Sinh ra từ trứng (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Nguyễn Viện

Từ lâu, tôi vẫn nuôi ý định viết một tiểu thuyết nhằm lý giải phần nào cái hôn ám trong định mệnh lịch sử dân tộc Việt.

Dân tộc nào cũng có những huyền thoại hoang đường và hoang đàng. Khi người Việt chọn cho mình huyền thoại khai sinh và lập quốc bằng cuộc tình duyên Tiên – Rồng và sinh ra trứng, có vẻ như người Việt không thiếu lãng mạn, tự hào và huyền ảo. Nhưng với tôi, việc người Việt không có khả năng thiết lập văn tự cho mình là một kém cỏi đáng hổ thẹn nhất, bên cạnh các sáng tạo nghệ thuật. Chữ Nôm ra đời rất muộn và cũng chỉ là một vay mượn thất bại. Có lẽ vì thế, người Việt đã luôn sống bằng văn hóa của người khác, cho đến tận bây giờ. Huyền thoại một mẹ trăm con của cuộc phối ngẫu tiên – rồng trở thành một mặc cảm tự tôn an ủi tinh thần một dân tộc nghèo túng về văn hóa và luôn bị ngoại bang thống trị.

Điều kỳ diệu là chúng ta vẫn tồn tại như một dân tộc độc lập. Và cũng thật kỳ diệu là chúng ta vẫn lãng mạn, và tự hào, và tiếp tục huyền ảo. Đặc biệt, khi chúng ta anh dũng kiên cường đóng thế vai cho những biến động lịch sử mang tầm vóc thế giới. Một lịch sử như thế không thể không ám ảnh tôi hay những ai quan tâm đến vận mệnh đất nước.

N.V.

Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân.

Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.

(Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)

Căn phòng tầng áp mái

Tôi nằm trên sàn nhà. Mùi ẩm mốc của thời gian sưng tấy trong cổ họng. Mỗi lần nuốt nước bọt, tôi phải ngửa cổ ra phía sau mới không bị vướng. Rất khó để nằm im. Và khi không thể nằm im, từng bộ phận của cơ thể đều muốn lên tiếng. Chúng tôi oải… Những bức tranh (*) nhìn xuống tôi. Có bức là chân dung tự họa. Có bức là một đám đông. Có bức là tĩnh vật hoa. Có bức là một cô gái. Có bức là những con cá ngựa… Qua những thời kỳ khác nhau, mỗi bức tranh mang một âm sắc khác, nhưng không tránh khỏi cái đồng nhất về sự nhu thuận với cuộc đời cam chịu. Mỗi khi xoay người hay nằm sấp, tôi thấy vị trí của những bức tranh thay đổi. Đôi khi tôi cũng có cảm giác mình bị treo lên. Chênh vênh. Như tranh.

Treo lên lưng chừng trời hay nằm sấp trên mặt đất thì can hệ gì. Số phận tôi chỉ là một con cá nằm trên thớt. Thi thoảng quẫy đạp vào khoảng không. Liệu có ai không phải là cá nằm trên thớt? Cả Đức Chúa Trời và nỗi sợ hãi vô hình đều ở khắp mọi nơi.

Không thể nuốt trôi được cái khát, tôi cầm cốc nước đổ xuống mặt sàn. Cành hoa, cô gái và cả những con cá ngựa đều nói “Cám ơn”. Chúng tôi khát. Một ông già và một bà già ngồi trên hai đầu của cái bập bênh bằng gỗ tếch trong công viên cũng thì thào “Chúng tôi khát”. Mặt đất khát.

Trung Hoa lục địa khát. Tôi nghe thấy tiếng ai nói dưới sân. “Chúng ta sẽ mất vĩnh viễn cửa ngõ bơi ra Thái Bình Dương”. Ồ chỉ là những con cá ngựa… Tao nhận ra chúng mày. Câm miệng lại. Đấy lại là tiếng nói của bức tường. Tôi chắc chắn thế. Nhưng tôi không thể đập vỡ bức tường. Môi hở răng lạnh. Chúng mày chỉ nên quanh quẩn trong ao làng là đủ. Đụ nhau chỉ cần đến thế.

Treo. Khát. Bức tường.

Tôi nằm giữa mông lung. Chán ốm. Và tất cả mọi cơ quan đoàn thể trong người có ý kiến. Không thể chịu nổi, tôi bò dậy nấu nước pha cà phê. Ở đất nước trồng và xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới này, kiếm được một ly cà phê thật, nguyên chất ngoài quán là không tưởng. Tôi nói với mấy con cá ngựa, cái gì cũng giả chỉ trừ chúng mày. Màu cà phê đen như nước cống. Cặn bã là một liên tưởng bệnh hoạn. Bạn có khỏe không? Đây lại là một liên tưởng khác. Mọi việc cứ để Đảng và nhà nước lo. Cám ơn, tôi khỏe. Suốt đêm qua không ngủ, không phải thức vì coi bóng đá (một bãi cứt), mà tôi muốn nuôi một cơn mộng.

Cơn mộng của tôi thế này:

Tôi xét hỏi chúng nó, những nhân vật trong tranh, chúng mày từ đâu đến và âm mưu gì? Đừng nói với tao rằng chúng mày tạo dựng cái đẹp hay nhân văn mả mẹ con tườu, con khỉ gì đó. Chúng mày nhận tiền của bọn nước ngoài? Chúng mày muốn diễn biến hòa bình hay tay sai thế lực thù địch?

Thành thật khai báo sẽ được khoan hồng.

Nhưng một khi các con đã lãnh nhận sự khoan hồng, các con sẽ không bao giờ có thể trở lại là mình như trước được nữa. Nó là một vết thương khác không bao giờ lành.

Đó là một buổi sáng. Tia nắng hắt qua cửa sổ chạm vào cô gái. Mắt cô chỉ là một khoảng tối. Cô cúi đầu nhẹ nhàng bảo em còn trinh. Em không đi biểu tình chống chính quyền hay nước lạ. Em cũng không lầm lũi khiếu kiện mặc dù em là dân oan. Đất nhà em đã bị cưỡng chế không còn nữa vì thế em tá túc trong bức tranh này. Dạ, em chỉ biết có vậy.

Đó là một ngày mưa. Những giọt nước đi từ rừng ra biển. Những con cá ngựa thở ra bọt nước, chúng tôi ngửi thấy mùi lá mục, nhưng chẳng có vấn đề gì. Bề nào chúng tôi cũng phải thở và làm tình. Bề nào chúng tôi cũng phải kiếm ăn. Chuyện con đực mang thai không phải là lỗi của chúng tôi. Những dòng máu loang trên biển không can dự gì đến số phận chúng tôi hay đại sự của thế giới. Chuyện tàu bè đâm nhau hay xây đảo chìm hoặc đảo nổi cũng chẳng làm xáo động gì đến cuộc sống chúng tôi. Tại sao lại nhốt chúng tôi vào bức tranh này?

Đó là một buổi chiều khi nắng đã tắt. Bông hoa buồn rầu bảo, tất cả mọi rắc rối đều do hai ông bà già ngồi trên cái bập bênh đó. Phần tôi, tôi đã buồn ngủ và tôi cần đi ngủ. Đừng quấy rầy tôi. Tôi không biết gì hết. Mặc dù tôi biết mọi rắc rối trên đời này chỉ vì không ai đẹp và thơm như tôi.

Người đàn ông không có tóc. Ông ta bảo “Không phải tôi bị hói, nhưng tôi đã nhổ chúng ra khỏi da đầu. Tôi muốn như người bẩm sinh không có tóc để không ai nắm được tóc tôi”.

Nhưng người đàn bà tin rằng bà đã bắt được ông. Trọn gói, linh hồn và thể xác. Có vẻ như việc này không liên can đến ai, nhưng sự tình có vẻ không liên can đến ai ấy lại làm xáo trộn cả không gian vốn đã nhỏ hẹp này trở nên chật cứng. Câm nín và vọng tưởng.

Ngày nào cũng như ngày nấy. Ngấy đến tận cổ.

Tôi nói với người đàn ông trong bộ quần áo màu xanh úa, “Hãy cứ để cho đàn bà tin điều họ muốn tin, nhất là điều ấy lại mang đến cho họ sự tự tin và bình an”.

Người đàn ông ngọ nguậy như muốn nhấc mông khỏi chiếc ghế màu xám cháy nói, “Không được đâu ông ơi, để cho đàn bà nắm được mình thì còn gì là đàn ông”.

Tôi bật cười, hỏi: “Sao thế? Cứ cho đấy là ngục tù, nhưng là một thứ ngục tù cần thiết, phải không?”

Người đàn ông nói: “Coi chừng nhầm lẫn, việc ông bị bắt ở tù ngoài ý muốn với việc ông tự nguyện lao vào mê lộ là hai việc rất khác nhau”. Sau một chút im lặng, người đàn ông nói thêm, “Tôi muốn nói đến sự điên cuồng ấy. Mà ông đã bao giờ điên cuồng chưa?”

“Tôi à? Tôi cũng không biết nữa, bởi vì tôi lúc nào cũng là một người bị treo lên”.

“Không hiểu lắm, nhưng tôi có thể thông cảm với ông”. Người đàn ông trên chiếc ghế gỗ nói. “Tôi tưởng chỉ những người không còn nữa mới bị treo lên”.

Tôi bảo: “Một cách nào đó, tôi cũng không còn nữa”.

Màu xanh chung quanh người đàn ông đã nhá nhem thành rêu. Người đàn bà ngồi ở đầu ghế còn lại nói: “Tôi đã mất hết chỉ vì người đàn ông này”.

Tôi an ủi bà ta: “Thế giới có thể không thuộc về chúng ta, nhưng ít nhất chúng ta vẫn có thể ngắm nhìn chúng. Và ở trong đó, như bà biết đấy, có tất cả những thứ chúng ta muốn”.

Người đàn bà nói như thể thầm thì: “Tôi không còn thời gian nữa”.

Tôi hỏi: “Vậy bà còn chờ đợi điều gì?”

Bà ta nói: “Một tình yêu đích thực”.

Người đàn ông có vẻ không chịu nổi, ông nói xen vào: “Viển vông”.

Tôi hỏi: “Sao lại viển vông?”

Người đàn ông chỉ ậm ừ: “Cái loại đàn bà sinh ra từ trứng ấy…”

Tôi hỏi một lần nữa: “Tại sao người ta lại có thể chết vì những điều viển vông?” Không ai trả lời.

Tôi lại nghĩ một cách viển vông về những niềm hy vọng của chính tôi.

Tôi cần sửa lại căn hộ này bởi nó đang muốn sập như một cách tự hủy vì một lý do sâu xa nào đó tôi không hiểu. Những bức tranh có lẽ cảm thấy điều ấy rõ hơn tôi. Chúng thường tỏ ra lo sợ khi tôi bước vào phòng. Trần nhà được làm bằng một thứ vữa xưa cũ mỗi ngày rơi rụng một chút đã lộ ra cốt gỗ. Loang lổ. Mọi thứ loang lổ. Nhưng làm sao tôi có thể sửa khi tôi không thể thương lượng được với những căn hộ chung quanh và với những qui định về bảo tồn của nhà nước. Bởi vì chúng tôi là di tích quốc gia.

Một nỗi bùi ngùi tràn ngập lòng tôi. Cuộc đời đang thoát ra khỏi tôi. Thế giới này làm bằng gì? Tôi không biết.

Đứa con ngoại hôn

Thật ra, tôi chỉ nhìn thấy bà ta từ bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1931. Khi ấy, bà còn là một cô gái nhỏ, con của bóng tối và được một gia đình địa chủ cưu mang. Nhưng như tôi biết chính xác đó là đứa con ngoại hôn của lão phú hào với một cô gái trong huyền sử. Bà đẹp, trong thời kỳ rực rỡ của nền văn học nghệ thuật lãng mạn những năm trước 1945, cũng là những năm huy hoàng nhất của đời bà, sắc đẹp và sự nền nã Đông phương của bà được ca ngợi bởi hầu hết các nghệ sĩ từng biết đến bà. Cũng vì ảnh hưởng của thời kỳ lãng mạn đó, bà từ chối lời cầu hôn của một ông quan đã có vợ để đi theo một anh họa sĩ nghèo. Còn anh họa sĩ nghèo của bà cũng có một niềm lãng mạn khác, không phải làm cách mạng mà phục vụ cách mạng, vì chàng không có nhu cầu tự thân cho một cuộc nổi loạn nghệ thuật. Tình yêu của họ không vì thế mà mất đẹp, nhưng nghệ thuật của chàng như con chim chỉ mọc có một cánh, đã không bao giờ bay lên như tài năng bẩm sinh của chàng có thể cho phép. Sắc đẹp của nàng, tiếc thay, cũng lụi tàn theo thời gian. Trong tận cùng của nỗi khao khát trường cửu, nàng thất vọng cũng như tất cả những phụ nữ đẹp nhìn thấy tàn phai trong từng phần nhỏ nhoi của cơ thể. Niềm kiêu hãnh và sự vĩ đại của nhan sắc đã không có cơ hội được bộc lộ và xiển dương. Đôi khi nàng tự hỏi, “Có phải mình sinh ra từ trứng?” Câu trả lời hẳn nhiên cũng không kết luận được điều gì, nhưng ít ra nó lý giải phần nào về cái sinh mệnh không ra gì của mình.

Năm 1955, cả bố mẹ nàng đều bị cách mạng giết trong cuộc cải cách ruộng đất. Một lần nữa, cái cảm thức về nguồn gốc sinh ra từ trứng của nàng trở nên sâu đậm hơn, nó nhấn chìm nàng vào sự mông lung nhân thế. Nó cũng tách rời nàng khỏi cái bản thể nối con người với niềm tin về một chốn quay về.

Bố mẹ chết. Nàng trở thành đứa trẻ mồ côi vĩnh viễn. Nhưng sự đơn độc không phải là phán quyết cuối cùng đối với cuộc đời nàng, mà nàng đón nhận được trong ngày tang tóc ấy, cái định mệnh từ xa xưa này: nàng cũng sẽ chỉ sinh ra trứng như huyền thoại về tổ tiên mình.

Tôi hoàn toàn tin rằng người ta có thể  được sinh ra từ trứng cũng như đẻ ra trứng. Tôi cảm nhận được tính vô danh của con người trong câu chuyện này, vì thế tất cả các nhân vật đều không tên tuổi và họ thường bị lẫn lộn vào nhau bởi tính vô danh của nó, cũng có thể vì cuộc đời như tôi thấy, vốn chằng chịt vay mượn và lập lại, nhất là trong một giai đoạn lịch sử nào đó, con người cũng thường có những mảnh đời giống nhau như trong một vận mệnh chung, mà có thể họ vô tình hay cố ý tiếp nối và bổ sung cho nhau.

Người đàn ông mặc bộ  đồ nỉ đỏ

Giờ đây, chỉ còn người đàn ông ngồi một mình trên băng ghế gỗ. Chỉ nhìn được từ phía sau, giữa màu xanh của cây cỏ và bầu trời, cái vật thể màu đỏ bằng nỉ mang dáng đàn ông nổi lên giống như một phiến đá nghịch thường, lặng lẽ. Cái bùi ngùi chảy từ tôi qua ông giữa buổi chiều cô quạnh. Không có ai hay bất cứ con vật nào như chó mèo quanh quẩn ở đấy. Tôi không biết ông ta nhìn gì ở phía trước. Có thể ông ta nhìn mà không nhìn. Mọi thứ đều có trong ông ta, trong bộ đồ nỉ đỏ đó như một nhà ảo thuật. Dù không nghĩ ông ta kiếm sống bằng nghề làm ảo thuật, nhưng tôi lại tin rằng ông ta có thể tạo ra được nhiều điều kỳ diệu như móc trong túi ra một cánh rừng, một đàn chim, hoặc thậm chí một người đàn bà…

Một không gian của hoài niệm dấy lên từ mặt đất những dấu chân mờ mịt giả định ông ta từ đâu đó, đi đến và ngồi xuống. Người họa sĩ đã vẽ ông như một hành trình, mặc dù chẳng có một hành trình nào. Ông ta đã ngồi xuống như một định mệnh, muôn thuở. Ở đó, ông ta hóa thân thành sự im lặng.

Sự im lặng không phải là không thể đối thoại.

Tôi nói từ phía sau lưng ông ta, “Tôi muốn được ngồi như ông và chết”.

Ông ta trả lời, “Xin mời, chẳng có gì ngăn cản ông…”. Giọng ông ta như một tiếng chuông khô cứng lạnh lẽo.

Chiếc ghế không có lưng dựa, tôi ngồi xuống phần đầu ghế còn lại và quay người về phía sau, ít ra tôi cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt mình để nói chuyện.

Một nỗi xao xuyến tràn ngập lòng tôi và tôi không biết nên mở lời như thế nào với ông ta. Đối thoại là một nhu cầu khẩn thiết nhưng vô ích, tôi tự nhủ. Khi ấy tôi thấy một đàn chim bay qua và những giấc mộng của con người lềnh bềnh cuối tầm mắt. Rồi tôi trở nên xa vời. Và sự xa lạ ấy làm tôi trở nên cùng quẫn, bối rối. Tôi nói mà cũng không nhất thiết để cho người đàn ông kia nghe, “Tôi không cảm thấy mất mát điều gì nhưng tôi quá bùi ngùi. Nếu như tôi có thể làm ảo thuật, tôi muốn móc từ trong túi ra một lọ kem bôi mặt, sau khi bôi xong tôi sẽ biến hình thành bất cứ một cái gì đó mà một ai đó muốn nhìn thấy”.

Người đàn ông nói mà không nhìn tôi, “Ông có khả năng để làm một họa sĩ”.

“Tôi không mong ước điều đó. Tôi chỉ muốn làm một trò chơi”. Tôi nói.

Ông ta hỏi, “Ông đã từng có ít nhất một người đàn bà chứ?”

“Không hẳn. Nhưng mơ tưởng thì nhiều”. Tôi thú nhận.

Người đàn ông nói, “Đàn bà là một trò chơi lớn”.

Tôi hỏi, “Sao ông không tiếp tục?”

“Thực ra, tôi vẫn chơi trò chơi ấy, cho dù người đàn bà đã bỏ đi”.

Tôi nói, “Thế thì bi kịch quá”.

Người đàn ông bảo, “Cái khoảng trống trên bức tranh mà ông thấy không có nghĩa là thiếu vắng nàng. Cũng không phải hoài niệm, nàng vẫn hiện hữu như một lý cớ cho sự tồn tại của tôi cũng như bức tranh”.

Tôi nói, “Xin lỗi không phải vì tò mò, tôi thật sự đau đớn khi không còn nhìn thấy nàng ở đây”.

Người đàn ông hình như mỉm cười, ông ta nói, “Chỉ là một trò chơi trốn tìm thôi”.

Tôi muốn nói như thế thì hơi trẻ con, nhưng tôi lại nói “Ông không buồn chứ?”

Người đàn ông bảo ông không còn biết thế nào là buồn hay vui. “Có lẽ điều này phải hỏi ông họa sĩ”.

Ông họa sĩ

Ông kéo cao cổ chiếc áo khoác dày che giấu một phần khuôn mặt. Không biết má ông hóp vì gầy ốm hay do miệng ngậm ống vố, khiến ông có vẻ khắc kỷ một cách rất “triết gia”. Đôi mắt liếc xéo, hai con ngươi lệch hẳn về phía bên phải dưới bờ trán thoáng có nếp nhăn lại giúp ông trông linh hoạt và nghệ sĩ. Khi ông cúi xuống bập một hơi thuốc, tôi không có cảm giác về một cái gì vừa bị mất đi. Không một hơi khói nào tỏa ra. Tuy nhiên, khuôn mặt ông dường như dịu lại.

Ngày nào tôi cũng gặp ông ở quán cà phê này. Tôi biết có những phác thảo đã hiện ra giữa cái ồn ào của một quán nước, nơi mà ai cũng muốn tỏ ra mình lịch lãm. Tôi không hề muốn làm quen hay nói chuyện với ông mặc dù ông không tỏ ra hợm hĩnh hay kiêu bạc như những thứ nghệ sĩ giẻ rách vẫn lăng quăng ở chỗ đông người. Tôi thích nhìn ông như thể ông là một tác phẩm do tôi sáng tạo hơn là chính bản thân ông. Bởi vì như thế tôi có thể suy đoán ông và làm chủ lấy mình. Nhưng sự thâm trầm nơi ông chỉ cho tôi thấy một quá khứ giông bão và có phần hiu hắt.

Tôi không biết giữa ông họa sĩ và người đàn ông mặc bộ đồ nỉ đỏ đã gặp nhau như thế nào, nhưng tôi hoàn toàn tin rằng cái không gian giữa họ phải là một màu vàng đất.

N.V.

Comments are closed.