Sơn Nam – Bài học giữa hai đợt cà rỡn

Lê Học Lãnh Vân

Bài Bông ô môi trên cố thổ (Văn Việt, 23/10/2019) có viết về nhà văn Sơn Nam như sau: “Sơn Nam ưa cà rỡn, chuyện gì cũng cà rỡn được. Nhưng khi ông trầm lắng giữa hai đợt cà rỡn, tôi bắt gặp một thông điệp sâu xa, ấy là lúc ông suy ngẫm về nghề viết hoặc quê hương”.

Bài này viết về những bài học trong nghề Viết tôi thụ hưởng từ ông. Và, ngoài nghề Viết, tôi còn rút được những kinh nghiệm cuộc đời. Trước năm 1975 sự nghiệp của ông, tuy không thuộc hàng đồ sộ hay lộng lẫy nhất, nhưng có nét rất đặc biệt và được sự mến mộ từ đông đảo người đọc.

Tôi nói chuyện nhiều với ông trong những năm 1976-1984. Trước đó, tôi có một số ghi chép từ những nhân vật mà tôi hâm mộ. Ưa học hỏi, mới vào đời, tôi tìm đến các vị ấy với mục đích học. Mở thật rộng tai, mắt và ghi chép.

Đọc một số ghi chép của tôi, ông nói:

– Quí lắm. Để dành. Mấy chục năm sau mầy viết có tài liệu quí.

– Sao em thấy nó quê mùa, non nớt…

– Mầy bao nhiêu tuổi mà đòi già? Tao nói quí là tài liệu. Chừng đủ vốn sống rồi, tài liệu này là vàng đó nghe mậy…

Và ông khuyên:

– Khoan viết. Tiếp tục ghi chép. Hồi đó tao không có tài liệu nhiều như mầy, lại viết hơi sớm. Có những ý non, mà tới chừng biết thì đâu có viết lặp lại được. Đợi tới lúc đủ trễ, viết mới hay. Trong nghề viết, tài liệu quan trọng. Muốn quí cần thời gian. Đợi qua hết, người ta quên hết rồi, người ta muốn nhớ lại, lúc đó mới quí! Mầy còn trẻ lắm, đừng hấp tấp!

Thật là những khẩu quyết vô giá. Không biết tôi áp dụng được bao nhiêu phần! Càng lớn tuổi càng hiểu hơn và có kinh nghiệm áp dụng hơn…

Trong thời gian đó, Sài Gòn có hai nhân vật rất có tiếng tăm trong lãnh vực học thuật. Một vị là nhà sử học đáng kính lớn hơn ông Sơn Nam hơn một con giáp. Một vị là nhà hoạt động xã hội cùng thế hệ với Sơn Nam.

Vị giáo sư sử học cho rằng các tác phẩm của Sơn Nam đọc thì được, nhưng không có giá trị sử học và học thuật nói chung vì không có tài liệu tham khảo tin cậy. Rằng Sơn Nam chỉ viết hời hợt bên ngoài. Nhà hoạt động xã hội thì cho rằng ông Sơn Nam “Làm gì cũng không tới nơi tới chốn. Kháng chiến thì nửa mùa còn kiến thức thì tào lao!”. Tôi nghĩ những người lớn tuổi một chút, có giao thiệp với các nhân vật này hay làm việc trong lãnh vực liên quan có thể có người còn nhớ những nhận xét ấy.

Sơn Nam biết hết các nhận xét đó.

Ông luôn dành sự nể trọng cho nhà sử học đáng kính kia, nhưng ông có lập trường của ông. Ông cho rằng mình là nhà văn đường phố, gặp chuyện xảy ra là viết xuống liền. “Viết sách nghiên cứu cũng hay, nhưng viết nhựt trình cũng bổ ích. Mà viết nhựt trình đâu có thì giờ tra cứu, thấy gì, nghĩ gì là viết xuống liền.

Truyện của tao như đấu láo ngoài quán cà phê lề đường, không phải ngồi nghiên cứu tìm tòi trong thư viện.

Sơn Nam nói rằng thu thập kiến thức có nhiều lối. Có khi ngồi phòng đọc sách. Có khi ra xã hội quan sát. Sách vở nghiên cứu chỉ góc hẹp, cuộc sống rộng vô cùng.

Mầy tới nói chuyện với vợ chồng con nhỏ chiên cháo quảy. Mầy biết cách làm bánh, rồi biết tụi nó sống làm sao để làm bánh. Đêm ngủ mấy tiếng, thức dậy lúc mấy giờ. Biết ba má ông nội ông ngoại nó sống nghề này ra sao. Biết gia đình nó bên Tàu qua Việt Nam hồi nào, bằng cách gì, can cớ gì… Vừa hiểu nghề, hiểu người, hiểu đời, mà cũng vui nữa!

Về nhận xét của nhà xã hội học thì thật ra ông Sơn Nam cũng tự nhận mình chỉ biết chuyện tào lao. “Giả nói đúng đó chớ! Nghề của mình là lượm lặt rồi chắp nhặt mấy chuyện tào lao!

Các bậc lớn tuổi có ý kiến như vậy, tôi chỉ nghe và thấy điều nào có ích cho mình thì dùng. Chỉ biết bây giờ, tới nhiều thư viện, trong hay ngoài nước, cũng thấy không ít đầu sách của Sơn Nam, và có những tiểu luận, luận án dẫn tài liệu là sách của ông viết. Còn về quan niệm sáng tác của Sơn Nam, dù không nhận mình viết sử, quan niệm của ông lại trùng hợp một phương pháp viết sử mới, song song với phương pháp kinh điển. Phương pháp này khuyến khích rời xa hàn lâm, sách vở, người viết sử đi vào đời sống, ghi chép cuộc đời sống động chân thật. Sẽ có người tổng hợp các ghi chép để tiệm cận sự thật.

Có lần Sơn Nam nói với tôi là nhờ ông đứng ngoài tổ chức, ông thấy được nhiều thứ mà “tụi còn bên trong không thấy”. “Tụi đó học cao hơn tao, bén hơn tao, mà sao giờ thấy nhiều mặt tụi nó u mê. Chuyện rõ ràng ràng, dân chúng thấy hết mà tụi nó không thấy!” Tôi nghĩ rằng, một cách không chủ ý, ông đã trả lời nhà hoạt động xã hội kia, cũng là người quen biết ông, khi vị ấy nói rằng Sơn Nam làm gì cũng không tới nơi tới chốn và kháng chiến thì nửa mùa!

Sơn Nam thua anh chị Hai tôi khoảng chục tuổi. Chị tôi kêu ông bằng cậu, cậu em. Ông quen anh chị tôi từ thời chiến tranh chống Pháp. Hòa bình rồi cùng ra Sài Gòn sống, không biết sao không lui tới nhau, sau tháng 4 năm 75 mới gặp lại.

Anh tôi nói anh chịu, thằng này chơi được. Xa cách hai chục năm mà gặp lại tình anh em đi thẳng vào tim. Nó vô nhà mình cầm đũa ăn cơm nói chuyện như hồi đó ăn dưới xuồng! Mấy thằng thiệt tình, không khách sáo dễ chơi!

Còn Sơn Nam thì nói anh Hai mầy hồi đó ngon lắm nghen, tụi tao kêu anh Ba. Đàn anh hết thảy tụi tao. Ổng ở Long Châu Tiền, mà Tiền Hậu gì cũng lẫn lộn nhau. Ổng với anh Chín là anh lớn, chia nhau chánh phó, tụi tao em út tà lọt. Mà tụi tao khoái anh Hai mầy hơn.

– Sau 75 em mới biết chú thím Chín. Ổng bả thương em. Em thích ông bà. Tại sao anh không thích chú Chín? Ổng có gì không tốt hả anh?

Sơn Nam khoác tay:

– Có gì mà không tốt. Hồi đó nhiều người tốt. Anh Chín tốt, đàng hoàng, mà nghiêm quá, ít giỡn. Anh Hai mầy dễ dàng, vui tánh, chìu anh em. Chuyện gì cho qua được là cho qua!

Mấy thằng thiệt tình, không khách sáo dễ chơi” và “Chuyện gì cho qua được là cho qua”. Tôi lại rút được bài học về cách sống từ nhận xét của anh tôi về Sơn Nam, và từ nhận xét của Sơn Nam về anh tôi. Để bây giờ truyền lại cho các con tôi câu nói này: “Bằng cấp khó lấy nhứt là khi giao thiệp với người ta bên ngoài, được anh em nhận xét thằng này chơi được. Đó cũng là tấm bằng có ích lợi nhứt cho cuộc sống!”

Ngày 31 tháng 10 năm 2017

Comments are closed.