Bông ô môi trên cố thổ

Lê Học Lãnh Vân

Hương rừng Cà Mau là truyện tôi thuộc nằm lòng những năm đầu thập niên 1960, khi còn tiểu học. Và bài thơ mở đầu tập truyện đó thường được tôi ngâm nga diễn cảm vì gợi nhiều cảm xúc!

… Năm tháng đã trôi qua

Ray rứt mãi đời ta

Nắng mưa miền cố thổ

Phong sương mấy độ qua đường phố

Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…

Cảm xúc đó được truyền lại từ thế hệ bậc cha, chú, anh, chị của tôi, những người mà cuộc đời chịu ảnh hưởng hoàn toàn hay phần lớn bởi cuộc chiến chín năm 1946-1954 và cuộc chiến 1960-1975. Cuộc chiến đã đẩy rất nhiều người rời người thân, xa nơi chôn nhau cắt rún từ Nam Kỳ lục tỉnh, từ miền Nam Trung Kỳ, hoặc vào kháng chiến, hoặc làm thân lính Miền Nam, hoặc phiêu bạt tới Sài Gòn tìm một nơi kiếm sống nuôi gia đình tạm tránh đạn bom…

Hâm mộ Sơn Nam từ hồi học tiểu học, tới hai mươi mấy tuổi mới gặp ông ngoài đời. Ấy là lúc sau năm 1975, khi đất nước thống nhất và các nhà hoạt động văn nghệ có tham gia cuộc chiến chín năm được mời tham dự lớp bồi dưỡng đặc biệt. Đó là những người được chế độ mới coi như là “phe mình” nhưng bị đứt liên lạc nên không tiếp tục tham gia kháng chiến. Đứt liên lạc vì nhiều lý do, có người vì không muốn tham gia chiến tranh nữa, có người vì theo chính sách “điều lắng”[*] nhưng thời cuộc trôi nhanh và người phụ trách trong bưng được thuyên chuyển hay chết giữa chừng… Tham dự lớp bồi dưỡng đó tôi biết có soạn giả Năm Châu, nhà văn Mặc Khải, nhà văn Sơn Nam…

Các vị này là bạn của bậc trưởng thượng trong gia đình, và khi các vị họp lại thì tôi giữ vai tiếp tế bia mồi nên cũng hóng được nhiều chuyện hay.

Ông Năm Châu cằn nhằn: “Thằng Sơn Nam ăn nói không giữ miệng” và nhà thơ Kiên Giang nhận xét: “Chuyện gì mà chả hổng dám nói!”. Ấy là lúc Sơn Nam cà rỡn với nhà văn Mặc Khải: “Phải ông gả cổ làm bé cho tui đời cổ đâu có khổ!”. Cổ đây là nhà văn nổi tiếng Nguyễn Thị Thụy Vũ, sau tháng 4/1975 sống rất cực khổ nuôi đàn con nheo nhóc, rồi xiêu dạt lên Bình Long trồng tiêu. Lúc đó Sơn Nam đã có vợ con từ lâu. Mặc Khải cười khà: “Phải ông ở sạch một chút hổng chừng nó cũng ưng. Một cái áo bận mấy tuần!

Sơn Nam ưa cà rỡn, chuyện gì cũng cà rỡn được. Nhưng khi ông trầm lắng giữa hai đợt cà rỡn, tôi bắt gặp một thông điệp sâu xa, ấy là lúc ông suy ngẫm về nghề viết hoặc quê hương.

Những năm đầu thập niên 80, hằng ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng, Sơn Nam lê la khắp hẻm cùng chợ nhỏ, nói tào lao với anh mài dao, ông thuốc bắc, chị bán xôi… Lúc đó tôi vào đời được vài năm với nghề dạy học, kèm thêm nghề phụ thư ký hãng nhựa, có tiền mời ông cà-phê. Mỗi lần chiếc xe đạp với bộ thắng inh ỏi xóm rét-rét-rét dừng lại trước cửa, khỏi cần kêu tôi đã chạy ra. Ban ngày anh chị tôi bận đi làm suốt. Ông buồn, rảnh, đi chơi với tôi, người nhỏ hơn ông trên hai con giáp. Rảnh đi chợ với tao chút, chợ Vườn Chuối. Nhưng lộ trình thông thường của ông với tôi là khu tứ giác đường Nguyễn Đình Chiểu, Cao Thắng, Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám. Khu vực đó ôm trọn cư xá Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối và tòa đại sứ Miên trước 1975.

Luồn qua các con hẻm, Sơn Nam vừa dắt xe đạp đi vừa kể chuyện đời xưa. Xe đạp dắt mà lâu lâu cũng sút sên, vè sau lung lay vì con ốc bắt không dính. Hai tay tôi đầy dầu bụi đen, chùi vô quần không hết!

Chỗ này hồi đó có tiệm cà-phê. Hồi mới lên Sài Gòn tao ghé đây uống, mới là cái mái lá. Sáng sớm còn tối đen, xa xa đi chưa tới mà thấy đỏ đỏ cái đèn hột vịt là nghe ấm. Hồi đó nhớ cái tiệm dưới quê hết sức, tiệm thằng Chệt.

Nghe ông nói, tôi nhớ Ba tôi. Ông già làm công chức tiền chiến trước 1945, ở Long Xuyên, về hưu lên Sài Gòn. Mờ sớm, trong bếp sáng đèn, hai má con tôi đang ngồi bên ấm nước sôi trên bếp lửa ấm đỏ lách cách, ông dắt tay tôi nói với bà tui với thằng nhỏ ra cà phê nghe mình. Ngoài đường còn tối mịt, ông già mặc bộ đồ trắng đi trước, thằng nhỏ lóc cóc chạy theo tới tiệm nước ngã tư đường rầy, xéo xéo chợ Vườn Chuối, cũng đỏ đỏ cái đèn hột vịt với ông Chệt tư mùa vắt chiếc khăn lau bàn trên vai. Đó chính là cái tiệm Sơn Nam mới nhắc!

Tao biết ông già mầy. Ổng nhớ quê, lâu lâu buồn mà ở nhà hổng có hiểu. Ai mà hổng nhớ, bến nước, cây bần, cái quán, chiếc xuồng… Đờn bà tưởng tình cảm mà ít nhớ quê xưa, đờn ông mới tha thiết! Cũng như tình cũ vậy mà, đờn bà không được thì thôi, đờn ông cứ nhớ hoài…

Vẫn dẫn chiếc xe đạp cà tàng xuyên qua chợ, tới một sạp bán cá, ông dặn: “Để dành anh một con cá lóc cỡ bắp tay, trưa trưa ghé lấy”.

Hai anh em đi tiếp ra khỏi chợ bằng con hẻm đổ ra đường Vườn Chuối, ngồi trên hai cái ghế gỗ nhỏ xíu.

Tao biết sạp cá này từ năm sáu mươi. Bà già vợ thằng bạn kháng chiến, mấy năm trước bả còn bán. Cô nãy là con gái, em vợ nó. Hồi chín năm, có dịp ghé nhà thăm. Hai xóm cách nhau con kinh, đi chừng hai cây số. Gặp lúc Tây ruồng, bà già giấu tao dưới kinh, đợi tạm êm cổ chống ghe đưa đi trốn. Mầy có nghe bài vọng cổ Bông Ô Môi của Viễn Châu không? Hay thiệt!

Em bơi xuồng ba lá tiễn đưa tôi tới tận đầu làng, khi chia tay cả hai cùng bịn rịn nước mắt đôi dòng cứ ràn rụa trào tuôn” (Bông ô môi). Tao mê bài đó, lâu lâu nghêu ngao buồn muốn khóc! “Về đi em lo rẫy bái ruộng nương mình còn gặp gỡ khi thanh bình trở lại(Bông ô môi).

Chị cô đó, vợ thằng bạn kia, cũng chết rồi. Gia đình lên Sài Gòn tránh chiến tranh, ở xóm Chuồng Bò, ngả Sáu, ai dè năm Mậu Thân trúng pháo kích. Mầy thấy Viễn Châu ghê không, giả viết trúng phócNhưng súng đạn vô tình không tha nơi phật tự, giờ nó đã thành ra một sư nữ tật nguyền” (Bông ô môi). Anh chị mầy biết vợ chồng này!

Đời mấy anh, mấy anh thích bài đó cũng phải. Còn em, nghe các anh kể, ngó các anh sống, em cũng thấm. Chắc anh biết anh Hai thợ may. Hồi mới lên Sài Gòn, gia đình em mở tiệm may, ảnh làm thợ chánh. Khoảng năm 1966, lúc em biết biết rồi, ảnh qua cầu Rạch Ông ở, nghe nói chỗ đó ít thị tứ, hoang vu dễ hoạt động. Lâu lâu ảnh tới nhà kể chuyện bà con miệt dưới. Tát đìa, đặt lọp, dựng vợ, gả chồng con cháu…

Vừa nói, tôi vừa nhìn Sơn Nam. Ông ngó xuống đất, cặp kính xệ xệ nửa sống mũi…

Lên Sài Gòn mấy chục năm, tới giờ còn nhớ quê xưa, chòm xóm, tưởng mới hôm qua. Mấy năm trước về dưới, tụi nhỏ lớn lên lạ hoắc, còn lơ thơ mấy người quen cũ. Đời giờ kỳ lắm mầy ơi, Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư lộn tùng phèo!

Trước giải phóng, tao tính hòa bình về dưới sống. Bây giờ chắc ở trên đây luôn. Mình mất quê xưa, mình cũng mất luôn mình hồi trẻ! Mầy về nói lại với anh Hai, anh Năm mầy, mấy giả hiểu tao!

Ngày 31 tháng 10 năm 2017


[*] Sau hiệp định Genève, các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Một số, lại là số được đánh giá có lập trường kiên định, được phân công ở lại. Cấp trên phổ biến xuống rằng: “Các đồng chí hãy ở lại theo chính sách điều lắng, nghĩa là các đồng chí được điều động lắng vào, ẩn vào trong dân. Vậy, hãy hòa vào dân, tìm việc làm trong xã hội miền Nam, làm bất cứ việc gì cũng được, làm công chức cho chính phủ miền Nam cũng không sao. Cứ sống yên như một người dân bình thường, không tự mình vọng động, sau đó sẽ có người của tổ chức tới móc nối đưa trở lại vào đường dây hoạt động cách mạng. Việc các đồng chí tìm được một chỗ đứng hợp pháp tại miền Nam đã là một thành công rồi”. Do nguyên tắc bí mật, chỉ những người được điều lắng mới được thông báo (kiến thức do nói chuyện với các nhà cựu kháng chiến cùng lứa tuổi với Cách Mạng Tháng 10 Nga).

Comments are closed.