Kamel Daoud
Phạm Nguyên Trường dịch
Trong các cuộc nổi dậy của Mùa Xuân Ả Rập và sau đó, Camus dường như đang lẩn khuất giữa đám đông.
Ngày 04 tháng 1 năm 1960, Albert Camus, nhà văn và triết gia người Pháp sinh ở Algeria đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi ở Pháp. Ông để lại một ngôi mộ ở đất nước này, còn những cuốn sách thì dành cho thế giới, và ông cũng để lại một di sản kỳ lạ trong thế giới Ả Rập.
Tác phẩm nổi tiếng nhất, cuốn tiểu thuyết Người Dưng (L’Etranger), xuất bản lần đầu vào năm 1942, nói về Meursault, một người Algeria gốc Pháp, sau khi tham dự đám tang của mẹ mình, đã hạ sát một người Ả Rập vô danh. Trong một thời gian dài, phái Tả ở trong thế giới Ả Rập không tha thứ cho Camus vì vụ một người đàn ông vô danh tình cờ bị giết trên bãi biển đó. (Một học giả đã quá cố, ông Edward Said, từng coi Meursault là “biểu hiện của thái độ thực dân một cách vô thức”). Không nghi ngờ gì rằng đây là vụ giết người mang tính biểu tượng, vì người Ả Rập trong các tiểu thuyết của Camus chỉ đơn giản là những cái bóng, những người không hề có tên tuổi gì và đỉnh cao của sự vô danh, vô hình của họ được thể hiện rõ nhất trong hai cuốn tiểu thuyết Dịch Hạch (La Peste) và L’Etranger. Chỉ có có trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng, cuốn Con người đầu tiên (Le premier homme), được xuất bản sau khi Camus đã chết, thì độc giả mới thấy một người Ả Rập bằng xương có thịt và có tên tuổi.
Quan điểm của Camus trong giai đoạn diễn ra cuộc chiến tranh giải phóng Algeria hồi những năm 1950 còn làm người ta hận ông hơn nữa. Tác giả cuốn của Con người nổi loạn (L’homme révolté) đã không lên tiếng khi người Algeria chiến đấu chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp, cho đến khi ông đưa ra lời tuyên bố nổi tiếng – ý nghĩa của nó đã bị người ta bóp méo – ở Stockholm vào năm 1957, khi ông nhận giải Nobel văn chương: “Giữa công lý và mẹ tôi, tôi chọn mẹ”.
Chủ nghĩa phi lý mà Camus mô tả trong các tác phẩm của mình, chính là bài tụng ca lòng can đảm khi đối mặt với những hiện tượng không thể giải thích được, là thách thức đối với chế độ toàn trị, đã không được giới trí thức Ả Rập trong giai đoạn phi thực dân hóa tiếp thu. Nhà cách mạng trong thế giới Ả Rập không phải là homme révolté (con người nổi loạn) của Camus. Và nói chung, các trường học của chúng ta người ta không dạy Camus.
Hiện nay, trong thế giới Ả Rập, người ta lao vào Hồi giáo để tìm triết lý về sống và chết, đấy là cách tư duy được sinh ra khi tinh thần độc lập bị phá hủy, khi sự tiến bộ bị đập tan và không có triết lý nào đủ sức thay thế cho sự hồi sinh của tôn giáo. Vào đầu những năm 1990, tại cuộc họp của các sinh viên Hồi giáo trong một trường đại học ở Algeria, người ta đã nghe được những lời kêu gọi tử hình Camus, mặc dù, trên thực tế ông đã chết từ lâu.
Người ta đã lên án triết gia vì tội gì? Bây giờ đã không phải còn là vụ giết người Ả Rập trong tác phẩm L’Etranger, mà là vụ giết Thượng Đế trong tác phẩm L’homme révolté và Thần thoại Sisyphus (Le Mythe de Sisyphe). Chủ nghĩa phi lý là cuộc tấn công vào Thượng Đế. Những người Hồi giáo Algeria, tức là những người đầu tiên tìm cách khôi phục chế độ của các Caliphate và lập kế hoạch đảo chính nhân danh thánh Allah, không hiểu sao, đã bị Camus – một người thực dân, sinh ra dưới ánh nắng mặt trời của Allah, trên đất Algeria, người cổ động cho triết lý chứa đầy sự chân chân thành kì lạ của một vị thánh vô thần – ám ảnh. Họ hiểu rất mù mờ về Camus, thông qua chủ nghĩa phi lý, ông đã lột trần tất cả những thứ mà người ta cố tính che giấu dưới những lời rao giảng và những cuốn kinh. Thật là một bước ngoặt kỳ lạ. Dưới ánh nắng của mặt trời sa mạc, chiến binh thánh chiến (jihadist) giết Meursault, nhưng bây giờ Meursault là bất kỳ du khách nào nằm dưới bóng mát dưới những tảng đá, bên bờ biển hoặc hồ bơi.
Kể từ mùa xuân Tunisia năm 2011, người Ả Rập cũng đã trở thành các nhà cách mạng. Trong các cuộc nổi dậy và sau đó, Camus dường như đang lẩn khuất giữa đám đông. Ít nhất là những cuốn sách của ông, hoặc một câu nói, hoặc một cách tư duy, hoặc biện pháp đấu tranh với sự phi lý về mặt chính trị của chế độ độc tài. Ít nhất là cuốn L’homme révolté đã có mặt giữa những đám đông như thế. Khái niệm về khởi nghĩa mà nhà văn nâng lên thành định mệnh đang thấm vào toàn bộ quá trình hồi sinh về mặt chính trị.
Nhưng Camus không phải là cha đẻ của mùa xuân Arab. Ông chỉ trình bày một lối thoát ra khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà các nhà cách mạng đã gặp trong suốt nhiều thế hệ: nếu tôi nổi loạn, người Hồi giáo sẽ nắm quyền lực; nếu tôi không nổi loạn, các nhà độc tài sẽ tiếp tục nắm quyền. Trên thực tế, đây là một cái bẫy cực kỳ phi lý vì sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm của Camus là cần phải tham gia vào cuộc đấu tranh toàn diện và sâu sắc: lật đổ cả các nhà cai trị độc tài lẫn thánh thần. Chặt đầu tổng thống mà không tiến hành cải cách tôn giáo, không đấu tranh chống lại tôn giáo thì sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Cách mạng trong thế giới Ả Rập chỉ thành công khi nó động chạm đến cả đất lẫn trời – nghĩa là, động chạm đến quyền lực chính trị và quyền lực độc đoán của Hồi giáo.
Ghi chú:
Kamel Daoud là tác giả cuốn The Meursault Investigation (Cuộc điều tra Meursault), được đưa vào danh sách ngắn các tác phẩm dự giải Goncourt năm 2014. Bài báo này do Yamina Hellal dịch sang tiếng Anh.
Nguồn: http://www.ft.com/intl/cms/s/0/a5191184-051f-11e5-9627-00144feabdc0.html