với Trung tâm và các đơn vị liên quan tôi đăng văn bản tôi đã gởi cho Tỉnh để mong các nhà nghiên cứu yêu Huế gần xa góp thêm ý kiến cho tôi. Ngoài 10 vấn đề tôi đề nghị Trung Tâm giải trình, quý vị thấy có vấn đề gì cần làm rõ nữa không để tôi báo lại cho các ngành chức năng giúp làm rõ. Qua đây tôi cũng đề nghị với Trung tâm hai ý kiến nhỏ: 1. Cuộc đối thoại phải tổ chức ngay tại công trường đang xây dựng bãi đỗ xe ở lăng Khải Định; 2. Đây là một vấn đề khoa học phải am hiểu lịch sử văn hóa và luật Di sản Văn hóa nên ngoài tôi ra sẽ có các nhà chuyên môn cùng dự với tôi. Nếu được Trung Tâm đồng ý tôi sẽ trình danh sách.

Sau văn bản nầy, kính mời quý vị đọc tiếp 1 stt thứ hai phản ảnh ý kiến của các nhà nghiên cứu và độc giả gần xa về vấn đề nầy. Cám ơn quý vị.

*
* *
Qua phản ảnh của dân chúng về việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (viết tắt TT) sử dụng khu đất 5000m2 bên trái phía trước lăng Khải Định làm bãi đỗ xe (bđx), với tư cách là một người cầm bút xứ Huế và cũng là một thành viên trong Hội đồng Tham vấn khoa học của TT tôi đã góp ý với TT nên chuyển bđx qua một địa điểm không phạm vào những điều cấm trong khu vực bảo vệ lăng Khải Định. Tôi đã đưa ra những lý lẽ xác đáng về việc bảo vệ cảnh quan môi trường, phá vỡ sự tôn nghiêm của một khu lăng vua, về những tác động xấu đến phong thủy, về việc xây dựng phạm luật Di sản văn hóa, về việc gây khó khăn cho tương lai vài chục năm nữa, và cũng có thể làm cho UNESCO phải xem xét lại quyết định đã công nhận di tích lịch sử Cố đô Huế là di sản văn hóa của nhân loại. Nhưng TS Phan Thanh Hải- Giám đốc TT đưa ra những luận điệu vòng vo, giải thích mọi việc theo ý mình, nói lui nói tới cũng chỉ bảo là thực hiện việc xây dựng đúng quy trình, được các cấp thẩm quyền cấp phép nên bất chấp mọi phản đối của dư luận vẫn tiến hành xây dựng bđx theo ý của TT. Cuộc phản biện của tôi đã diễn ra ba tháng rồi mà vẫn chưa có gì thay đổi, tôi thấy không thể kéo dài việc phản biện thêm nữa nên có lời đề nghị Tỉnh Thừa Thiên Huế mở một hội nghị để TT trình bày một cách khoa học về những lý lẽ mà TT đã căn cứ để xây dựng bđx bên trái trước lăng Khải Định. Sau khi nghe TT giải trình, nếu mọi việc đúng luật Di sản, được hội nghị đồng tình thì Tỉnh cho phép TT tiếp tục xây dựng để hoàn thành bđx, nếu TT đã phạm luật di sản văn hóa, làm hồ sơ xin cấp phép một cách tùy tiện, mưu mẹo để lừa các cấp thẩm quyền và các nhà nghiên cứu như tôi đã nêu lên lâu nay thì Tỉnh phải ra lệnh chuyển địa điểm xây dựng bđx qua một nơi thích hợp để tránh hậu quả đời đời nguyền rủa.

Để TT có đủ thời gian chuẩn bị trước khi đi vào hội nghị, tôi nhắc lại những vấn đề TT cần phải giải trình sau đây:

1. Trong việc sử dụng đất thông thường cũng như đất thuộc di tích việc đầu tiên là phải căn cứ trên bản đồ địa chính do chính quyền giao cho tư nhân, cơ quan nhà nước trong đó có di tích địa phương, di tích quốc gia, sau nầy có thêm di tích đã được quốc tế công nhận. Đề nghị TT công bố bản đồ địa chính lăng Khải Định do tỉnh Bình Trị Thiên giao cho cơ quan quản lý di tích triều Nguyễn từ sau năm 1975. Qua đó mới biết khu đất 5000 m2 bên trái phía trước lăng Khải Định là đất cấu thành di tích lăng Khải Định hay là đất công sau nầy được quy hoạch làm vành đai bảo vệ di tích lăng Khải Định. Nếu khu đất đó là đất cấu thành di tích thì việc xây dựng bến xe trên đó là phạm luật;

2. Theo Điều 32.2 Luật di sản Văn hóa năm 2001, được sửa đổi và bổ sung năm 2009 (tr.32) thì “Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa”. Với nhiệm vụ quản lý bảo tồn di tích Cố đô chắc chắn TT đã lập vùng bảo vệ lăng Khải Định ít nhất phải trên 20 năm, vùng bảo vệ đó đã được “xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích”, đề nghị TT công bố tấm bản đồ nầy. Nếu trên bản đồ địa chính chỉ rõ khu đất 5000 m2 nói trên thuộc đất công được quy hoạch làm vùng II bảo vệ di tích thì việc xây dựng bđx trên ấy cũng sai. Bởi vì theo Nghị định 288/HĐBT ngày 31 – 12 – 1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thông tư số 206/VHTT ngày 22 – 7 – 1986 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ văn hóa – Thể thao và Du lịch) hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh thì “ Khu vực 2: là khu vực bao quanh khu vực 1, chỉ được phép xây dựng bia, tượng đài, công trình văn hóa nhằm mục đích tôn tạo di tích”. Như vậy TT xây dựng bđx trên đất khu vực 2 là phạm pháp.

3. Vi phạm không gian thuộc phong thủy lăng Khải Định. Theo các nhà nghiên cứu Phong thủy: phong thủy của một ngôi lăng vua nó có ảnh hưởng không những đối với cá nhân nhà vua, đối với họ hàng gia đình con cháu của nhà vua mà còn ảnh hưởng đến quốc gia. Qua các nhà nghiên cứu giới thiệu lăng Khải Định xưa nay đã cho rằng: Lăng Khải Định lấy quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khoản đất trống trước lăng và khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm minh đường””thủy tụ” của lăng Khải Định.

Sau gần một trăm năm xây dựng lăng vua Khải Định (1920-2017), sự kiện quan trọng đầu tiên liên quan đến vấn đề phong thủy lăng Khải Định là việc xây dựng bđx trên khu đất bên trái trước lăng. Vì thế khi lập đề án xây dựng bđx trên đất di tích lăng Khải Định, TT phải lập một bản đồ phương vị về phong thủy của lăng Khải Định. Qua đó mới biết được địa điểm xây dựng bđx có vi phạm không gian thuộc phong thủy lăng Khải Định hay không. Căn cứ trên bản đồ phương vị nầy TT trình bày xin phép tỉnh TTH, xin phép Bộ VHTT&DL cấp phép xây dựng. Tôi không ngờ TT không thực hiện những việc cần thiết vừa nêu mà chỉ hỏi cán bộ hợp đồng của TT như thư TS Phan Thanh Hải đã trả lời cho tôi: “…qua tham khảo ý kiến của nhà nghiên cứu Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp để xây dựng bãi đỗ xe phục vụ khách tham quan”. Anh Vĩnh Cao – bạn của tôi, một nhà Hán Nôm, bói toán, có biết phong thủy, nói năng thận trọng cho nên tôi không tin anh Vĩnh Cao đã tham mưu cho TT một cách tùy tiện, dễ dãi như vậy. Nếu tôi nghĩ sai và TS Phan Thanh Hải nói đúng thì đề nghị TT cung cấp cho một bản đồ phương vị với các con số, phương hướng như thế nào mà có thể xây dựng được bđx. Qua ý kiến của TS Phan Thanh Hải gởi cho tôi, bác sĩ Dương Văn Sinh – một nhà nghiên cứu phong thủy mà người Việt trong và ngoài nước đều biết tiếng muốn được thảo luận với TT và anh Vĩnh Cao về vấn đề nầy. Đề nghị TT trình bày vấn đề phong thủy lăng Khải Định một cách đầy đủ để không những BS Dương Văn Sinh mà còn các nhà Phong thủy có tên tuổi khác ở Huế thẩm định. Nếu TT không đưa vấn đề phong thủy ra thảo luận một cách công khai, khoa học thì các nhà phong thủy sẽ phê phán TT đã xây dựng bđx trên đất “minh đường thủy tụ” của lăng Khải Định. Như vậy là TT phá hoại phong thủy lăng Khải Định chứ không phải để nâng cao giá trị lăng Khải Định.

4. Dự án bđx đã được TT chuẩn bị mấy năm, chạy từ lãnh đạo địa phương lên đến cơ quan chức năng ở Trung ương nhưng đây là một đề tài lịch sử quốc gia – quốc tế tại sao khi lập dự án xây dựng bđx bên trái trước lăng Khải Định mà TT không đưa dự án ra cho các nhà khoa học, các thành viên trong Hội đồng tham vấn khoa học của TT góp ý kiến như TT đã từng thực hiện đối với các dự án Trùng tu Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc Cung đình Huế, sử dụng vườn Cung An Định làm Nhà hàng cao cấp, mở Quán cà-phê trong vườn nhà lưu niệm của Đức Từ Cung ? Phải chăng TT sợ các nhà khoa học, các thành viên trong Hội đồng tham vấn không đồng tình với việc xây dựng bđx trên đất di tích chăng? Tôi đã hỏi nhiều lần nhưng TS Phan Thanh Hải chưa một lần trả lời. Vì sao ?

5. Bđx gắn liền với Di sản thế giới có giá trị quốc gia quốc tế thế nhưng TT không công khai dự án, để các chuyên gia trong và ngoài nước góp ý, không tổ chức thi thiết kế để có một công trình xây dựng bđx xứng đáng với lăng Khải Định – di sản thế giới ? Nếu đã có thì đề nghị TT cho biết hồ sơ công khai dự án và đã tổ chức thi thiết kế như thế nào? Những ai dự thi, ai chấm và bài dự thi nào đã được chọn? Hay TT tự biên tự diễn phục vụ cho lợi ích nhóm?

6. Khi xây dựng như tôi đã viết trong bài phản biện trước đây “Tấm pa-nô dựng ở công trường xây dựng chỉ vẽ phối cảnh công trình bãi đỗ xe với chú thích 6 hạng mục chính, ngoài ra không hề có một chữ một dòng nào cho biết địa điểm, ai là chủ đầu tư, ai tư vấn thiết kế, ai tư vấn giám sát, ai tư vấn quản lý dự án, đơn vị nào thi công, thời gian xây dựng công trình. Như thế TT đã vi phạm Điều 34.khoản 1, mục c – Luật Di sản Văn hóa (viết tắt Luật DSVH), chủ đầu tư phải “Công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt tại địa phương nơi có di tích”. Sau khi tôi phản biện TT mới bổ sung như hiện nay. Nếu tôi không phản biện điều bị che giấu đó TT có bổ sung những thông tin trên không?

7. Với tính toán của TT “Bãi xe phục vụ cùng lúc cho 31 xe ô tô” cho đến năm 2025. Lăng Khải Định nếu không bị động đất chôn vùi thì cũng tồn tại ít nhất thêm vài trăm năm nữa (đến năm 2217 chẳng hạn). Sau năm 2025 đến năm 2217 lượng khách du lịch đến tham quan lăng Khải Định theo đà tăng trưởng như hiện nay thì lượng khách sẽ đông gấp năm gấp bảy lần so với năm 2025. Người đi thăm lăng lúc đó không còn đi Hon-đa nữa mà toàn bộ đi ô-tô. Thế thì bến xe lấy đất ở đâu trước lăng Khải Định để mở rộng bến xe lớn hơn gấp năm bảy lần so với bđx đang xây dựng hiện nay? Các thế hệ sau chắc sẽ phải dời bđx đi nơi khác. Thế thì tại sao ngay bây giờ Tỉnh TTH không chuyển bđx qua một nơi nào đó có đất rộng theo quy hoạch của ngành giao thông ? Có phải vì TT muốn sử dụng đất di tích dưới quyền quản lý của mình để trục lợi mà bất chấp mọi hậu quả xấu cho các thế hệ đến sau chăng?

8. TT lấy đất di tích làm bãi đỗ xe. Trong thư TT gởi cho tôi, TT viết “Vị trí bãi đỗ xe nằm tại khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Khải Định có diện tích 4.975m2, thuộc loại công trình dịch vụ góp phần phát huy giá trị di tích nên chủ đầu tư có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTT&DL và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên”.

Đoạn trích nầy ẩn chứa những điều bất thường sau đây:

8.1. Di tích lăng Khải Định xưa nay được quản lý gồm có khu xây dựng lăng và khu đất trước mặt lăng khởi đi từ chân dốc bên phải chạy qua bãi đỗ xe tự phát trước lăng nối với khu đất xây Bđx hiện nay và kết thúc ở con đường men theo bãi ruộng lúa làng Châu Chữ cho đến cầu Khe Châu Ê. Công trường Bđx hiện nay là đất của di tích, vẫn còn cái giếng cổ. Bản thân nó là di tích chứ không phải đất công được khoanh vùng bảo vệ di tích. Theo Luật DSVH nó là “yếu tố gốc cấu thành di tích” (Điều 32, cuối khoản 3, tr.18). TT giải thích là “khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Khải Định” là không đúng với tính chất của khu đất. TT biến đất của di tích thành đất “trống thuộc khu vực II” để “Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi” (Điều 13, khoản 5 Luật DSVH). Khu đất cấu thành di tích nên TT mới có quyền làm chủ và tự cho mình có quyền khai thác du lịch trên mảnh đất đó. Nếu không phải của di tích thì TT muốn xây dựng trên mảnh đất đó TT phải xin phép địa phương. Vừa qua TT có xin phép ai đâu. Mảnh đất cấu thành di tích phải được khoanh vùng chung quanh để bảo vệ nó chứ tại sao TT lại biến nó thành khu vực II để bảo vệ lăng Khải Định? Chính TT đã giải thích mù mờ lấp lửng về tính chất của mảnh đất đó nên các cấp chính quyền không hiểu sự thực mới duyệt cho phép TT xây dựng bđx như hiện nay.

8.2. Giả như chấp nhận cách giải thích của TT “khu đất trống thuộc khu vực II khoanh vùng bảo vệ di tích lăng Khải Định” thì theo Điều 15, PHÁP LỆNH BẢO VỆ VÀ SỬ DỤNG DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ VÀ DANH LAM, THẮNG CẢNH: “Khu vực II là khu vực bao quanh khu vực I được phép xây dựng những công trình nhằm mục đích tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh”. bđx có thuộc loại để tôn tạo di tích không? Luật lệ nào, sách sử nào, trường dạy văn hóa nào dạy xây dựng bđx là để “tôn tạo di tích lịch sử, văn hoá và danh lam, thắng cảnh” ? Đề nghị TS Phan Thanh Hải – Giám đốc TT cho biết trong Quyết định của Bộ VHTTDL, của tỉnh TTH giao nhiệm vụ cho TT có khoản nào làm việc ấy không? Xây dựng Bđx trước lăng Khải Định để khai thác du lịch chứ không có mục đích nào khác. Phải chăng TT đã lợi dụng chức quyền mưu mẹo che giấu sự thực để qua mặt chính quyền, qua mặt dân chúng phục vụ lợi ích nhóm?

8.3. Điều 32, cuối khoản 3 Luật DSVH (tr.19) nêu rõ: “Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích.” Bđx không thể giữ được “yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên”, sinh hoạt đưa đón khách, mua bán, khói bụi, tiếng máy các loại xe phá hủy hoàn toàn “môi trường – sinh thái của di tích”. Công trình Bđx lăng Khải Định vi phạm nghiêm trọng khoản 3 Điều 32 Luật DSVH.

8.4 TT cho biết việc xây dựng Bđx lăng Khải Định trên Khu vực II “chủ đầu tư có văn bản xin ý kiến thỏa thuận của Bộ VHTT&DL và đã được Bộ thống nhất thỏa thuận tại văn bản trên” (4165/BVHTTDL-DSVH ngày 18/11/2014). Một thông tin quá lạ. Những dự án, những chương trình gì liên quan đến địa điểm di sản văn hóa nếu có đầy đủ chứng từ, hồ sơ đúng pháp luật thì Bộ VHTTDL đồng ý cho phép bằng văn bản, nếu chưa đầy đủ thì không đồng ý chứ tại sao ở đây lại có chuyện cho phép bằng sự “thỏa thuận”? Thỏa thuận là đồng ý với nhau về những điều kiện nào đó có quan hệ đến hai bên. Ở đây hai bên thỏa thuận với nhau những vấn đề gì? Có liên quan đến tiền bạc hối lộ không? Là một nhà nghiên cứu, một nhà báo tôi chưa hề biết có chuyện Bộ VHTT&DL đi “thỏa thuận” với cấp dưới để vi phạm di tích như thế. Trong lúc đó Điều 32, khoản 3 Luật Di sản Văn hóa (tr.50-51) ghi rõ: “Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II [….] đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”. Bđx trên đất di tích lăng Khải Định – di sản thế giới, đáng ra phải có sự đồng ý của Thủ tướng nữa kia. Ở đây TT với Bộ VHTTDL lại đi “thỏa thuận” với nhau là phạm luật. Không những TT sai mà Bộ VHTTDL (nếu có sự thỏa thuận) cũng sai, cũng phạm luật. Đề nghị thanh tra Bộ VHTTDL nên làm rõ nội dung vụ “thỏa thuận” nầy.

9. TT xây dựng bđx có phá hoại cảnh quan không?. Thành phố Huế nói chung và chùa chiền, lăng tẩm ở Huế nói riêng được đồng bào trong nước và nước ngoài mến mộ vì cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời, không thành phố nào của nước VN còn có được. Cho nên UNESCO đánh giá Huế là một thành phố phong cảnh xanh đẹp, một bài thơ đô thị tuyệt tác. TT vạc đi 5.000m2 cảnh quan ngay bên trái trước lăng Khải Định làm Bđx là sự phá hoại Huế, dù có trồng cây xanh 25% trên diện tích bđx cũng không thể giữ được cảnh quan thiên nhiên. Hãy xem hai ảnh Flycam chụp cảnh quan xanh đẹp vốn có của lăng Khải Định và cảnh quan lăng Khải Định sau khi bị chính TT cho san ủi 5.000m2 để làm Bđx sau đây. (xem hình ảnh cuối bài).

TT giải thích vấn đề nầy như thế nào?

10.Phá hoại nơi tôn nghiêm linh thiêng. Các vua nhà Nguyễn nhờ thầy địa giỏi nhất trong nước tìm các địa yên tĩnh thực sự để xây dựng nơi an nghỉ nghìn thu cho các Ngài. Đọc Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh ta biết từ đầu Thế kỷ XX muốn đến chiêm bái các tôn lăng ở Huế thủ tục giấy phép khó khăn đến như thế nào. Các tôn lăng là nơi yên nghỉ nghìn thu của các Ngài, các Ngài đang nằm ở đó chứ không phải một nơi lưu niệm, một nơi vui chơi hội hè đình đám. Ngày nay chúng ta khai thác du lịch, hằng ngày đưa hàng ngàn người trong và ngoài nước đến tham quan các lăng đã khuấy động sự yên tĩnh thiêng liêng của các Ngài. Chúng ta chưa tìm được phương cách khắc phục, một việc còn đang phải chờ một phép mầu. Trong lúc chờ phép mầu thì TT làm ngược lại. Lấy 5000m2 đất ngay bên trái trước lăng làm Bđx. Ở đời có hai nơi phức tạp ồn ào nhất là chợ và đò. Bđx 5.000m2 gồm có đủ hai thứ đó: Chợ (các ki-ốt bán hàng lưu niệm, quán giải khát và hàng chục người buôn bán xách tay.v.v.) và đò (xe du lịch, xe hai bánh cũng là một loại xe đò). Hằng ngày sẽ có nhiều người lui tới bán buôn, hàng trăm xe lớn nhỏ đến đi đỗ rước khách, tiếng máy, khói bụi hòa lẫn với tiếng người kêu gọi, cười giỡn náo động cả chốn thâm nghiêm. Như vậy là TT phá hoại hay tôn tạo nâng cao giá trị lịch sử lăng Khải Định? Đề nghị TT giải thích yêu cầu nầy.
Tôi nêu 10 vấn đề cần phải chuẩn bị làm rõ. Đến khi hội nghị được tổ chức tôi sẽ nêu thêm nhiều vấn đề cần phải làm rõ khác nữa Đồng thời tôi cũng sẽ gởi đến hội nghị hàng chục vấn đề mà các nhà nghiên cứu độc giả đã phản ảnh với tôi qua e-mail và các comments trong Fb.

Với tuổi ngoài 80, thị lực chỉ còn ¼, đọc sách phải dùng kính lúp nhưng tôi vẫn phải phản biện dự án bđx lăng Khải Định như tôi đã phản biện cứu Đồi Vọng Cảnh, cứu Phủ Tôn Nhơn, cứu Địa đạo Khe Trái trước đây. Phản biện nầy không những để phục vụ tốt cho việc xây dựng bđx lăng Khải Định mà còn là một trải nghiệm để các ngành chức năng tham khảo khi xét duyệt các dự án có liên quan đến lịch sử văn hóa Huế và cũng qua trải nghiệm nầy người dân Huế biết được cái trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ di sản của tiền nhân để lại.

Tôi hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết ổn thỏa trong phạm vi tỉnh TTH, khỏi nhờ đến lãnh đạo cấp trên. Vì sự nghiệp bảo vệ lịch sử văn hóa Huế – di sản văn hóa của nhân loại, kính mong lãnh đạo Tỉnh và TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đặc biệt quan tâm, hội nghị sớm được tổ chức. Kính cẩn cám ơn.
Huế, ngày 9 thang 10 năm 2017

Nguyễn Đắc Xuân

Đ/c: 3/7 Nguyễn Công Trứ,
Đt: 0234.3823009 – 0914 20 39 44
E-mail: gacnhieuloc@gmailcom
Web: gactholoc.comcungdiendanduong.net

Tham khảo:

1. LUẬT DI SẢN VĂN HÓA NĂM 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nxb Chính Trị Quốc Gia, HN 2009. (Xem hình ảnh dưới đây)

2. Khu vực bảo vệ di tích, thắng cảnh
Nguồn: http://kienthucbatdongsan.org/?p=1352

Các di tích, thắng cảnh phải được bảo vệ theo các quy định của:
Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Nghị định 288/HĐBT ngày 31 – 12 – 1985 của Hội đồng Bộ trưởng quy định việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Thông tư số 206/VHTT ngày 22 – 7 – 1986 của Bộ Văn hóa (nay là Bộ văn hóa – Thông tin) hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Ghi chú: Theo các văn bản nêu trên thì:
Một di tích lịch sử, văn hóa là bất động hoặc một danh lam thắng cảnh có từ 1 tới 3 khu vực bảo vệ:
Khu vực 1: gồm bản thân di tích, thắng cảnh, là khu vực nghiêm cấm mọi thay đổi.
Khu vực 2: là khu vực bao quanh khu vực 1, chỉ được phép xây dựng bia, tượng đài, công trình văn hóa nhằm mục đích tôn tạo di tích.
Khu vực 3: bao quanh khu vực 2, được xây dựng những công trình dịch vụ nhưng phải hài hòa với không gian di tích, thắng cảnh.
Ở khu vực có mật độ nhà cửa cao, có thể không khoanh các khu vực 2 và 3.
Mọi công trình xây dựng trong 3 khu vực bảo vệ phải được Bộ Văn hóa – Thông tin cho phép.
Việc khoanh vùng bảo vệ tùy thuộc tính chất, giá trị của di tích, thắng cảnh, điều kiện đất đai, quy hoạch kinh tế của địa phương và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố đề nghị Bộ văn hóa – Thông tin ra quyết định, căn cứ vào quy định chung. Đối với di tích, thắng cảnh đặc biệt quan trọng, Bộ Văn hóa – Thông tin đề nghị Thủ tướng quyết định.
[…]
KTS. Ngô Huy Giao –Xây Dựng/ Bộ xây dựng

Những hình ảnh trong bài:
H.1. Cảnh quan xanh đẹp vốn có của lăng Khải Định.
H.2. TT Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho san ủi 5.000m2 bên trái trước lăng Khải Định để làm bãi đỗ xe.
H.3. Luật Di sản Văn Hóa năm 2001 được sửa đổi và bổ sung năm 2009

clip_image002

clip_image004

clip_image006

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1922604294727145&id=100009327789508

Comments are closed.